GURU YOGA: Xin Hộ Trì Để Mê Vọng Trên Đường Tu Dừng Bặt [i]

Sáng 21.10.2019, Việt Nam

(trích đoạn)

I. Các giáo lý nói rằng nhận lầm đạo sư là uống thuốc độc

“Một “guru” xấu có thể dẫn ta xuống cõi thấp,
hoặc những điều tồi tệ sẽ chắc chắn xảy ra và vì vậy rất nguy hiểm.”

Ý nghĩa pháp tu Guru Yoga là để nhận gia trì của Guru, có nghĩa là để hợp nhất bất khả phân với Guru, không khác. Người ta không cần phải có quá nhiều suy nghĩ, mà chỉ cần có lòng tin, chánh niệm, và quán tưởng về Guru. Đó là kết quả của thực hành Guru Yoga. Và những bậc thầy vĩ đại như Milarepa thực sự đã đạt đến trình độ đó. Trong tâm Ngài không tồn tại một guru bằng xương thịt, thông thường và tách biệt với Ngài, vì vậy mà Ngài có thể nhận được tất cả gia trì, tất cả sức mạnh từ Guru.

“Các sách đều có mô tả giống nhau về cách quán tưởng, nghĩ tưởng về Guru cả ngày lẫn đêm.”

Thầy nghĩ mọi người đã đọc về Guru Yoga trong “Lời Vàng của Thầy Tôi” và các cuốn sách khác. Các sách đều có mô tả giống nhau về cách quán tưởng, nghĩ tưởng về Guru cả ngày lẫn đêm. Khi thực hành như vậy, điều quan trọng là không quên Guru, lòng từ bi của Ngài, và việc tu hành, bởi vì khi chúng ta quên, thì chúng ta sẽ tạo ác nghiệp. Nếu nhớ điều này, thì ta có thể bảo vệ bản thân khỏi tạo nghiệp. Vì vậy, việc này có sức mạnh lớn lao bảo vệ chúng ta thoát luân hồi và rất lợi lạc.

Hãy quán tưởng đức bổn sư là Guru Rinpoche. Khi chúng ta quán tưởng Guru của mình, chúng ta quán Ngài là một vị Phật. Chúng ta không quán tưởng Guru dưới hình tướng bình thường, mà phải quán Ngài là một Bổn tôn, một vị Phật hoặc một Dakini. Bởi vì khi chúng ta xem Guru là một người bình thường thì điều này có thể tạo nên cái nhìn bất tịnh. Vì vậy, chúng ta cần phát triển tri kiến thanh tịnh của mình mọi lúc, đối với mọi thứ, đặc biệt là đối với Guru.

“Guru là Bổn tôn chính ở trung tâm của tất cả các mạn đà la.”

Chúng ta cần hiểu Guru là một bất khả phân với tất cả chư Phật, chư Bồ tát và chư mạn đà la. Guru là Bổn tôn chính ở trung tâm của tất cả các mạn đà la. Điều đó được dạy cho chư Tổ như Longchenpa, Jigme Lingpa và tất cả các Ngài đều đã thực hành theo cùng một cách. Khi Jigme Lingpa thực hành Guru Yoga, Ngài đã quán tưởng Longchenpa là Đức Phật. Không có ý nghĩ bất tịnh đối với Guru. Đối với người tu, đặc biệt là các hành giả Kim Cương thừa, Guru rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần dành thời gian tìm hiểu về Guru và những phẩm chất của Ngài. Và các điều kiện để trở thành một Guru là rất quan trọng, vì vậy ta không nên chấp nhận một người không đủ tiêu chuẩn làm Guru của mình. Bởi lẽ chúng ta phải nương tựa vào Guru trong suốt phần đời còn lại của mình – không chỉ trong kiếp này mà còn nhiều kiếp trong tương lai.

