Tiểu sử Đức Tôn Quý Hungkar Dorje demo

Đức Tôn Quý Khyentse Rigdzin Hungkar Dorje là bậc hoá thân chuyển thế của Do Khyentse, Đạo Sư vĩ đại của Tây Tạng, Tổ của dòng Longchen Nyingthig Đại Viên Mãn, Cổ Mật. Ở Tây Tạng, Ngài được tôn vinh là hóa thân của đấng Đại Trí Văn Thù Sư Lợi.

Khyentse Rigdzin Hungkar Dorje Rinpoche sinh năm 1967, tại xứ Golok, Tây Tạng, trong một dòng họ của những Đại Thành Tựu giả. Cả hai bên nội ngoại của Rinpoche  đều là những bậc Đạo sư Phật Giáo vĩ đại, tiếp nối liên tục nhiều thế hệ, từ thời đại Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ tới Đức Liên Hoa Sanh ở Tây Tạng. Ngài đã sớm được các bậc lãnh đạo tâm linh của Tây Tạng như Orgyen Kusum Lingpa, Dodrupchen Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche v. v. và sau này là Đức Đạt Lai Lạt Ma, xác nhận là Hóa Thân chuyển thế của Do Khyentse Yeshe và Jigme Lingpa. Những dòng Hóa Thân Khyentse, như Jamyang Khyentse Wangpo, Khyentse Chokyi Lodro, Dilgo Khyentse v. v. là những bậc Thầy tiên phong trong trì giữ và phát triển truyền thống Cổ Mật trong nhiều thế kỉ qua.

Năm lên chín tuổi Tulku Hungkar lên đường tới tu viện Palyu để nghiên cứu, hành trì giáo pháp Hiển và Mật. Năm 1989, Ngài tới tu viện Drepung, thuộc Gelugpa, theo tiếng gọi thiêng liêng của lời nguyện tiền kiếp: làm một đạo sư Phật Giáo Rime Bất-bộ-phái. Năm 1991, bất chấp những thử thách cực kì khốc liệt, Ngài vượt rặng Himalaya sang Ấn độ. Trong ba năm, Ngài khổ tu tại thánh địa Varanasi, nơi đức Phật lần đầu tiên chuyển bánh xe Pháp.

Năm 1994 tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài được chính thức đăng quang là hóa thân của Do Khyentse (1800-1866) và Jigme Lingpa (1729-1798). Nhân dịp này đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết lời “Cầu Nguyện Trường Thọ Đức Hungkar Dorje Tôn Quý”. Trong lời cầu nguyện này đức Đạt Lai Lạt Ma đã tôn vinh sứ mệnh tiếp nối dòng vàng Lịch Đại Tổ Sư Longchen Nyingthig Đại Viên Mãn của Đức Tôn Quý Hungkar Dorje và đồng thời tiên tri những thành tựu lỗi lạc trong đời này của Ngài.

Năm 2000, Rinpoche chính thức trở thành lãnh đạo tâm linh tối cao thứ 10 của tu viện Lung Ngon. Sứ mệnh này được trao truyền từ thân phụ Ngài, Khai Mật Tạng Đại Pháp Vương Kusum Lingpa. Tu viện Lung Ngon (Chokhor Ling) được thành lập vào thập niên 1820 bởi tiền thân của Rinpoche là Tổ Do Khyentse Yeshe Dorje, với sứ mệnh trì giữ và phát triển dòng pháp Longchen Nyingthig của Dzongchen tối thượng thừa. Từ đó tới nay, bất chấp thăng trầm, sóng gió của thời cuộc, tu viện Lung Ngon vẫn đứng vững nhờ những nỗ lực vô song của dòng vàng chư Đạo Sư dòng Longchen Nyingthig.

Hiện nay tu viện Lung Ngon là một trong những trụ xứ lớn của Phật Giáo Tây Tạng, nơi có gần nghìn tăng, ni, hành giả yogi, học viên học viện Phật Pháp v. v. tu học. Tu viện nổi tiếng với Đại Bảo Tháp Hòa Bình (một trong những Đại Bảo Tháp lớn nhất thế giới), Học viện Phật Pháp Chorig Lobling, Ni viện đầu tiên trong lịch sử Golok, Chùa Samye ở Golok, Cung điện Liên Hoa Quang, Tháp Milarepa, Trường dạy nghề Hungkar Dorje v. v. Mỗi năm hàng chục vạn tăng, ni, Phật tử khắp mọi nơi đổ về đây thọ nhận giáo lí và tu học..

