Động lực thiện lành

(Về tôi, những việc tôi làm và động lực thiện lành của tôi)

Tây Tạng

“Bất chấp mọi thứ, họ không bao giờ ngã lòng trước nghịch cảnh.
Họ vẫn tới nghe Pháp ngồi yên lặng giữa trời băng giá.”


Xin cám ơn tất cả về sự giúp đỡ, ủng hộ mà các bạn đã dành cho tôi trong suốt những năm tháng qua và nhân đây tôi cũng muốn nói với các bạn đôi lời về tu viện chúng tôi. Tây Tạng được gọi với cái tên “nóc nhà của thế giới”. Đây là một miền đất bao la xinh đẹp nơi có những rặng núi cao, những nguồn suối trong và hồ nước mát, những bầu trời xanh và làn mây trắng. Đây là miền đất Phật, nơi mà ra ngõ là gặp người tu Phật và các tu viện nở rộ như hoa mùa hè vậy. Thế nhưng, xét ở một phương diện khác thì đây là một vùng đất nghèo và chậm phát triển, nơi mà ngay cả việc đi lại cũng khó khăn với mùa đông băng giá và thời tiết đột ngột thay đổi kiểu “sớm nắng chiều mưa”.

Golog

“Golog cũng là nơi sông lớn Hoàng hà uốn mình lượn qua …”

Đất thiêng Golog là một trong sáu huyện của tỉnh Thanh Hải, nằm về phía nam hồ Kokonor sáng chói mênh mông. Golog có diện tích khoảng 77.000 km2 với khoảng 160 000 cư dân, trong đó có 150 000 người Tây tạng. Golog gồm có 6 quận với quận lỵ Dawu là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa. Nơi đây có ngọn núi xinh đẹp Amnye Machen cao tới 6.282 mét (20.605 bộ). Golog có núi non trùng điệp: những rặng núi tuyết, rặng núi đá, những cánh rừng xanh, những triền đồi phủ cỏ đồng nội và những thảo nguyên rộng lớn. Golog cũng là nơi sông lớn Hoàng hà uốn mình lượn qua trước khi chảy xuống đồng bằng. Nơi đây có nhiều con sông cùng rất nhiều hồ lớn nhỏ. Chốn thâm sơn cùng cốc hoang sơ này có nhiều thú sống ở độ cao như sư tử Tuyết, báo tuyết, bò yak rừng, lừa hoang Tây Tạng, sơn dương Tạng và những đàn nai duyên dáng. Nguồn sống chính của cư dân du mục ở đây là những đàn bò yak và cừu.

Tu viện

Tu viện chúng tôi do Tổ Do Khyentse (1800-1866), một Đại sư của thế kỷ XIX hóa thân của Tổ Rigdzin Jigme Lingpa (1729-1798), thành lập vào thập niên 1820. Lúc đầu tu viện chỉ là một chiếc lều du mục làm bằng lông bò yak được di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Tu viện vẫn sống sót qua được những thời kỳ khắc nghiệt như thời các đội quân Hồi giáo xâm chiếm và thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung quốc. Đó là nhờ một dòng tiếp nối liên tục các bậc Đạo sư với tâm dũng mãnh vô song và nỗ lực phi thường đã tiếp tục duy trì, phát triển các truyền thống, các dòng pháp của tu viện. Đặc biệt, vị trụ trì thứ 9 của tu viện, Ngài Pema Tumdrak Dorje (1934-2009) hay Lama Sang như mọi người thường gọi, đã gìn giữ, bảo vệ dòng pháp của tu viện. Và vào năm 1980 Ngài đã bắt đầu xây dựng tu viện ngày nay, một tu viện đăng ký chính thức được chính quyền Trung quốc công nhận.

Lama Sang

Lama Sang đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn để xây dựng lên tu viện này đáp lại mong ước và nhu cầu của bao người. Bắt đầu từ một cộng đồng tu với 30 vị tăng nơi đây đã phát triển lên thành một tu viện có 500 tu sĩ và khoảng 100 hành giả hành giả yogi. Ngài cũng đã xây dựng bảo tháp Bodhanath của Xứ Tuyết, phiên bản của tu viện Samye, phiên bản của đền thờ Mahabodhi ở Bồ đề Đạo tràng v. v. Nhưng Lama Sang đã từ giã thế giới này để đi về một miền khác, bởi vô thường là bản chất của vạn pháp.

