Nguyễn Quỳnh Chi (sinh năm 2004) hiện đang là học sinh lớp 12 chuyên Anh trường THPT Chuyên Sư phạm, trong kì thi IELTS tháng 3 vừa qua, bạn đã xuất sắc đạt band điểm Overall 8.5 IELTS đầy ấn tượng.
Trước đó, Quỳnh Chi đã từng tham gia kỳ thi IELTS, tuy nhiên band điểm lúc đó lại không đạt được mục tiêu bản thân Chi đề ra. Không bỏ cuộc, Quỳnh Chi đã tiếp tục cố gắng và thật sự bức phá, điểm thi IELTS lần thứ 2 với điểm Overall đạt 8.5 IELTS (trong đó, kỹ năng Listening đạt điểm tối đa 9.0, 2 kỹ năng Speaking và Reading cũng không kém cạnh đạt 8.5 và điểm Writing đạt 7.0).
Từ năm cấp 2, Chi đã được gia đình ủng hộ theo con đường chuyên Anh. Chi chia sẻ: “Việc học chuyên Anh đã cho em lợi thế khi được trang bị những kiến thức nền tảng và nâng cao về từ vựng và cấu trúc câu. Ngoài ra, để đạt điểm mục tiêu, em phải tập làm quen với dạng câu hỏi IELTS nhiều”.
Về tài liệu học tập, Chi chia sẻ bạn đã học từ vựng và ngữ pháp thông qua những quyển sách “Academic Vocabulary in Use”, “English Phrasal Verbs in Use”, “English Collocations in Use”, “English Idioms in use” theo từng chủ đề mỗi ngày để nâng cao vốn từ và khả năng ngoại ngữ của mình.
Riêng với kỹ năng Speaking, bạn tự luyện tập cho mình thông qua việc nói chuyện với bản thân và tiến hành ghi âm. Sau đó, bạn sẽ nghe lại đoạn ghi âm có lỗi sai về phát âm. Những chỗ bạn nói bị vấp, chỗ có từ vựng mới, bạn dùng điện thoại để tra cứu và tiếp tục luyện tập.
Chi nói, với phương pháp học này Chi nhận ra rằng có một số từ vựng rất thông dụng trong cuộc sống nhưng bản thân Chi lại chưa nắm rõ. Chi chia sẻ thêm: “Em cảm thấy việc này đã giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện phát âm và độ trôi chảy khi nói tiếng Anh. Đây cũng là 2 tiêu chí chấm điểm Nói quan trọng trong IELTS”.
Đối với phương pháp học này, bạn có thể nói bất kỳ chủ đề nào bạn muốn. Với riêng Chi, bạn lựa chọn tự kể lại những sự việc đã diễn ra trong ngày. Theo Chi, với mỗi bài thi các bạn cần đọc đề để dự đoán và triển khai ý, không nên chuẩn bị và học thuộc ở nhà vì giám khảo sẽ không đánh giá cao việc này.
Trong lần thi đầu tiên Chi đã run, líu lưỡi, giọng nói lại nhỏ nên điểm không như mong đợi. Tuy vậy đối với lần thi thứ 2, Chi đã nói lưu loát và rõ ràng hơn trong cách diễn đạt ý kiến bản thân nên đã đạt một số điểm 8.5 IELTS khá cao.
“Nhờ trải nghiệm này em mới thấy sự tự tin và bình tĩnh có ảnh hưởng thế nào trong việc làm bài thi, nên em mong các bạn khi đi thi có thể có tâm lý vững vàng để đạt kết quả tốt nhất”, Chi chia sẻ.
Ở kỹ năng Reading, Chi tiến hành gạch chân từ khóa ở cả câu hỏi và đề bài cùng một lúc chứ không tiến hành lần lượt từng câu để tránh mất thời gian. Đối với mỗi bài chỉ có 20 phút để thực hiện, việc vượt quá thời gian này sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến 2 bài còn lại, thêm cả mức độ khó còn tăng dần theo từng bài nên việc trì trệ thời gian là điều không nên xảy ra.
“Ví dụ, đối với dạng điền Headings (tiêu đề), em chú ý các câu đầu và cuối đoạn. Đối với dạng bài điền tên người ứng với mỗi ý kiến, em sẽ nhìn lướt qua bài 1 lượt để tìm tất cả chỗ có tên họ, đánh dấu trước rồi mới bắt đầu đọc bài. Còn đối với dạng điền từ, em xác định loại từ và vị trí từ cần điền xem nó đứng cạnh các từ nào và xung quanh ô trống có những từ nào”, Chi chia sẻ.
Đối với kỹ năng Listening, Chi nói rằng trước khi bắt đầu nghe cần phải đọc sơ đề bài, xác định từ khóa, số từ và loại từ cần điền là gì. Chi nhấn mạnh cần tập trung lúc nghe vì sơ xuất có thể “bỏ lỡ” thông tin cần điền.
Chi nói: “Khi nghe, em cũng cố gắng hiểu ý của họ để biết được họ đang nói về cái gì. Nếu chỉ dựa vào từ khóa để xác định câu trả lời thì vẫn chưa chính xác. Đặc biệt là trong dạng bài Multiple Choice (chọn nhiều đáp án đúng), người ta sẽ nhắc đến tất cả các đáp án để lừa người nghe, mình phải nghe để hiểu xem đâu mới là đáp án cần khoanh”.
Theo Chi, kỹ năng Writing là kỹ năng khó nhất. Vì nó cần đưa ra những câu trả lời không trùng lặp, triển khai một cách rõ ràng, dễ hiểu và chú ý để tránh lạc đề. Dù bạn có một ý tưởng hay nhưng không diễn đạt được thì cũng sẽ không được điểm cao.
Ngoài ra, để đạt band 8.5 IELTS, các bạn cũng nên đọc qua các bài viết theo từng chủ đề và so sánh lại bài viết của mình để khắc phục những lỗi đang gặp phải, học thêm những từ vựng mới và tìm được những ý tưởng mới.