27.10.2021

THP 84 – Chúng sanh trong thời kiếp giảm như thế nào? Thế nào là niệm Phật Tam muội?

Nội dung chính:

  1. Thời kiếp giảm
  2. Niệm
    Glossary LinkPhật Tam Muội
  3. Phật Tánh

Bấm vào đây để tải file word doc – Click here to download word doc file

Bấm vào đây để tải file pdf – Click here to download pdf file

 

                                 

 
   

HỎI :

          1/-      Chúng sanh đang sống trong thời MẠT PHÁP,

                    và trong thời kỳ KIẾP GIẢM như thế nào ?

                    Có phải sắp TẬN THẾ KHÔNG ?

 

            2/-      Chúng tôi tu TỊNH ĐỘ thường nghe nhiều người tuyên rằng :

                                    Họ đang tu NIỆM PHẬT TAM MUỘI !

                        Nhưng Họ không hiểu rõ “TAM MUỘI LÀ THẾ NÀO”??

                  Vậy xin hỏi thế nào là :

                            – NIỆM PHẬT TAM MUỘI đúng nghĩa của nó ?

 

 

ĐÁP câu hỏi thứ 1 :

–        Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ MẠT PHÁP và đang trong KIẾP GIẢM, cái gì cũng kém khuyết, Tâm của con người không còn THIỆN như xưa nữa, tuổi thọ của nhân loại cũng giảm dần, cho chí đến sơn hà đại địa cũng đổi thay dần…Nhiều thứ bệnh tật khó trị, thiên tai, bão lục khắp nơi, nhà tan cửa nát, mền trời chiếu đất, mất nước, mất nhà, mất việc làm, thân bằng quyến thuộc lại vô tình, vô nghĩa, ngày càng xa cách nhau, thư ếm, tàn hại lẫn nhau vô kể số, người người khốn khổ, oán đối…

      Tình trạng này đang xảy ra một cách trầm trọng, cho nên nhiều người cho rằng :

–        Vì Tâm chúng sanh ác quá nên bị Trời giáng họa xuống như thế, có phải sắp TẬN THẾ chăng?

 

Vậy thế nào là TẬN THẾ ?

TẬN THẾ nghĩa là : –  “Thanh-lọc, đổi đời”.

                             

Người hiền lành, thật thà chân chánh thì sống, tai qua, nạn khỏi.

Người gian ác, giết hại người hiền, phá diệt Chánh Pháp của Phật thì chết.

 

Dù cho sống sót chỉ còn 1 người, cũng chưa gọi là tận thế !

 

Trong Kinh Phật có dạy :

TẬN THẾ phải như thế nầy :

–        Đức Phật CA-DIẾP ra đời trước đức Phật THÍCH CA MÂU NI. Lúc đó nhân loại sống đến 20.000 (2 chục ngàn) tuổi là thượng thọ. Từ đó do nghiệp ác của chúng sanh gây tạo, nên giảm dần, giảm dần tuổi thọ xuống. Cứ 100 năm giảm xuống 1 tuổi, giảm riết…giảm riết…khi còn 100 tuổi là thượng thọ thì

                      Đức Phật THÍCH CA MÂU NI mới ra đời.  

 

–        Do vì chúng sanh “tâm, tánh” ngày càng tham lam, cố chấp, sân hận, gian xảo, bùa ngải, ếm đối hại người, bắt hồn, đổi xác, tạo quá nhiều nghiệp ác v.v…cho nên mỗi 100 năm giảm xuống 1 tuổi, và sẽ tiếp tục giảm nữa…giảm riết…tới khi nào nhân thọ còn 30 tuổi là thượng thọ.

Lúc đó vì nghiệp ác của chúng sanh quá thạnh, nên khiến xảy ra tai nạn “hạn hán” trong :

      7 năm, 7 tháng, 7 ngày không có mưa. Ngũ cốc, mùa màng đều chết hết, dân chúng đói khát, chết vô số kể, bệnh dịch lan tràn khắp mọi nơi, người người khốn khổ vô ngần.

            Sau 7 năm, 7 tháng, 7 ngày:

      Chỉ còn sống sót 1 ít người, mới hồi tâm mà suy nghĩ rằng :

“Tại vì Tâm chúng ta ác quá, ngoan cố không chịu sửa Tâm làm điều thiện, nên mới bị “quả ác” như vậy. Chúng ta gieo nhân nào thì nhất định phải hái quả nấy”.

      Nhờ nghĩ ra được như vậy, nên phát tâm tu THIỆN trở lại, không còn gieo bất cứ 1 điều ác nào…Nhờ tu thiện như vậy trong suốt 7 năm, 7 tháng, 7 ngày, Trời mưa xuống, ngũ cốc sinh sản trở lại.

Thế hệ trước qua rồi.

Thế hệ sau không biết điều nầy, không tin nhận, lại tiếp tục làm ác nữa…Vì thế  mà nhân thọ lại giảm xuống, mỗi 100 năm giảm xuống 1 tuổi, giảm riết…giảm riết tới 20 tuổi là thượng thọ. Do nghiệp ác của chúng sanh gây tạo quá thạnh, khiến trong :

      7 tháng, 7 ngày…

      Trời sanh ra nạn “ÔN DỊCH”.

      Con người ta chết vô số kể và cũng như trước. Số người còn sống sót ăn năn, hối hận,

công nhận là tại mình làm ác quá đi mới bị như vậy, rồi phát tâm tu thiện trở lại.

      Sau 7 tháng, 7 ngày…

      Trời rưới mưa xuống, bệnh ôn dịch chấm dứt. Tất cả xác chết, thây bệnh đều trôi về biển cả hết.

      Thế hệ lớn chết hết.

      Thế hệ nhỏ sau nầy lại cũng không biết, không hiểu, không tin, tiếp tục làm ác nữa, cái ác của thế hệ nầy càng khủng khiếp hơn. Nhân thọ còn 10 tuổi là thượng thọ.

      Trong 7 ngày thôi…

      Trời sanh ra cái tai nạn “SÁT KIẾT”.

      Tất cả những vật gì cầm trong tay, dù là chiếc đũa, cái muỗng, cho chí đến một miếng giấy cũng đều hóa ra súng ống, dao búa hết…lúc đó trong tâm niệm chỉ còn nghĩ là :

       “Mình không giết nó, thì nó giết mình”.

      Thậm chí cho tới vợ chồng, con cháu, cha mẹ, anh em ruột thịt đều giết hại, đâm chém lẫn nhau không kể xiết, không ai chừa tha cho ai hết.

