Nước biển là bạn đồng hành, cũng là kẻ thù nguy hiểm nhất của những con tàu khi ra khơi. Do đó, những quy trình sơn tàu biển ra đời để bảo đảm tàu được bảo vệ và có tuổi thọ cao nhất. Vậy thì quy trình sơn tàu biển gồm những bước nào, cần chú ý những gì, mời bạn xem ở bài viết dưới đây nhé.
Quy trình sơn tàu biển 4 bước
1/ Bước 1: Xử lý bề mặt
Cũng giống như sơn các bề mặt khác, xử lý bề mặt trước khi sơn tàu biển là một bước cực kỳ quan trọng.
– Quy trình Xử lý bề mặt tàu biển vỏ gỗ
- Các thân tàu vỏ gỗ mới cần được mài nhẵn bằng máy mài. Gỗ đóng tàu phải khô hoàn toàn (độ ẩm trong gỗ < 5%) và không được bám các tạp chất như dầu mỡ, bụi bẩn. Nếu tàu dính các tạp chất thì phải dùng dung môi thích hợp lau sạch, hoặc rửa bằng nước sạch, hong khô hoàn toàn rồi mới tiến hành sơn tàu gỗ.
- Các thân tàu vỏ gỗ cũ sau một thời gian tiếp xúc với nước biển sẽ bị ngấm nước. Bạn phải phơi nắng hoặc dùng khí nóng thổi khô gỗ hoàn toàn (độ ẩm trong gỗ < 5%). Sau đó, chà sạch lớp sơn cũ và dùng matit trám các lỗ hỏng, khiếm khuyết, mối ghép… Cuối cùng chà phẳng rồi mới sơn, nếu không màng sơn sẽ rất dễ bị bong tróc.
– Quy trình Xử lý bề mặt tàu biển vỏ sắt
Bảo đảm bề mặt tàu sạch, khô ráo, không đọng nước, hơi ẩm, bụi bẩn, dầu mỡ hay các vết gỉ sét.
- Đối với bề mặt vỏ sắt mới: Tùy vào mục đích sử dụng mà làm sạch bề mặt bằng cách phun hạt tiêu chuẩn Sa 2,5 hay làm sạch cơ học đạt tiêu chuẩn tối thiểu St2.
- Đối với bề mặt đã Sơn chống rỉ tàu biển: Bảo đảm bề mặt sạch, khô, không bị khuyết điểm và không dính các tạp chất như dầu mỡ, bụi bẩn.
- Đối với bề mặt sơn cũ: Bề mặt phải khô, sạch, không bị dị tật. Bề mặt này phải làm sạch kỹ hơn các bề mặt khác, vì rất khó tẩy vết bẩn.
2/ Bước 2: Sơn lớp lót (sơn chống gỉ)
Tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng mà bạn lựa chọn dòng sơn lót phù hợp với nhu cầu sử dụng. Thông thường, sơn lót phải đảm bảo các đặc tính: độ bám dính cao, khả năng chống chịu ăn mòn và hóa chất, độ liên kết cao với lớp sơn kế tiếp cùng với độ cứng, độ dẻo thích hợp
Màng sơn cần thời gian khô từ 8 – 10 giờ trước khi sơn lớp trung gian.
3/ Bước 3: Thi công lớp sơn trung gian
Vỏ tàu đạt chuẩn cần có một số yêu cầu đặc biệt như chống rỉ, chống ẩm thấp, chống ăn mòn bằng cách sơn thêm các lớp trung gian bảo vệ tàu. Số lượng lớp sơn tùy vào loại sơn và yêu cầu của người sử dụng.
Đối với tàu biển, lớp sơn trung gian rất chú trọng đến tính đề kháng với sự thẩm thấu của hơi nước.
Chú ý thời gian giãn cách giữa các lớp sơn ít nhất là 6 giờ. Không nên sơn quá dày hoặc quá mỏng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bề mặt.
4/ Bước 4: Thi công lớp sơn phủ hoàn thiện
Kiểm tra và làm sạch lớp trung gian sau khi khô trước khi sơn lớp sơn phủ đầu tiên. Đợi bề mặt sơn khô từ 8 – 12 giờ, sau đó làm sạch bề mặt rồi sơn tiếp lớp sơn phủ thứ hai.
Riêng với phần đáy tàu, phần dưới và phần trên mớm nước thì phải sơn 2 lớp thì sơn 02 lớp sơn chống hà thay cho 02 lớp sơn phủ để tránh hà bám vào tàu làm giảm tốc độ tàu và phá hủy tàu.
Thời gian tối thiểu để lớp sơn phủ cuối cùng khô là 12 giờ và tối đa là 3 ngày. Sau đó, tàu có thể tiến hành hạ thủy.
Những dụng cụ để thi công quy trình sơn tàu biển
1/ Súng phun sơn
Súng phun sơn là một loại dụng cụ hiệu quả hiệu quả và tiết kiệm thời gian để thi công sơn tàu biển.
– Ưu điểm:
- Luồng sơn được phun ra với áp lực cao nên có thể chui sâu và bám chắc vào bề mặt (đặc biệt là với bề mặt rỗ nhiều).
- Màng sơn phủ đều hơn, bóng hơn. Có khả năng sơn được một lớp sơn dày hơn so với phương pháp dùng cọ lăn
– Khuyết điểm:
- Những nơi có không gian nhỏ hẹp, thông thoáng không tốt rất khó sơn đều bằng súng phun sơn.
- Đòi hỏi thợ sơn phải có tay nghề cao
- Tỷ lệ sơn hao hụt lớn hơn so với các phương pháp khác
- Có thể làm tổn thương cơ thể nếu bị miệng vòi phun tác động trực tiếp. Bụi sơn dễ bay vào miệng nếu không có trang bị bảo hộ tốt.
2/ Cọ lăn sơn (Chổi lăn sơn)
Cọ lăn hay còn gọi là con lăn sơn, rulo lăn sơn là dụng cụ thông dụng trong các công trình và sơn tài biển.
– Ưu điểm:
- Tốc độ sơn nhanh hơn so với cọ sơn
- Dễ sơn ở những khu vực khó tiếp cận
– Khuyết điểm:
- Làm ướt bề mặt sơn kém
- Không nên dùng cho lớp sơn đầu tiên (lớp lót)
- Dễ tạo bọt khí cho màng sơn
- Chỉ sơn được mỏng, phải sơn nhiều lớp thì mới đạt được chiều dày chuẩn
- Khả năng bám dính của màng sơn lên bề mặt kém hơn phương pháp dùng súng phun.
3/ Cọ sơn (Chổi sơn)
Chỉ dùng cọ sơn ở những vị trí nhỏ mà các phương pháp trên không sử dụng được. Khi dùng chổi sơn nên quét ngang một lượt sau đó quét dọc
Trên đây là các bước của một quy trình sơn tàu biển chuẩn. Khi thi công thực tế, bạn còn cần phải lựa chọn các loại sơn tàu biển phù hợp nhất tùy thuộc vào từng mục đích sử dụng, bề mặt và phần tàu cần sơn. Chúc bạn có được chiếc thuyền như ý.