27.10.2021

THP 34: Làm sao thoát khỏi vòng Sanh tử?

  1. Sự suy biến dần dần của thân tứ đại
  2. Lời nhận xét của vua Ba Tư Nặc về sự biến đổi nhanh chóng của thân xác tứ đại
  3. Bài kệ Không Được của Chí Công thiền sư

(Bài giảng của Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG trước chư
Glossary LinkPhật tử tại chánh điện của chùa PHÁP HOA, Tucson, Arizona – Kỳ thứ 1).

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT.

Kính thưa quý huynh đệ, Phật tử và chư đạo hữu,

Hôm nay là buổi lễ cầu siêu thất đầu tiên cho quá cố hương linh…….

Trước sự hiện diện của tang quyến, các thân hữu và chư huynh đệ, Phật tử, bổn đạo…., tại “Tây Phương Ðại Ðiện” của đạo tràng Tịnh Ðộ PHÁP HOA TỰ nầy….

Theo thông lệ và thường kỳ của Bổn tự, trước khi vào trong mỗi khóa lễ BẢO ÐĂNG luôn luôn có một thời pháp – (hoặc dài hoặc ngắn) – trùng tuyên lại những lời dạy ngọc vàng vô giá của PHẬT, Bồ Tát và chư vị TỔ SƯ….để gởi đến quý huynh đệ trong ý niệm cùng sách tấn nhau, mình lẫn người….ngỏ hầu cho chúng ta :
  • BIẾT RÕ ÐƯỢC CHÁNH PHÁP CỦA NHƯ LAI.
  • PHÁT SANH CHÁNH TÍN VÀ ÐẠT ÐƯỢC CHÁNH KIẾN.

Và rồi :

  • Y THEO ÐÓ MÀ LẬP NGUYỆN, CHÂN CHÁNH TU HÀNH.
  • CẦU CHƠN GIẢI THOÁT (hiện tại lẫn cả về sau).

Kính thưa quý huynh đệ,

Không cần nhắc lại, chắc quý huynh đệ cũng dư biết là từ trước đến nay, ở tại chùa nầy BẢO ÐĂNG cùng các huynh đệ trước sau và lần lượt….đã đưa tiễn rất nhiều cuộc “sanh ly, tử biệt” [1] rồi.

Vậy thì nay xin hãy thử hỏi rằng :

THẾ NÀO MÀ GỌI LÀ SANH LY, TỬ BIỆT ‌?

Tức là :

Kẻ sống đối trước người chết cúi đầu chấp tay, gạt lệ…vĩnh viễn từ ly nhau, và trong 6 luân hồi vô tận mãi mãi sẽ không còn bao giờ gặp lại !

Và đây chính là một sự việc đáng buồn thảm nhất của người nhân thế chúng ta vậy.

Y theo lời PHẬT dạy và trong tất cả các người học đạo chúng ta ai cũng đều đã sớm nhận thức được điều rằng :

Cái việc đại sự nhất mà chư PHẬT, Bồ Tát….cùng các bậc thánh nhơn cấp bách và cần thiết phải giải quyết đầu tiên hết là :

Làm sao để được thoát ra khỏi vòng sanh tử !

mà tất cả chúng sanh trong ba cõi DỤC, SẮC, VÔ SẮC từ vô thỉ kiếp đến nay không một ai tránh khỏi.

Cũng chính vì như vậy cho nên khi xưa Bồ Tát TẤT ÐẠT ÐA (lúc còn hiện thân làm Thái tử) dạo chơi nơi bốn cửa thành gặp bốn cảnh GIÀ, BỆNH, CHẾT cùng với người SA MÔNNGÀI đã ngộ được “lý vô thường”….và rồi sau đó Ngài rời bỏ ngai vàng, điện ngọc, ngũ dục tuyệt đỉnh cao sang, xuất gia tu hành….thành bậc đẳng chánh giác.

Ðiều nầy thì các huynh đệ hẳn đã biết rồi, vì thế cho nên BẢO ÐĂNG thấy không cần phải nhắc lại làm chi nữa (có phải vậy không ‌?).

