LỜI ĐẠO SƯ 3 - RIGPA LÀ CON ĐƯỜNG BÍ MẬT CỦA CHƯ PHẬT

“Vậy nên ta vô minh, và không biết ngày mai cái gì sẽ xảy ra chẳng hạn.”

 Mục đích tu hành là để tịnh hóa tâm. Điều đó không có nghĩa là chân tâm của chúng ta bất tịnh. Chân tâm của ta vốn tự thanh tịnh nhưng nó bị che mờ bởi nghiệp chướng. Vậy nên ta vô minh, và không biết ngày mai cái gì sẽ xảy ra chẳng hạn. Nếu không ám chướng, không vô minh thì ta đã có thể rõ biết mọi sự. Không có nguyên nhân nào khác khiến ta không thể rõ biết vạn sự. Mê mờ trong tâm, những cảm xúc tiêu cực, gọi là phiền não, chính là nguyên nhân.

“Pháp có sức mạnh tịnh hóa ô nhiễm trong tâm”

Pháp có sức mạnh tịnh hóa ô nhiễm trong tâm. “Ngondro” là một từ tiếng Tạng, có nghĩa là “đi trước một cái gì đó”. Nghi quỹ này là phương pháp tịnh hóa phiền não trong tâm. Ngondro là một pháp đối trị, một thực hành tịnh hóa tâm. Trong Phật Giáo Tây Tạng có nhiều dòng phái và mỗi dòng truyền thừa có pháp ngondro riêng. Và pháp ngondro này là một trong những pháp ngondro phổ biến và được xem là giáo lý rất đặc biệt, giáo lý thậm thâm. Bậc khai mở dòng truyền thừa Longchen Nyingthig là Rigdzin Jigme Lingpa, nghĩa là “Trì Minh Vô Úy”. Jigme Lingpa là một học giả rất nổi tiếng, một hành giả xuất sắc đã suốt đời ẩn tu trong hang động ở Tây Tạng.

“Có nhiều cấp độ khác nhau của Tánh.”

“Pháp tu tiên yếu” có nghĩa là chuẩn bị để đạt tới thực tại, tới chân lý. Phật đã ban nhiều giáo lý trân quý, và mục đích của tất cả giáo lý đều nhằm giúp con người thấy được chân lý của vạn pháp. Có nhiều cấp độ khác nhau của chân lý. Lần chuyển Pháp luân thứ nhất Phật dạy “Bốn Chân Lý Thiêng liêng” (Tứ Diệu Đế – LND). Lần chuyển Pháp luân thứ hai Phật dạy Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế). Lần chuyển Pháp luân thứ ba Phật dạy Như Lai tạng. Tóm lại, giáo lý Phật dạy nhằm cho ta thấy chân tánh của vạn pháp, và có nhiều cấp độ khác nhau của Tánh.

“Tánh Không được chia thành nhiều cấp độ khác nhau: ngoại Không, nội Không, mật Không.”

Thể của vạn pháp là tánh Không. Đây là thực tại thậm thâm nhất của vạn pháp. Tánh Không được chia thành nhiều cấp độ khác nhau: ngoại Không, nội Không, mật Không. Một số dòng truyền thừa của Phật Giáo Tây Tạng có mục đích tu trì để đạt tới cốt tủy sâu xa nhất, bản thể tối hậu của vạn pháp. Ví dụ như các dòng truyền thừa Dzogchen Đại Viên Mãn hoặc Mahamudra Đại Thủ Ấn. Tự Tánh ấy luôn hiện hữu.

Nguyên nhân khiến ta không trực nhận được tự tánh là vô minh, như Thầy đã nói. Cách chúng ta nhìn mọi thứ trái ngược với thực tại. Và giáo lý này giúp ta quay trở về với trạng thái ban sơ gọi là “Chân tánh Bổn nguyên”. Về chủ đề này có rất nhiều giáo huấn, trong số đó giáo huấn của Longchenpa và Jigme Lingpa là những giáo huấn về tâm thâm diệu nhất. Để hành giả chứng ngộ được chân tánh của tâm thì cần hội đủ một số điều kiện thông qua pháp tu ngondro.

