Phúc đáp thơ của đạo hữu Nguyễn Thị Quế Trâm và gia đình…
đạo hữu gởi thơ đến thăm và bày tỏ nỗi khổ của gia đình. Xin tóm lược ít phần chánh yếu sau đây :
“… Mẹ vì sầu khổ và quẫn trí nên đã tự trầm sau ba ngày thuyền lênh đênh trên biển cả (di tản 1975)… Sau khi đến nơi định cư, cha quá bi thương và phẫn uất nên sanh bệnh thác loạn thần kinh, khi mê, khi tỉnh… Con và các em còn thơ dại, chỉ biết khóc và cầu nguyện…
Xin được nương vào lời an ủi và dạy bảo của bậc từ bi để vơi bớt đi phần nào khổ hận, đau buồn…”
Nhân dịp nầy, tôi xin gởi đến đạo hữu đây đôi lời khuyên nhắc.
Tuy nói là nhắc riêng cho một gia đình, nhưng trong đây tôi cũng có hàm ý nhắn chung đến cho thế nhân vốn đã bị quá nhiều đau khổ, căm hờn, nhất là những ai vẫn còn đang ưu sầu, quẩn trí khi nhớ về thân thế, dĩ vãng cùng với những thời gian vàng son, rực rỡ khi xưa…
Nam mô A Di Đà
Phật,
Quang âm thấm thoát, mùa tiết lần lượt sau trước đổi dời, thời gian vốn luôn chuyển biến âm thầm không một phút giây nào ngừng nghỉ cả!
Ôi ! đó có phải chăng là tạo vật đã hiện ra cái tướng lưỡi dài rộng [1], diễn nói pháp mầu, thuyết dạy cho chúng sanh thấy biết rõ kiếp người vô thường, vinh hoa giả tạm, qua những diễn biến đổi dời, để cho mọi người thức tỉnh, hầu mau tìm đường về nơi giải thoát để khỏi bị trầm luân mãi mãi trong vòng sanh tử đó chăng ?
Thoát đấy mà đã sáu năm qua rồi, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, không những tuyết sương đã bao lần thay đổi, mà vận nước hiện thời cũng hoàn toàn khác hẳn khi xưa.
Cảnh đời như thế, ai chẳng sanh lòng ngậm ngùi, thương cảm ?
Trong kinh Pháp Hoa, Phật có dạy rằng :
“… Ba cõi không an [2], dường như nhà lửa, sự khổ dẫy đầy, đáng nên sợ hải…”
Đoạn kinh nầy có ý nói rằng :
- chúng sanh trong ba cõi nói chung và riêng cho cõi Ta Bà nầy, luôn luôn bị những sự khổ não, muộn phiền bức bách. Sống chen chúc nhau trong đó, như ở giữa một căn nhà đang bốc cháy, dẫy đầy nhiều sự hiểm họa, chẳng biết còn mất lúc nào. Ấy thế mà mọi người chẳng biết, chẳng hay, cứ mãi nhởn nhơ vui thú !…
Dù vậy, nhưng đôi khi các cảnh ngộ hoặc đau buồn hay thống khổ xảy đến cho đời người, cũng có thể làm cho người có trí, nhân nơi đó mà thức tỉnh được rằng :
- Muôn vật ở đời vốn không bền vững.
Chung quy cũng nằm vào trong bốn lẽ : Thành, Trụ, Hoại, Không mà thôi. Hễ có sanh ra, tức nhiên là phải trụ nơi đời một thời gian nào đó, kế đến bị hư hoại đi và kết cuộc quy về nơi cát bụi…
Do thức ngộ được như vậy rồi, ta mới thấy hai chữ vô thường mà Phật đã từng tuyên dạy trong kinh là đúng. Bao nhiêu công danh, phú quý vừa rồi – (của gia đình đạo hữu) – khác nào một giấc mơ hoa !
Phàm làm một người có trí huệ, biết quyền biến, khéo tùy duyên, an phận mà nhẫn chịu thì thử hỏi :
Các cảnh họa, nghịch, khổ não nào (dù cho thế mấy đi chăng nữa) lại không chuyển thành được thuận, vui ư ?
