27.10.2021

THP 23: Cái gì là Thân thiết nhất và Thù nghịch nhất?

Trong bức thư này giảng giải về THÂN, KHẨU, Ý vừa là thân thiết với ta, lại vừa là thù nghịch với ta.

(Bài giảng của
Glossary LinkPhật tử BẢO ÐĂNG tại chánh điện chùa PHÁP HOA, Tucson Arizona trước chư Phật tử, bổn đạo…)

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT :

Kính thưa quý đạo hữu :

Như trong kinh dạy :
  • Ở trên đời nầy, (nói chung) và riêng trên thân thể của ta thử hỏi : Thứ gì là “thân thiết” nhất và thứ gì là “thù nghịch” nhất ‌?

Người Phật tử có học Phật pháp hãy thử trả lời xem ‌?

………………………….

Xin đáp rằng :

Chính ba căn THÂN, KHẨU, Ý của chúng ta, NÓ vừa là kẻ :
thân thiết nhất,

Và cũng vừa là kẻ :

Thù nghịch nhất.

của ta vậy.

Tại sao ba căn Thân, Khẩu, Ý nầy nó nguyên là của Ta, ở ngay chính trên mình Ta, sống trực tiếp hằng ngày với ta, nhận chịu không biết bao nhiêu là ân huệ của Ta, mà nó lại thi hành cái chánh sách “gián điệp đôi”, nghĩa là vừa THÂN mà cũng lại vừa THÙ như vậy ‌?

Thế thì làm sao mà TA “TIN TƯỞNG” nó cho được ‌?

Sao gọi là THÂN ‌?

Gọi là THÂN (thiết) đối với ta là vì ba căn nầy nó có thể mang lại lợi ích cho ta ngay cả khi còn sống hoặc sau khi ta đã bị chết đi rồi.

Như thế nào ‌ ?

  1. THÂN CĂN thân thiết :

    Sao gọi là “THÂN CĂN THÂN THIẾT” ‌?

    Trước hết phải hiểu rằng :

    Thân căn đây là cái thân thể “tứ đại” của mình vậy.

    Gọi là thân “tứ đại”, vì thân nầy do bốn thứ nguyên tố lớn là ÐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA phối hợp (giả tạm) lại mà thành, như sau :

    1. Trong thân thể của ta đây thì các phần có tánh chất đặc và cứng như : Thịt, da, tóc, lông, xương, răng, móng….là do ÐỊA đại (tức là đất) làm thành.

      (Vì thế cho nên sau khi ta chết đi rồi, thì thân thể nầy rã tan ra thành bùn, đất, cát, bụi…..

      Sách đạo gọi là : Thân bụi đất trả về cho bụi đất. chính là như vậy).

    2. Kế đến là các phần có tánh chất ướt, lỏng, mềm mại như : máu huyết, đờm rãi, nước miếng, nước mũi vv…..là do nơi THỦY ÐẠI (tức là nước) làm thành.

      (Vì thế cho nên sau khi ta chết đi rồi, thì các chất nước liền biến mất, (Dầu có cắt thân thể ra để tìm kiếm kỹ cho thế mấy đi nữa, cũng chẳng thấy còn được một chút chất lỏng nào (như máu chẳng hạn) tồn tại cả.

      Sách đạo gọi là : Nước trả về cho sông, biển. chính là như vậy).

    3. Tiếp đến là các phần có tánh chất cử động và điều hành cơ thể như : Hơi thở, tay chân co duỗi, ruột gan, tim, phổi co bóp, máu huyết lưu thông…..là do nơi PHONG ÐẠI (hơi gió) tạo thành.

      (Vì thế cho nên sau khi ta chết đi rồi, thì chất gió nầy liền biến mất, tim, gan, ruột, máu vv….thảy đều im lìm, bất động…..thân thể cứng đơ dường như gỗ, đá vô tri, vô giác.

      Sách đạo gọi là : Gió trả về cho gió.

      hoặc:

      Hơi (thở) trả Ðông phong (gió Ðông). chính là như vậy).

    4. Sau cùng là hơi nóng trên thân thể của ta là do nơi HỎA ÐẠI (lửa) tạo thành.

      (Vì thế cho nên sau khi ta chết đi rồi thì thân thể trở nên lạnh tanh.

      Sách đạo gọi là : Lửa hoàn về cho lửa. chính là như vậy).

