27.10.2021

THP 28: Sự lợi ích giữa Thiền và Tịnh

  1. Việc tu hành phải lấy hai chữ chí quyết và cùng cực làm đầu để hạ thủ công phu chớ chẳng phải chỉ tu lơ láo qua ngày…ví như thiền tông lấy câu thoại đầu mà tham cứu, thì bên Tịnh độ cũng lấy câu Nam Mô A Di Đà Phật làm câu thoại đầu mà chuyên tâm trì niệm đến nhứt tâm bất loạn.
  2. Gần đây con thấy có nhiều thầy mở các khóa dạy Phật tử tu học đủ mọi pháp môn hết, như có thầy ra thông bạch nói :

    Vậy thì việc mở khóa tu như vậy đó có đúng hay không ‌?

(Tiếp theo số 27)

Cho nên nếu ai là người có thật tâm muốn tu học theo
Glossary LinkPhật pháp phải lắng lòng quán xét cho thật kỹ lại căn tánh của mình trước, rồi chọn lấy một pháp môn tu tập tương xứng đoạn y theo đó mà mãi miết hành trì, ắt sẽ có ngày chứng ngộ. Chớ đừng nên vì muốn được cái “hư danh hào nhoáng” bên ngoài (như được người đời khen tặng, kính phục) mà tu theo giáo môn quá cao, ngoài tầm khả năng (cùng sự thấu hiểu) của mình, ắt sẽ phải bị lâm vào trong cảnh.

“Con ếch muốn to bằng con bò”

hay là :

“Thường dân mà tiếm xưng ngôi vị Thiên tử”

Thì việc ấy chỉ có mang hại thêm mà thôi, chớ chẳng thu nhập được một chút lợi ích nào (trên đường tu tập) cả.

Trong một số thơ hồi đáp cho vài ba đạo hữu khi trước cùng ở nơi các quyển sách mà tôi chú giải cùng biên soạn đã được PHÁP HOA bổn tự ấn tống trước đây (như các quyển Tây Phương Nhật khóa, Thơ gởi người học Phật….) tôi có lược qua về những sự lợi ích thiết thực giữa THIỀNTỊNH rồi, gần đây trong quyển “Liên Tông Thập Tam Tổ”, nơi lời sau cùng tôi cũng đã có phân biệt rõ về “KHÔNG MÔN”“HỮU MÔN” của Thiền Tông và Tịnh Ðộ nữa, mong đạo hữu hãy xem kỹ lại, ắt sẽ rõ hơn.

Phải biết rằng :

Trong Phật pháp có đến vô lượng giáo môn tu tập khác nhau (vì chúng sanh có vô lượng căn cơ sai biệt, nên Phật pháp vì đó mà cũng phải phân chia ra vô lượng môn tu cho được tương xứng) nhưng pháp môn nào cũng thế, ở nơi đây có nghĩa là :

Muốn thu hoạch được sự thành tựu, thì hành giả (tức là người tu) cần phải lấy hai chữ “chí quyết”“cùng cực” làm đầu để “hạ thủ công phu”, chớ chẳng phải là chỉ tu “lơ láo qua ngày” cùng chạy theo hình tướng rỗng tuếch bên ngoài (tức là chỉ có tu ở trên môi miệng thôi) mà chứng đắc được đâu.

Chẳng hạn như :

  1. Về phương diện tu Thiền :

    Thì người tu Thiền (Thiền giả) ấy phải dựa vào nơi một cái “CÔNG ÁN” mà tham cứu [1], có khi phải mất một thời gian lâu dài mới tỏ ngộ được.

    Sao gọi là “CÔNG ÁN” ‌?

    Tức là người “Thiền giả” ấy chọn lấy một câu “THOẠI ÐẦU” [2] không có ý nghĩa và đạo vị gì hết làm “bổn mạng, ngươn thần” của mình, rồi ngày đêm suy nghĩ và tìm cầu cái “nghĩa lý chơn thật” của nó (đến nổi) bất kể ngày, tháng, năm qua (tuyệt không nghĩ đến các việc chi khác) (ngoài nó) ra cả.

    (Chẳng hạn như cái “CÔNG ÁN” sau đây :

    (Có lời nói vô nghĩa lý và không đạo vị, ý cũng chẳng trọn đủ).
    Có một vị “Thiền khách” đó đến hỏi đạo nơi Thiền sư BA LĂNG rằng :
    • “Tổ ý” và “giáo ý” giống nhau hay là khác nhau ‌

    BA LĂNG Thiền sư liền đáp :

    • “Gà lạnh bay lên cây, Vịt lạnh lặn xuống nước”.
      (Câu nầy là CÔNG ÁN)

    Sau đó có Thiền sư BẠCH VÂN NGHĨA ÐOAN phê bình lời CÔNG ÁN trên chưa trọn đủ, chỉ mới có được 50% mà thôi.

