THẾ NÀO LÀ NUÔI DẠY CON THÀNH CÔNG?
Madeline Levine là nhà lâm sàng và là tác giả sách “Teach Your Children Well: Parenting for Authentic Success.”
Những cụm từ “tiger mom” (người mẹ nghiêm khắc, đề cao việc thành công trong học vấn của con) và “helicopter parent” (cha/mẹ bảo vệ con quá mức, quan tâm quá nhiều đến cuộc sống của con) đã trở thành khái niệm quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Thế nhưng, liệu bảo bọc con quá mức (overparenting) là tích cực hay tiêu cực?
Chúng ta thường sẽ chế giễu những cha mẹ có cách nuôi dạy thái quá. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại hay có ý tưởng rằng nếu chỉ cố “nuôi dạy” con thêm một tí, chúng ta có thể biến con trẻ thành những tài năng vượt trội và có một tương lai chắc chắn. Vậy liệu việc “bảo bọc quá mức cấp độ nhẹ” này thật sự có vấn đề gì hay không?
Mức độ chăm sóc và bảo bọc của cha mẹ là một đề tài có lịch sử được nghiên cứu lâu dài và phong phú. Diana Baumrind – nhà tâm lý học lâm sàng và phát triển tại ĐH California, Berkeley – đã nhận thấy đa phần các nghiên cứu xuyên suốt nhiều thập kỷ cho rằng cha mẹ tối ưu là những người quan tâm và luôn sẵn sàng phản hồi, họ đặt kỳ vọng cao nhưng vẫn tôn trọng tính tự chủ của trẻ.
Những “bố mẹ quyền uy” (authoritative parents) này dường như chạm đến điểm mấu chốt của mức độ chăm sóc, quan tâm mà cha mẹ nên có. Họ cũng thường sẽ nuôi dạy con với khả năng học tập, phát triển tâm lý và xã hội ổn định hơn so với những trẻ có cha mẹ vừa dễ dãi (pessmisive) vừa thiếu để tâm, hoặc những cha mẹ quá kiểm soát và quá chú ý đến con.
Vì sao phong cách nuôi dạy con này lại thành công như vậy, nó cho ta thấy điều gì về việc bảo bọc con quá mức?
Một thực tế là những cha mẹ uy quyền thật sự giúp tạo động lực nơi trẻ. Carol Dweck, nhà tâm lý học xã hội và tâm lý học phát triển tại Đại học Standford, đã thực hiện nghiên cứu chỉ ra vì sao cha mẹ uy quyền nuôi dạy những trẻ có nhiều động lực hơn, do đó trở nên thành công hơn.
Trong một thực nghiệm điển hình, TS. Dweck đưa các trẻ đến một căn phòng và yêu cầu các em giải một câu đố đơn giản. Hầu hết trẻ đều có thể hoàn thành chỉ với một ít khó khăn. Sau đó, Dweck nói riêng với mội vài em trong số đó rằng các em rất sáng dạ và có năng lực. Kết quả cho thấy, những trẻ không được khen ngợi lại có nhiều động lực để tiếp tục giải các câu đố có độ khó cao hơn. Các trẻ này cũng thể hiện mức độ tự tin và tiến bộ tổng thể trong việc giải đố cao hơn.
Điều này có vẻ trái với suy đoán thông thường. Thế nhưng khen ngợi tài năng và năng lực của trẻ dường như làm lung lay sự tự tin của các em. Khi giải những câu đố khó hơn, nguy cơ đánh mất danh hiệu “thông minh” sẽ xuất hiện và lấy đi động lực giải đố vì chính câu đố đó, bất kể kết quả ra sao, nơi các em. Nghiên cứu của TS. Dweck ủng hộ nghiên cứu của TS. Baumrind, người phát hiện ra rằng việc khuyến khích một cách hợp lý tính tự chủ của trẻ và hạn chế can thiệp sẽ gíup đem lại kết quả học tập và năng lực cảm xúc tốt hơn.
Các nghiên cứu trên xác nhận điều tôi thấy trong hơn 25 năm thực hành lâm sàng, trị liệu cho trẻ em ở Hạt Marin, một vùng ngoại ô phát triển tại San Francisco. Những trẻ hạnh phúc và thành công nhất là những trẻ có các cha mẹ không làm giúp trẻ những điều trẻ có khả năng làm, hoặc hầu như có thể làm được; và cha mẹ cũng không làm cho trẻ những điều chỉ thỏa mãn mong muốn của riêng họ thay vì đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Nhiệm vụ trọng tâm của trưởng thành là phát triển cảm giác bản ngã mang tính tự chủ, tự tin và nhìn chung phù hợp với thực tế. Nếu bạn cư xử với trẻ ở tuổi chập chững như thể các em không thể tự đi, bạn đang làm giảm sự tư tin của trẻ và bóp méo thực tại. Sự việc cũng tương tự như vậy với các trường hợp giúp con “làm bài” mỗi tối, gọi tới gọi lui để “kiểm tra xem con có ổn không” và “chỉnh sửa” các bài luận ứng tuyển vào đại học của con.
