27.10.2021

THP 8: Thế nào gọi là Chân thật Phật tử?

(Trả lời đến đạo hữu Nguyễn Cãnh D., Washington, D.C.)

Hỏi :

(trích một đoạn nguyên thơ):
… Ông bà, cha mẹ của tôi trước nay đều là
Glossary LinkPhật tử. Tôi và gia đình cũng thế. Mặc dầu là Phật tử, nhưng thú thật vì sinh kế nên tôi phải ngược xuôi từ nhỏ đến giờ, ít khi có dịp rảnh đến chùa lạy Phật và học hỏi kinh điển, đạo lý…
Gần đây tôi xem một tờ báo nọ, thấy có loan tin về một vị tăng sĩ, tương đối có chức phận và thế lực trong giáo hội, chẳng những hoàn tục, lập gia đình mà còn nói bậy bạ gây tiếng tăm không tốt cho đạo.

 

Tôi buồn và rất giận khi nghe thấy tiếng mỉa mai, chê bai cùng xuyên tạc dẫy đầy ác ý của các người bên ngoài…
“Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi,” không phải vì một người vô hạnh mà làm nhục đến đạo. Tôi muốn trả lời cho họ biết, nhưng giáo lý tôi kém cõi, đạo ít hơn đời, nên tuy rất lấy làm giận mà không hiểu phải nói thế nào cho hả tức…
Xin thầy vì một người Phật tử tối dốt như tôi mà ban cho lời dạy sáng suốt, hầu tâm tôi được lắng dịu phần nào… rất lấy làm mong đợi…
 

Trả lời

Tâm trạng của đạo hữu cũng giống như đa số các Phật tử khác (mà tôi đã được biết và tiếp xúc qua) thôi…..
Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng có nhận một số thơ ở vài nơi (bên Mỹ nầy) hoặc trong quốc nội (Việt nam), hoặc (có đôi khi) từ quốc ngoại (Âu Châu) gởi về thăm hỏi và (tiện dịp) xin được biết ít nhiều ý kiến về chuyện nầy.
Thật ra đây cũng là một chuyện thông thường mà thôi, không đáng chi để quan tâm cho lắm. Nhưng mỗi ngày qua lại nhận được nhiều thư hơn, đa phần đều bày tỏ lên lòng phiền não vì bị các người (bạn) khác đạo mỉa mai, đôi khi bị chúng “hỏi mắc” không trả lời được, hoặc bị các tôn giáo khác (nhân vào đó) xuyên tạc, vv…
Tôi nghĩ, nếu như không nhân đây (thơ của đạo hữu) mà biên soạn lên một thời pháp ngắn, thì e cho chư Phật tử (với công tu hành và sự hàm dưỡng còn nông cạn) không kham nhẫn nổi, hoặc là không tìm ra được chỗ mở mối bi tâm, vv… rồi từ đó mất đi lòng tin tưởng vào nơi mối đạo, dần dần đưa đến các việc không hay khác, như là phế bỏ đường tu, gây tổn hại đến tâm thanh tịnh của chính mình (và bất kính luôn đến cả các hàng xuất gia chân chánh nữa).
Vì thế cho nên hôm nay nhân dịp nầy, trước là trả lời riêng đến cho đạo hữu, sau nữa là chung cho quý Phật tử khác cùng một số các môn đệ gần xa (có lời hỏi đến) được rõ.


