27.10.2021

THP 2: Người tu Tịnh Độ cần phải phá trừ cái gì ?

 
Thơ gởi đến đạo hữu LÂM HỒNG NGUYỆT, Metuchen, New Jersey.  (Phụ một đoạn nguyên thơ):

      … mặc dù đã có quy y Tam Bảo và tụng kinh kệ mỗi ngày, nhưng tánh nóng nảy, giận hờn cũng vẫn chưa dứt được, còn lệ thuộc nhiều vào tiếng thương, ghét, thị phi, cho nên tâm thường bị phiền não, giận tức…

      Con vẫn biết đó là một tánh xấu làm chướng ngại cho việc tu tập của mình, nên tự nhủ lòng phải nhẫn nhục, nhưng sự phiền muộn vẫn không dứt được, có thể nói đâu rồi cũng vào đó, chính khi con viết thơ gởi đến thầy mà tâm vẫn còn đang giận tức vì một việc nói xấu, hủy nhục con cùng gia đình… mà người nói xấu ấy lại là một người xưa nay đã từng thọ ơn con nhiều nhất…

      Xin thầy chỉ dạy và ban đến cho con ít lời khuyên nhắc để con được vơi bớt đi phần nào giận tức đang giày xéo trong tâm…

*

  Thơ gởi đến HỒNG NGUYỆT

Qua thơ và câu chuyện kể lại chính tôi cũng còn cảm thấy mủi lòng và lân mẫn cho hoàn cảnh của đạo hữu (cùng gia đình) thay, nên không trách chi đạo hữu sanh tâm uất ức, muộn phiền. Tuy nhiên nay đã nghĩ đến tôi mà gởi thơ thăm hỏi cùng mong nhận được đôi lời khuyên nhắc để tỉnh tâm hơn nơi bước đường tu lẫn bước đường đời… nên tôi cũng cố gắng thừa ý tổ sư, gởi đến đạo hữu đôi lời nhắc nhở….

 
Nam mô A Di Ðà
Glossary LinkPhật.

Trong ba mối độc lớn là Tham, Sân, Si thì mỗi thứ đều có một ác tính độc đáo khác nhau. Nhưng riêng về món độc thứ hai là SÂN HẬN (nóng giận) thì nó có một tướng trạng vô cùng thô bạo, phá hoại việc tu tâm, lập hạnh của người học đạo mạnh mẽ nhất.

Bởi vì, một khi niệm SÂN HẬN (nóng giận) đã sanh khởi lên được ở trong tâm rồi thì liền theo đó có ngàn muôn thứ chướng ngại khác lập tức hiện ra, ngăn trở con đường tu tâm, lập hạnh cùng các sự tiến tu, của người học đạo.
 
Cho nên Cổ đức có lời dạy rằng:

Nhứt niệm sân tâm khởi
Bá vạn chướng môn khai…

      Tạm dịch :

Một niệm oán thù vừa chớm khởi,
Ngàn muôn cửa chướng thảy đều khai…


Lời dạy ấy đâu phải là không có nơi y cứ và chẳng đáng khiến cho ta phải quan tâm đến ư ?

Chẳng hạn như đang lúc niệm Phật, tụng kinh… tâm ta chợt liên tưởng đến người kia bạc ác, xấu xa, khắc nghiệt, đối xử với ta xưa nay nhiều điều đắng cay, oan uổng…

Hoặc giả sử như là nghĩ đến một người thân cận nào đó mà ta hằng hết dạ tin yêu, thương mến… ấy thế mà họ lại nở lòng trở tâm phản phúc, gây tạo cho ta nhiều điều đớn đau oan khổ…..

Do nghĩ nhớ đến những việc như thế nên trong tâm sanh ra các sự buồn, giận, bức rức không yên, miệng tuy niệm Phật, tụng kinh mà lòng thì dẫy đầy phiền não, tâm ý uất ức, sôi sục dâng trào… Thậm chí đến nổi có kẻ bỏ chuỗi, ngưng niệm Phật, dừng chuông mõ, chẳng tụng kinh, tâm trí muộn phiền, như người muốn chết, vào nằm trên giường, gát tay lên trán, suy nghĩ mông lung, than ngắn, thở dài…

Lại cũng có kẻ buồn tức đến mức quên ăn, bỏ ngủ, hơi giận lẫy lừng, nhiều khi ý muốn cho kẻ bội ơn kia phải bị chết liền ngay trước mắt, hay nhẹ hơn một chút là tìm đến gặp mặt con người bạc nghĩa ấy mà la hét, chưởi mắng một hồi cho hã giận…

Hởi ôi ! Cái tâm SÂN HẬN nó hằng luôn dày xéo tâm can và phá hoại con đường tu tâm, lập hạnh của người tu hành (nói chung) và riêng cho cá nhân mình như thế !

Há chẳng phải là một điều tai hại lắm ư ?
 
Vậy muốn đối trị nó thì phải làm thế nào ?
Phương pháp chính yếu là cần nên phát khởi lên ở trong tâm của mình niệm từ bi và lòng thương xót vậy.

Phải phát khởi như thế nào ?   Trong kinh PHÁP HOA, đức Thế Tôn đã có dạy rằng :

“Lấy đại từ bi làm nhà,
 Lấy nhẫn nhục, nhu hòa, làm áo giáp,
 Lấy tất cả pháp không làm tòa ngồi…”

 
Vậy thế nào là ý nghĩa :
Lấy từ bi làm nhà, nhẫn nhục, nhu hòa làm áo giáp, pháp không làm tòa ngồi ?

Chính là phải nên khởi tâm nghĩ tưởng rằng :

Nay ta cùng với tất cả chúng sanh đều là phàm phu đang nổi chìm trong biển khổ sanh, già, bệnh, chết… Sở dĩ như thế là bởi vì do nơi các nghiệp không lành mà ta đã gây tạo ra từ vô lượng kiếp về trước (và cả trong kiếp nầy nữa) cảm thành… “thật tướng” của phiền não (cùng với các pháp khác) vốn là vô thường, hư huyễn, tại sao nay ta lại còn cố chấp vào nó làm gì cho khổ tâm ta ?
 
Thế nào gọi “thật tướng” của phiền não… là vô thường, hư huyễn ?

Bởi vì các tâm niệm của chúng sanh chúng ta hằng luôn đổi thay chớ không bao giờ cố định cả. Nghĩa là cũng có khi buồn, khi vui, khi yêu, khi ghét, lại cũng có khi oán hờn, khi tha thứ, lúc thù hận, lúc xót thương… tất cả các thứ phiền não ấy luôn luôn xoay chuyển ở trong tâm ta, tựa như vòng bánh xe lăn, hằng luôn thay đổi, sanh diệt, huyễn hóa không bền, khác chi sương giăng nơi đầu cỏ, hay bọt nước trên mặt trường giang….

Thế nên mới gọi phiền não (và các pháp) vốn vô thường là như vậy.

Mà nếu như nó Ðã là vô thường như thế, thì tại sao ta lại còn chấp vào nơi nó làm chi ?

Hãy thử nghĩ thêm nữa rằng :
Những cái SÂN HẬN, phiền não đó, trước khi nó chưa sanh khởi lên ở trong tâm ta thì nó từ nơi nào mà đến ?

Và :
Khi các phiền não ấy tan rồi thì nó về (cư trú) ở nơi đâu ?

1.  Sao không nghĩ rằng :

Khi ta khởi ra các niệm giận hờn, phiền não như thế thì điều mà ta cảm nhận đầu tiên hết là :
Tự ta làm khổ cho ta.

Bởi vì :
Ngọn lửa SÂN HẬN, phiền não ấy trong thì nó thiêu đốt nội tâm, còn ngoài thì nó khiến cho thân ta ngồi đứng chẳng yên, than dài, thở ngắn, nước mắt lâm ly, khóc la nức nở, bức tóc, kéo tai… chẳng những đã không cải hóa, hay độ được kẻ thù, mà cũng không gây nên chút an vui lợi lạc nào cho ta hết cả.

Như vậy có phải là si mê vô ích hay không ?

 

2.  Kế đến phải nên nghĩ thêm nữa rằng :
 

Kẻ kia Sở dĩ có tâm hành ác độc, lời nói không hiền, làm tổn hại đến cho ta, bởi vì tâm của kẻ đó xấu xa, ngu si, mê muội. Hễ họ đã gây tạo nên nhân xấu ác rồi, tất sau nầy sớm muộn chi họ làm sao thoát được quả khổ.

Kẻ ấy đáng thương hơn là đáng giận.

Vì sao ?
Vì nếu một người sáng suốt, hiểu điều đạo lý, biết lẽ tội
Glossary Linkphước, trả vay, tất không khi nào hành xử như thế. Bởi gây đau khổ cho người tức là tự chiêu vời lấy tai họa cho chính mình vậy.


Sách có câu rằng :

Thí như nhơn thóa thiên,
Hoàn tùng kỷ thân trụy.

     
Nghĩa là :

Người phun nước miếng lên trời,
Nước miếng rơi xuống ngay nơi mặt liền.


Hoặc là :
Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình.

Còn như ta nay :
Là người đang lập tâm, quyết chí  tu hành, làm một Phật tử đi theo bước đường của Phật, sao ta lại không áp dụng giáo lý cao siêu của đức Thế Tôn để tự cởi mở các điều trái oan, trói buộc… còn đang dày xéo thân tâm ?

Ta lập nguyện tu hành đây để làm chi ?

Chính là để tự cởi mở các điều oan trái, hầu an vui trong hiện tại, cùng đạt được giải thoát nơi  kiếp lai sinh, chớ không phải đi tu là tìm theo dấu khổ trong lối khổ.

Xét nghĩ như thế rồi, nên đối với những điều oan trái nào có thể gây khổ não cho ta, ta đều vứt bỏ. Ðối với các kẻ làm tổn hại đến ta, ta nên tha thứ, xót thương. Lấy sự nhu hòa, nhẫn nhục để hàng phục tâm mình và quán xét tất cả mọi việc rồi cũng hoàn không mà rộng lòng thứ tha, hỷ xả.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm… thử hỏi có cái SÂN HẬN, phiền não nào (dầu to lớn cho thế mấy) mà không bị chìm sâu vào trong quên lãng hay sao ?

Chính vì : Không có nhất một pháp nào tồn tại mãi như thế.

Nên mới gọi là : Vạn sự đều Không.

Và : Các pháp là hư dối vậy.
     
Cho nên :

  • An trụ trong căn nhà từ bi ấy chính là một nơi kiên cố nhất, bảo hộ cho thân tâm ta được an toàn trước mọi kẻ thù não phiền, SÂN HẬN.
  • Lấy sự nhu hòa, nhẫn nhục làm áo giáp mặc, thì loại giáp ấy chắc chắn là cứng chắc hơn tất cả mọi thứ bảo giáp khác ở trên đời, bởi vì nó bảo hộ cho thân tâm ta khỏi bị các thứ giặc SÂN HẬN, phiền não gây nên tổn hại.
  • Lấy tất cả MỌI SỰ ÐỀU KHÔNG (vạn sự giai không) làm tòa (ghế) ngồi, thì tòa ấy chính là nơi bình an nhất cho ta trước giặc thù SÂN HẬN, phiền não đang hò reo, công hãm thân tâm ta vậy.

Qua các điều vừa được lược giảng nêu trên, nên đạo hữu phải hiểu rằng :

  • từ bi chính là nước tịnh mát mẽ rưới tắt tất cả ngọn lửa SÂN HẬN, não phiền.
  • nhẫn nhục, nhu hòa là thứ áo giáp kiên cố nhất, bảo hộ cho ta được mọi sự bình an.
  • Muôn sự đều KHÔNG chính là ánh sáng phá trừ hết các sự u ám, tối tăm. (do SÂN HẬN gây nên).

Người nào biết áp dụng ba điều diệu lý nầy để dứt trừ tâm SÂN HẬN, phiền não thì kẻ ấy chẳng còn bao lâu nữa quyết định sẽ được sanh vào trong nhà Phật, mặc áo Phật, và ngồi nơi tòa của Phật vậy (tức là thành Phật).

*

Còn nói về tiếng thị phi ư ?

Hỏi xưa nay mấy ai tránh khỏi ?

Bởi vì phàm phu chúng sanh chúng ta cứ luôn chấp chặt vào nơi hai tướng ngã, nhơn (ta và người), do đó nên thường hay cho rằng Ta hay, Người dở, ta cao quý, người thấp hèn… vì thế mà các sự hơn, thua, phải, quấy xưa nay có nhiều đến ngàn muôn ức loại. Chớ nói chi ta là hàng phàm phu bạt địa nghiệp chướng nặng nề phải bị ảnh hưởng làm chi, dầu ngay đến Phật, Bồ Tát…vì tâm đại bi, thương xót chúng sanh mà thị hiện ra nơi đời để tùy cơ giáo hóa cũng không sao tránh khỏi bị làm cho thương tổn.
 
Cổ nhơn có câu rằng :

Thùy nhơn bối hậu vô nhơn thuyết,
Na cá nhơn tiền bất thuyết nhơn.


Tạm dịch :

Chớ nói ta không người chỉ trích,
Âm thầm chi thiếu kẻ dèm pha.
Trước mặt cúi đầu thưa, dạ, bẩm,
Sau lưng kêu chưởi mẹ, cùng cha.

 
Kinh PHÁP CÚ dạy :
Không có người nào trọn đời được khen mà chẳng bị chê.

Và cũng :
Không có người nào trọn đời bị chê mà chẳng được khen.

Cho nên phàm làm người sống trên cõi thế nầy, cuộc đời cũng có khi vui, lúc buồn, khi thành, lúc bại…. thì sá chi là tiếng thị phi, lời thương ghét mà không có đôi lúc (nào đó) bị vướng mắc hay sao ?

Phải biết một khi các tiếng thị phi đến với ta, nếu như ta không sáng suốt, bình tĩnh, tất (chắc chắn rằng) tâm phải bị xao động, não phiền. Như thế rất chướng ngại cho con đường tu tâm, lập hạnh lắm vậy.

Bởi thế cho nên người tu học Phật pháp cần phải nên cố gắng tìm đủ mọi cách để phá trừ nó.
 
PHÁ TRỪ NÓ BẰNG CÁCH NÀO ?

Ðại khái có ba cách như sau :

1. Phải xét sửa lỗi mình, đừng nhìn ngó lỗi người.

Bởi vì phàm phu chúng sanh ai cũng thích được khen tặng chớ chẳng ưa bị chỉ trích, thích bươi móc các điều xấu dở của người, (chớ chẳng muốn cho ai nhìn thấy những việc không tốt của mình hết cả) mà không ngờ điều xấu dở của mình đôi khi còn nhiều và tệ hại hơn nữa, cứ nói người khác thế nầy, thế nọ, mà quên nghĩ lại rằng mình cũng chẳng có tốt đẹp chi!

Cho nên người tu học Phật pháp cần phải nên phản tỉnh, xét sửa lấy mình, chớ nên nhìn nói hay phê bình đến việc hay dở của người khác. Ðược như thế thì đường đạo ngày càng thêm tốt đẹp, bằng trái lại ắt sẽ bị lắm oan gia!

 

2. Khi bị thị phi, oan uổng, người tu học Phật pháp phải “an nhẫn”, chớ nên tìm cách biện minh.

Ví như tờ giấy trắng bị một vết mực làm lem, cứ để yên điù, bất quá là chỉ dơ tại một chỗ đó mà thôi, nếu như nó không dần dần phai nhạt được thì cũng chẳng mất vẻ thẩm mỹ bao nhiêu, còn như (nóng ruột) lấy tay lau xóa bừa bãi, tất sẽ bị hoen ố cùng khắp (chừng ấy e còn bị xấu hơn nhiều).         

Trong quyển “niệm Phật Bảo Vương Tam Muội Luận”, Phật có dạy rằng :
 
“Bị oan ức không cần biện bạch,
vì biện bạch thì oán giận càng sanh”

Tại sao ?

Bởi vì người đã có ác tâm, cố ý nói xấu ta, mà ta biện minh tức là muốn tỏ cho các người chung quanh biết rằng kẻ đó nói sai, dĩ nhiên sẽ sanh ra thêm những sự oán thù, tranh cãi, đã chuốc lấy thêm điều buồn bực, giận tức rồi, mà còn làm cho “chuyện bé xé ra to”, khiến cho khắp nơi và mọi người đều nghe biết đến, để ý nghi ngờ thêm nữa.

Người tu học Phật pháp phải nên biết rằng :

  • Thói thường người mới bắt đầu tu, thì chỉ thấy mình phải, còn người khác quấy hết.
  • Người tu lâu một chút, thấy mình cũng có lỗingười khác cũng có lỗi.
  • Người tu lâu hơn nữa chỉ thấy toàn lỗi mình mà  không thấy lỗi của người.
Nên đức Lục tổ HUỆ NĂNG có dạy rằng :

Nếu là bậc chân tu,
Không thấy lỗi của người.
Nếu thấy lỗi của người,
Mình chê là kém dở….