Trụ trì

Bắt đầu từ năm 2000 theo ý nguyện của Lama Sang tôi bắt đầu nhận trách nhiệm chăm lo nhiều hoạt động của tu viện. Sau khi Lama Sang viên tịch dân chúng trong vùng, với hy vọng tràn đầy trong ánh mắt họ chắp tay tha thiết thỉnh cầu tôi đáp lại mong ước của họ. Và tôi không còn sự lựa chọn nào khác hơn là gánh lấy trọng trách này trên đôi vai của mình.

Trở thành vị trụ trì một tu viện là tham vọng của nhiều người – họ sẵn sàng tranh đấu để chiếm cho được ngôi vị đó. Đối với tôi điều đó tự nó đến: đơn giản là tôi được trao cho một trọng trách. Có nhiều người bỏ công nghiên cứu kinh sách với ước vọng thầm kín: được trở thành một bậc thầy vĩ đại, được đi đó đi đây tới các thành phố lớn, tới những miền đất lạ, xây dựng nhiều đền đài miếu mạo và thu nạp được [nhiều] đệ tử. Tuy nhiên trong thời gian tôi học tập, nghiên cứu giáo Pháp động cơ duy nhất của tôi là sự tiến bộ trong việc tu học; ngoài điều đó ra tôi không có một mục tiêu nào khác. Vì vậy tôi không cảm thấy đó là một sự kiện đặc biệt để ăn mừng khi bỗng nhiên tôi thấy mình mang trên vai trách nhiệm về cả một tu viện lớn. Nếu một người chuẩn bị lãnh trách nhiệm trụ trì một tu viện thì người đó phải học tập, nghiên cứu thật thấu đáo. Có nhiều vị trụ trì là những bậc đạo sư lớn, thông tuệ tuyệt vời, giới hạnh thanh tịnh và có bản tánh thiện lành. Nhưng cũng có những vị trụ trì chẳng chịu học hành, hiểu biết thì nghèo nàn song lại cố giành cho được địa vị ấy bằng những nỗ lực sắt đá không ngơi nghỉ và cả bằng sức mạnh của tiền bạc, của cải.

Gian truân

Về phần tôi, tôi đã sinh ra vào một thời kỳ đầy gian truân. Mãi đến năm lên chín tôi mới bắt đầu học đọc học viết. Đó là thời kỳ mà tất cả mọi người phải sống trong nỗi khiếp sợ cùng tột vì vậy mà không ai dám nghiên cứu Phật pháp hoặc thực hiện các nghi lễ Phật giáo. Thời gian duy nhất trong ngày mà chúng tôi có thể học một cách bí mật là vào lúc nửa đêm. Vào thời kỳ đó, ở Golog trường học cũng không có huống hồ là tu viện vì vậy mà hoàn toàn không có bóng dù chỉ một vị sư khoác y tu viện. Khi việc tu học Phật rốt cuộc đã được cho phép thì nhiều người trong số những người tôi quen biết đã có thể mặc áo tăng và cho mọi người biết rằng họ là tu sĩ. Các cộng đồng tu bỗng nhiên xuất hiện như cỏ hoa trên cánh đồng cỏ xanh. Suốt cho tới thời điểm đó họ buộc phải khoác y áo đời thường. Và việc thấy một ai đó cầm một tràng hạt trên tay lại còn hiếm hoi hơn nữa. Vì vậy ngoài cái đầu đã xuống tóc ra thì không có một dấu hiệu gì cho thấy một ai đó là tu sĩ.

Tuy nhiên, các vị Đạo sư và các tăng thân (shanga) ấy đã giữ việc tu hành thật thanh tịnh ở bên trong. Nhờ lòng bi mẫn của các vị ấy mà chúng tôi đã được thọ nhận cam lồ của giáo lý Phật đà. Về phần mình, tôi không có được điều kiện thuận lợi nhất để học giáo lý cũng như các ngành học khác nhau. Nhưng tôi thấy mình vẫn là người may mắn đã có được chút học vấn và một mãnh lực tự nhiên hướng tới chánh Pháp so với nhiều vị lạt ma hoặc vị tăng khác do hoàn cảnh khó khăn hoặc do thiếu khát khao mãnh liệt đối với giáo Pháp mà đã hoàn toàn không thể học được chút giáo lý nào cả.

