LỜI NGUYỆN SỚM THÀNH TỰU MỌI ƯỚC NGUYỆN

Lời Đạo Sư IV xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả gần xa các bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche từ năm 2015 tới 2018 cùng một số thư, thơ, bài viết.Mở đầu phần I của cuốn sách là bài giới thiệu của Rinpoche về dòng pháp Longchen Nyingthik. Với ngôn ngữ cô đọng và sắc bén, Rinpoche đã phân tích sự khác nhau giữa pháp tu Hiển giáo và Mật giáo mà một người tu Kim Cương Thừa rất cần phải biết. Trong Kim Cương Thừa, chư đạo sư “đã lấy tinh túy của tất cả các pháp môn đưa vào một pháp tu nhỏ, thuận tiện cho chúng ta tu. Và chúng ta sẽ đạt thành tựu giống như là chúng ta đã nghiên cứu tất cả các sách, toàn bộ giáo lý. Đây được gọi là PHƯƠNG TIỆN trong Kim Cương Thừa.” Vì vậy “Kim Cương Thừa có nhiều phương tiện, nhiều phương pháp độc đáo để tu hành, và để tu hành một cách có hiệu quả, với pháp tu có sức mạnh.”

Hai bài giảng khác “Ba Tánh Đức Cần Có Của Một Bậc Đạo Sư” và “Còn Hòa Hợp Thì Cộng Đồng Còn Tồn Tại” của Rinpoche đề cập tới chủ đề lớn của Phật Giáo: phẩm chất của đạo sư và trì giữ giới trọng cấm của đệ tử.

Đạo hạnh quan trọng hơn hiểu biết. Rinpoche nói: “Đạo hạnh tốt có nghĩa là trung thực, và đạo hạnh kém là không trung thực, dối trá. Vì vậy đạo hạnh tốt, kỷ luật tốt thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiểu biết tốt.”

Rinpoche đã nhắc tới phẩm tánh quan trọng là bậc thầy phải có trải nghiệm và chứng ngộ vì: “Khi không có trải nghiệm, chứng ngộ về đạo lộ, về giáo lý thì tâm vẫn còn rỗng cạn, không có sức mạnh. Khi đó tâm vẫn chưa đạt tới điểm rốt ráo của Pháp.”

Trong thông điệp gửi tới các đệ tử “Còn Hòa Hợp thì Cộng Đồng Còn Tồn Tại”, Rinpoche đã chỉ ra hiểm họa của việc phá vỡ hòa hợp giữa những người tu: “Chúng ta có bài học từ lịch sử từ Phật giáo ở Ấn Độ. Đạo Phật ở đó bị hủy diệt do nhiều nhân duyên, nhưng một trong những nguyên nhân chính là sự bất hòa từ bên trong.” Và Ngài nhắc nhở: “Sự hòa hợp là rất quan trọng. Khi không có sự hòa hợp, cộng đồng sẽ tan rã. Điều này là chắc chắn. Không có gì để nghi ngờ hay bàn cãi.”

Trong “Lời Đạo Sư 4” có bài thơ được nhiều bạn đọc yêu thích “Tự Răn Mình”. Đây là những lời chân thật vàcảm động Rinpoche viết ra để tự nhắc nhở bản thân mình và những pháp lữ khác, luôn nỗ lực không để bị cuốn theo tám ngọn gió đời.

Nguyện tôi thiền không mắc những lỗi lầm,như kẹt vào các chấp trước cực vi tế,tâm an trú, không rời xa cốt thép -nơi tịnh kiến về chân như thường trụ.Nguyện [tôi] luôn trên đạo lộ Phật tối thắng,trong kiếp này và những kiếp mai sau.Nguyện không bao giờ tôi mắc mê lầm,lạc lối trong hành vi phi Pháp Phật.

Hầu hết các bài giảng, bài thơ, thư, bài viết của Rinpoche đều có hai phần Anh và Việt. Tuy nhiên, do đa số độc giả là người Việt Nam nên trong bản sách giấy xuất bản lần này chỉ có phần tiếng Việt. Các độc giả muốn tham khảo phần thoại tiếng Anh của Rinpoche xin tải sách điện tử Lời Đạo Sư song ngữ trên trang web lienhoaquang.com. Quỹ Liên Hoa Quang hiện đang có kế hoạch đưa sách Lời Đạo Sư tập II, III, IV (đơn ngữ và song ngữ) lên trang Amazon.com để các bạn đọc thỉnh sách giấy tiếng Việt hoặc Anh-Việt.

