27.10.2021

THP 37: Tại sao tuổi thọ của Nhân loại bị giảm xuống?

  1. Giảng giải câu kệ “Ai cũng muốn trăm tuổi, có định cũng không được”
  2. Thế nào gọi là “Sanh, Già, Bệnh, Chết”

Nam mô A DI ÐÀ PHẬT,

Kính thưa quý Huynh đệ, quý
Glossary LinkPhật tử,

Tuần qua BẢO ÐĂNG đã giảng xong bốn câu kệ:

“Trời đất che chở TA,
Thân nầy tan KHÔNG ÐƯỢC.
Cha mẹ nuôi dạy TA,
Tình thâm báo KHÔNG ÐƯỢC”.

rồi.

Trong thời pháp tuần nầy, BẢO ÐĂNG xin giảng hai câu “KỆ” kế tiếp là :

Ai cũng muốn trăm tuổi,
Có định cũng KHÔNG ÐƯỢC.

Việc “Muốn THỌ đến trăm tuổi” nầy thì quý Huynh đệ chắc cũng đã biết là “khó có thể” nào được rồi, bởi vì sách có câu rằng :

Nhơn sanh thất thập cổ lai hy.

Nghĩa là :

Người sống (trên cõi đời nầy) THỌ đến được 70 tuổi, xưa nay cũng là hiếm có lắm.

Phải vậy không ‌?

Nhưng tại sao Mình vẫn thường nghe người khác nói, hoặc chúc tặng cho nhau lời cầu mong “sống lâu trăm (100) tuổi” là thế nào ‌?

Ðó là bởi vì do nơi thói quen “ham sống, sợ chết” của người đời chúng ta, cho nên mới ưa nói lên các lời “ước ao” như vậy.

Chớ người đời nay dễ dầu gì sống được đến số 100 (tuổi) đâu ‌

TẠI SAO ‌?

Ðể BẢO ÐĂNG nói cho quý Huynh đệ nghe, xin hãy cố gắng và chịu khó để Tâm ghi nhớ.

Nguyên lai là tất cả chúng ta đây (nói riêng)nhơn loại trên quả địa cầu nầy (nói chung), hiện đang sống trong thời buổi “giảm kiếp” của tiểu kiếp thứ 9.

(Phụ chú :

Cõi Ta Bà nầy từ khi THÀNH LẬP cho đến lúc HOÀN TOÀN HOẠI DIỆT – (tức là nguyên cả hệ thống của Tam Thiên Ðại thiên THẾ GIỚI nầy bị tan rã hết, không còn gì nữa… chỉ còn trơ lại có một khoảng trống trơn ở trong không gian vô tận mà thôi) – phải trải qua 4 thời kỳ sau đây :
  1. GIAN ÐOẠN “THÀNH LẬP” THẾ GIỚI.

    Do nơi “NGHIỆP” của chúng sanh chiêu cảm, (gọi tắt là “Nghiệp cảm”) cho nên THẾ GIỚI Ta Bà nầy (từ lúc chỉ là một khoảng hư không trống rỗng) dần dần được “THÀNH LẬP”.

    Thời gian “THÀNH LẬP” nầy phải trải qua nguyên cả : MỘT Trung kiếp.

    (Một “Trung kiếp” như vậy gồm có đến “20 tiểu kiếp”.

    Mỗi Tiểu Kiếp16.000.000 năm.

    Như vậy thì :

    1 TRUNG KIẾP = 16.000.000 x 20

    (tức là : 320.000.000 năm, tính theo niên lịch của Thế gian)

    Vậy thì THẾ GIỚI Ta Bà nầy được THÀNH LẬP – (từ khi bắt đầu cho đến lúc được hoàn tất) trong vòng 320 triệu năm (tức là Một Trung kiếp).

  2. GIAN ÐOẠN (THẾ GIỚI Ta Bà) TRỤ”.

    Sau khi THẾ GIỚI đã được THÀNH LẬP (gồm có sáu tầng trời Dục giới, 4 cõi trời Sắc giới (Từ SƠ THIỀN THIÊN… đến TỨ THIỀN THIÊN) xong rồi, thì :

    chúng sanh TỪ CÁC THẾ GIỚI PHƯƠNG KHÁC

    (Do nơi “NGHIỆP CẢM” dẫn dắt)

    NÊN ÐỒNG NHAU ÐẾN CƯ TRỤ NƠI CÕI Ta Bà…

Giai đoạn “TRỤ” của cõi Ta Bà nầy cũng gồm có 20 tiểu kiếp – [tức là Một Trung kiếp] – hay nói một cách khác là Giai đoạn TRỤ (tồn tại) nầy cũng gồm có 320 triệu năm.

Cứ mỗi một “tiểu kiếp” như vậy đều có :
  1. Một lần TĂNG.

    (chúng sanh sống từ 10 tuổi THỌ – (là thấp nhứt) – tăng dần lên đến 84.000 tuổi THỌ – (là cao nhứt).
  2. Một lần GIẢM.

    (chúng sanh từ 84.000 tuổi THỌ, giảm dần dần xuống chỉ còn có 10 tuổi THỌ – (là thấp nhất).

Tám TIỂU KIẾP đầu của “TRỤ KIẾP” nầy (từ tiểu kiếp thứ 1 đến tiểu kiếp thứ 8 đã qua rồi, cho nên không cần kể đến nữa).

Hiện tại đây (như BẢO ÐĂNG vừa mới nói khi nãy) thì chúng ta đang sống trong Giai đoạn GIẢM của tiểu kiếp thứ 9/20.

(Trong các KINH LUẬN gọi bằng một tên tắt là “KIẾP GIẢM”).

Nghĩa là :

  • Tuổi THỌ của con người trong “tiểu kiếp THỨ 9” nầy bắt đầu từ lúc nhơn loại chỉ còn THỌ được có 10 tuổi là thấp nhất (của tiểu kiếp thứ 8 trước đó, rồi từ từ) tăng dần lên (để mở đầu cho TIỂU KIẾP THỨ 9 mà chúng ta đang sống hiện nay) cho đến 84.000 tuổi là cao nhất (có sách nói là 80.000 nhưng không can hệ chi) lúc KIẾP TĂNG, rồi sau đó cũng lại từ từ giảm xuống nữa. (gọi là KIẾP GIẢM).

    (Do nơi chúng sanh gây tạo ra các NGHIỆP ÁC, ngày càng nhiều và tăng thượng thêm hơn, cho nên tuổi THỌ bị giảm xuống dần dần) theo chiều hướng như sau :
  • Cứ mỗi 100 năm thì con người bị giảm mất đi 1 tuổi THỌ.

    Và :
  • Lùn xuống thêm 1 tấc.
  • Tiểu kiếp thứ 9 – (mà Ta đang sống hiện nay) – từ lúc cực Tăng đến 84.000 tuổi la thượng thọ, cứ Tiếp tục theo đà “GIẢM THỌ” mãi như vậy

cho đến :

  1. Khi nhơn loại (giảm xuống) còn được 60.000 tuổi là thượng thọ thì có :

    ÐỨC PHẬT CÂU LƯU TÔN (Krakucchanda Tathagata (thứ nhất) ra đời, quảng độ chúng sanh.

    ………………….

  2. Khi nhơn loại (giảm xuống) còn được 40.000 tuổi là thượng thọ thì có :

    ÐỨC PHẬT CÂU NA HÀM MÂU NI (thứ nhì) (Kanaka Muoni Tathagata) ra đời, quảng độ chúng sanh.

    ………………….

  3. Khi nhơn loại (giảm xuống) còn được 20.000 tuổi là thượng thọ thì có :

    ÐỨC PHẬT CA DIẾP (Kaçiapa Tathagata (thứ ba) ra đời quảng độ chúng sanh.

    ………………….

  4. Khi nhơn loại (giảm xuống) còn được 100 tuổi là thượng thọ thì có :

    ÐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI (thứ tư) (Sakyamouni Tathagata) ra đời quảng độ chúng sanh.

….Tiếp tục theo chiều Thuận của “KIẾP GIẢM”, cho nên cũng cứ mỗi 100 năm là chúng sanh bị :

Giảm mất thêm một tuổi thọ.

Và :

Lùn xuống thêm một tấc.

Kể từ khi đức THÍCH CA MÂU NI Thế Tôn ra đời và nhập NIẾT BÀN, tính đến nay đã được 2547 năm rồi, cho nên nhơn loại trên toàn cầu nầy bị giảm mất thêm 25 tuổi THỌ….nữa.