    Bốn chất Ðất, Nước, Gió, Lửa nầy vì sao mà lại gọi là “phối hợp giả tạm” ‌?

    Gọi là “phối hợp giả tạm” là bởi vì chúng nó không ở chung với nhau bền lâu, bất quá chỉ hội hợp tạm trong một thời gian lâu hay mau nào đó (bằng số tuổi thọ của ta) mà thôi. Khi thân thể nầy chết đi rồi, thì chúng nó “mạnh đường ai nấy đi, nẻo ai nấy bước”, chớ không bao giờ nhìn ngó hay lưu luyến lại nhau và cũng không bao giờ cùng nhau xum họp như những ngày xưa cũ nữa !

    Nên gọi “phối hợp giả tạm” là như vậy.

    Sự tan rã nầy trong kinh gọi bằng một tên là : “tan rã CHÚNG ÐỒNG PHẬN” (tức là 4 đại nầy từ trước đến nay vẫn chung nhau làm một PHẬN SỰ là “duy trì cơ thể”. Nay cơ thể chết rồi thì chúng nó liền lìa bỏ nhau ngay, không còn “hợp tác” để cùng làm chung một “PHẬN SỰ” như khi trước nữa).

    Cho nên làm một người Phật tử tu học Phật pháp, chúng ta phải nên ý thức rằng:

    Thân nầy là thân giả tạm, yếu đuối, mong manh, không bền vững chút nào hết cả. Nó yếu đuối đến nỗi chỉ có một chút lạnh, một chút nóng, một con kiến, con muỗi, con mòng, con sâu…..cũng có thể “ăn hiếp” được nó như thường, và những lần bị “ăn hiếp” như thế, thì nó làm cho ta đau bịnh, sợ, lo….phải cấp tốc lo đi tìm thầy, chạy thuốc…..

    Bởi thế nên Phật dạy rằng :

    • Vì thân nầy không bền, không thật (là của ta), cho nên còn sống được ngày nào thì ta phải cố gắng lo tu hành (theo chánh pháp của Phật dạy) ngày đó, hầu để được :
    • Bỏ thân giả tạm, lấy thân bền chắc,
    • Bỏ thân vô thường, lấy được thân thường….. nơi cảnh Niết Bàn tịch tịnh giải thoát, an vui.

    Trở lại việc : Vì sao mà gọi ba căn Thân, Khẩu, Ý nầy là thân (thiết) ‌?

    Như trên vừa mới nói : “Phải dùng thân nầy mà làm phương tiện tu hành” cầu chơn giải thoát.”

    Vậy cho nên :

    • Nếu Thân nầy mà có và chịu tu hành thì gọi là thân thiết đối với ta vậy.

    Phải tu hành như thế nào ‌?

    Chính là phải tu ba điều lành.

    Ấy là :

    • Không sát sanh – Mà phải phóng sanh.
    • không trộm cắp – Mà phải bố thí, cúng dường.
    • Không tà dâm – Mà phải đoan trang, chánh hạnh.

    Nếu ta có “tu THÂN” như vậy, thì thân ấy được gọi là “THÂN CĂN thân thiết” đối với Ta và nó sẽ làm lợi ích cho ta ngay cả khi còn sống, lẫn sau khi chết đi rồi vậy.

  2. KHẨU CĂN (Miệng) thân thiết :

    Sao gọi là KHẨU CĂN thân thiết ‌?

    Cũng tương tợ như trên, khẩu căn được gọi “thân thiết” đó là :

    • “Phải biết dùng cái miệng nầy mà làm phương tiện tu hành cầu chơn giải thoát.”

    Vậy cho nên :

    • Nếu cái Khẩu (miệng) nầy mà có, mà biết, chịu tu hành thì gọi là “thân thiết” đối với ta vậy.

    Phải tu hành cái khẩu ấy như thế nào ‌?

    Chính là phải tu bốn điều :
    • Không nói láo – Mà phải nói lời ngay thẳng, chơn thật.
    • Không nói hung ác – Mà phải nói lời ôn hòa, hiền dịu.
    • Không nói trau chuốt, thêu dệt – Mà phải nói lời chánh lý, đứng đắn, không nói những điều, những lời gì mà có thể làm tổn hại đến danh giá, tánh mạng và tài sản của người.
    • Không nói đôi chiều : mà phải nói lời hòa giải, êm ái.