Cổ đức đã có dạy rằng : “Người quân tử nên thường vui theo số phần, an theo duyên phận.”
Do vì biết được như vậy, nên các bậc hiền ấy không oán trách trời, người. Dù gặp cảnh ngộ buồn rầu, đau xót đến đâu đi nữa, tâm của họ cũng vẫn bình thản, an nhàn.
Thánh nhơn dạy :
“Giàu thì an theo giàu
Nghèo thì an theo nghèo
Hoạn nạn thì an theo Hoạn nạn…”
Nghĩa là sao ?
Chính là biết “an phận, tùy duyên” đó vậy.
Nay như đạo hữu đây, kiếp trước ắt hẳn cũng đã có gieo trồng ít nhiều nhơn lành, nên đời nầy được chữ “công danh”. Nhưng hiện kiếp đây, vì bấy lâu nay không thường xuyên gần gủi nơi người tri thức, hay được minh sư, thiện hữu chỉ dạy, cho nên chưa hiểu rõ các điều “diệu lý” trong đạo Phật của ta. Vì thế mà mới bị một phen lâm vào trong nghịch cảnh, lòng đã hốt hoảng, bối rối, kinh cuồng… kết thành ra tâm bệnh.
Nay tôi xin có đôi lời phân tỏ. Chẳng rõ người quân tử có chịu ít nhiều xem đến để cùng suy, cạn xét cho chăng ?
Thưa đạo hữu, như trong đời, thì rộng dài, cao sáng, không chi hơn trời, đất và hai vầng nhật, nguyệt. Nhưng, mặt trời kia đứng bóng rồi cũng xế, trăng nọ đầy rồi cũng lại vơi, cho đến các cảnh đồi cao đổi thành vực thẳm, biển cả lại hóa nương dâu… Điều đó chắc đạo hữu cũng đã từng thấy, nghe, hoặc học biết rồi thì phải ?
Thế nên cuộc đời xưa nay vẫn vậy. Thạnh, suy, thay đổi là lẽ thường. Có bao giờ và có việc gì bền vững mãi đâu.
Trước hết tôi xin được bày tỏ cùng với đạo hữu điều nầy :
a/- Như ngài Khổng Tử kia, đạo đức mấy ai hơn, sở học có thể gọi là gồm thâu thiên hạ. Ấy vậy mà Ngài còn bị vây khổn nơi đất Khuôn, gần chết đói ở nước Trần, đem sự hiểu biết của mình châu du khắp thiên hạ với tâm niệm muốn dạy dỗ, nhắc khuyên mọi người tu đức cho tròn nhơn đạo…
Kết cuộc cũng không được gì !!
Chỉ có một người con trai, nhưng lại bị đoản mệnh (chết sớm) vào lúc 50 tuổi, may mà còn có được mấy đứa cháu tự thừa hương hỏa, nối dõi tông đường.
b/- Các bậc hiền kế nữa như :
-
- Thầy Nhiễm bá Ngưu, thầy Nhan Uyên thì mạng vắn.
- Thầy Tử Hạ, thầy Tả kỳ Minh lại bị sống trong cảnh mù lòa.
- Thầy Khuất Nguyên chết đuối.
- Thầy Tử Lộ bị chém nát cả thây thi…
Các người tôi vừa kể trên đó, được thiên hạ tôn xưng là bậc đại hiền, ấy thế mà cũng không sao thoát khỏi nghịch cảnh, Hoạn nạn…
Nhưng sở dĩ họ vẫn an vui nhẫn chịu, ấy là vì họ biết tùy theo số mệnh mà thôi.
Vừa thoạt thấy, nghe các điều ấy, ta nghĩ tựa hồ như là vô
phước. Nhưng trăm, ngàn năm về sau, những gương đạo đức của các Ngài, thử hỏi ai không sanh lòng kính ngưỡng ư ?
Vậy thì hỏi đó là họa hay phước ?
Trong cuộc sống của mình, con người thường ưa suy tính nhiều điều, làm đủ mọi việc, Chung quy xét cho kỹ lại thì cũng chẳng qua vì vấn đề ăn, mặc và để lại một sự nghiệp cho con cháu về sau mà thôi.