Người góp nhặt xin gửi lời tri ân và tùy hỉ công đức tới các đạo hữu đã đóng góp nhiều công sức cho sự ra đời của các cuốn sách này qua các công việc: ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, xử lý mp3, ảnh, chép bài giảng tiếng Anh, đánh máy văn bản, kiểm tra lỗi và xử lý văn bản v.v… Xin tri ân công ty Hương Trang, nhà sách Quang Bình luôn giúp đỡ và hợp tác với LHQ trong công việc in ấn và xuất bản.

Nguyện cầu chư Phật mười phương gia trì gia hộ.

Người góp nhặt

EMAHO! Giữa tâm sen nở trên hồ,
Ngài là ngũ trí1, ngũ thân2 an nhiên tự hiện;
Hỡi Liên Hoa Yab-Yum3 khởi từ tự tánh,
Vây quanh Ngài quyến thuộc Dakini,
Khẩn xin Ngài ban gia hộ, gia trì
Cho nguyện ước chúng con sớm thành tựu!

Khi chướng nạn, quỷ ma, bệnh tật,
Bạo lực, chiến tranh, chết đói hoành hành
Do ác nghiệp con tạo từ vô thỉ,
Xin hãy nhớ lời thệ nguyện của Ngài:
Ngay khi con hướng tâm khẩn cầu,
Ngài sẽ tức thời dẹp tan chướng nạn –
Tự sâu thẳm trong tim, con cầu nguyện Ngài,
Khẩn xin Ngài ban gia hộ, gia trì,
Cho nguyện ước chúng con sớm thành tựu!

Xin hãy gia trì cho thất thánh tài4
– Tín, giới, thí, văn, tàm, quý, tuệ –
Ngự trong tâm của mỗi chúng sinh,
Đem bình an, hạnh phúc cho muôn họ.
Khẩn xin Ngài ban gia hộ, gia trì,
Cho nguyện ước chúng con sớm thành tựu!

Khi ngập bệnh tật, khổ đau, khốn khó,
Tà lực gây hại, chủ, vua trừng phạt,
Hỏa nạn, thủy nạn, thú nạn, hành trình nạn,
Khi mạng chung cái chết sát cận kề,
Không ai khác ngoài Ngài con nương tựa!

Ôi Đấng Vĩ Đại Guru Orgyen,
Xin che chở chúng con trong tâm Đại Bi.
Khẩn xin Ngài ban gia hộ, gia trì
Cho nguyện ước chúng con sớm thành tựu!

Lời nguyện này hãy luôn giữ trong tim, hỡi những ai có tín tâm, muốn lợi lạc cho Tây Tạng, an dịu bệnh khổ, ngăn chặn nạn đói, xâm lăng và đóng góp vào sự trường tồn vững bền của Giáo Pháp và hạnh phúc của chúng sinh.

Khổ kệ đầu tiên được trích từ “Những Vầng Mây Bao La Của Giáo Nghĩa Thậm Thâm” (Zabdon Gyatso Trinpung), ‘giáo huấn nền tảng’ cho Khandro Nyingthik của Longchenpa Toàn Tri, và các dòng kệ sau là kim cương khẩu của đấng toàn tri thứ hai, Rigdzin Jigme Lingpa.

Nguồn bản tiếng Tạng, phiên âm: www.lotsawahouse.org .
Anh dịch: Rigpa translations (Sampa Nyur Drupma—’The Prayer that Swiftly Fulfils All Wishes’).

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa) tháng 2/2018.
_____________________

Chú thích:

1 Ngũ Trí Như Lai: 1. Đại Viên Cảnh Trí, 2. Bình Đẳng Tánh Trí, 3. Diệu Quán Sát Trí, 4. Thành Sở Tác Trí, 5. Pháp Giới Thể Tánh Trí.

2 Ngũ thân: 1. Hóa Thân, 2. Báo Thân, 3. Pháp Thân, 4. Phật Thân, 5. Kim Cang Thân.

3 Tánh Hợp nhất bổn nguyên của Trí Tuệ và Đại Bi, của Trí Tuệ và Đại Phương Tiện. (Nguồn: rigpawiki.org)

4 Thất Thánh Tài là bảy phẩm chất của bậc thánh:

Tín tài: “Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng bậc giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A la hán… Phật Thế Tôn. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tín tài”.

Giới tài: “Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh… từ bỏ đắm say men rượu nấu. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Giới tài”.

Tàm tài: “Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác bất thiện. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tàm tài”.

Quý tài: “Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi vì thành tựu các pháp ác bất thiện. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Quý tài”.

Văn tài: “Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy Sơ thiện, Trung thiện, Hậu thiện nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Văn tài”.

Thí tài: “Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả (muttacàgo), với bàn tay rộng mở (payatapãnị) ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Thí tài”.

Tuệ tài: “Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh đạo, thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tuệ tài”.

Tải về
pdf
mp4
word
mp3
CHIA SẺ