Hiện tại đây thì:
Tuổi thọ của nhơn loại trên quả địa cầu nầy chỉ còn có được 75 tuổi (là thượng thọ) mà thôi.
(Phụ chú :
Ðây là tính theo lối “trung bình cộng” của 6 tỷ nhân dân trên THẾ GIỚI, chớ không kể riêng rẽ đến vài ba chục, vài ba trăm… hay đôi ba chục triệu người… sống quá số tuổi 70 mà nói đâu).

HỎI :

Tại sao tuổi Thọ của nhơn loại bị giảm xuống đều đều như vậy ‌?

ÐÁP :

nhơn loại gây ra đủ hết các thứ tội ác, chẳng hạn như trong “5 TỘI NGHỊCH (ngũ nghịch) và “10 tội ác” (thập ác) thì không thiếu nhất một “tội” nào cả, và các sự NGHỊCH ÁC ấy ngày càng tăng thêm “cường độ” chớ chẳng giảm bớt chút nào, vì vậy mà tuổi THỌ của nhơn loại cứ bị giảm thấp xuống hoài.
Cho nên phải biết rằng :
VÌ chúng sanh gây tạo NGHIỆP ÁC KHÔNG LÒNG THẸN HỔ, LẠI THÊM CHẲNG BIẾT HỐI CÃI, ĂN NĂN, CHỪA LỖI…..
Ðể :
TU TẬP NGHIỆP LÀNH
Vì thế nên :
Chẳng riêng gì tuổi THỌ và thân tướng bị GIẢM thôi đâu.
MÀ cho chí đến :
Tất cả các thứ vật loại thọ dụng khác nữa của người đời, cũng thảy đều bị tổn giảm chung hết cả.

Ðại khái như mình thấy một cách rõ ràng rằng:

  1. Thọ số (tuổi) và chiều cao thân thể của nhơn loại lần lần giảm.

  2. Glossary LinkPhước báo lần lần suy.
  3. Ngũ cốc (1) lần lần mất mùa.

    (Phụ chú :
    Chẳng hạn mình thấy các thứ “lúa thơm” như là : lúa nanh chồn, nàng hương, móng chim, sóc nâu, lúa tiêu v.v…với hột gạo dài, nhỏ, thơm phức của khoảng 5 hoặc 6 thập niên về trước, ngày nay gần như biến đi mất cả) !
  4. Bảy báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não) lần lần ẩn một.

    (Phụ chú :
    Ví dụ như hồi xưa người Ta toàn là xài vàng ròng 24K thôi, ngày nay thì dùng vàng 18K, 16K, 14K, 10K, 8K – (tức là loại “Vàng Tây”) chớ không còn đầy đủ được vàng nguyên chất nữa.
    Mà phải:
    Pha trộn với vài ba thứ kim loại khác, Chẳng hạn như : Vàng pha với bạc, với đồng, với thau v.v…)
  5. Y thực lần lần khó khăn.

    (Bên Mỹ ChâuÂu Châu nầy, vì là nơi phước địa, cho nên chưa mấy khó khăn nhiều (tuy vậy chớ cũng đã thấy bắt đầu kém khuyết chút đỉnh), chớ còn như các nước ở Phi Châu cùng với một số nước nghèo khác bên Á Châu v.v…thì những sự “y thực khó khăn” ấy đã xảy ra nhiều quá rồi.)
  6. Dung mạo lần lần thô xấu.

    (Nhan sắc của con Người dần dần trở nên thô xấu hơn, chớ không còn được “xinh đẹp tự nhiên” như ở vào các thời xưa cũ nữa, mà chỉ còn là những thứ “đẹp giả mạo” qua son phấn – (hay “giải phẫu thẩm mỹ” mà thôi).
  7. Tư bẩm lần lần tối tăm.

    (nhơn loại ngày nay không còn được thông minh, trí huệ… như xưa nữa, vì vậy cho nên chẳng hiểu biết gì cả về các lời dạy quý báu của những bậc giải thoát thánh nhơn).
  8. Tinh thần lần lần băng hoại, bại nhược.

    (Chỉ còn biết và ham muốn vào các thứ vật chất, xa hoa, chè rượu, dâm loạn v.v… mà thôi. Một phần “băng hoại” nầy cũng do vì dùng quá nhiều “ma tuý” và chất “hoá học” nhân tạo mà ra).
  9. Thân tộc lần lần bất hòa.

    (Tức là “tình nghĩa” giữa :
    • Vợ chồng, cha mẹ, con cháu.
    • Bà con thân thuộc…
    ngày càng thêm nhạt nhẽo tựa như vôi hay nước ốc….mà thôi. Sống chết mặc ai nấy lo, chớ không còn quan tâm đến nhau nữa).
  10. Sưu thuế lần lần nặng thêm.

    (Sưu cao, thuế nặng)

    (Càng ngày chánh phủ lấy “thuế” của dân chúng càng nhiều).

  11. Tai họa về nước (lụt lội), lửa (núi lửa, lửa rừng cháy), động đất, cuồng phong (bão tố)… ngày càng tăng thêm nhiều.
  12. Người lành lần lần điêu tàn, kẻ ác ngày thêm tăng thạnh.

    (Thời nay trong 1000 người, mới có được 1 người lành, còn kỳ dư thảy đều là ác nhơn, ác hạnh, ác tâm… hết cả).
  13. Tà đạo lần lần phát hưng.

    (96 thứ ngoại đạo, tà giáo phục hưng (sống dậy) trở lại, gây nên chiến tranh, chém giết….hoặc chỉ dạy con người làm những điều tà ác, cho nên từ trong gia đình… cho đến bên ngoài xã hội, THẾ GIỚI….ngày càng có thêm nhiều cuộc đao binh, chinh chiến rối loại tơi bời).
  14. Phật pháp lần lần hư phế.

    (Các thứ loại Tà sư, ngoại đạo, tổn hữu, ác đảng...(trá hình làm Tăng sĩ Phật giáo) lẫn lộn trong Cửa Phật, HỌ bẻ cong, bóp méo… hết các lời của Phật dạy, thuyết Kinh, giảng pháp sai quấy, dẫn dắt hàng Phật tử sơ cơ tu tập vào những đường hướng lạc lầm,…

    Khiến cho :

    Phật pháp ngày càng thêm điêu tàn, hư phế !!!)

………………………

Nay xin được lược dẫn ra đây một vài “ví dụ” để chứng minh cho các lời vừa mới được giảng luận trên (là đúng), như sau :

Thời xưa (từ 4000 đến 5000 năm về trước)…

  1. Về trân bảo (vật quý giá như vàng, ngọc).

    Thì :
    Mỗi khi các bậc VƯƠNG (vua), HẦU (quan lớn, hầu tước) tống (tiển), tặng (biếu cho) nhau thì thường hay sắm lễ vật :
    1. Vàng ròng mấy muôn lượng.
    2. Ngọc bích mấy trăm đôi.

      (chớ chưa dùng đến Bạch kim (platinum) – Ðến đời nhà HÁN mới có Bạch kim xen vào).
    3. Ngọc dạ quang (thứ ngọc báu tự phát ra ánh sáng trong đêm tối), có sức chiếu xa vài trăm thước thì các nước nhỏ đều có.

      Còn như đến nay thì :
    4. Người ta lại pha thêm đồng, bạc, thau… vào trong vàng y (làm thành vàng Tây) để xài.

      Còn các thứ Ngọc dạ quang quý báu (nói trên) thảy đều ẩn mất vào trong lòng đất hoặc biển cả hết.

    Ðây chính là triệu chứng của việc : Bảy báu lần lần ẩn một vậy.

  2. Thời xưa (từ 4000 đến 5000 năm về trước)

    Thì :
    Nếu như quốc khố (nơi tích trữ tiền bạc của quốc gia) :
    1. Chứa không đủ lương tiền để chi dụng trong 10 năm thì gọi là “BẤT TÚC”.
    2. Chứa không đủ lương tiền chi dụng trong 6 năm thì gọi là “CẤP” (khẩn cấp).
    Còn như đời nay thì :
    Cầu cái “CẤP” ấy cũng không có được !!!
    Ðây chính là triệu chứng của việc :
    Sự thọ dụng về “ĂN MẶC” lần lần khó khăn. vậy.

  3. Thời xưa (Từ 4 đến 5 ngàn năm về trước) thì:

    • Các bậc Vua Chúa, Vương Hầu…. còn phải tự thân đến nơi rừng núi để tham bái, cầu thân hoặc kết giao với người hiền nhơn, đạo đức.
    • Hàng Công Khanh, Vương Tướng… tuy là sang trọng, nhưng nếu không có công to (với nước nhà) thì chẳng dám ngồi trên xe quý…
    Còn người đời nay thì ,trái lại.