Ðể tuần tự phúc đáp lời thơ của đạo hữu, trước hết tôi xin vạch ra đây những sự kém yếu đáng buồn của các hàng Phật tử đời nay, và sau nữa là lược qua về việc thế nào mới đáng được gọi là người con của Phật ‌

Trước tiên, đạo Phật truyền từ Ấn độ sang Trung hoa, kế đến là từ Trung hoa vào Việt nam (cùng với một số các nước Á Châu khác nữa).
Hầu hết dân chúng Á Ðông ta đều tôn thờ và quy hướng theo đạo Phật, phần lớn là nhờ nơi giáo lý cao siêu, có thể giải đáp thỏa mản hết mọi uẩn khúc, nghi ngờ trong đường tu tập, lại nữa cũng có phần xứng hợp được với lòng từ bi, nhân nghĩa cùng những quan niệm hiếu thuận đối với ông bà, cha mẹ, theo truyền thống gia đình của người Ðông phương.
Kể từ đời tổ tiên của ta đến nay, con cháu mỗi đời đều nối theo tông chỉ đạo đức, hiếu thuận đó mà ít nhiều (đốt nhang) lễ kính, cầu nguyện Phật, Trời gia hộ cho đời mình và gia đình được các điều may mắn, yên vui, vv… Do đó nên đạo Phật đã phối hợp được cùng với truyền thống dân tộc và dần dần thâm nhập sâu vào trong tâm tánh của (riêng) người dân Việt. Cho nên có nhiều kẻ, tuy chưa từng bao giờ đến chùa lễ Phật, hoặc thọ tam quy, ngũ giới, học hỏi giáo lý, đọc tụng kinh điển, bố thí, cúng dường, làm các Phật sự,… nhưng vẫn tự xem mình là người Phật tử.
Và, cũng bởi vì không hiểu biết nhiều về Phật pháp, nên mỗi khi gặp các người ngoại đạo (tức là người không cùng một tôn giáo với mình) vấn nạn (về giáo lý), hỏi mắc, vv… cốt ý đả phá, bài bác, thì không đủ lý đạo và lời lẽ để giải đáp. Do vậy cho nên trong tâm sanh ra bực bội, giận tức, bất mãn, thêm vào đó là không chịu tự suy xét lỗi mình (dốt đạo) mà rộng lòng hỷ xả, thứ tha.
Từ đó dần dần kết thành ra tâm oán hờn, nhàm chán, nói Phật, Bồ tát và giáo lý bất minh, phần thêm bị các duyên đời lôi cuốn, cám dỗ, hằng ngày giao thiệp, thân cận theo các tổn hữu (tức là bạn xấu), ác đảng cùng với những người ngoại đạo. Do thế cho nên độc tánh tham, sân, si (lừng lẫy) được dịp nổi lên, mất dần tâm lành, nhiễm theo thói dữ, đưa đến các sự chê bai, bài xích Tam bảo, hủy nhục tôn giáo của mình, gây tạo ra vô số các điều lầm lỗi, sau cùng bỏ hẵn bổn giáo đi mà quy đầu vào nơi tà giáo, ngoại đạo, làm một kẻ oan gia đối đầu trong nhà Phật…
Hầu hết các Phật tử bỏ đạo đời nay (mà chúng ta đã từng nghe thấy) phần lớn đều là bắt nguồn từ nguyên nhân nầy mà sanh ra cả ! Chớ không một ai biết hồi tâm, suy nghĩ lại một cách chính chắn rằng :
  • Các sự hay, dở, hơn, kém, thấp, cao, lỗi lầm chi chi… cũng là đều do ở nơi ta mà ra cả.