Nhưng chúng ta đây :
Biết mà cũng như không biết vậy.
Tại sao ‌?
Bởi vì chúng ta không bao giờ “biết thức tỉnh” trước những cơn vô thường, sanh tử mà chúng ta đã tai nghe, mắt thấy hằng ngày…..hoặc ở trong hàng “lục thân quyến thuộc” gần xa của ta, hoặc xảy ra ngay chính ở trong gia đình ta từ trước đến nay….

Và :

Các sự vô thường, sanh tử ấy trong nay mai gì đó chắc chắn là cũng sẽ xảy ra cho chính ngay nơi bản thân của ta nữa !

Hôm nay,

Nhân tang lễ của người quá cố….là người học đạo, chúng ta hãy nên gắng bình tâm lại mà suy nghĩ cho thật kỹ, thì chúng ta sẽ nhận thấy một cách rõ ràng rằng :
Cái thân thể của chúng ta đây, kể từ khi mới sanh ra cho đến hiện thời, NÓ đã bị chết đi không biết bao nhiêu lần rồi vậy !
Y theo lời PHẬT đã dạy thì :
Thân tứ đại của chúng ta đây nó “chết đi sống lại” trong từng giây phút.
Lấy thí dụ như :
  1. Cái thân của chúng ta năm nay không phải là cái thân của năm rồi.

    Tại sao ‌?

    Bởi vì cái thân tươi trẻ năm rồi nó đã chết mất từ lâu rồi !

    Còn :
  2. Cái thân năm nay nếu như đem ra so sánh với cái thân năm trước thì NÓ GIÀ cỗi hơn nhiều,

    dạn dày sương gió và bịnh hoạn, ốm đau….hơn nhiều.

    (Chắc các huynh đệ đồng ý với sự nhận xét nầy – vì đấy là sự thật vậy ‌)

Trong kinh LĂNG NGHIÊM, PHẬT có dạy rằng :

  1. …..“Lúc ấy vua BA TƯ NẶC [2] thưa cùng với PHẬT rằng :

    • Bạch Thế Tôn,
    • Lúc tôi còn bé thì da thịt non nớt, tươi nhuận….
    • Ðến lúc trưởng thành rồi thì khí huyết sung mãn,

    Còn như đến ngày nay thì :

    • Tuổi cao tác lớn,
    • Hình sắc khô khan,
    • Tâm thần hôn muội.
    • Tóc bạc, mặt nhăn….

    Chắc không còn sống được bao nhiêu ngày nữa, thì nhan sắc làm sao mà so bì được với lúc thuở còn thơ ấu !!

    Quý huynh đệ có nghe ông VUA đó nói như vậy không ‌?

    Còn bây giờ đây nếu như đến phiên mình, thì mình sẽ nói như thế nào ‌?

    Chắc chắn là mình cũng than thở và tả oán….y như thế đấy mà thôi.

    Quý huynh đệ nghĩ sao về việc nầy ‌?

    Vua Ba TƯ NẶC đây là ai ‌?

    Chính là (ý nghĩa) mình đó vậy. Bởi vì vua Ba TƯ NẶC nói lên lời trên đây là Ngài đã gián tiếp và đại diện (thay mặt) cho mình mà nói lên các lời ấy, để cảnh giác thế nhân (chúng ta phải nên biết rõ như thế).

  2. PHẬT hỏi vua Ba TƯ NẶC,

    Vậy chớ cái hình dung của Ðại Vương đó NÓ suy biến mau hay chậm ‌?
  3. Vua Ba TƯ NẶC đáp :

    Bạch Thế Tôn,

    Cái lý biến hóa trong thế gian nó dời đổi âm thầm, tôi thiệt là không sao biết nổi.

    Tôi chỉ thấy rằng ngày qua, tháng lại, lạnh nóng đổi thay, tới hôm nay thì cái hình sắc của tôi nó trở thành ra suy lão như thế nầy, thì tôi tưởng cái quang cảnh của người đời nó biến cải ra có nhiều thứ lớp.

