27.10.2021

THP 18: Phật tánh

1/- Thơ gởi đáp cho một Phật tử tại Texas.

Cái Lý :

“Tất cả chúng sanh đều có
Glossary LinkPhật tánh, và cái Phật tánh của chúng sanh cùng với Phật tánh của Phật đồng nhau không khác…”

Có nhiều ý nghĩa cao thâm chớ không phải chỉ cạn cợt thông thường mà người đời nay thường hay dựa vào (lời nói đó) không chịu tích cực tu hành mà còn lại nói thêm rằng :

Ðã có sẵn Phật tánh rồi thì sớm muộn gì cũng được thành Phật, miễn là không làm gì ác thôi, cần chi phải sám hối, niệm Phật…

Lời nói “cao siêu” ấy mới nghe qua thì tợ hồ như là đúng, nhưng nếu suy nghĩ kỹ lại thì thấy có rất nhiều sự sai lầm vô cùng nghiêm trọng gây tai hại cho chính mình cùng mang đến các ảnh hưởng không tốt cho đàn hậu tấn (tu học) về sau.

Trước hết xin được bày tỏ rằng:

Hàng phàm phu chúng sanh chúng ta tuy là có sẵn Phật tánh đồng như Phật – (điều ấy hiển nhiên rồi vì đây là lời Phật dạy) – nhưng cũng rất cần phải hiểu rõ thêm nữa rằng:
  • chúng ta vì bị hoặc nghiệp (tức là nghiệp báo) quá khứ cùng hiện tại cuốn lôi, vô minh che lấp, nên dầu có sẵn Phật tánh đồng như Phật mà vẫn không sao hiển hiện ra được. Ví như tấm gương báu bị bụi bám lâu ngày, chẳng những không còn ánh sáng nữa mà cái “thể tánh sáng” tự nhiên của gương cũng bị mất đi.
Nếu là người có trí huệ và biết đạo lý ắt phải hiểu rằng :
Tâm tánh của chúng sanh cũng y như thế.
  • Gương kia đã có sẵn cái sáng rồi, nếu cố công lau chùi mãi, tất nhiên sáng của gương sẽ lần lần phát hiện ra cho đến khi cái “thể sáng” của gương trở lại rực rỡ, chói ngời… thì gương ấy sẽ thành là một vật báu hy hữu vậy.

Tuy là có sẵn Phật tánh, nhưng nếu không biết y theo chánh pháp tu hành và cải dữ làm lành, bỏ tà quy chánh, mà cứ buông thả cho sáu căn bên trong (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) dong chạy theo sáu trần bên ngoài (là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) không chịu hồi tâm, phản tỉnh, thì cái Phật tánh kia dầu có nhưng cũng đồng như không (có) mà thôi.

Trong kinh Phật dạy:

âm:

“Như hà thế gian, tam hữu chúng sanh, cập xuất thế gian, Thanh văn, Duyên giác, dĩ sở tri tâm, trắc đạt Như Lai, vô thượng bồ đề, dụng thế ngữ ngôn, nhập Phật tri kiến ‌
Thí như cầm sắt, không hầu Tỳ bà, tuy hữu diệu âm, nhược vô diệu chỉ, chung bất năng phát.
Nhữ dữ chúng sanh, diệc phục như thị.”

Nghĩa:

“… Vả chăng cái “diệu tánh” (tức là Phật tánh) ở nơi người, tuy là cái “diệu thể” ấy đã hàm chứa đủ hết mọi sự diệu dụng rồi, nhưng cũng phải nhờ nơi “diệu trí” mới phát huy ra được.
Ví như đờn cầm, đờn sắt, đờn Tỳ bà, ống sáo, ống tiêu, vv… tuy là nó có sẵn cái tiếng diệu rồi, nhưng nếu không nhờ có ngón tay diệu (của người sử dụng) thì các tiếng diệu kia do đâu mà phát ra cho được ‌?
Nay ngươi và chúng sanh không diệu trí, thì cũng y như vậy.”

Cho nên phải biết rằng :

Cái Phật tánh ở nơi chúng sanh chúng ta cũng giống y như lời Kinh mà Phật vừa dạy vậy. Bởi nếu cứ nói ở trên môi, miệng hoài một câu: “Có sẵn Phật tánh rồi” mà không chịu tu hành, thì Phật tánh kia do đâu mà được phát sanh. Không lẽ đương nhiên thành Phật được hay sao‌?