Nhưng :
- Nếu nói ăn thì cơm hẩm, canh rau cũng có thể qua được bữa đói lòng, đâu cần chi phải hải vị, sơn hào hay khô lân, chả phụng ?
- Còn về mặc, há vải bố thô xấu tầm thường không che được thân ư, lựa chi phải (bắt buộc) có lụa là, nhung gấm?
Tổ sư dạy rằng :
Lều cỏ che gió sương.
Người đời ai biết được,
Phiền não chẳng còn vương…
Thử hỏi :
- Giữa cơm hẩm, canh rau với trân hào, hải vị, một khi đã ăn qua khỏi cổ rồi, như có người hỏi rằng cảm giác giữa hai cái ấy nó khác nhau thế nào ?
Tất nhiên ta sẽ trả lời ngay không do dự rằng :
- Cũng giống như nhau mà thôi, đâu có chi khác lạ.
Sách có câu :
Ẩm thực ư nhơn nhựt nguyệt trường,
Tinh, thô tùy phận tắc cơ, thương.
Tài qua tam thốn thành hà vật,
Bất dụng tư tâm tế giảo lường ?
Nghĩa là :
Ăn uống đời người ngày tháng dài,
Dở, ngon tùy phận miễn no thôi.
Hỏi trôi qua cổ thành chi đó,
Chẳng để lòng ta xét thử coi ?
Còn về nhà ở ư ?
- Hỏi một mái nhà tầm thường không che được mưa nắng sao ? Hay bắt buộc cần phải có nhà cao, cửa rộng mới đủ che sương, tuyết ? Vả lại một căn nhà lớn, tất nhiên phí tổn phải nhiều, vì cần luôn tu bổ, nếu không nó xập đổ, tất gây tai họa vô cùng.
Cho nên phải biết :
- Cửa rộng, nhà cao cũng chưa phải là cứu cánh an vui cho cuộc sống.
Còn như nói rằng :
- Lo tính toán, làm lụng để dành sự nghiệp về sau cho con cháu hưởng.
Ôi ! ta nói :
Điều ấy lại càng sai lầm nhiều hơn nữa.
Vì sao thế ?
Bởi con cháu, mỗi đứa đều tự có phước, phần riêng của nó. Há phải là chỉ biết hoàn toàn tùy thuộc vào nơi phần phước của ông bà, cha mẹ hết cả hay sao ? Hơn nữa, nếu như muốn sống cho đoạn tháng, qua ngày, thì những thứ nghề nghiệp thông thường như là làm ruộng, bán buôn, vv… đều có thể tự nuôi sống được cả.
Lựa là cần phải giàu sang trăm vạn mới được hay sao ?
Vả lại xưa nay, những kẻ vì con cháu, mưu cuộc vinh hiển muôn đời, đâu có ai bằng vua Tần Thủy Hoàng ?
Vị bạo chúa [3] nầy, sau khi dẹp trừ xong sáu nước [4] e cho dân chúng sẽ làm loạn nên ra lịnh thâu góp hết tất cả vũ khí trong thiên hạ để đúc tượng, đúc chuông. Lại thêm e ngại rằng các hàng sĩ phu, trí thức khôn ngoan có thể lật đổ mình nên ra lịnh đốt sách, chôn học trò… Ý muốn làm cho dân bị ngu và yếu đi đặng không thể nào quật khởi lên được.
Vậy mà vẫn còn chưa thỏa ý (tham), vua ấy lại cho người vượt biển tìm thuốc trường sanh uống vào để được sống lâu. Muốn cho cơ nghiệp của mình bền vững hoài hoài nên đặt hiệu nước là “Thủy Hoàng Nhứt Thế”… ý nói rằng sẽ còn có thêm nhị thế, tam thế, tứ thế… (một đời, hai đời, ba đời, bốn đời…) cho đến vạn thế nữa….
Nào dè đâu khi người Trần Thiệp đứng lên, anh hùng thiên hạ trong toàn quốc đồng nhau quật khởi, thì cái vương nghiệp toan tính muôn đời kia, chỉ mới được vỏn vẹn có 13 năm thôi phải hoàn toàn đổ vở. Con cháu cũng bị tru diệt đi.