    Nếu như ta có “tu KHẨU” như thế, thì mới được gọi là “KHẨU CĂN thân thiết” và (cái khẩu ấy) nó sẽ làm lợi ích cho ta ngay cả khi ta còn sống lẫn sau khi chết đi rồi vậy.

  3. Ý CĂN (TÂM) thân thiết :

    Ý căn đây tức là TÂM Ý của mình. Chính (tạm gọi) là cái mà làm cho ta biết suy nghĩ, tính toán vv….vậy.

    Sao mới được gọi là Ý CĂN thân thiết ‌?

    Như Thân và Khẩu ở trên, Ý CĂN nầy được gọi “thân thiết”, đó là :
    Phải biết dùng cái Ý CĂN nầy mà làm phương tiện tu hành, cầu chơn giải thoát.
    Vậy cho nên :
    Nếu cái TÂM Ý nầy mà có, mà biết, mà chịu tu hành. thì gọi là “thân thiết” đối với ta vậy.
    Phải tu hành như thế nào ‌?

    Chính là phải tu ba điều :

    • Không tham lam – Mà phải biết thiểu dục, tri túc. (Tức là ít muốn, biết đủ).
    • Không sân hận (nóng giận) – Mà phải nhẫn nhục, hòa vui.
    • Không si mê (ngu tối) – Mà phải sáng suốt, trí huệ, biết rõ lý nhân quả, luân hồi (để tránh gieo tạo các nhân xấu ác).

    Nếu như ta có tu “TÂM Ý” như thế, thì (cái Ý đó) mới được gọi là “Ý CĂN thân thiết”, và nó sẽ làm lợi ích cho ta ngay cả lúc ta còn sống lẫn sau khi chết đi rồi vậy.

Tóm lại :

  • Nếu như ta có tu ba căn THÂN, KHẨU, Ý như trên vừa mới nói thì ba căn ấy mới được gọi là :
  • thân thiết của ta, (đáng cho trời, người quý trọng).
  • Làm lợi ích cho ta nơi cõi Trời người.

Ðến đây, xin được kể ra một câu chuyện để làm chứng tín :

“….Ðêm ấy, tại “THI MA LÂM” (là rừng chứa thây chết).

Bên Ấn Ðộ thời xưa, trước lúc Phật ra đời và ngay cả khi Phật còn trụ thế, người Ấn Ðộ có một phong tục là :

Ðối với người chết (như gia đình giàu có thì mướn người thiêu xác, còn nghèo quá không có khả năng thiêu hóa thì mang xác ấy vào bỏ trong một cánh rừng gọi là “THI MA LÂM” để cho nắng mưa (hoặc chồn sói ăn xé….) tiêu hoại dần dần)

Có một hiện tượng phi thường xảy ra :

Ðó là :

Hào quang chiếu sáng rực rỡ, trong hào quang ấy hiện ra một vị Thiên nhơn (người trên cõi Trời) thân tướng tốt đẹp, trang nghiêm với y phục và châu báu cõi trời, đang quỳ bên cạnh một cái xác mới vừa chết bần cùng, vô chủ, bị đem vứt bỏ vào trong Thi Ma lâm.

Thiên nhơn ấy có vẻ bùi ngùi cảm động, đem hương hoa trên cõi trời rãi cúng dường lên thân xác của thây ma đó, đoạn đọc lên bài kệ khen ngợi (thây ma ấy) rằng:

Ngươi là đời trước của ta,
Nhờ ngươi TA mới được ra thể nầy.
Thân trời đẹp ai sánh tầy.
Cung vàng, điện ngọc trời xây sẵn dành.
Nhờ ngươi kiếp trước tu hành.
Tụng kinh, bố thí, phóng sanh làm lành.
Nên nay ta một lòng thành,
cúng dường đáp nghĩa tiền sanh chút tình.

cúng dường xong, Thiên nhơn ấy cung kính đảnh lễ thây ma (tiền thân của mình) rồi bay trở về trời.

Như thế đó, ta thấy rằng :

Tuy người chết đó là một người bần cùng, không thân quyến (có lẽ đi làm mướn, hay ở đợ cho nhà giàu cũng không biết chừng), sau khi chết thân xác bị kéo vào bỏ trong Thi Ma lâm…..

