VƯỢT QUA SỰ TRÌ HOÃN (GETTING OVER PROCRASTI – NATION)
Các bạn muốn nghe một câu chuyện cười về sự trì hoãn không?
Để lát tôi hẳn kể các bạn nhé.
Piers Steel, tâm lý gia thuộc ĐH Calgary đã sưu tập vô số những câu như vậy trong quá trình nghiên cứu bản chất của sự trì hoãn. Tự bản thân từng là một người hay trì hoãn kinh khủng, ông biết dung liều lượng hài hước vừa phải để không gây tổn hại. Điều này chắc chắn tốt hơn việc liên tục chất đống lo âu về những công việc bạn nên làm ngay bây giờ nhưng lại đợi một tí, một tí rồi lại một tí, cơ hội hoàn thành công việc sẽ ngày càng nhỏ lại trong khi hậu quả sẽ càng ngày càng lớn hơn trước.
Xu hướng trì hoãn đã có mặt ngay từ buổi rạng đông của văn minh nhân loại.
Steel cho biết, từ năm 1400 TCN, người Ai Cập cổ đại đã gặp khó khăn trong việc quàn lý thời gian cơ bản. “Hỡi các bạn, hãy ngưng trì hoãn công việc và cho phép mọi người về nhà đúng giờ,” một vài chữ tượng hình được dịch bởi nhà Ai Cập học Ronald Leprohon, ĐH Toronto. Sáu trăm năm sau, năm 800 TCN, nhà thơ tiên khởi người Hy Lạp Hesiod đã cất lên một xúc cảm tương tự, cảnh báo chúng ta không nên “để công việc lại ngày mai và ngày hôm sau, vì người lười biếng sẽ chẳng mau làm đầy kho lúa, chẳng phải người để lâu công việc”. Năm 44 TCN, Cicero ám chỉ “chậm chạp và trì hoãn” luôn luôn “đáng ghét”. (James Surowiecki viết về sự quan tâm của các triết gia đến sự trì hoãn trong tạp chí năm 2010).
Cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn qua thời gian. Khi năm 1751, Samuel Johnson nhận xét rằng,
“Sự điên loạn khi cho phép bản thân trì hoãn điều ta biết cuối cùng sẽ không thể tránh khỏi là một trong những đớn hèn thường thấy. Để ngoài tai lời dạy của những đạo đức gia, và sự rầy la từ lý trí, nó vẫn thống trị ít nhiều trong tư tưởng mỗi người. Ngay cả những ai kiên trì chống trả cũng nhận thấy rằng, nếu không nhờ sự đam mê điên cuồng và bướng bỉnh, sự trì hoãn vẫn sẽ lại tấn công, và dù có thường xuyên bị chinh phục, chẳng bao giờ bị xóa bỏ hoàn toàn.”
Ông kết luận rằng “việc ta quan tâm đặc biệt đến thời gian hiện tại”, nếu không là đáng trân trọng hay mơ ước, thì chí ít cũng là việc “bình thường”.
Tình thế dường như vẫn không thay đổi vào thể kỷ 21. Sinh viên vẫn trì hoãn thay vì làm bài tập về nhà. Theo một nghiên cứu, trong khi chỉ có 1% sinh viên đại học được khảo sát tự cho rằng mình không bao giờ trì hoãn thì có 32% lại là những người hay trì hoãn một cách trầm trọng – điều này cho thấy hiện tượng trên đã tiến triển từ một phiền toái đơn thuần trở thành một vấn đề thật sự. Bên cạnh đó, nhân viên cũng trì hoãn thay vì chú tâm hoàn thành nhiệm vụ công việc. Một nghiên cứu khác cho thấy người lao động bỏ ra trung bình một tiếng hai mươi phút mỗi ngày để trì hoãn công việc; thời gian đó khi được tính ra sẽ bằng 9000 USD trên mỗi nhân viên trong một năm. Trong một khảo sát được thực hiện năm 2007, khoảng ¼ số người trưởng thành được khảo sát liệt kê trì hoãn như một trong những nét tính cách dùng để mô tả bản thân. Bên cạnh mẫu được lấy từ Mỹ còn có Châu Âu, Nam Mỹ và Úc.
“Đây là xu hướng chung của nhân loại” Steel cho hay. Có vẻ chúng ta ai cũng từng trải nghiệm cảm giác này. Những dự án chưa hoàn thành, những email phải gửi, những người cần gọi. Mặc cho cố gắng tới đâu, chúng ta vẫn cách nào đó không thể tiến gần đến vệc hoàn thành chúng. Steel nói, “Một yếu tố tạo nên sự trì hoãn là việc không đủ chủ định làm việc”. Khó khăn đến từ việc theo đuổi xuyên suốt ý định đó. Với đa số chúng ta, trì hoãn không phải là một trải nghiệm dễ chịu. Không giống như trốn họp hay cúp cua và cảm nhận sự tự do của việc nổi loạn; nó là cảm giác áp lực đang tăng dần – cảm giác biết rằng chúng ta cuối cùng cũng phải đối mặt với điều ta đang trốn tránh. Khoảng 95% người trì hoãn mong mỏi bản thân có thể giảm bớt xu hướng này; đồng thời, nhu Steel viết trong cuốn sách “Phương trình Trì hoãn” của ông, trì hoãn khiến mức độ hạnh phúc tổng thể thấp hơn, sức khỏe tệ hơn và tiền lương cũng ít hơn. Vậy tại sao trì hoãn lại là một hiện tượng phổ biến đến như vậy? Nếu chúng ta không thật sự muốn trì hoãn và nó khiến chúng ta khó chịu đến thế, sao chúng ta vẫn phải như vậy?
Đây chính là câu hỏi làm Steel bận tâm và khiến ông bắt đầu nghiên cứu vào những năm 90. Một trong những nghiên cứu đầu tiên của ông khi còn là nghiên cứu sinh do Thomas Brother hướng dẫn tại trường ĐH Minnesota bao gồm việc quan sát các sinh viên khi họ tìm hiểu những tài liệu của một khóa học trực tuyến. “Nó cơ bản là một lớp học vi tính hóa nơi mọi người có thể làm việc với tốc độ của riêng mình”, ông nói, “Và chúng tôi có một dữ liệu thời gian- tốc độ tuyệt vời: họ đang học bao nhiêu và nhanh chậm như thế nào.” Nói cách khác, nhóm nghiên cứu thu được hành vi có thể quan sát – ví dụ, thời gian sinh viên hoàn thành các bài tập hay họ tập trung vào các nhiệm vụ tốt đến mức nào – đồng thời so sánh chúng với những thang đo tự đánh giá, mà trong đó có xu hướng trì hoãn.
Khi Steel hoàn thành phân tích, có một khám phá đặc biệt nổi bật:
Những người trì hoãn quá mức có mức tự điều chỉnh thấp. Thực tế, mức tự điều chỉnh – khả năng thực hiện việc tự kiểm soát và tạm hoãn các phần thưởng tức thời để thu được lợi ích trong tương lai – chịu trách nhiệm cho 70% các hành vi trì hoãn được ghi nhận. Từ mối liên hệ này, Steel đưa ra suy luận chính: Nếu trì hoãn chỉ đơn giản là mặt đối lập của tính bốc đồng thì sao? Như bốc đồng là sự thất bại của cơ chế tự kiểm soát – chúng ta đáng nhẽ phải chờ nhưng thay vào đó lại hành động ngay – vậy trì hoãn cũng thế: chúng ta cần làm ngay nhưng thay vào đó, chúng ta lại đợi.
Năm 2007, Steel cuối cùng cũng công bố nghiên cứu luận văn của mình – ông nói đùa rằng “mất 10 năm tôi mới viết được một dự án 3 năm” – nhưng chính trong những năm đó, ông đã tiếp tục theo đuổi mối liên hệ giữa tính bốc đồng và việc trì hoạn. Nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, ông tìm ra một tương quan giống nhau: các cá nhân dễ bốc đồng cũng có xu hướng trở thành những người trì hoãn quá mức. Steel tóm tắt những đúc kết của mình trong một phân tích đa chiều được rút ra từ hơn 200 nghiên cứu. Khi kiểm tra dữ liệu, ông nhận thấy hai tính cách có thể chia sẻ chung một nền tảng về di truyền. “Tất cả những khái niệm cơ bản này, tự giác, tự kiểm soát và ngược lại, sự trì hoãn, rất có thể đều cùng là một hiện tượng,” ông cho biết.
