27.10.2021

THP 36: Sự Báo hiếu theo đạo Phật

  1. Giảng giải về cái đại hiếu của một người con cần có đối với cha mẹ
  2. Người Phật tử tại gia nên thực hành đại hiếu với cha mẹ như thế nào
  3. Chuyện kể về người cha già của BTG Bảo Đăng

(Loạt bài giảng (nhiều kỳ liên tiếp) – của Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG
trước chư
Glossary LinkPhật tử nơi chánh điện
của bổn tự PHÁP HOA Tịnh Ðộ đạo tràng tại :
1107 E. 32nd St. Tucson, Arizona 85713. (kỳ thứ 3).

(Tiếp theo bài giảng số 35 tuần trước)

Cho nên phàm bổn phận làm con, nhất là một “người con có học hiểu về Phật pháp”, chúng ta phải :
Ngoài sự báo hiếu theo lối đời là :
Sớm thăm tối viếng mới đành bụng con.
Ta lại phải còn :
“Báo hiếu theo lối đạo” nữa.

Ðó là phải cố gắng làm thế nào cho cha mẹ khi còn tại thế TIN, HIỂU được Phật pháp và phát tâm hoan hỷ, lập nguyện Niệm Phật tu hành, khi mất rồi thần thức được siêu sanh Cực lạc, theo như lời KINH PHẬT dạy mà Bảo Ðăng vừa mới trùng tuyên lại cho quý Huynh đệ nghe vậy.

Hai câu kệ :

Cha mẹ nuôi dưỡng ta,
Tình thâm báo không được.

nầy hàm ẩn nhiều điều đạo lý sâu xa lắm chớ chẳng phải chỉ có bấy nhiêu đó thôi đâu. BẢO ÐĂNG chỉ tạm lược ra đôi phần đại khái, chớ nếu như nói ra cho hết thì cái “VIỆC HIẾU ÐẠO” đó vốn không cùng tận vậy.

Chỉ có một điều vắn tắt và đơn giản mà BẢO ÐĂNG muốn bày tỏ trong phần thuyết giảng hôm nay là :

  • Tất cả chúng ta (đương nhiên là cũng có cả BẢO ÐĂNG ở trong đó nữa) nên chơn thật quán TÂM mà xét lại “bổn phận làm con của mình” để xem kỹ rằng :
  • Mình có HIẾU đối với cha mẹ hay không mà thôi ‌
  1. Nếu như thấy Mình quả là một “đứa con bất hiếu” thì không cần luận bàn thêm làm chi nữa cho dài dòng văn tự.

    Tại sao ‌ ?

    Vì ở nơi Âm phủ, vua Diêm Vương cùng quỷ sứ đã biết rõ hết mọi sự và cũng đã bày sẵn :

    Giường lửa, vạc dầu sôi, bào lạc (cột đồng lửa) chờ đợi mình xuống dưới đấy rồi.
  2. Còn nếu như thấy mình quả là một “người con có HIẾU” thì nên bình tâm xem xét lại coi :

    • Cái HIẾU ấy của mình bao lớn ‌
    • Chỉ có HIẾU theo lối đời không thôi ‌

    Hay là :

    • Việc HIẾU đó có kiêm luôn cả ÐỜI lẫn ÐẠO

    Phải hiếu dưỡng cha mẹ kiêm cả ÐỜI lẫn ÐẠO thì mới là “toàn mỹ” vậy.

Trong “QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ”, Tổ sư có lời dạy rằng :

  1. “Vị thế gian chi hiếu, nhứt thế nhi chi.
    Vị xuất thế gian chi hiếu, vô thời nhi tận”.

    Nghĩa là :

    Dùng cái HIẾU theo phương cách của thế gian để báo đền ơn cho cha mẹ thì kết quả tốt đẹp ấy chỉ có một đời rồi thôi.
    Còn nếu như biết:
    Dùng cái HIẾU ngoài thế gian (tức là theo phương cách của Phật dạy) mà báo đền ơn cho cha mẹ thì cái kết quả tốt đẹp ấy không có lúc nào cùng tận cả”.
    Và cũng lại dạy tiếp nữa rằng :
  2. “Năng sử phụ mẫu sanh Tịnh độ,
    Mạc đại chi hiếu dã”.

    Nghĩa là :

    “Nếu như biết khuyên cha mẹ tu hành để (cho cha mẹ) được vãng sanh về nơi Cực lạc Tịnh độ (sau khi mãn phần).

    Thì không còn có cái đạo HIẾU nào sánh bằng được cả”.
  3. “Hiếu tử sát kỳ vãng sanh thời chí, dự dĩ phụ mẫu bình sanh chủng thiện, tụ vi nhứt sớ, thời thời đối phụ mẫu đọc chi, yếu linh phụ mẫu tâm sanh hoan hỷ.

    Hựu thỉnh :

    phụ mẫu tọa ngọa hướng Tây, nhi bất vong Cực lạc Tịnh độ.

    Thuyết A DI ÐÀ tượng, cập nhiên hương, minh khánh, chúng nhơn trợ niệm bất tuyệt.

    Khí đoạn chi thời, du gia dụng ý, vô dĩ khấp thất kỳ chánh niệm.

    phụ mẫu đắc sanh Tịnh độ, khởi bất gia tai”.

    Nghĩa là :

    “Người con có HIẾU, nếu xét nghiệm kỹ – (bệnh trạng hoặc tuổi già) – thấy biết thời giờ sắp chết của cha mẹ gần tới rồi, thì người con ấy phải nên gom góp các việc lành của cha mẹ đã làm lúc còn mạnh khỏe, chép lại thành một tờ sớ, thường thường đọc ở trước mặt cha mẹ, để làm cho lòng cha mẹ được vui.
    Lại mời thỉnh :

    cha mẹ nằm ngồi day mặt về phương TÂY để cho Tâm không quên miền Cực lạc Tịnh độ.

    Con lại treo tượng PHẬT A DI ÐÀ lên, đốt hương, đánh khánh, nhờ mọi người – (cao tiếng) Niệm Phật hộ niệm không ngừng.

    Khi cha mẹ tắt hơi, con lại phải càng thêm để ý, không nên than khóc, kêu gào, làm cho mình và người chung quanh bị rối lòng, mà mất đi phần chánh niệm.

    Cha mẹ được sanh về Cực lạc Tịnh độ, đó há chẳng phải là một việc vui mừng lắm ư” ‌?
  4. “Bình sanh hiếu dưỡng, chính tại thử thời.
    Ký ngữ Hiếu tử, thuận tôn, vô niệm thử sự”.

    Nghĩa là :

    Hằng ngày, nếu như phần làm con biết giữ “đạo HIẾU” mà nuôi cha mẹ, thì chính lúc cha mẹ được vãng sanh đó người con mới TRÒN ÐẠO HIẾU vậy.

    Gởi lời cho đám con HIẾU, cháu HIỀN, chớ khá quên việc nầy”.

Ðến đây BẢO ÐĂNG chợt nhớ lại lúc còn ở Trung học, đọc truyện “24 người con có Hiếu” (Nhị thập tứ hiếu), chẳng hạn như là các người :

Mẫn Tử Khiên, Lão Lai, Mạnh Sử…

(chắc quý vị cùng một thời với BẢO ÐĂNG nhớ biết những truyện nầy ‌) thì những gương “HIẾU HẠNH” của các Vị đó, người đời gọi như thế đã là HIẾU quá rồi, cho nên mới lưu truyền vào trong sử sách, để cho thế hệ về sau noi gương, bắt chước.