Vậy lỗi ấy là lỗi gì ‌

a/- Một là tâm cống cao, ngã mạn :
Như có kẻ ỷ vào học thức, cùng chức vị, danh vọng (cá nhân) ở ngoài đời, rồi sanh ra tánh cuồng ngạo, coi Trời, đất bằng vung, tâm họ luôn nghĩ rằng mình là người tôn quý. Do vậy mà khởi lòng khinh dễ các người khác cho là chẳng được như ta, thậm chí đến xem thường cả Trời, Phật, Thánh thần cùng các bậc chân tăng, cao đức khác …
b/- Hai là không chịu học hỏi giáo lý, kinh kệ:
Do vì có tâm cống cao, ngã mạn và cố chấp ngã nhơn một cách sai lầm như vậy, cho nên họ không chịu hạ mình đến học hỏi đạo lý ở nơi các bậc thiện tri thức cùng quý bậc danh đức cao tăng, hoặc là không (dám tụng) xem kinh điển, sợ mang tiếng và mắc cỡ với các thân hữu, thuộc hạ, e chúng nói rằng mình là người mê tín dị đoan, thân phận cao quý (như vậy) mà lại đi cầu học nơi kẻ thầy tu quê mùa, dốt nát, suốt đời nâu sòng, dưa muối, tương rau nơi am tự… mà nhẹ đi thể diện của chính mình…
c/- Ba là nói đạo Phật cổ hủ, mê tín :
Lại nữa, cũng có các kẻ ỷ mình tài cao, tuổi trẻ, dung sắc đẹp tươi… theo nền khoa học văn minh, tân tiến, rồi sanh tâm khinh dễ, xem thường đạo Phật, cho đó là một tôn giáo mê tín, cổ hủ, quê mùa… chỉ đáng dành cho ông già, bà cả cùng với các người dân quê ít học tu theo mà thôi, nếu thấy người tụng niệm thì cho rằng toàn là lời ê a vô nghĩa, như có lễ lạy thì nói rằng mỏi cổ, đau lưng, sợ chúng cười, bạn chọc… chi bằng nay ta theo “tôn giáo cải cách” cho xứng hợp với trình độ văn minh và học vấn của ta, vả lại nó còn có vẻ rộng rãi, tiện lợi, đỡ gò bó hơn nhiều…
Trên đây là tôi chỉ tóm lược lên vài ba trường hợp điển hình mà thôi, chớ còn nhiều nữa không sao kể ra hết được.


Hỡi ôi ! các việc như thế quả thật là một “đại lỗi lầm”, một sự suy nghĩ cạn cợt đáng rất nên thương xót !

Phải biết :
Từ ngàn xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều lấy cái chơn thật, đạo đức để trang nghiêm cho thân tâm mình cả. Tuyệt chưa từng thấy có vị thánh nhơn nào chạy theo bề ngoài, hay là lấy các thứ danh vọng, quyền lợi, … mà làm trọng bao giờ. Do vì như vậy cho nên danh tiếng thơm lành được truyền tụng mãi mãi về sau, mỗi khi nhắc đến, mọi người ai cũng đều cúi đầu kính phục.

Sách có câu:

“Ðức trọng quỷ thần kinh”

Hoặc như :

“Ðức thắng tài là người quân tử
Tài thắng đức là kẻ tiểu nhơn.”


quỷ thần mà cũng còn phải kính trọng người có đạo đức kia thay. Huống chi chúng ta là hàng phàm phu bạt địa, tội nhiều, chướng nặng mà lại dám xem thường điều “đức hạnh” hay sao ‌

Vả lại, xưa nay chữ “Tài” (tài giỏi) thường hay đưa đến các sự lỗi lầm, nhiều khi gây nên các cảnh thân vong, danh liệt… đó cũng Bởi vì do quá “ỷ tài” nên sanh lòng ngã mạn, cống cao (mà thành ra đến nổi) !.
Chớ chưa từng nghe thấy người có “đức trọng” mà bị tiêu diệt bao giờ.

Nên có câu rằng :

Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
là như vậy.


Hầu hết các người quyền quý, giàu sang, chức phận xưa nay, đa phần đều vướng vào nơi lỗi “trọng tài, khinh đức” đó. Cho nên càng ngày càng bị lún sâu thêm vào trong bùn lầy “danh vọng hão huyền”, của thường tình nhân thế, vì vậy mà mỗi ngày mỗi thêm cách xa mối đạo.