“Thiếu pháp tu ngondro ta không thể thấy Tánh …”

Và nếu ta muốn đạt chứng ngộ thì cần phải hoàn tất thực hành này. Thiếu pháp tu ngondro ta không thể thấy Tánh, vì vậy tu pháp ngondro là vô cùng quan trọng. Như Thầy đã nói ở trên, chúng ta tu hành vì muốn đắc quả. Thiếu nhân duyên sẽ không chứng quả, và đây chính là nhân duyên để ta thành tựu kết quả mong muốn. Và đây là điều rất quan trọng.

“Tất cả các ngài đều đồng lòng nhất trí rằng tu ngondro là rất quan trọng.”

Trong lịch sử Đạo Phật, đặc biệt Kim Cang Thừa, các bậc thầy vĩ đại không sót một ai đều phải qua giai đoạn tu tập đó, và các Ngài hành trì rất nhiều. Chúng ta có thể học hỏi từ cuộc đời các ngài để biết các ngài đã tu hành thế nào và đã đạt tới chứng ngộ ra sao. Và không một vị thầy nào nói rằng việc tu ngondro không quan trọng. Tất cả các ngài đều đồng lòng nhất trí rằng tu ngondro là rất quan trọng.

Tóm lại, chúng ta phải hành trì pháp tu này, nó rất đơn giản và hoàn chỉnh. Nó không đòi hỏi quá nhiều thời gian để hành trì hàng ngày, và bạn không phải bỏ ra quá nhiều thời gian, sức lực. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm một hành giả thì ít nhất phải hành trì pháp tu này. Lúc đầu, nếu chưa quen với nghi quỹ này thì có thể mất khá nhiều thời gian để đọc tụng từ đầu tới cuối. Nhưng khi đã quen thì không mất nhiều thời gian lắm, chỉ khoảng 15 hay 20 phút một lần. Như vậy là không quá khó.

“Với việc tu hành, ta muốn có thành tựu lớn thì phải bỏ ra nỗ lực lớn.”

Với việc tu hành, ta muốn có thành tựu lớn thì phải bỏ ra nỗ lực lớn. Giác ngộ không tự nhiên tới, nó đòi hỏi nhiều nhân duyên. Hôm qua, Thầy đã nói về bệnh lười của nhiều người, bệnh này là chướng ngại lớn cho đường tu. Vậy nên ta cần phải tinh tấn hơn – đó là điều chắc chắn. Nhưng ai cũng có cuộc sống riêng và có nhiều thứ phải lo toan hàng ngày, vì vậy mà không thể dành nhiều thời gian cho tu trì. Đó là sự thật. Phật là bậc Đại Bi, Đại Trí. Ngài đã hết sức cố gắng để có một pháp tu thật hữu dụng, mạnh mẽ, đồng thời đơn giản, dễ dàng tới mức tối đa. Ngài đã cho ra đời pháp tu này và truyền cho chúng ta.

“… chúng ta giảm bớt vô minh trong tâm để Tánh hiển lộ ngày càng rõ ràng hơn.”

Chúng ta phải hành trì ít nhất 15 hay 30 phút. Đây là mức tối thiểu cần có để sửa tâm mình. Mục đích của pháp tiên yếu này là chứng Tánh – tức Rigpa. Rigpa là Giác tánh của chúng ta, là phần tinh yếu của tâm. Chúng ta cần phải chuẩn bị bản thân cho việc chứng Tánh. Hiện nay Giác tánh của ta bị che mờ bởi vô minh. Thực hành pháp tu tiên yếu này chúng ta giảm bớt vô minh trong tâm để Tánh hiển lộ ngày càng rõ ràng hơn. Đây chính là ý nghĩa của pháp ngondro.

Có một cuốn sách giảng về pháp tu Ngondro Longchen Nyingthig, tên là “Lời Vàng của Thầy Tôi”, do Patrul Rinpoche soạn. Patrul Rinpoche là một Đạo sư Tây Tạng sinh khoảng năm 1808 hay 1880. Ngài nổi tiếng là một Đại hành giả. Tất cả mọi người đều sợ Ngài vì lời lẽ của Ngài rất bén nhọn, Ngài phê phán tất cả; và Ngài cũng rất rất trung thực và tinh tấn. Ngài cũng nổi tiếng là một Milarepa thứ hai.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thường tán thán Patrul Rinpoche, thường kể về lòng từ của Đạo sư, về đức tính khiêm cung và trí tuệ của Ngài. Patrul Rinpoche là một đại học giả, một soạn giả lớn, một nhà thơ nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài đã soạn rất nhiều bản văn về những đề tài khác nhau, cho những đối tượng khác nhau. Hiện nay có tám tập trước tác của Patrul Rinpoche đã xuất bản, tuy nhiên không thể kết tập được toàn bộ các tác phẩm của Ngài. “Lời Vàng của Thầy Tôi” là tác phẩm nổi tiếng và được dùng rộng rãi nhất. Nó được dùng không chỉ một số vùng mà khắp mọi nơi trên thế giới, bởi cách giải thích mọi thứ rất giản đơn mà lại chi tiết và rõ ràng của tác phẩm.

