GURU YOGA: Guru Yoga Dòng Longchen Nyingthig [i]
Sáng 20.10.2019, Việt Nam
(trích đoạn)
“Guru là đạo sư, và không chỉ là đạo sư
mà còn là vị thầy có thể khai ngộ Phật tánh cho bạn.”
Lần này đề tài chính là “Guru Yoga – Guru Yoga dòng Longchen Nyingthik”. Trong các truyền thống Phật Giáo Tây Tạng có nhiều dòng truyền thừa và mỗi dòng có thực hành ngondro riêng của mình. Mặc dầu tên gọi có thể khác nhau nhưng ý nghĩa căn bản là giống nhau. ‘Ngondro” có nghĩa là “pháp tu tiên yếu”, và “guru yoga” có nghĩa là “công phu thực hành (practice) guru”. Mặc dù các truyền thống khác nhau có một “guru” khác nhau, tức là người (person) khác nhau để công phu thiền định và cầu nguyện, nhưng đó đều là “guru” và thực hành đều là “yoga”. “Yoga” có nghĩa là “công phu đều đặn”. Tóm lại, đây là một dòng pháp của Phật Giáo Tây Tạng. Không có sự khác biệt lớn về ý nghĩa và cách thức làm sao để thực hành pháp ngondro và Guru Yoga.
Guru là đạo sư, và không chỉ là đạo sư mà còn là vị thầy có thể khai ngộ Phật tánh cho bạn. Tất nhiên, có nhiều loại thầy: một số là quan trọng, một số rất quan trọng và một số thì ít quan trọng hơn. Nhưng khi chúng ta nói về đạo sư, đặc biệt là nói về vị đạo sư gốc, thì có nghĩa là vị thầy rất quan trọng.
“Điều quan trọng nhất đối với các Ngài
là nương tựa vào một vị thầy có đầy đủ phẩm tánh và làm theo các giáo huấn,
chỉ dẫn của Guru một cách đúng đắn, chính xác.”
Như Thầy đã nói tới ở trên, Guru là một người có thể khai ngộ bản tâm cho hành giả, có thể chỉ thẳng con đường tới Phật tánh cho bạn. Vì vậy, đây là một người cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của hành giả, bởi vì đối với người tu, điều quan trọng nhất là chứng ngộ Phật tánh và điều đó phải nương vào chỉ dẫn của Guru, vào sự gia trì của Ngài. Trong lịch sử Phật giáo, những câu chuyện về các bậc thầy vĩ đại, các hành giả vĩ đại, đều cho ta thấy rằng một trong những điều quan trọng nhất đối với các Ngài là nương tựa vào một vị thầy có đầy đủ phẩm tánh và làm theo các giáo huấn, chỉ dẫn của Guru một cách đúng đắn, chính xác. Chúng ta, các hành giả Kim Cương thừa, cần cố gắng có cách hiểu đúng đắn [về điều này] thông qua quá trình học tập và khảo sát. [Thầy nói vậy] bởi vì nhiều người do không có đủ nền tảng căn bản của hiểu biết đúng đắn đã hành động trước khi có được những hiểu biết căn bản cần thiết. Kết quả là họ thường mắc sai lầm do không có hiểu biết đúng. Vì vậy, trước hết chúng ta cần phải nghiên cứu, học hỏi và nỗ lực nắm bắt được những điểm then chốt nhất của pháp tu, của dòng truyền thừa và của hành trì cá nhân.
“Guru là người từ bi nhất, quan trọng nhất, chính yếu nhất,
là vị thầy chính, bởi vì nhiều vị thầy khác
không thực sự có khả năng cho ta chứng ngộ đó.”