     

      Trong 7 ngày,

      Chúng sanh như điên cuồng, chém giết lẫn nhau, thây chết đầy từ trong nhà cho tới ngoài đường, và khắp cả mọi nơi…Những người có căn lành thấy vậy, mới hoảng hốt chạy trốn trong rừng núi…

      Sau 7 ngày,

      Họ đi ra khỏi rừng núi, thấy thây chết nằm đầy đường, không còn một ai sống sót. Ngó quanh chỉ còn lại một vài người trốn trong núi mà thôi, đi tới đâu cũng thấy thây chết ngập cả đường đi.

      Đi thất thểu cả tháng trời mới gặp được 1 người còn sống, cũng từ trong rừng núi đi ra, mới ôm nhau mừng rỡ, khóc lóc nói rằng :

      “Tại TÂM chúng ta quá ư là độc ác, nên Trời mới sanh ra tai nạn ghê gớm như vậy.

Họ cùng nhau phát tâm tu thiện trở lại…

 

      Bắt đầu từ đó, tuổi thọ tăng lên từ từ…hễ 100 năm tăng lên 1 tuổi, tăng riết…tăng riết tới 84.000 (tám mươi bốn ngàn) tuổi là thượng thọ.

      Rồi từ 84.000 tuổi, giảm xuống dần…cứ 100 năm giảm xuống 1 tuổi…giảm riết cho tới 80.000 tuổi là thượng thọ.

      Thì:

             BỒ TÁT  DI LẶC mới ra đời, đoán khoảng hơn 16.000.000 (16 triệu năm) nữa. 

      Từ 100 tuổi giảm xuống tới 10 tuổi, rồi từ 10 tuổi tăng lên tới 84.000 tuổi, CÕI TA BÀ vẫn còn, quả Địa Cầu vẫn còn, không có tan nát, không có tận thế.

      Chúng sanh nghĩ : – Vì nhiều người chết quá nên cho là tận thế.

      Tận thế trong đạo Phật thấy rõ là khi nào ĐẠI TAM TAI KIẾP xảy ra :

–        Thủy tai,

–        Phong tai,

–        Hỏa tai

Khởi lên, đốt cháy hết cả TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, thì mới TẬN THẾ. (trong THP #83 kỳ trước có nói rõ Đại Tam Tai kiếp).

      Tóm lại,

      Nếu như tất cả chúng sanh đều có Tâm lành, khẩu lành, ý lành, lại biết Niệm Phật, Trì Chú thì làm gì bị tổn
Glossary LinkPhước và giảm tuổi thọ, Đại Tam Tai Kiếp cũng không có xảy ra.

 

      Hiện nay tuy thấy chùa chiền cất quá nhiều, người niệm Phật, cầu vãng sanh cũng quá đông, nhưng công tâm mà thanh lọc lại cho thật kỹ, sẽ thấy rõ rằng :

–        Trong 1.000.000 (1 triệu) người Niệm Phật, vãng sanh chỉ được một mà thôi ! (nghĩa là được nhập Liên Hoa 1 trong 9 phẩm sen ở Cực lạc)

–        Số đông người (niệm Phật) còn lại, nương nhờ vào sự Hộ Niệm lúc lâm chung (vì không có tự lực để niệm Phật), may mắn mới tới được BIÊN ĐỊA mà thôi, chớ chưa vào được CHÁNH QUỐC ở Cực Lạc.

–        500 năm ở Biên Địa, vẫn không tự lực Niệm Phật để có đầy đủ Công Đức (được vào chánh quốc), phải đáo trở xuống cõi trần, đầu thai lại lạc vào 3 ác đạo và tiếp tục trả nghiệp của những kiếp trước. Vì thế người niệm Phật đã phát tâm cầu sanh Cực Lạc quốc phải cẩn thận cho con đường tu tập “đúng pháp của Phật”, mới bảo đảm cho sự vãng sanh được.

 

 
   


HỎI :

–           Thế nào là NIỆM PHẬT TAM MUỘI đúng nghĩa của nó ?

ĐÁP :

            Niệm Phật TAM MUỘI chính là :

                        1.- Nhớ chuyên.

                        2.- Tưởng lặng.

 

1/- Sao gọi là NHỚ CHUYÊN ?

      Tức là trong tâm trí lúc nào cũng chuyên nghĩ nhớ đến đức Phật A-DI-ĐÀ và như vậy thì trí không bị chia chẻ ra nhiều lối, nhiều ngã, nhiều cách tu trì. Do đó mà được vào trong cảnh

CHÍ MỘT – TÂM ĐỒNG

 

      – Chí một :Đây là chỉ có một chí quyết kiên cố “duy nhất” mà thôi.

                    Ấy là :– Tha thiết cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc quốc

      Tâm đồng :

      Là Tâm giống y như Tâm của PHẬT (tức là tâm hoàn toàn lặng lẽ, làu-làu thanh tịnh, trống vắng như hư không vậy. Tuy trong hư không có tất cả, nhưng không hề nhiễm một vi trần). Thì tâm của người tu Tam Muội cũng thế (không hề bị nhiễm bất cứ một việc gì của Thế gian).

 

2/- Sao gọi là TƯỞNG LẶNG ?     

      Chính là các tư-tưởng phù-phiếm, chúng sanh chúng ta đều bị lặng chìm trong đó hết cả, như vậy thì được vào trong cảnh

KHÍ THANH – THẦN SÁNG

      Mà hễ :

–        KHÍ THANH :Thì phát sanh ra TRÍ HUỆ.

Trí nầy soi ngộ đến các đạo lý nhiệm mầu.

Còn :

–        THẦN SÁNG: Thì chiếu suốt hết các nơi tối tăm, không chỗ u-vi nào mà chẳng soi thấu đến cả.

      (Hai điều“Nhớ chuyên và Tưởng lặng” tự nhiên thầm hợp, nương về mà phát sanh ra diệu-

      dụng).

Lại nữa,

Các môn Tam muội, danh mục (tên và loại) có rất nhiều, nhưng công cao mà dễ tu thì :

                              NIỆM PHẬT LÀ THẮNG.

Tại sao thế ?

Vì :

                  Cùng nơi huyền tịch, mới hiệu NHƯ LAI,

                  Thể hợp với thần, mười phương ứng hiện.

 

(Chú giải :

Vì Như-Lai là một Đấng đã chứng đến mức cùng cực, cái lý “Huyền Tịch”(là huyền vi và tịch tỉnh).

–        THỂ(sự)

–        THẦN(lý)

      cùng hiệp với nhau, thế nên các sự biến hiện và ứng hóa, đã đi đến chỗ vô cùng, vô tận.

