27.10.2021

THP 29: Có Địa ngục hay không?


(Tiếp theo số 28)

TRẢ LỜI CÂU HỎI THỨ NĂM :

(Nhắc lại câu hỏi :

5/- Trong kinh có nói về địa ngục, việc ấy thì con rất tin tưởng không nghi ngờ gì hết, nhưng con có nhiều bạn khác, họ không tin vào việc nầy, thường nói lời bài bác, và cười chê con là mê tín dị đoan, nói chuyện hoang đường,…..như là nói đào đất ra có thấy địa ngục gì đâu, chỉ toàn là đất đá mà thôi.

Con cũng không biết biện luận ra sao.

Xin thầy từ bi giải niềm nghi hoặc.

…………………………

ÐÁP :

Nếu như các người bạn của đạo hữu quả thật là chơn
Glossary LinkPhật tử [1] thì việc “Ðịa ngục” nầy đâu có chi đáng để phỉ báng, nghi ngờ !

Tại sao ‌?

Bởi vì :

Những lời dạy về Ðịa ngục ấy đều toàn là lời của Phật (và chư Bồ tát) thuyết ra cả.

NHƯ LAI là một bậc toàn giác, thầy của 9 giới chúng sanh, [2] là nơi quy ngưỡng và tôn kính của tất cả Trời, Người nói riêng và “lục phàm, tam thánh” nói chung, thì những lời của NGÀI đã tuyên thuyết ra làm sao mà hư vọng hay sai lầm cho được.

Chỉ tại người đời vì bị vô minh làm cho điên đảo, nên cứ mãi thuận theo dòng mê, lại thêm gần gũi hoặc thờ phụng các loại tà sư, ác hữu nên tâm sanh ra các thứ loại kiến chấp sai lầm, như là:

  • Thân kiến (Thấy biết sai lầm về thân mạng),
  • Biên kiến (Thấy biết có một bên, một chiều, không đầy đủ….)
  • Tà kiến (Thấy biết tà vạy).
  • Kiên thủ kiến (Thấy biết sai lầm nhưng vẫn cố tâm chấp chặt và giữ lấy chớ không chịu buông bỏ, sửa đổi).
  • Giới thủ kiến (Chấp chặt các giới luật ngăn cấm sai lầm không chánh đáng).

Chính vì bị năm thứ kiến chấp nầy sai sử, cho nên tất cả những sự Thấy, Nghe, Hay, Biết của chúng sanh chúng ta đều hoàn toàn trái ngược lại với các “lời thánh giáo” [3] đến nổi phải bị lâm vào trong thảm cảnh là :

Tà quấy thì lại thuận hành theo !

Còn :

Chơn chánh thì lại nghi ngờ, phỉ báng !

Thật là :

Ðáng thương, đáng buồn và đáng tiếc vậy thay !

Tôi thấy :

Hầu hết những sự hiểu biết của người đời nay đều không ngoài phạm vi tai nghe, mắt thấy. Hễ những gì vượt quá giới hạn giác quan thông thường mà họ có thể thấy biết được thì họ đều lắc đầu không tin nhận, đôi khi lại còn thốt ra các lời mỉa mai, chế giễu, dù cho đó là lời dạy của các bậc thánh nhơn đắc đạo, giải thoát họ cũng không màng !

Phải biết rằng cảnh giới của phàm, thánh đều khác biệt nhau. chúng ta đây thảy đều là phàm phu nhục nhãn, sự thấy biết chỉ ở trong vòng vô minh, mê muội, thì làm sao có thể căn cứ vào đó mà phê phán được các lời chỉ dạy của thánh nhơn….

Cho nên đối với những hạng người không có đức tin và vô đạo lý “nói ngang ba làng nói không lại” như thế, thì đạo hữu chớ nên cãi cọ với họ hay buồn phiền làm chi cho tổn nhọc tâm mình.

Ðể gián tiếp trả lời cùng chứng minh về việc Ðịa ngục là hay KHÔNG nầy, nay:

Tôi xin thuật lại lời đối đáp của một bậc cao tăng cho một kẻ nói lời bài bác về việc “địa ngục không đáng tin nầy” trước là để riêng cho đạo hữu và sau nữa là chung cho các người học Phật khác học hỏi thêm hầu được nhẹ đi phần nào tâm tư phiền não:

Khi xưa có người (thuộc về hạng loại vừa kể trên) nói với Ngài NHỨT NGUYÊN Ðại sư rằng:

Những lời nói về địa ngục trong các kinh sách không đáng để làm cho tôi tin vậy.