Theo định nghĩa, “Guru” là người có những phẩm tính cao hơn, chứng ngộ cao hơn, tâm bi thâm sâu hơn, trí tuệ cao hơn. Mọi thứ đều phải cao hơn – [so với] người học trò chẳng hạn. Bây giờ nói về chữ “gốc”. Như thầy đã giải thích trước đây, đệ tử có thể có nhiều vị thầy, nhưng vị thầy gốc có nghĩa là vị thầy chính. Về chữ “Yoga”. “Yoga” có nghĩa là “hợp nhất với thực tại nền tảng”. “Yoga” cũng có nghĩa là chứng ngộ cảnh giới hỉ lạc đó. Đối với một người tu Phật, lý do chính để thực hành pháp là nhằm đạt tới sự chứng ngộ đó, sự chứng ngộ chân thực. Và điều này phải nương vào công phu hành trì thiền định. [Nương vào] loại công phu thiền định nào? Đó là công phu thiền định về những chỉ dẫn của Guru, về ý nghĩa của các chỉ dẫn mà Ngài đưa ra. Nếu một đệ tử có khả năng làm theo chính xác những lời dạy, những lời chỉ dẫn của Guru, nếu người đó có khả năng tinh tấn, miên mật thực hành những lời chỉ dạy của Guru thì người đó có thể chứng ngộ, có thể chứng ngộ thực tại nền tảng. Đó là đích đến. Đó là đích đến tối hậu mà bạn sẽ tới trên đạo lộ Giải Thoát. Thành tựu tối thượng này chính là ân phước của Guru. Vì vậy, Guru là người từ bi nhất, quan trọng nhất, chính yếu nhất, là vị thầy chính, bởi vì nhiều vị thầy khác không thực sự có khả năng cho ta chứng ngộ đó.
“Giờ đây, khi đã hiểu được tình thương của Phật rồi
thì ta nên đền đáp tấm lòng của Ngài bằng việc tinh tấn tu hành,
và làm theo những lời chỉ dạy mà Ngài ban cho ta.”
Quê hương, đất mẹ của ta là Phật tánh. Cõi tịnh độ của chúng ta là bản tâm. Luân hồi không phải quê hương của ta. Chúng ta đã sống ở đây tử vô thỉ và thật khó mà thoát được khỏi chốn này. Chúng ta hiện đang kẹt ở đây, nhưng đây không phải nơi chốn của ta, đây không phải là nơi bầu bạn của ta. Đích đến tối hậu, quê hương của ta là Phật tánh – cái hiện giờ đang bị che lấp bởi phiền não, vọng tưởng, vô minh của ta. Vì vậy, thực hành Pháp, công dụng của Pháp, ý nghĩa của Pháp, đặc biệt là thực hành Kim Cương thừa, đều nhằm đưa ta sớm trở về đất mẹ. Kinh thừa cũng là một con đường trở về quê hương, nhưng sẽ dài lâu hơn. Mật thừa mạnh mẽ hơn, nhiều phương tiện hơn sẽ giúp ta sớm trở về nhà. Vì vậy, Guru Yoga chủ yếu được dạy trong Kim Cương thừa – bởi luân hồi không phải là nhà để ở, cho dù chúng ta đang ở (cười).
Do vậy mà thiên nan vạn nan. Rất nhiều đau khổ, rất nhiều bất ổn chúng ta phải trải qua. Bởi vì, đây không phải là đất mẹ. Đây không phải là nơi ta muốn ở và đây không phải là đất lành. Nhưng có một nghịch lý là: mặc dầu ta không muốn trở lại luân hồi nhưng ta không được tự do làm như vậy. Nguyên nhân là ở chỗ chúng ta quá tin vào suy nghĩ của mình, vào vô minh của mình, đến nỗi rốt cuộc ta cứ luôn bị lôi trở lại luân hồi. Phật từ bi đã ban lời chỉ dạy làm sao để trở về quê nhà và Ngài luôn nhắc rằng chúng ta đang lạc lối. Vậy nên Phật rất rất đỗi từ bi. Giờ đây, khi đã hiểu được tình thương của Phật rồi thì ta nên đền đáp tấm lòng của Ngài bằng việc tinh tấn tu hành, và làm theo những lời chỉ dạy mà Ngài ban cho ta.
Khi chúng ta cảm thấy bất hạnh, đau khổ trong cuộc đời, thì nguyên nhân khiến ta có khả năng biết được (giác-LND) những cảm xúc đó chính là nhờ Phật tánh. Phật tánh luôn trong tâm của chúng ta. Phật tánh luôn ở đó. Với [tánh biết] đó, chúng ta có thể biết được bản chất của Luân Hồi. Nếu không có giác tánh thanh tịnh tuyệt đối như vậy trong tâm thì ta đã không thể nhận biết được đau khổ. Cho dù đời có thể tệ thế nào đi nữa thì ta cũng không thấy, không cảm nhận được điều đó. Bởi vì ta có khả năng nhận biết (giác-LND) nên có hi vọng là ta có thể thấy được thực tại, có thể biết được đau khổ và hiểu được từ đâu lại có những đau khổ này.