Nhưng y theo lời của PHẬT dạy trong Kinh Hiếu tử (mà BẢO ÐĂNG đã có lược giảng qua trong tuần rồi) thì : Cũng vẫn còn là bất hiếu (tức ý nói là chưa được trọn HIẾU).

Tại sao ‌?
Bởi vì không biết đem Phật pháp cao siêu, mầu nhiệm…. mà khai hóa thêm cho cha mẹ của mình được minh tâm kiến tánh và phát tâm Niệm Phật tu hành để được vãng sanh về nơi giải thoát,” vậy.

Nay chúng ta đây đều là những người con PHẬT, được danh xưng là Phật tử, rất cần phải nên học hiểu Kinh pháp và thực hành theo lời của PHẬT dạy về đạo HIẾU để cho :

BÁO ÐÁP ÐẦY ÐỦ ÐƯỢC TÌNH THÂM ÐỐI VỚI cha mẹ

Mình học KINH, nghe giảng pháp… thấy các gương xưa ở trong đạo PHẬT ta, chẳng hạn như là:

  • Ngài XÁ LỢI PHẤT trước khi nhập Niết bàn, thì Ngài trở về quê nhà, ròng rã suốt một tháng trời thuyết pháp cho MẸ (là bà THU TỬ) nghe, khiến cho Mẹ đắc được đạo quả TU ÐÀ HOÀN, để báo đền ơn đức dưỡng sanh…
  • PHẬT THÍCH CA về vương cung thuyết pháp cho vua cha là TỊNH PHẠN Ðại Vương nghe, khiến cho Vương phụ đắc được Bồ Tát đạo quả, nhập vào trong “cảnh giới thậm thâm Bất Tư Nghì giải thoát của Bồ Tát”, để báo dền ơn đức dưỡng sanh.

… Nhưng các chuyện trên đây đều là “phần việc” của những bậc đại thánh nhơn làm, mình chẳng thể nào và không sao so lường nổi được.

Còn người phàm nhơn học đạo như chúng ta đây, giả sử như có người (tà giáo, ngoại đạo) nào ác ý, muốn bài bác Phật pháp có lời hỏi mắc mình rằng:
Như vậy thì mấy ông “Thầy chùa” rời nhà, bỏ cha, bỏ mẹ mà đi tu (xuất gia), khiến cho cha mẹ nhớ thương, sầu khổ thì như thế nào ‌?
Giờ đây mình phải trả lời làm sao ‌?

Quý Huynh đệ biết giáo lý, hiểu Phật pháp nói sơ sơ qua cho BẢO ÐĂNG nghe ít nhiều cao kiến đi…

(Phật tử lặng im…)

Ở đây thì mình tạm có 3 cách giải thích, đó là:

  1. Trường hợp mà vị xuất gia đó đắc đạo giải thoát rồi, mà Mẹ (hoặc Cha) vẫn còn sống, thì trở về thuyết pháp, giảng kinh, độ cho cha mẹ, chẳng hạn như là PHẬT hoặc Ngài XÁ LỢI PHẤT làm….(đã nói khi nãy).
  2. Trường hợp như con tu được đắc đạo, giải thoát rồi mà cha mẹ đã qua đời, chẳng hạn như Bà THANH ÐỀ là mẹ của Ngài Ðại MỤC KIỀN LIÊN đi, lúc còn sống khuyên nói, dạy bảo đủ hết các điều lành, tốt, mà vẫn không nghe, tánh tình lại thêm keo kiệt, tham lam, bỏn sẻn… đến nỗi sau khi chết rồi, thần thức phải bị đọa vào trong loài “ngạ quỷ”

    (Chắc quý Huynh đệ nhớ rồi phải không ‌? Ðọc Kinh Vu Lan và nghe giảng về việc nầy hoài (mỗi năm) mà làm sao quên được ‌)

    Vậy thì Ngài MỤC KIỀN LIÊN cứu độ cho mẹ như thế nào ‌?

    BẢO ÐĂNG biết chắc là quý Huynh đệ đã hiểu và nhớ rồi, nên khỏi cần phải nhắc lại làm chi cho dài dòng.

    Trường hợp nầy – (tức là Trường hợp của Ngài MỤC KIỀN LIÊN) – ở trong sách, luận gọi là:

    Cha mẹ mất rồi thì dắt dìu thần thức.
  3. Còn Trường hợp như người ấy là Phàm Tăng, chưa được chứng đắc đạo quả gì hết thì làm sao trả hiếu, báo đáp được tình thâm ‌?

    PHẬT có dạy rằng :
    • Vị Phàm Tăng đó (ở đây BẢO ÐĂNG muốn nói đến các vị chơn tăng, hiền tăng suốt tháng, quanh năm lo lúc thúc giữ phần tu niệm, chớ còn như những hạng tà tăng, giả tăng, hoặc những hạng tăng “mượn đạo, tạo đời”… thì không (đáng) nói đến) phải làm như thế nầy :
    • Trong tất cả các thời khóa tu hành, công phu, bái sám, Niệm Phật, tụng kinh, trì chú v.v… đều đem hết công đức tu trì mà vị ấy đã gây tạo được để :
    1. HỒI HƯỚNG HẾT ÐẾN CHO cha mẹ (hoặc hiện tiền, hoặc quá vãng).
    2. Hồi hướng đến cho “cữu huyền, thất tổ”.
      Và :
    3. Hồi hướng đến cho pháp giới chúng sanh”.

    Như thế nào ‌?

    1. Như cha mẹ còn hiện tiền, thì nguyện cho (đại khái):

      cha mẹ được :
      Thân tâm an lạc, phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ,
      Glossary Linkphước thọ tăng long, phát lòng Niệm Phật, tâm khai huệ phát, lâm chung chánh niệm, vãng sanh Cực lạc.
    2. Như cha mẹ đã quá vãng rồi, thì nguyện cho (đại khái):

      cha mẹ được:
      nghiệp chướng tiêu trừ, tốc thoát Ta Bà, siêu sanh Cực lạc…
    Nếu vị phàm Tăng đó là bậc chân thật tu hành và hằng luôn nhứt tâm Hồi hướng công đức đến cho cha mẹ như thế, thì chẳng những:
    cha mẹ hiện đời được lợi ích.
    Mà :
    cha mẹ quá cố (một đời, cho đến 7 đời) cũng được siêu thoát.
    Ðây gọi là :
    “Nhứt nhơn hành đạo, cữu huyền thăng” vậy.

Ðến đây, BẢO ÐĂNG xin được nêu ra thêm một Trường hợp “đặc biệt, ngoại hạng” khác nữa, như là :

4/- Còn Phật tử tại gia bị đủ thứ ràng buộc như mình đây, thì đường tu niệm cố nhiên là quá lem nhem bê bối…. rồi, lại còn thêm sống xa quê nhà, cách biệt với cha mẹ (chẳng hạn như mình ở bên Mỹ Quốc mà cha mẹ thì vẫn còn ở bên Việt Nam đi) thì :

Làm sao báo đáp được tình thâm ‌?

Chắc quý Huynh đệ nghĩ rằng :

Mình gởi tiền bạc hoặc là quà tặng về cho cha mẹ, hết ngàn đồng nầy tiếp theo ngàn đồng kia, hết thùng quà nầy tiếp đến thùng quà khác, cất nhà cao, cửa rộng cho cha mẹ ở, mua sắm vòng vàng, chuỗi hạt cho cha mẹ đeo, cung cấp vật chất đầy đủ v.v… như thế thì cũng có thể gọi là báo hiếu được rồi… phải vậy không ‌?