     

      Cho nên, người tu theo môn “Niệm Phật Tam Muội” nầy, nương nhờ vào nơi Phật-lực, bỗng nhiên “vọng giác” tiêu tan cả. Ngay ở nơi các cảnh “sở duyên” (tức là các cảnh được quán như ao sen, cây báu v.v…ở nơi các cõi Cực Lạc) mà lòng vẫn luôn thanh-tịnh, lặng lẽ, trong suốt như gương sáng vậy).

      Thế cho nên, người nói rằng :

                         – Tu vào “Tam muội” rồi.

      Thì :

–        TÂM phải lặng lẽ vong tri,

–        TRÍ sáng chiếu cảnh duyên.

–        GƯƠNG LÒNG bày muôn trượng.   

–        Chỗ TAI, MẮT không đến được mà vẫn thấy, vẫn nghe.

–        Nơi LINH TRÍ lặng sáng, thanh tịnh, nên hằng luôn thông suốt.

      Nếu chẳng phải là BẬC căn cơ linh mẫn, thì làm sao vào được trong cảnh diệu huyền của Phật ư ?

      (Bởi vì trong TÂM đã được lặng lẽ, trong sáng như gương sạch rồi, cho nên phát ra ánh sáng mầu nhiệm, linh thiêng, giao-chiến lẫn nhau, hiện bày ra muôn vàn hình tượng thắng diệu.

Đến chừng ấy thì :

–        Sự THẤY và sự NGHE đều đã được dung thông về một mối, chớ không còn bị hạn buộc trong

vòng “mắt chỉ thấy, tai chỉ nghe” nữa.

      Bấy giờ các linh thể đều cùng một màu (thể nhứt chơn), tự nhiên trong sáng, TÂM và TRÍ hợp nhau, cho nên các “tình, tưởng” sôi nổi trước kia, thảy đều tiêu tan hết cả.

Đây chính là chỗ tuyệt diệu của Tam Muội vậy).

 Người niệm Phật TAM MUỘI phải hiểu rõ ý của bài kệ sau đây :

                    Hôm nay :

Cùng chư hiền tu tập,

Đồng nương kết pháp duyên.

Rửa lòng nơi cõi Phật,

Những e còn kém duyên sen.

Chuyên ý niệm sớm hôm,

Cảm nổi tháng ngày chẳng lại.

                       Chí nguyện :

Ba thừa thông suốt,

Bước đạo tiến cao.

                        Lòng mong :

Dìu dắt người sau,

Lối tranh tẩy sạch.

Xin xem thiên bài mà thấu ý,

Đừng theo văn vịnh để vui tâm !          

 

      Các chư liên hữu tu-tập theo pháp môn TỊNH ĐỘ nầy nên chân thật gắng chí mà hành trì, NIỆM PHẬT làm sao cho được “nhất tâm, khế ngộ”. Phải nên tự thương xót cho mình, tấc bóng dễ tàn, nghiệp lực mênh mang, tâm người điên đảo, nếu không nhất dạ “giữ lập tâm ban đầu”   “giữ bổn phận”, e rằng khó mà đắc thành “Tam muội” !

 

      Trên phương diện hoằng truyền chánh Pháp, khi xưa những bậc Tổ Sư chứng đạo đều đạt được “Trí huệ” rất là sáng suốt, các Ngài có khả năng thấy thông cả 3 đời “quá khứ, hiện tại, vị lai”.

      Nhưng đáng buồn thay, ngày nay đa phần Phật tử đều quên bẵng những điều Phật muốn “Khai thị” cho chúng ta ngộ được cái “thấy” của Phật, để mà tu, để mà giải thoát ra khỏi 3 cõi, 6 đường.

      Ngày nay chúng ta đã quên những điều dạy đó, nếu có người hỏi :

–        Đạo Phật dạy “giáo lý” gì ?

      Thì chúng ta không hiểu, không biết trả lời…chỉ biết đến Chùa, Quy y Phật, có Pháp danh để được làm Phật tử thế thôi(vì Phật là bậc giác ngộ, bậc toàn giác, còn làm đệ tử của bậc giác ngộ, con cháu của Phật thì không giác ngộ chút nào cả ! Có đáng buồn không ?)

 

Vì Phật đã giác ngộ, giác hạnh viên mãn, nên Phật nhìn thấy, biết rõ “Nghiệp lực” của

chúng sanh hàng vô thỉ kiếp về trước, hàng ngàn kiếp về sau, biết rõ căn cơ của từng chúng sanh, siêu hoặc đọa của từng sát na. Cho nên đạo Phật truyền bá trong thời Phật còn tại thế rất dễ dàng, vả lại chúng sanh may mắn được sanh ra cùng thời với Phật, tâm tánh đa phần đều “thiện”, “phước đức” nhiều và có “Trí huệ”, nên đa phần đều  chứng được Thánh quả.

 

      Sau khi Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của Phật (đã chứng thánh quả) cũng biết được căn cơ, nghiệp lực của chúng sanh trong thời Mạt Pháp nầy, các Ngài đã tùy duyên, tùy theo căn tánh, tùy theo duyên nghiệp của từng người, đi đến đâu dạy đúng pháp, đúng căn cơ, nên Phật pháp rất hưng thịnh, người người đều được siêu sanh về cõi Tịnh Độ.

 

      Ngày nay, chúng ta vô phước sanh ra trong thời kỳ “Pháp mạt”, người tu tuy đông nhiều, nhưng ít có ai chứng đạo, không đủ người “chân Tu” để giáo hóa cho tất cả chúng sanh, để dạy cho Phật tử những điều hay, sâu thiết, sự giải thoát của đạo Phật, vì thế giới trẻ ngày nay (xuất gia lẫn tại gia) sẽ không hiểu được giáo lý vi diệu của Phật, không dễ dàng hiểu được lời Phật muốn dạy về pháp :

      – Thế gian vô thường

      – Tứ đại khổ không

      – Ngũ ấm vô ngã

      – Sanh diệt biến dị

      – Hư ngụy vô chủ

        v.v…

      Người già, kẻ dốt, nhất là giới trẻ em làm sao thấu triệt được thế nào là “Thế gian vô thường”, vô thường cách nào ? 

      Họ cũng có chút căn lành, tìm đến chùa, thì toàn là nghe, nói những chuyện gì đâu, trên trời, dưới đất, trên mây, nếu có tụng Kinh cũng không ai hiểu được lời trong Kinh dạy cả, vì không có Minh sư để giảng giải.

        Chùa ngày càng mọc lên như nấm, người đi chùa cũng ngày càng nhiều, đông không chỗ ngồi, phải sửa cho thật to, thật lớn thêm để “truyền bá đạo của Phật”cho bá tánh !

      Những người già, người dốt đến chùa lạy Phật, tụng Kinh…cũng không biết, không hiểu chút gì Phật muốn dạy trong Kinh cả ! Tuy được tiếng đi chùa cả đời, tụng Kinh trăm quyển, Niệm Phật hàng ngàn câu, nhưng vẫn không tiến được chút gì trên đường tu tập, “sân si, tham chấp, ganh hờn, vọng tưởng tràn đầy” thì làm gì được vãng sanh ư ?

“Truyền bá”mà người ta không hiểu cái PHÁP của Phật dạy, thì làm sao truyền bá !

Tu tập, mà không hiểu lời Phật, ý Tổ muốn dạy thì làm sao biết đúng hoặc sai mà sửa ?

 

      Trong thời nầy, người thật tu, thông hiểu giáo lý, có đại tâm hoằng truyền chánh pháp nhà Phật thì lại rất khó tìm, còn như nếu có thì chưa giác ngộ, nên đâu có biết căn cơ và trình độ của Phật tử đến đâu mà giảng, rốt cuộc chỉ giảng chung chung, nhân quả, làm lành, lánh dữ, giữ thân, khẩu, ý trong sạch để niệm Phật, cầu vãng sanh thế thôi. Chẳng giúp “giải ngộ” chi cả, chẳng đi tới đâu cả, quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi mãi…thế thôi.  

      Vì thế, phải cẩn thận khi tìm cầu Minh sư để học đạo, tìm chánh pháp để tu tập, xin đừng nghĩ rằng :- Chùa đông Phật tử là có chánh pháp đâu, không giống như nhà hàng mà đông khách là thức ăn ngon !

Kế đến,

      Cần phải biết : – Phật, Trời, thánh thần không bao giờ “ban phước”, hoặc “cứu họa” cho ai cả. Nếu Phật ban phước, cứu họa được cho người ta, thì Ngài đã không dạy lý Nhân quả. NHÂN chúng ta tạo, thì QUẢ chúng ta tự trả vậy. Nếu chúng ta tạo nhân lành, thì sẽ được hưởng quả lành, còn như tạo nhân ác, thì phải chịu quả ác kéo đến trùng trùng, điệp điệp không ngưng. Vậy QUẢ lành hay dữ là do chúng ta tạo, không ai có thể thay thế mình, hay đem đến cho mình cả, Phật cũng không đem ai lên đường thiện, cũng không đem ai xuống đường ác cả.

      Ai muốn tu cầu giải thoát, cầu về cõi Phật, thì phải làm đúng như lời Phật dạy, còn như không muốn thì Phật cũng không cấm cản, không ép buộc, không rầy rà, không phạt ai hết.

 

      Tất cả đều phải từ nơi TÂM xuất phát ra một cách chân thật, một cách tha thiết muốn cầu vãng sanh. Tự mình làm chủ thân mình, rèn luyện thân tâm cho thật trong sạch, buông bỏ tất cả sự tham cầu, tranh chấp, sân hận v.v…thì mới thắng được mình, đòi hỏi ở mình chứ không phải đòi hỏi ở người khác. Đấy mới là điều chân thật tu hành, mới hạp với tâm của Phật.

Vì nếu mình không làm chủ được mình, thì khi :

–        Mắt đối với sắc không vừa ý, liền khởi lòng bực bội.

–        Tai đối âm thanh (lời nói) không vừa ý, liền sinh lòng giận tức.

–        Mũi đối với mùi hương không vừa ý thì khởi Tâm phẫn nộ.

–        Lưỡi đối với vị không ngon ngọt, liền khởi tâm la mắng.

–        Thân đối với xúc không được như ý, thì liền phát điên lên.

 

      Trong thân tâm lúc nào cũng ôm ấp toàn là “sân, hận, tức, bực”, miệng lảm nhảm nói hoài lỗi với phải, đúng với sai của người khác, mà không hề nghĩ biết rằng :

      Con mắt của người đời thì chỉ thấy được phía trước và ở ngoài tâm, không hề thấy được bên trong tâm của mình, cho nên lúc nào cũng :

–        Thấy lỗi của người mà không thấy lỗi của mình.

–        Thấy người dở, mà không thấy mình dở.

–        Thấy người sai, mà không thấy mình sai.

–        Thấy người dơ, mà không thấy mình dơ.

–        Thấy người sân hận, mà không thấy chính mình cũng sân hận.

–        Thấy người ích kỹ, ganh tỵ, mà không thấy chính mình cũng ích kỷ, ganh tỵ.

–        Thấy người cố chấp, mà không thấy chính mình cũng cố chấp còn hơn người nữa.

Hễ thấy người khác có đủ thứ lỗi, thì chính ngay mình cũng có đủ thứ lỗi.

Người xưa thường nó :

            Lấy bụng ta mà suy bụng người.

            (Trong bụng ta có những thứ gì, thì cứ tưởng bụng của người cũng y như vậy)

 

Có vị Tổ sư xưa nói rằng :

–        Khi ta mới vào đạo tu được 10 năm đầu, ta thấy ai ai cũng có lỗi, còn ta thì không có lỗi gì hết. Cho nên ta thường hay chỉ lỗi người nầy, nói lỗi người kia, dạy người nọ sửa lỗi, chỉ dẫn người kia sửa sai v.v…

–        Khi ta tu được 20 năm, ta thấy người có lỗi, mà chính ta cũng có lỗi.

–        Khi ta tu được hơn 30 năm, ta thấy người không có lỗi, mà chính ta có tất cả lỗi !

 Phải biết rằng :

      Nếu giữ trong tâm mãi những sân hận, buồn giận…không chịu phát tâm hỷ xả, thì Nó sẽ tích lũy trong tìm thức (thứ 6). Nếu mình thù hận ai, oán ai thì cái tích lũy đó nó càng sâu đậm trong tâm thức, càng nhắc đi nhắc lại những hận thù đó, và giữ mãi không buông bỏ, thì tới chừng mình chết mà vẫn không hỷ xả và tha thứ được (những hận thù xưa), thì đời sau sẽ gặp lại đánh nhau, sân hận tiếp nữa.

      Con người thật là mâu thuẫn, nói sợ đời sau khổ nên muốn cầu về Tây cảnh, mà cứ ôm ấp “hận thù”, lại còn “dấu kín” tận đáy lòng, bảo thủ một cách chặt chẽ, như sống để dạ, chết mang theo, không chịu xả bỏ, không chịu tha thứ, và không chịu quên, thì tu làm gì ???

      Đối với người biết đạo, học và hiểu rõ lời Phật dạy, phải có tâm TỪ, BI, HỶ, XẢ làm “đầu tàu” dẫn đường.

      Đối với những gì làm cho ta bất mãn, tức bực, sân giận, hận thù, thì không nên giữ mãi, cần phải xả liền, cho tâm trí nhẹ nhàng.