Ngài NHỨT NGUYÊN đáp :

Thế thì những lời nói về nhà giam, nhà tù của người đời cũng không đủ làm cho ta tin vậy.

Kẻ đó nói rằng :

Nhà giam, nhà tù vẫn hiện có đó, nhan nhãn cùng khắp mọi nơi, sao thầy lại chẳng tin, vậy là thế nào ‌?

NHỨT NGUYÊN Ðại sư đáp :

Tuy có nhà giam, nhà tù đó nhưng ta vẫn xem như là không có vậy.

Kẻ kia nói :

Tuy là nhà thầy không bị lâm vào trong cảnh giam cầm, không biết đến cái khổ của kẻ bị nằm trong vòng tù ngục, nhưng mà nhà thầy cũng không thể nào nói ngang bướng rằng không có nhà tù, nhà ngục được.

NHỨT NGUYÊN Ðại sư hỏi lại kẻ ấy rằng :

Thế thì địa ngục cũng vẫn hiện có đó, sao ngươi lại không tin ‌?

Kẻ kia đáp :

Vì nó không có rõ ràng và cũng không ai thấy được hết, vậy phải làm sao chứng minh hoặc làm cho tôi tin phục thì tôi mới chịu chấp nhận là có địa ngục.

Ngài NHỨT NGUYÊN mới hỏi kẻ đó rằng :

Nầy nhơn giả, ông có từng nằm chiêm bao không ‌?

Kẻ đó đáp :

Có, tôi đã từng nằm ngủ thấy rất nhiều điềm chiêm bao khác nhau.

NHỨT NGUYÊN hỏi :

Trong những giấc chiêm bao đó ông từng có vui, buồn không ‌?

Kẻ kia đáp :

Có vui, có buồn, có hải hùng kinh sợ.

Hỏi:

Trong những lúc vui, buồn, kinh sợ như thế, có phải là thân xác của ông trực tiếp nhận chịu các cảnh đó hay không ‌?

Ðáp :

Không, ngay lúc đó thân của tôi đang nằm ngủ yên lành ở trên giường và trong chăn êm, nệm ấm, thì nào có phải là xác thân chịu khổ ở đâu.

Hỏi:

Nếu thân xác của ngươi không có chịu khổ, vui, kinh sợ… như thế, vậy thì trong khi chiêm bao cái gì cảm thọ các sự khổ, vui… đó ‌?

Kẻ kia nghẹn ngào không sao trả lời được!

Than ôi !

Ngay như khi thân xác của ta còn đang sống trên cõi đời nầy đây, mà trong chiêm bao cái “thần hồn” của ta đã chịu lãnh thọ các cảnh khổ, vui, hải hùng, kinh sợ như vậy rồi.

Huống chi là :

Sau khi chết, “thân xác” nầy mục nát đi rồi mà cái “thần hồn” của ta lại không lãnh chịu các cảnh khổ, vui… nơi thiên đường hoặc địa ngục hay sao ‌?

Cho nên :

  1. Trên dương thế, ngay tại cảnh giới của người sống đây, có nhà giam, nhà tù và các kẻ làm tội bị giam, bị tù ở nơi đó.

    Thì :
  2. Tại cõi âm, nơi cảnh giới của người chết, cũng có địa ngục và các kẻ làm tội cũng bị giam, bị tù ở nơi đó.

    Nay ta còn đang sống đây :
  3. Ta không làm nên tội gì để thấy nhà giam, để bị nhốt ở nhà tù, ắt nhiên là ta sẽ không bị lãnh thọ những thứ hình phạt khổ sở của nhà giam, nhà tù.

    Thì :
  4. Ta cũng quyết không làm nên những nghiệp ác nào để sau khi chết thần thức (khỏi) phải bị đọa vào nơi địa ngục, lãnh chịu các hình phạt thảm khổ ở nơi ấy cả.

Với các lời luận biện tuy đơn giản mà lại rất rõ ràng nầy thì dù cho có kẻ nào ỷ mình là văn minh tân học, hoặc ngang bướng đến thế mấy đi nữa, há lại còn có lời cãi được rằng:

Không có cảnh giới của thần hồn cùng các cảnh khổ vui, kinh sợ mà thần hồn phải lãnh chịu ở nơi cõi chết và địa ngục hay sao ‌?