Dòng Pháp tôi được truyền thừa là pháp Trung quán của Cổ mật, pháp tuệ Ba la mật, pháp tu tiên yếu, pháp tu tsalung (nội hỏa), pháp tu Dzogchen v. v. và tôi thọ nhận các bộ pháp trọn vẹn cả giai đoạn phát khởi lẫn giai đoạn toàn thiện. Ngoài ra tôi đã tu học tri kiến và pháp thực hành của các truyền thống khác như phái Gelugpa. Tôi có cảm giác rằng mình giống như một người có đôi mắt sáng lại được thêm một chiếc kính viễn vọng để nhìn.

Bản thân tôi có duyên được tiếp xúc, tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa của các miền đất khác nhau và nhờ đó mà tôi được biết thêm nhiều về cách những người thuộc các nền văn hóa khác cảm nhận thế giới này. Ngoài ra, tôi cũng có dịp gặp gỡ nhiều người ở khắp nơi trên thế giới và hình thành những mối quan hệ bằng hữu gắn bó qua tất cả những thăng trầm của cuộc đời.

Nguyện ước từ tiền kiếp

Dường như trong kiếp trước tôi đã từng cầu nguyện: “Nguyện cho con được du hành khắp nơi trên thế giới này và với tất cả mọi người đều luôn trải tình thương yêu cùng ước mong làm lợi lạc cho họ bằng những lời dịu dàng, êm ái đem lại an bình trong tâm.” Những người bạn của tôi luôn tốt bụng và ân cần với tôi trong khi tôi chẳng có gì để tặng họ ngoài những thông điệp về hòa bình và lòng nhân ái.

Tuổi thơ

“Nhưng tôi cảm thấy tự hào rằng
mình không đánh mất đi an bình và tự tại trong tâm.”

Tôi sinh ra trong một gia đình du mục bình thường suốt bốn mùa xuân hạ thu đông rong ruổi theo những đàn gia súc, lấy thịt và da của chúng, uống sữa tươi và ăn sữa chua của chúng. Vào thời buổi ấy và trong môi trường ấy chữ “giáo dục” hoàn toàn vắng bóng. Công việc chăn thả gia súc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không đòi hỏi phải học hành, nghiên cứu hay sử dụng gì nhiều tới bộ óc. Ở trong vùng, gia đình tôi thuộc loại lớn và có nhiều của cải so với những gia đình khác, nhưng cơn lốc Cách mạng Văn hóa đã cuốn đi tất cả chỉ để lại ít người sống sót và chút ít dấu vết của tài sản.

Trong thời buổi khốn khó ấy mẹ tôi phải chịu đựng một áp lực nặng nề: toàn bộ tài sản bị mất trắng, chưa từng bao giờ được tới trường, chưa từng bao giờ biết lo kiếm tiền mà nay bỗng phải một mình lo nuôi năm đứa con. Vậy nên khi tôi còn nhỏ tất cả thức ăn mà chúng tôi có chỉ là sữa chua vào mùa hè và bột tsampa vào mùa đông. Chúng tôi không biết tới một loại thức ăn nào khác vì thực phẩm hồi đó vô cùng khan hiếm. Dạ dày của chúng tôi luôn thèm khát hương vị của bánh mì và cơm, song xét cho cùng chúng tôi đã rất may mắn cho dù là chỉ có sữa chua hay tsampa mà thôi.

Chỉ khi lên 11 hay 12 tuổi gì đó tôi mới được nhìn thấy bắp cải, cải chíp lần đầu tiên. Lưỡi tôi lúc ấy mới được chạm vào các thức đó và biết tới mùi vị của chúng. Cứ nghĩ tới cảnh sống mà tôi và các bạn tôi thời thơ ấu đã trải qua thì thật không thể tin nổi làm sao mà chúng tôi vẫn còn sống sót và có thể thành tựu được ước nguyện của đời mình. Suốt tuổi thơ tôi chưa một lần cắp sách tới trường. Cha mẹ tôi và người thân trong gia đình không có thời gian để chăm sóc tôi với tất cả tình yêu thương như họ luôn mong muốn.

Tôi lớn lên trong giông tố của sợ hãi và hiểm nguy. Nhưng tôi cảm thấy tự hào rằng mình không đánh mất đi an bình và tự tại trong tâm. Và giờ đây tôi có thể đi đó đi đây trong thế giới này làm một sứ giả của an bình nội tại. Tất cả là nhờ lòng bi mẫn của cha tôi. Người đã cho tôi cuộc sống này. Nhưng hơn thế nữa, Người đã trao cho tôi cả trọng trách lớn lao này, đó là một đại duyên để đem lại lợi lạc cho mọi chúng hữu tình.