Đôi khi sẽ lợi lạc nếu ta hiểu được đau khổ là gì và hạnh phúc là gì (Rinpoche cười). Nhiều người không thực sự hiểu hạnh phúc là gì và cái gì là bất hạnh. Thiên hạ thường lẫn lộn. Chỉ những ai hiểu được thực tại này thì, nương vào hiểu biết đó, luôn có nhiều hi vọng hơn để chọn được con đường đúng. Điều này rất quan trọng. Bởi vì, không có sự hiểu biết, không có tâm xả ly, thì rất khó hiểu được tại sao phải tu hành. Nhiều người trên thế giới này không tin đạo Phật. Giáo lý Phật không quan trọng đối với họ vì họ không hiểu biết. Nhưng có nhiều người và thậm chí cả các nhà khoa học, các khoa học gia lớn, đã có lòng tin vào Pháp của Phật vì họ hiểu được giá trị của giáo lý. Chỉ có ai không hiểu những phẩm tánh tuyệt vời của Pháp Phật mới không có lòng tin.
“Thực hành Pháp là chấp nhận các tiêu cực, chướng ngại này và chuyển chúng thành đường tu,
chuyển chúng thành trợ duyên cho con đường tu của ta.
Vì vậy, đó là một điều tốt lành.”
Đối với người tu, đặc biệt là người tu Đại thừa và Kim Cương thừa, chướng ngại đôi khi không phải là xấu, vì ta có thể sử dụng nó như một đối trị, một phương tiện tốt để tiến trên đạo lộ – bởi vì đau khổ và chướng ngại có thể đưa ta đến con đường đạo đúng đắn. Vì vậy, chúng ta cần có trí tuệ để biến chướng ngại thành con đường tu. Tóm lại, có một vài chướng ngại là điều tốt. Đa số mọi người không hiểu tại sao chúng ta nói như vậy là tốt, bởi vì họ nghĩ [đơn giản] rằng một cái [gì đó] là không tốt nếu nó không tốt cho họ.
Phật giáo có cách nhìn mọi thứ hoàn toàn khác. Chúng ta nhìn mọi thứ hoàn toàn khác. Vì vậy, đạo Phật là độc nhất vô nhị. Phật giáo có rất nhiều trí tuệ. Bất cứ thứ gì [tiêu cực] khi đến với Phật giáo thì Phật giáo có sức mạnh chuyển những thứ tiêu cực ấy thành con đường tu. Vì vậy, thực hành Pháp là chấp nhận các tiêu cực, chướng ngại này và chuyển chúng thành đường tu, chuyển chúng thành trợ duyên cho con đường tu của ta. Vì vậy, đó là một điều tốt lành.
Đây là nghi quỹ ngondro Longchen Ningthik cực ngắn. Có nhiều bản gốc nghi quỹ ngondro, tuy nhiên, bản gốc thật (real) của pháp ngondro dòng Longchen Ningthik được tổ Jigme Lingpa soạn – còn sau đó xuất hiện nhiều bản ngondro Longchen Ningthik [khác]. Trong nghi quỹ này Thầy đã soạn một số phần, tuy nhiên trong mục “Guru Yoga” thì phần quán tưởng được giữ giống như trong bản ngondro Longchen Ningthik mà tổ Jigme Lingpa đã soạn.
Thầy biết rằng hiện nay mọi người dùng những bản khác nhau của nghi quỹ ngondro Longchen Ningthik: bản dài và bản ngắn. Tóm lại có ít nhất là hai bản. Và bản này là bản ngắn Thầy soạn cho những ai bận rộn trong xã hội: bận rộn với công việc và bận rộn vì lười biếng (Rinpoche cười). Các bạn có thể chọn bản dài hoặc bản ngắn tùy ý. Nếu các bạn phát tâm tu bản dài thì điều đó cũng tốt vì bản dài có nhiều lời chỉ dẫn hơn, nhiều giáo lý hơn, đặc biệt là bốn niệm chuyển tâm. Phần ngoại ngondro có nhiều thông tin hơn.
“Đây là một trong những điều kiện thiết yếu
để một đạo sư có thể truyền dạy một giáo lý quan trọng, một giáo huấn quan trọng
– người đó phải nhận được sự cho phép từ chính Guru của mình.”