    Nghĩa là :

    Vừa được đôi chút Quan tước thì đã coi rẻ bạn bè, xem thường xóm làng, luân lý…

    Cho đến (còn có thêm) các việc đáng buồn, tiếc, khác nữa…. như là:

    • Trẻ không kính trọng Già.
    • Trò ngỗ nghịch với Thầy.
    • Con bất hiếu với Mẹ Cha.

    …………………
    Ðây chính là triệu chứng của việc PHONG HOÁ, LỄ NGHI lần lần hoang sơ vậy.

  4. Thời xưa (Từ 4 đến 5 ngàn năm về trước) thì:

    Các bậc Thạc đức, cao tăng có khi VUA mời mà cũng không chịu đến.

    Còn :

    Nếu như Vua xuống “chiếu chỉ” cầu thỉnh, tất (Vua) hết lòng cung kính, xưng tặng (đến quý Ngài ấy) như là một bậc Thầy.

    Bởi thế cho nên :

    • Ngài HUYỀN TRANG (Tam Tạng Pháp sư) tịch (chết) mà vua ÐƯỜNG CAO TÔNG (và các quan) đều để Tang và đình việc triều chánh trong 3 ngày để tỏ lòng quý thương, mến trọng…
    • Các bậc Vua hiền (hiền vương) thường giá lâm đến chùa để học đạo, hoặc rước đến triều đình mà cầu, thưa, thỉnh hỏi về PHẬT PHÁP ở nơi nội điện [2].

    ……………….
    Còn đời nay thì ngược lại.

    Nghĩa là :
    • Hàng xuất gia thường ưa “cầu lụy” nơi hàng “Tại gia”, cố tình làm quen, thân cận…(nhất là đối với những người sang trọng, giàu có, quý hiển)….
    • Hàng thứ sĩ (người dân giả và các kẻ có được chút ít bằng cấp cao, địa vị tốt ngoài xã hội) thấy tượng PHẬT không lễ, gặp bậc “chân tăng” Hiền đức chẳng chào…

    Ðó cũng là bởi vì :

    “Bên trong” (đường tu) thì ít có được các bậc đạo đức chơn thật !

    Cho nên :

    “Bên ngoài” (đường đời) cũng có lắm kẻ ngạo kiêu.

    Ðây chính là triệu chứng của việc : Phật pháp lần lần điêu tàn, hư phế vậy.

…………………………

Những phần chứng minh vừa được BẢO ÐĂNG (chiếu y theo Kinh, Luận) lược nói trên đây, đều là các bằng cứ xác thật cho việc :
TUỔI THỌ CỦA nhơn loại (nói riêng),
Và :
TẤT CẢ CÁC SỰ thọ dụng KHÁC CỦA nhơn loại (nói chung) ÐANG dần dần BỊ GIẢM THIỂU XUỐNG vậy.
Mà nếu như :
Tuổi THỌ (của nhơn loại) đã bị giảm dần xuống như vậy rồi.
Thì :
Làm sao mà nói đến việc “MUỐN SỐNG LÂU 100 TUỔI” (riêng cho mình) được ‌
Vả lại vì :

Người tu học Phật pháp, thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều biết rõ điều rằng :

Trong suốt cuộc đời của mình, thông thường thì ai cũng đều phải chịu trải qua bốn Giai đoạn vô thường cố định hết, đó là: SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT

(Ngoại trừ trường hợp chết yểu, chết non….ra, thì mới không bị trải qua Giai đoạn “GIÀ” mà thôi).

Vậy thì :

A/- SAO GỌI LÀ SANH ‌?

  1. Tức là từ khi (Thai nhi) mới bắt đầu “tượng hình” trong bào thai của mẹ.

    Ðây gọi là : Bắt đầu sanh.
  2. Kế đến là “Tăng trưởng sanh”

    (Tức là Thai nhi ấy cứ mỗi ngày lần lần thêm lớn).
  3. Và sau cùng là “Xuất thai sanh”.

    (Tức là Thai nhi ra khỏi lòng mẹ).

Với sự SANH” nầy, trong KINH dạy :

Thọ thân trong ba cõi không ai là chẳng có SANH.

Cho nên :

SANH là cội gốc của tất cả CÁC LOẠI thân (hình).

Lại nữa :

SANH cũng là cộc gốc của 8 thứ KHỔ về sau, đó là :
Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Thương xa lìa khổ, Oán thù gặp gỡ khổ, Mong cầu không được khổ (và) Ngũ ấm lẫy lừng khổ.
Còn :

Thế nào mà gọi “SANH” KHỔ ‌?

“SANH KHỔ” là như thế nầy:

Kể từ khi “NHẬP THAI” (tức là lúc mới bắt đầu “SANH”) vào trong bụng MẸ, thì “Thai nhi” ấy phải trải qua nhiều sự KHỔ, đại lược như sau :

  1. Thai nhi có cảm giác như nằm trong chỗ tù ngục, chật hẹp, nhơ bẩn, tối tăm.
  2. Khi Mẹ ăn no, ngồi, đứng, đi, nằm….lâu, Thai nhi đều chịu khổ.
  3. Mẹ ăn các mùi vị hoặc nóng (như tiêu, ớt…), hoặc lạnh (như kem., nước đá…), hay không trong sạch (tanh hôi…), Thai nhi đều chịu khổ.
  4. Mẹ ăn nhiều chất vôi, chất mặn, Thai nhi do đó mà bị tóc lông thưa, ít.
  5. Mẹ ở chỗ chật hẹp, nóng bức, hay gần lửa nóng, hoặc thường ăn những thứ có chất đen (như Cà phê, chocolate, trà đậm, hoặc uống thuốc bắc…) thì màu da Thai nhi do đó bị trở nên đen đúa.

    (Trái lại nếu ở chỗ lạnh, hoặc thường ăn uống những thứ có màu trắng (như sữa, nước mía, nước dừa xiêm….), thì Thai nhi có màu da trắng).
  6. Mẹ ăn nhiều chất nóng, Thai nhi có màu da hung đỏ.
  7. Nếu trong lúc cấn thai, Mẹ còn nhiều dâm dục thì Thai nhi sẽ có làn da ghẻ chốc, sần sùi.
  8. Nếu trong lúc thai nghén, Mẹ không khéo léo giữ gìn, thường hay chạy nhảy, làm việc nặng nề. Do ảnh hưởng đó, các chi phần (như tay, chân, mặt, mũi, mắt vv….) của Thai nhi hoặc bị xiêng xẹo, hoặc không đầy đủ vv…….

    TRÊN ÐÂY LÀ CÁC THỨ KHỔ LÚC CÒN Ở TRONG THAI.
  9. Ðến khi chào đời, Thai nhi phải chun qua cửa “sản môn” chật hẹp của Mẹ, cả thân mình đau đớn dường như bị lột da, dần đánh…..
  10. Khi lọt ra khỏi “sản môn” rồi thì lại bị không khígió lạnh bên ngoài tác động vào cơ thể (da non mỏng), Thai nhi có cảm giác như bị đao bén chém xả vào thân, đau đớn vô cùng, phải buộc miệng gào la, kêu khóc….

    (Kinh gọi là bị “Phong đao cắt thân” [gió lạnh bén như gươm đao]).
  11. Ðến lúc sanh ra đời rồi, dần dần lớn lên theo thời gian,…. Thai nhi lại còn bị thêm các thứ nạn tai khác nữa, như là :

    • Ðói, no, nóng, lạnh,
    • Muỗi mòng cắn đốt.
    • Bịnh đau èo uột……

TÓM LẠI :

Gọi “SANH”KHỔ”, bởi vì:

Khi còn ở trong Thai, cũng như lúc đã “xuất thai”…. (và lớn dần lên sau nầy) :

Thai nhi ÐỀU CHỊU KHỔ

Vì thế cho nên :

ÐÂY GỌI LÀ “SANH KHỔ”

vậy.

B/- SAO GỌI LÀ GIÀ ‌?

Nói về sự GIÀ, thì chắc quý Huynh đệ, Phật tử cũng nhớ sơ qua về thời PHÁP cách đây mấy tuần, BẢO ÐĂNG đã có nói rồi, đó là :
  • Cái thân thể của mình đây thì biến đổi liền liền.
  • NÓ GIÀ trong từng giây, phút…

Chớ :

    Không phải là NÓ chờ cho đến ngày 30 tháng chạp (12) cuối năm rồi NÓ mới chịu GIÀ đâu !

(chúng ta phải nên nhớ kỹ điều nầy, để liệu mà lo TU TỈNH cho sớm đi, đừng đợi đến mức :

Dần dà tính thiệt so hơn,
Tuổi xanh qua mất để hờn về sau).