    Nếu là ta (ngài NGHĨA ÐOAN) thì ta sẽ đáp lời cho kẻ hỏi kia rằng :

    “Cúc thủy nguyệt tại thủ,
    Lộng hoa mãn hương y”.

    Tạm dịch :

    “Vốc nước trăng nằm trong tay,
    Ðùa hoa hương thơm đầy áo”.

    (Hai câu nầy cũng lại là “CÔNG ÁN” nữa).

    Về sau, có ngài TRUNG NGUYÊN Thiền sư lại phê bình câu CÔNG ÁN của ngài NGHĨA ÐOAN là chỉ mới đúng được có 80% mà thôi.

    Nếu là ta (ngài TRUNG NGUYÊN) thì ta sẽ đáp lời cho kẻ hỏi kia rằng :

    “NHƠN NGÃ VÔ MINH XÂU LẠI MỘT CHÙM”

    (Câu nầy cũng là “CÔNG ÁN” nữa).

    Người học (cũng như kẻ) tu Thiền “suy cứu” mấy câu CÔNG ÁN “vô nghĩa” nầy để được “thấu hiểu nghĩa lý”

    Việc “suy cầu” ấy có khi phải trải qua năm, mười năm hay đôi ba chục năm….cũng không biết chừng. Trong thời gian suy cứu các “thâm nghĩa” đó, thì bởi vì không nghĩ đến những việc chi khác hết, cho nên tâm não của bậc “Thiền giả” ấy cũng như là “cây khô, đá lạnh” (khô mộc, hàn nham) vậy.

    Nghĩa là :

    Ðối với các hoàn cảnh trong ngoài [3] đều không thiết tưởng gì đến nữa cả, cứ tiếp tục suy cứu mãi cho đến khi nào “tiêu kiến, dứt tình” thì mới được gọi là “đại triệt, đại ngộ”.

    Sao gọi là “Tiêu kiến, dứt tình” ‌?

    Tức là : Tỏ lòng, thấy tánh.

    Việc nầy trong đạo gọi là : “Hạnh khởi tuyệt giải” của người tu Thiền đúng theo tôn chỉ của “Thiền môn chánh tông” trong đạo Phật nhà ta vậy.

    Còn như :

  2. Về phương diện tu TỊNH (Ðộ) :

    Thì người “hành giả” ấy trước hết phải :
    • Khởi lòng TÍN, NGUYỆN sâu thiết.
    Rồi kế đó :
    • Lấy câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT làm “thoại đầu”“chuyên tâm trì niệm”, cho đến khi nào được “nhứt tâm bất loạn” tức là :
    • Trong thì : Quên hết cả tình tưởng (Tức là 4 ấm Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều lặng chìm).
    • Ngoài thì : Sáu căn tịch tịnh (Ðối với sáu trần).
    Tức là :
    • Mắt không bị sắc làm mê Ðây gọi là “con mắt niệm PHật”.
    • Tai không bị âm thanh chi phối Ðây gọi là “lỗ tai niệm Phật”.
    • Cho đến 4 căn còn lại là : Mũi, Lưỡi, ThânÝ.

      đều không bị các trần Hương, Vị, Xúc, Pháp làm cho mê nữa thì sẽ được tiến vào trong chơn cảnh “NIỆM PHẬT TAM MUỘI”, đến chừng đó rồi thì mỗi khi hành giả ấy khởi niệm (tưởng đến Phật nào) ắt 10 phương chư Phật thảy đều hiện bày ra nơi trước mặt….

Tóm lại :

Một hành giả dù là tu THIỀN hay tu TỊNH chi chi đi nữa cũng phải :
Trong tâm thì diệt hết tình, tưởng. Ngoài thân thì diệt hết trần cảnh.
Trong đạo gọi cảnh giới nầy là :

Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm,
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm….

Nghĩa là :

Cây khô xơ xác giữa rừng đông,
Mấy độ xuân qua chẳng đổi lòng….

Hai câu thơ trên đây đã minh nghĩa lại (một lần nữa) các ý vừa mới được nêu trên vậy.

Trong đạo gọi đây là (lý) Nhị không (hai thứ đều không).

Tức là :

  1. Sắc (thân của mình đây) cũng còn không tưởng nghĩ đến nữa (đây gọi là sắc không) Mà sắc thân của mình đã không được tưởng nghĩ đến rồi, thì làm sao và lại có bao giờ tư tưởng đến sắc thân của người khác ư ‌

    Ðây gọi là dứt Ngã tướng Nhơn tướng.

