Bản chất của tâm là sự hợp nhất của Không và Quang Minh
Khi chúng ta cố gắng nhìn thật sâu vào tâm thì sẽ không thấy gì cả, mà nó rỗng rang như hư không. Nhưng ở trình độ phàm phu chúng ta thì chúng ta không nghĩ vậy. Chúng ta nghĩ rằng nó là một cái gì đó có thật, một cái gì đó có thể làm nên hạnh phúc hay khổ đau. Chúng ta nghi rằng tâm là cái gì đó có thật, nhưng bản tâm thực sự không như chúng ta nghĩ, chúng ta thấy. Nó rất khác cái mà chúng ta nghĩ. Chúng ta cần phải thấy thực tại (reality), thấy chân tánh của tâm. Tâm là TÁNH KHÔNG và TÁNH MINH CHIẾU, hai phần, hai phẩm tánh. Tánh Không là tánh thanh tịnh bổn nguyên. Nó thường hằng thanh tịnh. Tự tánh của tâm không bao giờ bị ô nhiễm bởi phiền não. Nhờ tánh thanh tịnh đó mà tâm có năng lực rõ biết vạn pháp. Tánh Minh Chiếu luôn hiện diện ở đó, không bao giờ lìa xa tâm. Tâm luôn sáng rõ (minh chiếu) và rỗng rang từ trong tự tánh của nó. Nhưng nó không [đơn giản là rỗng không] như hư không, hay như cái phòng, mà nó SÁNG TỎ. Nhờ tánh Minh Chiếu mà nó thanh tịnh. Nhờ Tánh Minh Chiếu và Không hợp nhất – Bản chất của tâm là sự hợp nhất của KHÔNG và CHIẾU – mà không gì có thể làm nó ô nhiễm. Giống như bầu trời trống không và không gì làm cho nó ô nhiễm được.
~ Trích “Khai thị về dòng pháp Longchen Nyingthik”, Hungkar Dorje Rinpoche