    (Chắc quý huynh đệ đã nghe rõ đoạn kinh nầy rồi chứ ‌? )

  4. Nay giả dụ như cứ lấy 10 năm làm hạn định, thì khi tôi được 20 tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng mà diện mạo đã già hơn lúc 10 tuổi !
  5. Ðến khi 30 tuổi, thì lại già hơn lúc 20 tuổi.
  6. Ðến nay tôi 62 tuổi, tôi ngó lại đương khi tôi còn 52 tuổi, thì in hình như lúc đó tôi còn mạnh hơn bây giờ nhiều.
  7. Vậy thì không phải là 10 năm làm một hạn biến cải hay sao ‌?

    Quý huynh đệ chắc đã nghe hiểu đoạn kinh nầy rồi ‌

    Mà nếu như đã nghe hiểu được như thế rồi thì bây giờ đây chúng ta hãy bình tâm nhìn lại tấm thân tứ đại 10 năm về trước của mình đi, chúng ta sẽ thấy gì ‌?

    chúng ta cũng sẽ thấy y như vua Ba TƯ NẶC đây thấy vậy !

    Nghĩa là :

    • 10 năm về trước (xác thân tứ đại của) mình đây trẻ và mạnh hơn bây giờ nhiều.
    • Còn hiện tại đây thì cái thân tứ đại của mình nó già, nó xấu, nó yếu đuối hơn 10 năm về trước rất nhiều, phải vậy không ‌ Nhứt là quý huynh đệ nào đã lên đến mức tuổi thượng thọ, tức là từ 62 tuổi trở lên – (như vua Ba TƯ NẶC đây vậy) – thì sẽ thấy rõ ràng hơn bao giờ hết……

    Vậy thì hãy tịnh tâm mà nghĩ kỹ lại đi, thiệt quả là vô thường và đáng sợ lo lắm vậy !

    Giờ đây chúng ta hãy nghe thêm đoạn kinh kế tiếp nữa, như sau :
  8. Bạch Thế Tôn,

    Tôi thấy thời gian âm thầm biến đổi, tuy nói là hạn kỳ 10 năm suy biến một lần, nhưng chẳng qua là nói đại khái như vậy mà thôi.

    Chớ còn nếu như ngẫm nghĩ và quan sát lại cho cùng cực cái lý biến hóa, thì kỳ thiệt là :

    • Mỗi năm thân thể đều có biến đổi.
    • Chẳng những mỗi năm mỗi biến, mà mỗi tháng lại mỗi hóa.
    • Chẳng những mỗi tháng mỗi hóa, mà lại mỗi ngày mỗi đổi.

    Còn nếu như ngẫm nghĩ và quan sát cho tới bực vi tế đi nữa, thì ở trong một niệm có 90 cái sát na – (sát na là một thời gian rất ngắn) – mà sát na nào ở trong đó đều có niệm niệm dời đổi luôn chớ không khi nào đình trụ cả!

    (Ðó, quý vị chắc đã nghe và hiểu rõ ý của đoạn kinh nầy rồi chớ gì ‌?)

Vậy thì chúng ta hiểu như thế nào ‌?

Chính là hiểu rằng :

Cái thân thể nầy của chúng ta đây, nó già, suy và biến đổi trong từng giây phút chớ không phải là NÓ chờ cho đến ngày 30 tháng chạp (tháng 12) mỗi năm rồi nó mới chịu suy biến đâu.

Vì thế cho nên khi nãy BẢO ÐĂNG đã có nói rằng:

thân thể của ta nó sống chết trong từng giây phút là như vậy đó.

Bởi cái sự vô thường của xác thân và cuộc đời ta nó hối hả, gấp rút, trong từng giây, từng phút cả cho chính đến trong từng sát na như vậy đó, cho nên mình phải biết chắc chắn một điều rằng :

Cái thân thể nầy của mình đây, nhứt định là có ngày nó phải bị tiêu diệt.

Và như thế thì mình có nên nghĩ rằng :

Mình lột da sống đời chăng ‌?

Hoặc là :

Chỉ có người khác là bị chết thôi, chớ còn mình đây thì trường sinh bất tử chăng ‌?

Nếu như mình nói rằng mình không có nghĩ như vậy thì tại sao :

Mình thấy người chung quanh của mình chết mà mình lại không biết lo sợ, cứ nhởn nhơ vui sướng và hằng luôn tính chuyện ngàn năm ‌

Hoặc là cứ mãi :

Tranh hơn, tranh thua, khoe giàu sang, trẻ đẹp….

Mà:

  • Không biết thức tỉnh cùng y theo lời PHẬT dạy để tu hành ‌

    Chúng ta đã nhận được không biết bao nhiêu là thơ báo tin của (Vua) Diêm Vương là ổng sẽ cho người tới rước mình về âm phủ rồi ‌

    (Lấy tay chỉ ra một vài Phật tử và nói : )

  • Chị nhận được mấy lá thơ báo tin của (Vua) Diêm Vương rồi ‌?
  • Bác nhận được mấy lá thơ báo tin của (Vua) Diêm Vương rồi ‌?

……………………
Ðể BẢO ÐĂNG nói đại khái cho nghe như là :

  • Tóc bạc là một tin thư nè,
  • Da nhăn là một tin thư nè,
  • Răng long là một tin thư nè,
  • Sức khỏe suy kém, bịnh hoạn rề rề là một tin thư nè.
  • Bước đi lụm cụm là một tin thư nè…..

Sơ sơ mà mình thấy đã nhận được 5 tờ thư báo tin rồi !

Bình tâm mà nghĩ lại rồi lần tay đếm kỹ đi coi đã (và sẽ) nhận được thêm bao nhiêu tin thư khác nữa ‌

Thiệt là đáng sợ lắm đó !

Ðến đây BẢO ÐĂNG cũng xin lưu ý một điều rằng :

  • Còn những người trẻ tuổi, tóc chưa bạc, da chưa dùn, răng chưa long, gối chưa mỏi….ngồi ở bên gốc kia….cũng đừng vội mừng và cho là mình còn ở vòng ngoài nghe, tại sao ‌?
  • Bởi vì quý vị – (tuy rằng vẫn còn ở trong lứa tuổi thanh thiếu) – nhưng cũng đã có nhận được ít nhiều gì đó tin thư nhắn gởi, cảnh cáo của (Vua) Diêm Vương rồi, nhưng tại vì không biết suy nghĩ sâu xa cho nên không để ý đến cùng chẳng thấy được mà thôi.

Biết nhận được tin gì không ‌?

Chính là các tin :
Thấy mấy người trẻ tuổi hơn quý vị đã bị chết rồi đó !
Cứ đi vào trong nghĩa trang mà xem, ắt quý vị sẽ thấy có không biết bao nhiêu là nấm mồ của những người trẻ tuổi (hoặc bằng mình, hoặc nhỏ hơn mình) đã bị chết trước kia !

Còn ngay như mình đây thì nào có chắc chi sống được tới già đâu !

Vậy cho nên quý vị còn trẻ tuổi đừng nên bao giờ nghĩ rằng chỉ có những người già khú mới chết, chớ còn trẻ tuổi (như ta đây) – chẳng chết đâu…mà lầm to lắm đó.

BẢO ÐĂNG muốn kể cho quý huynh đệ nghe một câu chuyện như sau :

  1. ….Có một ông lão đó mãn thọ, chết xuống âm phủ….hồn bị giải tới trước vua Diêm Vương….

    Vua y theo “sổ bộ đời” của ổng mà xử án và định tội….

    Hồn của ông lão ấy quỳ xuống tâu rằng :

    Phải như tôi biết sớm thiệt có địa ngục cùng việc xử tội chắc chắn như thế nầy thì tôi đã tin theo kinh Phật dạy, tu Tịnh độ vãng sanh rồi, khỏi nhọc công của Ðại Vương xử án, nhưng mà tôi nghĩ một phần lỗi cũng ở tại nơi Ðại Vương nữa, chớ phải chi Ngài mở lòng quảng đại, nhắn tin cho tôi biết trước mà tôi không chịu nghe theo để tu hành, thì hôm nay xử tội tôi mới ưng lòng.

    Chớ còn té ra Ngài chẳng dạy cũng chẳng nhắn tin gì hết mà giết, mà hành tội…thì thiệt là oan ức biết chừng nào.

    Xin Ðại Vương thương tình mà châm chế cho sự lỡ lầm lần thứ nhứt.
  2. Vua Diêm Vương phán rằng :

    Trẫm đã thông tin cho ngươi nhiều lần rồi, nầy nhé :
    • Tóc ngươi bạc muốn trổ hoa râm, đó là TIN THỨ NHẤT.
    • Răng ngươi lung lay muốn rụng đó là TIN THỨ NHÌ.
    • Sức khỏe ngươi bắt đầu suy yếu đó là TIN THỨ BA.
    • Mắt ngươi lờ lạc nhìn xem không rõ đó là TIN THỨ TƯ.
    • Lỗ tai ngươi muốn điếc đó là TIN THỨ NĂM.
    • Bịnh hoạn đau yếu rề rề đó là TIN THỨ SÁU.

    Trẫm đã thông báo cho ngươi nhiều tin như vậy mà sao ngươi trách ngược lại Trẫm không cho biết trước là thế nào ‌?

    (Ðương-nhiên là lão ấy không làm sao cải lý được, phải bị y theo án đã xử mà đền tội).
    …………………….

  3. Lúc ấy đến phiên hồn của một đứa con trai còn trẻ tuổi bị kêu ra xử án, y ta mới quỳ lạy Diêm chúa, khóc mà tâu rằng :

    Ông già ấy được tin sáu lần mà không chịu lo trước thì tội ấy đã ưng rồi, chớ tôi còn nhỏ quá, chưa nhận được tin nào hết, xin Ðại Vương rộng xét mà thứ tội cho.

  4. Diêm chúa mới phán rằng :

    Trẫm cũng đã cho ngươi hay tin nhiều lần lắm chớ.

    Ngươi hãy nhớ lại coi, nầy nhé :

    • Tên trẻ kia cũng cùng một tuổi với ngươi năm ấy thắt cổ mà chết, đó là TIN THỨ NHẤT.
    • Tên trẻ khác nhỏ tuổi hơn ngươi bị chết trôi, đó là TIN THỨ NHÌ.
    • Tên trẻ nọ ở gần nhà ngươi bị rắn cắn chết, đó là TIN THỨ BA.
    • Bạn cùng lứa tuổi của ngươi bị chết yểu đó là TIN THỨ TƯ.
    • Người em họ của ngươi bị xe đụng mà chết đó là TIN THỨ NĂM.

    Ngươi phải biết, thấy một cỡ với ngươi bị chết yểu như vậy thì cũng đủ giựt mình mà lo tu niệm đi, vì đấy là TIN cảnh cáo của Trẫm gởi đến đó, chớ bộ đợi Trẫm kêu tên mà nói với ngươi hay sao ‌?

    Trẫm cho ngươi biết :

    • Dẫu cho ngươi có sức mạnh phá núi, lấp sông.
    • Tài cao nâng trời, vạch đất….đi chăng nữa….

    Cũng không khỏi đến trước mặt Trẫm (để lãnh án) sau khi tắt hơi, chỉ trừ ra người nào chịu tu theo Tịnh Ðộ – (tức là Niệm Phật) – khi lâm chung có đức PHẬT A DI ÐÀ đến rước hồn về cõi Tây Phương Cực lạc, mới khỏi bị quyền của Trẫm xử phạt mà thôi.

