Phật tử Diệu Âm ở VA, sau khi đọc lá Thư Học Phật số #85 kỳ rồi, xin HỎI tiếp rằng :
– Thế nào là PHÁT BỒ ĐỀ TÂM ?
– Tại sao phải PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ ?
ĐÁP :
Cửa yếu vào đạo,
Phát tâm làm đầu.
Việc gấp tu hành,
Lập nguyện ở trước.
Nếu nguyện lập tất :– Chúng sanh có thể độ,
Mà tâm phát thì :– Phật đạo mới kham thành.
Người Phật tử tu hành mà không phát tâm rộng lớn, lập nguyện vững bền, tu Bồ Tát hạnh, thì trải qua kiếp số như vi trần, vẫn còn nằm trong vòng sanh tử, luân hồi !
Dù cho có tu hành siêng năng, khổ hạnh suốt cả đời, cũng chỉ luống công khó nhọc mà thôi !
Trong kinh Hoa Nghiêm dạy :
– “Nếu quên mất tâm Bồ-đề mà tu các pháp lành, thì đó là nghiệp ma”.
Tại sao ?
Bởi vì nếu có người tu các “Pháp lành” (là làm tất cả việc thiện, giúp người nghèo khó, hoạn nạn, bố thí tiền của.vv….) mà quên phát tâm bồ đề, không tu Bồ Tát hạnh.
Thì :
– Các việc tu thiện đó sẽ cảm thành ra
phước báo ở những kiếp sau, chứ không được giải thoát.
– Ở kiếp sau, kẻ ấy vui hưởng phước báu, giàu sang, quên mất căn lành đã vun bồi trong
kiếp trước, kiếp nầy không có trí huệ, không có chánh kiến, nên phóng tâm, tạo nghiệp, do đó mà bị rơi vào vòng “ham mê ngũ dục” (tài, sắc, danh, thực, thùy), và rồi dần dần sẽ bị chìm ngập
vào trong vòng lưới của ma, tà đạo, nhiều khi còn phỉ báng pháp đại thừa, khi Sư, diệt Tổ.
– Qua đến kiếp thứ ba, bị đọa vào trong tam đồ, ác đạo (do quả báo của các tội nghiệp đã tạo ra nơi kiếp thứ hai).
Cho nên Tổ sư dạy rằng :
-“Pháp lành của kiếp tu thứ nhất,
Là :
– Kẻ thù của kiếp thứ ba”.
Sở dĩ có các việc như vậy là bởi vì :
Tu pháp lành mà không “phát tâm Bồ Đề” !
VÔ NHẤT Đại sư thường dạy rằng :
“Người tu Tịnh Độ nếu chỉ cầu giải thoát cho riêng mình, mà không phát đại tâm “Vô Thượng Bồ Đề” cầu thành Phật quả để lợi mình, lợi người, thì không hợp được với bản hoài của Phật”.
Bởi bản hoài (sự mong muốn) của Phật là muốn cho tất cả chúng sanh đều thoát khỏi vòng sanh tử, luân hồi, được thành Phật và giác ngộ cũng như Ngài vậy, vì thế mà người Trì chú, Niệm Phật rất cần phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, nhưng sự phát tâm Bồ Đề ở đây, không phải là chỉ nói suông là :
– Tôi nguyện phát Bồ Đề tâm.
Hoặc đọc tụng bốn câu kệ “Tứ Hoằng thệ nguyện” :
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Và :
Hồi hướng công đức TU đến cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
là đã xong rồi việc “phát tâm” cứu độ chúng sanh ! mà phải quán sát chân chánh để phát tâm một cách thiết thật và “hành động” (của Tâm, của thân, của khẩu và của ý) đúng theo tâm nguyện ấy trong suốt cả cuộc đời tu tập của mình.
Muốn cho tâm Bồ-Đề được phát sanh một cách thiết thực, người Phật tử phải nên suy tư và quán xét sáu yếu điểm sau đây để phát tâm :
Đó là :
1/- GIÁC NGỘ TÂM :
Sao gọi là Giác ngộ tâm ?
Chính là phải giác ngộ rằng :
– THÂN nầy chẳng phải là TA (ngã) và CỦA TA (ngã sở), mà nó chỉ là một sự tổng hợp giả tạm của tứ đại (đất, nước, gió, lửa), tạm thời trụ trên thế gian, ngắn hoặc dài khoảng 100 năm mà thôi.
– TÂM THỨC PHÂN BIỆT nầy cũng thế, nó chỉ là sự Tổng hợp của 6 trần là :
– Sắc, thanh, hương, vị, súc, pháp.
Hễ cái thân của tứ đại còn, thì tâm thức phân biệt còn, mà thân tứ đại diệt rồi, thì 6 trần nầy
đồng thời cũng diệt luôn.
Do vậy, nên Nó cũng chẳng phải là TA và CỦA TA nữa.
Vì hiểu được như vậy, cho nên hành giả tu tập từ từ sẽ dứt được 2 thứ trói buộc của NGÃ và NGÃ SỞ.
