Tâm Chí Tín Thành với Guru Rinpoche - Chìa Khóa của Thành Tựu [i]

 Ngày 4.8.2019, Dawu, Golok

“Khi hành giả nhận được gia trì từ Guru Rinpoche
thì người đó sẽ tu hành không gặp chướng ngại”

Để dẹp trừ các chướng ngại thì điều quan trọng là phải cầu nguyện, phải nghĩ tưởng tới, phải tu pháp Guru Rinpoche và trì chú Đạo Sư. Khi hành giả nhận được gia trì từ Guru Rinpoche thì người đó sẽ tu hành không gặp chướng ngại, người đó sẽ tiến tu trên đạo lộ mà không gặp bất cứ khó khăn nào.

Trong cốt tủy, Guru Rinpoche là một, không khác với Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong truyền thống Kinh thừa có Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong truyền thống Mật thừa có Phật [Liên Hoa Sanh]. Tuy nhiên, các Ngài là một, không khác. Guru Rinpoche, Đức Liên Hoa Sanh thuộc về Liên Hoa bộ. Và Thầy muốn nói rằng Phật A Di Đà, Lục Độ Mẫu, Quán Thế Âm cũng cùng thuộc về một bộ Phật ấy, tức Liên Hoa bộ. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng Đức Liên Hoa Sanh là hiện thân của chư Phật ba thời mười phương. Vì vậy, trên thực tế một hành giả chỉ cần thực hành một pháp Guru Rinpoche là đủ.

“Nếu bạn có lòng tin để chỉ hành trì
một pháp Guru Rinpoche mà thôi thì như vậy là đủ.”

Tuy nhiên, vì chúng ta có kết nối nghiệp khác nhau với các Bổn tôn khác nhau, chúng ta có lòng tin khác nhau với các Bổn tôn khác nhau, và chúng ta có những ước muốn khác nhau đối với những thứ khác nhau, cho nên chúng ta cần nhiều Bổn tôn khác nhau. Chúng ta cần tất cả: Guru, Yidam, Dakini, Hộ Pháp. Thế nhưng, đôi khi có quá nhiều pháp tu cũng dễ sinh chướng ngại, bởi vì chúng ta không thể tập trung vào một thứ được. Khi cố gắng làm quá nhiều thứ, thành tựu quá nhiều thứ thì ta sẽ mất đi sức mạnh và kết quả đạt được sẽ nhỏ bé hơn. Trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ: một người một Bổn tôn, một người một pháp tu. Còn ở Tây Tạng thì một người nhiều Bổn tôn, một người nhiều pháp tu. Vì vậy, các đạo sư Ấn Độ cười giễu các hành giả Tây Tạng: “Vì có quá nhiều Bổn tôn nên họ không thể phát khởi tín tâm với một Bổn tôn.” Đôi khi điều này là một chướng ngại. Vì vậy, nếu bạn có lòng tin để chỉ hành trì một pháp Guru Rinpoche mà thôi thì như vậy là đủ.

“Samaya luôn luôn là chìa khóa của thành tựu.”

Chiều nay, Thầy có nhắc tới tầm quan trọng của lòng tin với Pháp Bảo, với pháp tu, với Guru và Tam Bảo. Đó là chìa khóa [thành công] cho bất cứ việc tu hành nào. Bạn có nhận được gia trì và sức mạnh từ Guru, Yidam, Dakini, Hộ Pháp hay không là phụ thuộc vào samaya – samaya thanh tịnh giữa bạn và vị Bổn tôn đó. Samaya luôn luôn là chìa khóa của thành tựu. Bạn có đạt được thành tựu hay không phụ thuộc vào việc bạn giữ samaya như thế nào. Nếu bạn không giữ được samaya một cách đúng đắn thì bạn sẽ không bao giờ nhận được gì cả. Nếu bạn có thể giữ samaya thanh tịnh, không hư mẻ thì điều đó đã đủ để cho bạn đạt được những thành tựu lớn lao trong việc tu hành của mình.