  2. Tâm tưởng (lăng xăng, lộn xộn) của mình đây cũng không còn tưởng nghĩ đến nữa (Ðây gọi là Tâm không) Mà Tâm của mình đã không được tưởng nghĩ đến rồi, thì làm sao và lại có bao giờ tưởng nghĩ đến Tâm của ai khác được ư‌

    Ðây gọi là dứt chúng sanh tướng và Thọ giả tướng.

    Do vì SẮC, TÂM đã bị DỨT KHÔNG tưởng nghĩ đến như vậy rồi cho nên tâm thể được “LẶNG SUỐT MỘT MÀU” ngay khi ấy liền chứng đạo, vượt qua hết tất cả khổ ách.

    Trong Bát Nhã tâm kinh gọi là :

    NGŨ UẨN GIAI KHÔNG, ÐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH.

    Các bậc Tổ sư cùng với những bậc tiên hiền cổ đức khi xưa nhờ hành theo đúng đường lối như thế cho nên thảy đều được chứng đắc, do đó mà “đạo phong” truyền rộng khắp hết cả mọi nơi, mãi cho đến các đời sau nầy (và cả hiện nay nữa) mỗi khi nhắc đến đại danh cùng thánh hiệu của quý NGÀI, ai ai cũng đều cúi đầu đảnh lễ, khâm phục và tôn kính hết cả.

Trở lại câu hỏi của đạo hữu là :

Việc hóa đạo (về THIỀN trong thời buổi hiện tại) nầy là đúng hay sai ‌?

Việc đúng hay sai ấy hãy nên tạm gác qua một bên chẳng cần bàn luận đến vì e sẽ có sự đấu tránh, hơn thua. Nhưng nay cứ lấy “chánh kiến”“chánh trí” ra mà quán xét lại các phương pháp tu Thiền (cùng với những kẻ hành Thiền) đang được hoằng truyền thời nay (người có trí) ắt sẽ tự biết.

Như thế nào ‌?

Tức là hãy xem cái “tâm não” (qua sự dụng công tu tập mỗi ngày) của người tu Thiền đó có được như KHÔ MỘC, HÀN NHAM chăng ‌

Hay là :

…Ngồi chưa ấm chiếu,
Chạy khắp Tây, Ðông.
Thân như sai dịch,
Danh lợi mê lòng.
Ðức hạnh ngày tổn,
Tiếng xấu càng sinh…

Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy.

ẤN QUANG Ðại sư là vị Tổ sư thứ 13 của TỊNH TÔNG có dạy rằng :

Ða phần các người tu Thiền đời nay đều chỉ là “NGỘ NHẬN THIỀN” mà thôi chớ chẳng phải là người tu Thiền chân chánh như khi xưa nữa.

Vì sao mà Tổ sư gọi người tu THIỀN đời nay là “NGỘ NHẬN”(Tức là hiểu lầm về chữ THIỀN và cách thức tu THIỀN).

Ðó là bởi vì hầu hết các “Thiền giả” hành Thiền trong thời buổi hiện tại nầy, không vì mục đích là muốn được “Tiêu kiến, dứt tình” hay “Tỏ lòng thấy tánh” chi cả, mà chỉ vì :

Muốn relax (tức là nghĩ mệt sau những khi làm việc nhọc nhằn hoặc bằng đầu óc, hoặc bằng sự lao động tay chân mà thôi).

Còn đối với các cảnh “ngoài”“trong” tức là hai phần “Tướng”“Tâm” thì họ không cần biết đến, cứ mãi thả lỏng, buông lung tâm tánh mê đắm theo ngũ dục, lục trần….

Ngày tháng lần lượt trôi qua, già chết đáo đầu….

“Hành Thiền” theo lối ấy thật là uổng phí đi thời gian tu tập nhọc nhằn mà không thâu hoạch được chút chi lợi lạc cho sự giải thoát về sau hết cả.

Ðấy chính gọi là CUỒNG THIỀN, MA THIỀN vậy….

Bởi pháp tu THIỀN (như vừa giảng nói ở trước) là một phương cách “TRỰC CHỈ CHƠN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT”.

Tức là : CHỈ THẲNG LÒNG NGƯỜI, THẤY TÁNH THÀNH PHẬT. (Tánh đây tức là “Chơn tâm, Phật tánh” đó).