Hễ mà, NGÃ và NGÃ SỞ đã không rồi, tức nhiên sẽ dứt trừ được cái NGÃ TƯỚNG(tướng chấp TA) ngay. Hễ không có tướng Chấp Ta, thì sẽ không có sự sân hận, giận tức, buồn vui, sướng khổ, hoặc chấp đúng, sai, chấp phải, quấy, chấp sang, hèn.v.v…chi hết.
Hễ còn tâm thương ghét, phân biệt, hơn thua là mắc vào cái chấp, chấp có cái Ta, cũng là chấp Ngã. Vì chấp ngã nên xem trọng cái Ta, cho nên sanh ra tham, sân, si, kiêu mạn….
Trong kinh Bát Nhã dạy chúng ta hảy thường quán chiếu ngũ uẩn giai không, thân, tâm là vô thường, là giả tạm, không chủ, không ngã (tức là vô ngã).
Nếu :
– NGÃ TƯỚNG đã KHÔNG rồi,
Thì cái :
– NHÂN TƯỚNG (là sự chấp có ở nơi người khác) cũng không luôn.
Mà nếu :
– NHÂN TƯỚNG đã không rồi.
Thì đương nhiên :
– CHÚNG SANH TƯỚNG (là sự chấp Có ở nơi tất cả các chúng sanh khác) cũng
không còn.
Nếu như :
– Cái NGÃ (ta) đã không.
– Cái NHÂN (người khác) đã không.
– Cái CHÚNG SANH (tất cả sanh loại khác) đã không.
Thì :
– Sẽ không có ai chứng đắc cả.
Cho nên cũng :
– Không có THỌ GIẢ TƯỚNG luôn.
Vì 4 tướng chúng sanh nầy đã không còn rồi, nên hành nhân liền được giác ngộ, , thì “bệnh cố chấp” sẽ giảm dần, cho đến khi tâm lắng xuống, không còn trụ nơi 4 tướng nữa, cho nên được gọi là tu :
– GIÁC NGỘ TÂM vậy.
2/- BÌNH ĐẲNG TÂM :
Sao gọi là Bình Đẳng Tâm ?
– Là Tâm ngang bằng như nhau, không phân biệt cao thấp, sang hèn, thân, sơ.
Kế đến đức Phật dạy rõ thêm rằng :
– “Tất cả chúng sanh đều cùng có chung một Phật tánh, là cha mẹ lẫn nhau trong đời quá
khứ, và cũng sẽ là chư Phật ở thuở vị lai”.
Cho nên,
– Đối với các chúng sanh khác, ta phải sanh tâm bình đẳng và tôn trọng nhau, xem họ như người thân, xem đó như là chư Phật tương lai.
– Rồi kế đến sanh tâm bình đẳng xem những người mình ghét, những kẻ thù, cho chí đến những người đã làm mình đau khổ, sân hận mà chính họ đã từng thọ ơn của mình.
Như vậy ắt sẽ :
– Dứt trừ được nghiệp chướng “phân biệt, khinh mạn” (kẻ hèn, người thấp, kẻ thương, người ghét).
Và :
– Sanh ra được các “Tánh đức lành”.
Người Phật tử chân chánh tu tập, phải dùng Tâm như vậy mà hành đạo.
Thì mới được gọi là :
– BÌNH ĐẲNG TÂM vậy.
3/- TỪ BI TÂM :
Sao gọi là Từ bi tâm ?
Từ Bi là lòng xót thương cứu độ (mà lìa tướng và không phân biệt chấp trước (hay nói cho dễ hiểu là thương xót, cứu độ mà không có hậu ý lợi dụng – (chẳng hạn như vì thấy người giàu, đẹp, sang cả.vv…nên giả bộ từ bi để dụng ý và mưu tính các việc riêng tư có lợi cho mình. Đây chỉ được gọi là : – Ái kiến (thấy đẹp, giàu) mà sanh khởi ra lòng thương theo lối trói buộc của chúng sanh – chớ không được gọi là “từ bi”).
Bởi ở trong kinh HOA NGHIÊM đức PHỔ HIỀN Bồ Tát đã khai thị về tâm TỪ BI rằng :
BỒ TÁT quán sát thấy các chúng sanh :
1.- Không nơi nương tựa, mà khởi đại bi.
2.- Tâm tánh chẳng điều thuận, mà khởi đại bi.
3.- Nghèo cùng khốn khổ không có căn lành, mà khởi đại bi.
4.- Ngủ say trong đêm dài vô minh, mà khởi đại bi.
5.- Làm những điều ác, mà khởi đại bi.
6.- Đã bị ràng buộc mà lại còn thích lao mình thêm vào trong các sự ràng buộc khác nữa, mà
khởi đại bi.
7.- Bị chìm đắm trong biển sanh tử, mà khởi đại bi.
8.- Bị vương mang tội khổ lâu dài, mà khởi đại bi.
9.- Không ưa thích pháp lành, mà khởi đại bi.
10.- Xa mất Phật pháp, mà khởi đại bi.
Vì thế cho nên phát “Tâm từ bi” cũng chính gọi là phát “Bồ đề tâm”.
