TRỘN PHÁP PHẬT VỚI GIÓ ĐỜI - Mối Họa Cho Phật Pháp [i]

 

Sáng 15.10.2019, chùa Vĩnh Nghiêm, tp Hồ Chí Minh

(trích đoạn)

“Không phải học (kiến thức), mà chính hành,
đưa cái hiểu vào hành động, mới là điều quan trọng hơn.”

Đạo Phật dạy chúng ta phân biệt rõ ràng giữa trí tuệ và vô minh, giữa Phật Pháp và phi-Phật-Pháp, giữa luân hồi và niết bàn, giữa động cơ tốt và động cơ xấu. Vì vậy, nếu ta coi mình là một Phật tử thì phải cố gắng học giáo lý, ghi nhớ ý nghĩa và áp dụng những gì học hỏi được [vào hành động]. Nhưng nếu bạn cố gắng học tập nghiên cứu (học) nhưng lại không áp dụng (hành) thì cũng chẳng có mấy lợi lạc. Nếu không áp dụng, không đưa giáo lý vào thực hành để HÀNH đi đôi với HỌC, thì việc học Pháp chẳng mấy lợi lạc. Cho nên, không phải HỌC (kiến thức) mà chính HÀNH, đưa cái hiểu vào hành động, mới là điều quan trọng hơn.

Người Việt Nam có lòng tin và tâm tín thành đối với Pháp Phật. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Việt Nam luôn là một đất nước Phật giáo và đây là một điều tuyệt vời. Thật tuyệt vời khi ở đây có nhiều người đặt lòng tin vào Phật và Pháp của Phật. Ở đây có nhiều người đang cố gắng học giáo lý và thực hành Pháp. Đây là một điều rất tốt đẹp, rất có ý nghĩa, bởi vì nhờ đó chúng ta có thể tích lũy nhiều công đức.

“Không có tuệ hiểu đúng đắn thì ta sẽ đặt nhiều lòng tin vào mọi thứ
và như vậy thật không tốt.”

Lại nữa, khi con người không có lòng tin vào một thứ gì cả thì sẽ rất nguy hiểm. Việc thiếu lòng tin có thể hủy diệt những hạt giống tốt lành, những khuynh hướng tốt lành trong tâm. Với hiểu biết đúng đắn, với lòng tin vào Phật [và Pháp] thì chí ít con người, nếu duy trì được động cơ tốt lành, sẽ sửa lỗi lầm của mình dễ dàng hơn so với những ai không có chút hiểu biết [hay lòng tin] nào.

Tuy nhiên, có nhiều người lại nuôi dưỡng lòng tin mù quáng. [Khi người ta] có quá nhiều lòng tin, hoặc lòng tin của họ không trong sáng, thì điều này rất không tốt và thậm chí có thể gây nguy hiểm. Cần phát triển lòng tin dựa vào tuệ hiểu và tri thức của mình. Không có tuệ hiểu đúng đắn thì ta sẽ đặt nhiều lòng tin vào mọi thứ và như vậy thật không tốt. Do đó, cần phải tranh thủ mọi cơ hội để học tập càng nhiều càng tốt. Chúng ta nghiên cứu Pháp của Phật để có tuệ hiểu thực sự trong sáng.

“Khi không có đức tính trung thực  thì người ta không thể làm một người tốt.”

Khi có trí tuệ, có tuệ hiểu trong sáng thì ta sẽ thấy rằng chỉ lòng tin thôi chưa đủ mà cần phải có đức tính trung thực. Nếu một người không trung thực thì tuy có lòng tin, họ vẫn có thể phải đối mặt với chướng ngại và chướng nạn. Lại nữa, chúng ta cần phải vun trồng những phẩm chất tốt để làm một người thông minh, khôn ngoan (smart). “Khôn ngoan” [ở đây] không có nghĩa là “lén lút vụng trộm” mà có nghĩa là “trung thực”, là “một người tốt”, “một người tu tốt”. Cần phải trung thực, tín thành và thông minh. Nếu một người có đủ các phẩm tánh này thì người đó là một người tu tốt, một hành giả tốt. Khi không có đức tính trung thực thì người ta không thể làm một người tốt. Đây là tuệ hiểu căn bản, là nền tảng căn bản để chúng ta làm một người tốt. Do đó, điều rất quan trọng đối với chúng ta là cần phải hiểu trung thực là gì và không trung thực là gì. Chúng ta không được làm một người thiếu trung thực, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì bất cứ lý do gì.