Ấy là muốn cho dòng họ hiển vinh, nào ngờ đâu đem con cháu của mình vào vòng tuyệt diệt.
Lại nữa, trong thời Hớn mạt, Tào Tháo dựa vào chức vị Thừa tướng, lấn ép vua Hiến Đế, nắm hết mọi quyền hành, ý cũng muốn cầu cho họ Tào của mình mãi mãi làm chúa trong nước… Nào ngờ đâu khi vừa mới chết, thi hài chưa kịp liệm, thì con ruột là Tào Phi soán nghịch, bắt tẩn thiếp, quý phi của cha làm vợ mình. Kế đến xảy ra các cảnh huynh đệ “tương tàn cốt nhục”…
Tào Tháo chết rồi phải bị đọa vào địa ngục. Hơn 1400 năm sau, đến đời vua Càn Long triều nhà Thanh, có một người đồ tể giết heo, khi mổ bụng ra thấy trên lá phổi của một con heo có đề hai chữ Tào Tháo rõ ràng. Người nầy vô cùng kinh hãi, vứt dao, vào chùa quy y, niệm Phật tu hành, đặt pháp danh là Phật An, sau lâm chung được vãng sanh về cõi Phật.
Việc nầy có ghi lại trong quyển sách “Tịnh độ Thánh Hiền Lục” truyện ký đàng hoàng. Há phải là chuyện mơ hồ đâu.
Còn về sự nghiệp, thì hãy xem vất vả nhọc nhằn, lao phí tâm cơ như Tào Tháo đó. Hỏi được bao lâu ? Bất quá chỉ trong vòng 45 năm mà thôi, rồi cũng tan tành như bọt nước. Vả lại đang lúc còn đương quyền, y ta cùng với Lưu Bị, Tôn Quyền (Tam quốc) đánh nhau suốt đời, đâu có mấy lúc được an nhàn !
… Còn biết bao nhiêu là những gương khác nữa. Nếu kể ra đây hoài ắt dài ngoài ngàn trang giấy.
Thử suy nghĩ lại :
- Bậc vua chúa của các triều vương bá đó, ý họ muốn toan tính điều chi ?
- Ban sơ là họ muốn sung sướng cho bản thân, kế đến là đem lại vinh hoa cho tông tộc, lâu dài cho cháu, con… Song sự thật lại rất não lòng, ấy là đem con cháu vào trong nạn tiệt diệt [5], giòng họ phải tiêu tan bởi vì :
“Được làm vua, thua làm giặc.”
đạo hữu nên suy nghĩ :
Giàu sang như vua chúa, oai trấn khắp nơi nơi, mà cũng còn chưa thể bảo đảm cho con cháu, hàng họ được hưởng phước lâu dài. Huống chi nay (chúng ta và) đạo hữu đây chỉ là các kẻ tầm thường, từ nhiều kiếp nhẫn lại cho đến nay, nghiệp ác gây tạo nhiều hơn nước biển, còn hạnh lành đã có thì nhỏ nhít chẳng khác mảy lông. Mạng sống mong manh như kiếp phù du, mà lại muốn cho nhà cửa mãi mãi hưng thạnh, sự nghiệp lâu dài, luôn hưởng phước giàu sang, không bị tai họa ư ?
Phải biết :
Vạn vật ở trên đời nếu đã có mang cái tướng hữu vi [6] tất phải có ngày bị hoại diệt. Đời người cũng thế, tuy nói trăm năm, nhưng mau như ánh chớp, thoáng tựa sương tan, như hoa hiện trong gương, trăng lồng đáy nước, hơi thở mong manh… nào có lâu bền !
Sao há không suy nghĩ ?
Trong kinh Phật có dạy rằng :
“… Khi sanh ra đã không mang theo một đồng, nên khi chết rồi cũng chẳng cầm theo một chữ. Suốt đời làm lụng, khổ thân tích chứa của cải, rốt cuộc vô ích cho bản thân mình (trước cái sanh, già, bệnh, chết). Sau khi chết đi, của cải ấy liền trở qua tay của người khác một cách phủ phàng !