Trong KINH, PHẬT có dạy (về sự GIÀ) như sau:

Có 2 thứ GIÀ (lão), đó là :
  1. NIỆM NIỆM LÃO :

    Ðây là cái GIÀ diễn biến ra trong từng giây, từng phút ở nơi thân thể của mình, mà mình không hay biết và cũng chẳng để ý đến, bởi vì sự “diễn biến” của rất là vi tế và chẳng hiện rõ.
  2. CHUNG THÂN LÃO :

    Ðây là cái GIÀ hiện rõmắt thịt vừa nhìn qua thì liền thấy ngay được. Chẳng hạn như khi đến tuổi 60, hoặc về hưu… thì :

    Chừng ấy thì Ta mới cảm nhận ra rằng vài ba bộ phận nào đó trong thân thể của Ta đã bắt đầu thay đổi, Chẳng hạn như da bắt đầu nhăn, tóc bắt đầu bạc, má cóp lại, gối mỏi, chân dùn…

    Ðến Giai đoạn nầy thì mình đã chính thức bước vào trong lứa tuổi già héo, mỏi mòn.

    Khi ấy mới ngậm ngùi than rằng :

    Còn đâu vẻ yêu kiều thuở trước,
    Có chăng là khô héo làn môi.
    Bâng khuâng cất tiếng than dài,
    Sắc hương ngày cũ chỉ là mộng thôi !

Lại còn có thêm hai thứ “LÃO” (Già) khác nữa, đó là :

  1. Tăng trưởng LÃO :

    Ðây tức là trạng thái của việc “Mỗi ngày càng thấy lớn hơn”.

    Chẳng hạn như (người đời chúng ta thường hay) nói rằng:

    • Từ 1 tuổi lên 2 tuổi…
    • Từ 2 tuổi lên 3 tuổi…
      ……………….
    • Từ 15 tuổi lên… 20 tuổi…
    • Từ 20 tuổi lên… 30 tuổi…
      v.v…

    Cho nên “TĂNG TRƯỞNG LÃO” đây chính là sự trưởng thành của xác thân tứ đại vậy.

  2. DIỆT HOẠI LÃO :

    • DIỆT tức là “tiêu diệt” (tuổi trẻ bị tiêu diệt, Nhan sắc, tráng kiện… đều bị diệt mất chẳng còn).
    • HOẠI tức là “hư hoại”, chẳng còn được nguyên vẹn như xưa.

    Người Thế gian chúng ta gọi sự DIỆT HOẠI LÃO nầy là : GIÀ KHÚ CÚ ÐẾ của lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” trở lên vậy.

Tóm lại :

Sự GIÀ yếu” hay làm cho chúng sanh (chúng ta) bị ho hen, ngăn nghẹn, hơi đưa lên, giảm sức mạnh, kém trí nhớ, sự tráng kiện không còn, mất (dần) đi các sự thơ thới, an vui, khoan khoái….

Tuổi già còn lại hay làm cho lưng còm, mỏi nhọc, lười biếng, bị người khinh dễ.

Là người chân thật Phật tửchánh kiến, chánh huệ…..Ta phải “QUÁN” sự GIÀ KHỔ ấy như thế nào ‌?

KINH dạy :

“PHẬT bảo cùng với NGÀI CA DIẾP Ðại Bồ Tát rằng :
  1. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như hoa sen nở đầy trong ao nước, màu sắc tốt tươi, rất đáng nên ưa thích. Gặp một đám mưa đá, tất cả đều hư nát !

    Cũng thế :

    Tuổi GIÀ có thể phá hoại tất cả sự tráng kiện (mạnh khỏe) và sắc đẹp.
  2. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như Quốc Vương (Vua) có một vị Trí thần (quân sư) dùng binh đội rất giỏi. Có Vua nước địch chẳng chịu thuận thảo. Vua sai vị Trí thần ấy đem binh qua đánh, bắt Vua nước (thù) nghịch đem về nộp cho Quốc Vương.

    Cũng thế :

    Tuổi GIÀ bắt được (Vua) tráng kiện, (Hoàng hậu) sắc đẹp đem về NỘP (mạng) cho Tử Vương (thần chết).
  3. Nầy Thiện nam Tử,

    Ví như trục xe (gọng) đã gảy, thì xe đó không còn dùng được nữa.

    Cũng thế,

    GIÀ suy thời không còn dùng được vào việc gì cả.
  4. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như nhà giàu to có nhiều của báu là Vàng, Bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, Xích châu, Mã não.(dụ cho sự tráng kiện và sắc đẹp).

    Có :

    Bọn cướp vào đặng nhà đó, thời có thể cướp giựt hết cả.

    Cũng thế :

    GIÀ SUY thường hay cướp đoạt tất cả sự tráng kiện và Nhan sắc đẹp tươi.
  5. Nầy Thiện nam Tử,

    Ví như người NGHÈO hằng tham tưởng nơi thức ăn ngon, y phục mịn màng….. Dầu có “hy vọng, ước mơ” nhưng không thể được !

    Cũng thế :

    Tuổi GIÀ SUY dù có tâm tham tưởng, muốn hưởng thọ ngũ dục. sung sướng, mà chẳng thể đặng.
  6. Nầy Thiện nam Tử,

    Như con rùa ở trên đất khô, cao ráo, lòng thường luôn nghĩ đến nước.

    Cũng thế :

    Người đời GIÀ SUY, khô héo, mà lòng HỌ vẫn thường nhớ tưởng đến những khoái lạc của thuở tráng kiện ấu thời.
  7. Nầy Thiện nam tử,

    Như mùa Thu, ai cũng ưa thích ngắm hoa sen nở. Ðến khi Hoa tàn héo, mọi người đều không còn ưa thích nữa !

    Cũng thế :

    Sự tráng kiện, sắc đẹp được mọi người ưa thích.

    Ðến khi :

    GIÀ SUY ai cũng nhàm ghét.
  8. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như cây mía, sau khi bị ép nước, thì bả xác không còn vị ngọt.

    Cũng thế :

    Sự tráng kiện và sắc đẹp đã bị GIÀ SUY ép, Thời không còn có 3 thứ “VỊ” sau đây :
    • Một là “VỊ xuất gia”

      (Tức là Già Suy thì không thể nào xuất gia được nữa).
    • Hai là “VỊ TỌA THIỀN”

      (Tức là Già Suy thì chẳng thể nào ngồi Thiền được, vì lưng mỏi, gối dùn)….
    • Ba là “VỊ ÐỌC TỤNG”

      (Tức là Già Suy thì mắt mờ không còn trông thấy rõ, nên chẳng thể nào xem đọc kinh điển được, lại thêm bị mỏi mệt nên cũng chẳng thể nào ngồi được lâu để tụng kinh nữa).
  9. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như mặt trăng tròn đầy, ban đêm thì tỏ sáng, ban ngày thời lu mờ không còn được như vậy nữa.

    Cũng thế :

    tráng kiện thì hình mạo, sắc vóc nở nang, xinh đẹp. GIÀ thời suy yếu, Tinh thần, thân thể và sắc đẹp đều điêu tàn.
  10. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như có nhà Vua thường hay :
    • Dùng chánh pháp cai trị nhân dân,
    • chơn thật, không lừa dối,
    • Từ bi, bố thí…..
    Sau đó Vua ấy bị nước thù địch xâm lăng, đánh bại, bèn (lưu vong) qua nước khác. nhân dân trong nước đó, thấy nhà Vua như vậy nên rất cảm thương, nói rằng :
    ÐẠI VƯƠNG ngày trước dùng chánh pháp trị nước, chẳng nhũng lạm và làm khổ dân chúng. Thế sao ngày nay lại cơ-khổ và lưu vong tới xứ nầy ‌
    Cũng thế :

    Loài Người đã bị Già Suy làm cho bại hoại, thời thường tán thán đến những sự nghiệp đã làm thuở còn tráng kiện.

  11. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như tim đèn (cháy được) phải nhờ dầu mở.

    Nhưng :

    Mở dầu rồi cũng sẽ hết,

    Thì :

    Tim đèn chẳng còn được lâu dài.

    Cũng thế :

    Thân người dầu nhờ cậy sự tráng kiện,

    Nhưng :

    tráng kiện phải trải qua sự Già Suy, đâu còn dùng được lâu.
  12. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như con sông cạn khô, không có thể làm lợi ích cho người, cho vật….

    Cũng thế :

    Già Suy khô héo thì không còn làm được việc gì, chẳng thể nào lợi ích được nữa.
  13. Nầy Thiện nam tử,

    Ví như cội cây cheo leo bên bờ sông, nếu gặp gió to, ắt sẽ đổ ngã.