Thiện tâm

“Nếu tâm hồn tôi là một con ong thì nó sẽ luôn vo ve
quanh vườn hoa của hạnh bồ tát chẳng bao giờ rời xa.”

Khi còn nhỏ tôi thường rất xúc động mỗi khi được nghe kể về cuộc đời của các vị bồ tát. Những câu chuyện ấy là thức ăn có hương vị tuyệt vời và rất bổ dưỡng cho tâm hồn tôi. Nếu tâm hồn tôi là một con ong thì nó sẽ luôn vo ve quanh vườn hoa của hạnh bồ tát chẳng bao giờ rời xa. Vậy nên từ nhỏ tâm tôi đã kiên định hướng theo tiếng gọi của hạnh bồ tát. Tâm bồ đề, tâm từ và bi đã trở thành mục đích của cuộc đời tôi, là người bạn đồng hành của tôi trên đạo lộ. Tôi luôn luốn dấn thân vào bất cứ việc gì làm tăng trưởng hạnh bồ tát hạnh và tránh xa bất cứ việc gì làm tổn hại đến hạnh nguyện ấy.

Tôi là một trong số bảy tỉ người hiện đang sống trong thế giới này. Tôi không phải là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực, không phải là một doanh nhân và cũng không có tham vọng hay ác tâm nào cả. Tôi chỉ muốn đi theo tiếng gọi của hạnh bồ tát. Tiếng gọi của hạnh bồ tát không phải do một vị bổn tôn nào ban cho tôi, tôi cũng không mua nó bằng tiền hay dùng sức mạnh để chiếm đoạt. Nó đến với tôi do nhất tâm trụ nơi động lực thiện lành. Nó là quả lành của công đức và những lời cầu nguyện của tôi. Vì vậy, có lẽ trong nhiều kiếp trước tôi đã từng là một người có một động lực sống, một lẽ sống rất tốt lành.

Thiện nghiệp

Động lực thiện lành này từ bao tiền kiếp đã tạo nên thiện nghiệp che chở cho tôi. Vì vậy tôi tin rằng trong những kiếp ấy chắc chắn tôi đã từng đạt được một thành tựu nào đó rất xuất sắc. Việc đó đem lại lợi lạc không chỉ cho riêng tôi mà cho cả những người khác. Và tôi sẽ còn tiếp tục mang thông điệp về sức mạnh của động lực thiện lành tới tất cả [chúng sinh].

Trở ngại lớn nhất

“Cái vấn nạn lớn nhất của chúng ta … là ta luôn đem
tám ngọn gió đời trộn lẫn vào việc tu Phật của mình.”

Bởi vì động cơ thanh tịnh, tốt lành rất cần để tu hạnh bồ tát, tôi tin rằng bất cứ khó khăn nào đến với người tu hạnh bồ tát đều đáng quý và đáng để ta [hoan hỉ] đương đầu. Tuy nhiên, cái vấn nạn lớn nhất của chúng ta, cái lỗi lầm người tu thường mắc phải – đó là chúng ta luôn đem tám ngọn gió đời (lợi, suy, vui, khổ, vinh, nhục, khen, chê – LND ) trộn lẫn vào việc tu Phật của mình. Đây không chỉ là cái nạn của những hành giả sơ cơ bị kẹt vào những toan tính thế tục. Không ít các vị trụ trì có nhiều đệ tử hoặc các vị đạo sư lớn nổi tiếng cũng không khỏi vướng vào những ngọn gió ấy. Họ nói:” Đây là truyền thống của tôi, đây là tu viện của tôi, đây là đệ tử của tôi” và rất sâu trong tâm thức họ bị dính chặt vào những chuyện đó. Đặc biệt, họ thường nói: “Đây là những đệ tử của tôi” rồi giữ chặt lấy những đệ tử ấy bằng mọi cách kể cả việc mắng mỏ hay hăm dọa. Muốn được thiên hạ tôn vinh họ quay ra tự ca ngợi mình, phê phán người này người kia và làm nhiều điều khác nữa. Ai đã thoát khỏi tám ngọn gió đời và họ ở đâu? Tôi luôn hết sức cẩn trọng bởi tôi cũng rất sợ chính mình sẽ trở thành giống như họ.

