27.10.2021

THP 17: Yếu chỉ của pháp môn Tịnh Độ

(Thơ đáp cho đạo hữu Sanh Can Tôn, Pháp danh Minh Trí Monterey Park, CA.)

Hỏi :

(lược vài phần chánh)
……………………..
  1. Con tự xét thấy trong ba điều Tín, Nguyện, Hạnh thì con có lòng tin chắc chắn, có phát nguyện vãng sanh… nhưng về Hạnh thì con lại giải đãi, không tích cực niệm Phật…
  2. Con có thể niệm chú vãng sanh và niệm Phật thôi, vậy có được không ‌?
  3. Con không biết bắt ấn gì và đọc chơn ngôn nào trước khi niệm Phật cầu vãng sanh ‌?
  4. Niệm chú vãng sanh và niệm Phật có đồng với môn tu Mật Tịnh Pháp Nghi không‌?
  5. Trong quyển “Ðường Về Cực Lạc”, con thấy hầu hết các vị trong đó đều tụng kinh Kim Cang, Pháp Hoa hay trì chú. Tại sao phải tụng kinh, trì chú mà không dành thời gian nầy để niệm Phật nhiều hơn ‌?
  6. Trong một ngày, một đêm là 24 giờ, làm sao Nhứt Tâm được một hay hai muôn câu niệm Phật ‌?
  7. Hầu hết gần cuối quyển kinh, Phật đều nhắc nhở các vị Bồ tát thường phải dạy các Phật tử thọ trì kinh trong thời mạt pháp. Những câu kinh pháp họ không hiểu nghĩa lý thì phải dạy cho họ hiểu. Vậy thì Bồ tát thị hiện chỉ dạy cho Phật tử trong thời mạt pháp nầy như thế nào ‌?
  8. Muốn làm người thiện tri thức phải như thế nào ‌? Nhiệm vụ và công đức của người thiện tri thức phải như thế nào ‌?

thơ đáp :

Trả lời câu hỏi thứ 1:

Như đạo hữu đã biết :
  • Yếu chỉ của pháp môn TỊNH ÐỘ gồm có ba điều chánh là Tín, Hạnh, và Nguyện.
  1. Sao gọi là TÍN ‌?
    TÍNTIN.

    TIN đây là tin cõi Cực Lạc có thật và hiện hữu cũng như cõi Ta Bà của chúng ta đang ở đây là có thật và hiện hữu vậy. Tin đức
    Glossary LinkPhật A Di ÐÀ luôn luôn hộ niệm, sẵn sàng tiếp dẫn bất cứ chúng sanh nào biết quy kính và xưng niệm đến hồng danh muôn đức của Ngài.

  2. Sao gọi là HẠNH ?

    HẠNH tức là phần thực hành, còn gọi Sự hành trì, tức là phải thiết thực xưng niệm danh hiệu Phật A Di ÐÀ cho đến trình độ tương ưng (tức là “Nhứt Tâm”) và cảm ứng đạo giao để được Ngài tiếp dẫn.

  3. Sao gọi là NGUYỆN ‌?

    NGUYỆN tức là khởi tâm tha thiết mong cầu thoát khỏi Ta Bà khổ lụy để được sanh về cõi Cực Lạc yên vui.

Trong ba điều nầy thì Tín và Nguyện là hai điều quan yếu nhất. Vì nếu Tín và Nguyện luôn luôn vững chắc không lui sụt thì khi lâm chung dù cho có niệm Phật ít cũng được vãng sanh.
Liên tông Cửu tổ là ngài Ngẩu Ích Ðại sư dạy :
  • “Nếu Tín Nguyện bền chắc thì khi lâm chung, chỉ xưng danh hiệu Phật 10 niệm (100 câu) cũng được vãng sanh. Còn trái lại, thì dù cho có niệm Phật nhiều đến thế mấy đi nữa mà Tín Nguyện yếu kém, thì chỉ được kết quả là hưởng phưóc báu nơi cõi Trời, Người mà thôi…”
Nói như thế chỉ là phiếm diện chớ chưa được toàn đủ. (Ðừng tuyệt đối dựa vào lời dạy nầy mà làm biếng niệm Phật, không nên.)
Còn cho toàn đủ thì phải nói như thế nầy :
  • Muốn được vãng sanh về Cực Lạc thì phải thực hành đầy đủ hết cả hai phần Sự của pháp môn.
Bởi vì trong ba điều Tín, Hạnh, và Nguyện nêu trên thì :
  1. Tín và Nguyện thuộc về phần Lý (thuyết).
  2. Hạnh thuộc về phần Sự (thực hành).
  3. Có Lý (tức là có Tín Nguyện) thì cũng tỷ như người có mắt sáng thấy rõ đường đi, nước bước, khỏi sợ lạc lầm.
  4. Có Sự (tức là có tích cực niệm Phật) thì cũng tỷ như người có đôi chân khỏe để đi theo đúng con đường mà mình đã thấy.
  5. Có mắt sáng (có Lý) mà không có chân khỏe (không có thực hành Sự) thì không đi được, chỉ ngồi chềm ệp tại một chỗ (chờ chết mà thôi !).
  6. Còn có chân khỏe để đi (có Sự hành trì) mà không có mắt sáng (không có Lý) để thấy rõ đường xá, thì dễ bị sa xuống hầm hố (của địa ngục và ngoại đạo, tà giáo) lắm.
Nay đạo hữu đã có Tín và Nguyện thì xem như là có mắt sáng rồi đó, nhưng lại không chịu “tích cực niệm Phật” thì xem như là bị thiếu mất đôi chân vậy (không có phần Sự), ắt sẽ không thể nào đi đến cõi Cực Lạc được (không được vãng sanh).