Nguyên nhân để Thầy dạy ngondro Longchen Ningthik là nghiệp. Thầy đã phát nguyện thực hành pháp Longchen Ningthik và đã gặp đại duyên này. Và không chỉ như vậy: các bậc đạo sư vĩ đại của Thầy đã cho phép Thầy dạy giáo lý thâm diệu này. Đây là một trong những điều kiện thiết yếu để một đạo sư có thể truyền dạy một giáo lý quan trọng, một giáo huấn quan trọng – người đó phải nhận được sự cho phép từ chính Guru của mình.
“Rất cần thiết phải có một dòng truyền thừa,
phải có một bậc thầy vĩ đại và phải có sự ủy quyền từ đạo sư
để truyền dạy giáo lý cho những người khác.”
Điều này là phổ biến cho tất cả giáo lý Phật và đặc biệt là trong truyền thống Kim Cương thừa. Để làm một vị Kim Cương Thượng Sư, người ta phải nhận được lời cho phép của Guru nói rõ rằng: “Con hãy làm việc này.” [Điều này] nhằm cho phép, nhằm ủy quyền chính thức cho một đệ tử bằng lời nói: “Từ nay, con sẽ dạy giáo lý này để duy trì dòng truyền thừa.”
Thầy đã nhận được sự cho phép từ tất cả các vị đạo sư của mình. Các đạo sư của Thầy là những bậc thầy rất quan trọng hiện nay, như Lamasang, tổ Dodrupchen, và một số đạo sư khác. Có thể các bạn không biết mà cũng có thể các bạn đã từng nghe. Có một vị đạo sư Dzogchen rất quan trọng tên là Tampi Wangchu. Và có một vị khác [tên là] Pema Yanzep – Ngài đã mất năm ngoái. Ngài Tampi Wangchu viên tịch cách đây bốn hoặc năm năm. Các Ngài đã đặc biệt yêu cầu Thầy truyền dạy pháp Longchen Ningthik và giáo lý Dzogchen thâm diệu.
Các Ngài, như Thầy đã nói, không phải là những vị thầy bình thường mà là những bậc đạo sư thật sự rất quan trọng trong thế kỷ này. Thầy không nghĩ rằng sẽ có những bậc đạo sư quan trọng [như vậy] xuất hiện. Rất hi hữu để những bậc thầy như vậy xuất hiện và thật khó khăn để những điều như vậy xảy ra. Các Ngài không nói với Thầy điều này một cách riêng tư mà nói với Thầy trước đại chúng, trước hàng trăm, hàng ngàn người, hàng ngàn vị tăng Tây Tạng. Rất cần thiết phải có một dòng truyền thừa, phải có một bậc thầy vĩ đại và phải có sự ủy quyền từ đạo sư để truyền dạy giáo lý cho những người khác. Dòng truyền thừa và đạo sư là một trong những yếu tố tối quan trọng để trở thành một đạo sư. Và đây là điều kiện rất quan trọng, đối với cá nhân Thầy, để trở thành đạo sư của dòng Longchen Nyingthik.
“Trên thế giới ngày nay, có nhiều truyền thống Phật giáo dổm đang nở rộ
và có nhiều người đang theo các truyền thống Phật giáo dổm [đó].
Cho nên, khi có nhiều người theo một truyền thống không có nghĩa là truyền thống đó thực sự có phẩm chất tốt, có chất lượng cao.”
Longchen Nyingthik có nghĩa là Đại Viên Mãn, Dzogpa Chenpo – một giáo lý vô cùng trân quý. Chúng ta có thể nói rằng đây là giáo lý quan trọng nhất trên trái đất này. Chính vì vậy, việc có đủ những điều kiện và tiêu chuẩn để trở thành một bậc thầy Dzogchen cũng quan trọng y như vậy, không khác. Đó chính là lý do tại sao Thầy phải cho các bạn biết và phải cung cấp cho các bạn một số thông tin cá nhân của Thầy.
