‘Đem thứ tha vào nơi lăng nhục…’
Jnewsvn.com – “Nếu trong một ngày, người ấy phạm tội bảy lần với con, rồi bảy lần đến nói: ‘Tôi ăn năn,’ thì con cũng hãy tha thứ!’” (Lu-ca 17:4). Vấn đề không phải bao nhiêu lần người làm tổn thương ta, mà vấn đề là ta có thể tha thứ cho họ bao nhiêu lần…
Trong Ma-thi-ơ 18, Phi-e-rơ hỏi Chúa: Nếu người khác phạm tội cùng ông ấy, thì ông phải tha thứ cho họ bao nhiêu lần? Chúa Jesus đáp: “Không phải đến bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy”.
Chúa Jesus không trả lời rằng chúng ta sẽ tha thứ “bảy mươi lần bảy” với điều kiện gì. Không! Đó là tha thứ vô hạn, vô điều kiện, là tha thứ theo kiểu Chúa – vô điều kiện – còn tha thứ kiểu con người là có điều kiện.
Đức Chúa Trời đã tha thứ chúng ta trong Đấng Christ cách vô điều kiện, nên chúng ta cũng phải tha thứ người làm tổn thương chúng ta vô điều kiện. Tân ước có 3 từ nói về sự tha thứ mà tôi gọi là ‘Ba chìa khoá tha thứ’, giúp ta học đi từ kinh nghiệm tha thứ đến thứ tha:
- Tha thứ là tự do: “Hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ” (Lu-ca 6:37)
- Tha thứ là quên đi: “Xin tha tội cho chúng con, như chính chúng con cũng tha kẻ mắc tội với chúng con” (Ma-thi-ơ 6:12).
- Tha thứ là ban ơn: “Anh chị em hãy đối xử với nhau cách nhân từ, thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:32).
Tha thứ là lấy thiện trả ác. Đừng lấy tổn thương trả tổn thương, vấp phạm trả vấp phạm, cay đắng trả cay đắng; mà lấy thiện trả ác, yêu thương trả hận thù, tha thứ trả cay đắng, ân huệ trả vấp phạm!
Thật ra, tha thứ không chỉ là cử chỉ cao thượng, mà còn là cử chỉ Thiên Thượng – cử chỉ giống Chúa. Nếu bạn muốn giống Chúa? Hãy tha thứ!
Hãy đọc và suy gẫm lời cầu nguyện bất hủ của thánh Francis: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa; để con đem yêu thương vào nơi oán hờn; đem thứ tha vào nơi lăng nhục; đem tin kính vào chốn nguy nan; đem ánh sáng vào nơi tối tăm; đem niềm vui đến chốn u buồn… Để con tìm an ủi người hơn được người ủi an; tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu; vì chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh; chính khi thứ tha là khi được tha thứ; chính lúc chết đi là lúc vui sống muôn đời”.
Mục sư Ngô Minh Hòa
(Trích sách ‘Đời sống sung mãn’; Ảnh: Unsplash)