Cho nên chỉ có các hàng thức giả căn cơ ở vào bậc THƯỢNG THƯỢNG mới có thể đương nhiệm nổi, chớ còn các hàng “lục lục thường tài” (tức là hàng Trung căn, Hạ căn như chúng ta đây) thì vói chẳng đến được, chỉ nên tu theo pháp môn Tịnh Ðộ và nương vào bổn nguyện của đức A DI ÐÀ Thế Tôn cùng sức tự lực hành trì của mình mà giải thoát ra khỏi vòng luân hồi nơi ba cõi mà thôi.

Trong đường đạo, Tổ sư đã có lời dạy rằng :

Phi THƯỢNG THƯỢNG căn, thân vật khinh hứa,

Nghĩa là :

Nếu chẳng phải là bậc thượng căn,

Thì :

Chẳng nên tu học theo Thiền.

(Và cũng chẳng nên khinh tháo mà truyền dạy Thiền cho họ học nữa)

Bởi lẽ tu Thiền, nếu như hành đúng theo phương cách thì “thấy tánh thành đạo” được ngay, còn nếu dụng tâm sai lầm thì bị đọa (vào địa ngục) mau như tên bắn (vì mang tội hủy báng Tam Bảo).

(Tôi cũng đã từng thấy đời nay có rất nhiều vị (xuất gia cũng có mà tại gia cũng có) tu tập theo pháp môn trực chỉ THIỀN, thì đa phần (đến hơn 90%) đều không tôn trọng PhậtBồ Tát tượng chi cả, họ nói rằng nếu còn có thấy, còn cung kính và còn thờ lạy PHẬT tượng cùng đọc tụng kinh sách….tức là còn có “chấp tướng” trái với tôn chỉ của Thiền Tông vv….

Cho nên họ không tôn kính Phật một cách đúng mức (với tất cả tấm lòng qúy trọng) mà chỉ đặt một tượng Phật “nhỏ xíu” trên bàn thờ cho có “vị” mà thôi. Mỗi khi “hành Thiền” thì thay vì ngồi nhìn (quán) tượng Phật, thì họ lại ngồi quay mặt ngó vào trong vách tường !!

Có người hỏi tại sao thì họ đáp rằng :

  • Ngó vào vách tường trống không như vậy là để phá sự “chấp vào nơi hình tượng” dù cho hình tượng đó là Phật, Tổ gì gì đi nữa cũng không nên chấp.

Nhưng có một điều (đáng buồn) mà họ quên nghĩ đến rằng :

  • Ngó vào tường vách như vậy thì cũng còn có chấp tướng rồi.

Bởi vì tránh được cái cảnh :

Không chấp Phật tượng,

Thì lại bị vướng vào trong cảnh :

Chấp lấy vách tường !!

Nếu đã chấp “vách tường” như thế thì thôi thà là “chấp Phật tượng” đi, e lại càng mầu nhiệm hơn nhiều (lại còn khỏi mang thêm tội “hủy báng Tam Bảo” nữa).

Vì thế cho nên các bậc THẦY ở trong đạo, nếu như muốn “Hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự” (làm sứ giả của Phật, thay thế Phật mà hành đạo) một cách chân chánh cho xứng hợp được với bi tâm độ sanh của Phật, ắt phải nên lắng lòng lại mà quán xét cho kỹ căn tánh của các hàng học Phật ngày nay (và của cả chính mình nữa) trong thời buổi mạt pháp nầy mà hoằng truyền pháp môn tu học sao cho thích hợp với hoàn cảnh, căn cơ hiện tại, hầu cho người học Phật dễ dàng ngộ nhập vào và mau được giải thoát hơn.

Chớ không nên hoằng đạo theo thời trang hoặc là tùy thuận theo ý muốn của các hàng “học Phật cầu danh” hay chỉ có chuyên tu ở trên “đầu môi chót lưỡi”…thôi, mà :

Không tròn bổn phận của người xuất gia trước ngôi Tam Bảo.

Bởi vì nếu như :

Thuyết pháp bất đậu căn,
chúng sanh một khổ hải.

Nghĩa là :

Nếu dạy Pháp tu mà không hợp đúng với căn cơ,

Thì :

chúng sanh sẽ bị chìm nơi biển khổ.

Và như thế thì :

Trách nhiệm đó quy về ai đây ‌?

Sách đạo có câu :

Giáo bất minh, sư chi đọa.

Tức là :

Dạy đạo mà không rõ ràng thì ông thầy bị đọa trước vậy.

Mong tất cả đều cùng nên lưu ý.

Trả lời câu hỏi thứ 4 :

Như một cội cây thì có chia ra nhiều cành

Phật pháp thì có chia ra nhiều chi phái, môn đình khác nhau cũng lại như thế.

