Can thiệp Hành vi ABA là gì?
Phân tích hành vi ứng dụng là gì?
Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) là một liệu pháp dựa trên nền tảng khoa học về học tập và hành vi.
Phân tích hành vi giúp chúng ta hiểu:
- Cách thức hành vi hoạt động như thế nào
- Môi trường tác động lên hành vi ra sao
- Học tập diễn ra như thế nào
Liệu pháp ABA áp dụng hiểu biết về cách thức hành vi hoạt động trong các tình huống thực tế. Mục đích nhằm gia tăng các hành vi có ích và giảm đi các hành vi có hại hoặc hành vi tác động đến việc học tập.
Các chương trình trị liệu ABA có thể giúp:
- Gia tăng kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp
- Cải thiện sự chú ý, tập trung, kỹ năng xã hội, trí nhớ và khả năng học tập
- Giảm các hành vi kém thích nghi
Các phương pháp phân tích hành vi đã được sử dụng và nghiên cứu nhiều thập kỷ qua. Chúng đã giúp rất nhiều người đạt được các kỹ năng khác nhau – từ việc hình thành được những lối sống lành mạnh hơn cho đến học một ngôn ngữ mới. Các nhà can thiệp đã sử dụng ABA để giúp các trẻ có rối loạn tự kỷ và các rối loạn liên quan đến phát triển từ những năm 1960.
Liệu pháp ABA hoạt động như thế nào?
Phân tích Hành vi Ứng dụng bao gồm nhiều kỹ thuật giúp chúng ta hiểu và thay đổi hành vi. ABA là một phương pháp can thiệp linh hoạt:
- Có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân riêng biệt
- Có thể áp dụng ở nhiều địa điểm khác nhau – tại nhà, trường học và cộng đồng
- Hướng dẫn các kỹ năng hữu ích cho cuộc sống hàng ngày
- Có thể can thiệp 1-1 hoặc can thiệp nhóm
Củng cố tích cực
Củng cố tích cực là một trong những chiến lược can thiệp chính yếu được sử dụng trong ABA.
Khi trẻ thực hiện một hành vi và đạt được một thứ có giá trị (phần thưởng) thì có nhiều khả năng trẻ sẽ lặp lại hành vi đó. Theo thời gian, điều này khuyến khích thay đổi hành vi tích cực.
Đầu tiên, nhà can thiệp xác định hành vi mục tiêu. Mỗi khi trẻ thực hiện hành vi phù hợp hoặc thực hiện đúng một kỹ năng, trẻ sẽ nhận được phần thưởng. Phần thưởng phải có ý nghĩa đối với trẻ. Ví dụ như lời khen, một món đồ chơi hoặc sách, xem video, đến sân chơi hoặc địa điểm nào đó trẻ thích, ….
Phần thưởng tích cực khuyến khích trẻ tiếp tục thực hành kỹ năng được dạy. Theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến thay đổi thành vi.
Tiền đề, Hành vi, Hệ quả
Tìm hiểu tiền đề (điều gì xảy ra trước khi hành vi xảy ra) và hệ quả (điều gì xảy ra theo sau hành vi) là một phần quan trọng của bất kỳ chương trình can thiệp ABA nào.
Ba bước sau – “ A-B-C ” – giúp người can thiệp dạy và hiểu hành vi:
- Tiền đề : Là những điều xảy ra trước khi hành vi mục tiêu xuất hiện. Tiền đề có thể là lời nói, chẳng hạn như mệnh lệnh hoặc yêu cầu. Cũng có thể là những vật hữu hình, chẳng hạn như một món đồ chơi hoặc đồ vật nào đó, ánh sáng, âm thanh hoặc một thứ gì đó khác từ môi trường. Tiền đề có thể đến từ môi trường, từ người khác, hoặc từ bên trong cá thể đó (chẳng hạn như một ý nghĩ hoặc cảm giác).
