Phải có tâm rất trong sáng, rất tốt lành thì mới làm được việc thiện, cử chỉ đẹp

Hành động phải luôn luôn an hòa, đó là lời Phật dạy. Vì vậy, chúng ta phải có một phương cách tốt để tạo nên hành bất bạo động. Cũng lại [phải đề cập tới] động cơ ở trong tâm. Để có thiện hạnh thì tâm phải thiện lành. Phải có tâm rất trong sáng, rất tốt lành thì mới làm được việc thiện, tạo được cử chỉ đẹp.

Chúng ta phải học cách tu tâm từ bi, tâm Bồ Đề để sao cho hành động của chúng ta chân thật hơn, nhẹ nhàng, an hòa hơn. Với động cơ là tâm bi, hành vi bất bạo động, hành vi thiện lành sẽ rất tốt đẹp. Cốt tủy tám vạn bốn ngàn pháp môn Phật trao truyền là động cơ giác ngộ, Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là trung tâm của giáo lý Phật đà, Bồ Đề Tâm là nhân tốt nhất, duyên tốt nhất để bất cứ ai đang tu luyện tâm có thể tạo thiện hạnh, thực hiện hành vi bi mẫn chân thực.

Bất cứ pháp tu, hay thiện hạnh nào ta đang làm đều không được quên lòng bi mẫn và tâm Bồ Đề. Chỉ bằng cách đó ta mới có thể làm được một cái gì đó chân thực, có ý nghĩa, thực sự lợi lạc tất cả, trong đó có bản thân. Khi ta quên động cơ giải thoát, khi tu hành nhưng đánh mất cái cốt tủy của việc tu, thì ta sẽ không đạt được kết quả tốt như mong muốn. Vì vậy, điều rất quan trọng cần ghi nhớ: phải tu luyện tâm bằng động cơ giải thoát, giác ngộ.

Trích “LÝ NHÂN DUYÊN VÀ BẤT BẠO ĐỘNG: Kiến và Hành của Phật Giáo”, Hungkar Dorje Rinpoche

Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