    Cũng vậy,

    Ðến tuổi Già Suy, ắt sẽ phải chết chớ chẳng thể tồn tại (lâu dài) được.
  14. Nầy Thiện nam tử,

    Như trục xe đã gảy, thời xe ấy chẳng thể nào chở chuyên được.

    Cũng thế,

    Già Suy không thể học hỏi tất cả PHÁP lành.
  15. Nầy Thiện nam tử,

    Như trẻ thơ bị người khinh khi,

    Cũng thế,

    Già Suy thường hay bị người khinh hủy.

…………………
Do những ‘THÍ DỤ” (Hiệp với PHÁP) trên đây – (và còn có nhiều “Thí dụ” khác nữa).

Thế cho nên Ta phải biết rằng : Già Suy LÀ KHỔ

C/- SAO GỌI LÀ BỆNH ‌?

BỆNH là nói đến việc “tứ đại” nơi Thân không được hoà hợp và điều thích (điều hoà, thích ứng) với nhau.

Có 2 loại bệnh là : Thân bệnhTâm bệnh.
  1. “THÂN BỆNH” có 5 loại, đó là :

    1. Nhơn nơi Nước mà cảm bệnh.
    2. Nhơn nơi GIÓ mà cảm bệnh.
    3. Nhơn nơi Nhiệt (hơi nóng) mà cảm bệnh.
    4. Nhơn nơi ba thứ trên (Nước, Nhiệt, Gió) hợp lại mà sanh ra bệnh.
    5. Khách bệnh (là bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trong cơ thể).
    Như thế nào mà gọi là “KHÁCH BỆNH” ‌?

    bệnh ở bên ngoài mà Mình vô tình “mời thỉnh” nó đến.

    Chính là các thứ nhơn duyên” (gây ra) BỆNH, như sau :
    1. Không phải phận sự mà cố gắng làm (quá sức nên sanh bệnh)
    2. Vì quên (sơ ý) hay đi lầm đường, lạc nẻo mà té, ngã.
    3. Do dao, gậy, ngói, đá… đánh trúng nhằm nên sanh ra bệnh.
    4. Vì bị ma, quỷ dựa nhập.

  2. TÂM BỆNH :

    Bệnh do từ trong nội TÂM” mà sanh ra. Gồm có bốn thứ :
    • Một là hớn hở (vui quá nên sanh bệnh).
    • Hai là sợ sệt (sợ quá nên sanh bệnh).
    • Ba là lo rầu (buồn rầu quá nên sanh bệnh).
    • Bốn là ngu si (vì ngu si làm việc sai lầm, bị thất bại hoài, nên TÂM phiền muộn, tức tối…riết rồi sanh ra bệnh).

Tóm lại cả hai thứ THÂN BỆNH” và “TÂM BỆNH” nầy nói chung thì có 3 thứ (nhơn duyên) như sau:

  1. Do nơi nghiệp báo tiền khiên (nên sanh ra Thân bệnh).
  2. xa lìa chẳng được các thứ ác đối (như Oán thù mà cứ phải bị gặp gỡ hoài nên lo sợ, tức tối, sầu buồn….riết rồi kết thành ra Tâm bệnh).
  3. Thời tiết đổi thay (không theo kịp khí hậu bên ngoài nên sanh ra bệnh).

Tất cả BỆNH sanh ra đều do các thứ nhơn duyên (3 nhơn duyên vừa kể trên), danh tự (tên bệnh) sai khác (hành trạng khác nhau của mỗi chứng bệnh).

  • Danh tự (tên bệnh) đại lược như là : Ho, hen (suyễn), đau tim, sưng phổi, ói mửa, đau bụng v.v…
  • hành trạng sai khác (của bệnh) như là : nhức đầu, đau mắt, đau tay, đau chân v.v…

Các điều được kể trên gọi chung bằng một tên là BỆNH KHỔ.

Người chân thật Phật tửchánh kiến, chánh huệ…..ta phải “QUÁN SÁT” sự “BỆNH KHỔ” nầy như thế nào ‌?

KINH dạy :

  1. “Ví như mưa đá làm hại lúa mạ.

    Cũng thế :

    BỆNH TẬT có thể phá hoại tất cả những sự an ổn, tươi vui.

  2. Như người có Oán thù, TÂM thường hay lo rầu, sợ sệt.

    Cũng thế :

    tất cả chúng sanh thường bị BỆNH KHỔ, lo rầu không yên.

  3. Ví như có một người Nam Tử Dung mạo xinh đẹp.

    Vương Phi (Quý Phi của Vua) trông thấy được nên phát khởi “Dục Tâm”, yêu thương, sai người hầu cận đòi đến để cùng hành dục. Vua bắt được, truyền lịnh khoét một mắt, cắt một vành tai, chặt một tay, một chân. Người “Mỹ mạo Nam Tử” kia (trước thì đẹp đẻ), bấy giờ hình dung đổi khác xấu xa, bị người nhờm gớm khinh rẻ.

    Cũng thế :

    THÂN người trước (còn trẻ) thì Dung mạo xinh đẹp, tai mắt đầy đủ….. Nếu như đã bị BỆNH KHỔ dày vò, hành hạ, thời hình sắc xấu xa, bị người nhờm gớm.
  4. Như cây chuối, cây tre, cây lau, con la (3)

    Hễ như : (Cây chuối có trái, cây tre và cây lau có bông – Con La có con : Thì chết).

    Cũng thế :

    Người có BỆNH thời chết.
  5. Như Vua CHUYỂN LUÂN (VƯƠNG) vi hành (đi) thì vị “CHỦ BINH ÐẠI THẦN(chỉ huy binh mã) đi trước, nhà VUA theo sau.

    Lại như :

    Chúa cá, chúa ốc, chúa kiến, chúa trâu, thương chủ (chủ của đoàn thương buôn)….Khi ở trước CHÚNG mà đi, thời “toàn bộ chúng” thảy đều đi theo sát phía sau không rời.

    Cũng thế :

    Sự CHẾT thường theo sát BỆNH KHỔ không rời.

  6. Nầy Thiện nam tử,

    nhơn duyên của BỆNH làm cho :
    • Khổ não, rầu lo, buồn than, thân tâm không an ổn. Hoặc bị nhằm vào các thứ nạn tai….khác nữa, như là :
    • Bị kẻ giặc cướp bức hại,
    • Phao (trái nổi dùng để lội qua sông) bể, hư.
    • Cầu cống gảy, sập, đổ vở….. Thảy đều có thể cướp đoạt mạng sống.
    Cũng thế :

    BỆNH có thể :

    • Phá hoại sự tráng kiện, mạnh khỏe.
    • phá hoại sắc đẹp, thế lực, an vui.
    • Làm cho mất lòng Tàm Quý (hổ thẹn).

      [Vì phải van lơn năn nỉ người….để cầu sự giúp đỡ, thuốc thang, săn sóc…. cho được lành mạnh, dù người đó lúc bình thường là kẻ nghèo khổ, tàn tật, hèn hạ, hay là người thù ghét nhất của mình….đi chăng nữa].
    • Có thể làm cho thân tâm xót xa, bứt rứt”.

    …………….

Do những Thí dụ trên(và còn có thêm nhiều Thí dụ khác nữa) cho nên Ta biết rằng : BỆNH LÀ KHỔ

Ðây gọi là :
Người trí huệ biết QUÁN SÁT BỆNH KHỔ vậy.

D/- SAO GỌI LÀ CHẾT ‌?

CHẾT là bỏ “thân Ngũ ấm” [4] đã thọ.

Hay còn gọi là :

Mạng căn hư hoạichết.

CHẾT” (Tử) có hai loại :

  1. Mạng căn hết mà chết (tức là “tới số” nên phải chết)
  2. Duyên ngoài “chất mạng” hết mà chết.

    (Tức là PHƯỚC THỌ hết rồi nên phải chết).
  1. MẠNG CĂN HẾT MÀ CHẾT” gồm có 3 THỨ, đó là :

    1. MẠNG hết chớ chẳng phải PHƯỚC hết.

      (Tức là tới khi chết mà vẫn còn sang giàu – Chưa hưởng hết PHƯỚC LỘC).
    2. PHƯỚC hết chớ chẳng phải MẠNG hết.