Xin đáp rằng :

Theo thông lệ từ xưa đến nay của người nhân thế thì việc đó cũng được gọi là một cách trả hiếu(chút ít phần nào) cho cha mẹ. Nhưng y theo lời của PHẬT dạy mà BẢO ÐĂNG đã thuyết giảng trong tuần qua, thì việc trả hiếu như thế cũng vẫn còn chưa đủ, mà phải làm sao cho cha mẹ tin tưởng vào nơi lời Phật dạy, rõ biết lý nhơn quả, phát tâm học đạo, Niệm Phật tu hành, khi lâm chung thần thức được siêu thoát kìa, đạo hiếu như thế thì mới được PHẬT khen, được gọi là hoàn mỹ vậy.

HỎI :

Còn nếu như cha mẹ gốc nghiệp sâu nặng, con nhắc khuyên tu hành, niệm Phật… bằng đủ mọi cách hết mà Tâm “Kiên Thủ Kiến” (tâm cố chấp) vẫn không lay chuyển được thì phải làm thế nào ‌?

ÐÁP :

Trường hợp nầy thì cũng có thể gọi là “vô kế khả thi” (tức là không còn có phương cách nào để tiếp độ nữa) rồi.

Nơi đây chỉ còn có 2 cách chót là :

  1. Mỗi khi mình tu hành, lễ niệm – hay làm được bất cứ việc phước thiện nào… thì mình cũng đều nguyện “Hồi hướng hết công đức đến cho cha mẹ” (đây cũng giống như mình tu thế cho cha mẹ vậy) – rồi mỗi năm cứ đến ngày lễ “Vu Lan Tự Tứ” thì mình y theo lời PHẬT dạy trong Kinh là :

    • Dùng hết tâm thành sắm sanh lễ vật, chẳng hạn như :
    • Ðồ ăn trăm món, trái cây năm màu… (nói riêng).
    Cùng với :
    Các món cúng dường “tứ sự” khác… nữa, để:
    1. Trước dâng cúng dường 10 phương (thánh, phàm) Tăng,

      Và :
    2. Sau nữa là nhờ “ÐỨC CHÚNG NHƯ HẢI” của Quý Ngài mà chúc nguyện cho cha mẹ – (mình viết tên tuổi của cha mẹ ra giấy, trao lên cho chư Tăng đọc lời chú nguyện) được :

      Tội diệt phước sanh,
      Căn lành tăng trưởng.
      Phát nguyện tu hành…
      nhứt tâm Niệm Phật…
      lâm chung chánh niệm,
      vãng sanh Cực lạc…

    (Ðó là nói về Trường hợp khi cha mẹ còn sống, thì trước hết là mình “tu thế” cho cha mẹ và Hồi hướng công đức để báo ân, cùng nhờ “sức đại lực của chư Tăng” chú nguyện cho (cha mẹ) được tiêu bớt đi ít nhiều nghiệp chướng).

  2. Trong một số sách, luận… Chư Tổ sư cũng đã có dự trù sẵn về các Trường hợp “bất khả hóa độ” (tức là không thể nào hóa độ được nữa) nầy rồi.

    Quý Ngài dạy rằng :

    Lâm vào trong Trường hợp nầy rồi, thì chỉ còn có 2 phương cách sau đây để cứu độ cho cha mẹ mà thôi :

    • Một là “độ sanh” (tức là độ cha mẹ lúc còn sống) như trên vừa nói).
    • Hai là “độ tử”.
    Sao gọi là “ÐỘ TỬ” ‌?
    • “Ðộ tử” tức là chờ cho khi nào người cha hoặc mẹ (ngoan cố) ấy chết đi rồi, thì y theo lời PHẬT dạy trong Kinh sách mà :
    • “Trong 49 ngày chí thành đọc tụng Kinh điển Ðại thừa (như Kinh ÐỊA TẠNG, KIM CANG, DI ÐÀ, v.v…)
    • Rồi đem “công đức đọc tụng” ấy mà nhất tâm Hồi hướng cho hương linh của người quá vãng.
    Hoặc là một lòng thành kính thiết bày các đại lễ :
    Bố thí, cúng dường, sám hối, đúc tượng, in Kinh”…

    Rồi đem các “phần phước đức” đã thu hoạch được đó mà Hồi hướng cho hương linh của người quá vãng (như trong Kinh ÐỊA TẠNG đã chỉ dạy vậy [1]).

    Thì quá cố hương linh kia cũng được tiêu bớt đi ít nhiều tội nghiệp.

Trong sách có ghi lại một câu chuyện Về việc :

“CON TU THẾ CHO MẸ” :

Như sau :

  • Ở huyện (quận) Giang Hạ, có vợ của người họ UÔNG, là nàng Trịnh Thị. Nguyên nàng Trịnh Thị nầy trong kiếp trước có tu các hạnh như sau :
  • Ăn chay, cữ sát sanh, phóng sanh.
  • Ưa làm lành, hay Bố thí.
  • Có hiếu với cha mẹ chồng.
  • Nuôi cha mẹ chồng đau bịnh hết lòng, tận sức.

Nhưng bởi vì :

Công hạnh chưa được đầy đủ,

Nên (Vua) Diêm Vương :

Cho đi đầu thai qua kiếp nầy mà làm con nhà Quan để hưởng phước sang giàu, phú quý.

Lại định phần sẵn cho :

  • Gặp được người chồng lương thiện, hiền đức.
  • Sanh được 3 trai, 2 gái.
  • Sống đến 82 tuổi, không bịnh mà mãn phần.

Nào dè đâu được cha mẹ (nhà quan) cưng chiều thái quá, vả lại vì là tiểu thơ con của bậc quan quyền, nên ngay từ lúc nhỏ đã quen tánh “ỏng a, ỏng ảnh”, nhà lại có nhiều tôi tớ nên hay học thói làm chủ nhà, mắng nhiếc và thẳng tay hành hạ, đánh đập các kẻ dưới tay (như người ăn, kẻ ở (đợ))… một cách khắc nghiệt !

Tập rèn tánh ấy lâu ngày thành quen, nên độc dữ lắm.

Ðến khi có chồng thì gặp được người hiền hậu, nhưng vì y thị ỷ thế là con quan, nhà giàu sang, nên chuyên quyền, lấn lướt và ăn hiếp chồng quá lẽ !

Vả lại :
Vì đã quen thói ăn sung, mặc sướng, cho nên sát hại các sanh mạng vật loại như gà, vịt, v.v… rất nhiều.
Lại còn thêm :
  • Cho vay ăn lời quá phép.
  • Khắc khổ tá điền (người làm ruộng mướn).
  • Ðã bắt làm ruộng công không mà thất mùa y thị cũng chẳng châm chế cho chút nào (tức là chẳng giảm bớt việc đong đủ lúa ruộng).

Từ nhỏ đến lớn chẳng hề chịu Bố thí cho bà con, dòng họ nghèo được nhứt một đồng điếu nào hết, nên có đâu mà Bố thí cho người dưng !

Ngày nào cũng đánh chưởi tôi tớ, y thị đã :
  • Ðánh chết đứa tớ gái tên là Vương Nguyệt Mai.
  • Khoét mắt người đầy tớ trai tên Trương Hưng Nhị khiến người nầy bị đau nhức hành cho đến chết.
  • Phạt đầy tớ gái là Ngô Bá Hương, bắt ăn cả tô đậu nành sống, khiến cho người tớ nầy bị sình bụng ba ngày, nổ ruột mà chết.

Ngoài ra :

Còn có nhiều tôi trai, tớ gái khác cũng bị y thị đánh đập, hành hạ đến nỗi mặt, tai, mũi, tay, chơn, mình, đầu… đều bị thương tích hết.