Nhưng:

  • Phúc đức thay cho người quá vãng, bởi vì trong kiếp sanh tiền (Như trong bài kệ ở trên đã nói) người ấy tuy là nghèo cùng, khốn khổ, nhưng khi còn sống bởi vì nhờ biết tu hành các hạnh.
  • Tụng kinh, bố thí, phóng sanh. Nên sau khi chết, mặc dù xác thân tứ đại bị đem vất bỏ nơi chốn rừng hoang, nhưng thần thức của người chết đó nương vào nơi các nghiệp lành đã tu tập trước kia và được sanh lên cõi trời, làm một vị thiên tử.

Vị thiên tử ấy (mới dùng thiên nhãn quán xem kiếp trước ta nhờ vào nơi căn lành nào mà được sanh về cõi trời và) sau khi biết rõ được tiền nhân…..nên ngài mới bay xuống nhân gian, đến bên xác chết tiền thân của mình mà cúng dường và bày tỏ lên lòng tri ân, nhớ nghĩa…..(qua bài kệ trên) vậy.

Xin kể thêm một câu chuyện tương tợ như vậy, để trước là làm chứng tín “thân thiết” và sau cũng hàm ý nhắn gởi đến mọi người, phải nên sớm biết thức tỉnh và tu hành các thiện pháp theo lời Phật dạy.

Như sau :

Lúc Phật còn trụ thế,…..

Một hôm tôn giả CA CHIÊN DIÊN (là một trong 10 vị đại đệ tử của Phật) đi trên đường, gặp một bà lão ở đợ, nghèo khổ, tay cầm thau nước, ngồi bên bờ giếng khóc nức nở, muốn trầm mình tự tử.

tôn giả ngăn lại và hỏi lý do, bà lão ấy đáp.

  • Thân tôi nghèo khổ, cô cùng, phải đi ở mướn cho người, nay tuổi già, làm việc nặng nhọc không nổi nữa, bị chủ nhơn đánh chửi khổ não không kham, tủi thân muốn quyên sinh cho rồi một kiếp…..

tôn giả nói :

  • Sao bà không đem “cái nghèo khổ” ấy bán đi ‌?

Bà lão hỏi :

  • Cái nghèo khổ có thể bán được sao, ai mà dám chịu mua cái nghèo khổ ấy, mà ví như có bán được đi nữa thì phải bán thế nào ‌?

tôn giả đáp :

  • Bần tăng xin tình nguyện chịu mua cái nghèo khổ ấy của bà.

Bà lão hỏi :

  • Thầy chịu mua sao, làm thế nào mà tôi bán được ‌?

tôn giả đáp :

“Nay tôi xin cung kính cúng dường bát nước trong nầy lên tôn giả, nguyện xin thương xót mà nạp thọ cho”.
  • Vậy bà hãy đi múc một thau nước trong sạch đem đổ vào trong bình bát của ta và thành thật nói rằng :

Bà lão làm y theo lời.

tôn giả CA CHIÊN DIÊN nhận bát nước trong từ nơi tay bà lão nghèo dâng cúng và lâm râm chú nguyện…..

Ðêm ấy vì bị đói, lạnh nên bà lão mệnh chung.

Vì là tôi đòi, không thân thích, nên thân xác bị kéo bỏ vào Thi Ma lâm.

Nhưng,

Nhờ hết lòng thành kính cúng dường cho một vị A la Hán, lại được bậc Thiên, nhơn sư chú nguyện cho, nên sau khi chết, thần thức của bà lão liền được sanh lên trời “Tam Thập Tam Thiên” (Trời Ðạo lợi) làm một vị thiên tử (loại thông thường).

thiên tử ấy liền say mê và vui thú trong ngũ dục lạc của cõi trời (mà quên bẳng đi tiền kiếp của mình).

Nhằm lúc ấy ngài XÁ LỢI PHẤT đang có mặt ở trên cõi trời nầy để giáo hóa chư thiên, thấy biết được chuyện như vậy, mới kêu vị thiên tử ấy đến, hỏi rằng :
  • Nay ngài mang được thân Trời thắng dịu, mà có biết tiền nhân của kiếp trước như thế nào chăng ‌?

thiên tử ấy đáp :

  • Không nhớ biết được.

Ngài XÁ LỢI PHẤT liền cho mượn thiên nhãn quán sát túc căn…..