Thí dụ như là các tông môn Thiền, Tịnh, Giáo, Luật, Mật vv….

Mỗi một “chi phái môn đình” như vậy đều có một sự tiếp độ và thi thiết (phương cách hóa đạo) riêng biệt.

Chẳng hạn như :

  1. Bên THIỀN Tông thì lấy tôn chỉ :

    “ Chỉ thẳng lòng người, thấy Tánh thành Phật” làm Tông.
  2. Bên TỊNH Tông thì lấy tôn chỉ :

    “ Một đời vãng sanh được bất thối chuyển” làm Tông.
  3. Bên HOA NGHIÊM Tông thì lấy tôn chỉ :

    “ Lìa thế gian, nhập pháp giới” làm Tông.
  4. Bên THIÊN THAI Giáo thì lấy tôn chỉ :

    “ Mở bày, ngộ vào tri kiến Phật” làm Tông.
  5. Bên TAM LUẬN Tông thì lấy tôn chỉ :

    “ Lìa hai bên nhập vào Trung đạo” làm Tông.
  6. Bên PHÁP TƯỚNG Tông thì lấy tôn chỉ :

    “ Nhiếp vạn pháp về chân duy thức” làm Tông.
  7. Bên MẬT Tông thì lấy tôn chỉ :

    “ Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật” làm Tông.
  8. Bên LUẬT Tông thì lấy tôn chỉ :

    “ Nhiếp Thân, Khẩu (ngữ), Ý vào Thi la tánh” [4] làm Tông.

    vv………….

Tóm lại là mỗi một “chi phái, môn đình” đều có riêng phần “sở kiến”“sở thủ” rồi y theo đó mà thi thiết cùng giáo hóa cho các hàng môn hạ.

Trong Phật pháp sự tiếp độ các hàng học Phật được phân ra theo cách thức như vậy.

Cho nên từ ngàn xưa, chư vị Tổ sư thảy đều y cứ theo phương cách như thế mà tiếp độ các hàng môn nhân, Phật tử tu học.

Ðến nay, tuy là đã trải qua hàng ngàn năm rồi nhưng những sự tiếp độ, hoằng truyền Phật pháp trong các chốn Thiền môn và riêng cho mỗi “chi phái, môn đình” đều y theo như vậy mà thi hành (việc hóa đạo).

Các bậc thầy lớn thuộc hàng tiền bối dạy xuống cho các thầy nhỏ thuộc đàn hậu tấn cứ theo như phương cách đó mà hoằng dương Phật pháp.

Hiện nay, các bậc Thánh tăng và chư vị Tổ sư thảy đều nhập diệt, chỉ còn lại có hàng “Phàm tăng”, tuy là cũng có công tu hành và hoằng dương Phật pháp, nhưng thật ra về phần “chứng đắc” thì vẫn không chứng đắc được chút chi hết cả.

Do vì như vậy cho nên các hàng xuất gia Tăng, Ni rất cần phải nên tích cực và “chuyên nhất tu tập” đúng theo tôn chỉ của tông môn cho đến nơi, đến chốn, chớ không nên “tạp tu” nhiều pháp môn mà phải bị lâm vào trong cảnh :

“Bắt cá hai tay”, ắt sẽ chẳng được kết quả chi hết cả.

Liên Tông Nhị tổ là THIỆN ÐẠO Ðại sư, tương truyền là ứng thân của đức A DI ÐÀ Phật đã có đạy rằng :

…. “Nếu như tạp tu mà không chí tâm, tất trong ngàn người khó mong được một” (người thành tựu).

Còn đến như việc của một vị tăng nào đó truyền rao qua thông bạch là “mở ra một khóa tu “Vô tiền khoáng hậu” (có một không hai) dạy Phật tử tu học đủ hết mọi pháp môn, ai muốn theo học thì đến ghi danh, đóng lệ phí”….

Lời nói nầy đối với sự hoằng pháp và việc hóa đạo trong Phật giáo nhà ta tự nó đã sai lầm tận đến gốc rễ rồi.

Ở chỗ nào ‌?
Ở các chỗ :

Vị thầy nầy tự khoe khoang và cho là mình đã được “Tổng trì” hết các môn giáo pháp của Phật và của các “chi phái, môn đình” rồi cho nên mới dám đại ngôn “Tùy cơ diễn giáo” như vậy….(chấp ngã quá nhiều).

Lời đại ngôn nầy đã sai trái với lời Phật dạy là :

Bỏ chuyên tu mà hành tạp hạnh.