    Người ấy sau khi đã thành được Phật đạo rồi, nếu có duyên sự chi mà đi dạo đến đây, Trẫm cũng phải dùng lễ cung kính mà nghinh tiếp nữa….

………………..

Qua câu chuyện trên đây, cho nên chúng ta là những người Phật tử đã có học hiểu và thực hành theo đạo pháp nên có lòng thương xót (trước là cho mình) sau nữa là cho các người khác….nào có tâm tưởng nghĩ rằng :

  • Ở trên đầu tôi thì có Trời Che.
  • Ở dưới chân tôi thì có Ðất chở.
    (Tức là ý nói : Ỷ lại vào nơi Trời che, Ðất chở mà không sợ chết…).

Cho nên (tôi nghĩ rằng) :

Chỉ có người khác chết thôi, chớ tôi không chết đâu, tôi sẽ còn sống đến trăm tuổi, ngàn tuổi lận.

Nhưng xưa nay ở trên cõi đời nầy có ai mà được như thế đâu, nghĩa là :

  • Mọi người ai cũng đều phải chết cả.
  • Mọi người ai cũng đều KHÔNG ÐƯỢC như ý mình cả.

Bởi thế cho nên ngài CHÍ CÔNG Thiền Sư là một bậc A La Hán, vì muốn cảnh tỉnh cho người đời biết là KHÔNG ÐƯỢC như vậy, nên Ngài mới thuyết ra một bài kệ dạy về các sự “KHÔNG ÐƯỢC” ấy như sau :

(Ðọc ngang mỗi câu, từ trên xuống dưới và từ bên trái qua bên phải).

  • Trời Ðất che chở ta : –> Thân nầy tan KHÔNG ÐƯỢC, [3]
  • Cha mẹ nuôi dạy ta : –> Tình Thâm báo KHÔNG ÐƯỢC, [4]
  • Ai cũng muốn trăm tuổi : –> Có định cũng KHÔNG ÐƯỢC,
  • Nhà nhà thèm sang giàu : –> Muốn cầu, cầu KHÔNG ÐƯỢC,
  • Năm tháng khổ ê chề : –> Muốn nhàn, nhàn KHÔNG ÐƯỢC,
  • Râu tóc tới lúc bạc : –> Muốn đen, đen KHÔNG ÐƯỢC,
  • Ðạo lý biết rành rẽ : –> Nói được làm KHÔNG ÐƯỢC,
  • Châu báu chất như núi : –> Chết đi mang KHÔNG ÐƯỢC,
  • Áo quần hàng ngàn rương : –> Mệnh tận mặc KHÔNG ÐƯỢC,
  • Kinh nhiều hàng vạn quyển : –> Vô duyên đọc KHÔNG ÐƯỢC,
  • Phép nước bén như gươm : –> Phạm phải tha KHÔNG ÐƯỢC,
  • Hung ác không hiếu thuận : –> Trời phạt tha KHÔNG ÐƯỢC,
  • Một khi kết oán thù : –> Cả đời gở KHÔNG ÐƯỢC,
  • Mình làm mình phải chịu : –> Kẻ khác thế KHÔNG ÐƯỢC,
  • Oan gia lỡ gặp nhau : –> Muốn tránh, tránh KHÔNG ÐƯỢC,
  • Khi quỷ vô thường tới : –> Trăm kế thoát KHÔNG ÐƯỢC,
  • Ruột thịt cũng chia lìa : –> Muốn lưu, lưu KHÔNG ÐƯỢC,
  • Thân quyến khóc om sòm : –> Nghe được nói KHÔNG ÐƯỢC, [5]
  • Trong bụng rối tơ vò : –> Có miệng nói KHÔNG ÐƯỢC,
  • Bốn bề lạnh như băng : –> Cứng ngắc cựa KHÔNG ÐƯỢC,
  • Tắt thở chưa bao lâu : –> Mặt mày nhìn KHÔNG ÐƯỢC,
  • Tiền giấy hóa ra tro : –> Vô dụng mua KHÔNG ÐƯỢC,
  • Mới quá có mấy ngày : –> Hôi thúi ngửi KHÔNG ÐƯỢC,
  • Bàn thờ đồ cúng đầy : –> Hồn ma ăn KHÔNG ÐƯỢC,
  • Ðiện tiền gặp Diêm Vương : –> Chửi bới chịu KHÔNG ÐƯỢC,
  • Diêm Vương da mặt sắt : –> Phạt tội tha KHÔNG ÐƯỢC,
  • Hối-hận thì đã trễ : –> Muốn về, về KHÔNG ÐƯỢC,
  • Quỷ sứ tống vào ngục : –> Hình phạt trốn KHÔNG ÐƯỢC,
  • Hận mình không sớm tu : –> Lại hối, hối KHÔNG ÐƯỢC,
  • Làm thiện chẳng có chi ; –> Chịu tội miễn KHÔNG ÐƯỢC,
  • Tài-sản tuy có nhiều : –> Chuộc tội, chuộc KHÔNG ÐƯỢC,
  • Khi sống mãi khoe hay : –> Lúc chết trốn KHÔNG ÐƯỢC.
  • NẾU BIẾT NIỆM DI ÐÀ : –> ÐỊA NGỤC XUỐNG KHÔNG ÐƯỢC.
  • TAI NẠN TỨC THỜI TIÊU : –> vãng sanh SAO KHÔNG ÐƯỢC.
  • MỘT KHI GẶP DI ÐÀ : –> THỎA NGUYỆN NÀO KHÔNG ÐƯỢC.