Nhiều người đôi khi không hiểu những điều quan trọng này và rất vội vàng trong việc chấp nhận ai đó làm “guru”. Vì “guru” không đủ tiêu chuẩn nên các vấn đề sẽ nảy sinh sau đó. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra bởi vì Guru không đủ chuẩn. Vì vậy, điều quan trọng là cần phải kiên nhẫn, thông minh, trung thực và dành chút thời gian để khảo sát – nghiên cứu, làm quen với Guru, rồi chấp nhận và trở thành một đệ tử tốt. Nếu bạn đọc những cuốn sách khác nhau về cách làm sao tìm một vị thầy, thì bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin quan trọng. Chấp nhận [ai đó] làm Guru là rất quan trọng nhưng điều này có thể nguy hiểm. Vì vậy, Đức Phật dạy người học trò trước hết phải khảo sát, vì nếu không việc đó có thể nguy hiểm, bởi vì một “guru” xấu có thể dẫn ta xuống cõi thấp, hoặc những điều tồi tệ sẽ chắc chắn xảy ra và vì vậy rất nguy hiểm. Chúng ta cần hiểu điều này và hết sức cẩn trọng. Các giáo lý nói rằng nhận lầm đạo sư là uống thuốc độc, độc tính rất mạnh. Khi uống phải thuốc độc thì bạn tiêu đời. Và khi bạn theo chân một “guru” xấu thì bạn cũng tiêu đời. Vì vậy, điều đó rất nguy hiểm.

“Người dạy Pháp phải có một lịch sử tốt: lịch sử học tập, nghiên cứu [giáo lý] tốt, lịch sử tu hành tốt,
lịch sử giới hạnh tốt và lịch sử chứng ngộ tốt.”

Mọi người đều biết rằng bất cứ vị thầy nào cũng đều phải có phẩm chất tốt và phải uyên bác, nếu không thì không thể dạy học trò được. Trong Phật Pháp cũng vậy. Người dạy Pháp phải có một lịch sử tốt: lịch sử học tập, nghiên cứu [giáo lý] tốt, lịch sử tu hành tốt, lịch sử giới hạnh tốt và lịch sử chứng ngộ tốt. Khi không có gì trong số những điều kiện này để làm một hành giả Pháp, thì đó là một đạo sư xấu kém. Ở Tây Tạng chúng tôi có một câu nói: “Thật dễ dàng để làm ra vẻ có tri kiến cao và thật dễ dàng để làm ra vẻ không xu dính túi”, bởi vì bạn có thể giấu tiền ở đâu đó và trông có vẻ giống như người ăn xin. Và thật dễ dàng để bạn sắm vai làm một bậc tôn quý: “Tôi đã chứng ngộ tánh không!” Và thiên hạ [dễ] bị mê hoặc: “Ồ, đó là một bậc chứng ngộ. Chắc chắn như vậy vì Ngài ấy đã nói như vậy.” Đó là một sự nhầm lẫn và đây là lý do tại sao chúng ta cần phải thông minh.

“Guru không chỉ biết bạn mà còn biết tất cả mọi thứ của bạn.”

Ở trang 9 có một số lời cầu nguyện. “Đức Bổn sư từ tôn, Ngài biết con.” Guru từ bi và trân quý vì nhờ lòng từ bi của Ngài mà chúng ta có thể nhận được những chỉ dạy và được đưa đến con đường chính xác. “Biết”. Guru phải biết bạn, bởi vì đó là Guru và bạn là đệ tử của Ngài. Tuy nhiên, đây không chỉ là việc biết về đệ tử, mà còn biết bạn đang ở trong một tình huống nguy hiểm. Như Thầy đã mô tả với bạn ngày hôm qua, nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta có thể đi xuống bởi vì chúng ta có quá nhiều vô minh và quá nhiều ác nghiệp. Vì vậy, “Con đang gặp nguy hiểm lớn, vì vậy xin hãy bảo vệ con.” Guru biết con, bảo vệ con vì Ngài biết con đang trong tình huống nguy hiểm. Guru không chỉ biết bạn mà còn biết tất cả mọi thứ của bạn. Vì vậy, Guru rất từ bi và rất trân quý. Và sau đó là những lời cầu nguyện thực sự để [xin] Guru ban cho chúng ta gia trì giúp ta vượt qua mọi nguy hiểm: “Xin hộ trì để tâm con niệm niệm hướng Đạo Pháp.” Tâm của chúng ta có tuân theo Phật Pháp hay không là tùy thuộc vào Guru. Phụ thuộc rất nhiều vào Guru, vì vậy Guru phải rất tốt, rất có trình độ và rất từ bi.