Lúc ấy, không có một chút phước lành nào để cho thần thức nương cậy về kiếp xa sau. Cho nên phải đọa ngay vào trong ác đạo [7]…”
Có kệ rằng :
Nhứt nhựt vô thường đáo,
Phương tri mộng lý nhơn.
Vạn ban tương bất khứ,
Duy hữu nghiệp tùy thân…
Nghĩa là :
Ngày kia vô thường đến,
Mới biết mình trong mơ.
Muôn việc đều bỏ lại,
Chỉ có nghiệp theo mình…
Cái nghiệp được nói đây chính là hai cái Tội, Phước mà ta đã gây tạo lúc còn sanh tiền vậy. Chừng đó (khi chết) dù có ăn năn, hối hận (thế mấy đi nữa) e cho cũng quá muộn màng !!!
Xin hỏi : Điều chi còn mãi mãi và đáng để cho người thế gian chúng ta (cần phải) nắm giữ?
Xin nói mau rằng :
Chỉ có một cái “niệm tâm” của Ta (tức là Phật tánh) vẫn thường còn, không mất. Chẳng những từ thuở quá khứ, mà cả cho đến hiện tại và cùng tận kiếp vị lai nữa. Cái “niệm tâm” ấy, chẳng những đã không bao giờ mất mà nó lại còn tùy thuận theo khắp muôn duyên.
Chẳng hạn như :
- Nếu thuận theo duyên lành tu tập, ắt có thể trở thành thần, thánh, tiên, Phật…
- Nhằm vào chỗ ác duyên, ác hạnh tất phải bị rớt xuống chốn tam đồ [8], hay sanh ra bị các cảnh lông mang, sừng đội (làm súc vật)…
Trong số Chánh đạo thứ 3, tôi cũng đã có nói rằng :
- Nếu như cứ sống mãi trong cảnh thanh nhàn, như ý, không bị đời dằn vặt, lại chẳng bị vướng ít nhiều sự khổ não, ưu phiền, tất tâm sẽ sanh ra các niệm khinh mạn, kiêu sa… Từ đó mà kết thành vô số tội lỗi…
Chắc đạo hữu không quên ?
Hơn nữa trong quyển “Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội Luận”, Phật cũng đã có dạy rằng :
“Ở đời đừng cầu không Hoạn nạn, vì không Hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.”
Người trí giả thì nhân do nơi Hoạn nạn, mới thức tỉnh được giấc mê dài danh, lợi… và chiêm nghiệm lại lời Phật dạy (là đúng). Do đó mà phát tâm tin tưởng, niệm Phật tu hành, nguyện cầu giải thoát về sau. Chừng ấy (khi lâm chung) sẽ được nương nhờ vào nơi Phật lực [9] đới nghiệp vãng sanh, một phen liền vượt khỏi luân hồi, bước lên cảnh thánh, không còn lo bị thối chuyển [10] ở tương lai nữa.
Đó có phải là nhân nơi họa mà được phước hay không ?
Đường lối thoát ra là thế, sao đạo hữu lại quá bối rối, mơ màng, như ngây, như dại, như mộng, như mê… Thảng như buồn rầu quá độ đến nỗi hủy thân mệnh mình như cô bạn đời của đạo hữu ! Làm bậc cha, mẹ sao chẳng nghĩ lại mà tội nghiệp cho con thơ khờ dại, khóc kể tiếc thương, gia đình sầu thảm !
Như thế có phải chăng là đạo hữu trước tự hại lấy mình, kế nữa làm tổn lây đến cho gia đình và các con ư ? Sao mà tối tăm đến thế ?
đạo hữu nguyên là một sĩ quan cấp tá, có thể được gọi là một người học vấn, công danh, tất phải biết câu rằng :
“Bậc trượng phu chí ở bốn phương. Vượt khỏi thường tình, chớ đâu lại hạn hẹp trong khung cửa nhỏ.”
Vậy xin đừng để cho ngoại vật [11] làm lụy đến thân. Giả sử nhà rộng, cửa cao, đầy kho vàng ngọc, khi giặc dữ đến cướp, còn phải bỏ của mà chạy để bảo vệ lấy thân thay, chớ ai lại dại gì ôm của chờ chết ! Bởi vì vàng ngọc tuy quí, nhưng sánh với mạng người hãy còn thua kém rất xa.
