Trước lo ngại bội thực nguồn cung KCN khi số lượng KCN mới mở tại nhiều địa phương tăng mạnh, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng không lo vì quy hoạch KCN có kế hoạch, quy định chặt chẽ. Lý giải số lượng KCN mới tăng, TS Khương cho rằng nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, dồn nén quá lâu giờ mới mở. Ngoài ra, sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam thu hút nhà đầu tư cũng đã tạo điều kiện cho BĐS công nghiệp bùng nổ những tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, theo TS Khương, để thu hút “đại bàng” là các tập đoàn đa quốc gia thì Việt Nam không chỉ cần có các KCN quy mô lớn mà còn phải làm tốt nhiều yếu tố về hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, thủ tục hành chính…
“Đặc biệt, các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn, tay nghề cho các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao. Vì hiện nay các KCN thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là ưu tiên những nhà đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, không chọn lĩnh vực thâm dụng lao động” – TS Khương nói.
Ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đổi mới mô hình phát triển KCN theo hướng sinh thái. Mô hình này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp. Ngoài ra, môi trường này cũng sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và toàn cầu.
Các bước đi cụ thể có thể thực hiện là nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hạn chế phát thải tối đa và thí điểm chuyển đổi trước một số KCN theo mô hình KCN sinh thái để rút ra cách làm hiệu quả nhất.
Theo ông David Jackson, các KCN cần tạo được sự liên kết với nhau để phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistics. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp.•
Giá cho thuê đất KCN Việt Nam thấp hơn Thái Lan, Indonesia
Theo báo cáo ngành BĐS KCN trong năm 2022 của SSI Research, giá đất KCN ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, thấp hơn 20%-33% so với Indonesia và Thái Lan.
Theo Colliers, giá thuê tại các trung tâm KCN như Bogor – Sukabumi, Tangerang và Bekasi ở Indonesia cao hơn 42%-51% so với các trung tâm KCN tại Việt Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Hải Phòng.
Tuy nhiên, SSI Research dự kiến giá thuê đất KCN tại Việt Nam ước tính tăng 8%-9% tại miền Nam và 6%-7% tại miền Bắc vào năm 2022. Sự khan hiếm về nguồn cung KCN tại TP.HCM và Hà Nội diễn ra trong bối cảnh nhu cầu đất công nghiệp, nhà xưởng và kho bãi tăng cao là nguồn cơn khiến cho giá thuê BĐS công nghiệp không ngừng gia tăng.
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM