KHÁI NIỆM TÂM THẦN PHÂN LIỆT NHƯ MỘT RỐI LOẠN RIÊNG BIỆT ĐANG DẦN BIẾN MẤT – NHƯNG SAU ĐÓ SẼ LÀ GÌ?
Tâm thần phân liệt – Hoạ sĩ: Amber Christian Osterhout
Khái niệm về tâm thần phân liệt đang dần biến mất. Sau hàng thập kỷ liên tục bị Tâm lý học chỉ trích, khái niệm này vừa nhận một vết thương chí mạng từ tâm thần học, chính chuyên ngành từng ra sức duy trì nó. Tuy nhiên, sẽ chẳng ai thương tiếc cái kết của khái niệm này.
Ngày nay, có chẩn đoán tâm thần phân liệt được gắn với việc giảm tuổi thọ gần 20 năm. Theo một số tiêu chí, chỉ một trên bảy người hồi phục từ rối loạn này. Mặc cho những công bố về các tiến bộ trong điều trị, qua thời gian, tỉ lệ người phục hồi vẫn không tăng. Có một điều gì đó cực kỳ không đúng.
Một phần của vấn đề hoá ra nằm ở chính khái niệm về tâm thần phân liệt.
Những luận cứ cho rằng tâm thần phân liệt là một rối loạn riêng biệt “đã không được đánh giá đúng một cách rất nguy hiểm”. Như chúng ta hiện có khái niệm về rối loạn phổ tự kỷ, loạn thần (đặc trưng bởi ảo giác, ảo tưởng gây khó chịu và các suy nghĩ rối rắm) được cho rằng tồn tại theo một trục liên tục và có nhiều mức độ. Tâm thần phân liệt là điểm đầu cực về mức độ nghiêm trọng của phổ hay trục trải nghiệm loạn thần.
Jim van Os, giáo sư tâm thần học tại ĐH Maastricht, cho rằng chúng ta không thể chuyển đổi sang cách suy nghĩ mới này mà không thay đổi ngôn ngữ của chúng ta. Ví dụ, ông đề xuất thuật ngữ tâm thần phân liệt “nên bị loại bỏ”. Thay vào đó, ông đề nghị khái niệm về rối loạn phổ loạn thần (psychosis spectrum disorder).
Một vấn đề khác là tâm thần phân liệt thường được mô tả như một “bệnh lý não bộ mạn tính vô vọng”. Kết quả là nhiều người nói với những người có chẩn đoán này, và một số cha mẹ, là ung thư còn khả quan hơn vì nó vẫn còn dễ chữa trị hơn. Tuy nhiên cách nhìn về tâm thần phân liệt này chỉ khả dĩ nếu loại bỏ những trường hợp có kết quả tích cực. Ví dụ, một số người tuy đã phục hồi nhưng lạiđược cho rằng “sau cùng đó chắc hẳn không phải là tâm thần phân liệt”.
Tâm thần phân liệt, khi được hiểu như một bệnh lý não bộ riêng biệt, vô vọng và gây suy giảm, theo Os, là “không tồn tại”.
Phân tích sự phân mảnh
Thay vào đó, tâm thần phân liệt có thể bao gồm nhiều thứ. Nhà tâm thần học nổi tiếng Sir Robin Murray mô tả như sau:
Tôi mong sớm được thấy cái kết của định nghĩa về tâm thần phân liệt…hội chứng này đã bắt đầu bị phân mảnh, ví dụ, thành những trường hợp có nguyên nhân do biến đổi di truyền, lạm dugj chất, nghịch cảnh xã hội, v.v. Nếu hình dung tiến trình này được tăng tốc, thuật ngữ tâm thần phân liệt sẽ sớm đi vào lịch sử, như “bệnh phù”. (dropsy, bị thay thế bởi thuật ngữ edema-chú thích của người dịch)
Nghiên cứu hiện đang tìm hiểu những con đường khác nhau dẫn con người đến với tình trạng mang đặc điểm của tâm thần phân liệt: ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ và hành vi thiếu tổ chức, vô cảm và không biến đổi cảm xúc.
Tất nhiên, một sai lầm trong quá khứ là nhầm lẫn nhiều nguyên nhân với nhau. Ví dụ, dựa trên công trình làm việc với ký sinh trùng Toxoplasma gondii, ký sinh lây sang người thông qua mèo, các nhà nghiên cứu E. Fuller Torrey và Robert Yolken cho rằng “tác nhân quan trọng nhất [gây ra tâm thần phân liệt] là mèo bị nhiễm bệnh”. Điều này không đúng.