      Mạng người sống đâu có bao lâu ? Ôm ấp làm gì những thứ xấu đó, càng ôm chặt trong lòng thì đời sau càng phải trả nữa, kiếp kiếp chồng chất những hận thù, thì cái tâm sân hận sẽ khó mà diệt ở những kiếp hậu lai.

Có người thường nói rằng :

      – Tôi hận người đó suốt 3, 4 chục năm rồi mà vẫn không quên, sẽ không bao giờ tha thứ !

 

      Nói thật là hay, nhớ dai quá chừng, ôm ấp trong lòng mãi không muốn buông bỏ, nhắc đi nhắc lại chuyện cũ xa xưa, lải nhải ngày nầy qua ngày khác, tháng nầy qua năm khác vẫn không ngưng. Có nhiều người còn dám thề là không đội trời chung, nếu họ xuống địa ngục, thì mình cũng không được siêu thoát lên cõi Trời.

 

      Người Tu là phải cầu giải thoát, tự do ra khỏi ngũ căn, không còn trói buộc một thứ gì ở 5 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) nữa.

      Kế đến, là thức thứ 6(ý căn), dính với “Pháp trần” (nó vi tế hơn), nên khó mà thấy được. Chỉ khi nào ngồi yên tỉnh chú tâm Niệm Phật hoặc Trì Chú, 5 căn không còn tiếp xúc với 5 trần, lúc đó những gì chất chứa trong tiềm thức mới trồi lên…trồi lên…

     Cho nên, nhiều người thắc mắc là tại sao mỗi lần tu là những “vọng niệm” cứ tuôn ra hoài, không kềm chế được, không dẹp nó được, không rầy la nó được là như vậy.

Vì thế, muốn Niệm Phật, Trì chú được có kết quả tốt, trước tiên phải :

–        Loại bỏ những gì dở, những gì xấu ác đã tích tụ trong tâm.

–        Xả bỏ những hận thù đã tích lũy suốt cả đời mình.

–        Khởi lòng Hoan hỷ với người.

–        Tập tu hạnh Bồ-tát(để được cái tâm bác ái, thương người bình đẳng)

–        Tập nhìn người bằng ánh mắt “từ bi” hơn (thay vì nhìn người để tìm kiếm lỗi người, bới lông tìm vết, bới lá tìm sâu).

–        Thường xuyên tìm lỗi mình, để sửa…

      Nếu tìm được nó, bỏ được nó, dẹp được nó(sân hận, oán thù), là mình thắng nó(đã làm cho mình khổ đau), mà khi xả được nó rồi, vui vẻ với nó rồi, và phát khởi được lòng BI với nó,thì mới thật là tự do và giải thoát(hiện đời).

      –     Thường xuyên kiểm lại Tâm mình xử sự với tất cả mọi người bằng tâm “từ bi bình đẳng” chưa, hay chỉ là những cái tâm chấp trước ?

 

        Đa số chúng ta ngày nay phát tâm tu hồi hướng “nguyện độ chúng sanh(nghĩa là cứu giúp những người đau khổ, hoạn nạn v.v…). Vậy khi gặp những người giàu, những người quyền tước chúng ta có nguyện giúp họ không ? Nếu chưa nguyện giúp thì chưa phải từ-bi của đạo Phật vì chưa bình đẳng.

      Đạo Phật chủ trương “Từ Bi” bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, kỳ thị màu da, chủng tộc…tùy duyên, tùy sức mà dùng mọi phương tiện để cứu độ.

      Những người đã làm cho Ta sân hận, đài đọa, chửi mắng và đánh đập làm cho ta đau đớn, khổ sở suốt cả một đời người, thì phải nghĩ rằng :

–        Trong những kiếp lâu xa về trước, ta cũng đã đánh đập, đài đọa, tra tấn, giết hại người cho tới chết, cho nên kiếp nầy gặp lại, hội đủ nghiệp duyên thì phải lãnh cái QUẢ BÁO y như vậy thôi. Hễ gieo nhân gì, thì lãnh quả nấy. Tất cả đều có nghiệp quả hết.

                   

      Người biết đạo, có học Phật pháp, có chút trí huệ biết được cái lý NHÂN QUẢ rồi, thì phải khởi tâm “tùy hỷ” mà xả bỏ, tha thứ, sám hối với người, cho đến khi nào trong tâm của người đó  “hoan hỷ” và chịu tha thứ, thì những nghiệp quả đó tiêu tan tức khắc.

                              Lấy đức báo oán, thì oán tiêu tan,

                              Lấy oán báo oán, thì oán chất chồng.

Ngày nay,

      Chúng sanh quen sống ỷ lại, giải đãi, chỉ muốn đi tìm sự dễ dãi mà thôi, tu theo Phật đạo khó quá, công phu nhiều quá, tu hoài mà không thấy có kết quả chi hết, nên bỏ đạo Phật chạy theo cái lạ, tu tập theo cái dị kỳ mà đang bành trướng hiện nay. Người người đều chạy theo phát tâm tu luyện, nhưng càng tu nhiều bao nhiêu lại càng xa với Phật, xa với chánh pháp, lạc vào 3 ác đạo lúc nào mà không hay biết, thật đáng tiếc !

Thấy vậy,

      Ngài VÔ NHẤT Đại Sư khi còn tại thế,  mới phổ cập thêm pháp tu MẬT TÔNG để cứu giúp cho những người con Phật tùy theo căn lành, tùy duyên tu tập hầu có “trí huệ” để phân biệt chánh tà, mới nhận chân được lẽ thật, mới biết dung hợp đạo với đời.

      – Người Trì Chú tay bắt ấn, ngồi kiết già giữ “Thân nghiệp” sạch.

      – Miệng Trì Chú tức là giữ “Khẩu nghiệp” sạch(không nói những lời ác)

      – Ý duyên theo tiếng Chú, Tâm nhập vào tiếng chú(tức là không cho nghĩ đến một điều gì cả) là giữ được “Ý nghiệp” sạch.

      Cả 3 nghiệp của Thân, Khẩu, Ý nhập vào câu Thần Chú đều “thâm mật” (nghĩa là không còn một cái gì dính trong tâm, không còn nghĩ, nhớ một việc gì khác như thương, ghét, đúng sai,

tham giành, sân hận, oán thù, giận tức, ngu si, nhất là những cái “CHẤP” như là :

–        CHẤP NHÂN(Người) :

      (Nghèo hèn, ngu dốt, làm trật, làm sai, người lỗi, người dở, chấp phải, chấp quấy, chấp sang, chấp

      hèn, chấp sạch, chấp dơ v.v…một cách nặng nề và kiên cố).  