Nghĩa là :

Bỏ sự chuyên nhất hành trì (theo một giáo môn), mà tu tập “lung tung, lộn xộn”, tức là môn nào cũng kiêm nhiệm hết cả.

Ối chà chà !

Tôi cũng chẳng biết vị Tăng mà đạo hữu đề cập ấy “Trí huệ” đến bậc như thế nào mà lại “Tổng trì” được hết các giáo môn đặc thù (riêng biệt) của các chi phái, môn đình khác như vậy nữa ‌

Bởi vì gồm kiêm mọi pháp và tuỳ theo căn cơ cùng sự ưa thích của mọi người mà dẫn dạy, đó là việc làm của Phật và chư đại Bồ Tát chớ ngoài ra (kể luôn cả các bậc Tổ sư) không một ai đương danh nổi hết.

Lấy Thí dụ như :

  1. Ðức Lục Tổ HUỆ NĂNG là một vị (cổ Phật tái lai và là một) Tổ sư chánh truyền y bát, ấy vậy mà trọn một đời giáo hóa, Ngài chỉ chuyên dạy về môn “trực chỉ Thiền” không mà thôi, chớ đâu có thấy ngài dạy thêm pháp môn gì khác ngoài đó nữa đâu.
  2. 13 vị Tổ sư Tịnh Ðộ (mà hầu hết qúy Ngài ấy đều là PhậtBồ Tát ứng thân ra hết cả) từ sơ tổ HUỆ VIỄN cho chí đến tổ thứ 13ẤN QUANG (và gần đây là Việt Nam Liên Tông Sơ Tổ THÍCH THIỀN TÂM nữa) trọn một đời hóa đạo của quý Ngài, chỉ có rặt ròng hoằng truyền giáo môn Tịnh Ðộ mà thôi, chớ đâu có thấy quý Ngài dạy thêm pháp môn nào khác ngoài đó cả đâu ‌

Ðây cũng cần phải nói thêm là chẳng phải các vị Tổ sư nầy không biết (hoặc là dốt nát) các giáo pháp khác đâu (Chớ nên nghĩ lầm như vậy mà mang tội) nhưng sở dĩ qúy Ngài chỉ chuyên hoằng hóa có mỗi một pháp môn như thế là vì muốn để :

  1. xứng hợp với lời Phật dạy (là chuyên tu “nhất hạnh” mà chẳng nên tu “tạp hạnh”).
  2. Ngầm khai thị cho các hàng xuất gia hậu học về sau là nếu như muốn cho mau thành đạo thì phải nên chọn lấy sự “chuyên tu” chớ không nên hành trì “tạp nhạp”, nghĩa là chớ nên nay thì tu pháp môn nầy, mai lại đổi và tu theo pháp môn khác (tạp tu).

Cho nên ta thấy rằng :

Các bậc Tổ sư xưa thảy đều tu hành và hoằng đạo theo một phương pháp “chuyên nhất” như thế, huống hồ chi đến cả ngàn năm sau (tức là hiện nay), căn cơ của các hàng học Phật đều ở vào bậc HẠ hết, mà (riêng cho vị Tăng ấy) lại dám tu hành và hoằng đạo sai trái với đường lối của Phật, Bồ Tát và chư Tổ đã dạy lại hay sao ‌?

Liên Tông Bát tổ là ngài LIÊN TRÌ Ðại sư (tức là ngài CHÂU HOẰNG) (tương truyền là ứng thân của Phật A DI ÐÀ) có dạy rằng :

“ Nếu như không biết tự lượng sức mình mà bắt chước theo Phật, nay nói pháp nầy, mai diễn pháp khác….thế thì thành ra là mờ mịt, chẳng có sư thừa.

Ðó tuy nói là lợi ích cho người, nhưng thật ra chỉ càng làm cho người thêm lầm lạc mà thôi”.

tại sao thế ‌?

Bởi vì Phật là đấng Pháp Vương đối với các pháp thảy đều được tự tại cả. Còn kẻ thường dân mà tiếm xưng Thiên tử ấy là một điều nguy hiểm, há chẳng nên kiêng dè ư ‌?

Như vậy thì y theo pháp ý của Tổ sư đã dạy lại, ta có thể hiểu được rằng :

  • Những kẻ (tại gia hoặc xuất gia) nào mà thường ưa đại ngôn rằng :

    Ta đây là một người đa văn, quảng bác, Tổng trì hết mọi giáo pháp của các môn đình, ai muốn tu học theo pháp môn nào cũng được, hãy cứ đến nơi ta, ta sẽ chỉ dạy hết cho….

    (Như trường hợp của vị tăng nào đó mà đạo hữu đã đề cập ở trong câu hỏi).