Là hóa thân chuyển thế của Do Khyentse, sứ mệnh của Rinpoche là trì giữ và phát triển truyền thừa Longchen Nyingthig trên cương vị lãnh đạo tâm linh tối cao của tu viện Lung Ngon. Mặt khác, là bậc thầy tiên phong của Rime Bất-bộ-phái, được xiển dương từ thế kỉ thứ 19 bởi các bậc Đạo Sư Cổ Mật vô song, Rinpoche đồng thời nghiên cứu, thực hành và truyền dạy giáo pháp của các truyền thống khác như Gelugpa, Kagyupa. Rinpoche luôn nhắc nhở các đệ tử về nguyên lí Hiển và Mật hợp nhất. Ngài hoằng dương giáo lí của cả hai truyền thống Hiển Giáo và Mật Giáo tại nhiều vùng khác nhau ở Tây Tạng và trên thế giới. Hiện nay, Rinpoche là bậc thầy đi đầu trong việc xiển dương truyền thống Rime Không bộ phái của Phật Giáo Tây Tạng và là nhà tổ chức chính các lễ hội Rime hàng năm tại Golok, quê hương Ngài.

Với đại nguyện hoaằng dương chánh Pháp của chư Như Lai, vì lợi lạc của người tu Phật thời mạt pháp, vì các thế hệ tương lai, Ngài tổ chức sưu tập, dịch thuật, biên tập, in ấn, xuất bản v. v. toàn bộ giáo lí và lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là một dự án lớn với sự tham gia của nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, nhiều vị lãnh đạo thuộc các dòng phái Phật Giáo khác nhau đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ công việc sưu tập các kinh điển đang bị thất lạc.

Rinpoche nói nền văn hóa, lịch sử rất giàu có và phong phú của Tây Tạng có thể làm lợi lạc cho toàn nhân loại. Với bản nguyện bảo tồn và truyền bá nền văn hóa độc nhất vô nhị này, Ngài sáng lập và làm chủ tịch Quỹ Gesar Shepen (một tổ chức từ thiện của Tây Tạng), xây dựng Trung Tâm Nghiên Cứu Mayul, xây dựng Trường Giáo dục Truyền thống và Hiện đại Tây Tạng v. v.

Vào thời xưa ở Golok không có ni viện. Rinpoche nói Ngài không thể hiểu nổi tại sao phụ nữ nói chung và ni sư nói riêng không được tôn trọng[i]. Vì vậy Ngài đã thành lập một ni viện tại tu viện lớn Lung Ngon. Đây là ni viện đầu tiên ở Golog và được đánh rất giá cao, đặc biệt là về phương diện giới luật thanh tịnh. Rinpoche nói các ni sư ở đây rất khiêm tốn, họ giữ giới luật như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Tại ni viện các ni sư có  nhiều thuận duyên để nghiên cứu giáo lý Phật cùng các ngành học khác nhau.

Giáo huấn của Rinpoche luôn lấy tình thương làm cốt tủy. Ngài dạy cần phải từ bi, không chỉ đối với con người mà cả đối với con vật. Ngài cổ vũ việc ăn chay, giáo dục đạo đức không sát sinh, bất bạo động, hòa bình và hòa hợp. Do hoàn cảnh địa lí và văn hóa đặc biệt, trước kia các tu viện Tây Tạng không ăn chay. Nhưng hiện nay ở tu viện Lung Ngon đã có gần 70% tăng ni thực hiện được việc ăn chay. Rinpoche đã chuyển hóa được ngày càng nhiều người dân Tây Tạng, khiến họ từ bỏ săn bắn, buôn bán thịt, súc vật. Nhờ những nỗ lực lớn lao của Ngài một truyền thống phóng sinh tốt đẹp đã được xây dựng.

Rinpoche trong chuyến hoằng Pháp tại Mỹ năm 201x

Năm 2005 Rinpoche bắt đầu truyền dạy Phật Pháp tại đất Mỹ. Từ đó, sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Ngài bắt đầu trải rộng ra nhiều miền đất khác trên thế giới: Mexico, Candada, Úc, Nga v. v. Ở tất cả những nơi này, hàng nghìn người đã may mắn được thọ nhận giáo pháp quý như vàng ròng của dòng Longchen Nyingthig trực tiếp từ Rinpoche.

Đặc biệt, Rinpoche có kết nối duyên nghiệp rất sâu dày với đất nước và con người Việt Nam. Hàng năm, cứ vào tháng 7, tháng 8 khi tu viện Lung Ngon tổ chức những pháp hội lớn như Đại Lễ Hội Cầu Nguyện Shambhala, Quán đỉnh Kalachakra v. v. Phật tử Việt Nam từ trong và ngoài nước hành hương tới tu viện rất đông. Và tất cả đều được Ngài đón tiếp nồng hậu, chăm sóc chu đáo, như người cha đón những đứa con thân yêu trở về nhà.