–        CHẤP NGÃ(Ta):

(Ta giàu, ta sang, ta có bằng cấp nhiều, bằng cấp cao, ta ở sạch, ta không thích gần người ngu dốt, dơ bẩn, nghèo hèn…ta thích tìm kiếm lỗi người để chỉ dạy cho họ ”hết lỗi” mà trở thành “hoàn hảo” ! v.v…)

      Tất cả những cái chấp Người, chấp Ta ở trên cũng từ từ phá bể không còn nữa. Tâm tánh dần dần sẽ được “sạch trong”, “bình đẳng”, Tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả” cũng sẽ phát khởi.

      Thân tâm trong sạch rồi, chừng ấy ánh hào quang từ nơi “Tâm”(trong sáng đó) sẽ phát ra “thần lực” sáng ngời, cực mạnh đẩy “Thần thức” của mình ra khỏi 3 cõi, 6 đường mà thẳng tiến về đất Phật.

      Khi được :

                               TAM MẬT TƯƠNG ƯNG rồi.

      Thì :

                               TỨC THÂN THÀNH PHẬT.

      Đó là sự mầu nhiệm của câu Thần Chú của nhà Phật vậy, có công năng “chuyển tâm, rửa tánh, phá chấp, giải nghiệp, trừ nạn” không thể nghĩ bàn.

 

      Tự mình kiểm lại xem, bản tánh của chúng ta thường tránh nặng, tìm nhẹ, tránh khó, tìm dễ, tránh trách nhiệm, tránh phiền, lười biếng, ích kỷ, ganh tỵ, đố kỵ, hiếu kỳ và không sợ hậu quả  v.v….

      Tất cả những cái “TÂM” cái “TÁNH” mà Thần Thánh, Trời, Phật chê, chúng sanh chúng ta đều mắc phải.

      Vì thế, một thân, một mình tự “ngộ”, tự “chứng đạo” và tự “lực” về cõi “Phật” rất khó mà thành-tựu được.

      Phải biết rằng :

      Tất cả người, vật (4 loài chúng sanh) đang sống trên cõi đời nầy, không thể nào “TỰ” cả ! Mà phải “nương nhờ” mới sống được.

      Tu hành cũng thế, chúng ta phải nương nhờ vào “Phật lực” thì mới thành tựu đạo quả được, mới ra khỏi được sanh tử, luân hồi.

      Cho nên, chúng ta “muốn” về cõi Phật A-DI-ĐÀ, thì phải thi hành đúng “luật” của Phật dạy, Ngài không bức ép ai cả, ai muốn về cõi nào thì tùy ý chọn.

                  VẠN PHÁP DUY TÂM,

      Và :

                  SIÊU ĐỌA DUY THỨC.

 

      Tất cả PHÁP (sanh, diệt) trên thế gian nầy, đều là từ nơi TÂM (sạch, dơ) của chúng ta mà tạo ra cả.

      Được SIÊU về cõi lành, cõi Phật…hoặc bị SA ĐỌA vào trong 3 cõi ác, 6 nẻo luân hồi, tất cả

đều do cái Ý THỨC của mình (muốn làm gì, muốn đi đâu, muốn trở thành loài nào, muốn về cõi nào!) Tất cả đều do cái “MUỐN” (của chúng sanh) mà thành tựu cả. 

 

      Vì thế, Phật Trời, Thần Thánh không thể nào làm trái cái MUỐN của chúng sanh (tìm ẩn trong tiềm thức) được. Phật, Bồ Tát cũng không thể chìu theo cái TIẾNG CẦU NGUYỆN (xin) để mà ban cho mọi sở cầu được, vì tiếng cầu xin là :

–        Con nguyện được vãng sanh Cực Lạc, cõi nầy khổ nạn nhiều quá, con sợ quá rồi, con niệm Phật để được về cõi Phật, xin Phật gia hộ cho con được sở cầu như ý nguyện v.v…

Nhưng trong thâm tâm thì :

–        Cái gì cũng “muốn” giữ (thương ghét, thị phi, nhân, ngã, phải quấy, đúng sai, sân hận, giận tức, si mê, cao thấp, sang hèn, hay dở, oán thù, khổ đau v.v…) đều không muốn buông bỏ.

–        Lại “muốn” ôm hết (nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, châu báu, vợ, chồng, con cháu .vv…)

            “Nghiệp lực” của chúng sanh nặng hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu cân, nặng như núi, lòng thâm độc sâu như biển, thì làm sao cứu, lại tự thân, tự tâm cũng không có một chút xíu sức lực“chánh” nào cả thì làm sao Phật kéo lên cho được !

      Muốn được Phật tiếp dẫn về Tây Phương Cực-Lạc, bắt buộc TÂM của MÌNH phải tương ứng với tâm của PHẬT, mới cảm ứng đạo giao được. Cũng giống như bắt đài từ Radio vậy, đâu cần phải bắt dây từ nhà chạy dài đến đài phát thanh !

      Hễ máy radio tốt, có đầy đủ “lực” của pin hoặc điện…làm cho máy chạy, sẽ bắt được làn sóng từ khắp nơi. Muốn về cõi Phật cũng y như thế.

 

HỎI : 

–        Tại sao lại kỳ quái như vậy ?

ĐÁP:

      Bởi vì,

      – Chúng ta tu theo đạo Phật, muốn tới chỗ cứu cánh chân thật, muốn ở đất Phật, muốn cùng với chư đại Bồ-Tát, chư Phật đi cứu độ chúng sanh…

      Thì :

–        Phải dẹp bỏ hết mọi phi lý, mọi nghĩ tưởng (đúng sai, lỗi phải, hận thù .vv…)

Hễ :

–        Còn ôm giữ không xả bỏ, còn nghĩ, còn tưởng (thế nầy, thế kia, đúng phải cùng sai, nghĩ xấu cho người vv…) thì chưa giải thoát(được cái tâm CHẤP phàm phu trói buộc của chúng sanh).

–        Cái Tâm chưa “Bình đẳng” thì chưa về cõi Phật được.  

 

Tổ sư dạy rằng :

                        “TU là phải quyết tâm tìm cho ra cái “chân thật”.

Vậy,

                  Ngay như mình đây, mình đã có cái chân thật không ?

1/- Thânnầy là thân hôi nhơ, bại hoại, bệnh tật, ốm đau…

2/- Tâmluôn nghĩ hay, dở, đúng sai, phải quấy, tốt xấu, buồn tức, sân hận, oán thù, thương ghét v.v…tất cả đều là tạm bợ, có đó rồi mất đó, vui đó rồi buồn đó, sân đi, rồi hận đến, sinh,

diệt không dừng, là chỗ chứa cái mầm dẫn dắt mình đi luân hồi.