Vậy đạo hữu phải nên:

  • niệm Phật cho tích cực và nhiều hơn nữa thì mới gọi là “Lý Sự viên dung” để được vãng sanh về nơi Cực Lạc. (Chịu khó siêng niệm Phật thêm một chút xíu nữa đi, cho được “lưỡng toàn kỳ mỹ.”)
Chúc đạo hữu tinh tấn và nên sớm bổ khuyết lại phần Sự yếu kém nầy (đừng làm biếng quá mà hư việc lớn vãng sanh).

Trả lời câu hỏi thứ 2 :

Chỉ chuyên niệm Phật và trì chú vãng sanh không như thế cũng chưa hội đủ yếu tố để được vãng sanh (vì đó là chỉ có phần Sự mà thôi). Muốn được vãng sanh thì phải kiêm thêm phần LÝ nữa (tức là phải có TínNguyện).

Còn nếu như đạo hữu đã có được hai phần Tín và Nguyện rồi thì chỉ cần thêm niệm Phật nữa là sẽ được thành công, huống chi lại kiêm trì chú vãng sanh nữa thì còn lẹ làng hơn gấp mấy lần. Tỷ như đi thuyền đã gặp nước xuôi, lại còn được thêm gió thuận nữa.

Sự vãng sanh sẽ mau lẹ biết bao !

(Xem lại bài văn phát nguyện nơi quyển “Tây Phương Nhật Khóa” (trang số 156), hoặc nếu như đạo hữu đã có sẵn bài phát nguyện nào khác thì cứ tụng niệm theo sở thích của mình cũng được.
Nhưng phải đúng với tôn chỉ của Tịnh độ pháp môn là nguyện sanh về cõi Cực Lạc.)

Trả lời câu hỏi thứ 3 :

Việc bắt ấn và đọc chơn ngôn để cầu vãng sanh đối với pháp môn Tịnh độ chỉ là phần phụ trợ. (Xem kỹ lại quyển TPNK và các lời giải thích trong quyển sách nầy nơi các trang từ 123 tới 127.)

Ðiều chánh yếu là phải chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di ÐÀ cho cực kỳ tinh thuần, và nhập tâm, được vậy thì khi lâm chung dù cho thân xác có đau đớn, hoặc bị bất tỉnh đi chăng nữa, nhưng trong tâm (tức là thần thức) câu niệm Phật vẫn tự trì mà không cần phải có tác ý của mình. Khi vừa nhắm mắt tắt hơi thì câu niệm Phật ấy sẽ dẫn thần thức mình sanh thẳng về nơi Cực Lạc.

Bởi trong cách tu “Mật Tịnh Pháp Nghi” có chia rõ ra làm hai phần là : Chủ và Trợ.

  • Chủ là chánh : nghĩa là lấy câu niệm Phật làm chánh yếu.
  • Trợ là phụ: nghĩa là lấy câu trì chú làm phụ.

Hành giả tu theo phương pháp “Mật Tịnh” nầy phải biết phân biệt rõ ràng giữa hai phần ChủTrợ như thế mới được. Còn nếu không thì Chủ cũng không thành Chủ nữa (còn nói chi đến Trợ). (Xem lại quyển “Vô Nhất Ðại sư” do Phật tử Bảo Ðăng biên soạn trang 372 và 374.)

Trả lời câu hỏi thứ 4 :

trì chú vãng sanh và niệm Phật, đó chính là cách tu “Mật Tịnh Pháp Nghi” đó. Bởi vì trong hai điều nầy thì :

  • Thần chú vãng sanh thuộc về Mật (tông).
  • Câu niệm Phật thuộc về Tịnh (tông).

Và :

  • Câu niệm Phật thì thuộc về Chủ (chánh).
  • Bài chú vãng sanh thì thuộc về Trợ (Phụ).

Nếu Chủ (chánh) và Trợ (phụ) đầy đủ và cứ giữ chắc như thế cho đến trọn đời ắt ngày lâm chung sẽ được vãng sanh về nơi chín phẩm của miền Tây phương An Dưỡng.

Trả lời câu hỏi thứ 5 :

Quyển “Ðường về Cực Lạc” tức là quyển “Tịnh độ Thánh hiền lục” trước kia đã được Hòa thượng Thích Trí Tịnh phiên dịch, và sau nầy được Hòa thượng Thích Thiền Tâm chuyển dịch (và bố cục) lại một lần nữa, đề tên là “Mấy điệu sen thanh.”

Nội dung của quyển sách nầy trước sau và đầu cuối đều toàn là những chứng tín và Hiện chứng lượng [1] xác thực nhất của pháp môn Tịnh độ (cho những ai vẫn còn nghi ngờ ở nơi pháp môn nầy).

Gần như 98 phần trăm các bậc tôn đức vãng sanh được ghi danh trong quyển “Ðường về Cực Lạc”“Mấy điệu sen thanh” đều nương theo pháp môn niệm Phật nầy mà trực vãng Tây phương, dự vào nơi Chín phẩm sen của miền Cực Lạc cả.

Trong đó chỉ có năm, ba vị Tổ sư hoặc là tụng kinh Pháp Hoa, Kim Cang mà thôi chớ không phải là “hầu hết” như lời đạo hữu đã nói trong thơ vậy.

Ðạo hữu hỏi rằng :
  • Tại sao quý ngài tụng kinh mà không niệm Phật ‌?
Ðó là tại đạo hữu không xem kỹ lại bộ sách nầy (từ đầu cho chí cuối) nên mới hỏi như thế.

Xin trả lời rằng :

  • Sở dĩ quý Ngài tụng kinh (hoặc tham thiền…) nguyên vì trước kia quý Ngài hoặc là tu theo Thiền tông, hay Giáo tông. Bởi vì không muốn trái ngược lại với tôn chỉ của bản môn nên bên ngoài (tuy là) quý Ngài vẫn tụng kinh, (hoặc tham thiền) nhưng bên trong đều “Mật tu Tịnh độ” (tức là cái vỏ bên ngoài tuy tụng kinh, tham thiền chớ cái ruột bên trong đều toàn là “Niệm Phật” hết cả).
Xin nêu ra một vài thí dụ để làm tín chứng, chẳng hạn như quý Ngài :
  1. Mã Minh Bồ tát, Long Thọ Bồ tát, Thiên Thân luận sư….. tuy là hoằng truyền Thiền tông nhưng cũng đều khuyên dạy các đồ chúng niệm Phật.
  2. Ngay chính như ngài Trí Khải, bên ngoài tuy là hoằng truyền kinh Pháp Hoa và môn Thiên Thai Thiền, nhưng bên trong Ngài lại mật tu Tịnh độ. Khi lâm chung Ngài có bảo với các đồ chúng rằng :

    • Hiện thời các hàng thầy, bạn theo hầu Phật (cùng với đức Quán Thế Âm Bồ tát, đức Ðại Thế Chí Bồ tát) đến rước ta vãng sanh.

      Nói xong hướng về phía Tây, xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, Quán ÂmBát nhã rồi lặng lẽ vào tam muội mà thị tịch…

    Sau khi Ngài tịch rồi, trong đồ chúng cũng vẫn còn có người nghi hoặc không biết đích xác là Ngài sanh về đâu. Ðại khái như sư Thích Huệ Diên ở chùa Thiên Hương phát tâm tả kinh Pháp Hoa để cầu xin Ðại sư xác nhận là đã được sanh về cõi nào ‌.

    Sau khi tả kinh xong, đêm lại nằm mộng thấy Ðại sư đi theo sau đức Quán Thế Âm Bồ tát từ phương Tây đến mà bảo rằng :

    • Ta đã sanh về cõi Cực Lạc nơi Hoa tạng thế giới, nay ông đã hết lòng nghi chưa.
      (Trí Khải Ðại sư là sơ tổ của tông “Thiên Thai Thiền”, lịch đại truyền thừa nối nhau, cho đến nay tông thiền nầy vẫn còn rất hưng thạnh.)
  3. Lại nữa trong 13 vị Tổ sư của tông Tịnh độ thì đã có đến gần phân nữa quý Ngài trước kia nguyên (gốc) là Thiền sư hoặc là Hành giả tụng kinh Pháp Hoa. Như ngài Diên Thọ đại sư (lục tổ) chuyên tụng Pháp Hoa cảm đến cả bầy dê quỳ mọp nghe kinh, ngài Châu Hoằng Ðại sư (bát tổ) đắc truyền Thiền tông từ nơi ngài Tiếu Nham Thiền sư thuộc dòng Thiền Lâm tế… nhưng Ngài lại kiêm tu Tịnh độ.

    Ngài trả lời (khi có người hỏi) rằng:

    • Tôi chỉ biết niệm Phật mà thôi chớ không có tài chi khác cả.

    Trước khi lâm chung, Ngài dặn đồ chúng rằng:

    • Các vị nên chân thật niệm Phật, đừng làm điều chi khác lạ và chớ có phá hoại quy củ (niệm Phật) của tôi. Ðoạn hướng về phương Tây, chắp tay niệm Phật mà tịch…
Ðại lược thì các việc tu bên ngoài cho phù hợp với tôn chỉ của tông môn và việc mật tu Tịnh độ bên trong của quý Ngài đều là như thế cả.

Cho nên, đạo hữu phải biết rằng :

  • Muốn được vãng sanh về Cực Lạc Tịnh độ thì điều chánh yếu duy nhất là :

    Phải Niệm Phật Cho Ðược Nhứt Tâm (ít nhất cũng phải niệm từ một cho đến mười niệm (Nhứt Tâm) như cố thân phụ của đạo hữu trước khi lâm chung vậy).

    Ngoài ra các việc khác như tụng kinh, trì chú, ngồi thiền, vv… đều là phụ trợ cả. Ðiều cần yếu là phải đem hết tất cả các công đức (vừa kể) ấy mà hồi hướng và cầu được vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc quốc…

Như thế mới xứng hợp được với bản nguyện của đức A Di ÐÀ Phật.
(Xem kỹ lại các phần chú giải nơi quyển Tây phương Nhật Khóa, hoặc Liên Tông Thập Tam Tổ sẽ hiểu rõ hơn.)

Trả lời câu hỏi thứ 6 :

Trong một ngày, một đêm (24 giờ) niệm Phật được một muôn (10.000) hay hai muôn (20.000) (hoặc hơn nữa) là điều rất dễ. Nhưng nếu muốn cho một hoặc hai muôn câu niệm Phật ấy đều được Nhứt Tâm thì đó là điều “rất khó có thể được” cho các Hành giả niệm Phật trong thời buổi mạt pháp nầy (bởi vì tâm bị loạn động quá nhiều).

Nếu như muốn cho được Nhứt Tâm niệm Phật, ắt phải theo cách “niệm niệm tương tục” của ngài Ðàm Loan pháp sư dạy (Tây phương Nhật Khóa, trang 585-586) và giữ như vậy suốt cả một đời quyết không thay đổi thì mới được thành công.

Ngay chính như ngài Vô Nhất Ðại sư Thích Thiền Tâm là sơ tổ của Tịnh độ tông tại Việt Nam ấy vậy mà Ngài còn phải mất đến 17 năm dài bế quan niệm Phật mới luyện được thành một khối, huống chi là những người niệm Phật lơ là, biếng trễ (như chúng ta) ư !

Niệm Phật có thành tựu được hay không là do ở nơi mình có chịu quyết tâm và thực hành y theo như lời Phật, Tổ dạy hay không mà thôi. Phải lập tâm cho thật vững mạnh mới được (tức là phần hành trì “Sự niệm Phật” phải tích cực chớ không được nói suông thôi như đạo hữu vừa bày tỏ nơi câu hỏi số 1).

Nhưng dù cho niệm Phật chưa được Nhứt Tâm đi nữa cũng chẳng nên lo ngại chi cả. Cứ việc niệm hoài suốt cả đời mình, lấy đó mà làm thường khóa (khóa niệm thường ngày) là được rồi. Bởi vì pháp môn niệm Phật là pháp môn “Ðới nghiệp vãng sanh” (tức là mang luôn nghiệp mà vãng sanh về cõi Cực Lạc), nếu như bình nhật có đầy đủ hết ba phần Tín, Hạnh, Nguyện.

Vì niệm mãi như thế, cho nên câu niệm Phật ấy đã thâm nhập vào trong “tàng thức” [2] rồi, đến khi lâm chung, giả sử như mình bị bịnh nặng hoặc hôn mê không còn nhớ để mà niệm nữa, nhưng câu niệm Phật ấy nó “sẽ tự niệm.” Nếu lại được bậc thiện tri thức hoặc người hộ niệm tốt giúp đỡ, khuyên nhắc, khiến cho mình nhớ thì chỉ cần gia thêm từ một niệm (10 câu) cho đến 10 niệm (100 câu) cũng được “tạm thời Nhứt Tâm” trong phút tối hậu.

Ngay khi đó nếu tắt hơi, ắt sẽ “mang luôn nghiệp” (đới nghiệp) của mình mà vãng sanh ngay về nơi Cực Lạc.

Và đây chính là lời dạy của Liên Tông Cửu tổ Ngẩu Ích Ðại sư mà tôi vừa trích thuật ra để trả lời cho đạo hữu ở phần Nguyện nơi câu thứ nhất vậy.

Trả lời câu hỏi thứ 7 :

tất cả các kinh đều chia ra làm ba phần chánh yếu, đó là :
  • Phần tự (tựa),
  • Phần chánh tông (lời kinh dạy),
  • Phần lưu thông (kết thúc quyển kinh).
Câu hỏi của đạo hữu thuộc về phần thứ ba là “Lưu thông.”
Sao gọi là Lưu thông ‌?
  • Lưu thông đây có nghĩa là làm sao cho lời kinh và các nghĩa lý thâm diệu ở trong đó di chuyển từ nơi PhậtBồ tát đến tận trong thâm tâm chúng sanh, khiến mọi người y theo đó mà tu hành cho được giải thoát (cũng như quý Ngài vậy).
Còn sao gọi là thọ trì ‌?
  • Thọ là thọ lãnh, là nhận lấy.
  • Trì là giữ gìn chẳng cho thất lạc, mất mát và nhớ mãi không quên.
Bồ tát lãnh Nhiệm vụ của chư Phật giao phó là phải dạy cho Phật tử hiểu rõ “thâm nghĩa” tức là các nghĩa lý bí mật của câu kinh, chớ không phải chỉ có một mặt hiểu theo “ngôn từ” (tức là mặt chữ bên ngoài) mà cho là đủ đâu.

Kinh dạy :

“ Ngôn từ (chữ và lời nói) là cảnh giới của chúng sanh.
nghĩa lý (thâm nghĩa, nghĩa bí mật) là cảnh giới của chư Phật, chư Bồ tát.”

Bồ tát và chư vị Tổ sư có Nhiệm vụ là phải dạy cho các chúng sanh “hiểu nghĩa lý” từ một câu kệ cho đến bốn câu kệ, nếu chúng sanh nào biết y theo nghĩa đã hiểu đó mà hành trì thì cũng được chứng đạo và giải thoát ra khỏi vòng sanh tử.

Như trong kinh Kim Cang, Phật dạy nếu đem bốn câu kệ ra giảng nói ý nghĩa cho mọi người hiểu để y theo đó mà tu học thì được
Glossary Linkphước báu còn hơn là đem thất bảo (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não) chất đầy cả bốn phía hư không ra mà bố thí.

Vậy thế nào là ý nghĩa của Bốn Câu Kệ ‌?
  1. Câu kệ thứ nhất là “Không Thân Kệ,”
    (tức là Sắc Không Kệ).

    Sao gọi Sắc Không ‌?

    thâm nghĩa của câu kệ nầy là :

    • (Bồ tát phải giảng dạy cho chúng sanh biết rằng) thân xác tứ đại của mình đang mang lấy đây là thân bất tịnh (không sạch), bên ngoài có bảy lớp da bao bọc, gói ghém, bên trong thì ruột, gan, phèo, phổi, phân, tiểu, máu huyết, đờm dãi – tất cả là (có) 36 thứ vật dơ dáy, tanh hôi – Sau cùng khi mình chết đi rồi thì nó tan rã ra thành cát bụi hết, cho nên nó chỉ là giả tạm nhất thời mà thôi chớ không bền vững được.

      Như ai biết rõ cái thân nầy là giả tạm như vậy rồi, thì ngay trong khi chưa chết đây mà cứ tưởng như là thân nầy đã chết rồi vậy, chớ nên quá tham luyến và cũng đừng vì nó mà gây tạo tội lỗi. Sống được ngày nào là để mượn “cái thân giả” nầy mà học đạo, tu hành ngày đó thôi.

    Như hiểu vậy rồi và phát tâm chân chính tu hành, lâu ngày, thì sẽ chứng được thánh quả Tu Ðà Hoàn, vào trong dòng Phật. (Xem lại quyển “Ðại Thừa Phật pháp liễu nghĩa Truyền Tâm Ấn luận” từ trang 147 trở đi, sẽ rõ hơn.)

    Vậy câu kệ Sắc Không nầy là phần dạy về “Sắc vô thường,” có công năng làm cho chúng sanh chứng được Tu Ðà Hoàn thánh quả vậy (một trong bốn quả vị giải thoát của Thanh Văn thừa).

  2. Câu kệ thứ hai là “Không Tâm Kệ,”
    (tức là Tâm Không Kệ).

    Sao gọi là Tâm Không ‌?

    thâm nghĩa của câu kệ nầy là :

    • Phải nên quan sát cái “chơn tâm” của mình vốn không sanh, không diệt, chí thánh, chí linh, vô phương sở, vô trụ xứ, thiệt chẳng thể tìm, chẳng thể đạt được… cho nên khi ngài Bồ Ðề Ðạt Ma Tổ sư bảo ngài Huệ Khả (Thần Quang Nhị Tổ) rằng :
    • Ðưa cái tâm của ngươi ra đây ta an cho.

    Ngài Huệ Khả đáp :

    • Bạch Ngài, con tìm Tâm không được.

    Tổ Ðạt Ma bảo :

    • Vậy là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.

    Thế nên phải biết rằng :

    • Vì cái chơn tâm của mình nó thường giác chớ chẳng có mê (cho nên dù cho có gặp mọi cảnh duyên tốt, xấu chi chi đi nữa, thì cũng xem như là không có thấy vậy) – chẳng bị vọng tưởng, điên đảo kéo dắt…

    Người nào biết rõ như thế rồi thì tâm không bị dao động trước các cảnh trần, dầu cho cảnh đó là xấu, đẹp, khổ, vui, vv… chi cũng vậy.

    Tu luyện như thế lâu ngày thì sẽ chứng được thánh quả Nhứt lai Tư Ðà Hàm, vào trong dòng Phật. (Xem lại quyển Ðại Thừa Phật pháp liễu nghĩa Truyền Tâm Ấn luận , từ các trang 215 trở đi sẽ rõ hơn.)

    Vậy thì, câu kệ Tâm Không nầy là phần dạy cho chúng sanh biết “vọng tâm vô thường” và “chơn tâm tịch tịnh,” có công năng làm cho chúng sanh chứng được Tư Ðà Hàm thánh quả. (Tư Ðà Hàm là quả thứ hai trong bốn thánh quả của Thanh Văn thừa.)

  3. Câu kệ thứ ba là “Không Tánh [3] Kệ,”
    (Tánh không kệ)

    Sao gọi là Tánh Không ‌? (Tánh đây tức là Thức tánh, một trong ngũ uẩn.)

    thâm nghĩa của câu kệ nầy là :

    • Phải nên quán sát cái (THỨC) Tánh của mình thường lặng yên không lay động, sáng suốt làu làu, uy linh khó nghĩ, biến hóa vô song, thanh tịnh, vô vi, linh thiêng tột đỉnh (xem lại quyển “Ðại Thừa Phật pháp liễu nghĩa Truyền Tâm Ấn luận” từ các trang 263 trở đi, sẽ hiểu rõ hơn).

    Nếu hiểu được như vậy rồi, thì y theo đó mà tu hành hoài, ắt cái Chơn tánh ấy sẽ hòa hợp cùng với Tánh của chư Phật, liền chứng được đệ tam quả Bất lai A Na Hàm, dự vào trong dòng Phật.

    Vậy câu kệ Tánh Không nầy là phần dạy cho chúng sanh tỏ ngộ được cái Thức tánh của mình lúc nào cũng minh, lúc nào cũng diệu cả, có công năng làm cho chúng sanh chứng được thánh quả A Na Hàm (quả vị thứ ba trong Thanh Văn thừa).

  4. Câu kệ thứ tư là “Không Pháp .”
    (Pháp Không kệ).

    Sao gọi là Pháp Không‌?

    thâm nghĩa của câu kệ nầy là:

    • tất cả các Pháp của Phật thuyết dạy Sở dĩ có chia ra cao, thấp, lớn, nhỏ không đồng, ấy cũng là bởi vì căn cơ của chúng sanh có nhiều sự sai biệt khác nhau, cho nên giáo pháp của Phật vì vậy mà cũng phải phân ra vô lượng, như vậy mới xứng hợp được với mọi trình độ của chúng sanh, để dễ dàng dẫn dắt họ nhập đạo và giải thoát.

    Các pháp đó đều là phương tiện đưa chúng sanh vào trong cửa đạo, rửa sạch hết tất cả điên đảo, phiền não, vọng tưởng của chúng sanh, dứt hết các bịnh tham chấp. Những pháp ấy mặc dù có sai biệt bất đồng nhưng diệu dụng của nó thảy đều giống nhau cả, như nước rửa bụi, thuốc trừ bịnh vậy.

    Tỷ như các loại nước… tuy rằng nước giếng không phải là nước suối, nước suối chẳng phải là nước sông, nước sông không phải là nước biển, vv…, nhưng mà nước nào cũng đều đồng có một tánh chất duy nhất là rửa sạch hết các thứ dơ bẩn, bụi bặm cả.

    Các pháp của Phật thuyết dạy ra cũng có tánh chất rửa sạch hết những phiền não, nghiệp chướng của chúng sanh giống y như vậy.

    Cho nên phải biết rằng :

    • Qua khỏi sông rồi thì không cần dùng đến bè nữa (bỏ bè đi).
    • Hết bịnh rồi thì không cần uống thuốc nữa (bỏ thuốc đi).
    • Ðắc đạo rồi thì thấy các pháp là không
    • không còn cần dùng đến nó nữa… (bỏ pháp đi, tức là dứt sự “chấp pháp”).

    Như hiểu được vậy, rồi y theo thâm nghĩa đó mà hành trì lâu ngày ắt chứng được tứ quả A La Hán, vĩnh viễn thoát ly khỏi vòng luân hồi sanh tử.

    Do vì như vậy nên :

    • Bồ tát phải dạy cho các chúng sanh tu học trong thời buổi mạt pháp nầy như thế nào ‌?
    • Trong thời mạt pháp nầy vì hầu hết căn tánh của chúng sanh đều ở trong vòng Trung (thì ít) mà Hạ (thì nhiều) chớ không còn có bậc thượng (căn) nữa), cho nên chư Bồ tát đều dạy chúng sanh tu tập về pháp môn Tịnh độ, suốt đời giữ mãi một câu niệm :

      Nam mô A Di ÐÀ Phật

      cho thật tinh thuần và phát nguyện quy hướng về nơi Cực Lạc. (Xem quyển TPNK trang 56-58.)

    Liên Tông nhị tổ là ngài Thiện Ðạo Ðại sư (ứng thân của Phật A Di Đà) có dạy lời rằng :

    Duy có đường tắt thoát ly,
    Chỉ niệm A Di Đà Phật.

    Vĩnh Minh Thọ Ðại sư (liên tông lục tổ) – cũng là ứng thân của Phật A Di Đà nữa – có dạy lời rằng :

    Không thiền có Tịnh độ,
    Muôn tu, muôn thoát khổ.
    vãng sanh thấy Di Ðà,
    Lo gì không khai ngộ.

    Nay đạo hữu (và tất cả chúng ta) cũng đang là một chúng sanh tội nhiều, chướng nặng, phước ít, đức mỏng sanh ra nhằm vào thời kỳ mạt pháp nầy, vậy phải cố gắng y theo lời của Phật và Bồ tát dạy, tích cực niệm Phật cho thật nhiều (hơn nữa), chớ nên thờ ơ mà lãng phí tháng ngày đi, uổng lắm.

    Tuổi xuân cùng sức khỏe qua mau không bao giờ trở lại và rồi cái Già, Bệnh, Chết cũng sẽ dần dần đến với chúng ta trong nay mai đây mà thôi !

    Kinh dạy :

    Tuổi trẻ qua mau như nước chảy,
    Lại còn nhanh chóng hơn gió to.
    Già suy tồi tệ chẳng nên ưa,
    Hư hết những gì người đời mến….
…………….

Thành thật vậy thay.

Trả lời câu hỏi thứ 8:

Trước hết phải hiểu thế nào là “thiện tri thức” cái đã rồi sẽ luận đến các việc khác sau.

Một bậc mà được gọi là “thiện trí thức” thì ít nhất cần phải hội đủ các điều kiện sau đây :

(lược thuật) :
  • m tánh mềm mỏng, hòa nhã (tức là không có sân hận, ác độc).
  • Giới hạnh tinh chuyên, oai nghi cụ túc
    (tức là không phạm vào các giới đã thọ. đi, đứng, nằm, ngồi phải đầy đủ oai nghi chớ không được thô tháo, vụt chạc mà trái lại phải đỉnh đạc, đàng hoàng).
  • Không tham lam sắc, tài, danh, lợi.
  • Không tật đố, ganh ghét.
  • Không luyến ái, ưa thích vật chất xa hoa (như chùa cao miễu rộng, xe cộ, ruộng vườn, vv…).
  • Tâm thường bình đẳng (xem người thân, kẻ oán như nhau).
  • Có pháp làm lợi cho mình (tức là hành đúng theo lời Phật dạy, ngôn hành tương ưng – nói và làm giống nhau).
  • Có pháp làm lợi cho người (đem pháp của Phật giảng rộng ra và khuyến dắt người người tu niệm).
  • Tùy theo căn tánh của mỗi người mà dùng pháp thích hợp để giáo hóa cho họ. (Biết rõ phương tiện thiện xảo.)
  • Ðủ pháp tổng trì (nghĩa là giữ điều Thiện đừng để mất và ngăn điều Ác không cho sanh khởi).
  • Lòng luôn luôn nghĩ tưởng tốt với mọi người (tùy hỷ).
  • tu hành trong sạch, không phạm vào luật của Phật chế (mà mình đã thọ). Thân, Khẩu, Ý chẳng có lỗi lầm.
  • Thuyết pháp, giảng luận nghĩa lý chi chi cũng đều đều khế hợp với ý kinh hết.
Và đặc biệt là :
  • Thi ơn cho người chẳng cầu báo đáp. (Vì nếu có cầu báo đáp thì đó không phải là “Thi ơn”, mà phải gọi là “tính toán”, thủ lợi.)
Có đủ các đức tính trên đây thì được gọi là : “Nhơn gian Thin Tri Thc”
Còn nếu như :
  • Có trí huệ hơn người.
  • Phước đức siêu quần (hơn hết tất cả).
  • Không một điểm nào, chỗ nào là không lành, tốt cả.
  • Không một pháp nào là không biết.
  • Làm Thầy Tổ, làm tai mắt cho cõi Trời, Người.
  • Là bậc cột trụ trong Phật pháp.
  • Cầm cái cân của Phật, lãnh đạo trong chốn tông môn.
  • Mở cửa chánh đạo.
  • Ngăn dẹp yêu tà.
  • Nối truyền cho dòng Phật mỗi ngày càng thêm hưng thạnh.
  • trí huệ siêu quần hơn hết tất cả tam giới.
  • Giới đức thơm ngát tỏa khắp mọi nơi, người người kính ngưỡng.
  • Lấy tâm Phật truyền nhau, khiến cho giống Phật còn hoài chẳng dứt.
  • Là một bậc đại căn.
  • Là một bậc đại hạnh.
  • Là một bậc đại nguyện.
  • Ðầy đủ hết hai phần OaiÐức khiến cho nhơn, thiên trong ba cõi kính yêu.
Ðến đây mới được gọi là :

“Chân Chánh Ði Thin Tri Thc”
(Lên đến bậc nầy thì chỉ có Phật, Bồ tát, và chư Tổ sư đắc đạo mới “đương danh” được mà thôi.)

