Dòng Longchen Nyingthig
Longchen Nyingthig (Chân Như Tâm yếu) là một bộ Mật pháp gồm những giáo lý bí mật về pháp tu thâm diệu của Dzopa Chenpo (Đại Viên mãn), do Tổ Jigme Lingpa (1730-1798), khai truyền. Jigme Lingpa khám phá những giáo lý này như một “terma tâm” – những giáo lý được khám phá từ bản tánh của tâm giác ngộ. Từ Tổ Jigme Lingpa tới ngày nay, Mật pháp Longchen Nyingthig được truyền thừa qua nhiều Đạo sư giác ngộ và những vị có cuộc đời kiệt xuất nhất được giới thiệu trong “Các Đạo Sư của sự Thiền Định và những Điều Huyền Diệu”.
Việc Khai Mở Bộ Mật Pháp Longchen Nyingthig
Tulku Thondup nói về việc khai mở Mật Pháp Longchen Nyingthig như sau:
“Khi Đức Liên Hoa Sanh du hành ở Tây Tạng, Ngài trao truyền giáo lí Longchen Nyingthig cho vua Trison Detsen, Đức Yeshe Tsogyal và Vairochana … Ngài đã ban quán đảnh tiên tri trong tương lai Mật Pháp này sẽ được khai mở bởi Jigme Lingpa, hóa thân của vua Trisong Detsen.
Nhiều thế kỷ sau, khi những quán đảnh tiên tri của Đấng Đạo Sư đã chín muồi và bối cảnh thuận duyên đã hội đủ, phục điển Longchen Nyingthig đã được khai mở trong tâm giác ngộ của Jigme Lingpa như một terma tâm.”
Jigme Lingpa đã khai mở bộ pháp Longchen Nyinthig như một terma tâm khi ngài hai mươi tám tuổi. Tulku Thondup viết:
“Đêm ngày hai mươi năm, tháng mười, năm Bò Lửa, trong chu kỳ Rabjung thứ 13 (1757) (theo Tạng lịch chu kì được tính 60 năm một lần), Ngài nằm trên giường ngủ với lòng sùng kính tràn ngập trong trái tim về Đấng Đạo Sư. Dòng nước mắt chảy trên mặt với nỗi nhớ khẩn thiết, bởi vì ngài chưa được diện kiến Đức Đạo Sư, và lời cầu nguyện liên tục cứ ngân lên trong hơi thở của Ngài.
Ngài an trụ trong đại định với trải nghiệm về Tịnh Quang một thời gian dài. Trụ trong quang minh tịnh chiếu, ngài kinh nghiệm một chuyến bay xa trong bầu trời cưỡi trên một con sư tử trắng. Cuối cùng, Ngài đi đến một đường vòng tròn, ngài nghĩ đó có thể là đường bao Jarung Khashor, nay chính là Đại Bảo Tháp Boudhanath nổi tiếng, một quần thể tượng Phật giáo quan trọng ở Nepal.
Trong linh kiến này, các Dakini trí tuệ đã ban cho Jigme Lingpa một mâm có năm cuộn giấy và bảy hạt pha lê. Một trong những cuộn giấy có hướng dẫn tiên tri về Longchen Nyingthig, tên là Nechang Thukkyi Drombu. Được các Dakini hướng dẫn, ngài đã ăn cuộn giấy màu vàng và các hạt pha lê, và mọi lời pháp cùng mật nghĩa của terma Longchen Nyingthig đã được đánh thức trong tâm ngài.”
Jigme Lingpa giữ bí mật về terma trong nhiều năm, ngài thậm chí không dịch terma này cho đến khi hoàn thành một đợt nhập thất trong đó Ngài có nhiều linh kiến về Ngài Longchen Rabjam. Tulku Thondup đã giải thích:
“Trong năm Thỏ Đất (1759), ngài đã bắt đầu một đợt nhập thất ba năm, tại Chimpu gần Tu viện Samye. Trong thời gian nhập thất, ngài đã được truyền cảm hứng bởi ba linh kiến thanh tịnh liên tiếp về Đức Longchen Rabjam. Với sự thúc giục của các Dakini, Jigme Lingpa đã dịch terma giáo lí Longchen Nyingthig. Vào ngày thứ mười, tháng thứ sáu, năm Khỉ (1764) Ngài đã công truyền terma lần đầu tiên bằng việc ban truyền quán đảnh và hướng dẫn cho mười năm đệ tử.”