Một khi con bạn có khả năng làm một điều gì đó, bạn hãy tự chúc mừng vì đã làm tốt một nhiệm vụ và sau đó hãy đi tiếp. Sự can thiệp liên tục, không cần thiết sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu về bản thân (nếu trẻ còn nhỏ) hay tức giận với bạn (nếu trẻ ở tuổi vị thành niên).
Nhưng chẳng lẽ nhiệm vụ của cha mẹ không phải là giúp đỡ những thứ ngoài tầm với của con hay sao? Vì sao lại gọi là quá bảo bọc con khi làm cho con những điều chúng gần như có khả năng tự làm được?
Hãy nhớ lại khi con ở tuổi đang tập đi. Trẻ sẽ bước 1, 2 bước xiêu vẹo, bị ngã và ngay lập tức tìm kiếm phản ứng của bạn. Bạn bị cuốn vào những nỗ lực đầu tiên này của con và muốn làm mọi thứ có thể để khích lệ con đứng lên lần nữa. Bạn chắn chắn không trách phạt vì con thất bại và cũng không đưa ra những dự đoán tuyệt vọng về một tương lai tầm thường của cuộc đời trẻ nếu trẻ ngã lần nữa. Bạn hiện diện, tỉnh táo và sẵn sàng hướng dẫn khi cần thiết. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng sẽ đỡ con dậy khi con ngã.
Bạn hiểu rằng trẻ phải làm sai nhiều lần trước khi có thể làm đúng.
Lùi lại và cho phép trẻ phạm sai lầm là một trong những thử thách khó khăn nhất của việc làm cha mẹ. Tình huống sẽ dễ dàng hơn đối khi trẻ còn nhỏ tuổi – trải nghiệm về một đứa trẻ chập chững tập đi bị ngã sẽ khác rất nhiều với việc cho phép đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên gặp gỡ bạn bè ở trung tâm thương mại. Những sai lầm tiềm ẩn có thể mang đến các rủi ro lớn hơn, và một phần của việc làm cha mẹ là tối thiểu hóa các nguy cơ này cho trẻ.
Chúng ta nên chấp nhận những loại nguy cơ nào? Nếu có thú dữ xổng chuồng trong khu dân cư, con gái bạn sẽ không được phép đi đến khu mua sắm. Nhưng với những tình huống thông thường khác, một bé gái sắp vị thành niên thật sự có khả năng tự chăm sóc mình trong vòng vài tiếng đồng hồ với sự đồng hành của bạn bè cùng lứa. Cô bé có thể quên một gói hàng, trả quá tiền cho một món đồ hoặc quên rằng mình phải gọi về nhà vào buổi trưa. Hiểu biết về thế giới là một bài học địa lý mở rộng cho trẻ nhỏ, đối với trẻ mới biết đi, đó là khoảng sân sau nhà; với trẻ sắp vị thành niên là trong phạm vi khu phố, với trẻ vị thành niên là thế giới rộng lớn hơn. Nhưng chính trong những rủi ro nhỏ hàng ngày – một cầu trượt cao hơn, một chuyến đạp xe quanh khu nhà, một lời mời gửi đến cho bạn mới – sự trưởng thành sẽ diễn ra. Chính trong sự mơ hồ vừa ra khỏi vùng thoải mái là nơi mà sức bật được hình thành.
Vì vậy, nếu trẻ có thể chấp nhận sai lầm hay thậm chí là thất bại, tại sao điều đó lại khiến ta phát rồ? Rất nhiều cha mẹ đã nói với tôi, “Tôi không thể chịu nổi khi thấy con không vui.” Nếu bạn không thể chịu được khi chứng kiến con buồn bã, bạn đang làm không đúng công việc của mình. Những thử thách nhỏ khởi đầu từ tuổi sơ sinh (tiếng khóc đầu tiên không khiến bạn phải cuống lên chạy đến trẻ) cho thấy cơ hội của “những sai lầm thành công,” nghĩa là, những sai lầm mà con bạn có thể chấp nhận và lớn lên từ đó. Vội vã thúc giục con, che chở con, tách con khỏi những thử thách đó chính là lấy mất những công cụ con cần có để xử lý những thử thách đầy khó khăn, không thể tránh khỏi và đôi khi mang tính hủy hoại mà cuộc sống mang đến.
Trong khi làm giúp con những điều không cần thiết và sai thời điểm có thể làm giảm động lực và tăng sự phụ thuộc của con, việc thiếu khả năng duy trì ranh giới của cha mẹ lại gây tổn hại nhiều nhất cho sự phát triển của trẻ. Khi chúng ta làm cho trẻ những điều mà chúng ta cần thay vì trẻ cần, chúng ta sẽ khiến trẻ đi chệch khỏi nhiệm vụ quan trọng nhất trong độ tuổi của trẻ: phát triển một cảm giác bản ngã vững mạnh.
