Trả lời đạo hữu Quãng Tánh, Arlington, Virginia :
Phụ một đoạn nguyên thơ :
… Con là một
Phật tử tại gia, bởi bận sinh kế hằng ngày nên ít khi có thời giờ rảnh rang để đến chùa lễ Phật, nghe Pháp. Tuy nhiên con cũng cố gắng tìm ít thời giờ để đôi khi đến chùa lễ bái, đọc kinh cho tấm lòng được thanh tịnh…
Nhưng thanh tịnh đâu thì không thấy mà mỗi khi đến chùa con lại nghe chuyện nầy, chuyện nọ, có khi nghe người nầy nói xấu người kia, người kia nói xấu người nọ, đầy cả lỗ tai, lại thấy những chuyện tranh cãi, giận hờn, mạ lỵ, vu khống lẫn nhau, lòng con lại càng thêm ngán ngẫm, đôi khi thối thất tâm chẳng muốn đến chùa, chẳng muốn gặp ai nữa, vì con nghĩ rằng trên đời nầy không có người lành (?), chi bằng ở nhà niệm Phật, tu tâm mà thôi.
Nhưng lâu lâu rồi nghĩ lại, ở nhà hoài thì không có người thường xuyên nhắc nhở, đạo tâm mình ngày càng lui sụt thêm…
Xin thầy từ bi ban cho con lời chỉ dạy…
Trả lời :
đạo hữu,
Xin gắng nghĩ rộng thêm một chút nữa, chớ nên vì thấy thế mà vội buông lòng chán nản, kết luận rằng trên đời nầy chẳng có người lành !
Phải biết rằng :
Đời nay người lành tuy ít hơn người dữ thật đó, nhưng đâu nên nói rằng không có, chỉ tại vì mình vô duyên chưa gặp mà thôi.
Hơn nữa trên cõi đời nầy tâm tánh của đa phần chúng sanh thì dữ nhiều, lành ít. Vả lại, thời buổi mà ta đang sống hiện tại đây kinh gọi là “mạt pháp”, cho nên ác tâm của sanh loại mỗi ngày càng thêm lừng lẫy, tựa như lửa cháy được chế thêm dầu… do đó mà sanh khởi ra không biết bao nhiêu là tội lỗi, cùng với những sự thị phi, thương ghét, vv… nhiều không xiết kể.
Là người Phật tử biết đạo, ta chỉ nên ngó lại và quán xét tâm tánh của mình, rồi y theo lời Phật dạy mà lập nguyện chân chánh tu hành để xác định cho mình một hướng đi chắc thật. Còn nếu như cứ mãi phóng tâm theo tiếng đời nhạt nồng tẻ lạnh, ắt sẽ sanh ra dạ buồn phiền, ban đầu ít, dần dần sẽ nhiều thêm, kế đó rồi chán nản, thối thất tâm tốt đã phát ban đầu, kết cuộc bỏ dở việc tu hành (đã có) khi trước thì oan uổng lắm vậy !
Nhân loại có nhiều hạng người với những tâm tánh thiện ác, lành dữ khác nhau, nhưng gom lại chỉ có hai hạng chánh sau đây :
Một là hạng người có tín tâm.
Hai là hạng người không có tín tâm.
1/- Y theo lời Phật dạy người có tín tâm thời gọi là lành, người không có tín tâm thời chẳng gọi là lành.
2/- Lại nữa phải nên phân biệt rằng người tín tâm cũng có hai loại, ấy là :
Người đến chùa.
Người chẳng đến chùa.
Người đến chùa thời gọi là lành, người chẳng đến chùa thời chẳng gọi là lành.
3/- Người đến chùa cũng có hai loại, ấy là :
Một là có lễ bái.
Hai là không có lễ bái.
Người có lễ bái thời gọi là lành, người không có lễ bái thời không gọi là lành.
4/- Người có lễ bái cũng có hai loại, ấy là :
Một là hết lòng nghe pháp.
Hai là chẳng hết lòng nghe pháp.
Người hết lòng nghe pháp thời gọi là lành, người chẳng hết lòng nghe pháp thời chẳng gọi là lành.
5/- Người hết lòng nghe pháp cũng có hai loại, ấy là :
Một là suy gẫm ý nghĩa.
Hai là chẳng suy gẫm ý nghĩa.
Người suy gẫm ý nghĩa thời gọi là lành, người không suy gẫm ý nghĩa thời chẳng gọi là lành… vv……..
Trên đây là lời dạy được thuyết ra từ nơi kim khẩu (miệng) của Phật. Là người Phật tử tu học theo Phật pháp, ta há lại không nương vào các phần giáo nầy để suy gẫm hay sao ?
suy gẫm như thế nào ?
suy gẫm rằng :
Ta đi chùa, trước là để lễ Phật để gieo kết duyên lành, sau nữa là học hỏi giáo lý ở nơi các bậc tôn túc trong cửa đạo, cho tâm tánh ta được rộng khai, lòng từ bi ta rộng phát, hạt giống bồ đề sẵn có nơi tự tâm được cơ duyên đâm chồi, nẩy mộng, hầu lợi ích trong bước đường lập hạnh tu chơn, chớ đâu phải đến chùa là để thu thập lấy các điều chán nản.
Phải hiểu rằng, ta tu học đây trước hết là sửa đổi tâm tánh và độ thoát cho ta. Khi ta đã được tự độ rồi thì sau đó ta mới độ cho kẻ khác (độ tha) được.
Tại sao ?
Bởi lẽ nếu công quả của ta chưa tròn, thì làm sao nói đến việc độ người cho được.
