Hai bài giảng khác “Ba Tánh Đức Cần Có Của Một Bậc Đạo Sư” và “Còn Hòa Hợp Thì Cộng Đồng Còn Tồn Tại” của Rinpoche đề cập tới chủ đề lớn của Phật Giáo: phẩm chất của đạo sư và trì giữ giới trọng cấm của đệ tử.
LỜI ĐẠO SƯ 4
Lời Đạo Sư IV xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả gần xa các bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche từ năm 2015 tới 2018 cùng một số thư, thơ, bài viết.Mở đầu phần I của cuốn sách là bài giới thiệu của Rinpoche về dòng pháp Longchen Nyingthik. Với ngôn ngữ cô đọng và sắc bén, Rinpoche đã phân tích sự khác nhau giữa pháp tu Hiển giáo và Mật giáo mà một người tu Kim Cương Thừa rất cần phải biết. Trong Kim Cương Thừa, chư đạo sư “đã lấy tinh túy của tất cả các pháp môn đưa vào một pháp tu nhỏ, thuận tiện cho chúng ta tu. Và chúng ta sẽ đạt thành tựu giống như là chúng ta đã nghiên cứu tất cả các sách, toàn bộ giáo lý. Đây được gọi là PHƯƠNG TIỆN trong Kim Cương Thừa.” Vì vậy “Kim Cương Thừa có nhiều phương tiện, nhiều phương pháp độc đáo để tu hành, và để tu hành một cách có hiệu quả, với pháp tu có sức mạnh.”
Hai bài giảng khác “Ba Tánh Đức Cần Có Của Một Bậc Đạo Sư” và “Còn Hòa Hợp Thì Cộng Đồng Còn Tồn Tại” của Rinpoche đề cập tới chủ đề lớn của Phật Giáo: phẩm chất của đạo sư và trì giữ giới trọng cấm của đệ tử.
Đạo hạnh quan trọng hơn hiểu biết. Rinpoche nói: “Đạo hạnh tốt có nghĩa là trung thực, và đạo hạnh kém là không trung thực, dối trá. Vì vậy đạo hạnh tốt, kỷ luật tốt thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiểu biết tốt.”
Rinpoche đã nhắc tới phẩm tánh quan trọng là bậc thầy phải có trải nghiệm và chứng ngộ vì: “Khi không có trải nghiệm, chứng ngộ về đạo lộ, về giáo lý thì tâm vẫn còn rỗng cạn, không có sức mạnh. Khi đó tâm vẫn chưa đạt tới điểm rốt ráo của Pháp.”
Trong thông điệp gửi tới các đệ tử “Còn Hòa Hợp thì Cộng Đồng Còn Tồn Tại”, Rinpoche đã chỉ ra hiểm họa của việc phá vỡ hòa hợp giữa những người tu: “Chúng ta có bài học từ lịch sử từ Phật giáo ở Ấn Độ. Đạo Phật ở đó bị hủy diệt do nhiều nhân duyên, nhưng một trong những nguyên nhân chính là sự bất hòa từ bên trong.” Và Ngài nhắc nhở: “Sự hòa hợp là rất quan trọng. Khi không có sự hòa hợp, cộng đồng sẽ tan rã. Điều này là chắc chắn. Không có gì để nghi ngờ hay bàn cãi.”