Vào tháng Tư, nhà di truyền học hành vi Naomi Friedman cùng nghiên cứu sinh Daniel Gustavson và 2 đồng nghiệp khác tại ĐH Colorado ở Boulder đã thử kiểm tra trực tiếp phát biểu trên thông qua một nghiên cứu trên 347 cặp song sinh cùng giới cùng trứng và khác trứng tham gia trong Nghiên cứu chiều dọc về Song Sinh Colorado. Nghiên cứu kéo dài từ khi cặp song sinh ra đời vào những năm 80 và đã cung cấp một lượng lớn dữ liệu về sự bốc đồng, như liệu chủ thể có gặp khó khăn để bắt tay thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hay không. “Điều này về cơ bản cũng đã là thước đo về sự trì hoãn”, Friedman nói với tôi. Được Gustavson đánh động, bà cùng các đồng nghiệp đã quyết định tìm kiếm kỹ càng hơn mối quan hệ giữa trì hoãn và sự bốc đồng. Nhóm nghiên cứu yêu cầu mỗi cặp song sinh thực hiện một bộ câu hỏi đo lường sự trì hoãn, bốc đồng, và quản lý mục tiêu, nhờ vậy nhóm có thể lượng giá mức độ những tích cách và hành vi này, ngược với yếu tố môi trường, được định hình bởi di truyền như thế nào.
Logic phân tích khá đơn giản: Mỗi cặp sơ sinh sống chung một môi trường gia đình, nhưng chỉ những cặp song sinh cùng trứng mới có chung tất cả các gene trong khi những cặp còn lại chỉ chia sẻ một nửa mà thôi. Bằng cách nhìn vào sự khác biệt trong biến hành vi giữa hai kiểu song sinh, nhà nghiên cứu có thể phỏng đoán mức độ vài tính cách được di truyền. (Tất nhiên, phương pháp này không chính xác 100%: ngay cả cặp song sinh sống chung một mái nhà cũng có thể trở thành đối tượng của các ảnh hưởng môi trường khác nhau.) Giống Steel, nhóm của Friedman tìm ra rằng sự trì hoãn và bốc đồng đi song hành với nhau. Họ còn đi xa hơn và tìm hiểu liệu hai xu hướng này có chia sẻ cùng một nền tảng di truyền hay không.
Cuối cùng, kết quả là có. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng mỗi nét tính cách có tính di truyền vừa phải: khoảng 46% xu hướng trì hoãn và 49% xu hướng bốc đồng có nguyên nhân từ di truyền. Nhưng mối tương quan di truyền giữa hai tính cách được ước tính là 1 –thật vậy, hoàn hảo- hoặc ít nhất là đạt gần đến sự hoàn hảo nhất có thể. Hơn thế nữa, nhóm của Friedman nhận ra cả hai tính cách có thể lần lượt được liên hệ với khả năng quản lý mục tiêu. Cả hai biến đổi về di truyền tương thích có ý nghĩa (68%) với xu hướng thất bại trong mục tiêu. Friedman nói,
“Có thể yếu tố thật sự kết nối những nét tính cách này là do chúng ta thất bại trong việc theo đuổi những mục tiêu dài hạn của mình”.
Nếu ta nghĩ trì hoãn như là mặt đối lập của bốc đồng – là sự thất bại trong việc tự kiểm soát thay vì là thiếu tham vọng – thì cách chúng ta tiếp cận cũng sẽ thay đổi. Với Steel, điều này có nghĩa là những cách tiếp cận hiện tại chỉ dựa trên giả định rằng chúng ta chỉ đơn giản cần được khuyên bảo thôi trì hoãn mà thôi. Ông nói,
“Thực tế, chúng ta có vẻ vẫn phải dùng tiếp cận mục tiêu SMART 1982” [SMART bao gồm: Specific-cụ thể; Measurable-có thể đo lường; Assignable-có thể được phân công; Realistic-thực tế; và Time-based:có phân định thời gian] “Nhưng chúng ta thật sự biết cách thức giảm nhẹ vấn đề trì hoãn một cách hiệu quả hơn nhiều”.