Cho nên :

Ðừng bao giờ chấp chặt một cách sai lầm vào những thứ kiến thức phàm thường của hàng chúng sanh bạt địa, mắt thịt, thai phàm (như chúng ta đây) mà đoán riêng, nói càng là không có địa ngục vậy !

Khi xưa, lúc đạo Phật mới truyền vào Trung Quốc, nêu lên các lời thuyết dạy của Phật về nhơn quả và địa ngục, thì đám nho sĩ (mù quáng) chống đối Phật pháp có nêu lên lời hỏi như vầy :

Ðịa ngục (và thiên đường, Phật quốc) mà Phật giáo vẫn thường nói đó có hay không ‌?

Cổ đức trả lời rằng :

  1. Nếu không có thiên đường thì thôi, còn như thật có thiên đường thì những người quân tử ắt sẽ được sanh về nơi đó.
  2. Nếu không có địa ngục thì thôi, còn như thật có địa ngục thì các kẻ tiểu nhơn quyết sẽ bị đọa vào nơi đó.

Các hàng nho sĩ ấy nghe xong thì lặng thinh mà chấp nhận, bởi lẽ :

  • Nếu không có thiên đường, thì lấy nơi đâu hoặc chỗ nào hay thứ gì để mà làm “phần thưởng” cho những người quân tử ‌?
  • Còn nếu không có địa ngục thì lấy nơi đâu hoặc chỗ nào hay thứ gì để mà trừng phạt các loại tiểu nhơn ‌?

Và nếu như thế thì hóa ra là :

Làm người quân tử, làm kẻ tiểu nhơn…gì rốt lại cũng đều là “cá mè một lứa” hết cả hay sao ‌?

Lại nữa :

Nếu như hành hạnh của người “quân tử” cùng làm kẻ “tiểu nhơn” mà vẫn được xem ngang bằng như nhau (khi còn sống lẫn sau khi chết), thì Tại sao người nho gia lại ưa tu theo hạnh của người quân tử, khen ngợi người quân tử và xa lánh cùng nguyền rủa các kẻ Tà quấy, tiểu nhơn (làm chi)

Ðừng nói chi đến các việc thiên đường, địa ngục vốn là thiệt có làm gì, mà bây giờ giả sử như nếu không thiệt có đi chăng nữa (thí dụ) thì những lời nói về thiên đường, địa ngục ấy cũng có ích lợi vô cùng.

Ở chỗ nào ‌?
Chính là ở chỗ :

Nó giúp đỡ và khiến cho người đời biết làm lành, lánh dữ rất nhiều vậy.

Mà nếu như :

Mọi người đều làm lành, lánh dữ cả thì đương nhiên là xã hội, quốc gia, đất nước… cho đến khắp cả mọi nơi… dân chúng đều sống trong các cảnh thanh bình, an lạc hết.

Việc đó há chẳng phải là một điều cực kỳ lành tốt hay sao ‌?

Còn nếu như (ngu xuẩn), cố chấp khư khư cái hiểu biết thô sơ, vụn dại, si mê của mình mà cứ luôn miệng bài bác, cùng cả tiếng nói rằng : Không có thiên đường, địa ngục… chi cả, hoặc bảo:
Các lời nói về thiên đường, địa ngục ấy là xạo vv… thì hậu quả sẽ như thế nào ‌?
Ðương nhiên là không ai thích làm người quân tử cả, bởi vì làm quân tử rốt lại rồi cũng như không, giống y như các kẻ tiểu nhơn cùng những người ác hạnh khác mà thôi, Trời Phật đâu có quan tâm đến.

Thôi thì :

Cứ việc làm ác thả cửa, cướp giật, chém giết, dâm loạn… hoặc làm cường hào, ác bá hành hạ kẻ khác thẳng tay… cho nó sướng !

Thử hỏi :

xã hội và con người lúc đó sẽ như thế nào. Sao không nghĩ lại coi ‌

Cho nên ta có thể khẳng định rằng :

Những kẻ nào mà cứ luôn miệng nói rằng :
  • Không có địa ngục,
  • Chẳng có thiên đường,
  • Chẳng có nhơn quả báo ứng,

Thì các kẻ đó đích thực là :

  • Hột giống của ba đường ác,
  • Là người của địa ngục, ngạ qủy, súc sanh.
  • Là kẻ tiểu nhơn, người ác hạnh.

Tại sao ‌?

Bởi vì lời nói ấy là “Ðoạn kiến”, [4] là nhơn quả tất cả các mầm ác độc của xã hội và con người vậy.

