Gửi Lotsawa[i] và tất cả,
Thầy hy vọng mỗi người đều đang tiến bộ, trong cả đạo và đời. Với Phật giáo, tự do là điểm then chốt. Vậy nên, ai đó có đức tin nơi Pháp Phật hay không thì cũng OK thôi. Mỗi cá nhân đều có quyền tự do lựa chọn: tin nơi Đức Phật hay không tin nơi Ngài. Cũng vậy thôi: mỗi cá nhân có quyền lựa chọn tin hay không tin vào người này, điều này, hay người khác, điều khác. Nếu người ta đã muốn theo cái này cái kia, thì cứ để họ tự do lựa chọn theo ý họ thích.
Thế nhưng, câu hỏi do đây mà nảy sinh ra là: “Tại sao ai đó lại chọn để theo một truyền thống này nọ hay một vị thầy này nọ?” Liệu người ấy đã thật sự có hiểu biết căn bản để có thể chân thật gắn kết với cái truyền thống đó, ông thầy đó hay chưa? Hay là họ cứ mê mê, say say như thế mà chẳng có một căn cứ, một nguyên cớ nào cho thật là rõ ràng, chân xác cả?
Thật ra, khi người ta đã đặt lòng ái mộ vào một ai đó, một cái gì đó rồi (có nguyên cớ hoặc không có nguyên cớ rõ ràng, chân xác) thì cũng thật khó để mà nói chuyện đúng hay sai ở đây nữa. Bởi lẽ, cái mê say, gắn bó kia nó đã được đặt ở đó mất rồi. Còn giả như ai đó vẫn chưa có chút tin tưởng, gắn bó nào cả, thì lại càng khó mà nói là có thể đưa cái tâm chí thành, cái gắn bó vào trong lòng họ nổi. Vì ai mà biết được liệu cái tín tâm, cái gắn bó [được đưa vào] đó rốt cuộc có mang lại cho người đó sự thỏa mãn sâu sắc, chân thực nào hay không.
Theo thầy, người ta cần phải tự quyết định với chính lòng mình cho rõ ràng rằng: họ có thật sự khát khao, gắn bó hay không? Khi ai đó phán xét rằng việc này hay việc kia là thiện hay ác, thì lời phán xét đó chưa hẳn có chút giá trị nào cả. Bởi vì, thiên hạ quen thói nói theo cái họ thích, chứ có mấy ai nói với sự hiểu biết chân thực. Trong trường hợp như vậy, người ta phải tự quyết định lấy việc học hỏi, khảo sát, và tư duy quán chiếu. Nếu ai đó có phản hồi tốt cho việc họ làm, thì câu trả lời cho họ là “có”; còn nếu không, thì câu trả lời là “không”. Ngày nay chúng ta có đầy đủ phương tiện như sách vở, internet để nhận mọi thông tin cần thiết. «Lời Vàng của Thầy Tôi”[ii] cung cấp cho chúng ta những gì có liên quan tới vấn đề này.
Mà thật ra thì cũng rất khó cho người được hỏi để đưa ra câu trả lời cho thật rõ ràng: “YES” hay là “NO”. Bởi lẽ, người đó chẳng hiểu nổi rốt cuộc cái gì là mấu chốt ở đây, hoặc giả người đó chẳng biết được những ước vọng gì đó của cái đa số ấy. Nếu đây là một suy nghĩ tốt lành thì ắt hẳn cái đa số kia sẽ chẳng bỏ phiếu cho cái suy nghĩ ấy. Còn nếu như đó là những suy nghĩ của cái đa số kia thì … đã có sẵn ở đó một hạt giống [nghiệp] sâu dày [nơi đó] rồi. Và cái hạt giống [nghiệp] ấy cứ thế mà mọc lên theo cách khế hợp [với nhân đã gieo]. Giả như đây là một vấn đề gây tranh cãi thì … mọi người lại cảm thấy cần hòa bình, và cần nhiều hòa bình cơ. Còn nếu đó là một vấn đề mà tất cả mọi người đều thấy OK cả, đều một lòng một dạ cho là TỐT, thì khi đó chúng ta có được hòa bình nhưng lại thiếu mất debates[iii] (tranh luận, bàn cãi).
Lời khuyên của thầy gửi tới các bạn là:
hãy học hỏi, khảo sát nhiều hơn,
hãy tư duy, đào bới sâu hơn,
hãy so sánh cách đối nhân xử thế,
hãy xem xét phẩm hạnh chính yếu,
hãy xem xét cách hành xử, cách nhìn nhận sự việc,
hãy xem cả lời nói lẫn việc làm,
đừng dừng nơi lời nói, hãy nhìn sâu vào đức hạnh,
đừng dừng nơi cửa miệng, hãy nhìn sâu vào con tim,
đừng nghe cái uyên áo êm tai, hãy nhìn sâu vào toan tính ẩn giấu trong tâm,
đừng bị hấp dẫn, dối lừa bởi cái huyền bí, thâm mật,[iv] hãy nhìn vào đạo hạnh hiển nhiên dung dị!!!