Dòng Longchen Nyingthik do tổ Jigme Lingpa (1729-1792) sáng lập, và bộ pháp Longchen Nyingthik, Chân Như Tâm Yếu, được khai mở bởi tổ Jigme Lingpa trong ba linh kiến về Longchenpa. Jigme Lingpa đã ba lần có linh kiến về Longchenpa – có nghĩa là Ngài đã gặp tổ Longchenpa trực tiếp trong thân tướng con người và Longchenpa đã nói chuyện với Ngài. Jigme Lingpa đã có thể chạm vào chân của Longchenpa và nhận những giáo huấn rất quan trọng từ Tổ. Lại nữa, Jigme Lingpa là một khai mật tạng vương đã khai mở những phục điển rất thâm diệu từ Đức Liên Hoa Sanh. Tóm lại, Ngài là một đại đạo sư với thành tựu cao tột, như ngày nay có thể nói rằng Ngài là một siêu đạo sư.
Tổ Longchenpa sống trong quãng thời gian từ 1302 tới 1363. Như vậy, giữa Longchenpa và Jigme Lingpa có khoảng cách thời gian bốn trăm năm, nhưng Jigme Lingpa đã có thể diện kiến Longchenpa trực tiếp. Hai vị đạo sư này giống như cha và con. Thầy tin rằng có nhiều tư liệu về hai vị tổ của dòng Longchen Nyingthik là Longchenpa và Jigme Lingpa trong nhiều cuốn sách, và có thể trên internet, bằng tiếng Việt. Nếu các bạn không lười biếng (cười) thì có thể đọc các tiểu sử của hai vị tổ. Một số câu chuyện về hai vị tổ, như về Longchenpa chẳng hạn, rất thú vị. Longchenpa có nhiều linh kiến về các vị Phật và các vị Bồ tát. Có lần, Ngài có linh kiến về Đức Yeshe Sogyal. Đức Yeshe Sogyal cầm Longchenpa trong tay mình và cho Ngài thấy vũ trụ. Một câu chuyện rất tuyệt vời. Khi tổ Longchenpa khai mở một số phục điển và khi Ngài viết các bộ luận về pháp Đại Viên Mãn, có ba vị hộ pháp chính là Ekajati, Rahula và Vajrasadhu (Dorje Legpa) đã làm thị giả cho Ngài. Ekajati làm thư ký cho Ngài (cười). Và Rahula là thị giả chuyên lo giấy và lo thứ này thứ khác cho Ngài. Đó là những câu chuyện rất tuyệt vời, rất độc đáo và hoàn toàn sự thật về tổ Longchenpa.
Tổ Jigme Lingpa không trải qua nhiều việc học hành chính thức, theo cách thức thông thường. Ngài học với các vị thầy trong thân tướng con người rất ít, nhưng Ngài đã giữ được sự liên tục của thực hành Pháp từ những kiếp trước. Ngài có thể nhớ tất cả mọi thứ từ những kiếp trước. Tất cả kiến thức, tất cả trí tuệ của Ngài đều xuất hiện ngẫu nhiên mà không phải kinh qua nhiều công phu hành trì, tu tập. Longchenpa là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi và Jigme Lingpa là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát và nhiều vị đạo sư của Ấn Độ và Tây Tạng, vì vậy các Ngài còn nhớ nhiều thứ từ các kiếp trước của các bậc đạo sư rất quan trọng [mà các Ngài là hóa thân]. Do đó, Jigme Lingpa không phải học hành quá nhiều.
Longchen Nyingthik là một giáo lý rất quan trọng, không chỉ trong dòng truyền thừa này mà còn trong nhiều dòng truyền thừa khác như Kagyupa, Sakyapa và tất cả các truyền thống khác của Nyingmapa. Đây là một dòng truyền thừa lớn ở Tây Tạng và trên thế giới. Nhưng cội nguồn của dòng truyền thừa này là ở Tây Tạng. Nhiều đạo sư vĩ đại hiện vẫn đang truyền dạy dòng pháp này và nhiều người đang thực hành dòng pháp này.