Mấy ai nghĩ rằng :
  • Kẻ tu hành (chơn thật) kia tuy là quê mùa, dốt nát, không quyền quý cao sang, suốt đời chỉ biết ăn toàn dưa muối, tương rau, mặc đồ nâu sòng, bố vải, quanh năm suốt tháng, tụng ê a kệ kinh vô nghĩa (theo họ nghĩ) như thế, mà có ngày được vãng sanh về chín phẩm sen, thành bậc thánh nhơn hầu kề bên Phật, còn họ thì cứ mải phóng tâm ruổi dong nơi các nẻo trần lao như vậy, thử hỏi mai sau khi bỏ thân xác nầy rồi, trong sáu nẻo luân hồi mênh mang vô-tận kia, thần thức biết gởi về đâu ‌
    Cho nên các người chỉ biết tôn thờ chữ “Tài”, cùng với những kẻ chấp theo “ngã nhơn” một cách quá đáng, chuộng danh lợi làm cứu cánh mà bỏ phế nền đạo đức, chạy theo các trần cảnh bên ngoài mà bỏ cái “Tâm chơn thật” ở bên trong, thì kẻ ấy không đáng được gọi là bậc hiền nhơn quân tử và là người có “chân tài” vậy.
    Chữ “quân tử” mà hãy còn chưa được thay, há dám tự nhận mình là người “Phật tử”, tức là con của Phật hay sao ‌

Vậy thì như thế nào mới được gọi là con của Phật ‌

  • Chính là do nơi có lỗi phải biết sám hối.
  • Có tội phải biết dứt trừ.
  • Bỏ các sự dong ruổi nơi tình trần, quay tâm về hướng giác, gieo nhơn lành, dứt điều ác và y theo Phật pháp tu hành.

Nguyện rằng:

  • Nay ta may mắn còn được đôi chút thời gian ngắn ngủi nơi cõi đời nầy, vậy ta phải nên nuôi dưỡng lòng nhân từ, tích chứa nhiều công đức. Ăn chay, niệm Phật, phát nguyện vãng sanh về chốn Tây phương, vv…

Ấy mới thật gọi là chơn Phật tử vậy.


Trên đây, tôi đã sơ lược về việc thế nào gọi là “chơn thật Phật tử” rồi. Mong đạo hữu tạm xem và hiểu qua như vậy.

Giả sử như có người xuyên tạc rằng :
  • Thầy còn phân biệt các loại Phật tử như vậy, là không có lòng bình đẳng…

Tôi cũng sẽ nói cùng với người ấy rằng :

  • Cực chẳng đã nên mới phải bày tỏ ra như vậy mà thôi. Bởi vì trong những năm gần đây, có một số người thuộc các tôn giáo khác dối xưng rằng trước kia họ là Phật tử, hoặc là người xuất gia từ chốn thiền môn mà ra, (hoàn tục) vv… Việc ấy gây nên một sự thắc mắc lớn trong hàng ngũ sơ học Phật tử kém hiểu biết giáo lý và ít có đức tin, cùng tạo nên một vài đề tài châm biếm cho bàng quan, thiên hạ.

Hơn nữa những tín đồ của các tôn giáo ấy lại được dịp cười chê, mai mỉa rằng :

  • Sở dĩ có tình trạng Phật tử bỏ đạo như vậy là vì giáo lý của đạo Phật bất minh, không có nơi quy hướng rõ ràng, hoặc bảo đạo Phật là một tôn giáo mê tín, dị đoan, vv…

Những người dối xưng (Phật tử) như thế thật đã gây tổn thương không ít cho mối đạo của ta. Nên nay nhơn dịp nầy, bất đắc dĩ lắm tôi mới phải ít nhiều biện minh như thế mà thôi.

Hơn nữa
Qua các lời phân giải nêu trên, trong đó tôi cũng có hàm thêm các ý sau đây, đó là :
  • Trước hết vì muốn giảng ra một thời pháp ngắn cho các người học Phật biết rõ thế nào gọi là chơn, giả Phật tử.
  • Sau nữa là hàm ý trấn an đến cho hàng ngũ sơ học Phật tử cùng các môn đệ còn kém cỏi đức tin…

Phải biết rằng :