Lấy theo cái lý cạn cợt thông thường của người đời mà nói thì khi xưa Thái tử Tất đạt Ða nào có được thành Phật liền ngay khi mới đản sanh đâu, mà sau nầy khi lớn lên nửa đêm Ngài vượt thành, xuất gia… sáu, bảy năm tu hành khổ hạnh nơi rừng sâu, núi vắng, … nhiên hậu rồi mới thành Phật được.

Và như vậy thì:

Muốn thoát khỏi sáu nẻo luân hồi được thành Phật thì điều bắt buộc cần phải có là thực hành hai phần lý và sự cho đầy đủ vậy.

Cũng như người đời phải tích cực học hành gian khổ, không ngại thức suốt đêm hôm, năm nầy qua năm khác, chẳng thối chí, nản lòng, … rồi sau đó mới thành được nên trang danh phận ngoài xã hội. Việc nhỏ ở đời mà còn phải như thế, huống chi giải thoát là việc đại sự hay sao ‌?

Phật dạy:

“Như Lai không bao giờ nói chỉ có ngôn thuyết (suông không thôi) mà chứng được đạo quả bồ đề cả, cần phải do nơi tu học trước rồi sau đó mới thành đạo được…”

Cũng như khi cần đến Lửa, thì phải lấy diêm quẹt đánh lửa lên trước rồi sau đó mới lấy bùi nhùi, hoặc cỏ khô, vv… dẫn cho lửa ấy cháy sáng tỏ lên thì mới nấu chín cơm, canh đặng chớ đâu phải chỉ lấy tờ giấy ra, viết chữ LỬA lên trên đó, rồi đem để nơi đáy lò thôi mà cơm canh chín được bao giờ!

Người đời nay thường hay dựa vào lý trong tâm sẵn có Phật tánh… mà giải đải không chịu tu hành, rốt lại ngày tháng trôi qua, già chết đáo đầu, ắt phải theo vô thường dẫn lộ mà luân chuyển vào trong sáu nẻo, như may mắn còn chút
Glossary Linkphước lành thì được sanh về lại nẻo trời, người. Còn như lúc sanh tiền, nếu phóng tâm tạo nghiệp chẳng biết hồi đầu, e cho phải lạc vào trong thai lừa, bụng ngựa, v.v… Chừng đó rồi thì làm sao mà nói là sẵn có Phật tánh, chẳng cần phải tu và tự nhiên thành Phật… được nữa.

Có ăn năn thế mấy cũng đã muộn màng !

Kẻ ngu ngàn việc cũng có lúc còn dùng đến được một đôi điều thì các lời dẫn giải nông cạn của tôi trên đây cũng xin được đạo hữu xét xem như thế.

Mong người quân tử cùng suy, cạn xét mà cố gắng niệm Phật cầu sanh về chốn Tây phương, kẻo uổng phí đi ngày tháng trôi qua không trở lại !

2/- Thơ gởi cho một Phật tử ở Santa Ana, California.

Ðạo hữu đã tự xem mình là một người tu Tịnh độ, há chẳng biết rằng pháp môn niệm Phật nầy lấy ba điều cốt tủy Tín, Nguyện, Hạnh để lập tông ư ‌? Ba điều (Tín, Nguyện, Hạnh) nầy cũng ví như một cái đảnh có ba chưn vậy, nếu thiếu một tất phải sụp đổ liền. Nên phàm là người tu Tịnh độ, lấy Tịnh nghiệp làm chánh, thì trước hết phải:

  1. Ðối với chữ Tín (là Tin) quyết định phải chấp nhận không được nghi ngờ, dù cho các mối “Nghi” đó nhỏ như bụi, mỏng như tơ đi chăng nữa, cũng phải được hoàn toàn tận diệt không cho còn có một chút sót thừa. Ðây là điều tiên quyết.
  2. Còn về chữ Nguyện thì trong quyển Tây Phương Nhật Khóa (nơi các trang từ 284-293) tôi cũng đã có lược qua rồi, nay chỉ xin nhắc sơ lại mà thôi, vì trong ba điều Tín, Nguyện, Hạnh đó thì chữ Nguyện là yếu tố quyết định của người tu Tịnh độ, được vãng sanh hay không là do ở nơi có Nguyện hay không mà thôi.

Tôi xem trong thơ thấy đạo hữu hỏi:

Nguyện và Hạnh đi chung hay riêng‌?