Terma Longchen Nyingthik bao gồm các sadhana và các giáo lí.
Giáo Pháp Nyingthig
Nyingthig là giáo pháp mật truyền thâm sâu nhất của Dzogchen. Giáo Pháp Dzogchen được truyền trao từ ngài Varasattva tới ngài Prahevajra (Tiếng Tạng, Garab Dorje) và được truyền thừa không gián đoạn tới ngày nay. Trong Dzogchen có ba cấp độ giáo lí phù hợp với căn cơ khác nhau của các hành giả. Nyingthig là mật pháp thâm sâu nhất trong số các pháp thuộc Phạm trù Giáo Huấn Tinh Túy; đây là giáo pháp trực chỉ nhất dành cho các đệ tử thượng căn.
Trong các bộ pháp Nyingthig có các tantras và các giáo huấn. Đề cập đến các giáo huấn, Tulku Thondup giải thích:
“Các giáo lí được trình bày minh bạch và tinh tuyển vào hai truyền thống chính của dòng Nyingthig. Truyền thống đầu tiên là giáo lý chi tiết dành cho các học giả, được mang tới Tây Tạng bởi ngài Vimalamitra, gọi là Vima Nyingthig. Nó dựa trên nền tảng của mười bảy Tantra và Troma tantra. Truyền thống thứ hai là những giáo lý thậm thâm dành cho các hành giả yogi, được đưa vào Tây Tạng bởi Ngài Liên Hoa Sanh, gọi là Khandro Nyingthig. Nó dựa chủ yếu trên nền tảng của tantra Longsal Barma.”
Vào Thế kỷ mười bốn tại Tây Tạng, bậc Tổ vĩ đại Longchen Rajam đã nắm giữ cả hai truyền thống Nyingthig và soạn các bộ luận cho cả hai truyền thống.
Longchenpa, Jigme Lingpa và Dòng Truyền Thừa Longchen Nyingthig
Đại thành tựu giả Longchen Rabjam (1308 – 1364) còn có danh hiệu là Longchenpa. Ngài là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của Dzogchen Đại Viên Mãn trong dòng phái Nyingma, và là trong những học giả vĩ đại nhất trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Ngài đã sắp xếp các giáo huấn của Vima Nyingthig và Khandro Nyingthig thành một hệ thống nhất quán, và đặt tên là hoặc Nội Mật Tâm Yếu (“Three Yangtik” hay “Inner Essencess”)
Sau bốn thế kỷ, Jigme Lingpa được truyền cảm hứng bởi giáo huấn của Longchenpa. Sau khi Jigme Lingpa khám phá terma Longchen Nyingthig (bao gồm cả giáo huấn và sadhna tối mật), ngài đã thực hiện một cuộc nhập thất ba năm trong một số hang động ở Chimpu; tại đây ngài thực hành nhiệt thành pháp tu Guru Yoga về Đạo Sư Longchenpa. Cuối cùng thì ba linh kiến của Longchenpa đã xuất hiện trong tâm của Jigme Lingpa và Ngài được ban phước, được truyền trao quán đỉnh thân, khẩu, ý của Longchenpa. Ngài được nhận gánh trách nhiệm hộ trì và truyền bá giáo huấn của Longchenpa. Khi đó, tâm của Jigme Lingpa đã hòa làm một với tâm trí tuệ của Longchenpa.
Như vậy, Jigme Lingpa trở thành bậc nắm giữ giáo huấn của Longchenpa về cả Vima Nyingthig và Khandro Nyingthig. Jigme Lingpa là hóa thân của cả Vua Trisong Detsen và Vimilamitra. Từ đây, giáo huấn của của hai dòng Nyingthig đã nhập thành một trong Jigme Lingpa.
