GIẢI PHÁP CHO NHÀ TÁI CHẾ TIẾP CẬN VỐN TỪ EPR ️
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế vận hành dựa trên nguyên lý biến rác thải đầu ra trở thành tài nguyên đầu vào, từ đó giảm thiểu chất thải, giảm ô nhiễm, giảm khai thác tài nguyên nhưng cũng đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của thế giới, cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn được luật hóa tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng được đưa ra tại bộ luật này.
Trên thực tế, EPR không phải là quy định mới, đã được nhắc đến trong quy định pháp luật về bảo vệ môi trường gần 20 năm nay, tuy nhiên chưa được thực hiện do nhiều vướng mắc. Đến nay, EPR tiếp tục được đưa vào luật với cách tiếp cận mới, yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đối với hoạt động tái chế, xử lý chất thải phát sinh từ chính sản phẩm của mình.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, EPR như là “viên gạch đầu tiên” xây dựng nền công nghiệp tái chế đạt chuẩn. Bởi lẽ, không chỉ làm gia tăng nhu cầu tái chế chất thải, EPR còn tạo ra dòng tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ cho ngành công nghiệp tái chế. Từ đó, ngành tái chế có cơ hội để từng bước “lột xác”, rũ bỏ hình ảnh manh mún, lạc hậu để trở thành một ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cơ hội từ EPR không phải dành cho tất cả, mà chỉ những nhà tái chế đạt chuẩn về chất lượng, tuân thủ tốt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường mới nhận được dòng tài chính. Để doanh nghiệp tái chế tận dụng hiệu quả cơ chế EPR, tại lễ kỷ niệm 2 năm thành lập Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, ông Hùng đưa ra một số gợi ý.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện quy định về định mức chi phí tái chế (Fs). Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ cho một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế.
Xác định Fs là yêu cầu cơ bản để định lượng trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo cơ chế EPR. Fs được xác định hợp lý sẽ tạo ra nguồn tài chính ổn định tương ứng với lượng sản phẩm, bao bì phải được thu gom, tái chế để hỗ trợ cho ngành công nghiệp tái chế.
Từ đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế mong muốn các hội viên Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tích cực đóng góp để đưa ra mức Fs khớp với thực tế.
Thứ hai, cơ hội từ EPR dành cho các đơn vị tái chế có năng lực, do đó, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cần tuyên truyền, phổ biến cho các hội viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp tái chế để nắm bắt thông tin, chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
Ông Hùng gợi ý, các doanh nghiệp tái chế cần tích cực thay đổi công nghệ, nâng cao năng lực. Đối với các đơn vị, cơ sở nhỏ lẻ, có thể triển khai phương án liên kết lại với nhau để đáp ứng đủ các điều kiện nhận hỗ trợ.
Cuối cùng, ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam chưa thực sự phát triển, do đó, Vụ trưởng Hùng đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ngành tái chế tăng cường về mặt vốn và công nghệ. Ông Hùng mong muốn, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cùng với Văn phòng EPR và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức thêm các diễn đàn, sự kiện nhằm quy tụ, kết nối nhà tái chế, cùng nhau trao đổi, hợp tác và chuyển giao công nghệ.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế khẳng định, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ đồng hành, hỗ trợ Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam thực hiện đúng sứ mệnh quy tụ ngành tái chế để cùng phát triển và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Ngược lại, Vụ trưởng đề nghị Hiệp hội tích cực hỗ trợ các thành viên thực hiện tốt hoạt động, từng bước nâng cao tỷ lệ tái chế tại Việt Nam
(Nguồn từ The Leader)
Bình luận