“Rigpa” có nghĩa là rõ thấy thực tại, còn ngược lại là “marigpa”

Giáo lý về Rigpa – Giác tánh – đươc gọi là Dzogpa Chenpo Đại Viên Mãn. Để kiến tánh chúng ta cần pháp Đại Viên Mãn và, như Thầy đã nói, Giác tánh không xuất hiện trong tâm ta nếu thiếu nhân và duyên. Việc đầu tiên là cần phải có lòng tin vào Rigpa, Giác tánh của ta. Hiện nay chúng ta vô minh. Vì vô minh ta bị tách lìa khỏi Rigpa của mình. “Rigpa” có nghĩa là rõ thấy thực tại, còn ngược lại là “marigpa” – không thấy rõ chân tánh thực tại. Hiện nay chúng ta đang rất “marigpa”, rất vô minh, ta không thể thấy Tánh. Vì vậy chúng ta đang trải qua những cấp độ khác nhau của đau khổ, vấn nạn, chướng duyên. Khi trực nhận được Rigpa thì mọi vấn đề sẽ tự nhiên biến mất. Đó là lý do ta nỗ lực [tu hành] để kiến tánh.

“Rigpa còn được gọi là ‘con đường bí mật của tất cả chư Phật’”

Rigpa còn được gọi là “con đường bí mật của tất cả chư Phật”. Con đường bí mật này được khai mở bởi đức Đại Phổ Hiền Như Lai. Ngài là bậc thủy tổ đã chứng Tánh, Giác tánh, bậc thường trụ trong Tánh. Ngài lúc nào cũng thiện và cái gì cũng thiện. “Đại Phổ Hiền” có nghĩa là “cái gì cũng thiện và lúc nào cũng thiện”. Chúng ta đôi khi cũng có bản tánh đó, nhưng rồi vô minh lại che mờ nó đi. Chúng ta không thể “lúc nào cũng thiện” vì chúng ta đánh mất Giác tánh của mình, Rigpa của mình. Vì thế mà chúng ta không tốt.

““Đại Phổ Hiền” có nghĩa là ‘cái gì cũng thiện và lúc nào cũng thiện.’”

Khi nói rằng chúng ta không tốt thì có nghĩa là chúng ta đau khổ, ngu tối, yếu đuối, bất lực và không có đức tin. Ý nghĩa là như vậy. Sự thật là khi ta còn lăn lóc trong luân hồi thì ta không có tự do. Lý do ta không có tự do là vì ta mất sức mạnh của tỉnh thức và trí tuệ. Vì vậy, ta chịu sự sai khiến của vô minh, phiền não, nghiệp chướng bất tịnh, và ta rất yếu đuối. Tuy nhiên, nếu ta nhận ra Giác tánh của mình thì ta sẽ vượt thoát luân hồi, vô minh, sẽ có nhiều sức mạnh, trí tuệ và trở thành người tốt.

“Rigpa được gọi là “Đức Phật Phổ Hiền” vì nó lúc nào cũng thiện.”

Tóm lại, tu đạo có nghĩa là phải nỗ lực để vượt thoát luân hồi, nỗ lực để lúc nào cũng thiện. Đó chính là ý nghĩa căn bản của việc tu hành. Đức Đại Phổ Hiền Như Lai là bậc khai mở dòng Pháp này. Vì chúng ta không hiểu Chân tánh là gì nên nó được gọi là Đức Phổ Hiền Như Lai – Samantabhadra. Đức Phổ Hiền Như Lai thật ra chính là chân tánh của chúng ta. Rigpa được gọi là “Đức Phật Phổ Hiền” vì nó lúc nào cũng thiện. Nhưng khi chúng ta nói tới hiện tượng ấy, tới chủ đề ấy thì ta cần một con người [cụ thể] để có thể bàn luận được. Vì thế mà nó được gọi là “Phật Phổ Hiền”.