Truyền thừa Longchen Nyingthig bao gồm cả phục điển Longchen Nyingthig, khai mở bởi Jigme Lingpa, và giáo huấn của Longchen Rabjam về Vima Nyingthig và Khandro Nyingthig, do Longchenpa truyền cho Jigme Lingpa trong một chuỗi linh kiến. Hầu hết các nghi quỹ và biểu tượng của bộ mật pháp Longchen Nyingthig được tìm thấy trong kho tàng giáo huấn Lama Gongdü, trong đó bao gồm bộ luận nổi tiếng do Jigme Lingpa soạn có tên “Bình Giảng Chi Tiết về giáo huấn Lama Gongdü”, vì thế bộ luận này luôn được đánh giá rất cao.
Trình Tự Thực Hành
Dilgo Khyentse Rinpoche giảng:
“Mật pháp Longchen Nyintik gồm có nhiều phần. Nó bao gồm các giai đoạn thực hành chuẩn bị và thực hành chính yếu, giai đoạn phát triển và thành tựu. Trong đó, quan trọng nhất là thực hành Ati Yoga, hay còn gọi là Dzogchen. Nó tạo nên một con đường trọn vẹn đi đến giác ngộ viên mãn.”
Trong truyền thống Longchen Nyingthig, thực hành chuẩn bị, còn gọi là ngondro, thường gọi là Longchen Nyingthig Ngondro.
Sau khi hoàn thành ngondro, việc tu giai đoạn phát triển và thành tựu sẽ bao gồm hành trì các sadhana, ví dụ như Rigdzin Dupa. Theo truyền thống, hành giả tu một loạt ba sadhana được gọi là Tam Căn (Three Roots).
Cuối lộ trình, nếu hành giả đã được chuẩn bị đầy đủ, thì một đạo sư đủ thẩm quyền sẽ trao truyền giáo lí Dzogchen để hành giả trực nhận bản tánh của tâm.
Những Kinh Văn Chính Yếu
Các Tantra Căn Bản
Tantra gốc: Kuntu Zangpo Yeshe Longki Gyü.
Tantra tiếp theo: Gyü Chima
Giáo lý: Kuntu Zangpö Gong-nyam
Giáo huấn (Me-ngag): a. Giáo huấn: Nesum Shenje và Neluk Dorje Tsigang, b. Luận giảng các giáo huấn: Yeshe Lama và các phụ lục.
Các Sadhana
1. Trì Minh Vương Nam
a. Bổn tôn An Bình
Ngoại: Guru Yoga
Nội: Rigdzin Düpa
Mật: Dukngal Rangdrol
Tối mật: Ladrup Tiklé Gyachen
b. Bổn tôn Uy Nộ
Xanh: Palchen Düpa
Đỏ: Takhyung Barwa
2. Trì Minh Vương Nữ
a. Bổn tôn An Bình: sadhana gốc: Yumka Dechen Gyalmo
b. Bổn tôn Uy Nộ: sadhana mật: Senge Dongchen
Chư Đạo Sư Dòng Longchen Nyingthig
1. Samantabhadra, Pháp Thân
2. Vajrasattva, Báo Thân
3. Prahevajra, Hóa Thân, Đạo Sư Dzogchen đầu tiên của loài người (Ba Lời Đánh vào điểm Trọng Yếu).
4. Mañjushrimitra (Sáu Trải Nghiệm Thiền định)
5. Shri Singha (Bảy điểm then chốt)
6. Jñanasutra (Bốn cách an trụ định)
7. Vimalamitra (Vima Nyingthig)
8. Guru Rinpoche (Khandro Nyingthig)
9. Vua Trisong Detsen, nhận giáo lí Nyingthig từ Guru Rinpoche và Vimalimitra.
10. Yeshe Tsogyal
11. Vairotsana
12. Longchen Rabjam
13. Ridgzin Jigme Lingpa, khai mở pháp Longchen Nyingthig.
Xin xem “Các Đạo Sư của sự Thiền Định và những Điều Huyền Diệu”
—
Tham khảo từ các nguồn: rigpa wiki (Longchen Nyingthik), “Các Đạo Sư của sự Thiền Định và những Điều Huyền Diệu – Thanh Liên Việt dịch”.