Nếu còn giữ 2 cái “Thân bại hoại”“Tâm sanh diệt” – cho là mình, thì đó là “Si, Mê”

 không biết lối đi, không biết lối về, đó là cái “khổ” vô cùng tận.

      – Nói cái “Thân” nầy nhơ nhớp, vô thường, tạm bợ, nếu chịu khó suy gẫm có thể thấy biết   được.

– Còn nói “Tâm” không phải thật là tâm của mình, quý vị có chịu không ?

      Thí dụ, có khi nào quý vị khởi lòng tức giận, buồn phiền ai thì nói sao ?

–        Ai buồn ?

–        “Tôi” buồn, tôi giận, tôi tức, tôi hận v.v…!

      Như vậy cái buồn, cái tức, cái giận, cái hận đều là TÔI, cái thương là TÔI, cái ghét cũng là TÔI, đủ thứ là TÔI…kiểm lại cả trăm ngàn cái TÔI như vậy, thì cái nào là cái TÔI THẬT ?

 

Đó là để cho thấy : – Chúng ta đang lầm lẫn một cách kiên cố.

Cái không thật, mà cứ bám vào đó cho là mình, rồi cứ ôm nó hoài hoài, không chịu buông.

Ôm giữ cái :

–        Chấp Thân (giả tạm).

–        Chấp Tâm (sanh, diệt).

–        Chấp Khẩu (ác) (có khi chúng đồng từ, sư ông cũng chết)

–     Chấp Ý (thiện, ác)

      Đã đưa chúng sanh chúng ta trôi lăn trong luân hồi muôn kiếp, ngàn đời, khó mà thoát ly.

 

      Trong Kinh Pháp-Hoa, Phật có dạy rằng :

      “Chúng sanh có sẵn hòn ngọc quý mà luôn bị bỏ quên ! Nhận cục đá sỏi mà cứ tưởng là ngọc quý” !

      Cái Thân nầy bại hoại, cái Tâm nầy lăng xăng, sanh diệt không dừng, không phải là hòn ngọc quý. Thì :

–        Cái gì là hòn ngọc quý ??

      Phật có dạy :

–        Thấy biết chân thật thì gọi là “chân tâm”.

–        Thấy biết sinh diệt thì gọi là “vọng tâm”.

 

      Nói một cách đơn giản, nhưng quý vị phải yên tỉnh, lắng lòng để mà thấy, biết. Chúng ta cứ quen bám vào cái vọng tâm mà bảo là “Tâm của mình” mà quên đi cái chân tâm.

      Chúng ta quen chạy theo tiếng kêu, tiếng gọi, tiếng khen, tiếng chê, tiếng nịnh hót v.v…

      Chúng ta quen theo cái nghĩ phải, nghĩ quấy, nghĩ sai, nghĩ đúng, nghĩ hơn, nghĩ thua…là mình luôn nuôi dưỡng nó, chạy theo nó mà bỏ quên cái kia để nó phải khuất lấp.

      Nay chỉ cần tập buông bỏ hết những niệm nầy trong đầu, nếu như có nghe tiếng chim kêu, mình nhận biết tiếng chim kêu, có tiếng gió thổi, mình nhận biết có tiếng gió thổi, nếu có người đi qua, mình nhận biết có người đi qua, có tiếng khen, tiếng chê…mình nhận biết hết tất cả, nhưng bất động.  Tâm trước sau vẫn “bình”, vẫn yên “lặng”. Đó là hòn ngọc quý có sẵn trong mình mà không biết dùng, cứ chạy theo cái giả dối và hài lòng với nó.

      Thân nầy là của Ta, nên cứ thương, quý cái thân “giả tạm”, cho nó ăn ngon, mặc đẹp, không biết rằng tất cả những cái đó mình chỉ giữ được một thời gian, cuối cùng cũng phải rã rời, tàn hoại. Giữ một cái rã rời, mất cái nầy lại đi tìm cái khác giữ nữa, giữ hoài như vậy…người “TRÍ” nhìn vào có thương giùm mình không ?

      – Sao mà tội nghiệp quá ! Mất cái nầy đã là khổ rồi, lại đi tìm cái khổ kế, mất cái khổ kế lại đi tìm cái khổ kế nữa ! Đó là cái “si mê” và cái “chấp” nhất không biết lối đi.

      Nhìn lại chúng ta, kiếm được bao nhiêu người không “si mê”, không “chấp nhất” ?

 

      Như vậy, cả thế gian đều là người đáng thương, không có ghét, không có thù, không có oán, không có giận, dù họ có nói bậy nói bạ, nói trật, nói sai gì cũng thương, bởi lẽ họ đều si mê, chấp nhất.

      Cho nên phải khởi tâm TỪ BI.

      Nếu biết họ si mê, chấp nhất thì mình đỡ hơn một chút, còn nếu họ ăn nói bậy bạ mà mình cứ theo mà cãi lộn, sân tức lên…thì mình cũng si mê, chấp nhất như họ luôn, tất cả là một đám si mê, chấp nhất mà chẳng ai hơn ai !

      Nếu là người biết đạo, biết tu sửa, biết nhận lỗi…thì ta phải là kẻ tỉnh táo trong những người mê, bất động trước người sân hận, an nhiên giữa tiếng thị phi, xả bỏ những lời chấp nhất, là những người biết hướng về cái “chân thật” của chính mình, đạt được cái tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), và bình đẳng.

      Được như vậy, mới thật là người thâm nhập Kinh tạng, hiểu thấu lời Phật, ý Tổ  muốn dạy, mới thật là TU, mới thật là giải thoát (ra khỏi 3 cõi, 6 đường) vậy.

 

      Người Niệm Phật cầu vãng sanh :

–        Bước đầu tiên vào đạo, phải dẹp bỏ cái tâm xấu, ác, cố chấp, sân hận.

Thì 3 đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) sẽ không có lối xuống.

–        Nếu không nghĩ ác, mà chỉ nghĩ lành, nghĩ tốt cho người.

Thì 3 đường thiện (Người, A-Tu-La, Trời) sẽ mở cửa đón vào.

Cả hai cõi :

                  “Thiện, Ác” cũng còn nằm trong “luân hồi, sanh tử”.

      Vì được lên cõi Trời hưởng phước dài lâu cũng có ngày xài hết phước, phải tuột xuống cõi trần gian, thì chưa gọi là giải thoát !

      Chỉ khi nào trong “Tiềm thức” của ta (trước giờ lâm chung) không còn khởi một niệm nào cả, dù là niệm thiện cũng dừng hẵn, đều trống lặng hết, lúc đó mới hiển bày cái chân tánh thật của mình, gọi một tên khác đó là “Phật tánh”. Phật tánh của mình sẽ đồng với Phật tánh của Phật, thì mới được vãng sanh.