Lãnh trách nhiệm

Sau khi Lama Sang viên tịch tôi có nhiều cuộc gặp với các đệ tử chính của Ngài để trao đổi với họ về những lợi lạc của việc tiếp tục duy trì tu viện và những tổn hại xảy ra nếu không thực hiện được điều này. Chúng tôi đều đồng quan điểm rằng phải tiếp tục duy trì tu viện vì như vậy sẽ giữ lòng bi mẫn của Lama Sang sống mãi. Tăng thân rộng lớn này sẽ tiếp tục thọ nhận giáo lý (văn), tư duy quán chiếu (tư) và công phu hành tri (tu). Điều đó sẽ giúp cho việc truyền bá giáo lý Phật đà. Những ai gắn bó với tu viện bằng tâm chí thành chí tín sẽ có cơ duyên thọ nhận giáo lý. Và các hành giả sẽ có được vô lượng lợi lạc.

Đối mặt với khó khăn

Trong ba năm sau khi Lama Sang viên tịch cộng đồng tu tu sĩ tiếp tục phát triển, nhưng nơi ăn chốn ở của chư tăng đang dần dần xuống cấp và đổ nát. Ở độ cao này luôn có những trận gió hung hãn có sức phá tan tành cả đất đai lẫn đá sỏi huống hồ là tấm thân con người. Vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào hơn là xây nơi ở mới cho chư tăng, bởi vì cộng đồng tu sĩ là tác nhân xiển dương việc thực hành giáo pháp.

Giá của vật liệu xây dựng leo thang không ngừng nghỉ, đặc biệt là ở Trung quốc, vậy nên chúng tôi cần thêm nhiều tịnh tài. Đây âu cũng là chuyện của thời buổi ngày nay. Các tu viện Phật giáo chắc chắn phải là nơi duy trì ngọn lửa của cả pháp học (pháp lý thuyết) và pháp hành (pháp tu chứng) bởi vì hai hoạt động đó chính là mạch sống, là trái tim của một tu viện. Không có pháp học và pháp hành thì dẫu tu viện có xây cả một tòa tháp bằng vàng cao 600 bộ đi nữa thì rốt cuộc đó cũng chỉ là một bộ mặt không hồn mà thôi.

Chörig Lobling: học viện trong tu viện

Các học trò của Chorig Lobling (một học viện thuộc tu viện – LND ) tất cả đều là những vị tăng tâm thuần khiết như vàng. Nơi đây có các học sĩ rất tinh cần trong việc học giáo lý (văn) và tư duy quán chiếu (tư) cùng các vị tăng đang miên mật tu hạnh thiểu dục, tri túc (tu). Việc giáo dục do trường thực hiện có chất lượng cao vì vậy ngày càng có nhiều học trò từ các vùng như Amdo, miền trung Tây tạng và vùng Kham tới đây. Tuy nhiên, các công trình xây cất và các trang thiết bị dành cho người học ở đây còn rất thô sơ. Tu viện có một trung tâm nhập thất dành cho pháp tu Vajrakila, nơi mà hàng năm mỗi người trong khóa nhập thất trì tụng một triệu chú Kim Cang Tát đỏa và một triệu chú Vajrakila. Chúng tôi là những vị hộ trì cho giáo lý của dòng truyền thừa Dzogchen, vì vậy trong tương lai tôi sẽ thành lập một trung tâm nhập thất có chất lượng cao dành cho các giai đoạn của pháp tu Dzogchen.

Ni viện

Vào thời xưa ở Golog không có ni viện. Người ta thường xem thường phụ nữ thậm chí đối với cả những người đã thọ giới xuất gia. Theo tôi đó là một điều không thể hiểu nổi: tại sao phụ nữ nói chung và ni sư nói riêng không được tôn trọng. Vì vậy tôi đã thành lập một ni viện. Đó là ni viện đầu tiên ở Golog và được đánh giá cao xét về phương diện giới luật thanh tịnh. Các ni sư ở đây rất khiêm tốn. Họ giữ giới luật như giữ gìn con ngươi của mắt mình và trên nền tảng căn bản này họ ngày càng có nhiều cơ duyên để học giáo lý và những ngành tri thức khác nhau.

Bảo tồn các di sản của Lama Sang

Chúng tôi có những kế hoạch tuyệt vời để bảo tồn khu vực riêng của Lama Sang. Đây là khu dành riêng cho việc thực hành các bộ phục điển (terma) do chính Lama Sang khai mở, thực hiện các lễ puja và khóa lễ Drupchen hàng năm theo đúng chỉ dạy của Ngài. Chúng tôi đã thu xếp được thầy dạy cho các hành giả yogi và xây dựng được cơ sở vật chất cùng trang thiết bị để giúp họ học giáo lý và các ngành tri thức khác nhau.