Hỡi các bậc nhơn giả (theo văn minh và trào lưu tân học, cùng các kẻ không có đức tin) nên suy nghĩ lại cho chính chắn cái quan điểm Tà quấy ấy của mình.

Ðừng để cho người có trí huệ chê cười, các người khác kinh sợ, xa lánh mình vì những lời nói “vô đạo” và chẳng biết lý nhơn quả, thiện ác như thế !

Mong thay !

Khi xưa người TƯ MÃ ÔN CÔNG [5](là một đại nho gia và cũng lại một bậc đại quan tiếng tăm lừng lẫy) (xem phần ghi chú) hỏi LƯU NGUYÊN THÀNH tiên sinh [6] rằng :

Nhà PHẬT vẫn thường nói đến thiên đường và địa ngục. Chẳng hay theo ý của Ngài thì việc ấy có thiệt không ‌?

NGUYÊN THÀNH tiên sinh đáp :

Nhà Phật phơi bày ra các việc thiên đường, địa ngục ấy, nếu như suy nghĩ cho thiệt kỹ lại thì thấy nó có LÝ,SỰ (tích) đàng hoàng.

Như thế nào ‌?

Suy ra cái thì (thiên đường, địa ngục) giúp ích và khiến cho người đời biết cải ác, tùng thiện (tồi tà hiển chánh, cải ác vi thiện).

Còn như :

Suy ra cái SỰ tức là luận về bổn TÍCH (tích là dấu tích) thì quả thiệt Ðịa ngục vậy.

Vả chăng :
Người TRÂU DIỄN [7](xem ghi chú) có nói rằng :

  • Ngoài cõi “Trời đất” của nước Trung Hoa nầy ra, còn có tám chỗ khác nữa cũng to rộng y như “Xích huyện thần Châu” nầy vậy…
  • Ngài TRANG TỬ [8] cũng có nói rằng :
  • Ngoài nước Trung Quốc nầy lại còn có thêm “LỤC HIỆP” [9] nữa.

Hai bậc thánh nhơn nầy (TRÂU DIỄNTRANG TỬ) vẫn không hề nghi ngờ hay phủ nhận gì về các việc Thiên ÐườngÐịa ngục đó hết (Ðây ý nói là hai bậc thánh nhơn nầy vẫn chấp nhận có thiên đườngÐịa ngục nên qúy Ngài ấy không cải chánh, luận bàn hoặc chống đối….gì cả).

Huống chi là tai phàm, mắt thịt của các hàng phàm phu thông thường thì làm sao mà nghe thấy được tới cõi đó (tức là tám chỗ “Xích huyện Thần Châu” kia) và như vậy thì thế nào mà biết được đến một bậc “đại thánh nhơn” như Phật và các việc khác là Thiên Ðường, Ðịa ngục cao xa ư ‌?

TƯ MÃ ÔN CÔNG nghe nói như thế xong liền đổi sắc mặt (hằn học, dễ ghét) thành ra cung kính và cho lời nói (trên của LƯU NGUYÊN THÀNH) tiên sinh là phải.

Từ đó trở đi TƯ MÃ ÔN CÔNG kính trọng Phật giáo lắm.

Vậy thì nhơn đây ta cũng xin hỏi rằng :

  • Các bậc văn minh (theo tân học) đời nay, cứ luôn miệng phủ nhận Ðịa ngục (như những người bạn của đạo hữu đã nói trong thơ đó).
  • Tài, đức có giỏi bằng TRÂU DIỄN, TRANG TỬ, LƯU NGUYÊN THÀNH và TƯ MÃ ÔN CÔNG chăng‌?

(Mà lại nói lên các điều (ngu si) cố chấp sai lầm như vậy) ‌

Ðể cho các người học Phật nói riêng và chung cho những kẻ nào không tin, không biết, hoặc có tin, hay muốn biết thế nào là Ðịa ngục

Cho nên trong những đoạn văn kế tiếp dưới đây, tôi xin lược sơ qua về Ðịa ngục y theo những lời thuyết dạy của Phật và Bồ tát trong các kinh điển…

Sao gọi là ÐỊA NGỤC ‌?

Danh từ “Ðịa ngục” nầy là do người Trung Hoa chiếu y theo NGHĨA mà lập danh.

Tức là :

Chỉ cho nhà lao, nhà tù ở trong lòng đất, bởi vì:
Chữ “ÐỊA” đây có nghĩa là đất.
Còn :
Chữ “NGỤC” có nghĩa là bị bó buộc, trói cột, chẳng được tự do.