Ðã nói rằng Tín, Hạnh, Nguyện là ba điều quan trọng nhất của người tu Tịnh độ, sao lại còn hỏi là chung hay riêng ‌? Ðó gọi là không có việc mà làm cho thêm có việc vậy.

Người tu Tịnh độ chơn thật niệm Phật là như thế nào ‌?

Ðó là :

  1. Trong khi đang niệm Phật vẫn có đầy đủ hết ba môn Tín, Nguyện, Hạnh.
  2. Phải niệm cho tha thiết, chí thành như con nhớ mẹ trong lúc cảm thương kêu gọi.

Quyết chẳng bao giờ có việc :

  • Miệng thì niệm Phật mà tâm lại không Tin, không Nguyện thấy đức A Di Ðà Phật bao giờ.

Thế thì còn hỏi đến câu:

  • Nguyện, Hạnh chung hay riêng làm chi nữa‌?

3/- Phép dò xem hơi nóng khi lâm chung

để biết thọ sanh về nơi nào trong sáu nẻo đáng nên y cứ theo chớ chẳng nên nghi hoặc. Nhưng tôi e rằng người đời không biết rõ về việc nầy, nên khi thân quyến vừa mới lâm chung thì cứ mãi luôn tay sờ nắn, thăm dò xem hơi nóng nằm tại chỗ nào hoài (thí dụ như chồng mới chết mà người vợ cứ mãi đặt tay thăm dò hơi nóng hoài, hết đặt lên đầu, rồi lên trán, lên mắt, lên ngực, lên bụng, lên đầu gối, dưới bàn chân…) e làm cho khích động đến tâm yêu thương, luyến ái (trường hợp của vợ chồng, cha mẹ) hoặc giận tức (trường hợp người quá vãng là một trinh nữ hay góa phụ trọn đời giữ phạm hạnh trong sạch) của người chết mà làm cho hỏng mất cái sự vãng sanh của người quá vãng đi.

Vì thế nên nay, sẵn dịp đạo hữu hỏi, tôi xin đưa thêm ra một phương cách nhận diện khác nữa để biết người quá vãng đó có được vãng sanh hay không.

Ấy là :

  • Dùng sự nhận xét của người hiểu biết đạo lý.

Như thế nào ‌?

  • Nếu như bình nhật, mình thấy, biết, người đó hằng luôn niệm Phật tinh cần và có đầy đủ hết cả ba phần Tín, Nguyện, Hạnh. Ðến khi lâm chung chánh niệm (tức là vẫn còn tiếp tục niệm Phật cho đến khi nhắm mắt, tắt hơi) vẫn phân minh, rõ ràng, thì khỏi cần phải thăm dò hơi nóng làm chi, vì chắc chắn là kẻ đó quyết định được vãng sanh rồi vậy.

(Còn như muốn thăm dò hơi nóng cho chắc ý nữa thì phải chờ đến hai, ba, hoặc bốn giờ đồng hồ (sau khi tắt hơi) sẽ tiến hành – Vì lúc đó thì “tối hậu thức” tức là thức thứ 8 (A lại da) đã rời khỏi thân xác rồi, người quá vãng không còn có tâm thức động niệm và phân biệt nữa.)

4/- Phụ một đoạn câu hỏi.

  1. … trong kinh Vô lượng thọ có nói rằng: “Các ông có thấy ở tại nước An lạc có người ở trong thai chăng? ‌

    Ðức Di Lặc Bồ tát bạch rằng:
    Chúng tôi thấy tại nước An lạc đó, có người ở trong Thai cung điện bảy báu… sung sướng vui vẻ… Bạch đức Thế tôn, duyên cớ gì mà người ở nước An lạc có thai sanh, hóa sanh…”
    Và như vậy thì ở nõi nước Cực Lạc cũng còn có sự thác sanh bằng bào thai sao‌?
  2. Còn đệ tử thấy kinh nói ở biên địa của cõi An lạc có một nơi gọi là Nghi Thành dành cho các người chưa được nhứt tâm niệm Phật về cư trụ ở đó tu tiếp…

    Trong mấy điểm nầy, đệ tử còn có chút nghi chưa được tỏ sáng, mong thầy khai ngộ thêm cho…

Ðáp :

Về việc Thai Sanh và Nghi Thành nầy xin được giải đáp như sau:

  • Bởi vì trong đường tu Tịnh độ, có nhiều người ngoài miệng tuy niệm Phật mà trong lòng còn có sự nghi ngờ là:
  • Không biết niệm Phật như vậy mà Phật có đến rước không ‌?

Hoặc là:

  • Nghi pháp môn Tịnh độ không đáng tin lắm, vì có lý nào suốt đời làm ác mà khi lâm chung, hồi tâm niệm Phật có 10 câu cũng được vãng sanh… (Nghe mấy người tu Thiền bài bác Tịnh độ mà sanh nghi…)

Bởi vì niệm Phật mà còn bị đọa vào trong các sự hối hận, nghi ngờ đó cho nên bị ngăn che, cách ngại với Phật A Di Ðà cùng sự vãng sanh.

Do nơi nghĩa đó mà lập ra danh từ Thai Sanh Nghi Thành.

Nghĩa là :

  • Vì bị ở trong hoa sen 500 năm không được thấy Phật, nghe pháp, chớ chẳng phải là bị ở trong bào thai như chúng sanh chúng ta đâu.

Chớ nên chấp chặt theo nơi Chữ rồi giải Nghĩa sai lầm mà mang tội và cũng chớ nên cho rằng các bậc ở trong “Thai” ấy là không thuộc vào trong chín phẩm sen đâu.

Tóm lại :

Ở cõi nước Cực Lạc không có thai sanh, không có thành quách – Nhưng sở dĩ có danh từ Thai Sanh, Nghi Thành đó là ước theo nghĩa:

  • Vì không được liền ra khỏi Thai Sen (liên bào), phải bị cách ngăn với Phật để thí dụ cho Thai và Thành mà thôi.

Bởi đạo hữu (nói riêng) và một số các người học Phật khác (nói chung) chấp chặt vào nơi danh từ nên mới nghi ngờ và cho rằng các người ở trong Thai Sen như vậy là không thuộc vào trong số Cửu phẩm liên hoa.

Nên nhớ rằng :
Trong chín phẩm sen thì người được vãng sanh về bậc “Trung phẩm hạ sanh” phải ở trong “Thai Sen” sáu kiếp, người vãng sanh về bậc “Hạ phẩm hạ sanh” phải ở trong “Thai Sen” 12 đại kiếp, sau đó sen nở mới được thấy Phật và Bồ tát (xem lại quyển “Tây phương Nhật Khóa” phần chú giải các trang từ 574 đến 578).

Nếu nói theo lối Nghi của người chấp chặt nơi danh từ, ngôn ngữ, thì cái Thai và Thành của hai bậc vãng sanh nầy dầy đặc biết chừng nào ‌?

Cho nên phải hiểu rõ rằng:

12 đại kiếp nằm trong thai sen của bậc “Hạ phẩm hạ sanh” kia mà còn được xếp vào trong “cửu phẩm vãng sanh” thì thời gian 500 năm ở trong Thai Sen (liên bào) kia nào có bao lâu đâu.

Hơn nữa trong kinh văn của phần ấy còn có câu tiếp rằng :

“… Ở trong hoa sen không được xuất hiện…”
“Hoa sen” ấy không thuộc về nơi Chín phẩm sao ‌?

Cho nên phàm làm người học Phật pháp nên biết Pháp Nghĩa rộng lớn khôn cùng, phải thuận theo Pháp Nghĩa chớ chẳng nên thuận theo ngôn từ.

  • Thuận theo Pháp Nghĩa thì vào được trong cảnh giới bất tư nghị của chư Bồ tát, chư Phật. Còn thuận theo danh từ thì mãi mãi ở trong cảnh giới của chúng sanh.

Cho nên phàm làm người học Phật mà nếu cứ mãi cố chấp vào nơi ngôn từ thì khi xem Phật kinh ắt sớm muộn gì cũng sẽ phải bị lâm vào cảnh: “Không việc mà bày thêm ra cho có việc” mà thôi. Hỏi tới hỏi lui, đáp qua đáp lại, vv… thành ra tổn phí công lao và bút mực.

Cho nên trong đường tu, nhất là hành trì theo pháp môn Tịnh độ thì chữ Tin là phần đầu tiên bắt buộc cần phải có, nếu không thì phải bị lạc ngay vào trong chốn Nghi Thành (và Nghi Thành ấy có khi còn dầy hơn ngục Thiết Vi nữa)

Còn như hiểu biết rõ ràng, hành đúng theo lời dạy của pháp môn mà niệm Phật thì tự nhiên ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) lặng chìm, sáu đường (luân hồi) tiêu mất.

Hơn 20 năm ở trong đường đạo, tôi thấy có rất nhiều Phật tử, tại gia lẫn xuất gia cũng có, vì cứ mải cố chấp vào nơi “ngôn tự” cho nên ngoài miệng tuy giảng nói Phật pháp – nhất là giảng về Tịnh độ – mà vẫn mãi còn lẫn quẫn trong vòng mâu thuẫn (trái ngược nhau) mà thôi.

Ðó là tại sao ‌?

  • Bởi vì căn bịnh kiến chấp (của kiếp trước và kiếp nầy) chưa tiêu, thành ra khó thu hoặch được lợi ích trên con đường tu Tịnh độ.

Vậy nên phải cố gắng dứt Nghi và chấp đi.

5/- Trả lời cho Phật tử Tuệ Tâm, New Mexico.

(Phụ một đoạn nguyên thơ:

  1. …không biết sao mà cứ bệnh rề rề hoài, có bạn bảo nên bỏ niệm Phật A Di Ðà đi, niệm Phật Dược Sư mới hết bệnh…
  2. Con mong sao cho được nhứt tâm theo Phật,… tà giáo, ngoại đạo quá thạnh hành, con sợ bị lạc vào ma đạo của họ lắm…)

thơ đáp :

  1. Phải biết rằng:

    • Bịnh thì do nơi Thân mà sanh ra.
    • Thân thì do nơi Nghiệp mà sanh ra.

    Căn bệnh rề rề của đạo hữu , ở xứ Mỹ nầy có đầy đủ hết các loại thuốc men mà vẫn không dứt được, đó là do nơi túc nghiệp (nghiệp tiền kiếp) mà sanh ra – Muốn cho bệnh được mau lành ắt phải sám hối nghiệp chướng quá khứ, và hiện tại.

    Kinh dạy:

    Nếu người nào đời nay thân thể ốm yếu, bệnh hoạn triền miên… kẻ ấy phải biết là kiếp trước mình đã gây tạo nên nhiều nghiệp Sát (tức là giết hại sanh mạng của nhiều vật loại).

    Vậy cho nên kiếp nầy cần phải nên ăn chay, niệm Phật và cầu siêu độ cho các oan gia, nghiệp báo kiếp trước. Nói cầu siêu đây không phải là cần lập đàn tràng cho lớn, rước thầy tăng cho đông, tụng niệm rần rần mà gọi là cầu siêu đâu. Việc chánh yếu là phải nên tự mình hàng ngày thành khẩn sám hối và niệm Phật, rồi đem các công đức Sám, Niệm đó hồi hướng cho các nghiệp chướng tiền khiên, đại khái như sau:

    Nam mô A Di Ðà Phật,

    Ðệ tử tên là… (đọc tên mình ra), pháp danh là… (đọc pháp danh ra), tuổi… Nguyện đem công đức trì niệm nầy hồi hướng cho tất cả nghiệp báo oán, thân hoặc của kiếp nầy hay kiếp trước đều được siêu thăng, cao đăng Tịnh độ…
    Cùng nguyện cho tất cả pháp giới chúng sanh, tình lẫn vô tình, đồng thành Phật quả…

    Còn việc nói niệm Phật Dược Sư mới lành bệnh, niệm Phật A Di Ðà không lành bệnh… Ðó là một điều sai lầm, bởi niệm một Phật tức là niệm hết tất cả các Phật.

    Tại sao ‌?

    VÌ chư Phật trong khắp 10 phương đều đồng một pháp tánh thân như nhau cả.

    Nên một Phật tức là tất cả Phật, tất cả Phật tức là một Phật. Kinh gọi là Phật Phật Ðạo Ðồng vậy.

    Vả lại đức A Di Ðà Phật là Pháp Giới Tạng thân, tức là tất cả chư Phật ở khắp 10 phương có bao nhiêu công đức vv… ở nơi một đức A Di Ðà thảy đều có đủ, chớ nào có phải là Phật Dược Sư mới biết trị bệnh mà Phật A Di Ðà lại không biết đâu ! (Ðừng nên nghĩ như vậy nữa mà bị người biết Phật pháp chê cười là mình dốt đạo.)

    Phải biết rằng một câu A Di Ðà Phật nếu nhứt tâm xưng niệm ắt sẽ trừ diệt được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử. Như thành tâm lễ niệm đến Ngài thì lo chi túc nghiệp chẳng được diệt trừ ư ‌?