Thầy hy vọng thư này sẽ đem lại cho các bạn một vài ý tưởng và định hướng cho đường tu. Cầu chúc các bạn sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Hãy hiểu biết và cảm thông, hãy vững bước trên con đường tu.
Xin cám ơn từ tâm của tất cả, những trái tim ấm áp, những tấm lòng tận tụy, thương yêu.
Hungkar Dorje
—
Gửi Lotsawa[v],
Xin lỗi thầy trả lời thư hơi trễ vì công việc đã lên kế hoạch.
Những gì viết ở trong bức thư đều là chuyện có thật mà người tu cần biết khi tìm thầy. “Hidden” nghĩa là: người mới vào đường tu đừng quá tin rằng có những phẩm chất quá ư đặc biệt trong vị thầy mà người thường không dễ gì thấy được; thật ra, đạo hạnh, cách đối nhân xử thế mới là cái [thật sự] quan trọng. Nếu có ai đó tỏ ra rằng họ có những phẩm chất rất đặc biệt này nọ trong tim, trong tâm hay nói như vậy, thì cũng chưa chắc đó là sự thật. Nhưng nếu cách hành xử tốt, hợp giáo pháp thì hiển nhiên đó là người tốt thật.
Ngày nay có nhiều người không thật là những người được giáo dục tốt mà chỉ có vẻ như vậy thôi. Bởi do phần lớn người học đạo không biết Pháp chân thực là gì, không biết Pháp đòi hỏi ở một vị thầy những [phẩm chất] gì, cho nên, người có cái miệng khéo léo êm tai thường hấp dẫn nhiều đệ tử, còn kẻ trung thực, khiêm nhường lại khó được ai biết đến. Vì vậy, mới bước chân vào thềm đạo bạn đừng kiếm ai giỏi nói nhiều [pháp] hay, mà hãy tìm người tu từ hòa, đạo hạnh tốt. Đừng kiếm kẻ tâm thường để nơi tiền bạc, thế gian. Hãy tìm ai thật lòng muốn làm người tu đạo.
Có một lỗi trong bức thư: chữ “compete” phải thay bằng “compare”. So sánh người này với người khác là một cách tốt để hiểu người, để xem đạo hạnh, cách hành xử của người đó có thật tốt hay không.
Cám ơn tấm lòng của con.
Hungkar
—
CHÚ THÍCH:
* Gửi người tìm thầy học đạo: Ngài Hungkar Dorje Rinpoche gửi bức thư này ngày 5.02.2012 trả lời thư thỉnh cầu của một số người trong nhóm bạn đạo của Hiếu Thiện (Lotsawa) ở Hà Nội. Sau khi đọc thư Thầy cả nhóm hoan hỉ muốn gửi thư này tới tất cả những bạn đạo hữu duyên. Rinpoche tán đồng, Ngài viết: “Xin hiểu rằng bức thư thầy không viết về riêng một cá nhân nào mà về vấn đề chung [cho tất cả]. Ai muốn tìm thầy học đạo đều phải “tìm” theo cách bức thư này chỉ dẫn.” Tên chung của hai bức thư là do người dịch đặt để đễ cho người đọc phân biệt giữa các bức thư Thầy gửi
[i] Lotsawa (Phạn ngữ) – RIGPAWIKI: dịch giả các kinh sách Phật giáo tiếng Phạn sang tiếng Tạng.
[ii] “Lời Vàng của Thầy Tôi” là cuốn sách mà Rinpoche đã khuyên đệ tử lấy làm tài liệu tu chính yếu và đọc đi đọc lại càng nhiều lần càng tốt. Đây là cuốn luận của nghi quỹ Ngondro Longchen Nyingthig nhưng đồng thời cũng là cuốn sách gối đầu giường của người tu ở Tây Tạng thuộc tất cả các dòng phái khác nhau.
[iii] Chữ “debates” có ngữ nghĩa hàm súc trong Kim Cương Thừa vì vậy chỉ có thể tạm dịch là “tranh luận”, “bàn cãi”. Đức Đạt Lai Lạt ma nói về “debates” như sau: “… Pháp chân thật có nghĩa là thực sự đi thật xa vào tận bên trong. Điều đó có nghĩa là thảo luận, là đàm đạo với những con người khác; có nghĩa là tranh luận, bàn cãi với mọi người xung quanh và tranh luận, bàn cãi với chính bản thân mình. Nếu chỉ đơn giản là tới đây, chỉ tới đây để thấy tôi thì chưa thể nói là tốt rồi được. Tranh luận một cách thật sâu sắc (deep debate), thực hành Pháp một cách thật sâu sắc (deep Dharma practice) từng ngày, hàng ngày. Điều đó mới thực sự làm cho Pháp hữu ích cho thế giới của chúng ta và cho con tim của các bạn.”
[iv] Xin xem giải nghĩa của Rinpoche trong bức thư sau, ngày 11 tháng 2.
[v] Sau khi trao đổi về bản Việt dịch với một số dịch giả và bạn đạo, Hiếu Thiện đã viết thư hỏi Rinpoche về một vài điểm trong bức thư ngày 5.02. Vì vậy ngày 11.02 Ngài gửi Hiếu Thiện (Lotsawa) bức thư này.
Dịch giả: Lotsawa (Hiếu Thiện)