Phật Phổ Hiền truyền giáo lý Dzogchen cho Ngũ Bộ Phật: Vajradhara, Vajrasattva và tất cả chư Phật mười phương. Đó là cách truyền thừa Dzogchen Đại Viên Mãn được khởi lập. Chúng ta cũng có thể nói rằng lúc đầu Pháp này được khởi lập nơi cõi Phật. Sau đó, tất cả chư Phật họp lại và thỉnh cầu Vajrasattva truyền dạy Dzogchen Đại Viên Mãn. Và Đức Vajrasattva thỉnh cầu Vajrapani truyền dạy Dzogchen. Đức Kim Cang Thủ yết kiến Ngũ Bộ Phật và thọ nhận giáo lý Dzogchen. Ngài đã nghiên cứu tất cả các chủ đề và thành tựu. Sau đó Ngài đã truyền dạy giáo lý cho chư thiên . Như vậy là Dzogchen đã được truyền dạy nơi cõi thiên .

Đệ tử đầu tiên thọ nhận giáo lý Dzogpa Chenpo từ Vajrapani là “Cực Tuệ” – có nghĩa là “Thiên tử Cực Trí Tuệ” (Devaputra Adhicitta – LND). Ngài tên là Cực Tuệ vì Ngài rất thông minh và là bậc thâm hậu trong thiền định. Ngay từ khi còn nhỏ Ngài đã luôn an trụ trong định thâm sâu. Ngài có khả năng quán chiếu tánh Không nhờ năng lực [thiền định] tự nhiên của mình. Đức Kim Cang Thủ đã tới cõi Trời gặp và trao truyền toàn bộ giáo lý Dzogpa Chenpo cho Ngài. Ngài Thiên Tử Cực Tuệ trở thành bậc thầy truyền giáo lý Dzogchen nơi cõi Trời. “Cực Tuệ” có nghĩa là Ngài có nhiều phẩm tánh đặc biệt siêu vượt năng lực của những người khác. Ngài đã thọ nhận Dzogchen từ Vajrapani và khởi lập dòng Pháp này nơi cõi thiên .

“Garab Dorje là bậc Đạo sư Dzogchen đầu tiên trong cõi nhân gian.”

Sau đó truyền thừa Dzogchen được thiết lập ở nhân gian, tại Ấn Độ. Có bậc hóa thân vĩ đại tên là Garab Dorje. Garab Dorje là hóa thân của Kim Cang Tát Đỏa và Ngài “Cực Tuệ”. Garab Dorje có trí tuệ để chứng ngộ Dzogchen Đại Viên Mãn. Khi mới lên ba lên năm Ngài đã dạy Dzogchen. Trước khi đi học Ngài đã biết nói, biết thiền và đã chứng ngộ Giác tánh của mình. Như vậy, Garab Dorje là bậc Đạo sư Dzogchen đầu tiên trong cõi nhân gian.

Garab Dorje có linh kiến về Vajrasattva, và Vajrapani cũng tới trực tiếp truyền dạy cho Ngài tất cả các mật điển của Dzogpa Chenpo. Đó là lịch sử của Dzogpa Chenpo. Garab Dorje hành trì Dzogchen nhiều năm và thành tựu thân cầu vồng. Đó là thành tựu cao nhất của một hành giả thực hành pháp tu này.

“Jampel Shenyen là vị Tổ thứ hai của dòng Dzogpa Chenpo nơi cõi người.”

Một hóa thân vĩ đại khác của Văn Thù Sư Lợi là Jampel Shenyen, một đại học giả. Ngài nhận được tiên tri từ đức Văn Thù rằng Ngài sẽ đến gặp Garab Dorje, làm đệ tử của Garab Dorje, và trở thành vị Tổ của dòng pháp Dzogchen. Jampel Shenyen đã làm theo lời tiên tri này, tới gặp Garab Dorje, trở thành đệ tử, và giúp Garab Dorje khởi lập dòng Dzogpa Chenpo tại nhân gian. Như vậy, Jampel Shenyen là vị Tổ thứ hai của dòng Dzogpa Chenpo nơi cõi người.

Hết bài giảng sáng 14/06/2015 tại Matxcơva, Nga.

Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch) do Menlha Kyid (Kiều Oanh) chép tại: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q3-04

Author: Hungkar Dorje Rinpoche

Translator: Lotsawa (Hiếu Thiện)

Download
pdf
SHARE