Với phương diện tự kiểm soát, một mẹo giúp làm việc hiệu quả là tái phân bố những mục tiêu quá tham vọng và lớn lao thành những việc cụ thể, có thể kiểm soát và tức thời, vơi trì hoãn cũng tương tự như vậy. “Chúng ta biết khi thời hạn công việc đến gần, sẽ có rất nhiều động lực tự động xuất hiện” Steel chỉ ra. “Vậy liệu bạn có thể tạo ra những thời hạn “nhân tạo” bắt chước vậy không?”
Đề nghị trên của Steel được mượn từ cách tiếp cận của Gabrielle Oettinden và Peter Gollwitzer thuộc ĐH New York, hai tâm lý gia nghiên cứu về tự kiểm soát và thiết lập mục tiêu: hãy biến những mục tiêu của bạn thành nhỏ nhất, tức thời nhất và cụ thể nhất có thể. Ví dụ, Steel thường dùng các khoản 10 phút để bắt đầu những nhiệm vụ mà ông không muốn làm. “Vấn đề với những mục tiêu ta tìm cách tránh né là do ta xây dựng trong suy nghĩ của mình những việc đó sẽ kinh khủng như thế nào” “Cũng giống đi bơi trong hồ lạnh cóng: những giây đầu tiên sẽ rất khủng khiếp, nhưng dần dần ta sẽ cảm thấy tốt hơn.” Vậy, hãy lập mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian ngắn, đồng thời tái đánh giá chúng. Thông thường, bạn sẽ có thể tiếp tục làm việc một khi vượt qua được cú nhảy đầu tiên. Steel nói,
“Bạn đừng nói ‘tôi sẽ viết bài’ mà hãy nói ‘tôi sẽ viết được 400 chữ trong 2 tiếng’ ”. “Càng cụ thể thì càng dễ thực hiện. Đó là điều thúc đẩy chúng ta”.
Những phần khác trong cách tiếp cận của Oettingen và Gollwitzer bao gồm loại bỏ những chướng ngại cản bạn đến với mục tiêu. Xác định những yếu tố “nóng” khi kiểm soát xung năng– những thời điểm bạn dễ để mình bị xao nhãng- và tìm cách trực tiếp giải quyết chúng. “Một trong những việc dễ làm nhất là nhận ra vấn đề nằm ở sự xao nhãng, chứ không phải ở mục tiêu của bạn,” Steel nói. “Vậy bạn cần làm sao cho những nguồn gây nhiễu trở nên khó tiếp cận. Khiến chúng ít hiển hiện hơn.” Ông chỉ vào một ứng dụng Android khiến mọi người khó khởi động trò chơi trên điện thoại hơn. Nhóm của Steel đã thiết kế một ứng dụng giành cho điện thoại và máy tính có cơ chế làm chậm các chương trình gây xao lãng; khi bạn nhấn vào, ví dụ Candy Crush chẳng hạn, điện thoại sẽ bắt đầu đếm lùi và hỏi bạn liệu bạn có thật sự muốn chơi hay không, thay vì bật lên ngay lập tức. Steel nhận thấy khoản lùi nhỏ đó thường cũng đủ để khiến chúng ta nghĩ đến chiến lược đối phó trì hoãn ưa thích của mình.
Tất nhiên, nếu bạn là một người trì hoãn quá mức, có thể bạn sẽ không cài đặt một chương trình như thế. “Trớ trêu ở chỗ những người trì hoãn sẽ trì hoãn việc đối mặt với sự trì hoãn của mình,” Steel nói. Thế nên tôi có một ý tưởng: thay vì làm bất kỳ điều gì bạn nên làm ngay bây giờ, hãy xem qua trắc nghiệm trì hoãn của Steel (http://procrastinus.com/). Trong này có một số thứ bạn sẽ còn thích hơn cả những trắc nghiệm tính cách trực tuyến- và nó thậm chí còn có thể giúp bạn chiến thắng chính sự trì hoãn của mình. Bạn cứ thử và xem như thế nào.
Nguồn: http://www.newyorker.com/science/maria-konnikova/a-procrastination-gene
Dịch: Psychub