      (Hết phước rồi, nghèo cùng, thiếu thốn, đau bệnh, đói khổ…không có tiền bạc để chạy thầy, chạy thuốc, mua cơm gạo ăn… bị bịnh, đói… hành hạ mà chết).
    3. PHƯỚC và MẠNG đều hết.
  2. DUYÊN NGOÀI CHẾT” cũng gồm có 3 thứ, đó là :

    1. Chẳng phải đến phần số chết, mà tự hại chết (tức là tự tử).
    2. Bị kẻ khác hại mà chết.
    3. Do mình và kẻ khác mà chết.
      (Như là đôi bên vì chém giết, bắn lộn… lẫn nhau nên chết).

Lại, có 3 thứ CHẾT” khác nữa, đó là :

  1. Phóng dật” mà chết.

    Có 2 loại “Phóng dật” là :
    1. Huỷ báng kinh điển Ðại thừa Phương đẳng và Tam bảo.

      (Nên tổn hết “Phước Trời”, bị Quỷ, Thần hoặc Trời đánh….mà CHẾT).
    2. Ăn chơi, tứ đổ tường (cờ bạc, hút sách, rượu chè, đĩ điếm) xả láng mà chết.
  2. Phá giới”chết.

    (Loại chết nầy là Chết mất “pháp thân huệ mạng” của mình, hư hoại hết căn lành…)
  3. Mạng căn hư hoại”chết.

    (Bệnh hoạn trầm kha, đau yếu rề rề hoài, thuốc thang điều trị không hết, nên dần dần phá hết thân thể, làm cho tan nát nội tạng – (như ruột, gan, phổi, tim vv)… mà chết.

Là người chân thật Phật tử, có TRÍ, có HUỆ, có chánh kiến, Ta phải QUÁN SÁT sự CHẾT như thế nào ‌?

KINH dạy :
  1. Sự CHẾT có thể đốt cháy, chìm mất, tiêu diệt tất cả chúng sanh (trong 3 cõi)….
  2. Như chim Ðại Bàng Kim Súy điểu có thể nuốt tiêu hết tất cả các loài rồng, cá và châu báu vàng, bạc…

    Cũng thế :

    Sự CHẾT có thể nuốt tiêu hết tất cả chúng sanh.

  3. Ví như những cỏ cây mọc bên bờ sông, nước lụt dâng lên, tất cả đều trôi theo dòng vào trong biển lớn.

    Cũng thế :

    tất cả chúng sanh (trong 3 cõi) đều trôi lăn vào trong biển CHẾT.

  4. Như Thần NA LA DIÊN [5] có thể hàng phục được hết tất cả các lực sĩ…

    Cũng thế :

    Sự CHẾT có thể hàng phục tất cả chúng sanh.

  5. Ví như có Người đối với kẻ thù, giả làm thân thiện, theo sát bên mình như hình với bóng. Chờ dịp thuận tiện thì giết ngay.

    Cũng thế :

    Sự CHẾT luôn luôn theo rình sát một bên chúng sanh, chờ dịp làm hại.

  6. Ví như Trời mưa xối Kim cương xuống thì tất cả cỏ cây, núi rừng, đất đá, vàng, bạc, lưu ly…cùng tất cả các vật loại khác thảy đều hư nát…

    Cũng thế :

    Sự CHẾT có thể phá hoại tất cả chúng sanh.

  7. Như chim Ðại bàng kim súy có thể nuốt các loài rồng.

    Cũng thế :

    Sự CHẾT có thể nuốt tất cả chúng sanh.

  8. Ví như rắn độc “MA LA”, khi cắn nhằm người, thì những thần chú hay, thuốc quý tốt…đều không thể cứu được

    Cũng thế :

    Sự CHẾT tất cả chú hay, thuốc tốt đều không cứu được.

  9. Như có người bị nhà VUA giận thì có thể dùng lời nói dịu dàng, khéo léo, dâng của cải châu báu….mà đặng khỏi tội .

    Nhưng,
    Sự CHẾT thì không như vậy.
    Dầu cho có dùng lời nói dịu dàng, đem tất cả tiền của, châu báu…..để cống dâng cũng chẳng thoát khỏi.
  10. Nầy Thiện nam Tử,

    Luận về sự CHẾT là :
    • Chỗ hiểm nạn,
    • Không gì giúp đỡ.
    • Ði đường xa xôi không có bạn bè.
    • Ngày đêm đi luôn chẳng biết bờ mé, sâu thẳm tối tăm, chẳng có đèn đuốc.
    (sự CHẾT) :
    • Vào không có cửa nẻo mà có chỗ, có nơi.
    • Dầu không chỗ đau đớn mà chẳng thể chửa lành.
    • qua không ai, không gì… ngăn được.
    • NÓ đến không ai thoát được.
    • NÓ không phá phách gì mà người thấy đều sầu khổ,
    • NÓ không có màu sắc xấu xa chi mà làm cho người kinh sợ.
    • NÓ ở sát bên Thân người mà người chẳng hay biết được.

    ……………………..

Do các Thí dụ vừa nêu trên đây – ( và còn có thêm nhiều Thí dụ khác nữa) Ta phải biết rằng :

CHẾT THẬT LÀ MỘT ÐIỀU ÐẠI KHỔ vậy.

Cho nên việc :

Ðời người trăm (100) tuổi( đó là nói theo thói quen để cho dễ hiểu, chớ thật ra thì nhân loại thời nay sống được 75 tuổi là THỌ lắm rồi) – chỉ gom lại trong 4 Giai đoạn SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT đó mà thôi.

Còn nếu như muốn nói cho rộng thêm ra một chút nữa thì :

Ðời người gồm có “10 Giai đoạn” như sau:
  1. Tối sơ là anh nhi hạnh, vị nầy còn nằm ở trong nôi.
  2. Thứ hai gọi là đồng tử, làm trẻ nít vui đùa.
  3. Thứ ba gọi là thiếu niên, thọ các thứ dục lạc (vui thích).
  4. Thứ tư gọi là thiếu tráng dũng kiện ca lực. (thiếu niên mạnh khoẻ đầy đủ sức lực).
  5. Thứ năm gọi là thanh niên, có Trí đàm luận (chuyện trò, bàn bạc).
  6. Thứ sáu gọi là thành tựu, hay khéo suy lường, giỏi về mưu kế, sách lược, mọi việc hơn thua.
  7. Thứ bảy gọi là lần suy.
  8. Thứ tám gọi là hủ mại, các căn đều suy nhược, yếu già.
  9. Thứ chín gọi là Cực lão, quá tuổi thọ không còn làm được bất cứ chuyện gì được nữa.
  10. Thứ mười gọi là trăm tuổi, đúng vào (mùi) vị chết.

Vả lại, cứ lấy “chánh kiến” của người Phật tử (có học hiểu) Phật pháp ra mà nhìn cho thật kỹ lại về đời sống nầy, thì chúng ta sẽ thấy rằng :

Trọn cuộc đời của Ta từ “Giai đoạn thứ nhất” cho đến “Giai đoạn thứ 10” (kể trên) thì đâu có phải là lúc nào cũng luôn luôn được “bình yên, hạnh phúc” cả đâu, mà trong đó NÓ (đời sống ấy) đã xảy ra chẳng biết bao nhiêu là đớn đau, sầu khổ, không thể nào nói cho cùng tận được !…

Bởi thế nên việc:

Muốn sống lâu trăm tuổi đó phải cần nên xét cho kỹ lại.

Xét như thế nào ‌?

Ấy là vấn đề :

Muốn sống lâu trăm tuổi để làm chi ‌?

Nếu như “muốn sống lâu trăm tuổi” chỉ vì một mục đích “duy nhất” là :

Ăn chơi (tứ đổ tường) xả láng cho khỏi uổng một kiếp người sống trên dương thế, rồi sau đó có chết đi cũng không tiếc hận !

Thì :

SỐNG LÂU NHƯ VẬY QUYẾT CHẲNG NÊN CẦU.

Tại sao ‌?

như thế thì chỉ là dùng thân xác đó và sự sống lâu kia để gây tạo thêm vô số nghiệp tội ác độc….khác nữa (trong khi nghiệp tội tiền khiên của nhiều kiếp trước đến nay vẫn chưa tiêu trừ hết) mà thôi.

Chớ :
Chẳng có tu hành hay làm nên được việc gì đạo đức, ích lợi riêng cho bản thân và nhân thế cả.
Như vậy thì :
Sau khi chết đi rồi, với những “ác nghiệp đã gây tạo kia, Thần thức quyết định phải bị đọa lâu dài vào trong địa ngục, lãnh chịu vô lượng hình phạt thống khổ nơi đó, biết bao giờ mới ra khỏi được.
Cho nên :
Sống lâu như thế QUYẾT CHẲNG NÊN CẦU.

HỎI :

Còn nếu như sống LÂU để mà tu hành, LÀM VIỆC THIỆN thì có nên CẦU không ‌?

