LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ĐO ĐẠC HẠNH PHÚC?

Làm sao để đo hạnh phúc?

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về định nghĩa của wellbeing (an nhiên, viên mãn, hạnh phúc). Tuy nhiên, hiện tại các nhà nghiên cứu đang dần đồng ý rằng nó không thể được tối giản chỉ còn là việc tận hưởng vật chất. Nó còn bao hàm các phương diện khác của cuộc sống như sức khoẻ và các mối quan hệ xã hội.

Nâng cao wellbeing được xem như là một trong những thành tố quan trọng trong việc phát triển xã hội. Tuy nhiên, nếu nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống ảnh hưởng đến wellbeing, vậy liệu chúng ta có nên xây dựng một cách đo lường chung về nó? Liệu đo lường “hạnh phúc” có phải là một thang đo hữu dụng?

Trước khi chúng ta bắt đầu sử dụng wellbeing để đánh giá sự phát triển của xã hội, chúng ta cần làm rõ bản thân khái niệm về wellbeing.

Đo lường hạnh phúc

Một trong những cách để đo hạnh phúc là sử dụng khảo sát số đông. Trong đó, mỗi người tham gia sẽ trả lời những câu hỏi đơn giản về mức độ hạnh phúc hay hài lòng về cuộc sống của mình. Nhiều bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của điều kiện kinh tế lên mức độ hài lòng cuộc sống thấp hơn chúng ta thường nghĩ. Đồng thời, các mặt khác như sức khoẻ và tình trạng thất nghiệp có vai trò quan trọng không kém.

Cách đo lường bằng khảo sát này trông thì có vẻ đáng tin, tuy vậy, theo các nhà tâm lý, hạnh phúc và mức độ hài lòng với cuộc sống không đơn giản là trùng lắp với nhau. Hài lòng về cuộc sống có yếu tố nhận thức trong đó-cá nhân cần lùi lại một bước và đánh giá cuộc sống của mình- trong khi hạnh phúc lại phản ánh những cảm xúc tích cực và tiêu cực mà họ trải nghiệm.

Việc tập trung vào các cảm xúc tích cực và tiêu cực có thể dẫn tới việc hiểu wellbeing theo nghĩa “khoái lạc” (hedonic), chỉ dựa vào cảm giác thích thú và thiếu vắng đau khổ. Nó sẽ quan tâm tới việc cá nhân đánh giá điều gì là đáng trông đợi, dẫn tới việc tạo nên một tiếp cận dựa trên ý thích. Trong khi đó, con người có thể trông đợi hàng vạn thứ khác nhau.

Nói cách khác, hạnh phúc có thể là một yếu tố trong việc đánh giá wellbeing, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất.

Tiếp cận dựa trên khả năng

Amartya Sen, một nhà khoa học đạt giải Nobel, chỉ ra rằng việc hiểu wellbeing dựa trên cảm giác thoả mãn, hài lòng và hạnh phúc có hai vấn đề.

Vấn đề đầu tiên là “việc từ chối các điều kiện thể lý”. Cơ thể con người thích nghi một phần nào đó với các tình huống gây khó chịu, nghĩa là những người nghèo đói hay bệnh tật vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc. Một nghiên cứu gây “sốc” bởi một nhóm các bác sĩ tại Bỉ và Pháp cho thấy thậm chí trong nhóm bệnh nhân có bệnh mãn tính, phần lớn họ cho biết mình vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Vấn đề thứ hai là việc “từ chối đánh giá”. Việc đánh giá cuộc đời là một hành động mang tính tự suy ngẫm và phản ánh. Chúng ta không thể tối giản nó thành cảm giác hạnh phúc hay không hạnh phúc. Tất nhiên, Sen thừa nhận “việc cho rằng một người đang bị đau đớn hay buồn khổ hành hạ vẫn cảm thấy ổn thoả thì thật là kì quặc”.

Vì thế, chúng ta không nên từ chối hoàn toàn tầm quan trọng của cảm giác hạnh phúc nhưng cần nhìn nhận rằng đó không phải là thứ duy nhất mà con ngừoi quan tâm. Cùng làm việc với Martha Nussbasum, Sen đã đưa ra một cách nhìn khác: tiếp cận dựa trên khả năng, trong đó cho rằng cả đặc điểm cá nhân lẫn hoàn cảnh xã hội đều ảnh hưởng tới khả năng giành lấy hạnh phúc của con ngừoi tương ứng với nguồn lực nhất định.

Tặng sách cho một ngừoi mù chữ không thể làm tăng sự viên mãn của họ (thậm chí còn có thể gây ra điều ngược lại), điều này tương tự với việc có xe hơi không đồng nghĩa với việc làm tăng khả năng di chuyển nếu đường xá không thuận lợi.

