Không thể từ bi chỉ nơi cửa miệng

Ta nói rằng ta mong muốn chúng sinh thoát khổ. Nhưng chỉ nghĩ không thôi chưa đủ, mà phải biến lời nói thành hành động. Trong tâm ta mong muốn hạnh phúc cho chúng sinh, và bên ngoài ta phải hết sức cẩn trọng không làm hại chúng sinh khác. Nhưng với căn cơ cấp độ như chúng ta, chúng ta không phải lúc nào cũng làm được điều này. Vì cái nhìn tiêu cực, bất tịnh mà ta gây hại cho người khác. Ta ích kỉ, thiếu hiểu biết, cảm thông. Khi đó hành động của gây hại cho người khác. Hành xử với tâm vị kỉ thì bạn không làm lợi lạc gì cho ai, bạn chỉ gây hại. Điều đó thường xảy ra với chúng ta.

Trong giáo huấn của đức Phật và chư đạo sư có nói rõ điều gì tốt nên làm và điều gì xấu nên bỏ. Giữ chánh niệm luôn là điều kiện đầu tiên để thực hành từ tâm. Cẩn trọng với thân, khẩu, ý của mình là điều kiện đầu tiên để làm một người tu tốt, có từ tâm.

Làm một người có tâm từ bi không dễ, vì tâm bi như giải thích trong giáo lý Phật thuộc cấp độ rất cao. Ở chừng mực nào đó, người ta có thể từ tâm với một vài người. Nhưng từ bi đích thực có nghĩa là thương yêu tất cả chúng sinh. Loại từ bi này được đức Phật giảng trong kinh điển Đại Thừa. Để phát triểm tâm này chúng ta phải hành động và phải có nhiệt tâm. Và chúng ta phải cố gắng nhiều. Đây không phải là thứ có thể xuất hiện trong tâm nhờ ước muốn. Nó sinh ra chỉ khi ta bỏ hết sức nỗ lực như chính đức Phật đã từng không mệt mỏi phát triển tâm từ bi.

Vậy cho nên bất cứ ai muốn làm việc này đều phải hiểu những điều kiện tiên quyết để phát khởi tâm bi mẫn và nỗ lực làm theo. Không thể từ bi chỉ nơi cửa miệng mà phải từ bi thật sự. Và vì thế cho nên phải cố gắng rất nhiều. Và phải kham nhẫn để có thể nuôi dưỡng được trong mình tâm bi. Điều này không dễ, nó đòi hỏi nhiều công phu. Đức Phật đã phải mất nhiều a tăng kỳ kiếp để viên mãn bồ đề tâm.

~ Trích “Phật Pháp Căn Bản“, Hungkar Dorje Rinpoche

CHIA SẺ
Thẻ
Tu Từ Bi