Rà soát việc thực hiện các dự án FDI quy mô lớn

  13/07/2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3409/BKHĐT-ĐTNN ngày 25/5/2022 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn.

Theo đó, đối tượng rà soát thuộc các dự án FDI có vốn đăng ký từ 100 triệu USD trở lên; dự án có diện tích đất sử dụng từ 50 ha trở lên; dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích đất sử dụng từ 2 ha trở lên.

Việt Nam tiếp tục là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo thông tin liên quan tới tình hình góp vốn, giải ngân vốn đầu tư; việc thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy phép đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Việc thực hiện các cam kết về tiến độ triển khai dự án; tình hình sử dụng đất và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; việc chấp hành các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (các loại thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất…; tình hình sử dụng lao động và chấp hành Luật lao động; và tình hình chấp hành các quy định về môi trường, đảm bảo về môi trường.

Trong trường hợp có sự chậm trễ hoặc chưa thực hiện đúng các mục tiêu tại giấy phép đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các quy định của pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan đăng ký đầu tư nêu rõ thực trạng và lý do.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo các cơ quan đăng ký đầu tư tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất sửa đổi luật pháp, chính sách để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.

Theo đó, các địa phương tập trung vào 2 nhóm dự án.

Thứ nhất, nhóm dự án khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, như thực thi chính sách, thủ tục đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, lao động, nghĩa vụ tài chính.

Thứ hai, nhóm dự án không triển khai hoặc chậm triển khai, không thực hiện theo tiến độ đã cam kết.

Tại Việt Nam do tác động của đại dịch Covid-19, một số nhà máy tạm ngừng hoặc giảm công suất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh.

Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị đề ra các mục tiêu thu hút FDI trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn đăng ký 150-200 tỷ USD, vốn thực hiện 100-150 tỷ USD; tương ứng giai đoạn 2026-2030 là 200-300 tỷ USD và 150-200 tỷ USD.

Về chất lượng, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao phấn đấu tăng 50%, tỷ trọng lao động qua đào tạo tăng 70%, tỷ lệ nội địa hóa tăng 30% vào năm 2025 và tăng tương ứng 100%; 80% và 40% vào năm 2030 (so với 2018).

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước chủ trương thu hút FDI vào kinh tế xanh cũng như quá trình chuyển giao công nghệ xanh (tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh).

Theo báo cáo, Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Cụ thể, năm 2021, vốn đăng ký đạt 31 tỷ USD, tăng 9% và vốn thực hiện đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với năm 2020.  Lũy kế đến 20/12/2021, Việt Nam đã thu hút được 408 tỷ USD với trên 35.500 dự án FDI còn hiệu lực đồng thời số vốn đã giải ngân đạt 251 tỷ USD, đạt 62% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Theo giới chuyên gia, mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Do đó, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung tìm ra các biện pháp có thể phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tạo thêm động lực tốt cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ lẫn khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó,Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

Nguồn: Bộ Công Thương Việt Nam

×

FanPage

HVACR Vietnam