Theo Sen, những gì con người có thể làm hay có thể trở thành – ví dụ như dinh dưỡng đầy đủ hay xuất hiện trước đám đông mà không ngại ngần – mới là những thứ quan trọng cho wellbeing. Sen gọi những thành tựu này là các “chức năng” của con người. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc định nghĩa wellbeing chỉ dựa trên khái niệm về chức năng là không đủ, wellbeing còn bao gồm cả sự tự do.

Ví dụ điển hình mà ông đưa ra liên quan tới việc so sánh giữa hai cá nhân thiếu dinh dưỡng. Người đầu tiên là vì nghèo và không mua nổi thức ăn; người thứ hai thì giàu nhưng lựa chọn kiêng ăn vì lý do tôn giáo. Tuy cả hai đều có cùng một mức độ dinh dưỡng nhưng không thể nói họ có cùng chung một mức độ hạnh phúc.

Vì thế, Sen cho rằng wellbeing cần được hiểu theo nghĩa đó là những cơ hội thật sự của con người- thật vậy, tất cả những tập hợp chức năng khả thi mà con người có thể lựa chọn.

Tiếp cận dựa trên khả năng này có tính đa diện, tuy vậy với những người làm chính sách hay có tư tưởng tính toán thoả hiệp một cách lý trí lại thường yêu cầu phải có một công cụ đo lường độc nhất. Cũng dựa trên tiếp cận về khả năng nhưng những người có cách nghĩ này thường không tin tưởng vào hoàn cảnh và lựa chọn cá nhân, thay vào đó họ áp dụng một bộ các tiêu chí chung cho tất cả mọi người.

Các bộ “tiêu chí tổng hợp” – như Chỉ số phát triển con ngừoi (Human Development Index-HDI) của Liên Hiệp Quốc, trong đó đo lường tổng thể sức tiêu thụ, tuổi thọ trung bình và chất lượng giáo dục ở mức độ quốc gia- là kết qủa của cách nghĩ trên. Cách tính này khá thông dụng trong giới làm chính sách nhưng lại là nạn nhân của việc chỉ đơn giản cộng điểm số các mặt khác nhau, và xem tất cả các khía cạnh đều ngang bằng nhau.

Chú trọng đến đánh giá cá nhân

Bênh cạnh tiếp cận chủ quan và khả năng ở trên, một cách tiếp cận thứ ba về wellbeing-tiếp cận dựa trên sở thích-quan tâm đến việc con người đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của những phương diện khác nhau trong cuộc sống.

Một số cho rằng làm việc siêng năng là có giá trị cho cuộc sống, một số khác lại mong muốn giành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Vài người thích gặp gỡ bạn bè, trong khi vài người lại chỉ thích đọc sách ở một nơi yên tĩnh.

Cách nhìn “dựa trên sở thích” xuất phát từ từ ý tưởng cho rằng con người chỉ hạnh phúc khi thực tế tương đồng với những gì họ cho là quan trọng.

Vì thế, sở thích sẽ có yếu tố “giá trị” trong nó: nó thể hiện suy nghĩ được một người cân nhắc kỹ càng với đầy đủ thông tin về một cuộc sống viên mãn là gì chứ không đơn thuần là hành vi mang tính “thị trường”, cung-cầu.

Tiếp cận này không trùng lắp với khái niệm mức độ hài lòng cuộc sống chủ quan. Chúng ta có thể liên tưởng đến ví dụ về những người có hội chứng bại liệt nhưng vẫn còn đầy đủ ý thức, họ vẫn có mức độ hài lòng cuộc sống cao khi đã thích nghi với tình huống. Điều này không có nghĩa là họ không muốn tình trạng của mình trở lại bình thường-và chắc chắn không có nghĩa rằng những người khoẻ mạnh sẽ không cảm thấy phiền lòng khi rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Một thang đo dựa trên sở thích khác được nhà kinh tế học Marc Flerubaey sử dụng yêu cầu cá nhân lựa chọn những giá trị khác nhau cho các khía cạnh cuộc sống không liên quan đến thu nhập (ví dụ sức khoẻ và số giờ làm việc). Những giá trị này sẽ phụ thuộc vào từng người: mọi người có thể sẽ đồng ý rằng không bị bệnh tật là trạng thái tích cực nhất, nhưng một luật sư nghiện công việc sẽ có những giá trị rất khác về số giờ làm việc so với một người công nhân phải làm việc cực nhọc và độc hại.

Sau đo, Fleurbaey đề nghị cá nhân, kết hợp với các giá trị đối chiếu phi-thu-nhập ở trên, xác định một mức lương sẽ khiến họ hài lòng với hoàn cảnh hiện tại.

