Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mô hình khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao

  13/07/2022

Hiện nay, một số khu công nghiệp ở Việt Nam nói chung cũng như ở TP HCM nói riêng thu hút được một số tập đoàn công nghệ đa quốc gia, nhưng khi vào Việt Nam lại hoạt động như một cá thể độc lập trong khu công nghiệp, hoặc nếu có được một “hệ sinh thái công nghiệp” thì phần lớn chuỗi cung ứng được “nhập khẩu” theo vào.

Trước thực trạng này, TP HCM đã xúc tiến chủ trương phát triển những cụm công nghiệp ngành trọng điểm ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước.

Thống kê thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại TP HCM cho thấy, bên cạnh 17 khu chế xuất – khu công nghiệp hiện hữu thì có hai nhóm khu công nghiệp nên được nghiên cứu thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cho TP HCM. Trong đó, nhóm khu công nghiệp mới hình thành và đang thu hút đầu tư gồm: Khu công nghiệp Tân Phú Trung, An Hạ, Cơ khí ô tô, Lê Minh Xuân 3. Đây là các khu công nghiệp mới thành lập, đang hoàn thiện hạ tầng và thu hút nhà đầu tư. Các khu công nghiệp này còn thời gian hoạt động khoảng 42 năm, riêng Khu công nghiệp Tân Phú Trung khoảng 36 năm. Trong thời gian tới, các khu công nghiệp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thực hiện thu hút các nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Còn nhóm các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa triển khai như Lê Minh Xuân 2, Phong Phú, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Lê Minh Xuân mở rộng và khu công nghiệp đã có trong danh mục Quy hoạch khu công nghiệp TP HCM, nhưng chưa được thành lập gồm Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước 3, Phước Hiệp, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng. Đặc biệt, Khu công nghiệp Phạm Văn Hai có diện tích 668 ha đang trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch các khu công nghiệp TP HCM. Nhóm các khu công nghiệp này hoàn toàn phù hợp với chủ trương thu hút doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

 

Ghi nhận tại Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), tính đến ngày 30/11/2021, SHTP đã thu hút được 26 dự án công nghiệp hỗ trợ, tổng vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ đạt 512,72 triệu USD; trong đó, có 14 dự án trong nước, vốn đầu tư khoảng 163,35 triệu USD và 12 dự án FDI, vốn đầu tư khoảng  349,37 triệu USD. Giá trị gia tăng nội địa cho sản phẩm xuất khẩu từ 10% năm 2010, đến nay đã đạt trên 20% và Ban Quản lý đang cùng doanh nghiệp phấn đấu đạt 35% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư vào SHTP sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, với trên 50 dự án công nghệ cao; trong đó, có từ 1 – 2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2021 – 2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước. Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, số lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên đạt trên 45% tổng số lao động…

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp tổng giá trị thu hút đầu tư vào SHTP là 7,6%. Đồng thời, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh, tạo môi trường sản xuất công nghệ cao lý tưởng cho doanh nghiệp FDI và tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư dự án công nghệ cao mới trong tương lai. Định hướng của SHTP là ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, SHTP tập trung vào 4 mũi nhọn vi điện tử – công nghệ thông tin – viễn thông; cơ khí chính xác – tự động hóa; công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; năng lượng mới – vật liệu mới – công nghệ Nano theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Để nâng cao tính lan tỏa của dự án tại SHTP như phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao; kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI với doanh nghiệp trong nước, SHTP hình thành chuỗi cung ứng trong nước xoay quanh các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) về phát triển chuỗi cung ứng nội địa công nghệ cao, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi khu chế xuất – khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghệ cao.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các hoạt động với ba đơn vị sự nghiệp SHTP cũng như với nguồn vốn gồm: Kích cầu đầu tư, liên kết các ngân hàng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu… Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển (R&D) trong doanh nghiệp; gắn kết nghiên cứu, thiết kế và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.

Nguồn: Bộ Công Thương Việt Nam

×

FanPage

HVACR Vietnam