Người chơn Phật tử đã thọ tam quy, ngũ giới (và có pháp danh), từng học hiểu, nghe giảng kinh pháp và nghiên cứu ít nhiều về giáo lý của đạo Phật ta rồi thì quyết định không bao giờ có tình trạng bỏ đạo như vậy.
Còn nói đến những kẻ bỏ đạo kia (dù cho trước có là Phật tử đi chăng nữa), họ cũng chưa được xứng đáng mang danh xưng là “con của Phật”, mà chỉ được tạm gọi là người có “cảm tình cùng với đạo Phật” qua truyền thống gia đình, ông bà, cha mẹ mà thôi.
Chớ như tôi là người tu hành trong cửa Phật, tâm hằng học hạnh từ bi, lấy sự bình đẳng làm gốc, há có lòng nào phân biệt như thế hay sao ‌

 


Còn việc của vị tăng nhơn kia hoàn tục, đó cũng là một chuyện thông thường trên xả hội mà thôi, chớ đâu có chi đáng gọi là kinh thiên, động địa, vả lại tôn giáo nào mà lại chẳng có xảy ra các sự việc tương tợ như vậy. Cho chí đến các lời mỉa mai, trề nhún từ nơi các người có chủ tâm ác ý phá hoại và xuyên tạc đạo Phật, đâu đáng để cho người học Phật có trí huệ phải bận lòng.

Tại sao ‌
Trước hết tôi xin bày tỏ riêng cùng với đạo hữu, và sau nữa là chung đến cho các Phật tử lời thành thật rằng :
  • Người đời nay, phần nhiều không ai chịu xét đến cái “chỗ bắt đầu”, hay do đâu mà ra cả. Hễ vừa mới thấy có đứa học trò nào ngỗ nghịch thì “giận lây” đến giáo pháp của bậc thánh nhơn. Chớ chẳng bao giờ nghĩ đến câu:
“Nhơn hư, đạo bất hư” cả.
(Tức là người hành đạo hư, chớ chẳng phải đạo hư.)
Nay tôi xin có lời hỏi đến các kẻ xuyên tạc ấy rằng :
a/- Ta há có nên vì sự ngu si, phạm lỗi, dốt nát của kẻ “nho sĩ không ra gì” mà khinh khi hay phiền trách đức Khổng Tử, cho rằng Ngài là một ông thầy lỗi lầm, ngu dốt, hoặc dạy dỗ các hàng môn đệ không được rõ ràng, chân chính hay chăng‌
b/- … Ta có nên vì các việc lỗi lầm, vô hạnh của người “đạo sĩ tu tiên” tà quấy mà chưởi bới đến ông tổ của đạo tiên là đức Lão Tử (Thái thượng lão quân) chăng ‌


………………..

  • Xưa nay, người có trí huệ, biết cùng suy, cạn xét, tâm ý rộng rãi, biết rõ những điều phải, trái, còn không vì cái thân phận của một người hèn mọn mà bỏ đi lời nói hay của nó thay.
  • Huống chi nay lại cố chấp (một cách nông cạn) vào các sự lỗi lầm, dốt nát của kẻ làm học trò mà chưởi mắng đến bậc giáo chủ, hay là khinh rẻ giáo pháp cùng nguyên cả đạo giáo của người ư ‌

Nay tôi xin kể lại một vài chuyện xưa, người trí giả nhơn đây mà ít nhiều nghĩ suy, sáng tỏ:

Nhân một buổi nhàn hạ, vua Ðường thái Tông mới hỏi bề tôi là Hứa kỉnh Tôn rằng :
1/- Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc (bê bối), cớ sao lại bị nhiều tiếng thị phi, chê trách như thế‌
Hứa kỉnh Tôn thưa rằng :
  • Tâu bệ hạ, mưa mùa xuân tầm tả như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được ướt nhuần, lúa mạ tốt tươi.
    Nhưng kẻ bộ hành lại ghét vì đường xá trơn trợt.
  • Trăng mùa thu trong sáng như gương, hàng tao nhân, mặc khách mừng gặp dịp thường du, ngâm vịnh.
    Nhưng bọn đạo tặc lại ghét vì ánh nguyệt quá rõ ràng (khó thể “làm ăn” được).
  • Như trời, đất vô tư mà cơn nắng, mưa, thời tiết, còn bị thế gian trách hận, ghét thương, thì hạ thần đây đâu phải là người toàn vẹn, làm sao tránh khỏi sự chê bai chỉ trích ‌
    Cho nên kẻ ngu ý trộm nghĩ, đối với tiếng khen chê, nên bình tâm suy xét, đừng vội tin nghe.
  • Nếu vua tin nghe thị phi thì tôi bị giết.
  • cha mẹ tin nghe lời thị phi tất con bị hại.
  • Anh em, vợ chồng tin nghe lời thị phi, tất cốt nhục thân thuộc chia lìa.
  • Xóm chòm nghe theo tiếng thị phi tất sẽ đi đến chỗ đoạn tuyệt.
    Miệng lưỡi thị phi thật độc hơn rồng, rắn, bén quá gươm đao, giết người không huyết…

Như Hứa kỉnh Tôn đây, sử sách chê là một đứa gian thần, nhưng dù sao lời nói của ông cũng chí lý, đáng làm gương cho kẻ khác, cùng khuyên nhắc hàng hậu lai. Cho nên câu nói bất hủ đó vẫn được người đời truyền tụng.

2/- Xưa vua Ðường Nghiêu là một bậc thánh vương, được liệt danh vào hàng “Ngũ Ðế” đủ đầy đạo đức, mà sanh ra người con trai tên là Ðơn Châu ngỗ nghịch, bất hiếu, hay đi chơi giởn, dông dài [1], đến nỗi vua Nghiêu phải phế bỏ người con trai của mình đi mà nhường ngôi lại cho vua Thuấn.

Vậy thử hỏi rằng :
  • Có thể vì người Ðơn Châu kia mà đổ lỗi hay trách mắng vua Nghiêu là một vị vua ác đức không ‌
    Hay là mãi mãi về sau mỗi khi nhắc đến tên của vị Ðế vương nầy ai lại không cúi đầu bái phục‌

3/- Còn vua Ngu Thuấn cũng là một vị thánh vương (trong hàng ngũ đế), đầy đủ đức hạnh, ấy vậy mà sanh ra người con trai tên Thương Quân, ngỗ nghịch, nói dạy chẳng nghe lời [2], không tùng theo giáo huấn, đến nỗi vua Thuấn phải phế bỏ con trai mình mà truyền ngôi cho vua Vỏ [3].

Như vậy hỏi rằng:
  • Há có nhơn vì việc người Thương Quân ấy mà quy tội, đổ lỗi cho vua Thuấn không ‌ Ngàn muôn đời sau có ai cười chê vua Thuấn không ‌
    Hay là mỗi khi nhắc đến vị thánh vương nầy, có ai lại là người không sanh lòng kính phục ‌

4/- Lại nữa như có kẻ nào đó uống thuốc sái phép nên bị chết đi, mà thân nhân của họ lại chưởi mắng tổ sư của ngành thuốc là Ngài Thần Nông (vốn là một vị hoàng đế được liệt danh vào trong hàng Tam hoàng) bao giờ không ‌

5/- Lại có kẻ vung lửa nhỏ thành to, trở nên một đám cháy lớn, đốt thiêu hết nhà cửa, của cải, không sao chữa nổi được, rồi lại cả tiếng chưởi mắng, phiền trách bà Hỏa hay không ‌

……………..