“Lama khyen!” Đây giống như gọi cho Guru vì bạn cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm. Khi chúng ta sợ hãi điều gì đó, chúng ta nói: “Mô Phật” hay “A di đà Phật”. Phải không? Cũng tương tự – bạn đang gọi Guru. Không phải “Guru, Ngài biết con” mà bạn đang gặp nguy hiểm và bạn cố gắng nhận được sự giúp đỡ từ Guru của bạn. Nó khác với khi ai đó ngạc nhiên trước điều gì đó và nói “Ôi Chúa ơi!” Nhưng điều này không phải như vậy. Đây là khi bạn cảm thấy có điều gì đó nguy hiểm, khi đó bạn cần sự giúp đỡ từ Đức Phật hoặc từ Guru của bạn. Do đó, bạn gọi “Lama Khyen”, hoặc “Buddha Khyen”, hoặc “Guru Rinpoche Khyen”. Đó là cách chúng ta thể hiện cảm xúc hoặc niềm tin của mình.

 

II. Xin hộ trì để các pháp của con đúng Chánh Đạo

“Xin hộ trì để tâm con niệm niệm hướng Đạo Pháp!” Rất khó để tâm chúng ta hướng về Pháp. Mặc dù chúng ta nghĩ rằng ta là người tu Pháp Phật và ta có chút niềm tin vào Pháp Phật, nhưng tâm của chúng ta lại ở một nơi khác. Phần lớn thời gian tâm ta không ở trong Pháp, không theo Pháp. Có thể là trong thế giới của phiền não, không phải trong thế giới của Phật Pháp. Thế giới của Phật pháp rất hòa bình và rất thanh tịnh. Tâm ta không thanh tịnh cho lắm.

“Trên thực tế, rất nhiều người thừa nhận rằng các việc họ làm không phải là việc tu hành,
không liên quan tới con đường Đạo.”

Tâm ta phức tạp và tâm cứ ham muốn thứ này thứ kia, quá nhiều thứ, không thực sự tầm cầu Pháp cho lắm. Thế nhưng điều chúng ta cần làm là hướng về Phật Pháp. Vì vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện với Guru: “Xin hộ trì để các pháp của con đúng Chánh Đạo.” Mặc dù chúng ta làm Phật sự, cố gắng lập thiện hạnh, vun bồi đức hạnh nhưng các việc ta làm không hợp với Đạo, mà đa phần các việc ta làm có lẽ là nhằm một mục đích gì đó khác. Có lẽ chỉ để sức khỏe tốt hơn, giàu có hơn, các mối quan hệ bạn bè [thế tục] tốt hơn (cười). Đúng vậy. Điều đó xảy ra rất thường xuyên! Để sống lâu hơn, để giàu có hơn, nổi tiếng hơn, quyền lực hơn. [Những thứ đó] không phải là con đường tu đạo chân chánh. Thế nhưng, các việc làm của chúng ta rất dễ rơi vào loại “Pháp” này. Trên thực tế, rất nhiều người thừa nhận rằng các việc họ làm không phải là việc tu hành, không liên quan tới con đường Đạo. Đó là một vấn đề lớn. Đó là một con đường sai lầm. Đối với một người tu Pháp, đây là một sai lầm rất lớn và một tổn thất rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần cầu nguyện Đạo sư: “Xin hộ trì để các pháp của con đúng Chánh Đạo.”

 

III. Xin hộ trì để mê vọng trên đường tu dừng bặt

“Thầy đã thấy nhiều người cố gắng tu hành
nhưng kết cục chuyện tu quá khó đối với họ và họ đã bỏ cuộc, họ đã quên Pháp hoàn toàn.”