“Không biết, không hiểu cái gì là Pháp chân thực,
nhiều người thường trộn lẫn Pháp chân thực với pháp thế gian.”

Như thầy đã nói ở trên, chúng ta cần phải hiểu Pháp chân thực là gì và cái gì không phải là Pháp. Pháp là một cái gì đó vượt lên trên pháp thế gian. Pháp thế gian không phải là Pháp chân thực. Vì vậy, là người tu Phật, chúng ta cần phải có cái hiểu sâu sắc vì thiếu hiểu biết chúng ta sẽ đối mặt với hiểm họa. Không biết, không hiểu cái gì là Pháp chân thực, nhiều người thường trộn lẫn Pháp chân thực với pháp thế gian. Họ cố đạt được một cái gì đó thật ra chỉ là pháp của đời, mà [trong lòng] lại cứ tưởng rằng mình đang làm một cái gì đó đích thực là Pháp của Phật. Đây là một vấn nạn lớn xảy ra ở khắp mọi nơi. Không phải chỉ ở đây mà ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Tây Tạng. Các vị lạt ma Tây Tạng thường trộn lẫn Pháp chân thực với những thứ phi-Phật-Pháp, với gió đời. Vì vậy, đôi khi rất khó để cái ta đang làm thực sự là Pháp chân thực. Bởi vì động cơ của chúng ta luôn bị hoen ố do tác động của những thứ phi-Phật-Pháp, do các “ngọn gió đời”. Chính vì vậy, đối với chúng ta, việc giữ cho tâm trong sáng, đúng Pháp Phật là điều rất khó khăn. Ta cần nuôi dưỡng tuệ hiểu, [đồng thời] cố gắng làm những việc đúng đắn, hợp chánh Pháp.

“Chúng ta thấy
có nhiều người tu đã mượn Pháp Phật làm chính trị  (Dharma politics)
chính do sự thúc đẩy của tâm ganh ghen và đố kị.”

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng giáo lý của Phật sẽ bị hủy diệt do chính những người con Phật. Ở đây, những người tu Phật có cả cấp nội và cấp ngoại. Những người tu ở cấp nội rất gần cận với Pháp: đó là các vị tăng, các vị ni. Có nhiều cấp độ hành giả khác nhau, tuy nhiên, tất cả những ai đi theo con đường của Phật đều là những người tu đạo. Những người tu hành có thể trở thành mối hiểm họa cho Pháp Phật bởi vì họ có thể hủy diệt chính truyền thống của mình. Đức Phật đã dạy như vậy. Những người con Phật có thể hủy diệt Pháp của Phật theo cách nào? Khi người tu hành có quá nhiều tham lam, ganh ghét đố kỵ, vô minh thì họ có thể trở nên rất nguy hiểm đối với chính truyền thống của họ. Chúng ta có thể thấy Chúng ta thấy có nhiều người tu đã mượn Pháp Phật làm chính trị (Dharma politics) chính do sự thúc đẩy của tâm ganh ghen và đố kị. Họ dùng Pháp của Phật để làm những việc vì quyền lợi ích kỷ của bản thân. Ngày nay, [chúng ta] có thể nhìn thấy điều này một cách rất dễ dàng. Chúng ta có thể nhìn thấy, chúng ta có thể nghe thấy và điều đó không tốt. Thực sự rất không tốt cho Phật Pháp.

“Dụng đạo hành chính trị có thể hủy diệt lòng tin của con người.”

Nguyên nhân để thầy hay đức Phật nói rằng người tu Phật có thể hủy diệt Pháp của Phật là bởi vì Pháp của Phật đặt trên nền tảng lòng tin của con người. Dụng đạo hành chính trị (mượn Pháp Phật làm chính trị) có thể hủy diệt lòng tin của con người. Khi những người tu Phật giáo có quá nhiều đố kỵ ganh ghét, vô minh, tham muốn, đặc biệt là tâm tham và tâm đố kỵ, thì điều đó có thể phá hoại lòng tin, tâm chí tín thành của con người đối với Phật và Pháp của Phật. Bởi vì người ta không biết Phật thực sự là như thế nào và Pháp thực sự là như thế nào, cho nên họ thường xem xét hành vi của những người tu hành. Nếu các hành động, cách ứng xử của người tu hành không tốt thì điều đó có thể khiến họ mất lòng tin vào Pháp của Phật. Vì vậy, loại hành vi này, loại hành động này (dụng đạo hành chính trị _ LND) có thể hủy diệt những phẩm chất tích cực, động cơ tích cực trong tâm con người. Khi người ta mất lòng tin và tâm chí tín thành đối với Phật Pháp thì chính điều đó sẽ hủy diệt Pháp của Phật. Khi những người tu hành có đạo hạnh tốt, có hành vi ứng xử tốt thì điều đó sẽ gieo những hạt giống thiện lành trong tâm con người và đó chính là hoằng dương Phật Pháp, chính là bảo vệ Phật Pháp. Nếu làm ngược lại thì chính họ sẽ hủy diệt Pháp của Phật.