Trường Hungkar Dorje

Bởi tuổi thơ không được cắp sách tới trường nên tôi vẫn có cảm giác thiếu vắng một cái gì đó. Vì vậy tôi cảm thấy mãn nguyện khi mình có thể tạo lập cho thế hệ trẻ cơ hội học hành. Với mong muốn đem lại cho lớp trẻ một tương lai tươi sáng hơn tôi đã dành mấy năm trời xây dựng một trường học để trẻ em có thể học tiếng, học viết và học kỹ năng nghề nghiệp. Các giáo viên ở đây làm việc cần cù để chăm lo vun trồng cho các em với động cơ trong sáng. Họ đã giúp cho các em có được sự chăm sóc giáo dục chất lượng cao mang lại những kết quả xuất sắc. Vì vậy, việc này dần dần được mọi người dân Tây Tạng biết đến và đánh giá như là một hình mẫu trường học mới đáng tán thán.

Việc xây cất nơi độ cao đặc biệt như vùng quê tôi với sức hủy hoại của gió lạnh và băng tuyết thật không dễ dàng chút nào. Và việc duy trì bảo dưỡng những gì đã được xây nên cũng hết sức khó khăn. Vào tiết trời giữa đông cái lạnh cắt da của thời tiết giá băng ở độ cao này chẳng khác gì một lưỡi kiếm sắc. Người ta có thể nhìn thấy cái lạnh sắc buốt này làm toác mặt đất và phá toang các tảng đá lớn. Thế nhưng cũng chính ở nơi đây người ta có thể thấy những kỳ quan tuyệt vời như một trong những bảo tháp lớn nhất Châu Á: tháp Kangjong Charung Khashor (tháp Bodhnath ở xứ Tuyết). Có nhiều yếu tố cần thiết để duy trì, bảo dưỡng các tòa nhà này sao cho chúng có thể tồn tại được dài lâu.

Niềm tin kiên cố

Gió, tuyết, cái lạnh đe dọa và làm hư hoại mọi thứ. Nhưng, với tâm dũng mãnh vô song và niềm tin kiên cố vào Phật Pháp bất hoại như kim cương, con người ở đây không khiếp sợ băng giá. Khó mà hiểu hết chiều sâu và sức mạnh của tâm dâng hiến, tận trung tận hiếu của họ đối với Phật Pháp. Mặt đất trở thành một hỗn hợp tuyết lẫn với băng cứng chắc, gió lạnh thổi tới những cơn bão tuyết hung hãn, nhưng mọi người vẫn ngồi yên lặng giữa trời lắng nghe Pháp nhũ. Cái lạnh thấu xương thấm vào thân thể khiến người họ cứng đờ vì giá rét. Các khớp xương sưng tấy vì đau nhức, người gập xuống, đôi chân co quắp lại. Rồi họ không thể bước nổi nữa.

Bất chấp mọi thứ, họ không bao giờ ngã lòng trước nghịch cảnh. Họ vẫn tới nghe Pháp ngồi yên lặng giữa trời băng giá. Đây là một nét đặc trưng cho người Tây Tạng nói chung và người dân Golog nói riêng.

Lòng bi mẫn

Theo truyền thống [Tây Tạng] một vị đạo sư được ngồi trên pháp tòa trong một căn nhà đẹp đẽ được trang hoàng nhiều lá hoa và đủ mọi sắc màu rực rỡ. Thế nhưng, trong khi tôi có đủ tất cả những tiện nghi, trang thiết bị thì biết bao người đến nghe Pháp tôi giảng lại phải chịu giá rét và ngã bệnh. Làm sao có thể nhắm mắt làm ngơ được? Tôi đã cố gắng bằng nhiều cách tìm ra giải pháp cho vấn đề này và hiện nay tôi đang xây một thính phòng lớn có thể chứa được hàng ngàn người tới nghe Pháp vào mùa đông.