Nhưng theo bộ “BÀ SA LUẬN” thì không phải là tất cả các Ðịa ngục đều luôn luôn ở trong lòng đất cả đâu, mà đôi khi lại còn ở trên mặt đất, dưới nước hay trên hư không nữa.

Cho nên trong văn kinh bằng chữ PHẠN không gọi là Ðịa ngục mà gọi là : “NẠI LẠC CA”.

Chữ NẠI LẠC CA đây có các nghĩa là :
  • Khổ cụ : Các khí cụ hành phạt làm cho đau khổ, khốn đốn.
  • Phi đạo : Nơi dành cho những người (khi còn sống) làm ra các điều Phi đạo (trái với đạo lý) cư trú.
  • Ác nhơn : Nơi tập họp của các kẻ hung ác.

I/- PHÂN LOẠI TỔNG QUÁT :

Nói về “Ðịa ngục” thì có hai phần, đó là :

“SỰ” Ðịa ngục (Ðịa ngục thuộc về phần SỰ (tức là hiện thể).

Và :

“LÝ” Ðịa ngục” (Ðịa ngục thuộc về phần (tức là vô hình và do TÂM TẠO).

Nơi đây xin lược sơ qua các loại “Ðịa ngục thuộc về phần SỰ” trước.

Ðịa ngục tuy có nhiều, nhưng ước lược lại thì có hai loại chánh là :
  • CHÁNH NGỤC và BIÊN NGỤC.

Theo như kinh dạy thì :

  1. CHÁNH NGỤC vị trí nằm ở dưới châu NAM DIÊM PHÙ ÐỀ (tức là quả địa cầu). và giữa lòng núi Thiết Vi [10]

    CHÁNH NGỤC nầy lại có 2 thứ là :
    • Nhiệt ngục : Ngục lửa nóng.
      Và :
    • Hàn ngục : Ngục hơi lạnh.
    1. Nhiệt ngục có tám sở chánh, mỗi sở chánh như vậy lại phân ra 16 sở (ngục) phụ.

      Mỗi “Ngục phụ” như vậy có nhiều tiểu ngục khác làm quyến thuộc.
    2. Hàn ngục cũng được phân chia ra y như (Nhiệt ngục) vậy.
  2. BIÊN NGỤC :

    Cũng còn gọi là “Ðộc Ngục” (Ngục nhỏ, ở cô độc và lẽ loi một mình, không có các ngục khác nào làm quyến thuộc cả.) Loại Biên ngục nầy có khi ở các nơi :
    • lẽ loi, cô độc ở trên núi vắng, hoặc rừng sâu.
    • Nơi hoang đảo.
    • Nơi hang sâu.
    • Dưới sông nước.
    • Trong đồng hoang hoặc nơi đình miếu vắng.
      vv………

    Trong 4 đại châu của “Tiểu thế giới” nầy thì :

    • Ở châu NAM THIỆN BỘ có Ðại địa ngục.
    • Còn 3 châu kia là ÐÔNG THẮNG THẦN, TÂY NGƯU HÓA, BẮC CÂU LƯ thì chỉ có Biên ngục, Ðộc Ngục mà thôi.

    Kinh dạy :

    Ðịa ngục là nơi thác sanh (đầu thai) của các loài hữu tình, tạo nghiệp “THẬP ÁC” về THƯỢNG PHẨM.

    Thế nào là nghiệp “THẬP ÁC” ‌?

    Chính là :

    • 3 nghiệp ác của Thân.
    • 4 nghiệp ác của Miệng.
      Và :
    • 3 nghiệp ác của Ý vậy.

    Trong kinh luận gọi là : Thân 3, Khẩu 4, Ý 3.

    1. 3 nghiệp ác của thân là :

      • Sát sanh (giết hại sanh mạng của vật loại).
      • Trộm cắp.
      • Tà dâm.
    2. 4 nghiệp ác của Khẩu là :

      • Nói láo (chuyện không nói có, chuyện có nói không)
      • Nói hung ác (như hăm dọa, chữi rủa).
      • Nói thêu dệt (nói lời văn hoa, bóng bẩy với mục đích gạt gẫm, dụ dỗ những người dễ tin, nhẹ dạ với mục đích thủ lợi cho cá nhân).
      • Nói đôi chiều (trước mặt nói khác, sau lưng nói khác, khiến cho đôi bên sanh ra sự hiểu lầm và oán hận lẫn nhau).
    3. 3 nghiệp ác của Ý (tâm) là :