Đây gọi là tu :
TỪ BI TÂM vậy.
4/- HOAN HỶ TÂM :
Sao gọi là hoan hỷ tâm ?
Chính là các tâm :
– Tùy hỷ (vui theo các sự vui vẻ và hạnh phúc của người khác).
– Hỷ xả (vui mà tha thứ (những lỗi lầm của người đã làm cho ta đau khổ).
– Tâm tùy hỷ : Có tánh chất trừ được các chướng nghiệp về tật đố, ích kỷ, chấp nhỏ nhen…
– Tâm hỷ xả : Có tánh chất giải trừ được các chướng nghiệp về hận thù, báo phục.
Bởi 2 cái Tâm :
Tùy hỷ và hỷ xả nầy đều do ở nơi sự “giác ngộ” mà sanh khởi ra, cho nên đó chính cũng là “Tâm Bồ đề”.
Đây gọi là tu :
HOAN HỶ TÂM vậy.
5/- SÁM NGUYỆN TÂM :
Sao gọi là Sám nguyện tâm ?
Phải biết rằng :
Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, do ở nơi sự chấp NGÃ quá nặng, nên bị vô minh hành xử Thân, Khẩu, Ý, vì thế mà tạo ra vô lượng nghiệp nhơn, thậm chí đến các việc nghịch ơn, bội nghĩa đối với cha mẹ, đối với người mình đã thọ ơn, với Tam Bảo…cũng không từ.
Ngày nay giác ngộ, ắt phải sanh lòng hổ thẹn, ăn năn.
Bằng cách :
– Đem ba nghiệp “Thân, Khẩu, Ý” ấy mà chí thành sám hối (như đức DI LẶC Bồ Tát là bậc “Nhất sanh bổ xứ thành Phật” ấy vậy mà mỗi ngày còn phải sáu thời lễ sám, cầu cho mau dứt vô minh thay, huống chi là chúng ta ư!).
Vậy,
Chúng ta cần phải sám nguyện như thế nào ?
Chính là :
– Khẩu nghiệp : Tỏ bày tội lỗi (phát lồ sám hối) cầu được tiêu trừ (rồi dùng khẩu ấy mà tụng kinh, niệm Phật, trì chú.v.v…..)
– Ý nghiệp : là phải thành khẩn, thật sự ăn năn, nguyện thề không tái phạm nữa.
– Phát nguyện : nguyện hưng long ngôi Tam Bảo, duy trì chánh Pháp, cứu độ những người có căn lành tu tập, để chuộc lại lỗi xưa và đền đáp TỨ TRỌNG ÂN.
Đó là :
– Ơn Tam Bảo, Ơn cha mẹ, ơn sư trưởng và ơn chúng sanh.
Đây gọi là tu :
SÁM NGUYỆN TÂM vậy.
HỎI :
– Thế nào là TỨ TRỌNG ÂN ?
a/- NHỚ ƠN TAM BẢO ?
Vì nghĩ đến ơn Phật :
Như đức Thích Ca Mâu Ni, khi mới phát tâm cầu quả “BỒ ĐỀ VÔ THƯỢNG” , tu hạnh Bồ Tát, Ngài đã làm Bồ Tát trải qua vô lượng kiếp chịu đủ các sự khổ vì muốn cứu độ chúng sanh chúng ta.
Lúc chúng sanh chúng ta tạo nghiệp, đức Phật xót thương, dùng đủ phương tiện để giáo hóa, mà chúng sanh chúng ta ngu si, không chịu tin theo, nên Phật không cứu độ được.
– Khi chúng sanh bị đọa vào 3 ác đạo, Phật lại càng thương, muốn thay thế chúng sanh chịu khổ.
Nhưng bởi vì NGHIỆP LỰC của chúng sanh quá nặng, cái CHẤP quá sâu dầy, ngu si không phân biệt được đâu là Phật, đâu là Ma, cho nên Phật không thể nào cứu vớt được.
Tuy rằng trong Kinh Phật đã huyền ký :
“Trong thời mạt pháp, sẽ có vô số BỒ TÁT, BÍCH CHI PHẬT xuống đời độ chúng sanh thoát khổ nạn”.
Nhưng chỉ cứu vớt được những chúng sanh nào có duyên với Phật, chịu TIN nơi Phật, năng CẦU đến Phật, và chịu TU theo chánh pháp của Phật dạy, thì mới cảm ứng với BỒ TÁT, BÍCH CHI PHẬT không khó.
Còn những chúng sanh cố chấp, không TIN Phật, không chịu Tu theo Phật Pháp, thì dù cho có nhiều BÍCH CHI PHẬT, BỒ TÁT xuống trần và đứng trước mặt, họ cũng không nhận diện ra, mà ngược lại còn chế nhạo, phỉ báng, tàn hại thanh danh của quý Ngài nữa, nên quý Ngài phải ra đi ẩn dật nơi A lan nhã hết. Bởi vì quý Ngài tuy đứng gần sát bên ta mà lại thiệt là xa cách. Rất khó mà gặp được quý Ngài nếu như Tâm chúng ta không chân thật, không thể dung bồi căn lành trong Phật pháp.
