Blog

I. Các kỹ năng cơ bản

1. Bón vôi

Hầu hết các loại rau không thích hợp với đất chua, mà ưa đất có độ pH trung tính (pH 6-7) *. Đất tại một vài nơi ở Kontum là đất chua, có nồng độ a-xít cao. Nếu nơi ta sống là đất chua thì ta nên bón vôi trước khi gieo hoặc trồng để cây trưởng thành tốt hơn.
Vôi cũng có tác dụng diệt nấm trong đất. Lưu ý:
– Bón vôi với tỉ lệ 50 – 100g (một nắm tay)/ 1m2, và nên bón ít nhất một tuần trước khi gieo/trồng.
– Đừng lạm dụng vôi. Nếu dùng quá nhiều vôi một lần, rau không hấp thụ được những
thành phần quan trọng trong đất như Măng-gan và sắt.

2. Dùng phân ủ để bón đất

Song song với việc bón vôi, ta dùng phân ủ (hoặc phân gia súc đã hoai mục) để bón cho rau trước khi gieo trồng. Có ba cách: a) Bón lên bề mặt chỗ đất trồng, cả khu vực trồng, b) Bón lên bề mặt của chỗ đất trồng, trong các luống, và c) Bón xuống tầng đất dưới. Ta có thể chọn một trong ba cách tùy thuộc vào từng loại rau cụ thể.

a) Bón lên bề mặt của luống, cả khu vực trồng:
Rải đều phân ủ và vôi lên bề mặt nền đất, và trộn đều với đất
– Áp dụng cho các loại rau ăn lá như cải ngọt, rau muống, rau tần ô, cải bắp…

 

b) Bón lên bề mặt của chỗ đất trồng, trong các luống:
Làm các luống sâu nơi mảnh đất trồng, và cho phân ủ và vôi vào các luống
– Áp dụng cho dưa leo, đậu, và cà tím…

c) Bón xuống tầng đất dưới:
Đào rãnh (hoặc hố) có độ sâu 20-30 cm. Cho phân ủ và vôi vào rãnh (hoặc hố) và làm chỗ đất trồng ngay bên trên rãnh. Thêm phân ủ và vôi vào chỗ đất trồng và trộn đều vào đất.
– Áp dụng cho các loại rau dài ngày như cà tím, khoai tây, tiêu xanh…

 

 

3. Làm luống

Chỗ đất trồng cần rộng khoảng 1,2 m và cao 15 cm. Các luống này có thể được sử dụng để trồng các loại rau khác nhau, liên tục trên cùng một mảnh đất trồng. Mỗi lần làm luống, trước hết ta phải dọn sạch cỏ, xới đất và làm khô đất (phơi ải) dưới ánh mặt trời khoảng 7-10 ngày để diệt mầm bệnh và rễ cỏ.

4. Bón dặm

Ta phải cho thêm chất dinh dưỡng (phân hóa học hoặc phân ủ) khi rau đang lớn để có vụ mùa tốt. Nhìn chung, bón lần đầu tiên tuần sau khi trồng hoặc sau khi hạt nảy mầm. Lần bón thứ 2 cách lần đầu 15-20 ngày. Sau đó bón đều đặn mỗi lần cách nhau 15-20 ngày.
Bón phân gần cây trong lần đầu tiên, lần thứ hai bón ra xa một ít. Bón ra xa từng ít một mỗi lần sau đó. Mỗi lần bón phân, xới bề mặt đất giữa các cây lên và vun đất xung quanh cây (thêm đất vào chỗ đất trồng/xung quanh cây)
Phân u-rê thường dùng để bón dặm. Ta có thể dùng phân gia súc phơi khô tán nhỏ thay cho phân u-rê.

5. Gieo

Có 3 cách gieo: a) gieo theo lỗ, b) gieo theo hàng và c) gieo rải.

 

a) gieo theo lỗ : Gieo 2-5 hạt vào một chỗ (áp dụng cho đậu, cải bắp/cải xanh)

b) gieo theo hàng : Gieo hạt theo hàng hoặc theo dải hẹp (áp dụng cho rau muống, rau bina)

c) gieo rải : Gieo hạt khắp chỗ đất trồng (áp dụng cho cải ngọt và các loại rau ăn lá khác)

Làm phẳng bề mặt chỗ đất trồng bằng một tấm ván trước khi gieo

 

 

 

6. Lấp đất lên hạt

Hạt nên được lấp đất sau khi gieo; thường có độ dày gấp 3-5 kích thước của hạt. Nếu đất có hàm lượng đất sét nhiều, ta có thể lấp đất lên hạt ít hơn một chút.