Nếu như trả lời rằng : KHÔNG
Thì tại sao lại nhơn nơi việc vị tăng kia hoàn tục, lập gia đình, hay tuyên bố bậy bạ vài ba điều gì đó, lại giận trách và khinh chê đạo Phật, hủy nhục cả giới tu hành ‌

Tôi nói rằng :
  • Các kẻ đó không sợ phạm vào tội “khẩu nghiệp” một chút nào cả ! Ôi, nói cho sướng miệng trong vài ba phút để hả đi cái lòng giận tức, thỏa mãn được tâm thị phi mà không biết là mình đã vô tình gây nên các điều tội lỗi lớn lao :
Tội ấy là tội “Hủy báng Tam bảo” vậy.
Y theo lời dạy trong kinh, ắt kẻ đó phải chịu muôn kiếp, ngàn đời thọ khổ ở nơi địa ngục.
Phải biết câu : “Ai làm nấy chịu,” chớ chưa từng thấy có việc người nầy ăn mặn mà kẻ kia khát nước bao giờ. Người có lòng nhơn đức, tâm rộng lượng, bao dung há vì một người phạm tội, mà Khinh hủy, làm động lây đến cái đạo của bậc đại giác vốn đã có quy cũ từ mấy ngàn năm nay ư‌
Có câu rằng :
“Ðánh trống động chuông
Bứt dây động rừng.”
Ở đây cái nghĩa nầy là sao ‌
Chính là việc :

  • Khinh hủy, chưởi mắng phàm tăng, tức là động lây đến thánh tăng vậy. Người khinh bạc như thế sẽ bị quả báo muôn kiếp, ngàn đời về sau không có thầy dẫn dắt, để chỉ rõ đâu là nẻo chánh, đường chơn. Rốt lại tự mình (vì ngu si) gây tạo nên nhiều điều tội lỗi mà không hay biết. Do đó cho nên phải bị thọ khổ mãi mãi trong ba ác đạo, biết bao giờ thoát ra khỏi được !

Còn đối với người Phật tử chơn thật và biết đạo thì việc đó chỉ nên nghĩ rằng :

  • Ðường tu tâm, lập nguyện của người xuất gia, có hai điều quan trọng :
  • Một là mình thắng nghiệp,
  • Hai là nghiệp thắng mình.

a/- Nếu như mình thắng nghiệp thì con đường giải thoát sẽ rộng mở, lại nữa nhờ do nơi nhứt tâm tu hành, niệm Phật, và tinh tiến hành trì tất có ngày sẽ được cảnh “nghiệp dứt, tình không, chứng thành chánh quả.”

b/- Còn như nghiệp thắng mình, thì việc ấy không cần luận nữa, cũng sẽ phải bị như trường hợp của vị tăng (hoàn tục) kia vậy mà thôi.
Tuy nhiên, người tu học Phật pháp có một điều quan trọng cần phải nhớ rằng :
  • Dù cho người ấy nay đã hoàn tục, hay là gì gì đi chăng nữa, nhưng họ cũng đã có một thời gian tu hành, miệng của người ấy cũng đã từng có một hay nhiều lần niệm Phật, tụng kinh, và cũng từng đã có một thời gian lâu, mau (nào đó) khuyên dạy mọi người làm lành, lánh dữ… rồi.

Như vậy thì dù cho nay họ (vì không thắng nổi nghiệp) mà hoàn tục đi chăng nữa, nhưng xét cho cùng lại thì họ cũng vẫn còn khá hơn các kẻ ác nhơn suốt đời chưa từng biết đến một lần nói lời “phun châu, nhả ngọc,” hay lễ bái tu trì,… khác rất nhiều.
Do vì (và nhờ) nghĩ được như vậy cho nên tâm khoan dung, từ bi, tha thứ liền được phát sanh ra mà rộng lòng hỷ xả vậy.