Bằng chứng có cho thấy việc phơi nhiễm với Toxoplasma gondii khi còn nhỏ có thể làm tăng khả năng một người bị chẩn đoán với tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, kích cỡ ảnh hưởng của nguyên nhân này (size of effect) nhỏ hơn hai lần khả năng tăng tỉ lệ của một người có chẩn đoán tâm thần phân liệt. Nó chỉ cao nhất tương tự với các yếu tố nguy cơ khác và thậm chí có khả năng còn thấp hơn.
Ví dụ, có tuổi thơ khó khăn, sử dụng cần sa (cannabis), và hệ thần kinh trung ương bị nhiễm virus khi còn nhỏ, đều làm tăng ti suất một người có chẩn đoán rối loạn loạn thần (như tâm thần phân liệt) lên hai hay ba lần. Những phân tích sâu hơn cho thấy những con số còn cao hơn. So với những người không sử dụng cần sa, những người sử dụng cần sa “skunk-like” với cường độ cao mỗi ngày có liên hệ tới việc tăng tỉ lệ tới 5 lần phát triển loạn thần. So với những người không có sang chấn, những người chịu 5 kiểu sang chấn khác nhau (bao gồm lạm dụng tình dục và lạm dụng cơ thể) cho thấy mức tăng tỉ lệ lên tới 50 lần.
Những con đường khác đưa tới “tâm thần phân liệt” cũng đang được tiếp tục xác định. Khoảng 1% các trường hợp có vẻ xuất phát từ việc mất một nhánh DNA tạ nhiễm sắc thể số 22, được gọi là hội chứng mất 22q11.2 (22q11.2 deletionsyndrome). Cũng có khả năng một số rất nhỏ người có tâm thần phân liệt có những trải nghiệm bắt nguồn từ viêm não do các rối loạn tự miễn dịch, ví dụ như viêm não thụ thể chống-NMDA (anti-NMDA receptor encephalitis), tuy nhiên điều này vẫn còn gây tranh cãi.
Tất cả các tác nhân bên trên có thể đưa tới những trải nghiệm tương tự mà chúng ta trong buổi ban đầu đã cho hết vào một rỗ gọi là tâm thần phân liệt. Trải nghiệm của một người có thể bắt nguồn từ những rối loạn não bộ có liên qua đến di truyền, bị thúc đẩy bởi hoạt động quá mức của tiến trình ‘cắt tỉa’ thông thường các liên kết giữa những tế bào não bộ vào tuổi vị thành niên. Trải nghiệm của một người khác có thể do những phản ứng phức tạp hậu sang chấn. Các tác nhân bên trong và bên ngoài nêu trên cũng có khả năng tương tác với nhau.
Dù sao, nó cũng thể hiện hai phe cánh khác nhau trong cuộc chiến về tâm thần phân liệt – những người xem nó là một rối loạn phát triển thần kinh di truyền và những người xem nó là một phản ứng trước các tác nhân tâm lý-xã hội, ví dụ như nghịch cảnh – cả hai đều nắm giữ những mảnh ghép khác nhau của câu đố. Ý tưởng về việc tâm thần phân liệt là một rối loạn đơn lẻ, bị đưa đến bởi một nguyên nhân, góp phần nuôi dưỡng xung đột này.
Gợi ý cho việc điều trị
Trong nhiều bệnh lý y khoa, như tiểu đường hay cao huyết áp, nhiều nguyên nhân khác nhau có thể tác động cùng một cơ chế sinh học và được điều trị bởi cùng một phương pháp. Tâm thần phân liệt cũng có thể như vậy. Thật vậy, nhiều ý kiến cho rằng những nguyên nhân khác nhau đưa tới tâm thần phân liệt như phía trên có thể có cùng một hệ quả: tăng lượng dopamine quá mức.
Nếu như vậy, những tranh luận về việc nên phân tâm thần phân liệt theo những yếu tố nguyên nhân có thể chỉ mang tính học thuật, vì nó sẽ không giúp định hướng điều trị. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng mới cho thấy những con đường khác nhau đưa đến các trải nghiệm được cho là tâm thần phân liệt có thể cần những hướng điều trị khác nhau.