- Hành vi kết quả : Là một phản ứng hoặc không phản ứng của trẻ với tiền đề trước đó. Đó có thể là một hành động, một phản ứng bằng lời nói hoặc một điều gì đó khác.
- Hệ quả : Là những gì xảy ra ngay sau hành vi. Hệ quả có thể bao gồm củng cố (thưởng) hay trừng phạt. Củng cố (thưởng) sẽ đi kèm với hành vi mong muốn phù hợp. Không có củng cố hoặc trừng phát xuất hiện khi có những phản hồi không chính xác hoặc không phù hợp từ trẻ.
Nhìn vào mô hình A-B-C giúp chúng ta hiểu:
- Tại sao một hành vi có thể xảy ra?
- Các hệ quả khác nhau có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng xảy ra lần nữa của hành vi?
Ví dụ:
- Tiền đề: Giáo viên nói “Hết giờ rồi, dọn đồ chơi nhé” vào cuối ngày.
- Hành vi: Trẻ la lên “khônggggg!”
- Kết quả: Giáo viên cất đồ chơi và nói “Được rồi, hết giờ chơi rồi.”
Làm thế nào ABA có thể giúp trẻ học cách ứng xử phù hợp hơn trong tình huống này?
- Tiền đề: Giáo viên nói “Hết giờ rồi, dọn đồ chơi nhé” vào cuối ngày.
- Hành vi: Trẻ được nhắc để hỏi lịch sự, “Con có thể chơi thêm 5 phút không ạ?”
- Kết quả: Giáo viên nói, “Ừa, cô cho con thêm 5 phút nhé!“
Khi tiếp tục thực hành kỹ năng này, trẻ sẽ có thể thay thế hành vi la hét bằng hành vi thích hợp hơn. Đây là cách phù hợp hơn để trẻ yêu cầu điều mình muốn.
Chương trình ABA bao gồm những gì?
Một chương trình ABA phù hợp cho một trẻ có rối loạn tự kỷ không thể đảm bảo phù hợp cho tất cả các trẻ có RLPTK khác. ABA không nên tập hợp các chương trình khuôn mẫu, thay vào đó mỗi trẻ sẻ có chương trình được thiết kế riêng để đáp ứng nhu cầu của từng trẻ.
Mục tiêu của tất cả các chương trình can thiệp ABA là giúp mỗi trẻ đều rèn luyện được các kỹ năng để giúp trẻ trở nên độc lập và thành công hơn trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Lập kế hoạch và Đánh giá giữa tiến trình
Một nhà phân tích hành vi được chứng nhận bởi Hội đồng (được gọi là BCBA) thiết kế và trực tiếp giám sát chương trình can thiệp. Họ điều chỉnh chương trình ABA theo từng kỹ năng, nhu cầu, hứng thú, sở thích và hoàn cảnh gia đình của mỗi trẻ.
BCBA sẽ bắt đầu bằng một đánh giá chi tiết các kỹ năng và sở thích của trẻ. Họ sẽ sử dụng đánh giá này để viết các mục tiêu can thiệp cụ thể. Mục tiêu của gia đình và sở thích cũng có thể được cân nhắc.
Mục tiêu can thiệp được xây dựng dựa trên độ tuổi và khả năng của trẻ có rối loạn tự kỷ. Mục tiêu có thể bao gồm nhiều lĩnh vực kỹ năng khác nhau, chẳng hạn như:
- Giao tiếp và ngôn ngữ
- Kỹ năng xã hội
- Tự chăm sóc bản thân (tắm rửa, đi vệ sinh …)
- Vui chơi và giải trí
- Kỹ năng vận động
- Kỹ năng học tập và học thuật
Kế hoạch can thiệp sẽ chia những kỹ năng này thành các bước nhỏ và cụ thể. Nhà can thiệp dạy từng bước một, từ đơn giản (ví dụ như bắt chước âm thanh đơn lẻ) đến phức tạp hơn (như làm thế nào để tiếp tục một cuộc trò chuyện).