Cả thế giới biết rằng Tây Tạng tụt hậu rất xa xét về thịnh vượng vật chất. Và mức sống của Golog, cũng như thế, chỉ dừng ở những nhu cầu tối thiểu. Đặc biệt ở đây có những người cao tuổi gắn bó tận tụy với Phật Pháp. Họ sống xung quanh tu viện để có thể thọ nhận giáo lý, đi nhiễu tháp v. v… mà ít khi bận tâm tới việc họ sẽ phải tự nuôi thân ra sao. Vì vậy mà có khoảng vài trăm người cao tuổi sống cạnh tu viện hoàn toàn dâng hiến thời gian sực lực cho hành trì tu tập nhưng lại không đủ cơm ăn áo mặc. Rồi các học trò, các hành giả từ khắp nơi trên đất Tây Tạng, chứ không riêng gì Golog, đổ tới tu viện. Đây là một trung tâm Phật Pháp thu hút nhiều tăng, ni, người cao tuổi và những người tu tại gia không có khả năng tự nuôi sống chính mình. Khi ta thấy người khác phải chịu rét, chịu đói, làm sao mà có thể làm ngơ được? Làm sao ta nhìn mà không cảm thấy xót thương? Vì vậy hàng năm tôi lo chu cấp cho họ thực phẩm và quần áo.

Khi Lama Sang còn trẻ cuộc sống trong vùng này rất gian khổ. Lúc mẹ Ngài ngã bệnh gia đình không có tiền để mua thuốc cho bà nên bà đã qua đời. Vì vậy Lama Sang đã khởi xướng việc chu cấp thuốc men cho người dân. Ngài đã phát nguyện chu cấp thuốc men bất cứ khi nào Ngài có đủ điều kiện và hàng năm Lama sang phân phát nhiều loại thuốc Tây Tạng cho hàng ngàn người bị bệnh. Noi theo tấm gương hạnh nguyện thanh tịnh của Ngài tôi tiếp tục công hạnh tuyệt vời này – hàng năm chu cấp thuốc men cho người bệnh.

Khóa nhập thất mùa đông

Tu viện chúng tôi có truyền thống độc đáo: truyền dạy giáo lý cho dân chúng. Trong nhiều năm Lama Sang đều đặn hàng năm dạy pháp thuộc nhiều chủng loại cho dân chúng – những người có lòng tin vào Phật Pháp. Ngài chỉ thị cho tôi phải dạy Pháp cho cả chư tăng lẫn người tu tại gia. Cũng như Lama Sang, ba năm qua kể từ khi Ngài viên tịch, tôi đã ở lại Tây Tạng đối mặt với cái lạnh nghiệt ngã của mùa đông để giảng giải thật tỉ mỉ chi tiết các giáo huấn như: Lời Vàng Thầy Tôi, Giáo huấn Sáu Bardo, Nhập Bồ tát Hạnh trong khoảng 3 tháng cho tới 100 ngày, Việc làm này thỏa mãn khát khao sâu sắc trong con tim của hàng ngàn người và là hạnh bồ tát thanh tịnh. Cũng như thế, với động lực thiện lành tôi tới những miền đất khác truyền dạy giáo lý Phật đà.

Giữ gìn và phát huy truyền thống tri thức lâu đời

Tây Tạng có một nền văn hóa và lịch sử rất giàu có và phong phú có thể làm lợi lạc cho toàn thế giới này. Việc giữ gìn và phát huy truyền thống tri thức lâu đời này là trách nhiệm của các thế hệ tiếp nối. Chúng ta gắn kết với nhau bởi cùng một mục tiêu: bảo tồn và truyền bá nền văn hóa này. Vì vậy tôi đã xây dựng Quỹ Gesar Shepen, Trung tâm Nghiên cứu Mayul và Trường Giáo dục Truyền thống và Hiện đại Tây Tạng. Lời nói thường dễ gây ấn tượng nhưng để thật sự thành công thì vấn đề vẫn là phải có tịnh tài – cơ sở để thực hiện các dự án.

Về bản thân tôi

“Tôi chỉ muốn đi theo tiếng gọi của hạnh bồ tát.”

Tôi không là kẻ thừa kế gia sản từ ông bà cha mẹ; không là thương nhân biết làm đồng vốn sinh sôi nảy nở tới cả chục, trăm lần; không là kẻ đầu cơ chính trị biết bịp chúng dân bằng Pháp Phật trộn lẫn với toan tính thế tục; càng không phải là một kẻ chuyên lợi dụng chức vị cao để trục lợi.