Có kẻ biết đạo, đem sự lý nhơn quả, báo ứng ra khuyên giải, can ngăn, thì Trịnh Thị ỷ mình là con “nhà lớn, quan to”, nên cả tiếng mắng nhiếc người giảng thuyết nhơn quả, mà nói rằng :

  • Ta đây giàu sang, no cơm, ấm áo.
  • Con cháu đầy nhà.
  • Thuở nay Ta lại có mấy Bố thí cho ai đâu mà được hưởng phước đó ‌
  • Ai đi tin lời ngươi nói phải tu nhơn, tích đức mới sống được tới bảy, tám mươi tuổi ‌

Nói xong, ra lịnh người làm đuổi kẻ giảng lý nhơn quả ấy đi lập tức.

Mấy lời nói ác ấy, TÁO QUÂN cũng đã có làm sớ tâu với Thiên đình (trên Trời) và cứ mỗi một tháng lại chạy tờ báo cáo về hai nơi chưởng quản tuổi thọ của người thế gian là Nam Tào, Bắc Ðẩu, trong những phần báo cáo ấy đều có biên rõ hết tất cả các tội ác của Trịnh Thị đã làm.

Và :

Các hồn oan (bị y thị hại chết) – cũng đều có đầu đơn thưa ở nơi Âm phủ nữa.

Bởi các lẽ ấy, cho nên :

Ngọc Hoàng Thượng Ðế truyền thu bớt lại tuổi thọ của y thị 3 kỷ (một “kỷ”12 năm tức là giảm hết 36 năm tuổi thọ).

Cùng ra lệnh :

Cho bắt hồn của Trịnh Thị(xuống Âm phủ) mà trị tội.

Nên :

y thị mới được có 46 tuổi thì chết…

……………

(Ra trước tòa án Âm phủ).

Diêm Vương phán rằng :

  1. “Không kính trọng chồng nhơn đức, là tội thứ nhất, theo luật Trời không tha thứ được.

    Huống chi :
    • Ðộc dữ Khắc khổ với các kẻ ăn, người ở.
    • Giết oan uổng hết ba mạng người.
    • tánh tình độc dữ hơn cọp, không phải là lòng người.
    Tội đáng phạt :
    Giam vĩnh viễn vào Ðịa ngục, hành tội xay giã… hoài hoài (mãi mãi) không cho đi đầu thai nữa”.
  2. Phán quan (tựa như công tố viên của tòa án đời nay) tâu rằng :

    • Người Trịnh Thị nầy nguyên kiếp trước là kẻ có tu hành.
    • Có hiếu với mẹ chồng lắm.
    Còn đời nay thì :
    Người con gái lớn của Trịnh Thị, thấy mẹ mình lấn hiếp, hỗn láo với cha và ăn ở độc ác với mọi người như vậy.
    Nên cô ta mới :
    • tu hành, tụng kinh, Niệm PHẬT,
    • Làm phước, Bố thí…
    Ðể :
    CẦU CHO MẸ ÐƯỢC TIÊU TỘI.
    Việc nầy cũng như là :
    TU THẾ CHO MẸ CỦA NÓ.
    Vậy hạ thần xin:
    Vương Gia (Diêm Chúa) cho Trịnh Thị đi đầu thai, luân hồi, trả quả, chừng nào hết tội trước rồi sau đó sẽ xử nữa.
  3. Vua Diêm Vương phán rằng:

    Nếu con gái có tu thế (cho nó) như vậy,

    Thì :

    Trẫm tha tội giam cầm vĩnh viễn và hành phạt xay giã… ở nơi địa ngục.

    Mà :

    Cho đặng đi đầu thai, để luân hồi trả quả.

    Như sau :

    1. Kiếp thứ nhất :

      Cho nó đầu thai làm một người đàn bà nghèo khổ, đói rách cả đời, rồi cho hồn của con NGÔ BÁ HƯƠNG nhập vào trong bụng của nó làm “quỷ thai” (có thai mà không sao sanh ra được, thành ra ở hoài trong bụng) hành hạ cho đau đớn đến mức cùng cực. Tới ba năm, y thị sẽ bị phát điên (vì bị đau đớn thái quá, không chịu nổi) – nên tự mổ bụng mình, lấy dao cắt ruột mà chết !

      Ðặng trả quả việc :

      Bắt con ở là Ngô BÁ HƯƠNG ăn đậu nành sống, sình ruột, bể bụng mà chết.
    2. Kiếp thứ nhì :

      Cho nó đầu thai làm một đứa con gái nghèo cùng, khốn khổ, lại thêm bị câm, ghẻ chốc cùng mình, làm kẻ ăn mày đi xin ăn khắp chỗ. Tới năm 50 tuổi bị người con gái họ Trương (là hồn của con ở Vương Nguyệt Mai đầu thai lại) đánh chết.

      Ðặng trả quả việc :

      Ðánh chết Vương Nguyệt Mai trong kiếp trước.
    3. Kiếp thứ ba :

      Cho nó đầu thai làm một đứa con gái nghèo khổ, đến năm 18 tuổi bị một tên “du côn”(là hồn của Trương Hưng Nhị đầu thai) – đâm đui cặp mắt và đánh đứt hết gân hai chân, phải bò lết ngoài chợ mà xin ăn cho tới chết.
    Trong ba kiếp nầy hành phạt như thế mà trừ các tội : Ðánh và hại chết ba mạng người.

    Cùng hành phạt thêm các tội : Câm, ghẻ, đói, lạnh, cực khổ, đi xin ăn… để đền các tội giết hại tôi tớ, hiếp đáp chồng hiền đức, và làm giàu bất nhơn… đó.

    Như trong ba kiếp chịu khổ ấy, biết ăn năn và ở hiền lành lại,

    Thì :

    Sẽ châm chế cho kiếp khác (kiếp thứ tư và những kiếp về sau).

………………

Chuyện còn dài, nhưng BẢO ÐĂNG chỉ xin được kể đến đây mà thôi, để chứng minh cho quý Huynh đệ thấy rõ lại về các lời giảng trên của BẢO ÐĂNG là, nếu như :

Cha (hoặc mẹ) hung ác quá, ngoan cố không chịu nghe theo lời khuyên nhắc tu hành, lại còn thêm keo kiệt, tham lam… cùng làm nên các việc thất nhơn, ác đức… khác nữa… Con (biết đạo) khuyên nhắc, khẩn cầu… cho biết để hồi tâm tu niệm cách mấy mà cũng vẫn ngoan cố không chịu nghe theo,…

Thì :

Người con có HIẾU kia phải cố gắng tu hành, hoặc tụng kinh, Niệm Phật, hoặc Bố thí, phóng sanh, làm các việc phước đức…

Rồi :

Ðem các công đức, phước lành ấy mà nhứt tâm : Hồi hướng CẦU CHO CHA (hoặc MẸ) ÐƯỢC tiêu trừ TỘI LỖI

(Như Trường hợp vừa mới kể trên)

Ðây gọi là :

CON TU THẾ CHO CHA (hoặc MẸ) VẬY.

Và đó cũng gọi là:

BÁO ÐÁP ÐƯỢC CHÚT PHẦN NÀO CÔNG ƠN CỦA CHA (hoặc) MẸ. trong việc HIẾU ÐẠO” của phận làm con.