BCBA và các nhà can thiệp sẽ đo lường sự tiến bộ bằng cách thu thập dữ liệu trong mỗi buổi trị liệu. Dữ liệu giúp họ theo dõi tiến trình của trẻ đối với các mục tiêu một cách liên tục.
Nhà phân tích hành vi thường xuyên gặp gỡ gia đình trẻ và can thiệp viên để xem xét sự tiến bộ của trẻ. Sau đó, họ sẽ lên kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch và mục tiêu giảng dạy khi cần thiết.
Kỹ thuật và triết lý của ABA
Can thiệp viên sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật trong ABA. Một số kỹ thuật sẽ được điều phối bởi can thiệp viên, một số khác sẽ để cho trẻ tự định hướng.
Cha mẹ, thành viên gia đình và người chăm sóc cũng sẽ được đào tạo để có thể hỗ trợ cho việc học và thực hành kỹ năng của trẻ trong một ngày. .
Trẻ có rối loạn tự kỷ sẽ có nhiều cơ hội học tập và rèn luyện các kỹ năng mỗi ngày trong các tình huống giả lập hay trong môi trường tự nhiên. Ví dụ, một trẻ học cách nói “xin chào” để chào hỏi người khác, trẻ có cơ hội thực hành kỹ năng này trong lớp học với giáo viên của trẻ (đã lên kế hoạch trước) và trong sân chơi vào giờ giải lao (diễn ra tự nhiên).
Trẻ nhận được rất nhiều củng cố tích cực để thực hiện các kỹ năng hữu ích và các hành vi phù hợp với quy tắc xã hội. Các tương tác xã hội tích cực và hào hứng học tập rất được tập trung chú trọng.
Trẻ sẽ không nhận được củng cố cho các hành vi gây hại hoặc hành vi không phù hợp, cản trở việc học của trẻ.
ABA có hiệu quả cho mọi người ở mọi lứa tuổi. ABA có thể được ứng dụng trong can thiệp từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành!
Ai cung cấp dịch vụ ABA?
Một nhà phân tích hành vi được hội đồng chứng nhận (BCBA hay BCaBA) có thể thực hiện trị liệu theo phương pháp ABA. Để trở thành BCBA, cần có những điều sau:
- Cử nhân Tâm lý, Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ về tâm lý học hoặc các ngành có liên quan.
- Vượt qua kỳ thi chứng chỉ từ Hội đồng
Các chương trình trị liệu ABA cũng liên quan đến các nhà can thiệp, hoặc các kỹ thuật viên hành vi được chứng nhận (RBT). Các nhà trị liệu này được đào tạo và giám sát bởi BCBA. Họ làm việc trực tiếp với trẻ em và người lớn có rối loạn tự kỷ để thực hành các kỹ năng và hướng tới các mục tiêu cá nhân do trị liệu viên hành vi đề ra.
Truy cập vào website của Hội đồng để tìm hiểu thêm: https://www.bacb.com/.
Bằng chứng khoa học về hiệu quả của ABA
ABA được Hiệp hội Tâm lý Hoa kỳ (American Psychological Association) xem là phương pháp can thiệp thực hành tốt nhất có bằng chứng khoa học (Evidence-based) hiện nay.
“Evidence-based” có nghĩa là ABA đã vượt qua các thử nghiệm khoa học và chứng minh được tính hữu ích, chất lượng và hiệu quả của nó trong can thiệp hành vi. Liệu pháp ABA bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau. Tất cả các kỹ thuật này tập trung vào tiền đề, hay những gì xảy ra trước khi một hành vi xảy ra) và vào hệ quả hay những gì xảy ra ngay sau hành vi.
Nguồn: https://www.autismspeaks.org/applied-behavior-analysis-aba-0
Người dịch: Saigon Psychub