Sau khi lấp đất lên hạt, ta phải dùng tay ấn nhẹ đất xuống. Nếu gieo theo cách rải ta có thể dùng một tấm ván mỏng để ấn. Sau đó, phủ bổi và tưới nước.

 

7. Tưới nước

Rau dùng rễ để hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng. Vì thế sau khi gieo hạt và trồng cây con, ta phải tưới nước. Ở nơi có khí hậu nóng, ta nên tưới nước vào buổi chiều khi trời mát, và nước sẽ làm giảm nhiệt độ trong đất.

8. Phủ bổi

Việc tưới nước và mưa làm bắn đất lên và khiến các lá rau ở bên dưới có thể bị nhiễm bẩn, và do đó có nguy cơ bị sâu bệnh tấn công. Việc phủ bổi giúp tránh đất bắn rau khi tưới hoặc khi trời mưa, và đồng thời giữ được độ ẩm cho đất.

 

9. Trồng hàng rào quanh vườn rau

Làm hàng rào quanh vườn nhà với những vật liệu sẵn có để bảo vệ rau khỏi bị vật nuôi và gia cầm phá hoại.

 

II. Cách trồng rau ăn lá

1. Cải ngọt

Chuẩn bị đất
– Dọn sạch cỏ, xới đất và phơi ải dưới ánh mặt trời khoảng 7-10 ngày để diệt sâu bọ và rễ cỏ.
– Lên luống và rải lên đất một ít phân ủ (hoặc phân gia súc đã hoai) và vôi bột (50-100g/1m2). Sau 5-7 ngày thì có thể gieo hạt được.

Gieo hạt
– San bằng chỗ đất trồng bằng một cái cào hoặc một tấm ván. Kích thước của hạt rau ăn lá rất nhỏ, vì vậy đất bên trên chỗ đất trồng nên được đánh tơi. Nếu không, hạt sẽ không nảy mầm đều được.

– Rải hạt: cố giữ khoảng cách tối thiểu giữa các hạt là 1cm. Dùng tay hoặc một miếng ván ấn nhẹ hạt xuống đất rồi phủ nhẹ đất lên hạt. Phủ chỗ đất trồng bằng rơm, trấu, hoặc tro trấu, rồi sau đó tưới nước.

Chăm sóc vườn rau và thu hoạch
– Tưới nước: 2 lần/ngày
– Tỉa và thu hoạch:

Sau khi tất cả rau đã nảy mầm, nhổ đi những cây quá nhỏ hoặc quá cao để giữ khoảng cách giữa các cây ở khoảng 3-4 cm. Tưới nước sau khi nhổ bớt để ổn định các cây còn lại.

 

Tiếp tục nhổ bớt (thu hoạch) cho đến khi khoảng cách giữa các cây đạt tới 10-15 cm

 

Thu hoạch bằng cách nhổ cây lên sau khi gieo được 30-35 ngày.

 

– Bón thêm phân: lúc cây ra được khoảng 3-4 lá, bón phân u-rê. Hòa 5g u-rê với một lít nước và dùng bình tưới để bón, rồi tưới nước một lầm nữa. 10 ngày sau lần bón đầu tiên, bón tiếp lần thứ hai. Lần này ta không cần hòa u-rê với nước nữa mà có thể bón trực tiếp bằng tay, với tỉ lệ 10-15g/1m2 . Sau đó tưới nước. Ta có thể dùng phân gia súc phơi khô đánh tơi thay cho phân u-rê.
– Ta cũng nên trồng sả xung quanh các luống rau để xua đuổi một số loại côn trùng, sâu bệnh.

Trong trường hợp trồng cây con
Rải hạt vào trong một vườn ươm nhỏ, và sau khi gieo 10 ngày ta có thể lấy cây con để trồng. Khoảng cách giữa các cây khoảng 15cm là phù hợp.
Nên trồng vào buổi chiều lúc thời tiết mát mẻ. Nên cắt bớt rễ cái của cây con để tăng số lượng rễ phụ (rễ trắng nhỏ), và bón thêm tro vào trước khi trồng. Tưới nước ngay sau khi trồng.