      • Tham lam (ham muốn thái quá, do đây mà gây ra tội ác).
      • Nóng giận (tánh giận hờn quá đáng, mất cả sự sáng suốt, khôn ngoan, do đây mà gây ra tội ác).
      • si mê (ngu dốt, không có trí huệ, làm việc xằng bậy…do đây mà gây ra tội ác).
    4. Người nào gây tạo đầy đủ mười việc “THẬP ÁC” nầy thì gọi là tạo nghiệp “THẬP ÁC THƯỢNG PHẨM” – Quyết định sẽ bị đọa vào các địa ngục chánh.
    5. Kẻ gây tạo từ “phân nửa” cho đến “hai phần ba” của “mười ác” nầy thì gọi là:

      Tạo nghiệp THẬP ÁC trung phẩm.

      sẽ bị đọa vào các địa ngục phụ (hình phạt nhẹ hơn CHÁNH NGỤC).

    6. Kẻ gây tạo từ “phân nửa” hoặc dưới (phân nửa) của “Mười ác” nầy thì gọi là :

      Tạo nghiệp THẬP ÁC hạ phẩm.

      sẽ bị đọa vào các tiểu ngục (hình phạt nhẹ hơn ngục phụ).

    7. Kẻ gây tạo từ một hoặc hai phần trong số “Mười ác” nầy thì sẽ bị đọa vào các Biên ngục.
  3. Ngoài hai loại CHÁNH NGỤCBiên ngục nầy ra, kinh dạy còn có thêm một loại “Ðịa ngục đặc biệt” khác nữa cũng thuộc về loại “Nhiệt ngục”, nhưng hình phạt ở ngục nầy lại thảm khốc hơn nhiều và sự trừng phạt đó không bao giờ được gián đoạn cả dù là chỉ ngừng nghỉ trong một chớp mắt mà thôi !!

    Ðó là đại địa ngục A TỲ.

    Ðây là nơi thọ báo của các loài hữu tình tạo “5 tội NGHỊCH”.

    Gì là “5 tội nghịch”

    Chính là các tội :

    • Giết cha
    • Giết mẹ
    • Làm cho thân Phật ra máu [11]
    • Giết hại A La Hán và Hòa Thượng A Xà Lê [12]
    • Phá hoại hòa hợp Tăng [13]

    Vì sao 5 tội nầy bị gọi là NGHỊCH ‌?

    Sở dĩ gọi là NGHỊCH vì 5 loại “hạng bậc” nầy là
    Glossary Linkphước điền, là ân đức (của mình)… Thay vì báo ân, trả đức, bồi bổ phước điền mà trở ngược lại làm chuyện PHẢN NGHỊCH, cho nên bị liệt vào A TỲ đại tội.

(Kỳ sau tiếp)

CẢM THÁN

Ta hồ Phật pháp thiểu nhơn tri,
Chánh lý vô hành bất thuận nhi !
Dĩ giả vi chơn năng tác nghiệp.
Do hà Tây độ phản hồi quy ‌
Kim ngôn thánh giáo cầu siêu xuất,
Dục chứng chơn thường đoạn bách phi .
Tam thế Phật Ðà “như Thị” đắc,
Niết bàn quả mãn chúng nan tri.

THÍCH HẢI QUANG
(Hải Quang thi tập)

Tạm dịch :
(Xuất ý)

THAN-THỞ

Than ôi ! Phật pháp ít ai xài,
Chánh lý không tuân hổ mặt mày !
Lấy giả làm chơn gây nghiệp quấy,
Ngày về Tây thổ (1) dứt cơ may !
Lời vàng Phật dạy lìa sanh tử,
Muốn chứng chơn thường phải tránh sai (2)
Chư Phật ba đời “Như Thị” (3) được,
Niết bàn giải thoát mấy ai hay.

Bồ tát giới BẢO ÐĂNG
(dịch)

 



(1) Tây thổ: là cõi Cực lạc.

(2) Bách phi : là 100 điều “chẳng phải”. Ðây chỉ giải và bàn theo thông nghĩa mà thôi, đó là ý nói :
“Muốn đắc đạo thì phải xa lìa trăm (còn hơn nữa) điều sái quấy”….

(3) Như thị : là “chơn như pháp tánh giới” (tức là cảnh giới giải thoát, Niết bàn…).



[1]– Chơn Phật tử : là người Phật tử đã có thọ Tam quy, Ngũ giới, từng có học hiểu giáo lý, đọc tụng và xem, nghe kinh pháp….có chánh kiến, chánh tín.