Thí dụ, chẳng hạn như BẢO ÐĂNG đây sống xa ở nơi xứ người, còn cha già [2] vẫn còn ở bên quê nhà, cách biệt biết mấy trời mây, thì làm sao mà trực tiếp dưỡng nuôi… để báo đền ơn đức sanh thành, dưỡng dục của từ thân cho được ‌

Chỉ còn có mỗi cách (như vừa nói ở trên) là :

  1. Gởi tiền bạc, quà tặng,… về để cung dưỡng (cung kính nuôi dưỡng).
  2. Suốt hơn 17 năm, bao nhiêu công đức về Phật sự có được mà BẢO ÐĂNG đã, đang và sẽ còn mãi làm, như là :

    • tụng kinh, Niệm Phật, trì chú, cất chùa, in kinh, đúc tượng, thuyết giảng Kinh pháp, chích máu tả kinh [3] vv… Hồi hướng hết về cho thân phụ.
    • Ðêm ngày chí thành cầu nguyện chư Phật, Bồ Tátdùng đại từ bi, đại nguyện lực mà độ trì, khiến cho thân phụ sớm được :
    • Hiểu biết điều đạo lý, nhơn quả,
    • bình tâm, tịnh trí, phước thọ tăng long…
    Và lại còn thêm :
    • phát tâm Niệm Phật, tu hành,
    • lâm chung chánh niệm, được vãng sanh về nơi Cực lạc
      mà thôi.
    Lấy đó để báo đáp được chút nào :
    TÌNH THÂM SANH DƯỠNG vậy.

(BẢO ÐĂNG xin nguyện cho các bậc con hiếu, cháu hiền, ở nhằm vào trong hoàn cảnh của BẢO ÐĂNG cũng nên cố gắng làm theo phương cách ấy).

Tuy nhiên điều mà chúng ta cần phải nên nhớ cho thật kỹ rằng:

Không phải cứ mãi chờ hoặc nhờ người “TU THẾ” cho mình là thượng sách đâu.

Phải biết câu :
Ai ăn nấy no,
Ai tu nấy chứng.
Phần chánh là mình phải :
  • Lo chân thật tu hành. (đúng theo lời PHẬT dạy).
  • Rõ biết điều nhơn quả, báo ứng.
  • Lánh ác, làm thiện…

Thì :

Mới bảo đảm được các sự tốt đẹp cho kiếp hiện tại lẫn cả về sau.

HỎI :

Trong Kinh Vu Lan có dạy rằng : muốn báo hiếu cho cha mẹ thì trong ngày lễ Vu Lan phải làm đủ :

Ðồ ăn trăm món, trái cây năm màu.

Như thế thì nghe “hơi kỳ” một chút. Vì chẳng lẽ nào PHẬT, Bồ Tát, Thánh Tăng lại đòi hỏi – (giống như hối lộ) và thích phải có nhiều món ăn ngon, trái cây quý… như vậy, mới chịu chứng, mới chịu tha tội cho…

Còn nếu như mà :
  • Không đủ “đồ ăn trăm món, trái cây năm màu” thì không chứng và chẳng chịu tha tội cho hay sao ‌?
  • Lỡ bị nghèo quá không sắm sửa đủ các thứ lễ vật (đòi hỏi) ấy… thì thế nào ‌?

ÐÁP :

Nói “đồ ăn trăm món, trái cây năm màu” đây, người đọc và các kẻ học Kinh phải hiểu đúng theo “NGHĨA” rằng :

  1. Như giàu có thì dâng đủ lễ vật – để bày tỏ lòng thành và chứng minh lên việc “Tâm của mình không có keo kiệt, bỏn xẻn”… (tức là có được XẢ TÂM”, biết cúng dường, Bố thí)

    Còn nếu như :
  2. Nghèo túng thì xứng hợp theo bổn phận của mình mà sắm sanh lễ vật.

    Chớ PHẬT, THÁNH nào có đòi hỏi, hối lộ hoặc là “ham ăn” đồ vật của thế gian chi đâu!

Tóm lại, sách có câu rằng :

Thiên đường, địa ngục môn tương đối,
Nhậm quân na vãng nhứt điều hành.

Tức là :

Cửa Thiên đường (cùng với) cửa địa ngục đối ngang (mặt) với nhau,
Chàng muốn đi vào cửa nào ‌

Việc đó đều là :

TÙY NƠI TÂM CỦA CHÀNG MUỐN MÀ THÔI.

Trong việc báo đền chữ HIẾU – (tức là báo đền “ƠN ÐỨC dưỡng sanh” của cha mẹ), là người Phật tử học đạo, biết đạo và có đạo…. TA phải nên chơn thật, dùng tâm BIẾT ƠN, BÁO ƠN” mà đền đáp lên cha mẹ với : TẤT CẢ TẤM LÒNG THÀNH

Chớ nên bày ra điều dối trá – (tức là “bất hiếu tử” mà cứ giả đò như “Hiếu tử nhân) :

Lấy vải thưa che mắt thánh.

Phải nên nhớ, biết rằng :

Nếu như không muốn ai biết,

Thì :

Chỉ có mình không biết (thì được)

Còn nếu như :

Mình đã biết rồi.

Thì :

Trời, đất, quỷ, thần, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phậtcũng đều biết cả.

Hiểu được lẽ nầy rồi thì, tuy là :

  • Ở nơi nhà vắng, chỗ tối.
  • Ở chỗ chẳng có thờ hình tượng Phật, Bồ Tát… hoặc là Trời, đất, quỷ, thần v.v… nhưng quyết cũng :
  • KHÔNG BAO GIỜ DÁM KHỞI SANH RA ÁC TÂM, LÒNG bất hiếu, HOẶC KHI PHỤ ÂN ÐỐI VỚI cha mẹ.

BẢO ÐĂNG xin được kết thúc phần giảng về câu :

cha mẹ nuôi dưỡng Ta,
Tình thâm báo không được.

ở nơi đây.

Nguyện cho tất cả các bậc con hiền, cháu hiếu khắp nơi trên thế gian nầy thảy đều “biết ơn, báo ơn” đối với tình thâm SANH DƯỠNG của cha mẹ.

Mong lắm vậy thay.

(Tuần sau BẢO ÐĂNG sẽ giảng tiếp qua hai câu kệ :

“Ai cũng muốn trăm tuổi, có định cũng không được,
Nhà nhà thèm sang giàu, muốn cầu, cầu không được”…

Phụ Chú (của TT. Thích Hải Quang)

(Người “CHA GIÀ” vừa được Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG nói ở trên, đó là :

Ưu bà tắc ÐẠO NGUYÊN, tánh danh NGUYỄN VĂN PHAN,
Sanh ngày 28, tháng 2 Âl. Năm Nhâm Tuất (1922).

Ðã an lành xả bỏ báo thân (qua đời) tại tư gia, Gia Ðịnh (Việt Nam) vào ngày 20 tháng 2 (Âm lịch) năm Tân Tỵ (Nhằm 14 tháng 3 Dl, năm 2001) hưởng thọ 80 tuổi đời, GIỮA TIẾNG Niệm Phật hộ niệm VANG RỀN của các người con cùng quyến thuộc vây quanh – (qua sự chỉ đạo và hướng dẫn – (từ bên Mỹ gọi điện thoại về) của Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG)
…………………………………..

Sau khi xong phần tang lễ, qua sự khấn nguyện của 1 vài người con, nên người nhà chiêm bao thấy :

1.

(hương linh của cố Phật tử Ðạo Nguyên NGUYỄN VĂN PHAN hiện về, mình mặc áo vàng, dung sắc sáng đẹp, tươi cười… giây lâu mới ẩn (người con gái thứ 9 thấy).