Cho nên trong kinh DI DÀ có dạy :

–        “Trước khi lâm chung, mà niệm PHẬT được từ 1 niệm cho tới 10 niệm, nếu được NHẤT TÂM BẤT LOẠN thì sẽ được vãng sanh”.

 

Người niệm Phật :

Niệm được nhất tâm, thì thấy Phật A-DI-ĐÀ là hòn ngọc quý vì Phật Di-Đà là tự tánh Di-

Đà, quy tâm Tịnh Độ (tức là cái tự tánh sẳn có của mình, tự tánh đó bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm), và hằng luôn sáng suốt, mà Phật Di-Đà là Vô Lượng Thọ, là Vô Lượng Quang (tức là sống lâu vô lượng, sáng suốt vô lượng).

 

Người niệm Phật :

      Niệm đến mức nhất tâm bất loạn (nghĩa là bất động trước mọi hoàn cảnh, tĩnh lặng với mọi duyên đời, con cháu, quyến thuộc đứng trước mặt khóc lóc…mà lòng vẫn bình thản, bất động)

Thì xin hỏi :

–        Phật DI-ĐÀ hiện hay “Phật tánh” của mình hiện tiền ?

Lúc đó mới chính là hòn ngọc “thật” của mình lộ bày. Thì vãng sanh Cực lạc đâu có chi là khó. Linh sơn chẳng ở đâu xa, Linh sơn ở tại lòng ta.

      Phải biết :

            Chúng sanh chúng ta ai cũng có Phật tánh, không riêng người nào.

      Bởi Phật đã từng dạy rằng :

                        “Ta là PHẬT đã thành,

                          Các ngươi là PHẬT sẽ thành !”

 

      Duy chỉ khác nhau ở chỗ người quên, kẻ nhớ mà thôi (tức là mình quên bỏ ông Phật ngoài đường, ngoài biển rộng, hay bỏ trên núi cao v.v…) hoặc là ông Phật đã ngủ quên trong tiềm thức của ta cả ngàn kiếp qua rồi.

Tóm lại,

Người Niệm Phật :

– Muốn đạt được nhất tâm, Phật tánh hiển bày, giải thoát sanh tử thì :

1/- Phải tập dừng hết các niệm lăng xăng trong cuộc sống.

2/- Phải tập xả bỏ những hận thù đã làm ta đau khổ suốt một đời người.

3/- Phải khởi lòng từ bi bình đẳng mà thương cho những kẻ còn si mê, ngu muội.

4/- Phải tập bất động trước tất cả những vọng tưởng, để cho cái bản lai diện mục hiện tiền, tất cả cũng là một mà thôi, không có hai, không có khác, không có sạch, không có dơ, không thiếu, không đủ v.v…Hoàn toàn trống lặng như hư không, tịch tĩnh.

Nhìn lại,

      Chúng sanh chúng ta đang sống trên cõi đời nầy đều bám vào cái Thân, cái Tâm “giả tạm” cho là mình, của mình, rồi cứ thế mà điên đảo, sai lầm, khó mà được vãng sanh.

 

HỎI:

      Có Thầy dạy rằng :

–        Vì ta có sẵn “Phật tánh” nên đã là Phật rồi, khỏi cần phải tu tập chi cả !

ĐÁP :

–        Hoàn toàn sai lầm. Như vừa nói ở trên, tuy rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn Phật tánh, nhưng vì bị vô-minh, phiền não kết thành ra vô lượng tầng lớp điên đảo, hoặc nghiệp lực ngăn che, khiến cho không thể nào thấy Phật tánh được.

      Người niệm Phật,

      Cần phải siêng năng tu tập theo chánh pháp để dứt trừ Vô minh, phiền não trước, rồi sau đó mới thành Phật được. Chớ không phải là chẳng lo chuyên cần tu tập, và vô minh cùng phiền não, sân hận vẫn còn nguyên vẹn, mà tự nhiên thành Phật được đâu !

      Người niệm Phật,

      Cần phải học pháp (của Phật), để có trí huệ mới phân biệt được đâu là lời dạy đúng chánh pháp, đâu là lời dạy tà pháp. Chứ không phải gặp Thầy nào có danh, có tiếng tăm, sang giàu, quyền thế có chùa to, Phật lớn, đông nhiều Phật tử…dạy cái gì cũng cúi đầu nghe một cách ngu muội. Tu thành Phật đâu không thấy, chỉ thấy ngày càng xa với chánh pháp, sân hận lẫy lừng, tham danh đoạt lợi, khinh chê bậc chân tu, phỉ báng pháp của Phật dạy, tình trạng nầy hiện nay nhiều vô kể số !

Ắt đời sau sẽ bị đọa vào trong 3 ác đạo, thọ lãnh đủ các thứ khổ báo.

Mãn tội nơi 3 ác đạo rồi, chuyển sanh ra làm những kẻ ngu si, tà ác, sống nơi các miền “biên

địa, hạ tiện”, suốt đời không gặp được minh sư, thiện hữu, không biết, không nghe, không hề thấy được Phật pháp chi cả.

      Đương nhiên là kẻ đó sau khi mãn kiếp sống ấy rồi, sẽ lại tiếp tục bị đọa thêm vào trong 3 ác đạo nữa…triền miên như vậy, biết bao giờ mới hết.

Trong Kinh luận có dạy rằng :

                              Y Kinh diễn nghĩa tam thế PHẬT oan,

                              Ly Kinh nhứt tự tức đồng MA thuyết.

Người niệm Phật,

Phải cẩn thận cho những lời nói của mình, nhất là lời phỉ báng chánh pháp của Phật.

Trong Kinh Niết Bàn Phật có dạy :

                        Ngôn từ là cảnh giới của chúng sanh,

                        Nghĩa lý là cảnh giới của chư Phật.

Người niệm Phật :

      Đừng để mắc kẹt vào cái Thân (giả tạm), cái Tâm (sanh diệt) đó thì liền giải thoát khỏi sanh tử.

Người niệm Phật :

Niệm đến nhất tâm, bất loạn rồi, thì cái niệm nào cũng không có cái TA và cái của TA.

Cho nên:

                              Bản lai chẳng có TA,

                                   TA có lại CHẤP Ta.

                                   Mỗi TA cần tự ngộ,

                                   Ngộ rồi chẳng có TA !

 

Như thế mới đạt được cái TÂM CHÂN THẬT đồng với cái TÂM của PHẬT, mới được nói :

                                          – TÔI CÓ PHẬT TÁNH

      Đó mới thật là người đạt được NIỆM PHẬT TAM MUỘI rồi vậy.

                Trân trọng,

                Btg. Bảo-Đăng

Chia sẻ:

Bình luận