Trên đây là những điều mà một bậc thiện tri thức cần phải có. Nếu không thì chẳng được gọi Chơn thật thiện tri thức (mà chỉ là “dối xưng thiện tri thức” – tức là kẻ Tăng Thượng mạn thôi).

Ðạo hữu hỏi :

  • Nhiệm vụ và công đức của một bậc thiện tri thức phải như thế nào ‌?
  1. Nhiệm vụ :

    Có nhiều Nhiệm vụ cho một người “thiện tri thức” lắm, đại khái xin lược kể như sau :

    • Làm cho Phật pháp tăng huy (ngày càng thêm rực rỡ).
    • Làm cho pháp luân thường chuyển (khiến cho Phật pháp Lưu thông và còn hoài không dứt).
    • Nối thạnh dòng Phật để cho chủng tánh Tam bảo trường tồn.
    • Hướng dẫn mọi người quay về nơi chánh đạo, chân chánh tu hành, vãng sanh Cực Lạc, vv…
  2. Công đức :

    Nếu hành trì được y như thế ắt sẽ được công đức nhiều đến “bất khả xưng kể.” công đức đó không thể lường tính được, duy chỉ có Phật mới rõ biết mà thôi.

    Người thiện tri thức ấy ngay khi còn mang thân tứ đại nầy cũng sẽ được Long Thiên hộ vệ, cung kính cúng dường. Chư Phật, Bồ tát hoan hỷ dùng mắt ngắm nhìn, thốt lời khen ngợi. Và khi xả mãn báo thân ắt sẽ được vãng sanh về nơi Tịnh độ, chóng thành được quả vị “Vô Thượng Bồ Ðề” của Phật.

Trên đây tôi đã riêng vì đạo hữu mà lần lượt tỏ bày, giải đáp. Những mong sao cho đạo hữu sớm phát được đại nguyện vãng sanh, y theo pháp môn Tịnh độ, bền giữ lòng Tín, Hạnh, Nguyện và chặt dạ tu trì.

Phải nên nhớ một điều quan trọng là ở trong đường tu hành thì :

Chớ nên dục tốc mà chẳng bền lâu.
Chớ nên biếng trễ mà không tiến ích.

Lại cũng cần phải biết :

Cảnh trần gian giả tạm nào được bền lâu.
Thân hư huyễn mong manh nội trong hơi thở !

Bởi thế cho nên cổ đức dạy rằng :

Thân nhơ, cảnh ác, có chi vui ‌
Nổi chìm, lên xuống, đà bao kiếp,
Trong đục không phân chịu lấp vùi.
Phải mạnh tiến,
Chớ nhác lui,
Vô thường chợt đến cũng tay xuôi,
Lông mày chữ “CHẾT” treo ngang mũi.
Niệm Phật chừng ni mới biết mùi.

Bài kệ nầy ý dạy :

  • Thân thể tứ đại thì hôi nhơ, còn cõi Ta Bà ác trược nầy đâu có chi vui.
  • Từ ngàn xưa đến nay chúng ta cũng bởi vì không phân biệt rõ được đâu là trong (chánh pháp), đâu là đục (tà pháp) nên Chơn tánh bị vô minh vùi lấp mà phải bị chuyển xoay trong vòng sanh tử, luân hồi, đến nay cũng vẫn còn cam phận làm một hàng “phàm phu bạt địa”.
  • Phải tiến tu đừng nên biếng nhác.

Vì một khi mà :

  • vô thường đã đến rồi, thì tất cả sở hữu thảy đều bỏ lại, chỉ còn mang theo nghiệp đi mà thôi.
  • Nên lấy chữ Chết” treo ngang trước con mắt để mỗi giờ, phút đều nhìn thấy nó cho Nhớ, và Sợ hầu lập tâm vững mạnh hơn trên bước đường Tịnh độ.

Chúc đạo hữu vững bước Tây quy.

Trân trọng.

Thơ…..
Niệm Phật
Hành Du
Lúc đi dễ thuận niệm Di Ðà,
Mỗi PHẬT tùng theo một bước qua.
Dưới gót hằng thời chơi Cực Lạc,
Trong tâm mỗi niệm cách Ta Bà.
Dạo chơi hoa liễu nhưng hằng nhớ,
Lên xuống non sông vốn chẳng xa.
Chờ lúc vãng sanh về Tịnh cảnh,
Mười phương du ngoạn tự như mà.
TỈNH AM Ðại sư
(Liên Tông thập nhứt Tổ).

 


[1]– Hiện chứng lượng : là bằng chứng hiển nhiên.

[2]– tàng thức : Tức là “thức chứa đựng” tất cả.
Ðây là thức A lại Da thứ tám.

[3]– Tánh : tức là Thức tánh là uẩn thứ 5 ở trong ngũ uẩn.
Attachments:
Download this file (hp17.pdf)thp17.pdf
Chia sẻ:

Bình luận