2.

hương linh lại cũng hiện về, báo mộng và chắp tay nói cùng với Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG – (là trưởng nữ) – rằng :

  • “Xin tạ ơn con đã khuyên dạy BA tu theo Tịnh Ðộ cùng Hồi hướng các phần công đức tu tập của con đến cho BA.
  • Nay BA đã được vãng sanh về phẩm HẠ HẠ nơi cõi Cực lạc”.

3.

Ba tuần sau – do nơi sự tha thiết khấn nguyện của Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG lên đức QUÁN THẾ ÂM Bồ Tát, cầu xin Ngài xác nhận về sự vãng sanh của thân phụ…

… Ðêm ấy, được thấy đức QUÁN THẾ ÂM Bồ Tát – (hiện thân trong mộng) – đến báo lời rằng :
  • “Do nơi ngươi hết lòng và chơn chánh làm việc Phật sự cùng Hồi hướng tất cả công đức sở hữu đến cho thân phụ của ngươi từ bấy lâu nay – Hiện hương linh của Ðạo Nguyên đã được TA rước về Cực lạc, sanh vào trong phẩm HẠ HẠ…
  • Phần hiếu đạo của ngươi đã trọn xong”…

Ngài lại còn dạy tiếp thêm cho Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG rằng :

  • “Gắng tinh tiến tu tập, chơn chánh làm các Phật sự, đừng có thối thất nguyện tâm, TA sẽ phổ độ cho ngươi”…

4.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng :

  • Khoảng 6 tháng trước khi Phật tử Ðạo Nguyên NGUYỄN VĂN PHAN qua đời, đêm ấy tự thân nằm chiêm bao thấy thân mẫu [4] về thăm, sắc mặt tươi cười, sáng đẹp nói lời dạy rằng:
  • “Nầy Phan con, nếu con muốn được về Tây Phương Cực lạc thì phải Niệm Phật cho thật nhiều, má sẽ đến rước”…

Kể từ đó Phật tử Ðạo Nguyên cứ đêm ngày mong cầu tha thiết, luôn miệng nói với vợ lời rằng:

  • “Anh muốn về Tây Phương Cực lạc để gặp má, anh nhớ má quá…
  • Anh không đi đâu hết chỉ muốn đi Tây Phương thôi hà”.

5.

Người con gái thứ 7 của Phật tử Ðạo Nguyên (là em của Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG) liên tiếp trong mấy ngày, nằm chiêm bao thấy cùng một điềm mộng như sau :

… “ Ði đến một chỗ nào đó không biết…

Nhưng mà :

  • Thấy một nơi phong cảnh rất xinh đẹp, tại chỗ đó có một tòa cung điện cũng rất là to lớn, đẹp đẽ và trang nghiêm không sao tả xiết.
  • Lại còn thấy có một bà lão [5] dung sắc xinh đẹp, trang nghiêm, mình mặc đồ nâu, tay cầm chổi, đang quét dọn sạch sẽ trước sân nhà,…

Người em gái của BẢO ÐĂNG tới gần, chắp tay bái xá… và hỏi rằng :

Bà ơi, Bà đang làm gì vậy ‌?

Bà lão đáp :

Ta đang quét dọn sạch sẽ để rước BA con về đây ở.

Cô em của BẢO ÐĂNG hỏi tiếp :

Bộ ba con được về đây ở tại ngôi nhà nầy sao ‌?

Bà lão đáp :

Không, BA con sẽ ở phía sau kìa, để ta chỉ cho con thấy.

Nói đoạn dẫn ra phía sau nhà, chỉ cho thấy một hồ sen to rộng mênh mông, trong đó có vố số hoa sen tươi đẹp, búp cũng có mà nở cũng có… cùng khắp cả mọi nơi trên mặt hồ.

Bà lão ấy lấy tay chỉ vào hồ sen mà nói :
Ba của con sẽ ở đây nè.
Nay ta dọn quét cho sạch sẽ trước đặng rước BA con về đó.

………………………….

Cô em của BẢO ÐĂNG thức dậy, nhớ lại rất rõ ràng giấc mộng – (nhưng không mấy gì để ý đến và cũng chẳng hiểu chi hết về ý nghĩa của giấc mộng nầy, sau khi Phật tử Ðạo Nguyên qua đời mấy ngày rồi, thì mới chợt nhớ ra và tường thuật lại).

Nơi đây, Tôi xin thành tâm ghi lại việc nầy để làm một “thắng duyên” cho những hàng Phật tử nào tu theo Tịnh Ðộ Pháp môn đã, đangsẽ phát tâm :

cầu sanh Cực lạc,
thoát vòng sanh tử.

nhơn vào nơi việc nầy mà :

phát tâm tin tưởng nhiều hơn nữa vào Pháp môn Tịnh Ðộ.

Rồi quyết lòng và Phát nguyện :

Niệm Phật, cầu ÐƯỢC vãng sanh Cực lạc.

càng ngày càng thêm tinh tấn tu hành hơn lên.

6.

Lại nữa, tưởng cũng cần nên nhắc thêm điều rằng :

Cách đây mấy năm về trước… Phật tử Ðạo Nguyên Nguyễn VĂN PHAN bị bệnh nặng, vợ và các con đưa vào trong nhà thương điều trị…

Ðêm ấy (tại nhà thương), Phật tử Ðạo Nguyên nầy đang nằm mê mang, bỗng nhiên ngồi bật dậy, thần sắc chợt tỉnh táo như người không bịnh, chắp tay hướng lên không, cung kính lạy 9 lạy, rồi vẫn chắp tay, vẻ mặt thành kính, nhìn chăm chú lên không trung chẳng nháy mắt. Các người con nuôi bệnh (đang ngồi quanh giường) thấy lạ nên hỏi :

Ủa BA, sao khi không mà BA làm gì kỳ vậy ‌?

Phật tử Ðạo Nguyên đáp :

Phật A DI ÐÀ và Bồ Tát đến, đang đứng ở trước mặt ba kìa, lại còn có thêm quý Thầy mặc áo vàng nữa cũng đông lắm, quý ngài đến thăm ba. Mấy con mau mau quỳ xuống lạy Phật và tiếp rước quý Thầy đi…

Các con – (vì không biết đạo, lại thêm chẳng có tu hành chi cả) – nên thảy đều ngồi làm thinh, mặt mày ngơ ngác,… không biết BA mình nói gì kỳ lạ vậy.

Một hồi lâu, Phật tử Ðạo Nguyên mới nằm xuống lại.

… Sau đó tự nhiên hết bịnh luôn.

Các con rước về nhà…

7.

Từ đấy trở đi, Phật tử Ðạo Nguyên NGUYỄN VĂN PHAN dần dần bớt hẵn đi các tánh xấu cố hữu khi xưa (như là ưa nóng giận, la mắng, rầy rà… các con cháu).

Mà tánh tình tự dưng :
Trở nên hiền lành, dung sắc hồng hào, tươi đẹp (đẹp lão), hễ gặp bất cứ ai, dù lớn hay nhỏ, người cũng đều chắp tay bái xá và Niệm Phật.
Hơn nữa, lại thường ưa đi chùa, hễ gặp Tăng là xá chào, gặp Tượng Phật (nhất là tượng Phật A DI ÐÀ) thì quỳ xuống ôm chân, tỏ lòng quý trọng và thân kính…

Mỗi khi các con và những người chung quanh… nếu như có ai nói, hay hỏi đến chuyện gì thì Phật tử nầy cũng đều cười vui, chắp tay xá và niệm :

MÔ PHẬT, A DI ÐÀ PHẬT.
Ai nấy cũng đều lấy làm lạ lùng trước sự thay đổi hoàn toàn nầy.