    Thì kẻ đó đích thực là :
  • Người tu “mờ mịt” không có sư thừa (Tức là “tu mù” chớ không có thầy (minh sư) dẫn dắt). Trong đạo gọi các kẻ tu như thế là “manh sư, hạt luyện” (tu đui, luyện mù).

    Do vì như vậy cho nên (kẻ ấy) độ mình đã không xong rồi, thì làm sao độ được cho người, như cảnh của một kẻ mù mà lại dẫn dắt theo một đám người đui, ắt sự tai hại sẽ không sao lường được vậy !

Hiện nay là thời kỳ mạt pháp, y như lời Phật đã huyền ký rằng :

… “Tuy có kinh giáo mà không có kẻ hành trì”…

Và :

… “Về sau, khi Pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược nầy, tà đạo nổi lên rất thạnh.

Lúc ấy có những quyến thuộc của ma trá hình vào làm sa môn để phá rối đạo pháp của ta…
……………….

Lúc ấy,

Có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất gia làm tăng, ni, họ thiếu đạo đức, dâm dật, tham nhiễm…

Phật pháp suy vi là do bọn nầy.

Lại có kẻ trốn phép vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác không học, không tu…

Nếu có đọc tụng kinh văn, thì họ không rành câu, chữ [5] không chịu học hỏi ở nơi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải.

Tuy thế, bề ngoài họ cũng làm ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô trương (khoác lác) để mong được mọi người cúng dường…

Các Tỳ kheo ma nầy, sau khi chết sẽ bị đọa vào trong địa ngục, ngạ qủy, súc sanh trải qua nhiều kiếp”…

Bởi thế cho nên trong thời buổi hiện nay có rất nhiều hạng ma, ngoại, tà tăng lẫn lộn vào trong cửa đạo, bên ngoài tuy là họ cũng đã có trải qua đủ các đàn, giới (Sa di, Tỳ kheo, Bồ Tát), y áo và tăng tướng đường hoàng, nhưng bên trong thì hoàn toàn trống rỗng, dốt nát, giảng kinh, nói pháp sai lầm, không rành câu chữ, phần nhiều là họ chỉ chuyên lo phần cúng kiến như cầu siêu, cầu an… (kinh gọi là “thợ tụng”) để tìm cầu lợi dưỡng và hư danh mà thôi.

Các Phật tử không có chánh kiến và thiếu chánh trí rất dễ bị họ làm cho lầm lạc.

Việt Nam Liên Tông Sơ Tổ là ngài VÔ NHẤT đại sư (tức là Hòa Thượng THÍCH THIỀN TÂM) có lưu lại lời dạy rằng :

… “Những kẻ giả tu, muốn nhận diện cũng không khó, qúy vị chớ vội nghe theo lời trau chuốc bên ngoài, mà hãy xét kỹ nơi ngôn ngữ cùng hành động của họ, tự khắc sẽ biết”…

Hơn nữa trong kinh Ðại Niết Bàn Phật cũng đã dạy rằng :

  • “ Có hạng người việc làm kỹ (hay) nhưng tâm chẳng chánh, chẳng thiệt (giả dối).
  • Có hạng người tâm kỹ mà việc làm chẳng chánh thiệt….

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch Phật rằng :

Bạch đức Thế Tôn, như lời Phật nói thì hai hạng người nầy làm sao mà nhận biết được họ ‌

Phật phán :

Nầy Thiện nam tử, hai hạng người nầy thiệt là khó biết được.

Vì khó biết nên :

  1. Phải cùng họ ở chung.

    Ở chung nếu chẳng biết được

    Thì :

  2. Phải ở lâu.

    Ở lâu nếu chẳng biết được.`

    Thì :

  3. Nên dùng Trí huệ.

    Dùng Trí huệ mà chẳng biết được.

    Thì :

  4. Nên quán sát, suy gẫm kỹ.

    (Nơi lời nóihành động để xem ngôn hành của họ có đi chung với nhau chăng.

    Do quán sát, suy gẫm kỹ thời sẽ biết được chân diện mục của họ).

Nầy Thiện Nam tử,

Nếu có đầy đủ bốn điều : Ở chung, ở lâu, Trí huệ, quán sát, rồi sau đó mới biết (là chân hay giả)….

Cho nên nếu muốn biết một người nào đó (hoặc tại gia, hoặc xuất gia) là chánh hay tà, chân hay giả thì ngoài việc nghe theo lời họ nói không thôi cũng vẫn chưa đủ, mà phải quán sát kỹ nơi chỗ “dụng làm” (hành động) của họ rồi suy gẫm, sau đó ắt sẽ tự biết vậy.