Ví như có kẻ thân đang mang bệnh nặng, gần chết đến nơi rồi mà lại nai lưng ra mang vác gánh nặng cho người, lý ưng sao phải.
Cho nên tổ sư có dạy rằng :
… Tu đức, độ mình,
Độ khắp thế nhân…
Và :
Tự độ, độ tha,
Tự giác, giác tha.
Nghĩa là :
(Mình độ và giác mình trước rồi sau đó mới độ và giác cho người) chính là như vậy.
Cho nên phàm những kẻ muốn ra gánh vác việc độ tha, trước hết phải tu bồi chữ Đức. Các bậc thánh hiền xưa nay đều lấy đức để độ người, điều ấy trong kinh sách cũng đã từng dạy như vậy. Cho nên hai chữ “Đức độ” thường đi đôi với nhau là thế (chớ có nghe nói Tài độ bao giờ đâu).
Người biết Phật pháp đừng nên vì :
Hoặc chưa được điều như ý,
Hoặc thấy việc không vừa lòng,
Hoặc chán ngán người đời gian hiểm,
Hoặc thấy chúng sanh phiền não lẫy lừng, vv… mà sanh lòng thối nản, phế bỏ đạo tâm.
Như thế thì đâu phải là người có trí !
Ta tu hành, tụng kinh, niệm Phật đây trước hết hỏi là tu cho ai ?
Chính là tu cho ta chớ nào có phải là tu cho chùa, cho ông thầy, hay cho một ai khác đâu… Do vì hiểu được như vậy rồi, cho nên mặc kẻ thế nhân lành dữ, mặc cho tiếng đời thương ghét, thị phi,… sự tu tâm, lập hạnh của ta, ta cứ một dạ vững bền.
Ấy mới gọi là “không thối chuyển” vậy.
Bằng chẳng như thế, nghĩa là cứ để cho tâm mình cuốn lôi theo duyên đời đưa đẩy, rồi sanh lòng buồn, vui, giận, ghét theo các điều mắt thấy, tai nghe… ắt hẳn sẽ mãi mãi làm một chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử mà thôi, bao giờ mới giải thoát được !
Còn nếu như nói rằng :
“Ở nhà niệm Phật tu tâm, tức là không cần phải có thầy chỉ dẫn…” thì điều ấy rất sai lầm.
Sách có câu rằng :
Không thầy đố mầy làm nên…
đạo hữu há không biết sao !
Nơi chốn trường đời, người dạy dỗ, dắt dìu ta từ lúc vỡ lòng cho đến khi trở thành kẻ hữu dụng trên xã hội, hỏi đó là ai nếu không phải là bậc thầy thế gian ?
Còn trong cửa đạo, nếu không có bậc đạo sư dẫn dắt thì ta làm sao nên được trang hiền đức, làm sao biết được đâu là nẻo chánh chơn, đâu là đường tà quấy ?
Vả lại :
Trên con đường lập tâm tu học, nếu như không có người (minh sư, thiện hữu) thường xuyên nhắc nhở tất nhiên đạo tâm của ta sẽ dần dần phai nhạt.
Có người thường xuyên khuyên nhắc mà ta còn quên và giải đãi (làm biếng) thay, huống chi là không có ư, thử hỏi sẽ như thế nào ?
Lại nữa nơi chốn tư gia, việc nhà bận rộn, con cháu buộc ràng, phần sinh kế hàng ngày chiếm gần hết thời giờ thường nhật… tất nhiên đường tu của ta phải ít nhiều bị ảnh hưởng (hoặc là đình trệ hẵn đi). Phải nên cố gắng dành chút thời giờ, thỉnh thoảng đến chùa lạy Phật, tụng kinh hay tham cầu, học hỏi nơi các hàng tri thức trong cửa đạo để còn được có người bạn tốt (thiện hữu) nhắc khuyên trên đường tu niệm.
Có vậy đạo tâm đã phát mới được vững bền. Bằng chẳng như thế thì sớm muộn chi “nguyện tâm” ban đầu cũng bị thời gian (và nghiệp chướng cản ngăn) làm cho xao lãng.
Phải nên cẩn thận điều nầy, chớ quên.
Thơ….
KHUYẾN TU
cầu giải thoát
Lời khuyên huynh đệ gắng tâm tu,
Rõ bậc hiền nhơn, biết nghịch thù.
Tham, Sân chính thị hai tên giặc,
Si ngốc kia là đứa đại ngu. (1)
Hỷ, Xả, Từ, Bi người thiện hữu, (2)
Trí Huệ thầy hay phá ám u. (3)
Tín, Nguyện, Hạnh nhuần Tam Thánh rước, (4)
Sanh về An Dưỡng đắc thiên thu. (5)
Bồ Tát giới BẢO ĐĂNG.
(Cảm đề)
________________________________________________
(1)- Tham, Sân, Si : là ba “món độc” nhất mà người tu rất cần phải nên tránh.
(2)- Hỷ, xả, từ bi : là 4 pháp từ bi (tứ vô lượng tâm) của Bồ Tát và Phật mà người tu rất cần phải nên tu tập.
(3)- Trí Huệ : là mẹ của tất cả các bậc giải thoát thánh nhơn, mà người tu rất cần phải nên học, hiểu và tìm cầu.
(4)- Tín, hạnh, nguyện : là ba điều cốt yếu nhất của Tịnh tông, mà người tu Tịnh độ cần phải hội đủ không được thiếu sót.
– Tam Thánh : là Phật A DI ĐÀ, QUÁN THẾ ÂM Bồ Tát và ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát. Đây là 3 vị giáo chủ của cõi Cực lạc.
(5)- An Dưỡng : là một trong nhiều tên khác nhau của cõi Cực lạc.
Bình luận