“Xin hộ trì để mê vọng trên đường tu dừng bặt.” Khi thực hành pháp có nhiều hành giả gặp chướng ngại và họ bỏ việc tu hành bởi vì không thể vượt qua khó khăn, thử thách. Xã hội hiện đại rất phức tạp và có thể cả xã hội đều phê phán, gây áp lực cho cá nhân những những người tu hành. Khi bạn muốn làm một người rất khác các thành viên trong gia đình và xã hội nơi mình sinh sống thì mọi người nghĩ rằng bạn là một kẻ kỳ quặc, không bình thường, điên khùng hoặc gì gì đó. Đôi lúc bố mẹ bạn rất lo lắng và họ nghĩ bạn thực sự đang điên khùng vì vậy rất nhiều người đã bỏ cuộc. Đó là sự thật. Thầy đã thấy nhiều người cố gắng tu hành nhưng kết cục chuyện tu quá khó đối với họ và họ đã bỏ cuộc, họ đã quên Pháp hoàn toàn và bây giờ họ trở thành một con người rất khác. Có thể là một người đầy sân hận. Những việc như vậy là “mê vọng trên đường tu”. Đó là một vấn đề.

“Và rồi người ấy trở thành một người rất quan trọng, nổi tiếng.
Rồi thì nhiều thứ bận rộn, lăng xăng ập tới trên đường tu. Đó là mê vọng.”

Vấn đề khác. “Mê vọng” ở đây có nghĩa là một người nào đó cố gắng trở thành một hành giả tốt. Và làm một hành giả tốt có nghĩa là có rất ít tham muốn (thiểu dục). Khi một người cố gắng thiểu dục thì nhiều thứ sẽ xảy ra. Cái gì sẽ xảy ra ngay trước mặt người đó? Có thể người ta sẽ nói: “Ồ thầy có thể ban giáo lý cho con không? Con sẽ cúng dường thầy và chúng con có nhiều bạn bè muốn thành đệ tử của thầy.” Những thứ như vậy là vọng tâm, là phan duyên. Những phan duyên, vọng tâm lớn. Và rồi người ấy trở thành một người rất quan trọng, nổi tiếng. Rồi thì nhiều thứ bận rộn, lăng xăng ập tới trên đường tu. Đó là mê vọng. Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung vào con đường đạo. Cho dù đang làm bất cứ việc gì thì mình đều cần phải liên tục hoàn thành mà không để bị vọng tâm lôi kéo và [bỏ cuộc] giữa đường tu. Nhiều người, nhiều vị lạt ma chẳng hạn, phát tâm nhập thất 10 năm, hoặc họ muốn ẩn tu suốt đời, nhưng rồi sau đó lại bị tán tâm và bỏ cuộc. Đó là mê vọng. Đó là chướng ngại.

 

IV. Chúng ta cố gắng làm một cái gì đó rồi ngày hôm sau lại thấy chán

“Chúng ta cố gắng làm một cái gì đó rồi ngày hôm sau lại thấy chán,
và ta quên nhiều thứ vào ngày tiếp theo.”

Tóm lại, làm người tu hành, điều quan trọng là phải liên tục hành trì tu tập và hoàn thành tất cả những gì của việc tu hành. Thế nhưng, nhiều người không thể làm được điều này và điều đó có nghĩa là [họ] không kiên định. Không kiên trì, kiên định trong tu hành. Họ rất tín tâm ít ngày rồi những ngày khác lại rất tệ hại. Đây là sự thật! Chúng ta cố gắng làm một cái gì đó rồi ngày hôm sau lại thấy chán, và ta quên nhiều thứ vào ngày tiếp theo. Nhiều người nói rằng sự thật là như thế. “Con cảm thấy rất tệ và con không tu gì cả.” “Con quên việc tu hành của mình cả năm nay.” “Con đã dừng lại lại việc tu 1, 2 năm nay.” Đó là mê vọng trên đường tu, chướng ngại trên đường. Vì vậy chúng ta cần phải cầu nguyện Guru và Phật ban gia trì, ban sức mạnh, năng lượng, hiểu biết để chúng ta có thể tiếp tục. Ít nhất là để ta tiếp tục hành trì tu tập. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tu tập trọn-thời-gian, có phải không? (cười). Tám tiếng một ngày là công việc trọn-thời-gian nhưng chúng ta không phải làm như vậy. Chúng ta không hành trì trọn-thời-gian, nhưng ít nhất chúng ta cũng phải hành trì bán-thời-gian.