5 ngày sau khi trồng, dùng một cái que để xới đất và bón phân u-rê. Hòa 5g u-rê với một lít nước và dùng bình tưới có vòi sen để bón, sau đó tưới nước một lần nữa. 10 ngày sau lần bón đầu tiên, cần bón tiếp lần thứ hai. Lần này có thể bón trực tiếp bằng tay, với tỉ lệ 10-15 g/1m2 . Sau đó tưới nước. Ta có thể dùng một lượng ít phân gia súc phơi khô đánh tơi thay cho phân u-rê.

2. Rau muống

Chuẩn bị đất
Áp dụng phương pháp tương tự như với cải ngọt (đọc bên trên).

Gieo hạt
Dùng phương pháp ‘gieo theo hàng’. Làm phẳng bề mặt chỗ đất trồng, sau đó đánh luống (sâu khoảng 1cm) và dùng một miếng ván phân các luống cách nhau 15cm. Gieo hạt theo hàng, khoảng cách giữa các hạt 3-5cm. Phủ bổi và tưới nước.

Chăm sóc và thu hoạch
Nên cắt rau cách mặt đất 4-5 cm. Sau khi thu hoạch, cần xới bề mặt đất giữa các cây bằng một cái que (tre, thép) rồi cho phân ủ vào. Sau 20-25 ngày ta lại có thể thu hoạch tiếp.

 

III. Cách trồng đậu và rau ăn quả

1. Đậu đũa

Chuẩn bị đất
– Dọn sạch cỏ. Xới đất và phơi đất dưới ánh mặt trời khoảng 7-10 ngày để diệt sâu bọ và rễ cỏ dại.
– Làm luống (rộng khoảng 1,2m, không bón phân ủ và vôi). Đánh 2 rãnh cách nhau 60 cm, sâu 10 cm và rộng 10 cm.
Bón phân ủ (hoặc phân chuồng đã hoai) dày 2 cm và vôi (khoảng 50 g/1m2) lên các rãnh và trộn với một ít đất.
* Nếu có điều kiện, ta có thể bón thêm phân lân (30 g/1m2) lên các rãnh.

– Không lấp đất hoàn toàn lên rãnh (để rãnh có thể đón được nước). Sau khi chuẩn bị đất khoảng 3-5 ngày thì có thể gieo hạt.
Gieo hạt
Dùng phương pháp ‘gieo tại chỗ’, với khoảng cách giữa mỗi chỗ là 20-25 cm. Nên gieo 2 hạt tại mỗi chỗ như vậy.

Chăm sóc
– Tỉa thưa: Không cần thiết
– Bón phân: 20 ngày sau khi gieo, bón phân ủ theo hàng cách cây 10cm; dọc theo cây, và trộn vào đất.
* Nếu có điều kiện, ba ngày sau khi bón phân ủ ta nên bón phân NPK với tỉ lệ 40-50 g/1m2

15-20 ngày sau khi bón lần đầu tiên, bón u-rê (35-40g/1m2); dùng tay trực tiếp bón vào đất, sau đó tưới nước.
* Nếu có điều kiện, bón thêm phân kali với tỉ lệ 10-15 g/1m2

– Làm giàn đỡ: (xem hình bên dưới)

2. Dưa leo

Chuẩn bị đất
Áp dụng phương pháp giống như với đậu đũa, nhưng chỉ nên đánh một rãnh lên chỗ đất trồng.
* Việc phơi đất dưới ánh mặt trời (phơi ải) nên được thực hiện triệt để vì dưa leo có nguy cơ bị sâu bệnh tấn công khá cao.

Xử lí hạt giống trước khi gieo
Ngâm hạt vào nước trong 2 tiếng đồng hồ. Vớt hạt ra, và ủ hạt trong tấm vải ướt. Giữ trong 2 ngày, và sau đó gieo hạt.

Gieo hạt
Sử dụng phương pháp theo lỗ. Khoảng cách giữa các lỗ là 30 cm. Mỗi lỗ gieo 2 hạt.

