BÀI HỌC VỀ TRỊ LIỆU ĐẾN TỪ ĐÈN GIAO THÔNG
- Lựa chọn quyết định
HANS R. AGRAWAL 14/03/2015
Jeremy sẽ tới trong vài phút nữa. Tôi quý anh ta và thật sự muốn trợ giúp cho anh. Nhưng tôi vẫn luôn biết kết quả. Anh sẽ mỉm cười và xin lỗi, sẽ nói về cảm giác yếu đuối, mất liên kết và thất bại của bản thân. Anh sẽ tức giận về người cha lãnh cảm và “dốt nát”. Còn tôi sẽ cố bàn luận những vấn đề cũ kỹ ở trên theo một cách mới. Chúng tôi sẽ tái lập một nhịp điệu cũ và rồi cả hai sẽ mệt mỏi. Còn ngay bây giờ, vài phút trước khi phiên trị liệu bắt đầu, tôi nhâm nhi ly cà phê và quan sát người đi đường từ khung cửa sổ.
Văn phòng của tôi nằm ở tầng 3 trong một tòa nhà tại Cambridge, Massachusetts, ngay tại ngã tư đường đông đúc ở Quảng trường Harvard. Có một khung cảnh đặc biệt mà tôi đã quan sát thấy mấy lần. Một người đi tới ngã tư, muốn sang phía bên kia. Dù tín hiệu đi bộ đèn xanh nhấp nháy gọi mời, người ấy lại có vẻ bị tê liệt vì những mâu thuẫn và lưỡng lự. Nhân vật đó bước xuống đường rồi lại rút chân lên. Tín hiệu bắt đầu nhấp nháy rồi chuyển sang bàn tay đỏ chói. Ngay thời điểm đó, khi cơ hội qua đường đóng lại, người ấy mới chạy nhanh sang phía bên kia, lúc xe cộ bắt đầu tăng tốc ngay sát cạnh bên.
Đó là một hiện tượng khá kỳ lạ, và tôi thắc mắc liệu có yếu tố tâm lý nào liên quan ở đây không? Tại sao người ấy không qua đường ngay khi có tín hiệu? Tại sao đèn đỏ lại bỗng nhiên giải phóng người đó khỏi sự tê liệt? Tại sao họ lại liều lĩnh sang đường dù có thể bị xe tông?
Dần dà tôi đã có được câu trả lời. Người qua đường nhìn đèn tín hiệu như một nguồn gây lưỡng lự, một nguy cơ. Người ấy không chắc liệu đèn sẽ ra sao khi họ bước xuống đường. Người ấy không chắc mình sẽ qua đường trong bao lâu. Người ấy không tin rằng hệ thống đèn đủ tinh tế để ngay cả khi thấy đèn đang xanh, họ sẽ có đủ thời gian để tới được lề bên kia.
Mặt khác, khi đèn đổi sang màu đỏ, người ấy lại biết chính xác mình đang ở đâu. Lúc này, họ chẳng còn phải lo lắng về thời gian vì thời gian thì đã hết, khi không còn sợ hãi, người ấy trở nên thoải mái mà băng qua đường. Đèn đỏ lúc này lại gắn với sự chắc chắn, và vì thế, đồng nghĩa với sự an toàn.
Theo một cách nào đó, đây chính là định nghĩa của nhiễu tâm. Việc trốn chạy nguy hiểm và kiếm tìm an toàn một cách khiên cưỡng đã đưa bước người đi đường đến với một tình huống còn nguy hiểm và liều lĩnh hơn. Họ cuối cùng đã chọn một mối nguy trước mắt thay vì một mối nguy còn chưa xuất hiện.
Trở lại với Jeremy.
Jeremy, tầm bốn mươi tuổi, đến trị liệu tâm lý vào thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh. Anh gầy dựng một công ty riêng nhưng lại thất bại. Sau cùng, anh chẳng biết mình sẽ phải làm gì. Anh đã giành phần lớn đời mình chuẩn bị làm một điều gì đó thật quan trọng, thu thập nhiều bằng cấp cao từ những trường đại học danh tiếng. Nhưng lúc này, khi bước vào tuổi trung niên, anh trở nên lạc lối, không có danh tiếng nghề nghiệp cũng chẳng có điều gì để thuật lại về đời mình. Anh cảm thấy văn bằng không đem lại cho anh những kỹ năng thực tế cần có để thành công. Trong suy nghĩ của mình, anh chỉ là một kẻ bịp bợm. Hơn nữa, anh còn nhìn bản thân như một người không thể kiểm soát và sử dụng những gì anh không biết.
Một trong những chiến lược đối phó với nỗi sợ thất bại của anh là quăng mình vào thật nhiều dự án cùng một lúc. “Cố quá thành quá cố”, anh hứa thật nhiều, cam kết thật nhiều để rồi cuối cùng lại làm những đồng nghiệp đặt niềm tin nơi anh phải thất vọng. Trớ trêu thay, để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ thất bại, anh lại chọn cách lao mình thẳng vào những thất bại đó.
Huyễn tưởng về trị liệu của Jeremy là nó sẽ đem lại cho anh sự tự tin và can đảm cần có để chinh phục thế giới. Hay ít nhất là để kiếm ra tiền. Chúng tôi đã giành phần lớn thời gian để tìm hiểu mối quan hệ của anh và người cha, một nhân vật thông minh, vĩ đại, người luôn bắtnạt và xem thường vợ con mình. Ông xem Jeremy như là đứa luôn lo lắng và sợ hãi như mẹ của anh, thay vì là người mạnh mẽ, gan dạ như chính ông.
Trong suốt năm đầu tiên trị liệu, Jeremy tự nguyện làm việc tại công ty kỹ thuật mà cha anh đã xây dựng. Jeremy đến trị liệu hết buổi này đến buổi khác, phiền trách cha mình đã phỉ báng và phớt lờ anh trong bất kỳ nhiệm vụ nào anh được giao: huy động vốn, nộp hồ sơ xin bản quyền, thuê mướn nhân viên. Jeremy biết trước những điều này sẽ xảy ra, vậy tại sao anh vẫn đâm đầu vào?
Chúng ta có thể hiểu được lựa chọn của Jeremy từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, một cách nhìn là anh đang cố gắng sửa chữa mối quan hệ cha-con chưa bao giờ được gắn kết. Một quan điểm khác là dù nhận thức tất cả những nguy cơ, anh vẫn chọn việc ở lại trong gia đình thay vì phải đánh cược với một thế giới tràn ngập những khả năng anh còn chưa biết.
Vào chính ngày hôm ấy, Jeremy trông kích động hơn bình thường. “Từ lần gặp trước, có rất nhiều chuyện xảy ra với tôi,” anh nói, “Tôi bây giờ là một mớ hỗn độn.”
Trong đầu tôi xuất hiện hàng đống những giả thuyết. Anh ta bị đuổi việc? Anh ta gặp vấn đề về sức khỏe? Có ai qua đời chăng?
Hóa ra, công ty của anh và cha anh nhận được phản hồi rằng sản phẩm của họ hoạt động tốt hơn kì vọng. Đó là bước tiến quan trọng, đảm bảo cho việt họ sẽ nhận được thêm nhiều tài trợ cho dự án. Công ty nay đã hoạt động thực thụ và trở nên rất có giá trị. Rất có thể năm tới nó sẽ được mua lại với giá cao và lúc đó cha con họ sẽ có dịp chúc mừng nhau vì đã hợp tác thành công.
Tuy nhiên Jeremy lại rất hoang mang. “Chúng tôi đã đạt được những gì chúng tôi muốn, điều đó rất tuyệt, thật sự rất đáng kinh ngạc,” anh nói, “Nhưng tại sao tôi lại cảm thấy kinh khủng như thế này?”
Đây là một miền đất lạ với Jeremy và anh đang rất sợ hãi. Anh bị gắn chặt với cảm giác vô dụng và mắc kẹt với một mối quan hệ “tưởng chừng không bao giờ có” với cha mình. Nếu anh để bản thân nếm mùi chiến thằng và rồi tất cả lại đổ vỡ thì sao? Bây giờ anh lại có quá nhiều thứ để mất. Thậm chí mọi việc còn có thể tệ hại hơn, nếu anh có được mọi thứ anh muốn thì sao? Rồi anh sẽ là ai? Anh không biết phải dung nạp một nhân dạng thành công và một hình ảnh đứa con “đáng giá” mới này như thế nào. Tuy nhiên, anh vẫn mong muốn có được chúng dù việc này sẽ mang đến một cảm giác mất mát kì lạ: Đây không phải là “bản thân” mà anh vẫn biết.
Tín hiệu đèn xanh nay đang nhấp nháy gọi mời Jeremy bước qua đường. Nhưng anh lại trở nên tê liệt.
Bài hát “Me and Bobby McGee” diễn tả rất đúng trường hợp này: “Freedom’s just another word for nothing left to lose.” – “Tự do chỉ là một cách nói khác của việc không còn gì để mất.” Chúng ta ai cũng sợ hãi những gì mình có thể dễ dàng đánh mất, dù là địa vị nghề nghiệp hay ai đó để yêu thương. Chúng ta bị mắc kẹt trong một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Theo đuổi những điều tốt đẹp có thể khiến ta sợ hãi nhưng từ chối chúng lại có thể trở nên vô cùng nguy hiểm.
Link nguồn: http://opinionator.blogs.nytimes.com/2015/03/14/lessons-from-a-traffic-light/#more-156236
Dịch: Saigon Psychub – Hành lang Tâm lý