Nếu chúng ta không cố gắng hàng ngày thì không thể có tiến bộ. Bởi vì khi ngừng hành trì nhiều ngày, nhiều tháng, rồi lại bắt đầu lại thì bạn sẽ quên và có nghĩa là bạn chẳng hành trì gì cả. Nếu bạn làm như vậy với công việc [thế tục] của mình thì bạn có thể kết thúc được không? Bạn không thể làm việc kiểu ấy được. Có đúng không? Cũng như vậy thôi, bạn không thể tu hành theo kiểu như vậy được. Ít nhất bạn cần phải liên tục mỗi ngày 15 phút, nửa tiếng, hoặc một tiếng. Điều đó sẽ tạo bước tiến lớn. Việc này không dễ dàng vì vậy khi nhiều người không thể làm nổi. Thậm chí thực hành LIÊN TỤC 15 phút mỗi ngày là rất khó, vì vậy bạn phải có đủ siêng năng, tinh tấn để làm được việc này. Và nếu bạn làm như vậy mỗi ngày, mỗi năm, không ngừng nghỉ thì bạn là người tinh tấn. Bạn không phải là người tốt nhất, vĩ đại nhất, tinh tấn nhất nhưng bạn là người tinh tấn. Ở mức độ nào đấy bạn siêng năng, tinh tấn. Đó là điều quan trọng.

 

V. Xin hộ trì để huyễn tướng chuyển hóa thành trí tuệ

“Chúng ta tin rằng cái này là thật, cái kia là thật, cái này thật sự đẹp, cái kia thật sự xấu.
Điều này tạo nên rất nhiều vọng tưởng nhị nguyên.”

“Xin hộ trì để huyễn tướng chuyển hóa thành trí tuệ.” Trong Kinh, trong giáo lý của Đức Phật đã dạy vạn pháp là huyễn. [Nhưng] “Huyễn tướng chuyển hóa thành trí tuệ” là điều vượt quá khả năng của chúng ta. Bởi vì các huyễn tướng sẽ làm tâm khởi lên tham luyến, chấp trước và chúng ta dính mắc vào các sự vật, hiện tượng. Khi đó chúng ta tin rằng cái này là thật, cái kia là thật, cái này thật sự đẹp, cái kia thật sự xấu. Điều này tạo nên rất nhiều vọng tưởng nhị nguyên. Vì vậy để thấy các huyễn tướng như chúng thật có thì rất, rất khó khăn. Nếu một người tu Phật, đặc biệt người tu Kim Cương thừa, rất thành công thì người đó có thể nhìn thấy các huyễn tướng là trí tuệ. Ví dụ, trước khi Phật thành đạo tất cả Ma Vương khắp nơi trong luân hồi tới tấn công Ngài. Chúng ném đủ loại vũ khí rất bén nhọn, nguy hiểm, khủng khiếp vào Ngài, nhưng tất cả đều biến thành hoa. Đức Phật đã thấy huyễn tướng là trí tuệ và đó là thành tựu cao nhất của công phu tu hành. Điều như vậy có thật.

Nhưng liệu nó có xảy ra với chúng ta hay không? Thật rất khó để nói “có” hay “không”, bởi vì điều này chắc chắn phụ thuộc vào mức độ thông minh của chúng ta, năng lực của chúng ta, và sự chứng ngộ. Nếu một người tu hành rất tốt thì người đó có thể rất tinh tấn và hiểu được các chỉ dạy của Đạo sư. Khi đó, người ấy có thể nhìn thấy huyễn tướng là trí tuệ. Vì vậy chúng ta cần phải nương tựa vào Guru, vào gia trì của Ngài để đạt tới cấp độ thành tựu này.

 

VI. Hành trì có thể ngắn gọn nhưng phải trọn vẹn

“Để thực sự nhận được sức mạnh, được kết quả từ pháp Guru Yoga,
chúng ta cần phải thực hành tất cả các phần của pháp tu.”