Đến khi :
– Hết kiếp nầy, qua kiếp khác, chúng ta lặn ngụp trong 6 nẻo luân hồi, ta sanh làm người, Phật lại dùng phương tiện, khiến gieo căn lành, nhiều kiếp theo dõi, lòng không tạm bỏ.
Phật mới ứng thế, Ta còn trầm luân.
Kiếp nầy ta được thân người, gặp được Phật pháp, thì Phật đã diệt độ.
Thương ôi !
– Tội chi mà sanh nhằm thời mạt pháp ?
– Phước gì mà được dự chốn Tăng luân (là được dự vào hàng ngũ xuất gia).
– Chướng chi mà không thấy được Kim thân (là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình của Phật
khi còn tại thế)
– May gì mà còn gặp được Thánh tượng (những tượng Phật được thờ tại chùa, tại nhà)
Rồi Ta tự suy nghĩ :
– Nếu như đời trước Ta chẳng trồng căn lành, thì kiếp nầy làm sao nghe được Phật pháp?
– Nếu như không nghe chánh pháp, đâu biết mình đã thường thọ “Phật ân”. Ơn đức nầy
biển thẳm khôn cùng, non cao khó sánh.
– Nếu ta không phát “tâm Bồ Đề”, giữ vững chánh pháp, làm hạnh Bồ tát cứu độ chúng sanh đang chìm đắm trong khổ nạn, thì :
– Dù cho thịt nát, xương tan cũng không đền đáp ơn của Phật được.
b/- Nhớ ƠN CHA MẸ :
Than ôi !
– Cha Mẹ sanh ta khó nhọc. Mười tháng mang thai mỏi nặng, ba năm bú sữa, mớm cơm.
Đến khi:
– Ta được nên người, chỉ mong sao cho ta nối dõi tông đường, tự thừa tiên tổ (nối dõi dòng họ, thờ cúng tổ tiên).
Ngờ đâu !
– Ta đã xuất gia, lạm xưng Thích Tử, không dâng cơm nước, chẳng đỡ tay chân !
Cha mẹ còn. Ta không thể nuôi dưỡng thân già.
Cha mẹ mất. Ta chưa thể dắt dìu thần thức (vì tu chưa đến nơi, đến chốn, chưa thành tựu gì hết, nên không cứu độ được linh hồn của cha mẹ).
Chừng hồi tưởng lại thì :
Nước trời đà cách biệt từ dung,
Mộ biếc chỉ hắt hiu thu thảo.
Như thế :
– Đối với đời là một lỗi lớn,
– Đối với đạo lại chẳng ích chi !
– Hai đường đã lỗi, khó tránh tội khiên !
Nghĩ như thế rồi, làm sao chuộc lại ?
Chỉ còn có cách :
– Trăm kiếp, ngàn đời, tu BỒ TÁT HẠNH.
– Mười phương ba cõi phát tâm nguyện độ khắp chúng sanh bình đẳng.
Được như vậy,
– Chẳng những cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều đời, cũng đều nhờ công đức tu hạnh
Bồ Tát, mà được độ thoát.
– Chẳng những cha mẹ của một người, mà cha mẹ của nhiều người, nhiều đời (thất thế phụ mẫu) cũng đều được siêu thoát khỏi 3 ác đạo.
c/- Nhớ ƠN SƯ TRƯỞNG :
Đành rằng :
– Cha mẹ tuy sanh dục sắc thân,
Nhưng nếu :
– Không có Thầy thế gian, ắt ta chẳng hiểu biết nghĩa nhân, không thành danh toại.
– Không có Thầy xuất thế, tất ta chẳng am tường Phật pháp, chẳng biết nhân quả, tội
phước, chẳng hiểu luân hồi, sanh tử, siêu, đọa như thế nào.
– Nếu như không biết lễ nghĩa, liêm sĩ thì nào khác chi các loài cầm thú !
– Nếu như không am tường Phật pháp, thì nào khác chi các hạng ngu mông ?
Nay ta biết :
– Chút ít lễ nghĩa, liêm sĩ, hiểu đôi phần Phật pháp, là nhờ đâu ?
Huống nữa :
Thân giới phẩm đã nhuận phần đức hạnh.
Áo cà sa thêm rạng vẻ phước điền.
Thực ra :
– Tất cả đều nhờ ơn SƯ TRƯỞNG mà được.
Đã biết như thế,
– Nếu như ta cầu “Tiểu quả” (quả vị Tiểu thừa Thanh văn) thì chỉ có thể lợi riêng cho bản thân mà thôi, không có phát tâm BỒ TÁT(đại thừa) cứu độ chúng sanh !
Nay ta phải phát đại tâm BỒ ĐỀ, tu hạnh BỒ TÁT, mới mong cứu độ được các loài “hàm thức” (là các loài chúng sanh có đầy đủ tánh linh (tức là thức tánh) biết buồn, vui, thương ghét.vv….
Như vậy thì :
Thầy thế gian mới dự hưởng phần lợi ích.