Giờ cần cung cấp một ít thông tin cho các bạn! Có bao nhiêu người theo dòng truyền thừa và bao nhiêu tu viện thuộc dòng truyền thừa không phải là điều thực sự quan trọng. Trên thế giới ngày nay, có nhiều truyền thống Phật giáo dổm đang nở rộ và có nhiều người đang theo các truyền thống Phật giáo dổm [đó]. Cho nên, khi có nhiều người theo một truyền thống không có nghĩa là truyền thống đó thực sự có phẩm chất tốt, có chất lượng cao. Tuy nhiên, vì chúng ta đang nghiên cứu về dòng pháp này cho nên chúng ta cần phải có một số thông tin về dòng đó. Nếu các bạn muốn biết có bao nhiêu tu viện của dòng Longchen Nyingthik ở Tây Tạng – Thầy không có một con số thật chính xác nhưng có lẽ ít nhất là 700 hoặc 800 tu viện ở Tây Tạng hiện nay đang thực hành pháp Longchen Nyingthik. Đôi lúc tên gọi là “Longchen Nyingthik” và đôi lúc tên gọi là “Dzogchen”. Như vậy là có những cách gọi khác nhau dầu ý nghĩa là một. Và nói về các tu viện thực hành pháp Đại Viên Mãn Dzogchen thì còn nhiều hơn nữa. Chúng ta có một số truyền thống chính của Nyingmapa, đó là Dzogchen, Katok, Palyul, Shechen, và Mindrolling.
“Bản chất tâm tự nhiên rất quang minh, sáng rõ về tất cả mọi thứ,
nó không bị phân tán bởi bất kỳ ý nghĩ, bất kỳ một thứ gì khác.
Nó luôn luôn hiện diện ở đó từ vô thỉ, nó không hề thay đổi, không hề dịch chuyển.”
“Longchen” có nghĩa là “chân như”, tức là rộng lớn, bao la như bầu trời. Tại sao Longchen Rabjam có tên này? Bởi vì kiến của Ngài, sự chứng ngộ của Ngài giống như chân như nên tên của dòng lấy theo tên của Ngài. Tri kiến của Ngài rộng lớn nên tên Ngài là Longchenpa. Tri kiến vĩ đại, lạt ma chứng ngộ vĩ đại – Longchen Rabjam.
“Ngondro” có nghĩa là pháp tu tiên yếu, hoặc là sự chuẩn bị để có chứng ngộ Phật tánh chân thực. Để chứng ngộ bản tâm của mình, người tu phải trải qua một số thực hành trước khi bước vào thực hành chính. Có nhiều nghi quỹ ngondro và nghi quỹ này là “mở cánh cửa tới tự tánh quang minh thường trụ”. Mục đích của thực hành tiên yếu này là để mở cánh cửa tới chân tâm. Đây là công dụng của pháp tu tiên yếu. Chúng ta cần chìa khóa để mở cánh cửa và chìa khóa để mở cánh cửa này là ngondro. Và để mở cái gì? Để mở cánh cửa tới Phật tánh của mình.
Phật tánh đó nó như thế nào? Phật tánh đó là Quang Minh. Vô cùng sáng rõ! Sáng rõ về cái gì? Sáng rõ về tất cả mọi thứ. Nó không giống bóng tối, không giống giấc ngủ, không giống trạng thái vô minh – tâm của bạn đờ đẫn, tăm tối hoặc buồn ngủ. Đó không phải là quang minh. Bản chất tâm tự nhiên rất quang minh, sáng rõ về tất cả mọi thứ, nó không bị phân tán bởi bất kỳ ý nghĩ, bất kỳ một thứ gì khác. Nó luôn luôn hiện diện ở đó từ vô thỉ, nó không hề thay đổi, không hề dịch chuyển. Nó như vậy và luôn luôn như vậy. Tóm lại, “thường trụ” có nghĩa là có mặt bây giờ và cứ như vậy, luôn luôn có mặt.
Nhưng mặc dầu nó ở bên trong tâm chúng ta, bên trong chúng ta, thường trụ không bao giờ rời xa, nhưng ta không thực sự hiểu và ta chưa từng nhìn thấy nó. Chính vì điều đó, nó không hoạt động. Chúng ta không thể sử dụng ánh quang minh này, không thể nhắc mình về ánh sáng này. Vì vậy, nó hiện nay không mấy lợi lạc. Chúng ta ở đây trong trạng thái vô minh, chúng ta sử dụng vô minh và vô minh sử dụng chúng ta. Chúng ta không ở trong cảnh giới đó. Bây giờ, nhờ pháp tu ngondro, chúng ta hy vọng sẽ có thể đạt tới cảnh giới của quang minh.
Hết trích đoạn
Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện)
Bản tiếng Anh do Diệu Huệ chép từ MP 3 sáng ngày 20.10.2019: https://lienhoaquang.com/q_9pyklxo
_______________________
Chú thích:
[i] Tựa đề là do người dịch đặt để tiện cho người đọc.