02
03-2020
Bài toán đầu tư sinh lời bền vững vào bất động sản nghỉ dưỡng năm 2020

Trong khi lựa chọn thị trường bất động sản Hà Nội hay TPHCM được xem là nước cờ đảm bảo cho quỹ tài chính, thì tầm nhìn dài hạn về thị trường Đà Nẵng có đủ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư?

Năm 2019, Đà Nẵng thu hút được 8.830 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 691 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, theo số liệu của Cục Thống Kê Đà Nẵng tính đến ngày 15/12/2019. “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” 2019 của thành phố đã đạt được kết quả ấn tượng.

Đặc biệt, ước tính năm 2019, ngành du lịch – 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn thu hút đầu tư của thành phố – ghi nhận 7.081 nghìn lượt khách lưu trú, tăng 22,2% so với năm 2018, doanh thu đạt 7.355,4 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2018. Báo cáo “Trending Destinations” của Google cũng cho biết, Đà Nẵng đã vượt qua nhiều thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới như Tokyo, Seoul, Dubai, Bangkok… để trở thành Top 1 điểm đến toàn cầu năm 2020.

Những thông tin tích cực nêu trên rất có thể là cơ sở để nhiều người lạc quan rằng, sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng chính là bảo chứng cho khả năng sinh lời vượt trội của các suất đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khi đặt tiềm năng của Đà Nẵng trong phép đối sánh với 2 thành phố sôi động bậc nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM, thì lựa chọn đầu tư vào thị trường này có khiến cho nhà đầu tư băn khoăn?

Năm 2016, Đà Nẵng cũng từng lọt Top 20 thành phố tốt nhất thế giới để đầu tư
bất động sản theo bình chọn của tạp chí Live and Invest Overseas

Biên độ gia tăng giá trị tốt nhất

Một báo cáo về hành vi của nhà đầu tư đối với thị trường Đà Nẵng trong năm 2019 của trang thông tin batdongsan.com.vn cho biết, mức độ tìm kiếm bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng của nhà đầu tư Hà Nội và TPHCM chiếm tỷ lệ vượt trội, lần lượt là 64,5% và 75%. Sự quan tâm của nhà đầu tư từ hai thành phố lớn nhất cả nước là một xu thế được định hình trong nhiều năm qua tại thị trường Đà Nẵng. Thay vì đầu tư vào các dự án ở chính địa phương mình, nhiều nhà đầu tư Hà Nội, TPHCM hẳn có tầm nhìn về biên độ gia tăng giá trị của bất động sản Đà Nẵng.

Đơn cử, nếu như nhà đầu tư bỏ ra 4,9 tỷ đồng để mua một căn hộ 118m2 có view bể bơi tại khu đô thị Vinhomes Times City, Hà Nội, vào năm 2016 thì đến nay chỉ có thể bán ra với giá từ là 3,7-4,7 tỷ đồng, biên độ gia tăng giá trị âm 4-24%. Tương tự, tại khu đô thị Saigon Pearl, TPHCM, giá một căn hộ 138m2, toà Ruby 1, rơi vào khoảng 6,2 tỷ đồng vào năm 2017 đã giảm xuống còn khoảng 5,4-5,8 tỷ đồng khi nhượng lại vào năm 2020, biên độ gia tăng giá trị âm 10-13%. Trong khi đó, nếu vào thời điểm 2015, nhà đầu tư đổ vốn chỉ 1,6-1,8 tỷ đồng cho một căn hộ 90m2 tiêu chuẩn 4 sao tại khu đô thị FPT City, Đà Nẵng, thì đến nay nó đã có giá lên đến 4,2 tỷ đồng, biên độ gia tăng giá trị đạt 133-163%.