Số lượng chênh lệch giữa “thu nhập tương xứng” và thu nhập thực tế công việc của cá nhân sẽ giúp trả lời câu hỏi: “Bạn muốn từ bỏ bao nhiêu để có nhiều sức khoẻ và thời gian hơn?”

Một số nhà tâm lý tỏ ra thận trọng với các tiếp cận dựa trên sở thích vì nó giả định con người luôn suy nghĩ có cân nhắc và có đầy đủ thông tin về những điều tạo nên một cuộc sống viên mãn. Và thậm chí nếu những sở thích này tồn tại, chúng ta vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc đo lường chúng vì có các mặt trong cuộc sống không thể dễ dàng “mua bán” được như thời gian giành cho gia đình hay sức khoẻ.

Liệu tất cả những điều trên có thể được áp dụng vào thực tế?

Bảng xếp hạng bên dưới, được thực hiện bởi hai nhà kinh tế học người Bỉ Koen Decancq và Erik Schokkaert, cho thấy mỗi tiếp cận về wellbeing khác nhau sẽ đưa tới những hệ quả thực tiễn như thế nào.

18 quốc gia Châu Âu vào năm 2010 (ngay sau khủng hoảng kinh tế) được xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí đo lường: thu nhập bình quân, mức độ hài lòng cuộc sống bình quân, và “thu nhập tương xứng” bình quân (trong đó có tính đến sức khoẻ, tỉ lệ thất nghiệp, độ an toàn và chất lượng tương tác xã hội).

Một số kết quả khá bất ngờ. Người dân Đan Mạch hài lòng với cuộc sống nhiều hơn khá nhiều so với thứ hạng giàu có của họ, trong khi đó Pháp lại là trường hợp ngược lại. Không có khác biệt lớn khi so sánh về thu nhập tương xứng, tuy nhiên, điều này cho thấy mức độ hài lòng của hai quốc gia bị ảnh hưởng khá lớn từ những khác biệt về văn hoá.

Đức và Hà Lan cũng có mức hài lòng thấp hơn mức thu nhập, tuy nhiên thu nhập tương xứng của hai nước này lại cho thấy các phương diện phi-thu-nhập có thứ hạng không được mấy khả quan.

Hy Lạp cũng có mức hài lòng về cuộc sống khá thấp. Các yếu tố văn hoá có thể đóng vai trò khá quan trọng trong vấn đề này, tuy nhiên Hy Lạp cũng có mức chênh lệch giàu nghèo khá cao. Điều này lại không được thể hiện rõ trong thứ hạng thu nhập ở trên.

Những khác biệt giữa các cách đo lường khác nhau cho thấy vấn đề quan trọng trong việc nên lựa chọn sử dụng phương thức nào để tìm hiểu về well being. Nếu chúng ta muốn sử dụng thang đo nhằm xếp hạng khả năng đem lại hạnh phúc giữa các quốc gia, thang đo đơn giản như cảm nhận hạnh phúc chủ quan có thể được sử dụng. Với mục đích làm chính sách, nếu chúng ta muốn theo dõi liệu cá nhân có cải thiện các mặt mà họ cho là quan trọng, thang đo đánh giá đa diện theo tiếp cận dựa trên khả năng nên được sử dụng. Nếu quan tâm tới khác biệt giữa các cá nhân về việc đâu là những phương diện quan trọng trong cuộc sống, thang đo theo tiếp cận dựa trên sở thích, lựa chọn có thể là thang đo phù hợp giành cho chúng ta.

Henry S. Richardson, Professor of Philosophy, Senior Research Scholar, Kennedy Institute of Ethics, Georgetown University

Erik Schokkaert, Professor of Economics, University of Leuven

Nguồn: http://theconversation.com/how-do-we-measure-well-being-70967

Có thể bạn quan tâm

KHI KINH TẾ HỌC GẶP TÂM LÝ HỌC: NHÀ KINH TẾ NHẬN GIẢI NOBEL BẰNG TÂM LÝ HỌC HÀNH VI

Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2017 vừa được trao cho TS. Richard Thaler

NHÀ TRỊ LIỆU CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÓC?

Nước mắt nhà trị liệu không thể được nhìn nhận là tích cực hay

CƠN HOẢNG LOẠN CÓ CẢM GIÁC NHƯ THẾ NÀO?

Hàng triệu người Mỹ đang phải chịu tác động của các rối loạn lo âu

KHÓ KHĂN TINH THẦN CỦA TÔI CÓ THỂ ĐƯỢC CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN KHÔNG?

John đang gặp nhà tâm lý lần đầu tiên. Anh ấy đã có tâm

TRANG PHỤC ẢNH HƯỞNG ĐẾN TƯ DUY CỦA BẠN RA SAO?

Một nghiên cứu mới của các nhà tâm lý tại ĐH Bang California và