“Khi con người không có lòng tin vào Pháp của Phật
thì chùa chiền, tôn tượng, bảo tháp không có ý nghĩa gì cả.”

Điều quan trọng cần phải hiểu rằng Phật giáo không phải là một cái gì đó ở bên ngoài. Phật giáo là một cái gì đó ở bên trong. Vì vậy, khi người ta không có lòng tin vào Phật, khi người ta không có lòng tin vào Pháp của Phật thì sẽ không có Phật Pháp. Khi đó Phật Pháp tận diệt. Chừng nào người ta còn lòng tin vào Pháp của Phật thì Phật Pháp còn sức sống, còn tồn tại. Vì vậy, Phật Pháp là cái nội tại, là cái nằm sâu bên trong cái hiểu của bạn, tâm chí tín thành của bạn, lòng tin của bạn.

Cái bên ngoài không quan trọng lắm. Ví dụ, chùa chiền, tôn tượng, bảo tháp không thực sự là Pháp của Phật. Khi con người không có lòng tin vào Pháp của Phật thì chùa chiền, tôn tượng, bảo tháp không có ý nghĩa gì cả. Đó chỉ đơn giản là những công trình vật chất và không gì hơn, không gì hơn là sản phẩm vật chất. Nhưng khi con người có lòng tin vào Pháp Phật thì những sản phẩm vật chất này, những thứ bên ngoài này, sẽ có ý nghĩa nào đó, sẽ có công dụng nào đó. Ví dụ, khi bạn lễ lạy trước một bức tượng Phật, bạn có thể tích lũy rất nhiều công đức. Điều đó không phải nhờ tôn tượng, mà nhờ tuệ hiểu của bạn, nhờ tâm tín thành đối với Phật của bạn. Vì vậy, có những thứ thuộc về bên ngoài và những thứ thuộc về bên trong. Tất cả đều dựa trên cơ sở sự hiểu biết của con người và tâm tín thành của con người, lòng tin của con người.

Đức Phật dạy chúng ta rằng là một người tu, chúng ta phải hiểu cái gì là tốt và cái gì là xấu. Ví dụ, có một vị thầy là quan trọng nhưng chúng ta phải hiểu thế nào là vị thầy tốt hay không tốt. Đối tượng mà chúng ta quy y phải thiện lành, phải thanh tịnh. Đây không phải là thứ mà bạn có thể tự chế ra, tự bịa ra được. Đây không phải là thứ mà bạn có thể nghĩ: “Ồ cái này tốt bởi vì tôi nghĩ rằng nó tốt.” Làm như vậy không ổn chút nào. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng chúng ta phải quy y Phật, Pháp, Tăng. Chỉ Phật, Pháp, Tăng mà thôi chứ không phải bất cứ một đối tượng nào khác. Tại sao Đức Phật lại nói như vậy? Bởi vì Phật là thanh tịnh, Pháp là thanh tịnh, Tăng là thanh tịnh. Bản chất Tam Bảo là thanh tịnh. Không mê mờ che chướng, không phiền não tiêu cực, vậy nên Tam Bảo rất thanh tịnh. Nhưng nếu bạn quy y một ai khác, ví dụ như các vị trời, thì điều đó không tốt bởi vì họ không thanh tịnh. Họ vẫn chưa giải thoát khỏi luân hồi. Họ còn nhiều mê mờ che chướng và vô minh sâu dày trong tâm.