Bất động sản Đà Nẵng mang lại lợi nhuận ấn tượng cho nhà đầu tư qua các năm

Giá bất động sản tại Hà Nội và TPHCM luôn ở mức cao do nhu cầu ở thực của cư dân lớn hơn nguồn cung của thị trường. Bên cạnh đó, sự siết chặt về pháp lý, các chính sách giải tỏa đền bù, giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm cũng góp phần đẩy giá bất động sản toàn thành phố lên cao. Tuy nhiên, với mức giá này, biên độ gia tăng giá trị qua các năm tại thị trường Hà Nội, TPHCM lại thường rất thấp do sự xuống cấp của các căn hộ.

Điều này buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc các lợi ích ngắn hạn và dài hạn, hướng đến thị trường mới. Trong tầm nhìn dài hạn, việc đầu tư vào bất động sản Đà Nẵng có thể mang lại một khoảng lợi nhuận khổng lồ. Xét trên mặt bằng giá, bất động sản Đà Nẵng có giá thấp nhất trong ba thành phố lớn và thấp hơn cả Nha Trang. Theo đó, biên độ gia tăng giá trị của bất động sản Đà Nẵng thường ở mức cao nhất, đặt trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch thành phố. Khi giá cả nhiều năm qua vẫn còn thấp, dưới chính sách thông thoáng từ chính quyền Đà Nẵng, nhà đầu tư đã nắm bắt thời cơ mà cắm chốt sở hữu trên nhiều tọa độ bất động sản.

Hiệu năng cho thuê cao nhất

Bethenny Frankel – doanh nhân, tác giả và là một triệu phú bất động sản nổi tiếng tại Mỹ – trả lời kênh CNBC trong một bài phỏng vấn rằng: “Đầu tư vào bất động sản là một ý tưởng tuyệt vời nếu bạn coi đó là một kế hoạch lâu dài, thay vì chỉ là kế hoạch ngắn hạn. Bạn tốt nhất nên đặt cược vào việc đầu tư bất động sản nhà ở, bởi chúng giúp tạo ra thu nhập cho thuê quanh năm. Đảm bảo bạn thông hiểu tất cả các chi phí pháp lý liên quan và chuẩn bị sẵn sàng cho các chi phí bất ngờ“.

Bất động sản nhà ở có thể tạo ra thu nhập quanh năm, và vì vậy, biên độ gia tăng giá trị khi mua vào – bán ra chỉ là một khía cạnh trong sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong tầm nhìn dài hạn, hiệu năng cho thuê là bài toán khiến nhà đầu tư phải cân nhắc nhiều hơn trước khi xuống tiền cho một dự án mà họ sẽ “đặt cược” một lần cho thu nhập nhiều năm.

Theo các báo cáo về thị trường bất động sản năm 2019, công suất cho thuê phòng được ghi nhận mới nhất tại Đà Nẵng đạt 60%, Hà Nội 80% và TPHCM 75,6%. Những con số này có thể khiến bạn lầm tưởng, tuy nhiên, hãy làm một phép thử:

Với gói đầu tư 30 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể mua được một căn biệt thự có diện tích khoảng 150m2 tại khu đô thị Yên Hòa, Hà Nội, thu về mỗi năm khoảng 540 triệu đồng với giá cho thuê 70 triệu đồng/tháng, trừ 20% chi phí vận hành và OTA. Tương tự với cùng gói đầu tư, các chi phí và giá cho thuê hàng tháng, chủ sở hữu căn biệt thự có cùng diện tích tại khu đô thị Saigon Pearl, TPHCM sẽ có được lợi nhuận khoảng 510 triệu đồng/năm. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư đem số vốn 30 tỷ đồng đổ vào thị trường bất động sản Đà Nẵng thì lợi nhuận có thể tăng ấn tượng theo cấp số nhân: mua được 3 căn biệt thự tại khu đô thị One World Regency và thu về hơn 1,2 tỷ đồng/năm.