Guru Yoga là một phần của pháp tu ngondro và là phần chính yếu, phần quan trọng nhất của thực hành này. Tuy nhiên, thực hành đó luôn luôn đòi hỏi phải kết hợp cả 3 phần: ngoại ngondro, nội ngondro và Guru Yoga cùng với nhau. Đôi khi ngoại ngondro và nội ngondro cũng là một phần của Guru Yoga. Cần phải kết hợp cả 3 phần lại thành một gói, một bộ pháp để tu. Bởi vì khi không có ngoại ngondro thì ta không thể để thực hành tốt nội ngondro. Thiếu tịnh hóa và tích lũy thì các thực hành này cũng không có kết quả tốt. Và khi không có nền tảng của ngoại và nội ngondro thì Guru Yoga sẽ không có kết quả tốt, vì vậy chúng ta cần phải kết hợp tất cả. Tuy nhiên phần chính yếu là Guru Yoga. Để có thể thực hành được Guru Yoga, để thực sự nhận được sức mạnh, được kết quả từ pháp Guru Yoga, chúng ta cần phải thực hành tất cả các phần của pháp tu, vì [sự thành công của] Guru Yoga. Tóm lại chúng ta cần phải kết hợp tất cả các phần với nhau.

Một số người nói: “Con thích thực hành nghi quỹ dài” và như vậy tốt. Nhưng Thầy thấy một số người thường không thể thực hành trọn vẹn thậm chí nghi quỹ ngắn. Họ làm phần ngoại ngondro hôm nay, ngày mai làm phần nội ngondro và có thể phần Guru Yoga thì để sang năm. (Cười). Một cái gì đại loại như vậy. Thật đấy!

Phải mất rất nhiều thời gian để kết thúc tất cả các phần của ngondro: hoàn tất 500.000. Việc đó với một số người sẽ đòi hỏi một thời gian dài vô tận. Mà không chỉ với một số người – mà là với khi đa số mọi người. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng cách tốt nhất là thực hành trọn gói hàng ngày. Theo Thầy đó là cách hiệu quả hơn. Có một số người thực hành phần lễ lạy, ví dụ như vậy. Họ muốn muốn thực hành như vậy cho tới khi họ kết thúc phần lễ lạy này và điều này đòi hỏi gần như như vô lượng thời gian. Vì thế họ không thể nào thực hành được các phần khác của pháp tu.

“Tóm lại thực hành trọn gói từ đầu, ví dụ từ phần tịnh khẩu, rồi sau đó đi suốt tới cuối của bộ pháp.
Đó là cách tốt nhất để thực hành hàng ngày.”

Việc thực hành có thể không tốn quá nhiều thời gian. Chỉ 10, 15 hoặc 20 phút để thực hành trọn gói ngoại, nội ngondro và Guru Yoga cùng với nhau. Chúng ta không có nhiều thời gian để trì tụng, ví dụ như chú trăm âm, nên chỉ cần 3, 5 hoặc 7 lần là tốt rồi. Chú đạo sư có thể 21, 100 biến hoặc đại loại như vậy. Như thế là đủ rồi bởi vì các bạn không có thời gian. Đó là tại sao, tuy Thầy không nói rằng như vậy là hoàn toàn đủ, nhưng đối với các bạn, với quỹ thời gian của các bạn, thì điều đó có nghĩa là các bạn đang làm một cái gì đó tốt. Bởi vì các bạn bận rộn. Tóm lại thực hành trọn gói từ đầu, ví dụ từ phần tịnh khẩu, rồi sau đó đi suốt tới cuối của bộ pháp. Đó là cách tốt nhất để thực hành hàng ngày. Rồi khi các bạn có thời gian và muốn lễ lạy thì các bạn có thể làm điều này. Còn khi không có thời gian thì các bạn trọn gói [ngắn gọn] và như vậy các bạn đang thực hành một bộ pháp hoàn chỉnh (không cắt xén – LND).

 

Hết trích đoạn

 

 

Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện)

Bản tiếng Anh do Diệu Huệ chép từ MP 3 sáng ngày 21.10.2019: https://lienhoaquang.com/q_043ani5

____________________
[i] Trích bài giảng sáng ngày 21.10.2019 tại Viêt Nam của Hungkar Dorje Rinpoche. Tựa đề lớn và nhỏ là do người dịch đặt để tiện cho người đọc.

[ii] Chữ “pháp”, hoặc “Pháp”, có nhiều ý nghĩa. Chữ “pháp” (không viết hoa) ở đây có nghĩa là các hành động, các việc làm.

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