[2]– Chín giới chúng sanh : Gồm có :

  • Thanh Văn, Duyên giác, Bồ tát (Ðây là Tam thánh giới giải thoát chúng sanh).
  • Ðịa ngục, ngạ qủy, súc sanh, Người, Thần (A tu la), Trời (Ðây là lục phàm sanh tử chúng sanh).

[3]– Lời thánh giáo : là lời dạy của các bậc giác ngộ, giải thoát.

[4]– Ðoạn kiến : là thấy biết “không có và không còn gì hết”.
Người “đoạn kiến” cho rằng chết rồi là hết cũng như cây khô, củi mục mà thôi, chớ chẳng có hồn vía, đầu thai, hay thọ báo khổ, vui vv… chi cả.
Cho nên người đoạn kiến nầy là kẻ địa ngục và làm nhơn cho mọi người khác đọa địa ngục.

[5]– TƯ MÃ ÔN CÔNG : tức là TƯ MÃ QUANG tự là QUÂN THIỆT, người làng Tốc Thủy, Hạ quận (huyện), Tỉnh Thiểm Châu, đời nhà Tống, thi đậu Tiến Sĩ trong niên hiện BỬU NGUYÊN năm thứ nhứt (1038 sau Tây lịch) làm quan trải qua các triều vua : Tống Nhơn Tông, Tống Anh Tông và Tống Thần Tông.

Tánh tình ông cương trực, ngay thẳng, nhơn việc nghị luận chống lại chế độ “Tân pháp” của quan Tể Tướng Vương An Thạch (vào đời vua Tống Anh Tông) nên bị cách chức, cho về hưu trí ở đất Lạc Dương.

Ðến triều đại của vua Tống Triết Tông, bà CAO THÁI HẬU lên cầm nắm quyền hành, cho sứ giả đến Lạc Dương triệu TƯ MÃ Quang về triều chánh lại, phong cho QUANG làm chức Tể Tướng.

Bấy giờ, TƯ MÃ QUANG liền phế bỏ hết chế độ “Tân Pháp” (tức là chế độ cải cách tân thời) của VƯƠNG AN THẠCH. Ông làm Tể Tướng được 8 tháng thì qua đời.

Cao Thái Hậu thương tiếc và nể trọng lắm, phong tặng (hàm) cho ông chức THÁI SƯ ÔN QUỐC CÔNG, ban cho thụy danh (tên của dòng hoàng tộc)VĂN CHÁNH.

TƯ MÃ ÔN CÔNG có soạn ra bộ luận “Tư Trị thông giám” giảng dạy rõ ràng về các sự việc thanh bình, loạn lạc, hưng, vong, đắc thất của các triều đại vua chúa ngày xưa.

Ðây là một bộ “luận sử” hay nhứt trong tất cả các loại “Sử biên” của Trung Quốc.

Vì ông là người quê ở làng Tốc Thủy cho nên người đời sau gọi TƯ MÃ Quang“Tốc Thủy tiên sinh”.

[6]– tiên sinh : là danh xưng tặng cho các bậc thông thái, bác lãm, cao tuổi và đáng tôn kính.

[7]– TRÂU DIỄN : Một bậc thánh nhơn hồi thời Chiến quốc (bên Trung Hoa).

Ông là người ở đất LÂM TRI (vùng Thủ đô) của nước TỀ. Thời nầy các học thuyết về “Thiên Văn”“Ðịa lý” rất là phát triển. TRÂU DIỄN mới tổng luận các học thuyết Trời Ðất đó rồi đem cái lý ÂM DƯƠNG ra thuyết minh cho những tác dụng của các sự thay và đổi Mới (từ xưa đến nay) tiếp diễn nhau theo “luật tự nhiên”.

Ông lại còn đem lý Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) ra thuyết minh về sự cấu tạo của vạn vật và con người.

Ông lại áp dụng các học thuyết của mình về phương diện Chánh trị và Quân sự nữa, ông chủ trương rằng :

“ Các chế độ đều phải thích ứng với sự “tự nhiên” mà tùy thời để thay đổi chớ không nên theo chánh sách độc tài để cai trị dân chúng.

TRÂU DIỄN là tổ sư của học phái “ÂM DƯƠNG GIA”, là một nhà Triết học chủ trương và lấy “KHOA HỌC TỰ NHIÊN” làm nền tảng cho học thuyết của mình.