Thầy xuất thế cũng thỏa ý, vui mừng.
d/- Nhớ ƠN THÍ CHỦ :
Những người xuất gia hiện nay :
– Có đầy đủ chùa rộng, phật cao, đồ mặc, thức ăn, thuốc men, giường chiếu, xe cộ, tiền bạc dư thừa, danh to, chức lớn..vv….đều nhờ vào Đàn na tín thí mà được.
Phật dạy phải thường xuyên nghĩ rằng :
– Người đời nhọc sức cấy cày, làm lụng cực khổ vẫn còn kém ăn, thiếu mặc !
Ta là kẻ xuất gia ngồi không thọ hưởng, sao nỡ an lòng ?
– Người đời dệt may gian khổ, chẳng kể đêm khuya !
Ta là kẻ xuất gia ăn mặc dư thừa, há không mến tiếc ?
– Người đời ở nhà lá, vách phên, thiếu hụt, trọn đời bận rộn !
Ta xuất gia ở chùa cao, đền rộng, ăn uống dư thừa, thong thả quanh năm ?
– Người đời đem công sức làm việc cực nhọc, cung cấp cho ta cuộc sống an nhàn,
lòng nào vui được ?
– Người đời dành dụm tiền của, tài lợi riêng để giúp cho kẻ xuất gia được no ấm,
đầy đủ, an nhàn, thong dong, tự tại, có danh, có tiếng. v.v…. lý có hợp không ?
Vì thế, phải nên tự xét nghĩ, và y theo lời Phật dạy :
– Phải nhớ ơn Đàn na tín thí,
– Phải chân thật tu hành,
– Phải giữ giới hạnh trang nghiêm.
– Phải tu theo pháp Đại thừa.
– Phải phát tâm BỒ ĐỀ VÔ THƯỢNG.
– Phải thực hành BỒ TÁT hạnh.
– Phải vận lòng bi trí, tu phước huệ trang nghiêm.
– Phải Thuyết giảng chánh pháp để cho Đàn tín hiểu được pháp Đại thừa.
– Phải cần cầu giải thoát ra khỏi 3 cõi, 6 đường, để cho Đàn tín được phước duyên và chúng sanh nhờ đó mới được lợi ích.
Bằng trái ngược lại thì :
– Chút hạt cơm, tấc vải, đền đáp có phân,
– Làm thân nô dịch, súc sanh, nợ nần phải trả ở nhiều kiếp sau !
e/- Biết ƠN CHÚNG SANH :
Phải nghĩ rằng :
– Ta cùng chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, kiếp kiếp, đời đời, đổi thay nhau làm quyến thuộc, và đều có ơn nghĩa với nhau.
Nay dù :
– Cách đời, đổi thân, thay tên, khác họ…hôn mê không nhớ biết, song cứ theo cái “lý” mà suy ra, chẳng thể không đền đáp được ư !
Vật loại mang lông, đội sừng ngày nay, biết đâu ta là con của nó trong kiếp trước ?
– Loài bướm, ong, trùng, dế hiện tại, biết đâu đó là thân sinh tiền thế của mình ?
Đến như :
Tiếng rên siết trong thành ngạ quỷ.
Giọng kêu la dưới cõi âm ty.
Ta tuy không thấy, không nghe, song họ vẫn van cầu cứu vớt !
Ngoài Phật kinh ra, nơi đâu bày tỏ việc nầy ?
Cho nên người tu chân chánh, bắt buộc phải làm hạnh Bồ Tát :
– Xem ong, kiến là cha mẹ quá khứ.
– Nhìn thú cầm là chư Phật vị lai.
– Thương nẻo khổ lâu dài, hằng lo cứu vớt.
– Nhớ nghĩa xưa sâu nặng, thường tưởng báo ân.
Vì tưởng nhớ đến báo ân, đặt mình vào sự khổ của Đàn na tín thí, thì lòng “Từ bi” mới phát, mới làm hạnh BỒ TÁT, mới cứu độ chúng sanh được.
f/- Vì TƯỞNG KHỔ SANH TỬ :
Ta cùng chúng sanh…
Nhiều kiếp đến nay, hằng ở trong vòng sanh tử, chưa từng được thoát ly, khi ở cõi nầy, lúc ở thế giới khác, khi sanh lên thiên cảnh, lúc sống nhân gian…
Siêu đọa trong phút giây,
Xuống lên ngàn muôn nẻo.
Cửa quỷ sớm đi, rồi chiều lại,
Âm ty nay thoát, bỗng mai vào.
Lên non đao, rừng kiếm :
– Thân thể đứt lìa !
Nuốt sắt nóng, dầu sôi :
– Ruột gan rã cháy !
Khóc than trong lửa, rên siết trong băng !
Muôn lần sống chết nội ngày đêm !
Giây phút khổ đau bằng thế kỷ !
Lúc ấy :
– Dầu biết tội khổ, nhưng ăn năn sao kịp !
Đến khi :
– Ra khỏi, vội liền quên mất, vẫn tạo tội như thường.
a/-TÂM :
– Không hằng như lữ khách ruổi dong !
b/- THÂN :
– Chẳng định dường cửa nhà thay đổi !