Bài kệ trên đây gần như đã tóm lược và chỉ cho chúng ta thấy biết tất cả những khổ não của đời người cùng với các sự vô thường “KHÔNG ÐƯỢC” trong kiếp nhân sinh rồi vậy.

Là người Phật tử có tu học theo Phật Pháp, sau khi nghe hiểu xong được ý nghĩa của bài kệ nầy rồi, chúng ta phải nên hồi tâm, thức tỉnh, sớm lập nguyện tu hành, đừng bao giờ nghĩ một cách lầm lạc rằng :
  • Trong kinh luôn có nói đến Diêm Vương, Ðịa Ngục,
  • Trong kinh luôn có nói đến Thiên Ðường, Phật Quốc.

Vậy mà :

Không biết có thiệt hay chăng ‌?

Thôi thì để chờ cho khi nào chết xuống dưới âm phủ rồi mới xác nhận lại sau, chừng đó sẽ tu, chớ còn bây giờ tuổi trẻ mà đi tu sớm quá, bỏ của đời ai hưởng đây, chi bằng còn sống được ngày nào thì cứ lo ăn chơi xả láng hết ngày đó, rủi có chết thình lình cũng không hối tiếc !!

Ta nói :

Chỉ có những kẻ nào đại ngu si, đại vô trí, mới nghĩ và nói như vậy mà thôi, chớ còn như người có trí thì họ sẽ nghĩ và nói như thế nầy :

Trông thấy người khác chết,
Lòng những luống xót xa.
Chẳng phải xót người chết,
Vì sẽ đến phiên ta.

Vậy thì bao giờ sẽ đến phiên ta đây ‌?

Việc ấy tùy theo Diêm Vương định liệu vậy.

Hễ một khi mà Ổng cho quỷ vô thường cầm lịnh đến đòi rồi thì vô phương cứu chữa ! Hồn vía nhất định phải rời bỏ xác thân mà đi (xuống âm phủ) gặp Ổng ngay chớ không được lần lữa hẹn chờ, hay là năn nỉ chi được hết !

Sách có câu rằng :

Diêm Vương đã định canh ba chết,
vô thường đâu đợi đến canh tư !

Ta thấy rằng :

Trước ta, đã có biết bao nhiêu người đi theo tiếng gọi vô thường rồi !

