Nơi bà Ma-ri đã sống những ngày cuối đời
Jnewsvn.com – Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), một trong số địa điểm Cơ đốc giáo hấp dẫn nhất của quốc gia này là ngôi nhà nhỏ – được cho là nơi ở những ngày cuối đời của bà Ma-ri, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus.
Ngôi nhà nằm bên ngoài thành cổ Ê-phê-sô (Ephesus), cheo leo trên sườn núi Bulbul, thuộc thành phố Izmir (hay Smyrna) – thành phố cảng lớn thứ nhì sau Istanbul, đông dân thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông Anatolia bên bờ Aegean, rìa của vịnh Izmir, biển Aegea.
Ngôi nhà cổ kính này rất thu hút du khách, nhất là tín đồ Công Giáo, Tin Lành và một số tôn giáo thờ Trời khác, có tên là ‘Ngôi nhà của Ma-ri ở thành Ê-phê-sô cổ’.
Cách lối vào ngôi nhà không xa có một hồ Báp-tem hình lỗ khóa (ảnh), nơi các thành viên của Hội Thánh đầu tiên làm Báp-tem nước.
Theo Kinh Thánh, sau khi bị đóng đinh, Đức Chúa Jesus giao việc chăm sóc mẹ Ngài cho Giăng – “môn đồ Ngài yêu” (Giăng 19:25-27) – tác giả của sách Khải huyền. Đây cũng là lần cuối bà Ma-ri được Kinh Thánh đề cập, sau khi bà cùng Hội Thánh đầu tiên nhóm lại và cầu nguyện ở ‘Phòng cao’ (Công vụ 1:13-15), trước Lễ Ngũ tuần, nơi Đức Thánh Linh giáng lâm lần đầu trên Hội Thánh qua những chiếc ‘lưỡi lửa’.
Sách Công vụ các sứ đồ chép sau khi Đức Chúa Jesus chịu chết, cuộc đàn áp tín đồ Cơ đốc gia tăng, các môn đồ Ngài phân chia khu vực để rao giảng Tin Lành, và Giăng được giao nhiệm vụ ở Tiểu Á – nay là Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chuyên gia nghiên cứu Kinh Thánh và lịch sử cho rằng Sứ đồ Giăng đã tử đạo và được chôn cất tại Jerusalem như anh trai ông – Sứ đồ Gia-cơ. Nhưng không ít người khác cho rằng sau khi Chúa Jesus phục sinh rồi thăng thiên, ông Giăng đến thành Ê-phê-sô mang theo bà Ma-ri để phụng dưỡng. Sau đó ông bị bắt, bị đày đến đảo Bát-mô – nơi ông viết sách Khải huyền. Sau khi mãn hạn lưu đày, ông trở về Ê-phê-sô rồi qua đời và được chôn cất tại đây.
Và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa thêm bằng chứng thuyết phục, đó là bên cạnh ngôi nhà bà Ma-ri còn có ngôi mộ của Sứ đồ Giăng (ảnh).
Ngôi nhà được tìm thấy lần đầu năm 1891, và được trùng tu trên cái nền có từ thế kỷ thứ 1 đến thứ 4. Một số phần của ngôi nhà có niên đại từ thế kỷ thứ 7. Là lần trùng tu cuối cùng được thực hiện vào năm 1951. Nội thất của tòa nhà khá đơn sơ. Có một căn phòng nhỏ bên phải, và căn phòng lớn có bức tượng bà Ma-ri cùng một số tác phẩm nghệ thuật được bảo quản khá nghiêm ngặt: cấm chụp ảnh, quay phim…
Đối diện lối ra của ngôi nhà có cửa hàng bán quà lưu niệm. Trong khuôn viên có các vòi nước để du khách rửa mặt, rửa tay (ảnh); nhưng nhiều người cho nước đó có khả năng… chữa bệnh, nên họ không chỉ uống, mà còn hứng đem về.
Tương tự Bức tường phía Tây (Western Wall) hay ‘Bức tường than khóc’ trên Núi Đền ở Jerusalem; trong vườn nhà bà Ma-ri cũng có ‘Bức tường ước nguyện’ (quy mô nhỏ hơn), nơi các tín hữu Công Giáo để lại vô số mẩu giấy ghi những lời cầu nguyện, những điều ước… (ảnh).
Dù sao, đây cũng là một địa điểm du lịch, một trải nghiệm hấp dẫn với ý nghĩ rằng đây là ngôi nhà của người phụ nữ được Đức Chúa Trời chọn để Chúa Jesus được hoài thai, giáng sinh làm người, cứu cả nhân loại; rằng bà Ma-ri đã sống, đi lại, làm việc, rao báo Phúc Âm và về với Chúa ở chính nơi này.
Tinh Văn lược dịch
(Nguồn: ChristianPost I Ảnh: nhiều nguồn)