Dòng bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận theo cấp số nhân

Bên cạnh đó, hiện nay, giá cho thuê bất động sản tại Đà Nẵng đã tăng cao theo tốc độ phát triển của ngành du lịch, vượt qua mặt bằng giá tại Hà Nội và TPHCM. Theo khảo sát trên kênh vietnambooking.com, đối với phân khúc phòng khách sạn 5 sao dành cho 2 người ở, giá cho thuê tại Hà Nội dao động từ 2,9-8,7 triệu đồng/đêm, tại TPHCM 1,9-4,8 triệu đồng/đêm và Đà Nẵng là 3,3-12,7 triệu đồng/đêm. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng vẫn được xem như “con gà đẻ trứng vàng” đối với các nhà đầu tư bền bỉ.

Khu đô thị sinh thái One World Regency – dự án đang được nhà đầu tư săn đón nhiều nhất tại Đà Nẵng

Vượt lên trên mặt bằng chung

Triển vọng từ thị trường bất động sản Đà Nẵng là điều mà giới đầu tư có thể dễ dàng nhìn thấy. Thậm chí, xét về định vị trong tâm trí khách hàng, Đà Nẵng không hề “lép vế” so với Hà Nội hay TPHCM. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn chứa đựng điểm nghẽn có thể làm hạn chế sự phát triển của ngành du lịch và đầu tư bất động sản.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2019 (tính đến ngày 20/12/2019) đạt 38,02 tỷ USD, đầu tư chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 8,3 tỷ USD, TPHCM đứng thứ 2 với 7,0 tỷ USD. Trong khi đó, vốn FDI vào Đà Nẵng chỉ mới đạt 691 triệu USD. Bài toán dành cho Đà Nẵng là, tại sao thị trường này có biên độ gia tăng giá trị tốt hơn, hiệu năng cho thuê cao hơn nhưng lượng đầu tư đổ về lại thấp hơn Hà Nội và TPHCM? Và bằng cách nào Đà Nẵng có thể vượt lên trên mặt bằng chung cả nước?

Thực tế cho thấy, Hà Nội và TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế hai miền của Việt Nam, đóng góp lần lượt 19,37% và 22,27% GDP quốc gia (số liệu năm 2019), là nơi đặt trụ sở văn phòng, khu công nghiệp hay nhà máy của hàng loạt công ty, tập đoàn lớn ở cả trong và ngoài nước. Theo đó, cũng không khó để hình dung rằng 2 thành phố này đang chứng kiến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, giới triệu phú nước ngoài và một lượng lớn người lao động chất lượng đổ về sinh sống và làm việc. Nhu cầu và dòng vốn bất động sản luôn luôn ổn định, gia tăng, khiến cho Hà Nội và TPHCM trở thành các điểm đến đầu tư sinh lời đảm bảo.

Đem sự phát triển của Hà Nội và TPHCM soi chiếu vào Đà Nẵng, thành phố không thể chỉ dựa vào lợi thế du lịch mà cần thiết phải có một cú hích về phát triển kinh tế nội tại. Các chính sách thúc đẩy công nghiệp, triển khai các dự án, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư đã và đang được UBND thành phố chú trọng thực hiện chính là nền tảng để nền kinh tế thành phố bước sang trang mới. Sự phát triển về kinh tế này sẽ giúp Đà Nẵng thu hút nhiều hơn những người thành đạt đổ về sinh sống, làm việc, kết hợp nghỉ dưỡng, từ đó tạo ra dòng vốn mạnh mẽ cho du lịch, bất động sản cùng các ngành kinh tế khác.

Năm 2020 được Đà Nẵng lựa chọn là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”

Đà Nẵng đã có sẵn tiềm năng cùng với con đường phát triển đầy khác biệt và bền vững. Các chính sách mới để phát triển kinh tế vì vậy có thể giúp nhà đầu tư tiếp tục lạc quan rằng, biên độ gia tăng giá trị hay hiệu năng cho thuê hiệu quả tại thị trường Đà Nẵng sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Trong khi đầu tư vào thị trường Hà Nội hay TPHCM được xem là nước cờ đảm bảo cho quỹ tài chính, thì về dài hạn, bất động sản Đà Nẵng hẳn là lựa chọn tối ưu của những nhà đầu tư có tầm nhìn.

Đoàn Dung

BÀI VIẾT TIẾP
A+ A-