“Còn nếu Thầy bạn nói một điều mà bạn lại làm một điều gì đó khác
thì như thế không phải là trì giữ samaya.”

Samaya có nghĩa là gì? Samaya có nghĩa là biết nghe lời. Nếu bạn biết nghe và làm theo lời Guru của mình thì như vậy là đủ. Điều đó có nghĩa là bạn đang trì giữ samaya một cách thanh tịnh. Còn nếu Thầy bạn nói một điều mà bạn lại làm một điều gì đó khác thì như thế không phải là trì giữ samaya. Điều này đôi khi rất khó. Đôi khi Guru hoặc giáo huấn dạy bạn phải có tri kiến thanh tịnh với vạn pháp, không khởi những ý nghĩ bất tịnh với một pháp nào cả. Điều này rất khó thực hiện.

Và một trong những điểm cốt tủy của samaya có mối liên hệ với pháp Dzogchen Longchen Nyingthig: không để bị tán tâm bởi phiền não, phóng dật, phải trụ trong cảnh giới bất nhị. Tâm phải trụ trong cảnh giới đó và không khởi vọng niệm. Điều này rất khó và chúng ta không thể làm được điều này. Kim Cương thừa đòi hỏi người tu phải trụ trong cảnh giới đó. Điều này rất khó khăn vì tâm ta luôn khởi vọng niệm. Nếu không có những ý nghĩ phóng dật thì chúng ta lại lạc ở đâu đó. Vì vậy phải hiểu rằng chúng ta không thể luôn trì giữ samaya đúng như giáo huấn chỉ dạy.

“Ta cần phải sám hối hàng ngày
vào đầu ngày, giữa ngày và cuối ngày.”

Chúng ta rất dễ vi phạm samaya và ta mắc lỗi lầm hàng ngày. Do đó, ta cần phải sám hối hàng ngày vào đầu ngày, giữa ngày và cuối ngày. Nhờ chánh niệm chúng ta có thể nhận ra lỗi lầm của mình tức thời và ngay lúc đó ta phải sám hối. Thế nhưng thông thường chúng ta không tỉnh giác về lỗi lầm của mình. Vì vậy, ít nhất trước khi đi ngủ bạn phải nghĩ về những gì đã làm trong ngày. Nếu nhớ được lỗi lầm nào thì hãy sám hối ngay. Nếu bạn không nhớ ra được thì nó vẫn còn ở đó. Bạn không nhớ không có nghĩa là bạn không làm gì sai cả. Vì vậy, trước khi đi ngủ bạn cần phải thực hành một pháp nào đó như tụng Om Benza Satto Hung hoặc Bách tự Minh chú v.v. Những sám hối này là rất quan trọng. Đó là cách để giữ samaya một cách thanh tịnh.

“Ta chỉ thấy mọi thứ theo cách thường vẫn thấy.
Có nghĩa là “kiến” của chúng ta hình thành từ vô minh.”

Kim Cương Thừa dạy mọi người phải có tri kiến thanh tịnh đối với vạn pháp, đối với tất cả hữu tình chúng sinh. Bởi vì chúng ta nhìn mọi thứ theo cách của phàm phu, theo cách của đời thường. Chúng ta thấy mọi sự vật hiện tượng đều đau khổ và không nhìn thấy một thứ gì với tri kiến thanh tịnh. Ta chỉ thấy mọi thứ theo cách thường vẫn thấy. Có nghĩa là “kiến” của chúng ta hình thành từ vô minh. Vì vô minh mà tất cả mọi sắc tướng đều trở thành ô nhiễm, bất tịnh. Chúng ta luôn nghĩ: “Điều này thật tệ. Anh ta không tốt. Chị ta không tốt. Hành vi không tốt. Con người không tốt …” Chúng ta chỉ nói những điều như vậy. Nhưng nếu có tri kiến thanh tịnh thì chúng ta không nói như thế. Như Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng hạn, Thầy tin rằng trong cái nhìn của Phật tất cả vạn pháp đều thanh tịnh. Phật nói rằng không có luân hồi và không có niết bàn, [tất cả] đều thanh tịnh như nhau; có nghĩa là không có phàm phu mà cũng không có các bậc thánh tôn; tất cả đều thanh tịnh, đều rỗng rang không tự tánh như nhau.