Tóm lại,

Phật pháp và sự hóa đạo không phải là một việc buôn bán, đổi chác theo lối thương mãi thường tình, cho nên không cần phải quảng cáo, vận động chỗ nầy, chỗ kia hay khoe khoang, tổ chức rầm rộ, hoặc nói là chỉ có ta mới làm được việc (mở khóa tu học) “Vô tiền khoáng hậu” nầy…. làm chi.

Vì như thế (qua câu hỏi của đạo hữu về một vị tăng nào đó)…. là vô tình làm cho :
  1. Nhẹ đi cái giá trị của khóa tu (nói riêng) và giáo môn tiếp độ của chi phái, môn đình (nói chung).
  2. Chứng tỏ rằng sự hoằng pháp, hóa đạo của mình (vị tăng đó) sai trái với đường lối của Phật và Tổ dạy.
  3. vô tình tự bày tỏ ra cho các bậc đại gia thức giả trong đạo thấy biết rằng mình là người tu mờ mịt, không có sư thừa (tức là thầy dạy) và chi phái, môn đình, rõ rệt.
  4. Làm nên một trò hí luận và để cười cho các bậc tác gia trong cửa đạo.
    Và còn :
  5. Mang thêm tội tăng thượng mạn nữa.

……………

Việc ấy sai lầm, quyết không nên tiếp tục.

Và:

Cần phải tu chỉnh lại.

(Kỳ sau tiếp)

Ðạo hành pháp

Ðạo hành “Tứ Tướng” tảo năng trừ,
Tham chấp hà thời bạt thế cư ‌
Thúc liễm thân tâm trừ lậu nghiệp,
Hoàn quy tự tánh chứng chơn như.
Nhược nhơn kiến thủ sanh tà vọng,
Khẩu, Ý, Thân thời tác nghiệp dư.
Ðại thánh thường tu “Như Thử Thị”,
Bồ Ðề quả mãn đại nhân sư.

sa môn THÍCH HẢI QUANG
(HẢI QUANG thi tập)

Tạm dịch :

phương cách tu hành

Người tu “Bốn Tướng” [6] phải mau trừ,
Tham chấp làm sao xuất thế ư ‌?
Giữ kỹ thân tâm trừ nghiệp quấy,
Ắt về “tự tánh” [7] chứng chơn như.
Nếu còn mãi tưởng sanh tà vọng,
Khẩu, Ý, Thân liền tạo nghiệp dư [8].
Thánh giả thường tu “Như Thị” [9] pháp,
Bồ Ðề thành tựu đấng nhơn sư.

Bồ Tát giới BẢO ÐĂNG dịch




[1]– tham cứu : suy cầu cái nghĩa lý “chơn thật” ở trong đó.

[2]– Câu Thoại đầu : là một câu nói (hoặc đàm thoại, hay đối thoại) nào đó mà nghĩa lý của nó (câu nói ấy) chưa được rõ ràng, trọn đủ (gọi tên là “CÔNG ÁN”. Trong Thiền Tông Trung Hoa có cả thảy là 1700 CÔNG ÁN).

[3]– Trong : là ở trong tâm tưởng (tức là bốn ấm Thọ, Tưởng, Hành, Thức).

Ngoài : là các ngoại duyên (tức là SẮC ấm) và các trần Sắc, Thanh, Hương, Vị Xúc.

[4]– Thi la : là giới luật Ðây tức là giới “Ba la Ðề Mộc Xoa” của hàng Phật tử xuất gia như : Sa di giới, Tỳ kheo giới, Bồ Tát giới….

[5]– Câu chữ : ý nói là nghĩa lý (thâm nghĩa) của kinh văn.

[6]– Tứ Tướng : là Ngã tướng, Nhơn tướng, chúng sanh tướng, Thọ giả tướng. Ðây là bốn tướng của chúng sanh.

[7]– tự tánh : là Chơn tánh, Phật tánh, Bổn giác tánh vv….(và còn có nhiều tên khác nữa).

[8]– Câu nầy ý nói : Thân, Khẩu, Ý tạo ra rất nhiều nghiệp dữ khiến cho bị đọa lạc nhiều kiếp mà cũng còn “DƯ THỪA” (tức là vẫn chưa hết những nghiệp tội đã gây ra).

[9]– Như Thị : là “Tịch diệt” tướng, “Niết Bàn” tướng vv…(và còn có nhiều tên khác nữa), kinh có câu : “Như thị ngã văn”…
Attachments:
Download this file (HP28.pdf)HP28.pdf
Chia sẻ:

Bình luận