ÐÁP :

Người mà biết SỐNG LÂU ÐỂ tu hành, LÀM VIỆC THIỆN… thì (đương nhiên) đó là một kẻ hiểu biết Ðạo lý, thâm nhập kinh điển, thấu rõ được lờiÝ của Phật dạy… biết rằng đời vô thường, thân xác nầy chỉ là sự tạm mượn của “tứ đại” và do các thứ “nghiệp duyên” kết hợp lại mà “ảo hoá” ra thôi.

Nó không có Ngã nên chẳng phải là TA và CỦA TA.

Lại còn như vầy nữa :

Người có tu hành ấy với chánh kiến (qua sự thấu hiểu về Phật pháp) biết rằng :
Sự sống lâu hay chết yểu của mình luôn luôn tương xứng với những “NGHIỆP DUYÊN” mà mình đã gây tạo ra trong kiếp trước.
Nghĩa là :
Nếu như kiếp xưa đã có gieo các thứ nhơn “bất sát” (không giết hại), phóng sanh, bố thí thuốc men cho người đau bịnh, bố thí hòm quách cho người chết (nghèo nàn) v.v…
Thì :
Ðời nầy không cầu sống lâu cũng VẪN được sống lâu.

Còn như ngược lại, tức là :

Kiếp xưa đã gieo nhân “sát sanh, hại vật”, bắt nhốt cầm tù các vật loại (như nuôi chim lồng, nhốt cá chậu), ỷ quyền làm kẻ châu huyện, lệnh trưởnglàm nhiều việc tổn hại dân lành vô tội v.v…
Thì dầu cho :
Ðời nầy có cầu sống lâu quyết cũng không được như ý.
Cho nên nếu như người mà “BIẾT tu hành, LÀM VIỆC THIỆN” (đúng theo ý của lời vừa hỏi trên) thì HỌ :
Cũng chẳng cầu sống lâu. Cũng chẳng cầu chết sớm.
Vì HỌ biết “an nhiên trong số mệnh” vậy.

Hễ còn sống được ngày nào thì cứ lo chân thật tu hành theo lời PHẬT dạy cùng làm những việc phước thiện…. ngày đó mà thôi.

Rồi :
Ðem hết các phần phước đức đã vui bồi đó.
Mà :
Hồi hướng vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc.
Ðể :
Chấm dứt sự luân hồi, sanh tử khổ đau mà thôi.
Chớ :
Không cầu sống lâu, sống HOÀI chi hết.

Tại sao ‌?

Vì “THÂN NẦY CHÍNH LÀ NGUỒN GỐC CỦA TẤT CẢ KHỔ” vậy.

Xin được trích dẫn ra đây một đoạn Kinh để làm chứng tín, như sau :

“PHẬT bảo cùng với Ngài NAN ÐÀ [6]rằng :

  1. Nếu cứ tính bốn tháng làm một mùa, một năm có 3 mùa, thì đời người trăm tuổi sống được 300 mùa (100 mùa xuân, 100 mùa hạ và 100 mùa đông).
  2. Một năm có 12 tháng, đời người trăm tuổi sống được 1200 tháng. Lấy mỗi nữa tháng (15 ngày) làm số thì được tất cả 2400 lần nữa tháng.
  3. Nếu lấy ngày để tính ra, thì cuộc sống trăm năm có được ba vạn sáu ngàn ngày (36.000 ngày). Mỗi ngày ăn (hoặc bú sữa mẹ đều kể luôn cả) hai bữa (cơm) thì được bảy vạn hai ngàn bữa ăn (72.000).

    Mạng người sống lâu trăm tuổi được bao nhiêu đó, nay ta đã nói đủ : năm, tháng, ngày đêm và số uống ăn, các ông phải nên sanh tâm nhàm chán.
  4. Nầy NAN ÐÀ, thân THỂ ấy từ khi mới sanh ra cho đến lúc khôn lớn, trưởng thành có nhiều bệnh hoạn, như là các bệnh đầu, mắt, tai, mũi, lưỡi, răng, cổ họng, ngực, bụng, tay, chân, cùi, hủi, điên cuồng, sưng thủng, ho suyễn, bịnh phong, hoàng nhiệt, đàm ấm, gân cốt thịt xương đau nhức. Thân người có nhiều bệnh khổ như vậy.
  5. Lại còn có thêm 101 thứ bệnh phong, 101 thứ bệnh đàm ấm, 101 thứ bệnh hoàng nhiệt, 101 thứ bệnh tổng hợp. Cộng lại là 404 thứ bệnh từ trong nội thân phát ra.
  6. Nầy NAN ÐÀ ! thân thể nầy như ung nhọt, các bịnh hợp thành, không tạm thời dừng, niệm niệm chẳng ở lại. Thể chất của nó là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, là pháp bại hoại (hư hỏng) gần nơi chết mất chẳng thể nào cưng yêu hay bảo tồn mãi được.
  7. Nầy NAN ÐÀ ! Các chúng sanh khi sống còn có những sự đau khổ khác nữa như là bị chặt tay, chân, đầu, bị móc mắt, thẻo tai, lắt mũi, ngục tù, gông cùm, xiềng xích, đánh đập, khảo tra, đói khát, khổ sở, rét nóng, mưa tuyết, muỗi mòng, kiến rận, ác thú, độc trùng, nhiều thứ bức não, khổ sở vô lượng, vô biên khó kể hết được, mà các chúng sanh ở giữa những sự thống khổ như vậy lại đam mê, vui thích.
  8. Bao nhiêu các thứ “dục lạc” đều lấy KHỔ làm căn bản mà chúng sanh chẳng chịu rời bỏ, lại cứ mãi đi tìm cầu, ngày đêm bị nung nấu thân tâm, nhiễu não, nội tâm cháy nóng hừng hực không lúc nào nghỉ.
  9. Các khổ như là sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, Oán thù hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn thọ khổ, đi, đứng, ngồi, nằm, thảy đều KHỔ cả, đi lâu, đứng lâu, ngồi lâu, nằm lâu thảy đều phát sanh ra đau khổ, nếu có tạm thời thay đổi oai nghi (như có đứng rồi cũng có ngồi, nằm, đi v.v…) thì cho rằng vui sướng chớ kỳ thiệt ra chẳng phải là vui sướng.
  10. Nầy NAN ÐÀ, chúng sanh ấy đều là bỏ khổ nầy để đi tìm khổ khác, là pháp biến hoại, chẳng bảo tồn được, phải cầu biết đủ, phải biết chán lìa, phải siêng cầu giải thoát.
  11. Lại nầy nữa NAN ÐÀ !

    Không có một sắc pháp nào là đáng được mến ưa và không bị biến hoại – không có một sắc pháp nào mà chẳng phát sanh ra sầu, não, ai bi.
  12. Nầy NAN ÐÀ !

    Sắc ấy là thường hay là vô thường ‌?
    Bạch Thế Tôn, sắc ấy là vô thường.
    Nầy NAN ÐÀ, đã là vô thường thì khổ chăng ‌?
    Bạch Thế Tôn, thiệt là rất khổ.
    Nầy NAN ÐÀ, đã là vô thường, là khổ, là biến hoại, như vậy thì các đệ tử đa văn (có học hiểu giáo lý) của Phật có cho rằng sắcNgã chăng, sắc là ngã sở chăng ‌?
    Bạch Thế Tôn, không. Trong sắc không có ngã cũng không có ngã sở.
  13. Nầy NAN ÐÀ ! Sắc đã là vô thường, vậy thì Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường ‌?

    Bạch Thế Tôn, bốn ấm ấy cũng đều vô thường, đều là khổ não.
  14. Phật dạy:

    Ai là người có trí mà lại mến thích thân sanh tử như vậy.
(Phụ chú :

Các phần vừa được “TÍNH” ở trên là kể theo số tuổi thọ đúng 100 (hồi Phật còn tại thế, chớ nếu đúng theo số tuổi thọ là 75 bây giờ thì phải tính rằng :

Con người sống 75 tuổi thì hưởng được có 225 mùa mà thôi (tính 4 tháng làm một mùa – một năm chỉ có 3 mùa là Xuân, Hạ, và Ðông).

Gồm có 75 mùa Xuân, 75 mùa Hè, và 75 mùa Ðông. (Ngắn ngủi quá).

Còn nếu như tính 3 tháng làm một mùa, mỗi năm có 4 mùa là Xuân, Hạ, Thu, Ðông (như bên Âu châu, Mỹ châu) nầy thì :

Con người đời nay chỉ hưởng được có : 75 x 4 = 300 mùa (3 tháng làm một mùa)

Tức là (cuộc đời) chỉ gồm có : 75 mùa Xuân, 75 mùa Hạ, 75 mùa Thu, 75 mùa Ðông thôi.