Trong kinh Tâm Địa Quán, Phật có dạy rằng:
“… Trong các trân bảo, mạng bảo là hơn, nếu mạng mình còn, là vô giá bảo…”
Ngoài đời cũng có câu rằng :
“Lấy của che thân, chớ ai lại lấy thân che của.”
Hoặc:
“Còn da lông mọc, còn chồi lên cây.”
Chỉ mong sao cho thân mạng nầy được sống còn, thì lo chi không có ngày gầy dựng nên cơ nghiệp lại ?
Nay đang trong thời buổi chiến chinh, kiếp đao binh dấy loạn. Khắp nơi trong nước nói riêng – (và cả thế giới nói chung) – các cảnh quốc phá, gia vong, nhà tan, cửa nát, đã gây tạo nên biết bao nhiêu thảm trạng đau buồn. Sự thống khổ về sau ắt sẽ còn nhiều, không sao kể xiết. Chẳng những tại quê hương Việt Nam ta như thế, mà phóng tầm mắt nhìn chung khắp cả mọi nơi, cuộc chiến tranh chỗ nầy, chỗ nọ… vẫn còn thạnh mãi chưa thôi, chẳng biết bao giờ mới ngưng dứt được !
Hỏi như thế là do đâu ?
Theo lời Phật dạy :
“Ấy là do nghiệp ác của chúng sanh chiêu cảm nên vậy.”
Tôi e rằng từ đây trở về sau, mỗi ngày sanh loại sẽ còn phải chịu thêm nhiều điều thống khổ hơn nữa. Kiếp đao binh, khói lửa trên thế giới sẽ còn tiếp nối lâu dài, và nỗi khổ ấy càng nghĩ đến càng thêm kinh sợ.
Kinh nói :
Nhứt thiết chúng sanh vô sát nghiệp,
Hà thời thế giới động đao binh ?
Tạm dịch :
Tất cả chúng sanh không nghiệp sát,
Làm sao thế giới có đao binh ?
Hoặc :
Muốn hay binh lửa thế nào ?
Hãy nghe quán thịt tiếng gào thâu đêm.
Ôi ! chúng sanh cứ mãi gây nên nghiệp giết hại hoài hoài, thì làm sao dứt chiến tranh cho được ?!
Mong người quân tử nên cạn xét, cùng suy, dẹp bớt nỗi ưu sầu, nương về nơi diệu lý, trước cho tâm tỉnh, thần an, sau phát lòng Bồ đề tu tập, nguyện mãn một báo thân nầy [12] cho đến cùng tận kiếp vị lai, sẽ được mãi mãi nương kề bên Phật.
Kìa giọt nước cành dương, đức Quán Thế Âm Bồ tát lúc nào cũng duỗi cánh tay vàng, xót thương, cứu độ. (Mà chúng sanh có hay biết hay không ?)
Kinh nói :
“Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.”
Bồ tát vì sợ quả ác về sau, cho nên tránh gieo ác nhân trong hiện tại. Còn chúng sanh (chúng ta) vì ngu mê che mờ tâm tánh nên tranh nhau gây tạo lấy ác nhân, vì thế mà phải bị nhận lấy ác quả. Trong khi chịu quả, lại không biết ăn năn, sám hối, nên chẳng những sanh tâm oán trách trời, người, mà lại còn gây tạo thêm nhiều điều ác độc khác nữa để chống đối [13]. Vì thế cho nên “oan oan tương báo” mãi mãi không cùng !
Nghĩ đáng thương mà cũng đáng sợ !
Tôi là một kẻ tu hành, quê mùa, chân thật, chẳng biết nói gì hơn. Trước nương theo ý của Tổ sư, sau nữa vì đạo hữu và gia đình đã biên thơ hỏi đến nên cố gắng soạn lên đây đôi lời bày tỏ với tấm lòng xót thương, quý mến lẫn nhau (dù chưa một lần tương ngộ). Ý thì muốn nói rất nhiều nhưng lời văn lại không biết sắp xếp làm sao cho phải, chỉ xin sở cứ vào một “tấm lòng” chân thật mà bày tỏ vậy thôi.
