Nếu không giảm thói tham tóm chặt mọi thứ thì nó là nhân bất hạnh và ta sẽ không đi tới đâu cả

Muốn tu thì lý do tốt nhất để dấn thân phải giống như Phật: liễu ngộ chân nghĩa cuộc đời. Ngài là người có tất cả mọi thứ, nhưng đó không phải là cái quan trọng nhất. Ngài đã đạt tới cái hiểu rốt ráo, sâu thẳm bên trong, đạt tới an bình sâu thẳm bên trong.

Để đạt tới cái hiểu tối hậu thì bên ngoài ta phải buông xuống nhiều thứ. Không buông xuống được thì khó mà tu. Hay ít ra cũng phải giảm bớt cái tham muốn dai dẳng bên trong: “Ta muốn cái này. Ta muốn tất cả những cái này. Ta không muốn mất. Ta không muốn bỏ lại phía sau …” Cứ thế ta giữ rịt lấy tất cả. Đây là cái khó nhất.

Thực sự là rất khó để giảm [tham]. Tuy nhiên, nếu không giảm được thói tham tóm chặt lấy mọi thứ thì nó sẽ gây cho ta nhiều bất hạnh. Nó tạo chướng duyên và ta kẹt vào đó, và rồi sẽ không đi tới đâu cả. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được một cái gì cả mà cứ kẹt ở đó và khổ sở, khổ sở vì cái tâm trạng [bất an] ở bên trong. Thế nên ta cứ lo lắng quá nhiều, nghĩ ngợi quá nhiều, và tất nhiên là rốt cuộc chẳng đi tới đâu cả. Và đó là vì ta chưa hiểu ra được chút nào cả. Do đó mà bậc thầy đã dạy “Hãy sống như bạn sẽ chết ngay ngày mai” – có nghĩa là hãy chuẩn bị sẵn sàng. Phải sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, bất cứ đâu … v.v. Nhưng chúng ta hoàn toàn chưa sẵn sàng.

Nói đúng ra thì chúng ta không muốn ra đi chút nào. Nếu ta biết rằng đã đến lúc phải ra đi thì … ta sợ, và đó là chướng ngại. Không hiểu được rốt ráo nên ta không thể vượt thắng nổi. Vì vậy mà phải nghe để rút ra bài học từ câu chuyện cuộc đời đức Phật, đức Milarepa. Không phải nghe cho vui, mà phải nghe để hiểu. Đó là điều rất quan trọng.

Trích “Lời Đạo Sư 2”, Hungkar Dorje Rinpoche (Phật Pháp Căn Bản)

Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