Chúng ta chưa thể thấy tất cả mọi thứ đều thanh tịnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chân lý này không tồn tại. Vì vậy, tu Kim Cương Thừa là nỗ lực nuôi dưỡng tri kiến thanh tịnh. Người tu cần cố gắng làm được điều này, nếu không thì ta sẽ ở mãi trong luân hồi, đau khổ; không có gì tốt đẹp, chỉ có tệ hại. Tu Kim Cương Thừa là phải thấy mọi thứ đều thanh tịnh, thế nhưng ta không thấy các pháp thanh tịnh. Suy nghĩ đó là sai lạc. Sự thật là có bản chất thanh tịnh trong tất cả vạn pháp nhưng tâm bị ô nhiễm vô minh khiến ta không thấy được sự thật. Bây giờ các bạn phải nghĩ: “Ồ, cái nhìn của tôi sai lạc, bất tịnh, vì vậy tôi phải tịnh hóa những ý nghĩ tiêu cực.” Nếu bạn hiểu như vậy, cố gắng tu như vậy thì đây là con đường duy nhất để tiến bộ trên đường tu.

Còn nếu bạn tin bất cứ cái gì bạn thấy được, nghe được đều là chắc thật, tự thân tồn tại thì bạn sẽ không đi tới đâu cả. Trên thực tế, bạn đang nuôi dưỡng sự bám chấp vào tất cả các pháp. Vì vậy, phải tịnh hóa bản thân mình: thân, khẩu, ý. Đặc biệt là [tịnh hóa] những tiêu cực, những bất tịnh trong tâm. Khi đó bạn là một người tu chân thật. Nếu ai đó không làm như vậy, ai đó đang làm ngược lại thì đó không phải là một hành giả chân thực.

“Nếu bạn tin vào sức mạnh của Guru Rinpoche
thì bất cứ việc gì bạn làm đều thành công.”

Để dẹp trừ chướng ngại, để tu hành tiến bộ, điều quan trọng là phải cầu nguyện Guru Rinpoche như một pháp thực hành. Nếu bạn tin vào sức mạnh của Guru Rinpoche thì bất cứ việc gì bạn làm đều thành công. Cầu nguyện Guru Rinpoche là việc làm rất tốt lành. Đối với các thương gia, khi quý vị gặp chướng ngại, ví dụ trong kinh doanh, thì có thể cầu nguyện Guru Rinpoche. Quý vị có thể thỉnh tu viện, chư tăng ni cầu nguyện hoặc làm lễ puja giúp cho công việc kinh doanh của mình. [Các pháp này] có rất nhiều sức mạnh. Tu viện chúng tôi có một số kinh nghiệm thực tế. Tu viện thực hiện nghi lễ và nhiều người cho biết rằng họ có được lợi lạc rất lớn. Họ nói: “Nhờ nghi lễ đó mà tôi đã có thể làm được việc này việc khác,” hoặc “nhờ nghi lễ đó mà công việc kinh doanh của tôi bây giờ tốt.”

Nhiều người khi bị bệnh họ đi khắp các bệnh viện, gặp nhiều bác sĩ mà bệnh không thuyên giảm. Thế nhưng, khi các bạn cầu nguyện Guru Rinpoche để tịnh hóa thì nhờ vậy mà bạn có kết quả tốt và chữa lành được căn bệnh. Tất cả những lợi lạc này là sự thật sống động. Những lợi lạc này là có thật. Do đó cầu nguyện và tu pháp Guru Rinpoche hoặc các Bổn tôn khác có thể rất hữu ích cho cuộc sống của các bạn.

