Vừa qua, Bộ Nội Vụ đã công bố một chính sách mới trong việc thu thập Bằng chứng y tế trong quá trình xin tị nạn. Bằng chứng y tế được xem là một trong những thành phần quan trọng nhất trong quá trình xin tị nạn vì nó cho thấy người xin tị nạn có các vấn đề về sức khoẻ, tâm thần, và có lý do hợp lý để xin tị nạn tại Anh. Trong lần cập nhật này, Bộ Nội vụ đã có những thay đổi lớn giúp cho quá trình thu thập bằng chứng y tế trong quá trình xin tị nạn được dễ dàng và thuận tiện hơn. Hãy cùng Visa Anh Quốc điểm qua các thay đổi đáng chú ý nhé.

1. Bằng chứng y tế từ ai sẽ được Bộ Nội vụ chấp nhận khi xem xét tị nạn?

Trước đây, quy định việc thu thập bằng chứng y tế để xem xét tị nạn từ các GP hoặc các tổ chức y tế ngoài “Helen Bamber Foundation” và “Freedom from Torture” bị xem là khá rắc rối và thiếu tính hệ thống, từ đó tạo ra sự khó khăn cho người nộp hồ sơ xin tị nạn.

Với lần cập nhật này, người nộp hồ sơ xin tị nạn được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thu thập bằng chứng y tế. Cụ thể, ngoài Helen Bamber Foundation và Freedom from Torture, họ có thể thu thập bằng chứng y tế từ các chuyên gia đủ điều kiện tại các tổ chức y tế khác nhau như GP và các tổ chức có danh tiếng. Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng bằng chứng y tế được cung cấp bởi các chuyên gia đủ điều kiện và kinh nghiệm nên được công nhận nếu trình độ, kinh nghiệm, và bằng chứng y tế đáp ứng được các quy định hiện tại.

Như vậy, với quy định mới này, có thể thấy rằng người xem xét hồ sơ tị nạn của Bộ Nội vụ không thể phớt lờ các bằng chứng y tế được cung cấp bởi các chuyên gia đủ điều kiện chỉ bởi vì lý do người viết ra báo cáo, cho dù là bác sĩ, nhà tư vấn, bác sĩ lâm sàng hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe không đủ trình độ để đưa ra chẩn đoán, bao gồm cả tình trạng sức khỏe tâm thần.

2. Các loại bằng chứng y tế nào sẽ được Bộ Nội vụ chấp nhận xem xét hồ sơ xin tị nạn?

Một tin vui khác cho những người xin tị nạn là theo quy định mới nhất này, các bằng chứng y tế không những có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như đã đề cập ở trên, mà còn có thể được nộp dưới nhiều dạng khác nhau. Đó có thể là bản báo cáo giám định tư pháp (Medical Legal Report), hoặc có thể là phiếu hẹn y tế. Phiếu hẹn hoặc báo cáo về sức khoẻ có thể được chấp nhận là bằng chứng y tế cho thấy rằng người tị nạn có vấn đề tiềm ẩn về sức khoẻ và người xem xét hồ sơ của Bộ Nội vụ có nghĩa vụ phải xem xét trong quá trình duyệt hồ sơ xin tị nạn.

3. Thời hạn để thu thập và cung cấp bằng chứng y tế

Một điểm bất lợi trong chính sách mới này chính là việc phỏng vấn xin tị nạn sẽ không bị hoãn lại chỉ vì người nộp đơn đang đợi kết quả của việc giám định sức khoẻ, trừ khi có đủ bằng chứng từ người nộp đơn hoặc luật sư của họ cho cho thấy rằng việc phỏng vấn cần được hoãn lại.

Một điểm đáng chú ý khác là nếu người nộp đơn chưa thể nộp bằng chứng y tế vào thời điểm phỏng vấn, thì sẽ được gia hạn thêm 5 – 10 ngày làm việc để cung cấp bằng chứng cho thấy họ đang có nhu cầu về chăm sóc hoặc trị liệu sức khoẻ. Ngoài ra cũng có các mốc thời gian đáng chú ý khác như 28 ngày cho các bằng chứng y tế cần nhiều thời gian để thu thập hơn, và 5 tháng cho báo cáo giám định pháp y từ các tổ chức y tế nổi tiếng.

4. Liệu bằng chứng y tế có được xem xét nếu nộp sau thời hạn nêu trên?

Nếu Bộ Nội vụ đã đặt ra một thời hạn để người nộp hồ sơ xin tị nạn cung cấp bằng chứng y tế mà người nộp đơn lại nộp sau thời hạn đó thì Bộ Nội vụ vẫn phải xem xét bằng chứng đó nếu tại thời điểm nộp bằng chứng, Bộ Nội vụ vẫn chưa đưa ra quyết định.

Nguồn: Quy định về bằng chứng y tế trong xin tị nạn ngày 05/08/2021.