Vậy thì bây giờ mình hãy lần tay tính kỹ lại đi, để xem cuộc đời của Ta đây đã :

Hưởng được hết bao nhiêu mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông rồi ‌?
Và :
Còn lại bao nhiêu mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông khác nữa ‌?
Ðáng lo sợ lắm đó).

Và cũng bởi vì :

(Ai cũng muốn trăm tuổi)

CÓ ÐỊNH CŨNG KHÔNG ÐƯỢC

như vậy, cho nên : Ðức Bổn sư THÍCH CA MÂU NI Thế Tôn mới “thị hiện” nhập NIẾT BÀN vào năm 80 tuổi chớ chẳng sống lâu hơn.

Quý Phật tử và chư Huynh đệ có biết tại sao không ‌?

Ðó là Mật ý của PHẬT, muốn gián tiếp chỉ dạy cho chúng sanh chúng ta điều rằng :

Ðó là việc không bao giờ có được.
  • “Ngay như ứng thân có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tuỳ hình của PHẬT – (thân nầy kết tụ lại do vô lượng công đức, trí huệ tạo thành)mà cũng còn phải bị trải qua 4 thời kỳ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT thay.

    Huống hồ chi là :
  • Nhục thân tứ đại do vô lượng “Duyên nghiệp” khác nhau (hoặc Thiện, hoặc Ác) của chúng sanh (nói chung) và của Ta (nói riêng) kết tụ lại thành, mà muốn cho NÓ sống lâu, sống hoài, đến trăm tuổi thì : (Nếu như có thì hoạ hoằn lắm là trong cả triệu người, may ra được 1 mà thôi).

Khi xưa lúc đạo PHẬT của Ta mới truyền vào xứ Trung Quốc (Trung Hoa), thì mấy ông Ðạo sĩ tu Tiên theo Lão giáo tìm đủ mọi cách để ngăn chận (sự bành trướng của đạo Phật), bài bác và đả kích… đại khái như HỌ nói rằng:

Ðạo PHẬT và (Ðức) PHẬT THÍCH CA đâu có gì hay hơn đạo Tiên đâu.

Hỏi tại sao, thì Họ đáp rằng :

Bằng chứng là ông PHẬT kia cũng bị chết vào năm 80 tuổi như những người tầm thường khác, chớ nào có được trường sinh, bất tử như tu theo đạo Tiên của chúng tôi đâu !

(Phụ chú :

Họ nói sai lầm lời rằng :
“Trường sinh bất lão” thì (vì họ uống “thuốc trường sinh” [sống lâu]).
Chớ còn :
“Trường sinh bất tử” thì KHÔNG (nếu như quên uống “thuốc trường sinh” hoặc luyện thuốc không kịp thì bị “hui nhị tỳ” liền).

Nhưng mà HỌ (các người tu Tiên ấy) không ngờ được điều rằng :

ÐIỀU mà HỌ đang mong cầu, theo đuổi đó.
(Tức là cầu mong, theo đuổi được SỐNG LÂU, trường sinh, bất tử)

Lại chính là “ÐIỀU” mà :

Ðạo PHẬT và đức PHẬT bài bác vậy.

Tại sao ‌?

Bởi vì Thân tứ đại nầy của Ta đây (như đã giảng nói ở trên) là vô thường, NÓ (thân ấy) dơ bẩn, thúi tha, đầy dẫy ruột gan, máu, mủ, đại, tiểu, 9 lỗ hằng luôn chảy ra những chất bất tịnh, tanh hôi, ghê gớm….là mầm mống của tất cả các sự khổ nạn, lo âu…

Thì dầu cho có sống lâu, sống hoài… đi chăng nữa, NÓ (thân ấy) cũng vẫn là vô thường và thúi tha, dơ bẩn thôi, chớ nào có SẠCH SẺ được đâu !

Tại sao ‌?

Bởi vì thể chất của THÂN “tứ đại” vốn là DƠ, là KHỔ rồi, thì làm thế nào mà chuyển thành ra SẠCH, VUI cho được.

KINH dạy :

Thân nầy là chậu dơ,
Dường như bình đựng phẩn.
Phàm phu không trí huệ,
Cậy sắc sanh kiêu mạn.
Trong mũi hằng chảy mũi,
Hơi miệng luôn hôi hám.
Mắt ghèn, thân đầy trùng,
Kẻ ngu tưởng sạch, vui !
Như người cầm cục than,
Ðem mài muốn trắng, bóng.
Dầu mài đến mòn hết,
Thể sắc than không đổi.
Dầu muốn thân mình sạch,
Rửa hết nước biển, sông.
Thân trọn không sạch được.
Vì thể chất vốn dơ…

thân thể mà mình yêu quý ấy đã như vậy rồi..thì đâu có gì để mà:

Tự phụ, ngạo kiêu

Hay là :

Muốn cho nó tồn tại mãi được ‌

Còn như bên đạo PHẬT của Ta thì chủ trương rằng :

  1. Bỏ thân “vô thường”

    Ðể :

    Lấy thân “THƯỜNG” (là Pháp thân bất sanh, bất diệt).

  2. Bỏ thân dơ bẩn, thúi tha

    Ðể :

    Lấy thân “liên hoa hóa sanh” (Thân do bông sen kết tạo thành, cho nên thơm tho, tinh sạch).

  3. Bỏ thân “hữu lậu”

    Ðể :

    Lấy thân “vô lậu” (là thân do GIỚI, ÐỊNH, HUỆ kết tụ thành).

Cho nên quý Phật tử (nói riêng)chúng ta (nói chung) rất cần thiết phải nên :

cố gắng y theo pháp môn Tịnh Ðộ, mà chơn thật Niệm Phật, tu trì, phát nguyện:

CẦU SANH VỀ CHỐN Tây phương Cực Lạc

Ðể lấy được cảnh :
CỬU PHẨM LIÊN HOA VI PHỤ MẪU.
(9 phẩm bông sen làm cha mẹ)

Chừng (được vãng sanh về cõi đó rồi) thì chẳng những là sống được TRĂM tuổi thôi đâu.

Mà còn :

Sống lâu đến vô lượng, vô biên A TĂNG KỲ kiếp nữa (kìa).

Như vậy há chẳng là quý báu, thắng diệu hơn sao ‌?

Chúc quý vị gắng hiểu, gắng tu và gắng “y giáo phụng hành”, hầu được :

MÃI MÃI TRƯỜNG XUÂN.

nơi cõi Cực Lạc (nói riêng) Chân Thường, Tịch tịnh.

Mong lắm vậy thay.

(Tuần sau BẢO ÐĂNG sẽ giảng 2 câu kệ kế tiếp là :

Nhà nhà thèm sang giàu,
Muốn cầu, cầu KHÔNG ÐƯỢC.

Trân trọng.

(Kỳ sau tiếp)




[1]– Ngũ cốc : là 5 thứ Thực phẩm chánh dùng để nuôi sống thân mạng của chúng sanh, đó là : Gạo nếp, bắp, mè, khoai củ, trái cây (các loại).

[2]– Cầu thỉnh pháp ở nơi nội điện : Rước bậc Danh đức Cao Tăng vào triều để học đạo.

[3]– Con La : Một loại thú vật nhỏ giống như con lừa.

[4]– Thân Ngũ ấm : là xác thân tứ đại của mình.

Gọi “ngũ ấm”Thân nầy gồm có 5 ấm là : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức kết hợp lại mà hành.

Như sau :

  • Xác thân bên ngoài thì có hình SẮC, tướng mạo nên (thuộc về “SẮC ẤM”).
  • Phần “Tâm tưởng” ở bên trong gồm có bốn “Ấm”Thọ, Tưởng, Hành, Thức nhóm họp lại, thì không có tướng mạo chi cả (vô hình).
[5]– Na la diên : Là vị Lực sĩ ở cõi Trời, có sức mạnh bằng 70 con voi lớn, hàng phục được tất cả các loại lực sĩ ở nhơn gian.

[6]– NAN ÐÀ : là em bà con chú bác với PHẬT, hoàng tử của dòng họ THÍCH CA, có vợ đẹp và hưởng đủ thứ ngũ dục thắng diệu. Bị PHẬT về bắt buộc phải “đi tu”… Ông theo PHẬT tu hành, sau đắc quả A La Hán.
Attachments:
Download this file (Hp 37 moi.pdf)Hp 37 moi.pdf
Chia sẻ:

Bình luận