  2. Hàng ngoại đạo số nhiều có đến hàng trăm, ngàn loại khác nhau, nhưng việc công phu, hành đạo của họ rốt lại không ngoài các việc như luyện khí vận công, luyện đơn, xuất hồn, vv…

    Cũng có nhiều loại ngoại đạo mượn hình dáng và y áo của Phật giáo (để gạt Phật tử) bên ngoài thì họ cũng khuyên ăn chay, niệm Phật, hoặc tụng kinh, xem kinh, vv… Nhưng thật ra chính ngay nơi thâm tâm của họ, họ cũng không cho việc tụng niệm (mà họ khuyên) như thế là đạo.

    Họ cũng truyền giáo pháp “bí mật” (của họ) cho các tín đồ. Nhưng khi truyền pháp “bí mật” ấy thì họ thường truyền vào lúc ban đêm, đóng kín cửa sổ, bên ngoài cho người đề phòng canh gác nghiêm ngặt, chỉ cho riêng có người được “truyền pháp” vào bên trong mà thôi.

    Người được truyền pháp ấy trước hết phải phát lời thề độc địa là không được trái với lời dạy của họ, nếu không thì phải lãnh chịu kết quả của lời thề ấy.

    Xong rồi thì họ mới chỉ cho các khiếu (lỗ), huyệt ở trên mình hoặc trên đầu, sau lưng, trước ngực, trên bụng, vv… có nhiều huyệt phải cởi y phục ra mới chỉ bày được…

    Ðây thiệt là một bức tranh để mê hoặc người có tín tâm (mà thiếu trí huệ) và kém nhận xét sáng suốt.

    Họ còn lại nói thêm rằng:

    Khi đã được họ truyền pháp cho rồi thì không cần phải tu hành, thờ lạy Phật vv… làm chi. Năm ba năm sau sẽ được tự nhiên thành Phật ‌?!

    Việc truyền giáo của ngoại đạo đại khái là vậy.

    Giả sử như bỏ hết việc chỉ điểm các “huyệt”, và phát “lời thề”… đi. Ðem cái pháp của bọn họ mà công bố ra cho rõ ràng để mọi người tự do lựa chọn thì tất nhiên là họ và cách tu của họ quyết không còn đứng vững được (bởi vì kỳ quái và vô lý quá thì ai mà chịu theo).

    Còn trong Phật pháp của ta, quyết không có việc “bí mật truyền”, và phát lời thề độc như vậy… Ai tin thì theo, không tin thì thôi.

    Nghĩa là sao ‌?
    Nghĩa là cứ :

    Ðánh trống pháp, dộng chuông pháp (cho lớn), mưa pháp võ, thuyết pháp âm, vv… một cách quảng bá công khai, rành rẽ, cho mọi người, mọi giới đồng thấy, đồng hiểu, đồng tu, đồng thành Phật quả.

    Ðó là cái tôn chỉ hoằng pháp trong đạo Phật nhà ta vậy.

Ðạo hữu là Phật tử tu học theo Phật pháp mà Tâm còn sợ lung lay, e lạc vào ngoại đạo, sợ bị họ gạt gẫm,… đó là do lỗi tại mình không chịu niệm Phật, xem kinh, và nghe giảng pháp, nên mới không có chánh kiến, do vậy cho nên chẳng biết phân biệt đâu là chánh, tà, đâu là ma, Phật… mà chỉ bắt chước theo người rồi một mình và đơn phương tu niệm (thiếu minh sư, thiện hữu dẫn dạy), chớ chưa có lòng tin chân thật nên mới bị lâm vào hoàn cảnh như thế !

Còn nếu như biết thường xuyên gần gũi các bậc thầy hay, bạn tốt, nghe giảng và hiểu kinh pháp, phát khởi được lòng chánh tín rồi, thì cần chi phải lo sợ ngoại đạo dụ dẫn mình đi lạc lối.

Nguyện cho đạo hữu hằng luôn sám hối túc nghiệp của mình và niệm Phật A Di Ðà cho được nhập tâm, để một ngày kia, khi nhắm mắt lâm chung rồi, thần thức sẽ được theo Phật về nơi chín phẩm sen của miền An Dưỡng.

Ðó là điều cần thiết nhất.

Ngoài ra tất cả duyên đời thảy đều là ảo mộng mà thôi.

Cố gắng chớ quên lời tôi.

Attachments:
Download this file (hp18.pdf)thp18.pdf
Chia sẻ:

Bình luận