– Cát bụi cõi đại thiên, không tính nổi số thân luân chuyển !
– Nước đầy trong bốn biển, chẳng nhiều bằng giọt lệ biệt ly !
Nếu :
– Không lời Phật nói, việc nầy ai thấy, ai nghe !
– Ví chẳng xem kinh, lý ấy đâu hay, đâu biết.
Thảng hoặc :
– Luyến mê như trước, chỉ e y như cũ luân hồi.
– Rồi ra muôn kiếp, ngàn sanh, khó hối một lần trăm lẫn.
– Giờ tốt vội qua mà chẳng lại.
– Thân người dễ mất, nhưng khó tìm.
– Âm cảnh mịt mù, xót nổi biệt ly dài đặc.
– Tam đồ ác báo, thương cho thống khổ ai thay ?
Vậy nên :
Phải dứt nguồn sanh tử,
Tát cạn bể dục si.
Độ thoát mình người,
Đồng lên giác ngạn.
Muôn đời siêu hoặc đọa,
Quan hệ ở phút nầy.
Không thể bê trễ được.
g/- Vì TÔN TRỌNG TÁNH LINH :
Vì Tâm tánh của ta cùng đức Thích Ca Như lai không hai, không khác.
Tại sao :
– Đức THÍCH CA đã thành chánh giác, sáng suốt tự tại.
Mà :
– Ta vẫn còn là phàm phu điên đảo, hôn mê ?
Lại nữa :
– Đức THÍCH TÔN có đủ vô lượng thần thông, trí huệ, công đức trang nghiêm.
Còn :
– Chúng ta thì đầy vô lượng phiền não, nghiệp lực lôi kéo, lụy trần ràng buộc ?
Tâm tánh tuy vẫn đồng một,
Nhưng vì :
Mê, ngộ nên cách vực trời.
Ví như hạt bảo châu vô giá vùi dưới bùn nhơ, người xem đường đất đá.
Cho nên,
– Phải dùng vô lượng pháp lành đối trị phiền não, để tánh đức hiển bày.
Ví như :
– Bảo châu được rửa sạch, lau khô, treo để trên tràng cao, liền phóng quang rực rỡ.
Thế mới :
– Không uổng công Phật giáo hóa.
– Chẳng phụ tánh linh của mình.
– Xứng đáng bậc trượng phu.
h/- Vì SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG :
Kinh dạy :
– “Phạm một giới nhỏ, phải đọa địa ngục lâu bằng tuổi thọ của Tứ Thiên Vương” (Tính theo niên lịch của thế gian. Một ngày trên cõi Trời bằng 250 năm ở thế gian. Tuổi thọ của chư Thiên sống lâu 500 năm (250 x 365 x 500 = 45.625.000 năm ở thế gian).
Lỗi nhỏ còn như thế, huống chi là lỗi nặng ư ?
Chúng ta mỗi ngày:
Một cử động thường sai giới luật,
Lúc ăn uống thường phạm Thi la (là giới Ba la đề mộc xoa của Phật chế ra cho các hàng
Phật tử xuất gia lẫn tại gia tu học và thọ trì).
Tính ra, trong một ngày cũng đã nhiều tội rồi.
Huống chi là trọn đời cho đến vô lượng kiếp về trước ư ?
Ta chỉ lấy “ngũ giới” ra mà xét, thì mười người đã hết chín phạm, ít thì phát lộ (thú tội, bày tỏ…sám hối, không dám dấu che), còn phạm nhiều thì càng che dấu !
Chỉ có “năm giới” thôi mà đã còn như thế, huống chi là 2, 3 trăm giới khác ư ! có được mấy người giữ được trọn ?
Vì thế nên ta phải :
– Phát lòng từ bi thương mình, thương người.
– Lệ rơi theo tiếng, thân khẩu thiết tha.
– Cùng với chúng sanh, ai cầu sám hối.
Còn nếu như chẳng thế thì :
– Ngàn đời, muôn kiếp ác báo khó trừ.
Làm sao thoát khổ được !
i/- Vì CẦU SANH TỊNH ĐỘ :
– Ở cõi Ta bà nầy tu tập, việc tiến đạo khó khăn.
– Về được Tây phương Cực lạc tu trì, sự thành Phật dễ, thuận.
Vì dễ, nên một đời liền đắc quả.
Bởi khó khăn, nên nhiều kiếp vẫn chưa thành tựu được chi cả.
Cho nên :
Thánh trước, hiền sau. Người người xu hướng.
Ngàn Kinh, muôn luận. Chỗ chỗ chỉ quy hướng.
Vì vậy mà :
– Sự tu hành giữa thời mạt pháp, nay thật không chi hơn pháp môn Mật Tịnh nầy.
Như trong Kinh Tiểu Bổn A-DI-ĐÀ đã có nói rằng :
– “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”.
(Nghĩa là :
– Không thể dùng một ít phước, đức, căn lành mà được sanh về cõi nước Cực lạc kia).