Mong đạo hữu chớ coi tôi như một kẻ ngoài vòng mà phụ lời tâm huyết.
Được vậy, chắc có lẽ một ngày nào đó ắt cũng sẽ gặp cảnh “vẹt mây mù lộ vẻ trời trong.” Nơi tai ương, Hoạn nạn mà tìm ra chân hạnh phúc và đổi được cơn nóng bức thành ra mát mẻ, thanh lương [14].
Bằng như cứ chấp mãi vào nơi mê muội, thì tấm lòng lân mẫn [15] của tôi đây chẳng cần nói đến làm chi, chỉ e cho đạo hữu trước là tự phụ lấy mình, sau nữa là phụ lấy vong linh của người bạn đời quá cố, mà lại còn gây thêm niềm sầu lụy cho các con thơ…
Chừng ấy, cái chứng bệnh “mơ mơ, màng màng” kia chẳng những đã không hết, mà tà ma, quỷ mị sẽ nhân đó dựa nhập vào. Lúc ấy, sợ rằng tôi cũng phải chịu bó tay nhìn, mà cả đến các bậc chân tăng, hiền thánh cũng không thể nào cứu vớt được nữa.
Nay tôi xin mượn ý người xưa nhắc đến đạo hữu lời rằng :
Thảng như mình phụ lấy mình,
Trách sao “Phiền não” vô tình chẳng buông.
Và lúc đó thì :
Ngàn Phật tuy thương khôn cứu vớt,
Trần sa kiếp đọa khổ muôn phần…
Xin thành kính gởi đến đạo hữu và bửu quyến các lời mến thương, bảo trọng.
[1]- Tướng lưỡi rộng dài : Ý nói dùng hết sức biện tài, nghị luận của mình để nói ra một điều gì đó cho người hiểu mà thức tỉnh.
Đây ý nói : Người có trí huệ thấy cứ mỗi ngày, tháng, năm… lần lượt trôi qua, thân thể cùng đời mình cũng theo đó mà suy hao, tàn tạ… biết thức tỉnh trước “giấc mộng vô thường” thiên nhiên SANH, TRỤ, DỊ, DIỆT…của tạo hóa.
[2]- Ba cõi không an : Ba cõi : là trời Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới (còn gọi là cõi Hạ giới, Trung giới, và Thượng giới). chúng sanh chúng ta đây thuộc về Dục giới. Trong ba cõi nầy dẫy đầy các sự khổ não, chẳng phải thanh tịnh vô phiền như cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà đâu (Tịnh là yên tịnh, độ là cõi nước).
[4]- Sáu nước : Đây chỉ cho sáu nước bên Tàu trong thời Chiến-quốc ngày xưa là: Yên, Tề, Hàn, Triệu, Ngụy, Sở. Sáu nước nầy về sau bị Tần Thủy Hoàng và đại tướng của người là Vương Tiển tiêu diệt hết, thống nhất nước Trung Hoa lại thành ra một nước lớn duy nhất là Tần.
[8]- Tam đồ : Là ba cái hình phạt ghê gớm. Ấy là Đao đồ (hình phạt đâm chém…), Huyết đồ (máu chảy, thây phơi, …), và Nhục đồ (banh da, xẻ thịt, …).
[12]- Báo thân : Tức là thân do tội báo tạo thành. Như thân của ta đây là do nhiều nghiệp báo khác nhau kết tụ lại mà thành, cho nên trên cõi đời nầy chúng sanh chia ra xấu, đẹp, nghèo, giàu, thông minh, ngu độn, vv…
Tại sao ?
Vì không có nghiệp nào giống với nghiệp nào cả.
[13]- Gây tạo điều ác khác để chống đối : Ý nói mình sở dĩ chịu khổ là do nơi nghiệp ác của mình gây ra trong tiền kiếp (hoặc ở hiện kiếp) nên bây giờ phải nhận lấy quả ác. Đã không biết ăn năn, mà lại còn gây thêm điều chống lại. Như bị người chưởi mắng thì họ chưởi mắng lại còn quá hơn nữa, bị đánh đập thì đánh trả lại nhiều (hơn cho hả lòng tức giận), vv…
Bình luận