Bà con lối xóm và các thân hữu đều nói :

Xem anh “Tư PHAN” lúc nầy tánh tình thay đổi và hồn-nhiên trở lại giống như là một đứa con nít, hiền lành, dễ mến, luôn luôn vỗ tay hoan hỷ, tươi cười và chắp tay xá chào với mọi người, miệng niệm PHẬT hoài như thế, dám chừng ổng sẽ được Phật tới rước cho về tiêu diêu nơi miền “Cực lạc” lắm chớ chẳng phải chơi đâu.

8.

Bồ Tát giới BẢO ÐĂNG sau khi nghe biết được tự sự (vừa kể ở trên) nên thường xuyên điện thoại về bên nhà nhắc nhở, khuyến tấn và hướng dẫn cho cha già (cùng thân quyến) nên phát tâm Niệm Phật nhiều hơn, lại còn gởi về thêm các Kinh sách, băng “kinh tụng”, băng “hộ niệm” cho người bịnh, băng giảng giáo lý chuyên dạy về pháp tu Tịnh Ðộ (do TT. Thích Hải Quang và Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG đã từng thuyết giảng).
………………….

9.

Thời gian dần dần trôi qua…

Phật tử Ðạo Nguyên Nguyễn VĂN PHAN vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn…

Ðến ngày 11 tây tháng 3 năm 2001.

Sau khi dùng cơm chiều xong Phật tử Ðạo Nguyên than “đau bụng quá”, rồi kế đến bị thượng thổ, hạ tả, các con lập tức đưa vào nhà thương, sau cơn bịnh ngắn (3 ngày) – bao tử bị xuất huyết nên phải giải phẫu để cầm máu. (Có lẽ lần bệnh chót nầy là để trả đền chút “nghiệp tiền khiên” chăng ?) ‌

  • Phật tử Ðạo Nguyên NGUYỄN VĂN PHAN đã :
  • Bình yên qua đời tại nhà riêng, chiều ngày 14-3-2001 (20/2 năm Tân Tỵ) lúc 17 giờ 35 phút, trong câu niệm Phật hộ niệm vang rền và liên tục của các con và quyến thuộc suốt 15 tiếng đồng hồ….
  • Cứ sau mỗi 4 giờ hộ niệm, các con đều dùng tay thăm dò và nghiệm xét thân thể, thấy tất cả mọi nơi trong mình thảy đều lạnh cả, duy trừ tại đỉnh đầu của Phật tử Ðạo Nguyên hơi nóng phát ra hừng hực tựa như người đang lên cơn sốt nặng (Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG liên tục cứ mỗi 10 phút đều gọi điện thoại về chỉ dẫn phương cách hộ niệmthăm dò hơi nóng).

Y theo Kinh mà luận, thì đó chính là triệu chứng của người :

Ðược vãng sanh về Cực lạc vậy.

10.

Trước ngày Ðộng quan (lên lò thiêu), đêm ấy BẢO ÐĂNG và các em đang tụng kinh A DI ÐÀ để cầu siêu thì bỗng dưng Trời xối mưa lớn xuống, mọi người đều lo âu là đường xá sẽ bị đẫm ướt bùn sình, chư Tăng, Ni khó thể nào đến đưa tang và các thân hữu, xóm giềng, có lẽ cũng chẳng ai đi tiễn linh cữu được (vì lễ động quan cử hành vào lúc 7 giờ sáng).

Nhưng đến giữa đêm thì mưa bỗng nhiên dứt bặt.

Sáng lại trời quang, mây tạnh, lại nữa cũng nhờ có cơn mưa lớn khi hôm, cho nên đường sá rất là sạch sẽ. Khí hậu trở nên mát lạnh (khác hẳn với sự nóng nực và oi bức thường ngày).

Mọi người ai nấy cũng đều vui vẻ, cảm thấy dễ chịu, phấn chấn trong lòng, cho nên đồng tề tựu về và đưa đám đông đảo.

11.

Chư TĂNG, NI (trên 50 người) của hơn 10 ngôi chùa – (được cung thỉnh đến và có một số các vị khác tự hay tin) vân tập về tụng kinh để cầu siêu, truy tiến cho hương linh, làm lễ động quan cùng đưa tiễn cố Phật tử Ðạo Nguyên đến nơi an nghỉ sau cùng…

Xong chư Tăng, Ni đồng quay trở về nhà đám lại – (qua sự cung-thỉnh của Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG, đã có lời tác bạch trước) dự lễ cúng dường tứ sự…

Khi chư Tăng Ni thọ thực xong, ra về, mọi công việc (quét dọn) vừa hoàn tất thì :

Trời bắt đầu mưa xuống, liên tục 2, 3 ngày sau mới quang đãng trở lại.

………………………………

12.

Ngày “Tán cốt” (rải hài cốt) của Phật tử Ðạo Nguyên đã đến.

(Mướn một chiếc “đò máy” (chở trên 30 người) chạy dọc theo sông Bình Triệu (Gia Ðịnh) để rải cốt xuống sông).
  • Hôm ấy khí hậu bỗng nhiên trở nên mát mẻ, khác hẳn thường nhựt.
  • Khi ghe máy chạy ra sông… (khoảng 2 giờ trưa).

Thì mới thấy là:

Thủy triều đang lớn, tràn đầy cả mặt sông, nước trong và rất là sạch sẽ.

Có hai vị Tăng được thỉnh theo hộ niệm.

Khi Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG (cùng với 2 người em trai) vừa xong phần tán tụngkhấn nguyện, thì trời bỗng dưng trở nên mát mẻ, trên không trung mây trắng xám kéo qua che khuất mặt trời, gió nhẹ thổi đến khiến cho khí hậu tự nhiên trở thành ra mát lạnh.

13.

Ðến khi bắt đầu rải cốt, thì bỗng nhiên có mưa lâm râm láy pháy bay xuống, khắp trên mặt sông.

Trong suốt Thời gian rải cốt, Phật tử BẢO ÐĂNG tay thì rải cốt, miệng luôn trì “chú vãng sanh”.

… Khi phần rải cốt hoàn tất xong rồi.

Phật tử BẢO ÐĂNG nghiêm trang đứng lên, tay kết ấn vãng sanh, miệng vừa đọc qua phần chú “Bát nhã” thì :
Trời bỗng nhiên tạnh sáng lại, ánh-nắng vàng rực rỡ, mát dịu của mặt trời xuyên qua khe hở của mây, chiếu rọi thẳng vào nơi tay ấn của Phật tử BẢO ÐĂNG. Mọi người đều lấy làm lạ.
(tất cả các phần vừa kể trên đều được thu hình đầy đủ qua “Video Camera”).

14.

Lại còn có thêm một sự thắng diệu khác nữa là :

Ngày an linh (BẢO ÐĂNG đem bài vị của thân phụ, cố Phật tử Ðạo Nguyên) gởi thờ nơi chùa GIÁC HOA gần bên nhà).

Hôm ấy (khoảng 11 giờ sáng) trời đang nắng chang chang, khí hậu rất ẩm thấp, oi ả. BẢO ÐĂNG thấy trời nắng, nóng, nên kêu mấy người em mang dù theo để che lên trên Bài vịhình của cố Phật tử Ðạo Nguyên.

Khi gần khởi hành, Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG chấp tay cung kính khấn nguyện xong, rồi quay qua nói cùng với mọi người hiện diện rằng :
  • “Không sao đâu, đưa linh vị của BA qua chùa, thì trời sẽ mát lại liền.
  • Ai nấy đều cười và không mấy tin nhận”.