Cho nên,
– Người gây tạo ít căn lành, khó mà được vãng sanh.
Còn như :
– Tạo được nhiều phước, và đức, mới về cõi Tịnh.
Nhưng :
– Muốn tạo nhiều phước đức, không gì bằng chấp trì danh hiệu (A-DI-ĐÀ PHẬT).
– Dùng “tâm trong sáng” mà “trì Phật hiệu”, thắng hơn “Bố Thí” trăm năm.
– Muốn tạo nhiều căn lành, chẳng chi hơn phát tâm BỒ ĐỀ.
– Một phát đại tâm, vượt quá tu hành nhiều kiếp.
– Tập làm Bồ tát hạnh, cứu khổ cho chúng sanh, lòng Từ bi rộng mở, mới thành Phật ở
tương lai.
Bởi vì :
– Người niệm Phật vẫn mong thành Phật.
– Mà đại tâm (Bồ đề) không phát , thì niệm Phật làm chi ?
Còn như :
– Phát tâm vốn để tu hành, nhưng Tịnh độ chẳng cầu, thì dù cho có phát cũng dễ bề thối chuyển.
Cho nên :
– Gieo hột giống BỒ ĐỀ, cày lưỡi cày niệm Phật, và tu tất cả BỒ TÁT hạnh.
Thì :
– Đạo quả sẽ tự nhiên tăng tiến. Nương chiếc thuyền đại nguyện, vào biển mầu Tịnh Độ.
Ắt :
– Tây phương quyết định được sanh về.
j/- Vì HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP :
Như :
– Đức THẾ TÔN ta, từ vô lượng, vô biên kiếp đã vì chúng sanh chúng ta mà tu đạo BỒ ĐỀ, làm Hạnh BỒ TÁT…
Ngài đã :
– Làm việc khó làm.
– Nhịn việc khó nhịn.
– Bỏ việc khó bỏ.
– Nhẫn việc khó nhẫn.
Cho nên mới được :
– Công tròn quả mãn.
– Thành đấng Như lai.
Sau khi thành Phật.
– Nhân duyên giáo hóa đã xong, liền vào Niết bàn.
Nay Chánh pháp đã qua, Tượng pháp lại hết, chỉ còn lại MẠT PHÁP.
Tuy có Kinh giáo mà không kẻ đắc thành.
Thời nay thì :
– Tà, chánh khó phân,
– Thị phi lẫn lộn.
– Tranh đua nhân quả.
– Đeo đuổi lợi danh.
Cho nên :
– Tam Bảo chẳng còn thiệt nghĩa !
– Suy tàn tồi tệ, không nở thốt lời.
Khi nghĩ đến đây, khó cầm giọt lệ !
Ta là Phật tử mà không báo được PHẬT ÂN.
– Trong không ích cho mình,
– Ngoài không ích cho người.
– Sống không ích dương thế.
– Chết không ích đời sau !
Suy nghĩ như vậy, đau lòng xót dạ, vội phát tâm BỒ ĐỀ, nguyện độ chúng sanh, tâm tâm cầu Phật, thề hết báo thân, sanh về Cực lạc, làm hạnh BỒ TÁT.
Những mong :
– Sau khi chứng quả, trở lại TA BÀ.
Khiến cho :
Phật nhựt rạng soi,
Pháp môn rộng mở.
Tăng hải đẹp thanh nơi cõi trược.
Nhân dân tu đức ở phương Đông.
Kiếp vận nhờ đó mà tiêu trừ.
Chánh pháp do đây được bền vững.
Như trên :
Tâm cách đã thông,
Mười duyên đã biết.
Phát tâm có chỗ.
Xu hướng có nơi.
Trông mong đại chúng :
Cùng lập đại nguyện.
Đồng phát đại tâm (Bồ đề).
Nếu như :
Chưa phát thì nay phát,
Đã phát thì nên tăng trưởng.
Chớ thấy khó mà thối khiếp,
Chớ thấy dễ mà khinh thường.
Chớ dục tốc mà chẳng bền lâu,
Chớ biếng trễ mà không tiến ích.
Cũng đừng vì :
Tối, dốt mà một mặt vô tâm (nghĩ mình tối, dốt, nên mặc kệ đi)
Trí cạn mà tự hiềm vô phận (nghĩ mình dỡ quá, ngu si không thành Phật đâu !)
Ví như trồng cây, trồng lâu thì rễ cạn lần sâu.
Lại như mài dao, mài bền thì lưỡi lụt lần bén.
Đâu nên vì rễ cạn mà bỏ khô không vun tưới, dao lụt mà để thành hư phế ư ?
Đừng nghĩ mình ngu tối quá, không có căn, tu không được, nên bỏ không tu nữa.
– Biết mình căn tu ít ỏi, thì kiếp nầy càng nên siêng năng tu tập cho căn tu tăng trưởng.
– Nếu như, cho tu hành là khổ, mà bỏ không tu nữa, thì lại càng khổ hơn.
– Tu hành tuy siêng nhọc nhứt thời, nhưng an vui mãi mãi.