Những bằng chứng ban đầu cho thấy các thuốc chống loạn thần thường ít hiệu quả với những người có chẩn đoán với tâm thần phân liệt gặp sang chấn lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này, và đương nhiên, những người đang sử dụng thuốc chống loạn thần không nên ngưng uống thuốc mà không có chỉ định y khoa. Bên cạnh đó, với các trường hợp tâm thần phân liệt là một dạng viêm não tự miễn (autoimmune encephalitis), cách điều trị hữu hiệu nhất có thể là liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) (ví dụ như corticosteroids) và thay huyết tương (plasma exchange).
Tuy nhiên bức tranh vẫn còn rất mơ hồ. Một số các can thiệp mới, như liệu pháp gia đình theo tiếp cận Đối thoại Mở (Open Dialogue approach), cho thấy kết quả hứa hẹn với nhiều người có chẩn đoán tâm thần phân liệt khác nhau. Cả những can thiệp chung và các can thiệp cụ thể, được thiết kế phù hợp với những nguyên nhân cá nhân đưa tới các trải nghiệm gắn với tâm thần phân liệt, đều cần thiết. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá và khảo sát thân chủ về tất cả những tác nhân tiềm tàng có thể liên quan. Nó bao gồm cả lạm dụng trẻ em, yếu tố vẫn còn thường xuyên không được hỏi và xác định.
Khả năng nhiều tiếp cận điều trị khác nhau được sử dụng cho nhiều trường hợp khác nhau giups giải thích thêm về cuộc chiến trong vấn đề tâm thần phân liệt. Các bác sĩ tâm thần, thân chủ hay gia đình quan sát thấy những tác động tích cực của các loại thuốc chống loạn thần thường bảo vệ cho tiếp cận này. Tuy nhiên những bác sĩ tâm thần, thân chủ hay gia đình không quan sát thấy tác động của các loại thuốc trên sẽ ca ngợi những tiếp cận thay thế khác có vẻ mang lại hiệu quả. Mỗi bên sẽ thấy bên còn lại đang từ chối tiếp cận mà mình cảm thấy hữu hiệu. Cũng cần phải khen ngợi những cố gắng bảo vệ trên, tuy nhiên cũng phải cẩn thận việc một người có khả năng bị từ chối tiếp cận có thể hữu hiệu với họ.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tất cả những điều trên không có nghĩa là khái niệm tâm thần phân liệt là vô dụng. Nhiều nhà tâm thần học vẫn xem nó là một hội chứng lâm sàng hữu dụng, giúp định nghĩa một nhóm người rõ rang có nhu cầu về sức khoẻ. Ở đây có thể xem nó như một định nghĩa sinh học chưa được hiểu rõ nhưng chia sẻ một nền tảng chung và có ảnh hưởng di truyền lên nhiều bệnh nhân.
Một số người có chẩn đoán tâm thần phân liệt sẽ cảm thấy nó có ích. Nó giúp họ tiếp cận với điều trị, gia tăng hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, gọi tên vấn đề họ gặp, chỉ ra rằng họ đang phải trải qua một căn bệnh chứ đó không phải là một thất bại của cá nhân. Tất nhiên, nhiều người sẽ cảm thấy chẩn đoán không mang lại lợi ích. Chúng ta cần giữ lại những lợi ích và loại bỏ những mặt tiêu cực của thuật ngữ tâm thần phân liệt, nhất là khi đang bước vào thời kỳ hậu-phân liệt.
Hình dạng của thời kỳ này vẫn chưa rõ ràng. Nhật Bản vừa thay tên tâm thần phân liệt bằng “rối loạn thống hợp” (integration disorder). Chúng ta cũng đã biết ý tưởng về “rối loạn phổ loạn thần”. Tuy nhiên, theo lịch sử, việc phân loại các bệnh lý trong tâm thần học được cho là kết quả của những xung đột mà trong đó “giáo sư nào nổi tiếng và có liên hệ nhiều nhất sẽ chiến thắng”. Tương lai cần được dựa trên bằng chứng và đối thoại, trong đó bao hàm góc nhìn của những người phải chịu đựng – và đối mặt hữu hiệu- với những trải nghiệm trên.
Bất kỳ điều gì trỗi dậy từ đống tro tàn của tâm thần phân liệt, nó phải đem lại những cách thế tốt đẹp hơn cho những người đang thật sự vật lộn với căn bệnh.
Tác giả: Simon McCarthy-Jones, Giáo sư Tâm lý Lâm sàng và Tâm lý Thần kinh, Trinity College Dublin
Link nguồn: http://www.psypost.org/2017/08/concept-schizophrenia-distinct-disease-coming-end-come-next-4955
Dịch: Saigon Psychub