Tóm lại, Đức Phật nói rằng chúng ta phải quy y Phật, chỉ Phật chứ không phải các vị thánh thần nào khác. [Ta] chỉ quy y Pháp bởi vì Pháp vốn tự thanh tịnh, Pháp vốn thoát ly mọi tham luyến. Và Tăng là thanh tịnh bởi vì họ đi theo đạo lộ giải thoát. Tóm lại, các đối tượng này – Tam Bảo – là thanh tịnh, vốn tự thanh tịnh. Chúng ta phải quy y Tam Bảo và không quy y đối tượng nào khác.

Người tu Phật cần phải hiểu Pháp Phật một cách đúng đắn. Không nên mù quáng tin hoặc vội vàng chạy theo ai đó chỉ vì có ai đó nói như vậy, như vậy. Đó không phải là cách thực hành Pháp đúng đắn, không phải là cách học Pháp đúng đắn. Đặc biệt trong thời hiện đại ngày nay, điều kiện để chúng ta có thể học tập nghiên cứu Phật Pháp là rất tốt. Chúng ta có thể học qua internet, qua sách vở và qua băng đĩa ghi âm. Ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn để nghe giảng Pháp từ những vị thầy chân thực. Tất nhiên, đối với những người tu đạo, điều quan trọng là phải học tập nghiên cứu, tư duy quán chiếu và thiền định về những điều đã học. Chỉ nghe Pháp, chỉ nghiên cứu giáo lý thôi vẫn chưa đủ – chúng ta phải sử dụng kiến thức và tuệ hiểu của mình để cố gắng đạt tới liễu nghĩa, tới phần nghĩa cốt tủy [của giáo lý].

“Phải công phu thiền định về những điều đã học,
về ý nghĩa cốt tủy của giáo lý mà Đức Phật đã truyền dạy.”

Không chỉ có như vậy mà chúng ta còn phải công phu thiền định. Phải công phu thiền định về những điều đã học, về ý nghĩa cốt tủy của giáo lý mà Đức Phật đã truyền dạy. Đa số mọi người ngày nay bận rộn với việc chạy đi thọ nhận giáo lý từ vị lạt ma này, vị guru nọ mà không hề cẩn trọng, kỹ lưỡng, hoặc không thật sự chân thành suy nghĩ về ý nghĩa của giáo lý, của những gì họ đã nghe, và thậm chí không công phu, quán chiếu gì cả. Nhiều người không thực sự công phu thiền định [đúng nghĩa]. Họ không thực sự công phu thiền định mặc dầu họ nói: “Tôi thiền định, tôi công phu.” Trên thực tế, thầy không thấy họ công phu tu hành đúng nghĩa. Bởi vì họ không biết làm sao để công phu thiền định cho đúng, bởi vì họ không biết làm sao để tư duy cho đúng, bởi vì họ thiếu những chỉ dẫn. Một số người vẫn chưa hội đủ duyên lành để công phu thiền định tốt. Do đó, họ không có tiến bộ trong công phu thiền định. Mặc dầu vậy, chừng nào chúng ta còn sống, chừng nào chúng ta còn sức lực để tư duy quán chiếu, để công phu thiền định thì chúng ta còn phải cố gắng công phu thiền định.

Bời vì không có chủ đề cụ thể nào – đây là buổi nói chuyện đề tài tự do – nên lại thuận tiện cho thầy hơn. Bởi vì thầy biết điều gì là quan trọng và thầy có thể nhắc các bạn những thứ quan trọng đối với các bạn, những người tu, để các bạn có thể tránh những gì là không tốt, những gì là nguy hiểm đối với bản thân mình. Và những gì thầy nhắc tới ngày hôm nay là quan trọng. Đó là những gì đang xảy ra hiện nay trong các cộng đồng Phật giáo, trong hàng ngũ những người tu hành và sẽ còn nhiều vấn nạn tương tự xảy ra trong hàng ngũ những người đệ tử của Phật. Do đó, chúng ta cần phải hiểu, chúng ta cần phải cố gắng để ngăn chặn các vấn nạn này. Chúng ta cần phải cố gắng bảo vệ bản thân mình, tránh rơi vào những vấn nạn như vậy.

 

Hết trích đoạn

 

Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện)

Chép lời giảng tiếng Anh: Choying Drolma (Giáng Hương)

Trích từ MP 3 bài giảng sáng 15.10.2019, chùa Vĩnh Nghiêm, tp Hồ Chí Mình: https://lienhoaquang.com/q_tgx2khd

_________________

Chú thích: 

[i] Tựa đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc. Đây là trích bài giảng sáng 15.10.2019, chùa Vĩnh Nghiêm, tp Hồ Chí Minh.

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