Sách có câu :
Dung người tức là dung cho mình.
Bởi thế cho nên :
Người quân tử, phải ngó lại lỗi mình, chớ nhìn đến lỗi người.
quân tử là người ngoài đời mà còn hành xử như vậy, há chi ta là con Phật, lại không phát được đại tâm hỷ xả (nhiều hơn) thế nữa hay sao ‌

Cho nên đức Lục tổ có dạy trong kinh “Pháp Bảo Ðàn” rằng :

Người lỗi, ta không lỗi,
Ta lỗi bởi chê khinh.
Chớ nên cười chê và nói rằng người có lỗi mà ta không có lỗi. Chỉ nội ở nơi việc khinh chê lỗi của kẻ khác thôi là tâm của ta đã vướng vào trong điều lỗi lầm rồi vậy.
Trong bài “Vô tướng kệ” Ngài đã có dạy như vầy :
Nếu là bậc chơn tu,
Không thấy lỗi củangười.
Nếu như thấy lỗi người,
Mình chê là kém, dở.
Người quấy, ta đừng quấy,
Ta quấy, bởi chê khinh.
Muốn phá tan phiền não,
Hãy trừ tâm thị phi.
Thương ghét chẳng để lòng,
Nằm thẳng đôi chân ngủ.
Nay tôi xin mượn bài kệ “Vô tướng” nầy mà kết thúc phần giải đáp cho đạo hữu ở nơi đây.

Ðạo hữu hỏi tôi về một “lời sáng suốt”, tôi cũng chẳng biết nói như thế nào mới được gọi là “sáng suốt”, bởi công tu hành của tôi còn rất nông cạn kém dở, tự mình lo cho mình chưa xong thay thì làm sao dám dạy cho người những lời sáng suốt, chỉ xin cố gắng giữ chặt một dạ tu hành.
Còn đến như việc làm một ông thầy dạy đạo, hay có luận nói lên được các điều diệu lý cao xa, vv… thì bất quá cũng tựa như là một người kép hát ở trên sân khấu mang râu, đội mão vào, rồi sau đó mượn lời Phật, ý Tổ trong kinh để bày tỏ lên vậy mà thôi.
Kẻ ngu, ngàn việc cũng dùng được đôi điều, mong đạo hữu (cùng chư Phật tử khác) làm người trí huệ, nếu như có cơ duyên xem đến bài giải đáp nầy – xin nên cạn xét, cùng suy, lấy ý, bỏ lời… Như không cho lời tôi bày tỏ hôm nay – trong bức thơ nầy – là sai quấy, thì xin cùng nhau dẹp bỏ hết các niềm u uất, ghét thương, mở rộng cửa thanh nhàn, để tâm mình tự tại, rồi khuyên nhắc nhau những điều đạo đức tu hành, hầu một ngày kia cùng nắm tay bước lên bờ giải thoát.
Như thế há chẳng là quý hơn sao ‌

Thơ…..
CHƠN TU

Tâm thường thanh tịnh gọi chơn tu,
Sân hận tham si ấy ám u.
hỷ xả từ bi kêu thật hạnh,
Vị tha Bác ái bậc hiền nhu.
Vạn pháp đều không danh thật tướng,
Ngũ uẩn ra ngoài ấy trượng phu.
Nhứt niệm chung thân gìn giữ mãi,
A Di Ðà Phật tức thời thu.
Sa môn THÍCH HẢI QUANG.
(Hải Quang thi tập)



[1] Ðơn Châu : ngỗ nghịch đây, là nói các đức độ, hạnh kiểm của người không bằng cha là vua ÐƯỜNG NGHIÊU, mà thôi, chớ không phải là một người bại hoại theo như thói đời nghĩ vậy đâu.
So với dân chúng thời đó (và cả thời nay nữa) thì người Ðơn Châu nầy cũng là “một bậc nhơn hiền” còn đáng quý trọng hơn nhiều.
[2] Thương Quân ngỗ nghịch…
Cũng như người Ðơn Châu (ở trên) là nếu so sánh với cha mình là vua Ngu Thuấn thì không bằng mà thôi.
Chớ so với các người dân thường khác trong nước thời đó (và cả thời nay nữa) thì Thương Quân lại cũng là một bậc nhơn hiền…
[3] Vua VỎ là vua Hạ Vỏ, một bậc Ðế Vương khai sáng ra triều đại nhà Thương (Trung hoa cổ xưa).

Attachments:
Download this file (hp8.pdf)Thư Học Phật 8
Chia sẻ:

Bình luận