Thầy Nguyễn Đinh Quốc Anh – Giảng viên tại ILP

thầy quốc anh - giảng viên tại ilp học viện ielts 4

Phá vỡ rào cản Prescriptivism

Prescriptivism là một hệ thống áp bức và làm chậm nỗ lực học ngoại ngữ của các bạn, hãy tự phá vỡ rào cản đó và trở thành một người học ngôn ngữ đích thực.

Mục đích chính của ngôn ngữ là để giao tiếp. Đích đến ở đây là để nói được và được hiểu. Nhưng phần lớn các bạn thường hiểu nhầm rằng “Tôi nói hay hơn bạn, cho nên là tôi giỏi hơn bạn.”

Thật sự không có một tiêu chuẩn cho việc phát âm. Nếu cứ theo hệ tư duy áp đặt của prescriptivism rằng bắt cứ quy tắc ngữ pháp, từ vựng, phát âm nào nếu là bất di bất dịch, thì một ngôn ngữ sẽ không bao giờ thay đổi, không bao giờ có từ vựng mới được sinh ra.

Tuy nhiên hằng năm có hơn cả trăm từ được thêm vào từ điển chính thức. Nhiều từ vựng cũ được thêm các lớp nghĩa mới tùy thuộc vào ngữ cảnh.

Nhiều cách phát âm cũ được thay đổi. Ngôn ngữ sẽ luôn luôn thay đổi và phát triển theo thời đại và cách
dùng của mọi người, cho dù một số cá nhân nào đó vẫn luôn sẽ gượng ép rằng dùng thế này mới là
“chuẩn”.

Mình thường hay thấy rất nhiều các video về “các lỗi sai tiếng anh cơ bản thường gặp nhất” và thật sự cụm “lỗi sai thường gặp” về mặt ngôn ngữ nghe cực kỳ ngược đời so với minh. Ví dụ như từ “mischievious”, có rất nhiều người phát âm “sai” từ này bằng việc nhấn ở âm hai.

Tuy nhiên, bạn có thể tìm được vô vàn ví dụ cho lỗi sai này ở người học tiếng anh lẫn một số người bản xứ trong video từ hàng chục năm trước. Và khi được sử dụng thì ai cũng hiểu từ bạn đang dùng là gì. Vậy thì các khái niệm về nói như thế nào mới là “chuẩn” được tạo ra làm gì, cho ai, với mục đích gì và nó có đang thật sự giúp bạn trong việc học của chính mình không? Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm, các bạn có thể xem một số video mình cảm thấy phân tích rất hay về vấn đề này.

Kỳ thị mặt ngôn ngữ và hố chôn của trí khôn

Tại sao nỗ lực hết mình nhưng vẫn dậm chân tại chỗ?

Nếu bạn cảm thấy như bạn đã nỗ lực hết mình trong việc học ngoại ngữ của bản thân mà vẫn dậm chân tại chỗ vì cách dạy của giáo viên không phù hợp thì…

Có khả năng rất cao là bạn không hề sai đâu. Mỗi người sẽ có riêng cho mình một cách học khác nhau
cho dù là thiên về verbal/nói, aural/nghe, visual/nhìn, physical/vận động, logical/lý trí, social/xã hội, solitary/chiêm ngẫm, etc.

Phần lớn các giáo viên khi dạy vẫn thường tập trung vào cách nào “đại trà” nhất, phù hợp với phần lớn học sinh nhất, phù hợp với tiêu chí của bài thi đang dạy nhất thay vì dạy cái mà học sinh mình thật sự cần. Cũng không trách được khi họ có rất nhiều kỳ vọng, tiêu chí bị áp đặt lên họ và rất ít thời gian, tài nguyên để làm được việc như trên.

Mình thường cảm thấy hơi ngại khi nào có ai gọi mình là “thầy”. Bởi vì mình cũng chỉ xem bản thân là một người học ngoại ngữ, và mình cảm thấy thoải mái với góc nhìn này vì nó đặt mình vào vị trí của một học sinh, luôn luôn tò mò, tìm tòi những cái hay và mới, luôn luôn tư duy, đặt câu hỏi xem điều này có đúng là như vậy không, tự ý thức được các cách học cũng như vấn đề của bản thân và các bạn khác để đối mặt.

Hơn nữa, như đã nói ở trên, do bản chất luôn luôn phát triển của ngôn ngữ, chẳng bao giờ có một ai có thật sự trở thành “bậc thầy, chủ nhân” của ngôn ngữ đó.

Mình đã và luôn luôn là một người đam mê về ngoại ngữ, vì nó mở ra cho bản thân vô số nguồn tài
nguyên, kiến thức, cơ hội, etc. Và việc học này là một quá trình sẽ kéo dài hết cả đời chứ không kết thúc sau một hai khóa học tiếng anh tại các trung tâm hay khi bạn chứng chỉ IELTS trên tay.

Các bạn có sẵn sàng dành cả đời để cùng học với mình chứ?

Thầy Nguyễn Đinh Quốc Anh,

Giảng viên tại ILP.

Cộng đồng học tập chính thức: https://www.facebook.com/groups/ilpvietnamofficial