Nhưng…

Khi vừa ra khỏi cổng nhà, đi chưa đầy được 100 bước thì mặt trời bỗng nhiên bị mây trắng xám từ đâu bay đến che phủ, trời đang nắng chang chang bỗng dưng trở thành ra mát dịu, lại thêm có gió nhẹ thổi đến làm cho mọi người đều cảm thấy an lạc, sảng khoái.

Sau khi đến chùa và làm lễ an linh xong thì trời trở nên nắng nóng và oi bức lại như thường.

Ðây quả thật là các điềm lành ứng hiện dành cho một Phật tử tại gia có lòng TÍN THÀNH tu theo Tịnh Ðộ, Niệm Phật được vãng sanh vậy…

Ghi lại việc nầy, Tôi có 2 mục đích :

  1. Nêu lên một tấm gương BÁO HIẾU HOÀN MÃN của Bồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG đối với thân phụ, đó là :

    • Khuyến khích cho thân phụ của mình khởi tâm tin tưởng vào nơi Tam Bảo.
    • phát tâm tu Tịnh Ðộ, Niệm Phật… (và được) vãng sanh.

    để báo đền ơn đức dưỡng sanh của hiện tiền thân phụ, (đúng theo tinh thần của thời PHÁPBồ Tát giới tử BẢO ÐĂNG vừa thuyết giảng ở trên nơi Bức thư gởi người học phật” (số 36 nầy) mà quý độc giả hiện đang có nơi tay)

  2. Sau nữa là tôi cũng có “hàm ý nhắn gởi” đến các Phật tử đã và đang tu theo Pháp môn Tịnh Ðộ, há chẳng nhân vào nơi việc nầy (mà) lấy đó làm gương tu tiến chuyên cần để NIỆM PHẬT cùng Phát nguyện cầu sanh về nơi AN DƯỠNG hay sao ‌?

    cố gắng, cố gắng, đại cố gắng.

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

PHÁP HOA TỰ Tịnh Ðộ Ðạo Tràng,

tại Tucson, Arizona, USA.
(Tọa chủ)
Niệm Phật Tăng Sa môn THÍCH Hải Quang
(Lược ghi)

Thơ …..

(Bồ Tát giới BẢO ÐĂNG
Trích lục và giảng giải).

NHẪN

NHẪN điều khó nhẫn mới là hay,
NHẪN được chướng duyên mới thật tài.
NHẪN bất động TÂM hằng hỷ lạc,
NHẪN rồi không nhớ chẳng bi ai.
NHẪN chư vạn nhẫn hoàng kim đắc,
NHẪN giữ Thân tâm tọa bửu đài.
NHẪN thọ đường tu nhiều khổ lụy,
NHẪN thành trí huệ đạo tâm khai.

THÍCH Hải Quang
(Hải Quang Thi tập)

_______________

Phần giảng giải của người trích lục :

Ðể cho chư Phật tử được ít nhiều hiểu qua về Ý của bài Thi nầy, BẢO ÐĂNG xin được lược giảng như sau:

Câu 1 : NHẪN điều khó nhẫn mới là hay.

Ý nói :
Những điều hay, những việc đau khổ nào…. khó thể NHẪN nổi, mà mình vẫn NHẪN chịu được, vậy mới là hay người, giỏi.

Câu 2 : NHẪN được chướng duyên mới thật tài.

Ý nói :
Những điều “chướng nạn” xảy đến mà mình vẫn cắn răng NHẪN chịu được, thì đó mới thật là một kẻ đại tài.
Câu 3 : NHẪN bất động Tâm hằng hỷ lạc.

Ý nói :
Ngay đang trong khi NHẪN chịu các chướng duyên, khổ nạn như vậy…..mà TÂM vẫn luôn bất động và cảm thấy an vui (vì mình đã làm được việc khó làm).

Câu 4 : NHẪN rồi không nhớ chẳng bi ai.

Ý nói :
Các chuyện buồn, đau, tức tối (mà người mang đến cho mình) chẳng những mình NHẪN chịu được rồi, mà lại còn quên bằng “NÓ” đi chớ chẳng lưu giữ (những thứ chướng duyên đó) ở trong TÂM chi cả (vì chẳng đáng để luyến lưu).
Câu 5 : NHẪN chư vạn nhẫn hoàng kim đắc.

Ý nói :

NHẪN được các điều “khó nhẫn” như thế chính là một việc vô cùng khó khăn, không phải là người lục lục thường tài làm được đâu. Nếu như ta NHẪN mãi như vậy thì được bậc hiền thánh ngợi khen. Hiện thời sắc mặt hòa vui, kiếp sau sẽ được dung nhan tươi đẹp còn hơn cả bông hoa.

Và trong tương lai sẽ được đắc thành : NHẪN NHỤC BA LA MẬT của hàng Bồ Tát đại sĩ giai vị (Ðệ tam PHÁT QUANG ÐỊA).

Như thế há chẳng là quý báu hơn cả vàng ròng ư ‌?

Câu 6 : NHẪN giữ Thân tâm tọa bửu đài.

Ý nói :

Còn nếu như biết (an) NHẪN trong đường tu (nhất là đối với Pháp môn Tịnh Ðộ) trọn đời chuyên trì câu Niệm :

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

không xao lãng, ắt ngày lâm chung, thần thức sẽ được vãng sanh trời TÂY, ngự vào một trong 9 phẩm sen giải thoát.

Câu 7 : NHẪN thọ đường tu nhiều khổ lụy.

Ý nói :

Trên đường tu tập, vì đó là lối cũ của chư thánh nhơn đã, đang và sẽ đi (tức là nếu như muốn được đắc thành THÁNH quả).

Kinh PHÁP CÚ có dạy :

“Không có ai trọn đời được khen, mà chẳng bị chê.
Cũng như :
Chẳng có ai trọn đời bị chê mà chẳng được khen”.
Cho nên :

Trong trọn cuộc đời của mình quyết định:

Cũng có lúc được khen mà cũng có lúc bị chê.

Vì hiểu được điều nầy, cho nên TÂM mình vẫn an vui, nhẫn thọ các điều khó nhẫn vậy.

Câu 8 : NHẪN thành trí huệ đạo tâm khai.

Ý nói :

Nếu như NHẪN được bằng một cách an vui, chơn thật, xả bỏ…..như vậy, ắt sẽ có ngày đạo tâm rộng phát và đạt thành được Trí huệ của bậc thánh nhơn.

BẢO ÐĂNG xin nguyện cho tất cả quý bạn đồng tu, ít nhiều chi cũng nên cố gắng họchành được Hạnh “NHẪN” nầy…….

Mong thay,

(Kính bái)




[1]– Xem nơi Kinh ÐỊA TẠNG, Phẩm thứ sáu (mục “Tiêu Tội Chướng”)

[3]– BẢO ÐĂNG Ðã chích máu ở 10 đầu ngón tay để tả bộ “Tịnh Ðộ tam Kinh” (từ năm 1986 cho đến năm 2002, đã tả xong quyển Tiểu bổn A DI ÐÀ Kinh, Quán Vô lượng Thọ kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (gồm 28 phẩm), và sẽ mãi còn chích máu tả tiếp những bộ kinh Ðại thừa khác nữa…

[4]– Tức là bà Nội của Phật tử BẢO ÐĂNG nguyên là một “SƯ BÀ” hiền đức, chân chánh tu hành và đã tịch từ lâu rồi.

[5]– Bà lão nầy (chắc có lẽ đấy) là đức Quán Thế Âm Bồ Tát hóa hiện ra (cũng không chừng).

Attachments:
Download this file (Hp 36.pdf)Hp 36.pdf
Chia sẻ:

Bình luận