Khu công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng được xác định là một trong “Tứ sơn” có vai trò tối quan trọng trong phát triển kinh tế, đô thị hóa cũng như liên kết vùng giữa khu vực đồng bằng và miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào KCN công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng
Được xác định là trung tâm kinh tế động lực phía Tây của tỉnh, lại nằm trong 3 trên 6 hành lang kinh tế, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu vực và các vùng phát triển trong tỉnh như: Tuyến đường kết nối quốc lộ 47 với đường Hồ Chí Minh; đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Nghi Sơn, đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân, đường kết nối từ Thị trấn Thọ Xuân đi Khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng…
Xác định được vị trí vai trò quan trọng của huyện Thọ Xuân trong chiến lược phát triển của tỉnh nên các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh, phát triển Thọ Xuân đến năm 2030 đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2021–2025 đề cập. UBND huyện Thọ Xuân cũng ban hành kế hoạch hành động, từng bước triển khai nhóm nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.
Nghị quyết đã nêu rõ định hướng tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, đi kèm với xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu; đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trên cả nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.Hiện nay công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đặc biệt được chú trọng. Trong đó đã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của đô thị Lam Sơn – Sao Vàng cũng như quy hoạch phân khu khu nông nghiệp công nghệ cao…, hiện một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp do doanh nghiệp đầu tư đã bắt đầu khởi động.
Nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng trở thành trung tâm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới huyện Thọ Xuân sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp như:
Tập trung xây dựng Đề án phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu trở thành huyện công nghiệp, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030 để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Từ đó, xin phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện, gắn kết chặt chẽ định hướng phát triển của huyện với định hướng phát triển của tỉnh thông qua quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế đó, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành hoàn thành quy hoạch điều chỉnh đô thị Lam Sơn – Sao Vàng làm cơ sở để thực hiện các quy hoạch phân khu.
Huyện cũng triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 bám sát thực tiễn yêu cầu phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư đúng tiến độ cam kết. Cùng với đó, huyện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên kêu gọi các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao như sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất thiết bị vật tư y tế; thiết bị viễn thông, thiết bị chiếu sáng, công nghiệp phụ trợ, các dự án công nghệ sạch, thân thiện với môi trường…
Quy hoạch phát triển Khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng
Theo Quy hoạch, cấu trúc phát triển đô thị huyện Thọ Xuân sẽ hình thành 2 trung tâm với trung tâm hành chính, chính trị đặt tại thị trấn Thọ Xuân hiện tại và Khu vực Lam Sơn – Sao Vàng sẽ trở thành Trung tâm kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao – du lịch và dịch vụ thương mại. Khu vực trọng điểm của thành phố tương lai này cũng được định hướng để xây dựng thư viện khoa học – kỹ thuật, bảo tàng lịch sử các triều đại nhà hậu Lê tại khu vực Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trường đào tạo nghề, phân viện đại học để tập trung đào tạo các ngành…
Đồng thời, Khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng sẽ trở thành đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật cấp vùng. Nơi đây là trung điểm của nhiều tuyến giao thông quan trọng như tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối hai đầu Nam – Bắc; tuyến Quốc lộ 47 nối hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh; nơi đây còn là đầu mối của tuyến Quốc lộ 47B nối Cảng hàng không Thọ Xuân đi Ninh Bình…
Đặc biệt, khu vực này chiếm lợi thế khi có cảng hàng không ngay trong lòng đô thị, hiện đã được Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt thành cảng hàng không quốc tế. Thuận lợi về giao thông sẽ là đòn bẩy giúp vùng đất Lam Sơn – Sao Vàng phát huy được lợi thế, khơi dậy các dư địa phát triển để cất cánh.
Đến nay, địa phương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến xây dựng, phát triển các khu đô thị kiểu mẫu…, tuy nhiên cần thu hút thêm các tập đoàn lớn nhằm phát triển đồng bộ thương mại, dịch vụ và khu đô thị để tạo điểm nhấn, từng bước khẳng định vai trò trung tâm trọng điểm phía Tây không chỉ của tỉnh Thanh Hoá mà còn cả khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước của Khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng.
Theo moituongvadothi