Tôi là một kẻ bị đại dương dậy sóng của vô thường ném tung lên bờ với hai bàn tay trắng, là một hành khất không chút bận tâm tới việc làm giàu. Chính nghiệp của tôi đã khiến tôi trở thành một kẻ hành khất thuộc đại gia đình những người khốn khổ. Những ngân quỹ tôi có không phải tới từ cha mẹ, cũng không do tôi đã lừa gạt được ai. Những gì tôi có được là nhờ những người bạn tốt đã bố thí cho tôi với động cơ thiện lành. Tôi biết rằng thu nhập của họ là kết quả của giọt mồ hôi lao khó và của mớ bòng bong lo toan nghĩ ngợi – mỗi bước đi là bước gian nan, mỗi gánh nặng là gánh cam go khó nhọc. Dễ có ai thờ ơ nổi với những gì đã kiếm được bằng những vất vả lo toan nhường ấy? Vì thế tôi thực sự cảm động sâu sắc khi nghĩ tới những khó nhọc về thể chất cũng như tinh thần mà họ phải chịu đựng để có được những thu nhập ấy.

Tôi không phải là một người hoàn toàn thoát khỏi mọi tham muốn, hoàn toàn dửng dưng với tài sản và của cải. Tôi là kẻ hành khất luôn vui mừng đón nhận bất cứ thứ gì được bố thí. Tôi không phải là một kẻ tham lam chỉ muốn giữ chặt những gì đã tích cóp được. Tôi cũng không phải là một kẻ ích kỉ chỉ biết dùng những gì kiếm được cho riêng mình. Bất cứ thứ gì tôi có được đều trở thành gánh nặng trách nhiệm – tôi phải dùng nó cúng dường hay bố thí. Tôi không nói những điều này để gây ấn tượng tốt hay tự tán thán bản thân. Tôi đang trung thực với chính mình và kề sự thật về chính bản thân mình.

Trách nhiệm của tôi

“Nếu phẩm vật cúng dường của người có tím tâm
bị ai đó phung phí hay biển thủ thì kẻ đó đang tạo ác nghiệp.”

Hiện nay tu viện có tất cả trên bảy trăm vị tăng, ni và hành giả yogi, ba trăm học sinh đang học trong trường, hơn ba trăm người cao tuổi cần phải chu cấp các nhu cầu thiết yếu. Tôi chịu trách nhiệm chăm lo cho họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Càng ngày số lượng tăng ni tới học tại tu viện càng tăng lên. Đặc biệt là số học sinh đến trường học cũng tăng lên. Và có nhiều cư sĩ tại gia gắn kết chặt chẽ với tu viện bởi tâm chí thành chí tín của họ. Tôi phải chính mình trực tiếp chăm lo cho việc tổ chức, giáo dục và phúc lợi của tu viện cũng như tất cả những ai gắn kết với tu viện.

Nếu phẩm vật cúng dường của người có tím tâm bị ai đó phung phí hay biển thủ thì kẻ đó đang tạo ác nghiệp. Trong “Kinh Bách Nghiệp” và nhiều kinh khác đã dạy như thế. Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên của tôi là phải lo sao cho tiền của cúng dường được sử dụng đúng cách mà không bị mất, bị hư hao hay lãng phí. Và, từ tận đáy lòng tôi muốn nói rằng nếu ai đó muốn giúp đỡ cho cộng đồng tu viện (shanga) thì người đó trước hết phải tìm cách báo cho tôi biết.

Các bạn, những người có lòng tin nơi tôi, đã cúng dường tôi với cả tấm lòng nhân hậu. Các bạn là những người có ánh sáng của thiện tâm trong tim và hào quang của tâm từ trong trí. Tôi bảo đảm rằng những người nghèo khổ trong đất nước quê hương tôi luôn biết tới các bạn, biết tới giá trị của món quà các bạn trao tặng. Thấy được nó, nhận được nó và có được lợi lạc từ nó.

Nơi đây, giữa những cơn gió lạnh của cao nguyên tuyết phủ, hơi ấm đầu tiên mà thân tâm chúng tôi cảm nhận được đến từ cha mẹ. Tấm lòng của các bạn là hơi ấm, cũng như vậy, chúng tôi luôn mang trong tim. Những gương mặt rạng rỡ nụ cười và những trái tim dịu dàng của các bạn luôn sáng lấp lánh trong tâm chúng tôi.

—–

Viết bởi Hungkar Dorje ở tại nước Mỹ cho tất cả mọi người cùng đọc.
Ngày 10.11.2012, San Jose.

(Rinpoche viết lúc đang giảng pháp Thiền tụng Kim Cang Tát đỏa ở San Jose trong khi các phiên dịch đang làm việc.)
Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa), 2012.
Hiệu đính 2018.

CHIA SẺ
Tải về
pdf
word