Thường thì khi có chuyện xảy ra bạn chỉ tin vào bác sĩ và cho rằng chỉ bác sĩ, chứ không ai khác, có thể giải quyết được. Trong nhiều trường hợp điều này không hoàn toàn đúng. Như Thầy đã nói ở phần trước, nhiều người đã rời bệnh viện và tới tu viện. Họ nhiễu tháp, lễ lạy trước tháp bảo và đã được chữa lành bệnh. Đây là sự thật đang xảy ra, rất phổ biến, không phải lời hư dối.

Guru Rinpoche là một Bổn tôn rất quan trọng, một người rất quan trọng ở Tây Tạng, đối với hành giả Kim Cương Thừa nói chung và với những ai có lòng tin nơi Ngài nói riêng. Người Tây Tạng và các hành giả Kim Cương Thừa nói chung có kết nối nghiệp rất mạnh với Guru Rinpoche. Tuy nhiên, những người thiếu hiểu biết sẽ không hiểu được Guru Rinpoche quan trọng như thế nào đối với Kim Cương Thừa, đối với người tu Kim Cương Thừa. Có những người thiếu đức tin và tâm chí tín thành với Guru Rinpoche; họ không thấy cầu nguyện Guru Rinpoche rất quan trọng. Theo Thầy, đây là một sai lầm lớn.

“Guru Rinpoche là đạo sư của tất cả những người tu Kim Cương Thừa.”

Trên thực tế, theo giáo lý và theo [sự thật] lịch sử thì hệ thống Kim Cương Thừa được Guru Rinpoche xây dựng. Guru Rinpoche là đạo sư của tất cả những người tu Kim Cương Thừa. Có tình trạng như thế ở Tây Tạng: nhiều người không hiểu điều này và họ không tin tưởng nơi Ngài. Họ không cầu nguyện Ngài. Đôi khi họ còn phê phán Guru Rinpoche. Họ không chấp nhận một số hành vi hay hoạt động của Ngài. Những vấn đề này đã gây ra những chướng duyên cho Tây Tạng bởi vì họ không đủ trí tuệ để giải quyết các khó khăn nảy sinh. Do những suy nghĩ tiêu cực, do bám chấp vào truyền thống của riêng mình; họ không nhìn thấy giá trị của các truyền thống khác, kông tôn trọng các truyền thống khác.

Tuy nhiên, Thầy tin rằng có rất nhiều người có lòng tin vào Guru Rinpoche. Cũng có nhiều bậc Đạo Sư với trí tuệ lớn đã nhắc nhở về vấn đề này. Vì vậy, các bạn cần tin tưởng rằng cầu nguyện Guru Rinpoche và trì chú Đạo Sư là rất quan trọng. Đây là một số lời khuyên dành cho các bạn. Thầy không định giữ các bạn quá lâu. Có thể Thầy đã giữ các bạn quá lâu thật (Rinpoche cười). Điều quan trọng đối với các bạn là nghĩ tưởng tới Guru Rinpoche và hành trì pháp Guru Rinpoche. Việc này rất lợi lạc, rất cần để các bạn tu hành không gặp chướng ngại.

 

Hết bài giảng ngày 4.8.2019 tại Dawu

 

Việt dịch từ bản chép tay lời thoại: Lotsawa (Hiếu Thiện).
Chép tay lời thoại từ MP 3: Giáng Hương (Choying Drolma), Kiều Oanh (Menlha Kyid).
Chỉnh sửa và hiệu đính bản chép tay: Lotsawa (Hiếu Thiện).
MP3 ngày 4.8.2019: https://lienhoaquang.com/q_w2t9a5z

______________

Chú thích:
[i] Tên tiêu đề do dịch giả đặt để người đọc tiện theo dõi

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