– Biếng trễ tuy tạm nhàn một kiếp, song khổ lụy đời đời.
Huống chi ;
– Đã dùng Tịnh Độ làm thuyền bè, đâu lo gì thối chuyển.
– Lại được vô sanh làm sức nhẫn, há còn sợ gian lao !
Phải biết thêm rằng :
– Chân tâm thì sự thật, nguyện rộng tất hạnh sâu.
– Hư không chẳng rộng lớn bằng nguyện tâm.
– Kim cương chẳng cứng bền bằng nguyện lực.
(Trở lại tiếp phần….
6/- BẤT THỐI TÂM :
Sao gọi là Bất thối tâm ?
Phải nên biết rằng :
– Tuy đã có sám nguyện và tu hành rồi.
Nhưng :
a/- Nghiệp hoặc, phiền não, cùng các thứ ma chướng khác không dễ gì dứt trừ được.
b/- Tu lục độ vạn hạnh (của Bồ Tát) không dễ gì thành tựu được.
c/- Con đường đi đến quả vị “Vô thượng bồ đề” lại rất dài xa, không dễ gì chứng đắc được.
Cho nên,
Hành giả phải phát lời “thệ nguyện kiên cố, bất thối chuyển” rằng :
Thân nầy :
– Dù cho có bị vô lượng nhục nhằn, khổ nhọc.
– Dù cho có bị thiêu đốt, nát tan.
– Quyết không vì thế mà phạm vào điều ác.
– Quyết không vì thế mà thối thất trên bước đường tu.
– Quyết dùng tâm “bất thối chuyển” như vậy mà hành đạo.
Đây gọi là tu :
BẤT THỐI TÂM vậy.
Trên đây là cách quán sát “sáu tâm” để phát “TÂM BỒ ĐỀ” của người tu tập.
Tóm lại,
Người Phật tử chân thật tu hành, nguyện cầu vãng sanh Cực lạc, thoát khỏi 3 cõi, 6 nẻo luân hồi, cần phải tu BỒ TÁT hạnh, phát tâm BỒ ĐỀ kiên cố.
Điều lợi lạc ngay tức thời của sự phát tâm Bồ Đề là trong tâm thức của ta đã lập tức “nhập” vào tâm thức của Phật (vì cùng một dòng nước từ bi).
Đã làm con của Phật (phật tử xuất gia, tại gia), không cần ta phải thế nào, ăn mặc ra sao, quyền uy, giàu có, học cao hay thấp, đẹp hay xấu, trẻ hay già, nam hay nữ, hoặc phải thế nầy, phải thế kia, cho chí đến xuất gia hay tại gia, tu lâu hoặc mới tu..v.v…..một khi đã chân thật nguyện phát tâm Bồ-Đề là đã trở thành “SƠ PHÁT TÂM BỒ TÁT”.
Bởi vì :
Nếu người tu hành lâu năm, dù cho lên tới chức cao, tuổi lớn trong cửa đạo mà không có Bồ Đề tâm, thì không phải Bồ Tát, không cùng một dòng nước (từ bi) giống Phật, bản chất thua một người (vô danh, tuổi nhỏ, mới tu, không chức vị) dù chỉ mới sơ phát Bồ đề tâm.
Chư Phật trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) được thành Phật đều khởi từ BỒ ĐỀ TÂM.
Mà hễ có Bồ đề tâm, thì đều có BỒ TÁT hạnh.
Chư Phật trước khi thành Phật, đều phải trải qua vô lượng kiếp làm BỒ TÁT, mà chư Bồ Tát là do Bồ Đề tâm sanh.
Lòng từ bi của chư đại Bồ Tát bao trùm cả 9 pháp giới, nguyện độ khắp chúng sanh vô cùng tận, không thể nghĩ bàn.
Bảo Đăng ước mong rằng :
Sau khi đọc lá thư nầy, quý huynh đệ chuyên tu Niệm Phật, tha thiết cầu được vãng sanh, nên phát tâm Bồ Đề, tập làm Bồ Tát, dần dần mới có đầy đủ công đức, để được Tây Phương Tam Thánh và chư Thánh chúng rước về Cực Lạc quốc của Đức Phật A-DI-ĐÀ.
Trước thềm năm mới, Bảo Đăng xin nguyện cầu Tam Bảo luôn gia hộ cho quý Huynh đệ được nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, tinh tấn tu hành, bồ đề tâm tăng trưởng, và vạn sự cát tường như ý.
Bảo Đăng xin gởi đến quý Huynh đệ lời chúc Xuân Giáp Ngọ (2014).
Tín hương một nén thắp ngày xuân,
Xóa bớt danh thèm, lẫn tham, sân.
Tánh xấu quyết tâm từ nay đoạn,
Nặng lòng lẩm cẩm mất mấy xuân.
Hỷ, Xả, Từ, Bi, vô chướng ngại,
Sen thắm ngày sau mới vui xuân.
DI-ĐÀ sáu chữ hằng niệm, tưởng,
Cực lạc đài vàng mãi trường xuân.
Btg. Bảo-Đăng (cảm tặng)
Bình luận