Lành thay cho lời dạy ấy.


3. Người tu học Phật pháp đã có hiểu biết ít nhiều đạo lý, tất phải nên biết rằng :

Mọi tiếng khen chê bên ngoài không làm cho ta tốt hoặc xấu thêm, cũng không làm cho ta được siêu hay bị đọa, mà mọi xấu tốt, siêu đọa đều do ở nơi ta.

Khi xưa có một vị tu sĩ, vì bị quá nhiều việc thị phi oan uổng, nghĩ rằng mình mang thân phận xuất gia, chưa làm điều chi lợi ích cho đạo, mang lại tiếng tốt cho thầy, tổ, mẹ cha, cùng trả ơn đàn na, tín thí hết… ấy vậy mà còn gây nên nhiều tai tiếng xấu xa, làm nhục cho đạo, thầy tổ, cha mẹ… không kham nhẫn nổi, nên đêm đó mới đến dưới một cội cây già, đứng than thở hồi lâu rồi tự kết dây treo cổ.

Vị thọ thần ở trên cây ấy nghe biết, thương người chân tu bị điều oan uổng, nên hiện thân xuống cởi mở vòng dây, cứu cho tỉnh lại. Sau khi hỏi biết hết tất cả các chuyện, thọ thần ấy mới khai thị cho vị tu sĩ kia rằng :


“Giả sử như ngươi đắc được đạo qủa A la hán, mà có kẻ ác tâm nói rằng ngươi là người đáng bị đọa nơi địa ngục. Vậy ngươi có bị đọa chăng ? “

Vị tu sĩ đáp:  “Ðã là A la hán rồi thì làm sao bị đọa vào địa ngục được.”

Vị thọ thần hỏi tiếp:  “Nếu như ngươi là người mang nhiều tội nghiệp, rất đáng bị đọa vào nơi địa ngục mà có kẻ vì muốn tâng bợ, lớn tiếng rao rằng ngươi là một bậc A la hán, vậy thì ngươi có phải là A la hán hay không ?”

Vị tu sĩ đáp: “Ðã là người mang tội đọa địa ngục thì làm sao gọi là A la hán được.”

Vị thọ thần nói: “Nay ngươi vốn không có các lỗi ấy, cớ sao sầu buồn đến nỗi quyên sinh ? Trước là làm tổn đến bản thân, kế nữa là gây thất bại cho con đường tu tâm, lập hạnh của mình, sao mà tối tăm, vô trí đến thế !”

*


TÓM LẠI :

Nếu ta gây tạo được nhiều nhân lành, thì dù người có vì ghét hận mà dùng lời khinh báng, vu khống cho ta là kẻ tội ác xấu xa… ta cũng vẫn được siêu thăng.

Trái lại nếu như ta gieo nhiều nhân xấu ác, thì tuy là người có vì nể trọng mà dùng lời trau chuốt ngợi khen, ta cũng vẫn phải chịu điều đọa lạc.

Nay tôi xin mượn ý của người xưa, tỏ cùng đạo hữu lời rằng :

thị phi ngôn trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa lạc, vũ tinh, sơn tịch tịnh,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Tạm dịch :

thị phi tiếng rụng theo hoa sớm,
Danh lợi lòng băng với bão đêm.
Mưa tạnh hoa rơi, non vắng vẻ,
Chim kêu xuân lại quá bên thềm.


Xin người học Phật từ đây nên lắng lòng hồi tĩnh, đừng quá quan tâm nhiều đến các việc SÂN HẬN, phiền não, thương ghét, thị phi… hãy để cho nó rơi theo hoa sớm rụng, tàn lạnh với mưa đêm, rồi biến dần đi theo ánh dương rực rỡ vừa hiện lên ở phía chân trời.

Kìa một tiếng chim kêu,
Một cơn mưa tạnh,
Một mùa xuân đã đi qua,

Và:

Bóng thiều quang đâu đợi mãi…

 
Ta há không nghĩ đến cơn vô thường bất chợt mà lắng lòng và tu tập tích cực hơn nữa hay sao ?
 
Xin chúc đạo hữu sớm được bình tâm, vững bước an lành tiến thẳng trên đường về nơi giải thoát.
 

Trân trọng

Chia sẻ:

Bình luận