Và :

  • Sau ta, cũng còn không biết đến bao nhiêu người khác nữa sẽ ra đi về bên kia thế giới !
  • Còn riêng bản thân của ta thì chẳng biết khi nào mới “hưu hỷ” (chết) đây ‌

Người có trí há không nghĩ đến việc ấy mà lo sợ, mà lập tâm “niệm Phật” tu hành, cầu sanh về cõi Tây Phương Cực lạc, hay sao ‌?

Còn chờ đợi cho đến bao giờ ‌

BẢO ÐĂNG xin được tạm ngưng thời pháp ở nơi đây, tuần sau sẽ giảng rõ về ý nghĩa của bài kệ.

Những mong sao cho quý huynh đệ hiện diện tại đây, nơi đạo tràng PHÁP HOA Tịnh độ nầy cũng như ở các nơi xa xôi khác nữa…., kể từ đây :

Nên quyết chí tu hành và lo niệm Phật đêm ngày, phát nguyện cầu sanh về cõi Cực lạc.

Nguyện rằng :

Thân nầy là thân cuối nơi chốn Ta Bà.

Và :

  • Thân sau sẽ sanh về nơi An Dưỡng quốc.
  • Ðược dự vào một trong chín phẩm sen, nơi thất bảo trì….

Ðược như thế :

Há chẳng phải là một điều vô vàn hân hạnh hay sao ‌?

Cám ơn quý huynh đệ.

Xin cùng với BẢO ÐĂNG đọc bài kệ hồi hướng sau đây :

Nguyện đem công đức nầy,
Hướng về cõi Cực lạc.
Ðệ tử và chúng sanh,
Ðồng chứng ngôi bất thối.

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT.

(Kỳ sau tiếp)….




[1]– sanh ly, tử biệt : Sống xa lìa, chết vĩnh biệt.
Ðây ý nói rằng : Kẻ sống và người chết cùng xa lìa và vĩnh biệt nhau.

[2]– BA TƯ NẶC : (Prasanajit) – Là vua của xứ Câu Tát La (Kosala), tại vương thành Xá Vệ (Sravasti), ngài sanh ra cùng một ngày với Phật và là bạn của vua Tịnh Phạn (cha của Phật) nơi xứ Ca Tỳ La Vệ.

Trong kinh “NHƠN VƯƠNG HỘ QUỐC” có nói rằng ; “Vào đời của đức Phật quá khứ là LONG QUANG VƯƠNG thì vua Ba Tư Nặc đây là một vị Bồ Tát thuộc hàng TỨ ÐỊA (Diễm Huệ Ðia), còn Phật Thích Ca lúc đó là một vị Bồ Tát thuộc hàng BÁT ÐỊA (Bất động địa)…đồng ở trong pháp hội của đức Phật nầy.

Vì thế nên ta phải biết rằng : Vua Ba TƯ NẶC đây chính là một vị đại Bồ Tát trong hàng “THẬP THÁNH” (Thập Ðịa) dùng “Thiện xảo phương tiện” hiện thân ra làm bậc quốc chủ…để hộ trì giáo pháp của Phật THÍCH CA vậy.
Ðây chính là ý nghĩa : “Một PHẬT ra đời, ngàn PHẬT phò trì” vậy


[3]– Ý nói : Ðừng tưởng rằng ta được “Trời che Ðất chở”, mà thân nầy sống mãi mãi đâu, ngược lại quyết định sẽ phải chết chớ “KHÔNG ÐƯỢC” trường sanh (sống hoài) bất tử đâu…..

[4]– Ý nói : Công sinh dưỡng của cha mẹ, KHÔNG làm sao mà báo đền hết cho ÐƯỢC.

[5]– Ðây ý nói là : Cái thần thức (tức là cái hồn của người chết trong 49 ngày) vẫn còn nghe biết được, chớ không phải là dùng lỗ tai thịt để nghe biết đâu (vì khi chết rồi thì thân thể đã trở thành ra vô tri, vô giác đồng với các vật vô tình như ngói, đá, cỏ cây….)
Attachments:
Download this file (THP 34.pdf)thp34.pdf
Chia sẻ:

Bình luận