Sau khi thấy biết được nhân duyên tiền kiếp xong, thiên tử ấy sanh lòng “Tàm quý” (hổ thẹn với mình, với người) liền bay xuống nhân gian cúng dường và quy y nơi tôn giả CA CHIÊN DIÊN, cùng vào nơi rừng Thi Ma đảnh lễ thân xác của mình (Như đã nói ở trước).

Các trường hợp nầy vv…..

Các sự tu thiện ba Căn Thân, Khẩu, Ý…..

như thế thì gọi là :
“BA CĂN thân thiết”

vậy.

Sao gọi ba căn Thân, Khẩu, Ý là Thù nghịch ‌?

Gọi ba căn là thù Thù nghịch vì ba căn nầy có thể mang lại sự tổn hại lớn lao cho ta ngay cả khi ta còn sống hoặc sau khi ta đã bị chết đi rồi.

NHƯ THẾ NÀO ‌?

  1. THÂN CĂN Thù nghịch :

    Sao gọi là “Thân căn Thù nghịch” với ta ‌?

    Gọi “Thân căn Thù nghịch” với ta là khi ta còn sống, (vì ta không biết đạo, không biết tu hành theo lời Phật dạy vv….) cho nên ta dùng “thân tứ đại” của ta mà tạo ra ba thứ ác nghiệp.

    Ðó là :
    • Không phóng sanh, cứu mạng – Mà lại luôn luôn sát sanh, hại mạng.
    • Không bố thí, cúng dường – Mà lại luôn luôn keo kiệt, trộm cắp, gian tham…..
    • Không đoan trang, chánh hạnh – Mà lại luôn luôn tà dâm, tà hạnh.

    Vì không có “tu THÂN” mà lại còn luôn hành các hạnh xấu ác như vậy, nên thân ấy được gọi là “THÂN CĂN Thù nghịch”. Với cái thân căn “Thù nghịch” nầy, nó không mang lại cho ta được chút chi lợi ích hết, cả ngay khi ta còn sống lẫn sau khi chết đi rồi vậy !

  2. KHẨU CĂN Thù nghịch :

    Sao gọi là “Khẩu căn Thù nghịch” ‌?

    Gọi “khẩu căn Thù nghịch” với ta, là bởi vì khi ta còn sống (vì ta không biết đạo, không chịu tu hành theo lời Phật dạy vv…..). Cho nên ta dùng cái “KHẨU CĂN” (miệng) ấy mà gây tạo ra bốn thứ ác nghiệp.

    Ðó là :
    • Không nói lời ngay thẳng chơn thật – Mà lại luôn luôn nói các lời dối, láo.
    • Không nói lời ôn hòa, hiền hậu – Mà lại luôn luôn nói lời hung ác.
    • Không nói lời chánh lý, đứng đắn, không nói lời giữ danh giá, tánh mạng và tài sản của người – Mà lại luôn luôn nói lời thêu dệt, trau chuốt.
    • Không nói lời hòa giải, êm ái – Mà lại luôn luôn nói lời hai chiều, lời tổn hại.

    Vì không có “tu KHẨU” mà lại luôn nói các lời “ác ngôn” như vậy, nên KHẨU ấy được gọi là “KHẨU CĂN Thù nghịch”.

    Với cái “khẩu căn Thù nghịch” nầy, nó không mang lại cho ta được chút chi lợi ích hết, ngay cả khi ta còn sống lẫn sau khi ta chết đi rồi vậy !

  3. Ý CĂN Thù nghịch :

    Sao gọi là “Ý CĂN Thù nghịch” ‌?

    Gọi “Ý CĂN Thù nghịch” với ta, là bởi khi ta còn sống (vì ta không biết đạo, không chịu tu hành theo lời Phật dạy vv….). Cho nên ta cứ để cho cái “Ý CĂN” (TÂM Ý) ấy tự do gây tạo ra ba thứ ác nghiệp.

    Ðó là :
    1. KHÔNG BIẾT thiểu dục, tri túc – Mà lại cứ luôn luôn sanh khởi ra các sự tham lam quá đáng….
    2. KHÔNG CHỊU nhẫn nhục, hòa vui – Mà lại cứ luôn sanh khởi ra các niềm sân hận, hại thù….
    3. KHÔNG CÓ sự sáng suốt, trí huệ.