Rinpoche trong chuyến hoằng Pháp tại Nga năm 201x

Năm 2012 Rinpoche tới Matxcơva, bắt đầu sự nghiệp hoằng Pháp độ sinh ở nước Nga. Năm 2014, hai buổi giảng Pháp của Ngài ở một tu viện Mật Giáo tại Xanh Pê Téc Bua (Lê Nin Grat) đã để lại một ấn tượng khó quên về lòng thành kính khát khao đối với Đạo sư của học trò, và tâm từ bi bao la của bậc Thầy. Có những khoảnh khắc diệu kì đã xảy ra. Dù là Ngài đang đi dạo trên đường phố Nga, hay xem tranh ở viện bảo tàng, lúc nào cũng có người, khi thấy Ngài, bỗng tiến đến cúi xin Ngài ban phước để chữa lành những vết thương trong thân tâm họ, cho dù không hề biết con người trong bộ áo tăng bình dị ấy là ai.

 

Năm 2009, Rinpohe bắt đầu hoằng dương Phật Pháp Tại Việt Nam. Trên một hòn đảo nhỏ, cô tịch ở Nha Trang, nơi mà Rinpoche có kết nối duyên nghiệp rất đặc biệt, Ngài đã viết lời cầu nguyện Phật Mẫu Hồng Tara (Kurukulle). với tựa đề “Xích Lôi Câu”. Và còn nhiều điều kì diệu khác đã xảy ra trong những chuyến hoằng Pháp của Rinpoche ở Việt Nam. Với oai lực của bậc Thầy chứng ngộ Ngài đã giúp nhiều người dân bình thường và những hành giả ẩn tu trong một ngọn núi thiêng ở vùng Bà Rịa Vũng Tàu vượt qua những chướng nạn khủng khiếp. Ở tất cả những nơi Rinpoche tới, mưa pháp của Ngài đã thấm khắp: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Sủi, chùa Báo Ân, chùa Trung Hậu, chùa Phổ Quang, chùa Từ Quang, chùa Lâm Huê, chùa Hạnh Nguyện v. v. Năm 2014, nhận lời mời chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ngài đã tham dự Đại Lễ Vesak 2014. Từ đó tới nay, uy danh của Rinpoche ngày một lớn.

Giáo huấn của Rinpoche luôn hướng tới hòa bình và hòa hợp nhân loại. Rinpoche dạy cần phải tôn trọng không chỉ truyền thống của mình, mà tất cả các truyền thống khác trên thế giới. Và, cũng như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài là tấm gương lớn về tinh thần hòa hợp đối với tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới. Ngài luôn mở rộng tấm lòng với bè bạn bốn phương, không phân biệt văn hóa, tôn giáo, sắc tộc v. v. Trong chuyến hoằng Pháp đầu tiên tại Việt Nam[ii] Ngài viết trong thư gửi đệ tử:

“Nếu hình dung thế giới này như một bức tranh chi tiết, tuyệt đẹp, sống động thì mức độ ta cảm nhận được vẻ đẹp, chất nghệ thuật của bức tranh tới đâu phụ thuộc vào căn tánh của mỗi người. Trên thực tế, tất cả những gì ta gặp trong thế giới này thật ra là muôn vàn hình tướng hóa hiện khác nhau sinh từ mảnh đất nhân duyên của riêng mỗi cá nhân. Vì vậy, nếu bạn đưa ra một quyết định nào đó mà chỉ dựa vào cảm nhận của riêng mình, vào nhân duyên của riêng mình thì sẽ rất khó nhận ra được bản tan tương duyên mà tất cả mọi sinh tồn đều chia sẻ. Vì vậy, chúng ta phải nương tựa vào nhau, tôn trọng lẫn nhau, kiên nhẫn với nhau, tốt bụng với nhau, nói chuyện với nhau bằng cả con tim, cảm thấy thỏai mái cùng nhau, cảm thấy yên vui bên nhau v. v. Điều này sẽ làm cho những gì quý giá, được định hướng đúng đắn, những gì tốt đẹp và chói ngời phẩm chất trí tuệ trong cuộc đời mỗi cá nhân bừng nở, và bạn sẽ trân quý cách cảm nhận [cuộc đời] của người khác. Và bạn sẽ gieo trồng những hạt giống của hạnh phúc và thiện lành.”

Thông điệp về hòa bình và lòng nhân ái là món quà duy nhất mà Rinpoche có để tặng những người bạn của mình, ở bất cứ nơi nào có in dấu bước chân của Ngài[iii].

Soạn bởi Hiếu Thiện (Lotsawa),

Hà nội, ngày 10.8.2015

Chỉnh sửa để đăng trên trang web liebhoaquang.org tháng 8, 2017.

[i] Thư Rinpoche gửi các đệ tử tháng 11, năm 2012.

[ii] Thư Rinpoche gửi các đệ tử tham gia cuộc hành trình xuyên Việt tháng 10, năm 2009.

[iii] Thư Rinpoche gửi các đệ tử tháng 11, năm 2012.

Tải về
word
CHIA SẺ