Chăm sóc<- Tỉa thưa: Đến lúc cây ra được 3-4 lá, giảm số lượng cây xuống còn 1 cây/1 lỗ. Chọn một cây khoẻ mạnh và cắt bỏ các cây khác trong lỗ. Không nên nhổ cây vì điều này có thể gây tổn hại đến rễ của cây khỏe. Sau đó nên phủ bổi và tưới nước.
– Bón phân : Dùng phương pháp tương tự như với Đậu đũa.
– Làm giàn đỡ: Giống như với Đậu đũa.

3. Cà tím

Thông thường người ta thường ươm cây con trong bầu và sau đó trồng ra ruộng để giảm đi nguy cơ hư hại trước khi cây cho quả. Nhưng nếu ta chỉ trồng vài cây chỉ để ăn trong nhà, ta có thể gieo hạt trực tiếp xuống chỗ đất định trồng.

a) Nếu ta trồng chỉ một ít cà tím thì nên gieo trực tiếp vào lỗ trồng
Chuẩn bị đất
– Tương tự như các loại rau khác, làm sạch cỏ và xới đất, phơi khô đất dưới ánh mặt trời khoảng 7-10 ngày để diệt sâu bọ và rễ cỏ.
– Đào lỗ (mỗi cây một lỗ) rộng 30cm và sâu 20cm. Bón phân ủ (hoặc phân chuồng đã phân hủy) một lớp dày 2-3 cm và vôi (50g/1m2 ) vào lỗ, sau đó đánh vồng khoảng 15 cm trên chỗ vừa gieo hạt.

Rải một ít phân ủ và vôi lên luống và trộn với đất.

Xử lý hạt trước khi gieo
Cà tím thường đòi hỏi thời gian tương đối dài để có thể nảy mầm. Ta có thể làm ngắn
quá trình này và giúp cho quá trình nảy mầm đồng đều hơn bằng cách xử lí hạt giống
trước khi gieo. Ngâm hạt trong nước khoảng 4-5 giờ.
Vớt bỏ các hạt nhẹ nổi lên trên mặt nước và chỉ lấy những hạt chìm.

Vớt các hạt chìm ra và ủ trong một tấm vải cotton. Giữ hạt ở nơi thoáng mát cần duy trì độ ẩm bằng cách thỉnh thoảng tưới nước.
Gieo hạt sau khi thấy hạt đã nảy mầm (thường xảy ra trong vòng 3 ngày).

Gieo trực tiếp
Dùng phương pháp theo lỗ. Gieo 2-3 hạt đã nảy mầm vào mỗi chỗ; khoảng cách giữa
các hạt là 6-7 cm. Phủ một lớp đất mỏng lên hạt và dùng rơm để phủ bổi, và sau đó
tưới nước.

Chăm sóc
– Tỉa thưa: Khi các cây con đạt đến độ cao 10 cm, ta nên chọn một cây khoẻ mạnh vàcắt bỏ những cây còn lại.
– Bón phân: 10-15 ngày sau khi nảy mầm, cần bón phân u-rê bằng cách hòa 8 gram phân u-rê trong 1 lít nước, rồi dùng bình tưới có vòi sen để bón. Sau đó tưới nước. 20-25 ngày sau lần bón phân đầu tiên, cần xới đất và bón thêm phân ủ (hay phân chuồng đã hoai). 3 ngày sau, phủ đất lên chỗ đất trồng/xung quanh cây.
Sau đó, bón phân đều đặn mỗi lần cách nhau 20-25 ngày.
* Nếu có điều kiện, bón thêm phân NPK (15-15-15) với tỉ lệ 40-50 g/1m2
– Tỉa bớt và làm giàn đỡ: tỉa định kì các nhánh yếu. Chọn 2-3 nhánh khoẻ và cột vào giàn đỡ để cho các nhánh này có thể lớn nhanh.
– Thu hoạch: Việc thu hoạch có thể bắt đầu 75 ngày sau khi trồng. Nếu ta chăm sóc tốt, cà tím có thể thu hoạch được trong vòng 3-9 tháng. Đối với cà đắng , việc thu hoạch có thể kéo dài trong 1-3 năm.

