Quan điểm này vừa được ông Sơn chia sẻ tại tọa đàm về “Xu hướng dòng tiền” sáng 24/5 do VTV Digital tổ chức khi được hỏi về việc không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu trong tháng 4.
Khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán thanh tra, giám sát việc phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Chỉ đạo được Thủ tướng đưa ra ngày 7/4, hai ngày sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.
Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán khẳng định thị trường trái phiếu là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp phát triển. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng đồng quan điểm khi cho rằng đây là kênh tạo vốn không chỉ cho trước mắt, mà còn cho cả trung và dài hạn.
Theo ông Sơn, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Ông đánh giá nghị định này chỉ cần tinh chỉnh bởi cơ bản đã giải quyết được các vấn đề của các nghị định trước đây. Ngoài sửa đổi quy định phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán thời gian tới sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát.
“Chúng tôi khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay, nhà phát hành, người mua trái phiếu cần cẩn trọng bởi phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chúng ta phải làm đúng để đảm bảo đỡ rủi ro cho cả hai phía”, ông Phạm Hồng Sơn nói.
Theo Luật Chứng khoán, “nhà đầu tư chuyên nghiệp” là người có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng.
Ông Võ Trí Thành đánh giá những lình xình vừa qua không đáng lo vì thị trường có lên, có xuống.
“Điều đáng lo là vấn đề lòng tin và cơ quan quản lý có tạo dựng được những nền tảng tốt để thực sự để đây là kênh đầu tư vừa hấp dẫn, vừa góp phần phát triển, vừa đem lại sự sảng khoái cho nhà đầu tư”, ông nói.
Theo chuyên gia này, trước mắt, cơ quan quản lý cần xử lý khéo léo với những vụ vi phạm phát luật để đảm bảo kỷ cương thị trường. Thứ hai, ông lưu ý minh bạch thông tin để thu hẹp bất đối xứng thông tin trên thị trường giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa bên bán và bên mua.
Với thị trường chứng khoán, ông Thành nhận định sau 2 năm, thị trường có thời điểm mang tính đầu cơ quá đà, dẫn dắt bởi những thông tin chưa tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay thị trường đã bắt đầu nhìn nhận những biến động theo các vấn đề nền tảng.
Còn theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, thị trường chứng khoán trong nước 5 tháng đầu năm có một điểm sáng là dòng tiền nước ngoài đổ vào chỉ âm khoảng 50 triệu USD trong bối cảnh thế giới biến động, Fed tăng lãi suất. Cùng kỳ năm ngoái, dòng tiền chảy ra khỏi thị trường Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, còn trong 3-4 năm vừa qua khoảng 4-5 tỷ USD.
Ông Tuấn cho biết Dragon Capital – đơn vị đang quản lý số tài sản khoảng 6 tỷ USD – sẽ hướng dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm trong nước, doanh nghiệp phát triển, tạo được nền tảng vận hành mạnh trong nước.
Còn ông Võ Trí Thành cho rằng cần lưu ý đà phục hồi và dòng tiền sẽ chảy vào lĩnh vực dẫn dắt kinh tế những năm tiếp theo khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao và các lĩnh vực mà người tiêu dùng muốn bỏ tiền mua.