Có sự khác biệt quan trọng giữa sự can thiệp tích cực và tiêu cực của cha mẹ. Ví dụ, một trẻ nhỏ không muốn ngồi yên và làm bài tập toán. Phụ huynh tốt là người sẽ nhấn mạnh vào việc tuân thủ, không phải vì muốn con trở thành học sinh hoàn hảo, mà bởi trẻ cần học các nguyên tắc cơ bản của toán học và phát triển tác phong làm việc nghiêm túc. Hãy so sánh kiểu phụ huynh này với những phu huynh dành hàng tuần liền để “giúp đỡ” con điền đơn dự tuyển vào đại học với mong đợi rõ ràng là nếu cùng nhau cố gắng hết sức, chắc chắn con sẽ có một “vé vào” trường. (Thực tế hầu hết thân chủ của tôi là cha mẹ đã có bằng đại học, luôn luôn có một dấu hiệu của sự bảo bọc quá mức mỗi khi họ nói về việc kiểu như “chúng tôi đang nộp đơn vào trường Columbia”)
Trong cả 2 trường hợp cha mẹ đều sử dụng quyền kiểm soát, trường hợp thứ nhất là về mặt hành vi (ngồi xuống, làm bài toán) và trường hợp thứ 2 là về mặt tâm lý (“chúng tôi ứng tuyển”.) Sự kiểm soát tâm lý gây ra tổn hại ‘kinh điển’ cho sự phát triển bản sắc của trẻ. Nếu như sự thúc đẩy, chỉ dẫn, động lực và phần thưởng luôn đến từ bên ngoài, trẻ sẽ không bao giờ có cơ hội hình thành kỹ năng từ bên trong. Cha mẹ thuê gia sư để giúp đứa trẻ 3 tuổi đầy lo lắng của mình chuẩn bị tốt cho ở buổi phỏng vấn vào mầm non chỉ vì tất cả con cái của bạn bè họ đều học ở trường đó; hay việc thúc ép đứa bé mệt mỏi tham gia thêm một khóa học nâng cao vì điều đó có thể đảm bảo vị trí thủ khoa lớp. Những hoạt động này không hàm chứa việc nuôi dạy con mang tính can thiệp, chính việc đáp ứng những nhu cầu của cha mẹ về địa vị và danh tiếng thay vì quan tâm đến nhu cầu của con mới là việc bảo bọc quá mức gây hại cho trẻ.
Như vậy, làm cách nào để cha mẹ tìm được can đảm để từ bỏ việc bảo bọc con quá độ? Thật khó để bơi ngược dòng, để chống lại áp lực đồng đẳng, nhưng chúng ta phải nhớ rằng trẻ nỗ lực nhiều nhất khi được ở trong môi trường tin cậy, sẵn sàng, nhất quán và không can thiệp.
Một phụ huynh đầy yêu thương là một người ấm áp, sẵn sàng đặt ra những giới hạn và không muốn vi phạm những ranh giới tâm lý bằng việc khiến con cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi. Phụ huynh cần thừa nhận nỗi lo lắng của chính mình. Nhiệm vụ của bạn là hiểu con trẻ đủ nhiều để có thể đưa ra quyết định đúng đắn tình huống cụ thể nào con có thể xử lý được. Bạn sẽ vẫn cảm thấy lo lắng? Có thể, nhưng nhiệm vụ của trẻ là lớn lên, việc của bạn là kiểm soát sự lo lắng của mình để nó không cản trở những biến chuyển hợp lý hướng đến sự tự chủ của trẻ.
Phụ huynh cũng cần làm rõ giá trị của chính mình. Trẻ quan sát chúng ta rất gần. Nếu bạn muốn trẻ tự bảo vệ các giá trị của bản thân, bạn cũng phải làm điều tương tự. Nếu bạn tin rằng một mùa hè chỉ dành cho việc đọc sách, cho những cuộc đi bộ và chơi đùa sẽ tốt hơn tham dự một kỳ cắm trại đặc biệt, bạn cứ giữ chính kiến của mình. Phụ huynh cũng cần đảm bảo cuộc sống của mình được đủ đầy. Không có phụ huynh nào dễ bị tổn thương vì kiểu nuôi dạy con bảo bọc quá mức nhiều như những phụ huynh không hạnh phúc. Một trong những điều quan trọng chúng ta làm được cho con trẻ là cho chúng thấy một phiên bản đời sống của người lớn đầy thu hút và xứng đáng để trẻ nỗ lực hướng đến.
Link nguồn:
http://www.nytimes.com/2012/08/05/opinion/sunday/raising-successful-children.html