b) Nếu trồng nhiều cà tím nên xử lí hạt và lên luống
Chuẩn bị đất
Áp dụng phương pháp tương tự như với Đậu đũa, nhưng chỉ làm một rãnh sâu 10 cm và rộng 30 cm trên chỗ đất trồng
Xử lí hạt giống trước khi gieo
Như trên
Ươm cây con
– Chuẩn bị một mảnh đất nhỏ để ươm giống: làm sạch cỏ và xới đất, phơi ải đất dưới ánh mặt trời khoảng 7-10 ngày để diệt sâu bọ và rễ cỏ; rải vôi và phân ủ lên đất và làm một chỗ đất trồng. Chuẩn bị chỗ ươm 3-5 ngày trước khi gieo hạt.
– Gieo hạt đã nảy mầm thành hàng ở khoảng cách 4-5 cm. Phủ nhẹ đất lên hạt và phủ rơm lên, sau đó tưới nước.
– 10-15 ngày sau khi hạt nảy mầm, cần bón phân u-rê bằng cách hòa 8 gram phân u-rê với 1 lít nước, và dùng bình tưới có vòi sen để tưới. Đừng quên tưới thêm nước sau khi bón phân.
– Ta có thể trồng cây con khi chúng đạt đến độ cao 10 cm (25-30 ngày sau khi nảy
mầm)

Chăm sóc
– Trồng : Ta phải hoàn thành việc chuẩn bị đất 3-5 ngày trước khi trồng.
Nhổ cây con lên và trồng ngay. Việc nhổ và trồng nên được thực hiện vào khi chiều mát.
Trước khi trồng nên cắt ngắn rễ cái và phủ tro lên rễ trước khi trồng. Trồng cây con cách nhau 50 cm. Phủ bổi và tưới nước ngay sau khi trồng.
– 15-20 ngày sau khi trồng, xới đất và bón phân ủ (hay phân chuồng đã hoai) và phân
NPK (15-15-15) với tỉ lệ 40-50g/1m2. 3 ngày sau, phủ thêm một ít đất lên chỗ đất trồng. Sau đó định kỳ bón phân ủ và NPK, mỗi lần cách nhau 20-25 ngày.

IV. Hướng dẫn cơ bản cho dân làng: cách trồng gừng

1. Chuẩn bị đất

[Bước 1] : khoảng 3 đến 4 tuần trước khi trồng
Làm rãnh sâu khoảng 15 cm. Rải vôi (hoặc tro) vào trong rãnh; 100g/1m2. Bón phân bò hoai xuống rãnh khoảng 3-4 cm. Lấp phủ bề mặt phân bò với đất.
[Bước 2] : Ngay sau khi trồng
Bón phân (NPK 10-10-10) trên rãnh khoảng 50g/1m2. Lấp rãnh với đất màu. Đánh dấu vị trí trồng.

✔ Khi trồng, không cho củ chạm trực tiếp vào phân hoá học.
✔ Nếu sử dụng phân bò chưa hoai mục thì bước 1 phải được thực hiện từ 3-4 tuần trước khi trồng. nếu dùng phân ủ thì 2 tuần là đủ.

2. Chọn giống

Chọn các củ giống tốt, không bị bệnh và to mập. Tách củ gừng ra làm hai mảnh và mỗi mảnh nặng từ 60-70g và phải có mầm. Nhúng phần gừng bị cắt vào tro bếp trước khi trồng.

3.Trồng

Đặt hom giống cách nhau 30 cm. Mầm hướng lên trên. Dùng đất phủ lên gừng với độ dày khoảng 5-6 cm, không nên lấp quá sâu.
* Số gừng giống cần thiết: khoảng 350 kg cho mỗi sào 1000m2

4. Bón phân hoá học

15-20 ngày sau khi trồng, bón phân (NPK 15-15-30), rắc phân lên trên luống; tỉ lệ 50 g/1m2, sau đó dùng đất lấp lên.
1 tháng sau khi trồng, bón thêm phân (NPK).
* Trong lần bón phân thứ hai có thể giảm lượng phân N.P.K
bằng cách dùng phân bò khô để bón.

 

5. Phủ bổi

Gừng mọc tốt trên đất có độ ẩm và do đó cần phải che phủ bề mặt luống với rơm hoặc cỏ hoặc các vật liệu khác.
✔ Che phủ mặt đất cho gừng rất quan trọng trong trường hợp gừng bị nắng trực tiếp hoặc khí hậu khô hạn.

 

.

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact us to get quotations and collaborating opportunities


    Close menu