Ghi nhận tại Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), tính đến ngày 30/11/2021, SHTP đã thu hút được 26 dự án công nghiệp hỗ trợ, tổng vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ đạt 512,72 triệu USD; trong đó, có 14 dự án trong nước, vốn đầu tư khoảng 163,35 triệu USD và 12 dự án FDI, vốn đầu tư khoảng 349,37 triệu USD. Giá trị gia tăng nội địa cho sản phẩm xuất khẩu từ 10% năm 2010, đến nay đã đạt trên 20% và Ban Quản lý đang cùng doanh nghiệp phấn đấu đạt 35% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư vào SHTP sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, với trên 50 dự án công nghệ cao; trong đó, có từ 1 – 2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2021 – 2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước. Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, số lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên đạt trên 45% tổng số lao động…
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp tổng giá trị thu hút đầu tư vào SHTP là 7,6%. Đồng thời, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh, tạo môi trường sản xuất công nghệ cao lý tưởng cho doanh nghiệp FDI và tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư dự án công nghệ cao mới trong tương lai. Định hướng của SHTP là ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, SHTP tập trung vào 4 mũi nhọn vi điện tử – công nghệ thông tin – viễn thông; cơ khí chính xác – tự động hóa; công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; năng lượng mới – vật liệu mới – công nghệ Nano theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Để nâng cao tính lan tỏa của dự án tại SHTP như phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao; kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI với doanh nghiệp trong nước, SHTP hình thành chuỗi cung ứng trong nước xoay quanh các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) về phát triển chuỗi cung ứng nội địa công nghệ cao, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi khu chế xuất – khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghệ cao.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các hoạt động với ba đơn vị sự nghiệp SHTP cũng như với nguồn vốn gồm: Kích cầu đầu tư, liên kết các ngân hàng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu… Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển (R&D) trong doanh nghiệp; gắn kết nghiên cứu, thiết kế và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.
Nguồn: Bộ Công Thương Việt Nam