      KHÔNG TIN các sự luân hồi, quả báo….

    Mà lại cứ :

    • luôn luôn ngây dại, ngu tối, si mê, không chịu gần gũi các bậc minh sư, thiện hữu (để học hỏi đạo pháp và tu hành)….

    Nếu như ta cứ luôn luôn phóng túng TÂM Ý và si mê như thế mãi…. thì ta sẽ gây tạo ra vô số ác nghiệp. Do vì như vậy cho nên cái “Ý CĂN” ấy được gọi là “Ý CĂN Thù nghịch”.

    Với cái “Ý CĂN Thù nghịch” nầy, nó không đem đến cho ta được chút chi ích lợi hết, ngay cả khi ta còn sống lẫn sau khi chết đi rồi vậy.

Tóm lại :

Nếu ta không chịu tu THIỆN ba căn Thân, Khẩu, Ý nầy cho được trở thành “thân thiết”, mà ngược lại cứ để cho nó tự do phóng túng và gây tạo ra các sự “Thù nghịch” như thế mãi thì hiện tại và mãi mãi trong những kiếp về sau ta sẽ gánh chịu không biết bao nhiêu là quả báo xấu ác, khổ đau trong ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).

Chừng đó dù cho có hối hận thế mấy đi nữa cũng đã muộn màng !

Ðến đây, xin được kể ra một câu chuyện để làm chứng tín :

… “Ðêm ấy, cũng tại “Thi Ma LÂM”… Có một con ngạ quỷ, diện mạo xấu xa đáng sợ, trên đầu tóc tai bù xù, rối như ổ quạ, thân thể hôi hám thúi tha, miệng phun ra vòi tửa,….Con ngạ quỷ ấy trên tay cầm một cây roi sắt, nghiến răng trợn mắt, đánh loạn đã vào một cái tử thi mới chết, cả tiếng mắng chửi (cái thây chết đó) rằng:

Khốn nạn mi : đồ thân hôi thối,
Cũng tại mi mà ta mất mối.
Sanh về cõi Phật, cõi trời người.
Ngạ quỷ mang thân không kịp hối !
Xưa ngươi keo, bẩn, tham, sân, si,
Làm lành một mảy cũng từ chối.
Khiến ta hôm nay đến nỗi nầy.
Ðánh mi, chửi ta hai thằng thối.

Con ngạ quỷ ấy cứ đánh chửi thây ma tiền thân của nó như vậy suốt cả đêm., đến gần sáng mới chịu đứng lên, khóc to đầy vẻ phẫn hận, đau khổ, đoạn tan biến vào trong lòng đất….

Qua hai câu chuyện :

  • “thân thiết” của vị Thiên nhân.

Và :

  • “Thù nghịch” của con ngạ quỷ.

kể trên….

là người Phật tử chân chánh, biết tu học theo đạo mầu giải thoát của Phật, chúng ta phải nên suy nghĩ và cư xử như thế nào (trong suốt cuộc đời của mình) ‌

Phải nghĩ rằng :

  1. Ba căn Thân, Khẩu, Ý của ta có thể sẽ giúp cho ta, khi còn sống trở thành một bậc hiền nhân, quân tử.

    Khi chết được sanh về nơi các thiện đạo của cõi Trời, người.

    Trong đó, nếu như có kiêm thêm những hạnh : bố thí, trì giới, phóng sanh, niệm Phật vv….ắt sẽ được sanh về các Tịnh độ của chư Phật ở tha phương.

  2. Ngược lại, nó cũng có thể khiến cho ta khi sống trở thành một tên tiểu nhân ác gian, bại hoại….

    Khi chết bị đọa vào ba ác đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

    Trong đó, nếu như có kiêm thêm các tội : Ngũ nghịch, hủy phá Tam Bảo….ắt sẽ bị đọa vĩnh viễn vào nơi A Tỳ địa ngục….

    Biết bao giờ mới được thoát ly !

Vì thế cho nên Phật mới dạy rằng :

  • thân thiết nhất của ta cũng là ba căn Thân, Khẩu, Ý.

Mà :

  • Thù nghịch nhất của ta cũng là ba căn Thân, Khẩu, Ý mà thôi.

(Kỳ sau tiếp)

Attachments:
Download this file (hp23.pdf)thp23.pdf
Chia sẻ:

Bình luận