Vào thời gian nầy, vì sự giao thông bị hạn hẹp, nên người Trung Hoa không thể hiểu được rằng : Ngoài nước Trung Hoa ra còn có thêm nhiều quốc gia khác nữa nên họ cho nước Trung Hoa của mình ở đó là “toàn thể thiên hạ” (tức là dước trời nầy chỉ có một mình nước Trung Hoa là duy nhất mà thôi).

Qua đến thời đại “Chiến Quốc” sự giao thông lần lần phát đạt….TRÂU DIỄN lúc đó mới đem “Thiên Hạ” chia ra làm 9 châu khác nhau và nói rằng :

Nước Trung Hoa to rộng (như vậy) nhưng chẳng qua chỉ là một (châu) ở trong 9 châu thiên hạ đó mà thôi, và gọi tên của nước Trung Hoa“Xích huyện thần châu”. Ông nói rằng ở ngoài biển cả còn có 8 châu khác, cũng lớn rộng như nước Trung Hoa (tức là Xích huyện Thần Châu) nầy vậy.

TRÂU DIỄN luôn áp dụng các học thuyết về Thiên văn, Ðịa lý ra để phát huy tư tưởng của mình.

Vua YÊN CHIÊU VƯƠNG của nước YÊN rất mến tài của TRÂU DIỄN, nên lấy đá Cẩm thạch cất thành cung điện đặt tên là “KỆ THẠCH CUNG”, rước TRÂU DIỄN đến ở (cung nầy) và lấy lễ của đệ tử mà kính đãi TRÂU DIỄN.

Ðến khi vua YÊN CHIÊU VƯƠNG băng hà (chết) thì :

Vua YÊN HUỆ VƯƠNG lên nối ngôi.

HUỆ VƯƠNG nghe theo lời gian thần ganh ghét sàm tấu cho là TRÂU DIỄN mê hoặc vua CHIÊU VƯƠNG để được Chiêu Vương thương, trọng, hậu đãi….nên bắt TRÂU DIỄN hạ ngục (bỏ tù).

TRÂU DIỄN bị hàm oan nên động đến lòng Trời khiến cho giáng xuống thiên tai, chẳng hạn như :
  • Mùa Hè mà sương tuyết sa xuống khắp cả nước Yên….
  • Phương Bắc (nước Yên) là nơi đất đai phì nhiêu mầu mở, là cái kho lúa của nước Yên, nuôi sống cả nước, nhưng bị sương tuyết xuống lạnh nên không hề trồng trọt được nữa, mùa màng bị thất bát, gạo thóc kém đói, dân chúng lầm than.

TRÂU DIỄN (ở trong tù) động lòng từ bi, mới thổi ống luật (như ống tiêu, ống sáo thời nay) tỏ cáo lên trời và thay thế vua mà sám hối, bấy giờ Trời mới thâu thiên tai lại, nhờ đó mà vùng đất đai ấy mới được ấm lại. lúa thóc mới trồng trọt lên được….


[8]– TRANG TỬ : Tên là Trang Châu, người đời Chiến quốc (tức là vào thời kỳ mà các nước bên Trung Hoa thời xưa đánh chiếm lẫn nhau), sau thời của đức Lão tử, Ngài là người ở đất Mông Ấp, đã có từng làm quan chức ở thành Tất Viên.

TRANG TỬ thừa kế cái đạo học của đức Lão Tử…..

Tương truyền TRANG TỬ là đức Lão Tử hóa hân….


[9]– LỤC HIỆP : là 6 phương, tức là Ðông, Tây, Nam, Bắc, TrờiÐất (ở khắp mọi nơi nữa).

[10]– Núi Thiết Vi : là dãy núi toàn bằng sắt thép, bao bọc chung quanh một “Tiểu thế giới”.

[11]– Làm cho thân Phật ra máu : Tội nầy tương đồng với việc đập bể tượng Phật hoặc phá hủy bàn thờ Phật, làm tổn hại Chùa, Tháp…..

[12]– Hòa Thượng A Xà Lê : là ông Thầy dạy đạo của mình, là bậc Minh sư và cũng là những bậc chân tu, đức hạnh.

[13]– Phá hoại hòa hợp Tăng : là Phá hoại hoặc nói lời ly gián làm cho tan rã tăng đoàn (tăng chúng).
(Riêng về tội thứ 5 nầy thì có kinh khác Phật liệt vào sự “làm nhơ phạm hạnh” của chư NI (tức là hiếp dâm Tỳ kheo ni).
Attachments:
Download this file (HP29.pdf)HP29.pdf
Chia sẻ:

Bình luận